Trung Quốc được xem là cái nôi của ngành mỹ nghệ gốm sứ thế giới. Ngành này phát triển liên tục qua các triều đại Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh rồi đạt đến đỉnh cao vào thời Thanh (1644-1911).
Đặc biệt, đồ sứ men xanh trắng (Thanh Bạch Từ Khí) triều Thanh Khang Hy (1662-1722) được giới sưu tầm thưởng ngoạn cổ vật trên thế giới công nhận là tốt đẹp nhất. Tại Việt Nam do điều kiện địa lý gần gũi, tương quan văn hóa mật thiết nên từ xưa qua con đường ngoại giao, thương mại, một số lớn gốm sứ Trung Quốc đã tồn tại khá nhiều, trong đó loại đồ sứ xanh trắng Khang Hy rất được quý chuộng. Để giúp cho giới sưu tập có cơ sở giám định về đồ sứ Khang Hy, chúng tôi xin cung cấp một số tiêu chí sau.
Khang Hy là vị vua giỏi nhất của triều Thanh, trị vì suốt 60 năm. Chính ông đã thống nhất đất nước, thiết lập một chính quyền vững mạnh, ổn định xã hội để phát triển kinh tế. Nhờ sự đặc biệt quan tâm của chính nhà vua nên ngành mỹ nghệ gốm sứ truyền thống Trung Quốc sau thời gian bị ngưng trệ lúc giao thời Minh-Thanh đã bật dậy mạnh mẽ. Cảnh Đức Trấn trở thành trung tâm sản xuất đồ gốm sứ lớn nhất thế giới. Chúng ta có thể chia ra ba thời kỳ:
Đầu Triều Khang Hy (1662-1682)
Lúc đầu các lò quan ở Cảnh Đức Trấn chỉ chuyên chế tạo, cung cấp cho triều đình vật dụng cúng tế. Hình dáng, hoa văn, thai cốt vẫn còn theo phong cách thời cuối Minh, men xanh nổi dày có chấm đen, màu sắc tối xám không được tươi đẹp. Cốt đất có nhiều tạp chất nên sau khi nung dưới đáy sản phẩm lộ ra màu đỏ gạch, có dính cát nhỏ. Thai thể dày nặng thô vụng, kiểu cách đơn giản. Đầu thời Khang Hy triều đình có lệnh cấm ghi niên hiệu vào đồ sứ dân dụng.
Giữa Triều Khang Hy (1683-1705
Bước vào thời thịnh vượng nhất của mỹ nghệ đồ sứ. Từ hình thức trang trí kiểu cách tạo hình, men màu đều phong phú mới lạ. Họa sĩ áp dụng họa pháp “tuyển nhiễm” bằng cách dùng bút lông thấm đẫm men màu xanh cobalt tô nhiều lần cho đậm hoa văn trên thai cốt trắng, sau đó phủ men trong. Đồ sứ xanh trắng chỉ nung một lần là thành phẩm vì oxide cobalt chịu được nhiệt độ rất cao (1.3500C).
Đặc biệt đồ sứ cao cấp do các lò quan chế tạo dùng loại men màu của tỉnh Vân Nam gọi là “Châu Minh Liệu” nên sau khi nung đồ sứ có hoa văn màu xanh tươi đẹp sáng bóng như ngọc, không có chấm đen (Hắc Thung Nhãn). Các màu xanh đậm nhạt nổi bật được gọi là “năm màu hoa văn xanh” (Thanh Hoa Ngũ Thái).
Nhìn chung đặc điểm của đồ sứ giữa thời Khang Hy là:
– Thai thổ: đất làm cốt được tinh luyện rất sạch không lẫn tạp chất, không có thiếc nên đáy không lộ màu đỏ như đồ sứ thời Minh.
– Thai thể: nhờ kỹ thuật cao nên rất mỏng, cứng chắc tinh xảo.
– Màu men xanh cobalt: có thể làm đậm nhạt trở thành nhiều màu rất tươi đẹp. Nên họa sĩ thể hiện được âm dương sáng tối dễ dàng, vẽ nhân vật có thần thái linh động tự nhiên, cảnh sắc núi sông bao la trùng điệp, hùng vĩ.
– Men bọc ngoài: trong suốt làm nổi bật hoa văn màu xanh trang trí dưới men nhưng không làm chói mắt như đồ sứ mới.
– Các sản phẩm lớn như lu, chóe, bình hoa, ống tranh, ống bút… thời này thường vẽ cảnh rồi viết kèm các bài danh văn như: Tiền Xích Bích Phú, Hậu Xích Bích Phú, Xuất Sư Biểu, Tứ Cảnh Độc Lạc, Thánh Chúa Đắc Hiền Thần Tụng… Cuối bài văn thường có khuôn dấu vuông bằng men xanh hoặc đỏ ghi “Hy triều phụ cổ, Hy triều bát cổ…”. Ngoài ra còn có loại hoa văn chìm rất đặc biệt.
– Về hiệu đề: ghi “Đại Thanh Khang Hy niên chế” hoặc phỏng theo “Đại Minh Tuyên Đức niên chế”, “Đại Minh Thành Hóa niên chế” viết theo kiểu chữ khải thành hai hoặc ba hàng (cũng có khi chỉ ghi bốn chữ thành hai hàng Khang Hy niên chế, Thành Hóa niên chế…), đồ dân dụng thì vẽ nhiều loại ký hiệu như một hoặc hai vòng tròn, khung vuông hoặc để men trắng.
Cuối thời Khang Hy (1705-1722)
Nhờ triều đại thịnh trị kéo dài, đời sống xã hội liên tục phát triển mọi mặt khiến nhu cầu đồ sứ tăng lên rất nhiều. Kết quả thúc đẩy công nghệ chế tạo càng ngày càng tinh xảo. Đồ sứ xanh trắng cuối thời Khang Hy đạt đến đỉnh cao mỹ thuật, được đánh giá quý đẹp như ngọc thạch.
Hiệu đề dưới đáy sản phẩm (khoản thức, niên hiệu) của đồ sứ thời cuối Khang Hy rất đa dạng. Đồ ngự dụng, niên hiệu được ghi bằng lối chữ triện rất hiếm gặp. Đồ sứ cao cấp thường ghi tên các tòa nhà, hiên, trai: Càn dịch trai, Trung Hòa Đường, Ứng Đức Hiên, Nhã Ngoạn, Thanh Ngoạn…
Đồ sứ dân dụng thì vẽ các biểu tượng như: Hoa Mộc Diệp, Nấm Linh Chi, Cuốn Thư, Đỉnh Quý, Lá Lật… Đặc biệt thời này đồ án trang trí đề tài phong cảnh nhân vật nhỏ dần ảnh hưởng theo họa pháp của Triệu Bỉnh Trinh vẽ “Canh Chức Đồ (những đề tài mô tả việc cày ruộng, dệt vải)”.
Sản phẩm sứ xanh trắng từ giữa đến cuối thời Khang Hy được xuất khẩu đến thị trường các nước trong khu vực, tận vùng Tây Á, châu Âu.
Rất tiếc sau 300 năm với bao nhiêu biến động khắp nơi trên thế giới, đồ sứ Khang Hy cũng bị mai một dần. Do đó giới sưu tầm cổ vật thường ao ước làm chủ một vài món sứ Khang Hy tuyệt phẩm, nguyên lành để được xếp vào hàng sành điệu trong làng chơi cổ ngoạn.
nguồn: http://khanhhoathuynga.wordpress.com