1. Những thuật ngữ liên quan

Vào đầu thế kỷ XX, người Pháp dùng thuật ngữ bleus de Hué  để gọi những đồ sứ men trắng vẽ lam trưng bày và sử dụng trong các cung điện ở Huế. Theo họ, dòng đồ sứ này hoặc được chế tạo trong vùng phụ cận kinh đô Huế hoặc do nhà Nguyễn đặt làm tại Trung Hoa.1 Về sau, danh từ này được dùng chung cho tất cả các đồ sứ men lam do Việt Nam đặt làm tại Trung Hoa từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX.

Hiện nay, thuật ngữ đồ sứ men lam Huế không còn thích hợp do cách gọi này khiến người ta nghĩ rằng đó là những đồ sứ được chế tạo ở Huế, song trên thực tế chúng không hề được làm ở Huế mà được đặt làm tại Trung Hoa. Trong ngành lịch sử mỹ thuật, các thuật ngữ đồ sứ men màu Quảng Châu hay đồ sứ men lam Sèvres chỉ được dùng để gọi những món đồ sứ do chính những nơi này làm ra. Tên gọi của dòng đồ sứ do Việt Nam đặt làm tại Trung Hoa đã được quốc tế thừa nhận là: đồ sứ Trung Hoa xuất khẩu (cho Việt Nam), tiếng Pháp là porcelaine chinoise d’exportation (pour Annam), tiếng Anh là Chinese export porcelain (for Vietnam). Thuật ngữ này bao hàm cả những đồ sứ do Việt Nam đặt làm lẫn đồ sứ Trung Hoa xuất khẩu sang Việt Nam.

Ở Việt Nam, nhiều nhà chuyên môn sử dụng thuật ngữ đồ sứ ký kiểu (ĐSKK) để gọi dòng đồ sứ này. Vì vậy, trong bài này tôi dùng danh từ Đồ sứ ký kiểu thời chúa Trịnh để gọi những món đồ sứ do các chúa Trịnh ở Đàng Ngoài đặt làm tại Trung Hoa trong các thế kỷ XVII – XVIII.

Dòng ĐSKK này được các nhà chuyên môn phân biệt theo triều đại:

* ĐSKK thời Hậu Lê (hay thời Trịnh – Nguyễn phân tranh): Hiện nay, chúng ta chưa có bằng chứng về sự tồn tại của những món ĐSKK dành cho vua Lê (đồ ngự dụng) ở Đàng Ngoài, dù rằng có một số tác giả, như Phạm Hy Tùng và Trần Đình Sơn, đã giới thiệu nhiều hiện vật trong bộ sưu tập của họ và cho đó là ĐSKK ngự dụng của vua Lê. Theo tôi, trong giai đoạn này chỉ có hai dòng ĐSKK được phân biệt rõ ràng là: đồ sứ do các chúa Trịnh ở Đàng Ngoài và đồ sứ do các chúa Nguyễn ở Đàng Trong ký kiểu. Trong đó, đồ sứ do các chúa Trịnhký kiểu là những món đồ mang các hiệu đề: 內府侍中(Nội phủ thị trung), 內府侍右(Nội phủ thị hữu), 內府侍東 (Nội phủ thị đông), 內府侍南 (Nội phủ thị nam), 內府侍北 (Nội phủ thị bắc), 內府侍兑(Nội phủ thị đoài) và 慶春侍左 (Khánh xuân thị tả). Còn đồ sứ do chúa Nguyễn ký kiểu là những chiếc tô đề thơ của chúa Nguyễn Phúc Chu (1691 – 1725) vẽ kèm phong cảnh minh họa những nội dung bài thơ đó. Những chiếc tô này đều có hiệu đề gồm hai chữ Hán Thanh ngoạn (清玩) viết theo lối chữ triện.

* ĐSKK thời Tây Sơn (1788 – 1802): Tương tự những món ĐSKK được cho là làm cho vua nhà Lê, những món ĐSKK do triều đình Tây Sơn đặt làm chưa được xác định một cách chính xác. Vương Hồng Sển đề nghị xếp vào nhóm này những hiện vật men rạn mang hiệu đề Trân ngoạn (珍玩), đề những bài thơ chữ Nôm với các họa tiết trang trí giản lược và kém về chất lượng men, màu.

* ĐSKK thời Nguyễn (1802 – 1945). Đây là những món đồ sứ được ký kiểu vào thời Nguyễn, chủ yếu dưới các triều vua: Gia Long (1802 – 1820), Minh Mạng (1820 – 1841), Thiệu Trị (1841 – 1847), Tự Đức (1848 – 1883) và Khải Định (1916 – 1925), bao gồm các dòng đồ sứ ngự dụng, quan dụng và dân dụng, cả đồ sứ men trắng vẽ lam lẫn đồ sứ màu.

2. Đồ sứ ký kiểu thời chúa Trịnh

ĐSKK thời chúa Trịnh là những đồ sứ men trắng vẽ lam được chế tác tại ngự diêu ở Cảnh Đức Trấn2 (tỉnh Giang Tây, Trung Quốc) theo đặt hàng của chúa Trịnh. Đó là dòng đồ sứ có chất lượng hảo hạng: xương sứ thật trắng, hoa văn, họa tiết được vẽ bằng màu lam thượng hạng ở dưới lớp men trong và bóng láng. Hiệu đề trên các món đồ sứ này được viết bằng màu lam dưới lớp men phủ trong suốt, riêng hiệu đề Nội phủ thị đoài thì được khắc nổi trên nền men trắng. Dòng đồ sứ mang hiệu đề Nội phủ thị…3có xương sứ dày trung bình, hoa văn trang trí được vẽ bằng men lam Hồi. Trong khi những món đồ mang hiệu đề Khánh xuân thị tả thì có xương sứ mỏng hơn, lớp men phủ sáng bóng, màu xanh lam của các họa tiết trang trí hơi ngã sang màu tím, bút pháp trang trí tỉ mỉ và hoàn hảo, nét vẽ mảnh và có độ chính xác cao.

2.1. Nội phủ, một cách gọi khác của vương phủ

Sự hiện diện của hai chữ 內府 (nội phủ)trong hiệu đề của ĐSKK thời chúa Trịnh đã khiến nhiều nhà nghiên cứu ngộ nhận. Trong tiếng Hoa, hai chữ này phát âm là neifu, có nghĩa là “vương cung”. Vì thế, một số nhà nghiên cứu gốm sứ ở Việt Nam đã xếp đồ sứ mang hiệu đề Nội phủ thị… của chúa Trịnh là đồ ngự dụng trong cung điện của vua Lê. Trong khi đó, cung điện của vua Lê được sử sách gọi bằng các từ nội điện hay nội cung. Còn từ phủ ở Việt Nam được dùng cho các trường hợp sau:

– Nơi ở của các thân vương, thân công, hoàng tử, quan chức cao cấp của triều đình, như trong từ phủ đệ.4 Chẳng hạn, nơi ở của Trịnh Giang khi còn làm Tiết chế là phủ Điện Quốc5, còn nơi ở của Trịnh Doanh và Trịnh Sâm trước khi lên ngôi chúa là phủ Lượng Quốc6;

– Đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh (tỉnh – phủ – huyện). Chẳng hạn: sau khi dời kinh đô từ Hoa Lư về Thăng Long, vua Lý Thái Tổ đã đổi kinh đô Hoa Lư thành phủ Trường An7; hoặc tỉnh Thanh Hóa ngày trước bao gồm 6 phủ: Thiệu Thiên, Hà Trung, Tĩnh Gia, Thanh Đô, Trường Yên và Thiên Quan8;

– Cơ quan hành chính hoặc cơ quan quân sự cao cấp trong triều đình. Chẳng hạn, năm 1466, vua Lê Thánh Tông chia quân đội thành 5 phủ là: Trung quân, Đông quân, Tây quân, Nam quân, Bắc quân9 để bảo vệ an ninh trong kinh đô Thăng Long.

Nơi ở của chúa Trịnh được gọi là vương phủ. Trong vương phủ này có liêu phủ, phủ đường hay chính phủ là nơi chúa Trịnh trị vì và là nơi triều hội của các quan. Bắt đầu từ đời chúa Trịnh Tùng, vương phủ trở thành trung tâm quyền lực của bộ máy hành chính, tư pháp lẫn quân sự. Để đánh dấu tầm quan trọng của nơi này, sau khi đặt lục phiên trong vương phủ, chúa Trịnh Cương đã tự gọi nơi ở mình là nội phủ, tương phản với nội điện là cung vua.

Từ nội phủ xuất hiện trong nhiều văn bản thuộc các thế kỷ XVIII – XIX, với hàm ý chỉ vương phủ của chúa Trịnh:

– Năm Kỷ Mùi (1619) vua Lê Kính Tông cùng với Thái bảo Vạn quận công Trịnh Xuân, con của Bình An vương Trịnh Tùng, âm mưu giành lại quyền lực cho mình. “Bình An vương sai võ tướng là Thái bảo Thái tử Trần quận công Trịnh Bôi và Nội giám là Nhạc quận công lập tức vào cung cung điện, bắt vua Lê phải thắt cổ mà chết, xong lấy xác vứt ở sân cầu, không cho quàn ở nhà Thái Miếu. Xong, Bình An Vương sai người đi bắt Vạn quận công là Trịnh Xuân giải về. Bình An vương tức giận, muốn giết ngay, nhưng lại nghĩ dến đạo cha con mà không nỡ, bèn truyền lệnh giam vào nội phủ”.10

“Vào khoảng trung tuần tháng 5 [1623], Bình An vương lâm bệnh, nằm ngồi, ăn uống đều khó khăn, thân thể suy nhược, chân tay không cất nhắc nổi. (…) Đến tháng sáu của hè năm ấy, người con [của Bình An Vương] do bà Vương phi sinh hạ; là Thái bảo Vạn quận công Trịnh Xuân, người đang nặng lòng oán giận về việc bị phạt tội năm trước, nay thấy phụ vương bị bệnh nguy kịch, thì tà tâm bỗng nổi lên. Hắn lại âm mưu ngôi chúa, tranh quyền với anh nên hợp quân sĩ để bàn kế sách. Ngày 16, Vạn quận công đem quân chiếm hết các vị trí hiểm yếu ở trong thành, còn mình thì xông thẳng vào nội phủ, tới tận nơi giường bệnh của Bình An vương”.11

– “Theo lệ cổ, con trai của chúa cứ đến 7 tuổi thì cho ra ở riêng để học, nếu là con trai trưởng thì cứ đến 13 tuổi là cho mở phủ đệ riêng, được phong làm Thế tử. Nhưng Sâm cho rằng Khải không phải do Chính phi sinh ra nên không yêu quý lắm. (…) Hai viên quan trong cơ quan Ngự sử đài là Nguyễn Thướng và Vũ Huy Đĩnh nhiều lần xin Trịnh Sâm lập Thế tử, nhưng họ đều bị giáng chức. Về sau, Đặng Thị Huệ, là một thị nữ được [Trịnh Sâm] yêu chiều, sinh con trai là Cán, Trịnh Sâm đặc biệt yêu quý hơn nên sách phong Đặng Thị làm Tuyên phi. Từ đó, Đặng Thị ra sức xây dựng phe cánh ngày một mạnh. [Đặng Thị Huệ] ngầm nuôi chí lập mưu cướp ngôi Thế tử cho con là Cán. Khải lấy đó làm mối lo. [Khi Trịnh Sâm bị bệnh, Trịnh Khải âm mưu với các quan trấn thủ Sơn Tây Nguyễn Lệ và trấn thủ Kinh Bắc Nguyễn Khắc Tuân làm loạn] Sâm giáng Khải xuống làm con út và bắt giam ở nội phủ.12

– “A bảo Diễm quận công Trần Xuân Huy đích thân ẵm thế tử Trịnh Cán bấy giờ Cán mới sáu tuổi, mặc triều phục đứng trong sân phủ, đợi tuyên sắc, quỳ xuống nhận lãnh sắc mệnh xong, Xuân Huy lại cho Cán lên ngôi chúa ở nhà ngoại phủ. Trăm quan theo thứ tự lạy mừng. Khi xong lễ, Xuân Huy lại hầu Cán vào nhà nội phủ”.13

Những đoạn văn nêu trên cho phép chúng ta loại bỏ các ý kiến cho rằng nội phủ là cung điện hay kho tàng của nhà vua, vì chúa Trịnh không thể giam Trịnh Xuân hay Trịnh Khải trong kho tàng của vua Lê, càng không thể giam họ trong cung điện của vua Lê, nhất là trong trường hợp của Trịnh Xuân, người đã nổi loạn với sự thông đồng của vua Lê Kính Tông. Như vậy nội phủ chỉ có thể chỉ vương phủ của chúa Trịnh mà thôi.

2.2. Niên đại của đồ sứ ký kiểu thời chúa Trịnh

Niên đại ĐSKK thời chúa Trịnh rất khó xác định do thiếu tư liệu vì phần lớn các tư liệu liên quan đã bị hủy hoại trong cuộc đốt phá vương phủ vào năm 1786 theo lệnh của vua Lê Mẫn Đế. Về sau, vào năm 1834, vua Minh Mạng cũng ra lệnh đốt bỏ các tài liệu của nhà Lê còn lưu giữ ở Hà Nội.

Các ý kiến của những nhà nghiên cứu ở Việt Nam cũng như ở nước ngoài lại khác nhau. Phạm Hy Tùng (2006) đề nghị xác định niên đại của các đồ sứ men lam đầu tiên là vào đời chúa Trịnh Tùng (1548 – 1623). Trần Đức Anh Sơn (2001) xác định niên đại của chúng vào cuối thế kỷ XVII, đời chúa Trịnh Căn (1682 – 1708). Vương Hồng Sển (1993) và Trần Đình Sơn (1996) xác định vào đầu thế kỷ XVIII, trong khi Thomas Ulbrich (1998) thì lại xác định vào nửa sau thế kỷ XVIII, đời chúa Trịnh Sâm (1767 – 1782).

Sách Lê triều chiếu lịnh thiện chính cho biết năm Vĩnh Thọ thứ 4 (1661), vua Lê Thần Tông và chúa Trịnh Tạc đã ban chỉ dụ, quy định về phẩm phục, đồ dùng bát đĩa: “Tước công: áo mặc thường dùng gấm vóc thêu lân, phụng… bát đĩa dùng đồ sứ Trung Quốc bịt vàng, vẽ rồng và màu sắc đều nghiêm cấm. Hoàng tử, vương tử và những chúc thái sư, thái phó, thái bảo, thiếu sư, thiếu phó, thiếu bảo tước quận công: áo mặc thường, dùng gấm vóc thêu lân, phụng… bát đĩa dùng đồ sứ Trung Quốc bịt vàng. Nghiêm cấm các thứ vẽ rồng và màu sắc”.14 Chi tiết “Nghiêm cấm các thứ vẽ rồng và màu sắc” trong tư liệu này cho thấy sự cấm đoán này không thể áp dụng đối với người thợ Trung Hoa làm ra món đồ sứ mà chỉ có thể áp dụng cho người Việt Nam sử dụng món đồ sứ ấy. Vậy, các bát đĩa bằng sứ Trung Hoa nêu trên có phải là hàng mua tại Trung Quốc hay là ĐSKK, và nếu là ĐSKK thì đó có phải là ĐSKK của chúa Trịnh hay không?

Nửa đầu thế kỷ XVII, triều Minh đương suy bại dần. Ở trong nước thì nông dân nổi loạn khắp nơi, ở bên ngoài thì phải binh chính với Triều Tiên và Mông Cổ. Tình hình xã hội bất an, kinh tế khó khăn đã ảnh hưởng xấu đến kỹ nghệ chế tác đồ sứ. Các vua Vạn Lịch (1573 – 1620), Thiên Khải (1621 – 1627) vàSùng Trinh (1628 – 1644) đã không còn ra lệnh cho ngự diêu Cảnh Đức Trấn chế tác đồ sứ cho triều đình, thay vào đó, triều đình buộc lò này chuyên sản xuất đồ sứ để xuất khẩu sang Nhật Bản. Dưới triều Thuận Trị (1644 – 1661), vị vua khởi dựng triều Thanh, đa số các lò gốm sứ ở Cảnh Đức Trấn đều bị phá hủy. Ngự diêu được tái lập vào năm 1654 nhưng chất lượng đồ sứ của ngư diêu ngày càng sa sút và việc sản xuất bị ngưng trệ vào năm 1660. Trong cuộc phản loạn chống lại Thanh triều do tướng Ngô Tam Quế (1673 – 1680) cầm đầu, ngự diêu Cảnh Đức Trấn bị tàn phá nặng nề. Mãi đến năm 1682 – 1683, ngự diêu ở Cảnh Đức Trấn mới được phục hồi và phát triển dưới sự điều hành của vị quản thủ Tang Ứng Tuyển (1681 – 1722).

Cũng trong thời kỳ này, mối quan hệ giữa triều Lê và triều Minh trở nên căng thẳng. Các vua Vạn Lịch, Thiên Khải và Sùng Trinh đều không công nhận vua Lê là An Nam quốc vương mà chỉ phong làm An Nam đô thống sứ. Điều này cho thấy các vua nhà Minh không đời nào cho phép một vị đô thống sứ, phẩm hàm chỉ ngang một viên quan nhị phẩm của nhà Minh được đặt làm đồ sứ ở ngự diêu Cảnh Đức Trấn. Sau khi vua Sùng Trình tự vẫn tại Bắc Kinh (1644), Thuận Trị lên ngôi ở Bắc Kinh, lập ra nhà Thanh nhưng triều đình Đại Việt vẫn tiếp tục công nhận vua nhà Minh là hoàng đế Trung Hoa. Lúc này, vua kế vị của triều Minh là Minh Hoài Tông, niên hiệu Vĩnh Lịch (1646 – 1655) đang lưu vong ở miền Nam Trung Hoa. Năm 1647, Minh Hoài Tông sắc phong cho vua Lê Thần Tông của Đại Việt làm An Nam quốc vương. Năm 1651, vị vua này lại phong chúa Trịnh Tráng làm Đô thống sứ đại tướng quân và vài tháng sau là An Nam phó quốc vương. Mãi đến năm 1663, chúa Trịnh Tạc mới sai sứ sang bang giao với Thanh triều. Như vậy, chỉ dụ của vua Lê Thần Tông vào năm Vĩnh Thọ thứ tư cho thấy: nếu người Việt có đặt mua đồ sứ tại Trung Hoa trong khoảng các năm 1644 – 1663 thì là đó là đồ sứ được làm tại những lò sứ tư nhân ở các tỉnh Phúc Kiến hoặc Quảng Đông, chứ không thể là ĐSKK ở ngự diêu Cảnh Đức Trấn.

Trong sách Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú cho biết trong niên hiệu Bảo Thái (1720 – 1729), vua Lê Dụ Tông (1705 – 1729) đã ra một chỉ dụ quy định các quan từ thượng thư, ngự sử trở xuống chỉ được dùng “bát đĩa hàng Trung Quốc bịt thau, cấm vẽ rồng lân phụng”15 còn các chức quan từ “hoa văn học sinh, án lại, xá nhân trở xuống thì dùng “bát đĩa hàng Nam”. Chỉ dụ này chứng tỏ rằng vào thời Lê Dụ Tông, người Việt đã đặt làm đồ sứ theo mẫu của mình đưa ra (vì thế mới có lệnh “cấm vẽ rồng lân phụng”) ở Trung Hoa. Dựa vào điều này thì có thể thấy vào đời chúa Trịnh Căn (1682 – 1709) và nhứt là, dưới thời chúa Trịnh Cương (1709 – 1729) thì người Việt Nam đã ký kiểu đồ sứ tại Trung Hoa với các hoa văn, mẫu mã do người Việt vẽ ra.

Hiện nay, rất khó xác định thời điểm khởi đầu việc ký kiểu đồ sứ ở Trung Hoa một cách chính xác. Tuy nhiên, theo tôi, ĐSKK của chúa Trịnh không thể thực hiện trước đời chúa Trịnh Căn (1682 – 1709), vì ngự diêu Cảnh Đức Trấn chỉ bắt đầu hoạt động trở lại từ năm 1683. Và có thể, ĐSKK thời chúa Trịnh được bắt đầu từ đời chúa Trịnh Cương (1709 – 1729).

Mặc dù trang trí trên ĐSKK của chúa Trịnh là do nghệ nhân Việt Nam thiết kế nhưng chúng chịu ảnh hưởng từ Trung Quốc. Tuy nhiên, chúng ta phải ghi nhận rằng đôi khi các ảnh hưởng này du nhập vào Việt Nam rất muộn. Như vậy những ĐSKK thời chúa Trịnh có kiểu thức trang trí như gốm sứ đời Khang Hi không nhất thiết phải thuộc về thời đại này mà rất có thể là xuất hiện ở các triều đại sau. Ví dụ loại bát vẽ hai nhân vật trong một ô tròn trên nền hoa văn chữ Thọ, vốn là đặc trưng của đồ sứ sản xuất dưới triều Thiên Khải, chỉ được người Việt cho đặt làm trên các món đồ sứ ký kiểu năm 1841 hoặc năm 1845 đời Thiệu Trị của triều Nguyễn. Một ví dụ khác tương tự là những chiếc tô sứ vẽ cảnh chiến trận Xích Bích kèm bài Xích Bích phú.

Tuy vậy, những sự cách tân này cho phép xác định thời điểm ra đời của các món đồ sứ một cách gần đúng. Chẳng hạn, khi lối trang trí guozheng16, một kiểu thức trang trí trên gốm sứ có từ đời Ung Chính (1723 – 1735) trên các đồ sứ Nianyao17 xuất hiện trên đồ sứ Nội phủ thị trung hay Nội phủ thị hữu, thì ta có thể xác định niên đại của các món đồ này là vào đời chúa Trịnh Giang (1729 – 1740).

 

2.3. Trang trí trên đồ sứ ký kiểu thời chúa Trịnh

Trang trí trên ĐSKK thời chúa Trịnh do họa sĩ Việt Nam thực hiện theo lệnh chúa Trịnh. Tuy ảnh hưởng Trung Hoa có thể nhìn thấy trong các trang trí này, nhưng nghệ nhân Việt Nam không rập theo khuôn mẫu Trung Hoa mà luôn luôn biến đổi theo phong tục và tinh thần Việt Nam.

Trong đồ án long triều thọ trên chiếc đĩa Nội phủ thị trung đời Trịnh Cương (1709 – 1729), một trong những sáng tạo tiên phong của ĐSKK thời chúa Trịnh, nghệ nhân Việt dường như chưa quen với lối vẽ trên đồ sứ. Họ vẫn còn chịu ảnh hưởng từ lối vẽ tranh thủy mặc thông thường như sử dụng những sắc màu đậm nhạt khác nhau và những đường viền xanh đậm bao quanh họa tiết. Tuy vậy, họ đã thay đổi biểu tượng quả cầu lửa tượng trưng cho mặt trời, bằng chữ Thọ tròn để nhấn mạnh mối quan hệ với tuyền thuyết về vua Đinh Tiên Hoàng.

Sang đời Trịnh Giang (1729 – 1740) các đồ án được chọn đều biểu thị sự trang trọng với các đề tài rồng, lân và phụng. Khác với các truyền thống Trung Hoa, các linh vật rồng, lân, phụng trong trang trí của người Việt luôn được thể hiện với dáng điệu sống động và biểu cảm. Các linh vật này đã được thể hiện với những đặc trưng của văn hóa Việt Nam. Họa sĩ Việt Nam đã sử dụng lối vẽ guozheng để né các quy định về việc cấm vẽ rồng ngự (con rồng với năm móng nguyên vẹn). Con rồng trên ĐSKK thời này không bao giờ xuất hiện toàn vẹn vì thân hình của nó ẩn trong các đám mây và uốn lượn ở cả trong và ngoài thành đĩa. Các sáng tạo này được đánh giá cao và tiếp tục thực hiện đến thời Trịnh Sâm (1767 – 1782) với vài thay đổi. Lối trang trí nhấn mạnh sự tương phản giữa những khoảng không gian dày đặc họa tiết với những khoảng không gian để trống hoặc chỉ chấm phá vài nét vẽ đã làm nổi bật các họa tiết màu lam Hồi xanh thẳm trên nền màu trắng tuyệt hảo của men sứ. Lối trang trí đầy sáng tạo này rất được ưa chuộng, khiến chúng được sao chép liên tục trên ĐSKK thời chúa Trịnh, cho đến đời Trịnh Sâm (1767 – 1782), với một vài thay đổi có thể nhận thấy được.

Đến đời Trịnh Sâm chủ đề trang trí trên ĐSKK tiếp tục được bổ sung. Ngoài các đồ án cổ điển, ĐSKK thời kỳ này còn được trang trí bằng các chủ đề phong cảnh, gồm những khu vườn điểm xuyết vài nhân vật, các loài muông thú (trĩ, hươu…) và cây cỏ (thông, liễu, tre, mẫu đơn…), các lan can và những hòn đá tảng.

Bố cục trang trí trên ĐSKK thời chúa Trịnh cho thấy có một mối quan hệ gần gũi với các đồ sứ cổ của Nhật Bản. Bố cục thoáng và giản dị, cách xếp đặt phi đối xứng trong các đồ án trang trí trên ĐSKK thời chúa Trịnh gợi sự liên tưởng với phong cách trang trí trên dòng đồ sứ ko-sometsuke (đồ sứ men trắng vẽ lam cổ) của Nhật Bản. Dòng đồ sứ này được sản xuất tại Cảnh Đức Trấn dưới triều vua Thiên Khải (1621 – 1627) chuyên để xuất khẩu sang Nhật Bản. Một ảnh hưởng khác của văn hóa Nhật Bản18 được hiện diện trên ĐSKK thời chúa Trịnh được thể hiện qua lối vẽ cây mai trên chiếc đĩa Nội phủ thị đông với những cành con thẳng đứng mọc ra từ gốc mai, vuông góc với mặt đất. Do ảnh hưởng của phong tục văn hóa, những họa sĩ vẽ mẫu ĐSKK đời Trịnh Sâm đã không sao chép hoàn toàn kiểu thức trang trí của Nhật Bản mà chỉ sử dụng kiểu vẽ của Nhật Bản để biến đổi những đồ án trang trí truyền thống của Trung Hoa và tạo nên một kiểu trang trí điển hình trên ĐSKK của Việt Nam.

Dưới triều Lê Cảnh Hưng (1740 – 1786), nghệ nhân đã sáng tạo nên những đồ án trang trí phong phú và giàu thẩm mỹ. Đó là các đồ án thực vật (trúc, cúc) hóa rồng và mây hóa rồng. Kiểu trang trí này rất được ưa chuộng, thường được thể hiện trên các công trình kiến trúc, trên đồ gỗ, đồ đồng và đồ gốm. Dĩ nhiên, các đồ án thực vật và mây hóa rồng này cũng được sử dụng để trang trí trên ĐSKK thời chúa Trịnh.

Kiểu dáng của ĐSKK thời chúa Trịnh rất hạn chế. Nó chỉ giới hạn trong vài kiểu chén, bát, đĩa thông dụng. Đó là các loại đĩa có đường kính từ 15 đến 20 cm và những cái bát nhỏ. Các loại đĩa lớn có đường kính từ 20 cm trở lên và các loại bát có thành tròn và thành thẳng thì rất hiếm hoi. Tuy nhiên, chất lượng xương sứ và men màu của ĐSKK thời chúa Trịnh là tuyệt hảo. Từ đời Trịnh Sâm, người ta thấy xuất hiện 3 loại kiểu dáng mới: dĩa “bo gãy” dùng làm khay cho bộ đồ trà; ấm trà không quai; ống đựng tranh, cắm bút hay bình hình ống nhổ.

 

 

2.4. Hiệu đề trên đồ sứ ký kiểu thời chúa Trịnh

ĐSKK thời chúa Trịnh có hai nhóm hiệu đề: Nội phủ Khánh xuân. Nhóm Nội phủ gồm các hiệu đề: Nội phủ thị trung, Nội phủ thị hữu, Nội phủ thị đông, Nội phủ thị nam, Nội phủ thị bắcNội phủ thị đoài. Trong đó, ngoài hiệu đề Nội phủ thị đoài được khắc nổi trên nền men trắng, các hiệu đề Nội phủ thị… còn lại đều được thể hiện bằng màu lam viết trên xương đất mộc và dưới lớp men phủ trong suốt. Nhóm hiệu đề Khánh xuân có các hiệu đề Khánh xuân thị tả (phổ biến hơn) và Khánh xuân (chỉ xuất hiện trên những chén trà kích thước nhỏ). Cả hai kiểu hiệu đề Khánh xuânKhánh xuân thị tả này đều được viết bằng màu lam dưới lớp men phủ.

Nghệ thuật viết chữ trên hiệu đề của ĐSKK thời chúa Trịnh được tuân thủ gần như suốt thời chúa Trịnh, bởi những nhà tả tự chuyên nghiệp ở lò Cảnh Đức Trấn. Chỉ riêng chữ 內 (nội) đôi khi có vài nét thay đổi rất nhỏ tùy theo người viết. Sự thống nhất trong cách viết hiệu đề (về cả tự dạng lẫn khoảng cách giữa các chữ) cho phép chúng ta phân biệt ĐSKK thời chúa Trịnh thật với các món đồ giả mới được làm sau này.

Khác với sự khẳng định của Jean François Hubert, một nhà giám định Pháp, khi cho rằng các chữ: 中 (trung),左 (tả), 右 (hữu), 兑 (đoài), 東 (đông), 南 (nam), 北 (bắc) là những “phó từ chỉ nơi chốn chỉ vị trí cung (chúa)”19, tôi cho rằng vào thời chúa Trịnh, những chữ này có ý nghĩa biểu trưng mạnh mẽ và được sử dụng ở trong vương phủ như những từ thể hiện tước vị hoặc cấp bậc chứ không phải là từ chỉ phương vị. Chẳng hạn: Đông cung là tước vị của vương thế tử, Tây cung là danh hiệu của Chính phi Nguyễn Phúc Ngọc Tú, phu nhân của chúa Trịnh Tráng. Thứ bậc của các cung phi trong phủ chúa được xếp từ cấp Chính cung, Đông cung, Bắc cung, Nam cung đến Nhân cung. Năm 1718, chúa Trịnh Cương lập trong vương phủ 6 phiên là: “Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công cho thuộc về [các cung] Tả trung, Hữu trung, Đông, Tây, Nam, Bắc và gọi là Lục cung”.20

Riêng về chữ 兑 (đoài) thì được dùng thay cho chữ 西 (tây) vì kiêng húy chữ Tây trong tước hiệu của Tây Đô vương Trịnh Tạc. Cũng vì sự cấm kị này mà hồ Tây ở Thăng Long được gọi là Đoài Hồ và tỉnh Sơn Tây được gọi là xứ Đoài. Đoài cung là cung điện dành cho Tuyên phi Đặng Thị Huệ, ái phi của chúa Trịnh Sâm và mẹ của ấu chúa Trịnh Cán. Tĩnh Đô vương Trịnh Sâm rất sủng ái Tuyên phi nên cho đặt làm đồ sứ Nội phủ thị đoài và chọn kỹ thuật ám họa21 để thể hiện hiệu đề, chứng tỏ những món đồ này không phải là đồ chính thức đặt làm cho vương phủ.

 

 

3. Đồ sứ Nội phủ thị… sau thời chúa Trịnh

Những đồ sứ hiệu đề Nội phủ thị… tiếp tục xuất hiện sau khi họ Trịnh chấm dứt cầm quyền. Đó là những món đồ được sản xuất vào thời Nguyễn (1802 – 1945) và vào những năm 1990 của thế kỷ XX. Tất cả đều là đồ nhái hay đồ giả. Đồ sứ Nội phủ thị… làm dưới thời Nguyễn là những món đồ do các nhà buôn đặt làm, hoàn toàn không phải là đồ hồi tưởng do các quan ký kiểu như vài người lầm tưởng. Những món đồ này có cốt không thanh mảnh và nét vẽ không tinh xảo như đồ thật. Đồ sứ Nội phủ thị… thời Nguyễn có hai loại: loại thứ nhất đặt làm tại các lò tư nhân cao cấp ở Giang Tây hoặc ở Nam Trung Hoa (như Phúc Kiến, Quảng Đông), có xương sứ rất thanh, màu sứ trắng, lớp men phủ đôi khi hơi ngã sang màu trắng xanh nhưng nét vẽ rất tỉ mỉ; loại thứ hai làm tại các lò thứ cấp ở Quảng Đông, Phúc Kiến, có cốt sứ dày và nặng, nét vẽ vụng về và kém tinh tế. Những món đồ giả này rất dễ nhận diện, nhờ vào các đặc điểm nhận diện sau:

– Hiệu đề viết sai thể thức, không giống với chữ trên hiệu đề của đồ thật và khoảng cách giữa các chữ không đều nhau;

– Các đồ án trang trí trên những món đồ này phỏng theo đồ án trang trí trên đồ thật nhưng có vài biến đổi trong một số chi tiết;

– Dùng vài chi tiết có trong trang trí trên đồ thật (rồng, kỳ lân, phong cảnh …) kết với các đồ án của thế kỷ XIX để tạo ra lối trang trí mới, độc đáo;

– Đồ án trang trí trên những món đồ này mang các đặc điểm của trang trí trên gốm sứ Trung Hoa thế kỷ XIX hoặc các đặc trưng của đồ ký kiểu thời Nguyễn.

Chúng ta không có bằng chứng để cho rằng những món đồ này được làm ra với chủ tâm gian dối, mặc dù có sự nghi ngờ, nhưng có một điều chắc chắn rằng không thể xếp những hiện vật này vào dòng đồ hồi tưởng, một hình thức sao chép đồ gốm sứ mà người Trung Hoa thường làm để tỏ lòng kính trọng và thừa nhận uy thế của các bậc thầy gốm sứ tiền bối.22 Bởi lẽ, nếu muốn tỏ lòng mến mộ dòng ĐSKK thời chúa Trịnh (chứ không phải nhớ ơn chúa Trịnh) như là dòng đồ sứ đầu tiên mà người Việt Nam ký kiểu tại Trung Hoa thì cần phải sao chép cả trang trí lẫn hiệu đề của thời chúa Trịnh chứ không thể chỉ dùng hiệu đề của thời chúa Trịnh nhưng hoa văn trang trí thì của thế kỷ XIX. Vì thế, tôi cho rằng đồ sứ Nội phủ thị… thời Nguyễn không phải là ĐSKK mà là hàng Trung Quốc sản xuất để xuất khẩu cho thị trường Việt Nam. Thợ làm đồ sứ Trung Hoa sử dụng hiệu đề Nội phủ thị… vì nghĩ rằng đây là hiệu đề đặc trưng của Việt Nam, mà không hề biết đây là hiệu đề riêng của các chúa Trịnh. Các loại nậm rượu, bình hoa bụng phình cổ vút, bát điếu hút thuốc lào có hiệu đề Nội phủ thị… hiện diện trong nhiều sưu tập ở trong và ngoài nước, thuộc vào nhóm này.

Ngoài dòng đồ Nội phủ thị… thời Nguyễn còn có những hiện vật mang hiệu đề Nội phủ thị… Khánh xuân mới được chế tạo sau này vì mục đích thương mại. Dĩ nhiên cả hai nhóm đồ Nội phủ thị…Khánh xuân này không phải là ĐSKK thời chúa Trịnh nên không phải là đối tượng quan tâm của bài viết này.

Tác giả: Phillipe Truong, Trần Đức Anh Sơn biên tập và hiệu đính

Chú thích

1 Chochod Louis, 1943, Huế – La mystérieuse, Paris, Mercure de France, p. 241.

2 Cảnh Đức Trấn thuộc tỉnh Giang Tây. Nơi đây từ thời nhà Nguyên (1271 – 1368) đã là một trung tâm sản xuất gốm sứ lớn của Trung Hoa với các lò do triều đình thiết lập và quản lý, gọi là  guanyao (quan diêu) cùng với hàng trăm lò gốm sứ của tư nhân, gọi là minyao (dân diêu). Dưới thời Minh – Thanh (1308 – 1911) quan diêu ở Cảnh Đức Trấn được gọi là ngự diêu (yuyao), chuyên sản xuất đồ sứ phục vụ cho hoàng đế, hoàng gia và triều đình.

3 Ở đây, chúng tôi không bàn về những đồ sứ được chế tác muộn hơn, mang hiệu đề Nội phủ mà chỉ khảo về dòng đồ sứ Nội phủ thị… được chế tác dưới thời chúa Trịnh (chủ yếu vào thế kỷ XVIII) mà thôi.

4 Thời Nguyễn, phủ đệ là nơi ở của thân vương, thân công, thái tử, hoàng tử đã được tôn phong.

5 Phan Huy Chú, 1992, Lịch triều hiến chương loại chí, Hà Nội: KHXH, Tập 1, tr. 214.

6, 7, 8 và 20 Phan Huy Chú, Sách đã dẫn, Tập 1, tr. 215, tr. 36, tr. 42-62 và tr. 472.

9 Phan Huy Chú, Sách đã dẫn, Tập 3, tr. 11.

10, 11 Nguyễn Khoa Chiêm, 1990, Trịnh Nguyễn diễn chí, (Ngô Đức Thọ dịch), Hà Nội: ĐH và THCN, tr. 96, 109.

12 Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mụcChính biên, quyển 45, tr. 19, 21. Dẫn theo: Nguyễn Khắc Thuần, 1994, Việt sử giai thoại, 69 giai thoại thế kỷ XVIII, TPHCM: Giáo dục, tr. 99, 102.

13 Ngô Cao Lãng, 1995, Lịch triều tạp kỷ, Hà Nội: KHXH, tr. 496-497.

[1]4 Dẫn theo: Trần Đình Sơn – Hoàng Anh, 2001,“Ngày xuân tản mạn về vua Lê – chúa Trịnh và đồ sứ Nội phủ – Khánh xuân”, Tản mạn Phú Xuân, TPHCM: Trẻ, tr. 200.

[1]5 Phan Huy Chú, Sách đã dẫn, Tập 2, tr. 25-27.

[1]6 Kiểu guozheng (quá xứng) thể hiện một hình trang trí thay đổi trên toàn bộ bề mặt của đồ gốm. Nét vẽ bắt đầu từ mặt ngoài và tiếp nối ở trong lòng hiện vật. Ở Trung Hoa, kỹ thuật này thường sử dụng để vẽ cành hoa mẫu đơn nên cũng được gọi là guozhihua (quá chi hoa).

[1]7 Đồ sứ Nianyao (Niên diêu) là dòng đồ sứ do Nian Xiyao (Niên Hy Nghiêu, 1726 – 1735) một quản thủ ngự diêu Cảnh Đức Trấn sáng tạo nên.

[1]8 Những quan hệ buôn bán giữa Việt Nam và Nhật Bản có từ thế kỷ XVI – XVII khi nhà Minh cấm xuất khẩu đồ sứ, buộc người Nhật phải đến Việt Nam để mua hàng. Họ khám phá ra đồ gốm Bát Tràng và rất ái mộ dòng đồ gốm này. Người Nhật nhập khẩu đồ Bát Tràng và gọi là đồ Kochi (Giao Chỉ). Ngược lại, người Nhật cũng xuất khẩu đồ sứ sang Việt Nam. Từ năm 1607 đến năm 1634, 121 chiếc thuyền buôn của Nhật đã cập bến Việt Nam để mua bán đồ gốm. Cuộc trao đổi này chấm dứt vào năm 1637. Từ đó về sau, đồ sứ Nhật Bản dần dần khan hiếm ở Việt Nam và trở thành các đồ mẫu đối với người Việt, vì người Việt rất yêu thích lối trang trí giản dị của đồ sứ Nhật Bản.

[1]9 Catherine Noppe & Jean François Hubert, 2002, Arts du Vietnam, la fleur du pêcher et l’oiseau de feu, Tournai, ed. La Renaissance du Livre – Musée Royal de Mariemont, p. 112.

21 Kỹ thuật ám họa xuất hiện từ đời Khang Hi, thường được sử dụng để trang trí phối hợp trên đồ sứ men trắng vẽ lam từ đời Khang Hi đến đời Càn Long.

22 Trước thế kỷ XV, thợ gốm sứ Trung Hoa chỉ chế tác đồ sứ với hình dáng và trang trí khác nhau. Thời kỳ này được xem là tuyệt đỉnh của văn hóa đồ sứ. Dưới triều Minh Gia Tĩnh (1522 – 1566), thợ gốm sứ đã bắt chước và làm lại đồ sứ đời Tuyên Đức (1426 – 1435) và đời Thành Hóa (1465 – 1487)… Vào cuối thế kỷ XVIII – đầu thế kỷ XIX, họ lại chế tác đồ sứ phỏng theo đồ thời Minh và phỏng tác cả đồ sứ đời Khang Hi hoặc đời Càn Long thời Thanh.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.