Phát hiện khảo cổ học gây chú ý cho dư luận trong lẫn ngoài nước năm 1996: tìm thấy di vật thời đại đồ đá cũ tại ngoại ô thành Huế. Nhận được tin, tôi vội vàng đáp máy bay từ Sài Gòn ra ngay cố đô, đúng lúc giáo sư Trần Quốc Vượng từ Hà Nội vừa vào để trực tiếp khảo sát điền dã. Một cuộc thăm dò dấu tích người tiền sử khá vất vả nhưng không kém phần thú vị.

Từ trung tâm thành phố Huế, chúng tôi phóng xe máy ngược lên phía tây, men theo con đường Kim Long quanh co uốn lượn ven bờ bắc sông Hương. Nhà sử học Mai Khắc Ứng – nguyên trưởng phòng Nghiên cứu của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế – làm hướng đạo. Ông Ứng lược thuật:

– Mấy năm trước, giáo sư (GS) Trần Quốc Vượng về Huế, tôi đưa đến vãng cảnh chùa Báo Quốc trên đồi Hàm Long phía nam sông Hương. Tình cờ nhặt trong sân chùa mấy viên đá cuội mang dấu vết chế tác của người nguyên thuỷ, GS liền hỏi đá ấy được lấy từ nơi nào. Các vị tu sĩ cho biết từ nguồn Tả và Hữu Trạch thuộc vùng núi Kim Phụng – Cẩm Kê. Chúng tôi đã đến chân núi Cẩm Kê, tìm thấy rải rác một vài công cụ có gia công. Lúc đó, tuy chưa đủ điều kiện tiến hành khảo sát điền dã nhưng với kinh nghiệm chuyên môn của mình, GS Vượng đã lưu ý về khả năng khám phá ra khu vực cư dân cổ từ rất lâu đời tại Thừa Thiên – Huế. Đến cuối năm 1994, tôi lên thôn Ngọc Hồ, xã Hương Hồ, ngoại thành Huế, mua lại mảnh vườn của ông Phan Danh gần bến đò Đá Dựng, lập Mai Thảo Liêu để tính chuyện sau này về hưu an dưỡng. Cạnh vườn tôi là vườn nhà bà Phan Thị. Đầu năm 1995, ngang qua đấy, tôi lượm được một phiến đá cuội mang dáng dấp lưỡi cuốc thờ của cư dân nông nghiệp xa xưa. Một số chuyên gia khảo cổ học lại bảo đó là một thanh đàn đá. Về phiến đá nọ, bà Phan Thị cho biết rằng chồng bà thuở sinh thời thường đi đốt than ngang qua khe Bùn và khe Lim, có thể ông đã nhặt từ một trong hai khe kia. Tôi đã mấy lần lên những địa điểm mà bà láng giềng chỉ, nhưng chưa thu thập được gì…

Đàn đá ư? Tôi thoáng liên tưởng “sự kiện thạch cầm” từng làm xôn xao năm châu cách đây non nửa thế kỷ. Ấy là ngày 2-2-1949, tại làng Ndut Lieng Khat ở Đăklăk, một toán phu cầu đường đã đào được 10 phiến đá hình chữ nhật có kích cỡ lớn bé khác nhau. Nhà khảo cổ Georges Condominas khám phá ra đấy là giàn đàn đá / thạch cầm / lithophone. Rồi cùng với nhà nhạc học André Schaeffner, hai ông đã nghiên cứu và kết luận: xuất hiện tại Việt Nam hơn 5.000 năm trước, đàn đá chính là nhạc cụ cổ nhất thế giới. Giàn đàn đá này được chế tạo theo hệ thống “ngũ cung lơ lớ”, khác hẳn ngũ cung Trung Hoa. Đến bây giờ, một số nơi trên đất nước ta đã khai quât được các giàn đàn đá, mà gần đây nhất là đàn đá Phú Yên khiến báo chí đưa tin rộn rã. Nếu phiến đá của ông Ứng quả thật là một thanh đàn đá cổ “lạc bầy”, hy vọng trong tương lai không xa, Huế sẽ tìm được những thanh còn lại cho đủ bộ. Hay biết mấy!

Ông Ứng tiếp:

– Ngày 15-1-1996, trong khi chọn hướng đất để xây dựng xưởng sản xuất gốm trên gò đồi gần điền trại của mình, tôi bất ngờ thấy một viên đá nằm khuất bên gốc mua. Mặt trên viên đá lộ thiên nên bị phong hoá xám đen. Chăm chú quan sát, tôi linh cảm rằng đây là một di vật khảo cổ quý hiếm. Tôi gỡ viên đá lên và sung sướng tột cùng: đích thị dụng cụ của người nguyên thuỷ. Đó là cái chặt cầm tay có gia công một đầu. Tôi cởi áo ra, bọc viên đá lại, rồi bỏ vào giỏ xe và đạp về thành phố…

Ông Ứng cho tôi “xem tận mắt, sờ tận tay” hiện vật. Ấy là hòn đá cuội hình oval không đều, chiều dài toàn thân 14cm. Một đầu hơi nhọn, không có dấu vết chế tác. Đầu kia có vết ghè đẽo theo dạng vát; phần ghè đẽo rộng 11,2cm, sâu 4,5cm.

Công cụ của con người thời đại đồ đá, dùng để chặt một đầu, thuật ngữ khảo cổ học gọi là end-chopper, được phát lộ tại thôn Ngọc Hồ, xã Hương Hồ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế, ngày 15-1-1996. 

( Ảnh: Phanxipăng )

Lúc mới tìm thấy di vật, ông Ứng khấp khởi mừng và sơ bộ dự đoán niên đại: 30.000 năm. May mắn sao, 10 ngày sau, GS Trần Quốc Vượng ghé Huế cùng với một chuyên gia hàng đầu về thời đại đồ đá: tiến sĩ Brian D. Hayden, GS khoa Khảo cổ thuộc Đại học Simon Fraser ở Canada. Ông Ứng mang di vật đến hỏi ý kiến. Hai vị giáo sư đều nhận ra ngay đó là công cụ chặt một đầu của con người thời đại đồ đá, thuật ngữ khảo cổ học gọi là end-chopper. Tuy nhiên, nhận định ban đầu về niên đại di vật thì cả hai chưa thống nhất. GS Hayden phỏng đoán khoảng 10.000 năm. GS Vượng ước đoán chừng 20.000 ~ 25.000 năm. Để đạt độ tin cậy về mặt khoa học, hai GS bèn mang hòn đá ra Quảng Trị đối sánh với các di vật hậu kỳ thời đại đồ đá cũ thuộc văn hoá Sơn Vi vừa được phát hiện cách đây không lâu. Sau đó, họ lại đưa hòn đá ra Hà Nội để tiếp tục nghiên cứu. Giờ đây, khi có một số kết luận cần thiết, GS Vượng quay lại Huế, trả di vật cho ông Ứng và trực tiếp mở đợt thám sát điền dã. GS Vượng cũng không quên trao thêm bản nhận xét của GS Brian D. Hayden. Nguyên bản nhận xét bằng tiếng Anh, được chuyển ngữ như sau:

Nhân chuyến viếng thăm Huế với GS Trần Quốc Vượng ngày 24-1-1996, tôi có dịp xem xét một chiếc rìu đá (stone chopper) do ông Mai Khắc Ứng tìm thấy ở vùng ven Huế. Ông Ứng đã thỉnh ý tôi về chiếc rìu này. Hoàn toàn độc lập với ý kiến của GS Vượng, tôi cho rằng chiếc rìu hầu như chắc chắn có niên đại cách đây 10.000 (mười nghìn / một vạn) năm và có thể còn cổ hơn nữa. Các di chỉ thuộc thời kỳ ấy tương đối hiếm thấy ở miền Trung nước Việt, nên khu di chỉ này rất quan trọng nếu có thể tìm thêm được nhiều công cụ chế tác. Đặc biệt, nếu có thể xác định vị trí một số trầm tích còn nguyên trạng ẩn tàng các công cụ. Chân đồi, nơi chiếc rìu được tìm thấy, có thể là vị trí để kiểm nghiệm những trầm tích nguyên trạng đó. Theo tôi, khả năng phát hiện những trầm tích lộ thiên thuộc thời ký đồ đá cũ nhất định sẽ đảm bảo cho một chương trình khai quật khảo sát thăm dò.

GS Trần Quốc Vượng nói:

– 1 vạn hay 2 vạn năm đều thuộc hậu kỳ thời đại đá cũ. Tôi vẫn bảo lưu ý kiến: end-chopper này có niên đại 20.000 ~ 25.000 năm. Đáp số chính xác sau khi kiểm tra qua phương pháp argon kali phóng xạ (K40) phù hợp với ý kiến của tôi đấy. Ngay lần đầu nhìn thấy di vật, tôi hỏi ông Ứng rằng có phải nhặt được gần một con suối nhỏ không. Ông Ứng xác nhận đúng. Thực ra, tôi đã suy luận từ mối liên quan giữa khảo cổ học và môi trường sinh thái, mới “phán như thánh” thế. Hãy đến thực địa xem. Ít nhiều gì cũng phát hiện thêm được điều hay.

Huế đang kỳ mưa lạnh. Hôm nay, trời chiều lòng người hay sao mà chỉ lạnh chứ không mưa. Vượt quãng đường hơn 10km, chúng tôi đến hiện trường. Đây rồi! Con suối mà GS Vượng dự đoán chính là khe Cỗ Hộp theo cách gọi của dân địa phương. Khe Cỗ Hộp chảy từ trong núi Kim Phụng ra, băng ngang đường 12B và đổ vào sông Hương. Sông suối vùng này chảy giữa những triền đồi núi đá vôi ổn định, do đó không bị đổi dòng qua thời gian, nghĩa là đoạn sông và con suối đều cổ. Địa hình như vậy có khả năng tồn tại những trầm tích nguyên trạng.

Ông Mai Khắc Ứng trỏ vào một bụi cây mua nhỏ và thấp lè tè mọc trên sườn đồi, cách khe Cỗ Hộp cỡ mươi mét:

– Tôi tìm thấy cái end-chopper ở đây nì.

GS Vượng gật gù:

– Nào, bọn mình chia nhau lùng sục quanh quất, tìm cho được các viên cuội xem sao.

Tôi và anh Tống Viết Tuấn – một nghệ nhân đúc đồng ở Phường Đúc – huy động thêm vài thanh niên địa phương vào cuộc. Cuội, dân trong vùng gọi là “đá trấy”, không phải dễ tìm. Tùm lum thứ đá trên đường làng, trong các vườn cây, nương sắn và đồi thấp đồi cao, song ít khi gặp cuội. Nhiều nơi, cây cối rậm rịt quá, khó len vào tìm kiếm, đành chịu. Thi thoảng, bốc được viên cuội, đưa GS Vượng xem, ông đều buồn bã lắc đầu:

– Đúng là cuội, nhưng chả có dấu vết chế tác.

Thử sục xuống khe Cỗ Hộp coi thử. Nước khe cạn và trong văn vắt, phơi đầy lòng bao đá sỏi nhỏ to.

– Vấn đề chính là cuội!

GS Trần Quốc Vượng vừa lội ngược lội xuôi giữa lòng khe, vừa lẩm bẩm thế. Tuổi già, sức yếu, nhưng ông có vẻ tinh nhạy cực kỳ. Mắt ông đảo dọc, quét ngang, nom cứ như mãnh thú chuẩn bị vồ mồi. Suốt cả buổi, vẫn chẳng thấy “mồi” đâu. Trời rét đậm mà ai nấy đều rướm mồ hôi, có người còn bị cỏ gai cào xây xước, kêu rát kêu ngứa.Đi không há lẽ trở về không? Khi mọi người chuẩn bị… thất vọng thì đột ngột, GS Vượng reo lên hể hả:

– Nạo. Cái nạo. Ha ha ha…

Ông nhặt được ở mép khe một miếng đá cuội dèm dẹp. Đó là công cụ nạo thô. Người tiền sử dùng cái end-chopper để chặt bửa, và dùng cái nạo để cạo gọt. Cái rìu đá kia và cái nạo bằng đá này, tôi từng trông thấy trong sách báo và trong viện bảo tàng, song thú thật, nếu không có cặp mắt rành nghề thì đố làm sao phân biệt nổi đâu là sỏi đá linh tinh, đâu là công cụ chế tác?

Trong buổi bảng lảng bóng hoàng hôn trên vùng núi đồi hiu quạnh Ngọc Hồ, tôi thử tưởng tượng quang cảnh cách đây cả vạn năm về trước. Một bầy người nguyên thủy dắt díu nhau từ trong hang động, lũ lượt men theo khe nước, tới đây. Họ lựa những hòn cuội thích hợp rồi mang lên bờ, hì hục ghè đẽo, tạo nên bao công cụ để đẵn cây, bổ quả, đâm thú, róc thịt, v.v. Nhưng, họ là ai? GS Trần Quốc Vượng giải đáp:

– Đấy là những người thuộc chủng da đen, tức chủng Australo-Negroide. Vào hậu kỳ thời đại đồ đá cũ, nhân loại đã phân làm 3 chủng: Mongoloide, Australo-Negroide và Europeoide. Về sau, chủng Australo-Negroide phối hợp với chủng Mongoloide tạo nên một tiểu chủng gọi là Mongoloide phương Nam; nhưng mãi đến giai đoạn văn hóa Hòa Bình với văn hóa Bắc Sơn mới có hậu chủng ấy cơ.

Ngắm nghía cái nạo vừa tìm thấy, GS Vượng khẳng định:

– Di vật này ắt cũng có niên đại 20.000 ~ 25.000 năm. Chủ nhân của nó chính là những người thuộc chủng da đen sống trong hậu kỳ thời đại đồ đá cũ thuộc văn hóa Sơn Vi. Thật tuyệt!

Quả là tuyệt thật. Qua 2 thập niên nỗ lực kiếm tìm, giới khảo cổ học Việt Nam đã phát hiện hàng trăm di chỉ Sơn Vi từ Bắc Bộ – gồm Vĩnh Phú, Hà Bắc, Ninh Bình, v.v. – đến vùng trung du Thanh Nghệ. Những khám phá năm 1995 ở Cùa, ở đồi Carol tại tỉnh Quảng Trị, tiếp liền với sự phát hiện các công cụ bằng đá cuội ở núi Cẩm Kê, ở khe Cỗ Hộp đã mở rộng bản đồ khảo cổ học của văn hóa Sơn Vi về phía nam, tận Thừa Thiên – Huế.

GS Trần Quốc Vượng lùng sục di vật khảo cổ ở khe Cỗ Hộp đầu xuân Bính Tý 1996. ( Ảnh: Phanxipăng )

Sực nhớ “học thuyết 3 điểm” mà GS Trần Quốc Vượng từng nhiều lần đề cập trong các chuyên đề khảo cổ học, tôi thắc mắc:

– Ở Huế, đã phát hiện 2 địa điểm có hiện vật thời đại đá cũ. Vậy theo GS, địa điểm thứ 3 là chỗ nào?

– Kim Phụng. Thời gian tới, nên khảo sát kỹ khu vực núi Kim Phụng, nhất là trong các hang đá. Tôi đoan chắc sẽ thu thập được di vật đá cũ và di vật hóa thạch ở đấy. Sau đó, có thể khai quật nơi đây.

– Điều này có ý nghĩa gì đối với nhận thức lịch sử bấy nay ạ?

– Tìm thấy các công cụ có chế tác ở đây, rõ ràng là một phát hiện khảo cổ học cực kỳ quan trọng. Chỉ riêng với lịch sử vùng Huế, trước kia người ta chỉ nhắc mốc 1306 – năm vua Trần Anh Tông gả em gái là công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm quốc Jaya Simhavarman III tức Chế Mân để đổi lấy 2 châu Ô, Rí. Xa hơn nữa thì tới thời Champa, hay thời quận Nhật Nam dưới ách Bắc thuộc (từ năm 179 trước Công nguyên) là cùng. Đến lúc tìm thấy dấu vết văn hóa Sa Huỳnh ở cồn Ràng (Hương Chữ, Hương Trà, Thừa Thiên – Huế), mốc lịch sử của vùng đất này vọt lên 2.000 ~ 2.500 năm. Còn bây giờ, với việc phát hiện ra di chỉ Sơn Vi, bề dày lịch sử Thừa Thiên – Huế tăng thêm cả chục lần. Điều này giá trị lắm chứ, oách lắm chứ!

GS Trần Quốc Vượng nhấn mạnh:

– Với những công cụ mới thu thập, tôi tin rằng cũng chưa phải là di vật cổ nhất ẩn tàng tại đây đâu. Theo tôi, Huế là ranh giới tận cùng về phía nam của văn hóa Sơn Vi. Vì sao? Vì qua bên kia đèo Hải Vân, kết cấu địa hình đã thay đổi hẳn, không còn những hang động đá vôi mà thay vào đó là những khối núi hoa cương. Vậy làm sao dấu vết Sơn Vi còn có khả năng xuất hiện được nữa?

Nhận định cuối cùng của vị GS nổi tiếng thông thái và sắc sảo e hơi bị… vội vàng chăng? Dù kiến thức khảo cổ học dưới mức i tờ, song tôi trộm nghĩ: vết tích vật chất của nền “văn hóa cuội” mang tên một xã thuộc huyện Lâm Thao, tỉnh Vĩnh Phú, là Sơn Vi, hẳn còn phân bố trên một địa bàn rộng lớn hơn. Thời gian qua, biết bao di chỉ Sơn Vi liên tục được khám phá tại nhiều địa điểm ngoài lãnh thổ nước ta. Như trong các hang động ở Vũ Minh, Lai Tân, Quế Lâm, Tống Thôn, Bách Sắc (miền nam Trung Hoa), giữa vùng Panong (Lào), trên mái đá Sai Yor và bản Kao (Thái Lan).

Ngay khi chuẩn bị khép lại thiên phóng sự này, tôi nhận thêm một tin mới sốt: Trung tâm Khảo cổ học thuộc Viện Khoa học xã hội TP.HCM phối hợp với Bảo tàng Lâm Đồng vừa tiến hành khảo sát bề mặt cao nguyên đất đỏ bazan / basalt / basalte và thềm phù sa ven rìa các sơn khối Trường Sơn Tây thuộc tỉnh Lâm Đồng. Kết quả phát hiện được hàng loạt công cụ bằng đá có gia công “kiểu Sơn Vi” (Sonvitype) rất điển hình.

Vậy là dấu tích con người nguyên thủy hậu kỳ thời đại đồ đá cũ thuộc văn hóa Sơn Vi được tìm thấy càng ngày càng xa về phía nam nước ta. Điều này lại làm đảo lộn những nhận thức tưởng chừng “mới toanh”.

Vâng, dưới ánh sáng chân lý khoa học, lịch sử luôn luôn được khám phá, luôn luôn cần viết lại từ khởi thủy.

Và tôi lại cầm bút, lên đường.

Đã đăng tạp chí Tài Hoa Trẻ 9 (11-1996)
Rồi in trong sách Huế chừ của Phanxipăng (NXB Thanh Niên, 2000)

Tác giả : Phanxipăng

Nguồn : Chim Việt

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.