Nội phủ thị trung

Đó là một trong số các hiệu đề bằng chữ Hán trên đồ sứ do vua chúa Việt Nam đặt làm từ Trung Quốc dưới thời Lê Trung Hưng (1533 – 1788). Kiểu dáng cùng hình thức trang trí trên dòng đồ này khá phong phú. Nhưng chúng có một điểm chung dễ nhận ra là sự thuần khiết của một gam xanh biến ảo trên nền sứ trắng.

Trong khoảng 200 năm tồn tại của thời kỳ Vua Lê – Chúa Trịnh – đặc biệt kể từ khi Bình An Vương Trịnh Tùng nối nghiệp cha là Trịnh Kiểm hoàn thành cuộc Trung Hưng – đánh bại sự tiếm ngôi của nhà Mạc – đưa vua Lê Thế Tông trở lại kinh thành Thăng Long vào năm 1595 và lập “Phủ liêu” điều hành chính sự – việc đặt làm và nhập khẩu đồ sứ Trung Quốc cung ứng cho nhu cầu sử dụng của Phủ Chúa đã diễn ra như một tất yếu và liên tục. Trong phạm vi bài viết này tác giả chỉ đề cập tới “Nội Phủ Thị Trung” – một hiệu đề thuộc loại sứ đặt làm phục vụ cho nhu cầu của Phủ Chúa. Có mối bang giao gốm sứ Việt – Trung này ngoài nguyên do thời đó, gốm Đại Việt dù đã nổi tiếng song vẫn sút kém sứ Trung Quốc về độ bóng đẹp cũng như về độ bền chắc; còn bởi lẽ với việc đặt làm đồ sứ, các Chúa Trịnh cũng như vương triều Lê Trung Hưng qua đó khẳng định chủ quyền đất nước với người bạn láng giềng phương Bắc là Trung Quốc. Theo sử sách, nhà Minh niên hiệu Vạn Lịch đã cử sứ sang chúc mừng nhà Lê khi cuộc Trung Hưng vừa thành công.

Ngay sau đó, vào niên hiệu Sùng Trinh, nhà Minh đã công nhận vua Lê Thần Tông(1619 – 1643) là Quốc vương của Đại Việt và Chúa Trịnh Tráng lúc đó – được vua Lê trao quyền điều hành chính sự – là Phó quốc vương.

Định chế “song trùng quyền lực” này tồn tại trong suốt thời kỳ Lê – Trịnh đã cắt nghĩa tính không đồng nhất trong đồ sứ đặt làm trong thời kỳ này. Sự pha trộn giữa chuẩn mực của phong cách sứ Hoàng thất với tính phóng khoáng trong lối vẽ thiên về dân gian đã tạo nên sự tìm hiểu thú vị đối với dòng sứ này trong nhiều năm qua.

Chiếc bát “Nội Phủ Thị Trung”  thể hiện rồng và long mã coi rất cổ kính; niên đại được xác định vào khoảng đầu thế kỷ thứ XVIII. Con rồng bốn móng – theo các định chế xưa thì chỉ có vua mới được dùng đồ vẽ rồng năm móng – như đang ẩn hiện trong những đám mây hướng về con long mã trên lưng chở sách và kiếm (còn gọi là Long mã đeo thư) đang đạp mây bước tới ở chiều ngược lại. Trong lòng bát vẽ một chữ “Thọ” lớn theo thể triện tròn. Tính thẩm mỹ cao tạo nên giá trị nghệ thuật của một cổ vật hội đủ ở loại bát “Nội Phủ Thị Trung” này. Hình tượng rồng ở dòng hiệu đề này như chiếc bát chẳng hạn, thể hiện rồng bốn móng; trong khi đó, ở một vài hiện vật khác cùng hiệu đề, con rồng lại chỉ thấy vẽ có ba thậm chí đôi khi chỉ có hai móng. Đây chính là đặc điểm vượt ra ngoài tính chính tắc, niêm luật mà các lò sứ chuyên sản xuất đồ dùng cho Hoàng thất của Trung Quốc không bao giờ mắc phải, trừ khi họ nhận được “thượng dụ” được phép chế tác các sản phẩm như thế.

 

Tương tự như vậy, cách thể hiện mây, rồng, long mã đã cho thấy những nét khác biệt; đôi khi làm thay đổi cả bố cục trang trí. Điều này không bao giờ thấy xuất hiện trên những đồ “ngự dụng” luôn phải tuân theo tính quy phạm nghiêm ngặt. Một đặc điểm dễ nhận thấy là tuy “Nội Phủ Thị Trung” có những điểm khác biệt trong hình thức thể hiện nhưng bố cục chung – cho dù trong hình tròn như đĩa hoặc theo chiều đứng như trên các nậm rượu, ống bút và theo dải như trên các loại bát… – đều có xu hướng kéo dãn các hình thể. Đây là đặc điểm dễ nhận ra trong các bức tiểu họa trên sứ của các nghệ nhân dân gian Trung Quốc suốt thời Minh mạt Thanh sơ vào nửa cuối thế kỷ thứ XVII. Tính thiếu đồng nhất trong bố cục cùng những chi tiết quan trọng thể hiện chung một đề tài cho thấy dòng đồ này muốn khẳng định tính quan dụng, đôi khi là dân dụng nhiều hơn là “ngự dụng” – của nhà vua – thường mang tính đồng nhất, chính tắc cao.

Dẫu vậy, dòng sứ này đến nay đã được giới sưu tập thừa nhận là “thượng phẩm” bởi tính trội về giá trị nghệ thuật cũng như lịch sử của chúng so với các loại sứ “nhập khẩu” do nhu cầu dân dụng cùng thời.  Bằng vào sự thuần nhất của cốt sứ, sắc lam vẽ trên món đồ cùng lớp men phủ cũng như kỹ thuật cắt gọt công phu, các sản phẩm mang hiệu đề này tự khẳng định chúng được một trong số các xưởng Hoàng Thất ở Cảnh Đức Trấn, tỉnh Giang Tây – Trung Quốc chế tạo. Cũng cần nêu thêm rằng, cùng thời với buổi đầu Trung Hưng của triều Lê ở Việt Nam, các phủ đệ nổi tiếng bên Trung Quốc dưới triều Minh như: Trường Phủ, Chu Phủ (niên hiệu Gia Tĩnh), Tấn phủ (niên hiệu Long Khánh), Thẩm Phủ (niên hiệu Vạn Lịch)… và đầu triều Thanh có Cư Phủ (niên hiệu Khang Hy)… đều đặt đồ sứ riêng và  đề hiệu theo tên phủ của họ như: Trường Phủ, Tấn Phủ, Cư Phủ… để dùng.

Như vậy, các chúa Trịnh với việc hoàn thành cuộc Trung hưng, lập ra “Phủ liêu” để điều hành chính sự đã cho đặt làm đồ sứ “Nội Phủ Thị Trung” bên Trung Quốc, một mặt nhằm đáp ứng cho nhu cầu sử dụng nơi phủ Chúa; mặt khác xem ra quan trọng hơn là qua “ngoại giao gốm sứ”, các chúa Trịnh muốn khẳng định mối bang giao chính thống giữa Đại Việt với nước láng giềng lớn ở phương Bắc. Hiển nhiên đường lối đối ngoại này đã góp phần tạo thế hơn hẳn của các chúa Trịnh ở Đàng Ngoài so với các chúa Nguyễn ở Đàng Trong vào thời điểm đó.

Tuy nhiên không rõ nguyên cớ, hiệu đề này vẫn còn được đặt làm cho đến tận cuối triều Nguyễn. Ngày nay “Nội Phủ Thị Trung” giả xuất hiện khá nhiều. Không ít các “sưu tập gia” ở cả trong nước và nước ngoài chỉ qua sách vở đã mua nhầm phải đồ giả hay còn gọi là đồ “phỏng” cổ chủ yếu là bát, đĩa. Do đó khi gặp “Nội Phủ Thị Trung” vẽ rồng năm móng hoặc nhân vật phải hết sức cẩn trọng.

Tác giả: Nhật Nam

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.