Một họa sỹ có tên tuổi thường có những mức giá ấn định tranh của họa sỹ đó trên thị trường, giá tranh nó không những phản ảnh xu hướng chơi tranh của người họa sỹ đó, mà nó còn có thể được xem như một trong những tiêu chí quan trọng cho việc “xếp hạng” họa sỹ trong làng hội họa trong nước hay quốc tế. Để có cái nhìn rõ nét hơn về vị trí của người nghệ sỹ trên trường quốc tế, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về giá trị những bức tranh được chào đón nhất của những họa sỹ này.
Họa sỹ Lê Phổ
Bức tranh đầu tiên phải kể đến là bức “những chú chim”, vẽ trên lụa, của họa sỹ Lê Phổ. Giá tranh của họa sỹ này tại các phiên đấu giá quốc tế khá cao, dao dộng quanh 100 ngàn USD. Riêng bức tranh này được Christe’s Hồng Kông đấu giá thành công ở mức 625.000 đô la Hồng Kông (hơn 1,7 tỷ đồng), vượt xa mức dự kiến 150.000 HKD trước đó.
Một bức tranh khác được ông vẽ vào năm 1963 với chủ đề “tĩnh vật với hoa quả”, cũng được bán với giá khá cao ở mức 350.000 HKD (khoảng 955 triệu đồng).
Nắng trong nhà, Lê Phổ – 225.000 HKD (614 triệu đồng)
Nho và rượu vang (La Vigne Et Le Vin) do họa sỹ Lê Phổ vẽ khoảng những năm 1950, được mua với giá 200.000 HKD (gần 546 triệu đồng), trong khi trước đó, nhà Christie’s đưa ra mức dự đoán từ 80.000-120.000 HKD.
Họa sỹ Mai Trung Thứ
Họa sỹ Mai Trung Thứ (1906 – 1980) là một trong những họa sỹ xuất sắc nhất tốt nghiệp khóa I trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương (1925 – 1930). Cùng những đồng môn của mình, Mai Thứ đã trở thành thế hệ họa sỹ đầu tiên của Việt Nam kết hợp giữa khuynh hướng lãng mạn và bút pháp hiện đại.
Các tác phẩm của Mai Thứ chủ yếu là tranh lụa với những đề tài mang đậm bản sắc dân gian và cốt hồn của văn hóa truyền thống Việt Nam như phụ nữ, trẻ em, cuộc sống hàng ngày. Mai Thứ đã hòa hợp trên mảnh lụa dân tộc những màu sắc phong phú, lung linh độc đáo. Những sáng tác mang đậm màu sắc Á Đông này đã góp phần tạo dựng chỗ đứng và tên tuổi của ông trong nền hội họa Việt Nam hiện đại.
Mẹ và em bé (vẽ khoảng những năm 1940), tranh bột màu và mực trên lụa, 53 x 64cm, đã được bán với giá 475.000 đô la Hồng Kông (1,3 tỷ đồng).
Mẹ và em bé đang ngủ (1956), tranh bột màu và mực trên lụa, 15 x 11cm, được bán thành công với mức 150.000 HKD (tương đương 409 triệu đồng), vượt mức giá dự kiến từ 80.000 – 100.000 KHD.
Đọc sách (1964), tranh bột màu trên lụa, đạt mức giá 325.000 HKD (886 triệu đồng), hơn gấp đôi mức kỳ vọng 150.000 HKD của nhà Christie’s.
Cô gái bên cửa sổ (1941), được mua với giá 400.000 HKD (gần 1,1 tỷ đồng)
Bức Mẹ con của Mai Thứ từng được nhà Christie’s bán giá 800.000 HKD hồi tháng 5.2012.
Họa sỹ Vũ Cao Đàm
Vũ Cao Đàm là sinh viên khóa II của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, nhưng là khóa đầu tiên của Khoa Điêu khắc (1926-1931). Thoạt đầu, Vũ Cao Đàm tham gia cả hội họa và điêu khắc, nhưng tới năm thứ nhì thì ông chuyển hẳn sang điêu khắc. Ông từng kể: “Thầy Tardieu (Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương) thấy tôi có khả năng về điêu khắc và tôi đã nặn tượng bán thân cho cha tôi, ông khen đẹp. Cho nên năm thứ nhì, tôi học thẳng sang ngành điêu khắc và tôi rất thích, sau đó tôi chuyên về chân dung”.
Năm 1931, Vũ Cao Đàm tốt nghiệp khóa học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương với kết quả xuất sắc. Ông được nhận học bổng sang Pháp nghiên cứu và nâng cao kiến thức về tạo hình tại Bảo tàng Louvre. Năm 1938, Vũ Cao Đàm kết hôn với nghệ sĩ dương cầm Pháp Renee. Trong thời gian diễn ra cuộc đại chiến thế giới lần thứ hai (1939-1945), việc làm tượng trở nên hết sức khó khăn. Lý do là ở thời kỳ ấy, nhất là khi quân đội Đức chiếm đóng nước Pháp, họ sẵn sàng tịch thu những vật dụng bằng đồng để phục vụ việc đúc vũ khí. Việc đổ khuôn đồng bị cấm. Vũ Cao Đàm phải nặn tượng bằng đất nung rồi đánh bóng (như các bức ông dựng chân dung vợ chồng thi sĩ Jean Tardieu, con trai thầy dạy cũ của mình). Tình thế khiến Vũ Cao Đàm quyết định chuyển từ làm tượng sang vẽ tranh. Ông vẽ, thoạt tiên là tranh lụa, rồi sơn dầu. Lý do chuyển sang sơn dầu, ngoài sự đam mê khám phá còn xuất phát từ sự bất tiện trong việc thực hiện cũng như bảo quản tác phẩm. Ông cho biết: “Tôi thấy tranh lụa bị giới hạn bởi kích thước của bức tranh, vì có miếng kính che gìn giữ cho lụa cho nên không thể vẽ to được”.
Bức tranh Lovers In A Landscape của Vũ Cao Đàm (Nguồn: Christies)
(còn tiếp)
Anthony NGUYEN
Sưu tầm và tổng hợp