Có truyền thống từ thế kỷ XVII với đồ đất nung và sành nâu … nhưng phải đến cuối thế kỷ 19 và thế kỷ 20, gốm Biên Hoà với các sản phẩm đồ gốm sành xốp mới trở nên nổi tiếng và đặc biệt đã giành được huy chương vàng tại các cuộc triển lãm gốm mỹ thuật quốc tế tại Paris năm 1990 và 1993.
Đặc trưng của loại gốm này là sự kết hợp phong cách gốm Việt Nam, gốm Trung Quốc và gốm Limoge của Pháp.
Theo xa lộ Sài Gòn – Biên Hòa, tới lưu vực sông Đồng Nai, ta bắt gặp những làng mạc trù phú với vô số lò gốm đang ngày đêm toả khói, đó là các làng gốm Biên Hòa của Tỉnh Đồng Nai, nổi tiếng hơn cả là Cù Lao Phố, các làng Bình Dương và Xuân An.
Điểm nổi bật của các sản phẩm gốm Biên Hòa là vừa có giá trị nghệ thuật lại vừa có giá trị sử dụng cao. Chủ yếu là các loại đôn voi, đôn tròn, các loại chậu hoa, tượng, thú… với nét trang trí canh tân hiện đại, tinh tế, sử dụng men nhẹ lửa, màu men thanh thoát trắng sữa hay trắng ngà. Các đề tài trang trí trên gốm sứ thường mang phong cách Trung Quốc như hình ảnh Tứ quý, Tứ linh, những bài thơ vịnh bằng chữ Hán thường thấy trên các sản phẩm tráng men của Biên Hòa.
Bên cạnh đó, dòng gốm mỹ thuật của Biên Hòa cũng rất nổi tiếng. Cách đây hơn 20 năm, các nghệ nhân gốm Biên Hòa đã rất thành công trong việc vẽ, khắc tranh dân gian trên gốm, hình thành một dòng tranh gốm rất phát triển cho đến ngày nay. Các sản phẩm gốm mỹ thuật ở Đồng Nai rất phong phú: từ trường phái khai thác văn hóa Chăm như hình ảnh tượng thần Vixnu, thần Xiva đang nhảy múa đến các loại tượng dân gian Việt Nam như Mục đồng, Tố Nữ… Ngoài ra, Biên Hòa còn nổi tiếng bởi các sản phẩm gốm đất nung (gốm đỏ) không phủ men mang vẻ đẹp tự nhiên rất được thị trường ưa chuộng.
Hai yếu tố quan trọng tạo nên vẻ đẹp đặc trưng của gốm Biên Hòa là nguồn nguyên liệu cao lanh và đất sét màu chất lượng cao cộng với trình độ của đội ngũ thợ gốm có tay nghề. Có thể nói, tài nghệ của thợ gốm Biên Hòa chính là ở chỗ họ đã tiếp thu, hòa nhập được những nét tinh hoa của các nền văn hóa trong các sản phẩm của mình. Qui trình sản xuất một sản phẩm gốm trước hết qua khâu tạo dáng trên bàn xoay hoặc trong khuôn, được trang trí vẽ chìm, đắp nổi hoặc trổ thủng sau đó phủ men màu lên những phần đã trang trí trước khi đưa vào lò nung.
Các khu vực sản xuất gốm Đồng Nai hiện nay tập trung chủ yếu ở phía Nam thành phố Biên Hòa, tại các xã Hóa An, Vũ Hòa, Tân Vạn, Tân Hạnh và Long Thành. Trên địa bàn tỉnh có tới hàng trăm doanh nghiệp, các công ty TNHH và cơ sở sản xuất gốm sứ. Hầu hết các cơ sở sản xuất lớn ở đây như Hợp tác xã Gốm Thái Dương, Công ty TNHH Minh Đức, Công ty TNHH Việt Thành, Công ty THNH Đồng Thành … đã đầu tư trang bị lò nung bằng ga, nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm đồng đều và hạ giá thành sản xuất. Tham gia nhiều hội chợ quốc tế và các cuộc triển lãm lớn trên thế giới, các sản phẩm gốm Biên Hòa ngày càng được nhiều bạn hàng trên thế giới biết đến. Gốm Biên Hòa đã và đang được xuất khẩu đi hầu hết các nước ở Châu Á, Châu Âu và Châu Mỹ, đem lại kim ngạch xuất khẩu năm sau cao hơn năm trước. Năm 2000, kim ngạch xuất khẩu gốm thủ công mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh đạt 6,683 triệu USD nhưng năm 2002 đã đạt tới 9,6 triệu USD.
Trong xu thế phát triển và hội nhập hiện nay, Đồng Nai là một trong những tỉnh rất có thế mạnh về đầu tư nước ngoài, trong đó các ngành nghề thủ công truyền thống, đặc biệt là nghề gốm sứ đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh. Với lợi thế là một thành phố nằm ở cửa ngõ của thành phố Hồ Chí Minh, thuận lợi về vận tải và kinh doanh xuất nhập khẩu, ngành gốm Đồng Nai với truyền thống và phong cách riêng rất độc đáo hoàn toàn có đủ điều kiện để giới thiệu và mở rộng thị trường của mình ra nhiều nước trên thế
Để đánh giá chất lượng của một sản phẩm gốm sứ, người ta thường dựa vào những tiêu chí sau: nhất dáng, nhì xương, tam men, tứ trí. Như vậy, nghệ thuật tạo hình gốm là hết sức quan trọng bởi hình dáng sản phẩm là yếu tố đứng hàng đầu. Nó là cốt lõi của sản phẩm, là cơ sở để người nghệ nhân tiến hành các hình thức trang trí khác. Hình dáng của sản phẩm gốm được quy định bởi nếp sống, nếp suy nghĩ, cá tính, trình độ thẩm mỹ của nghệ nhân sáng tạo cũng như công chúng mà nó hướng tới. Nó còn được quyết định bởi xu hướng và quan niệm thẩm mỹ của thời đại. Cuối cùng, đó là sự kết hợp của đường nét và mảng khối trong nghệ thuật tạo hình ba chiều với sự cho phép của chất liệu.
Gốm mỹ nghệ Biên Hòa có vô vàn kiểu dáng với nhiều chủng loại khác nhau song vẻ đẹp truyền thống mang tính đặc trưng của nó thể hiện qua hai khía cạnh: sự cân đối, hài hòa trong tạo hình sản phẩm và nét độc đáo, đầy tính thẩm mỹ của các tượng nhỏ.
Sự cân đối và hài hòa trong tạo hình
Trong thiết kế gốm, có thể nói những dáng bình gốm Hy Lạp cổ đại cho thấy một sự cân đối mang tính cổ điển làm nên vẻ đẹp chỉn chu, say đắm lòng người. Nghệ thuật gốm Việt Nam nói chung và gốm Biên Hòa nói riêng cũng không là ngoại lệ, những sản phẩm được tạo dáng trên bàn xoay hoặc có cốt mẫu trên bàn xoay đều trở nên tròn trịa và cân đối. Đó là sự đối xứng tuyệt đối qua một trục cả về các thể thức, hình khối và các chi tiết phụ họa như quai, nắp.
Sự cân đối còn được thể hiện qua những đôn voi và các loại thú khác nhưlân, chó… Chúng luôn có sự đối xứng với nhau qua chính trục giữa của nó hoặc một khoảng cách nhất định như hai con lân đối nhau qua hai trụ cổng.
Bình gốm xoay (vuốt) của Biên Hòa thường được cấu tạo dựa trên năm thể(phần) chính, ngoài ra còn có một số chi tiết phụ, tùy theo sáng tác của nghệ nhân như quai, vòi, nắp… Những phần chính là chân, thân, vai, cổ và miệng bình. Từ 5 phần chính này, nghệ nhân có thể sáng tác ra rất nhiều kiểu dáng khác nhau. Có nhiều dạng bình không cần đủ 5 phần như bình hông dưới, loại không vai hay hũ, loại hình không có cổ. Sự cân đối của tạo dáng gốm Biên Hòa thể hiện qua tính thống nhất của từng phần trong một chỉnh thể nhất định.
Sự hài hòa là cái đích luôn mong muốn vươn tới của nhiều nghệ nhân sáng tạo. Có nhiều yếu tố tạo ra sự hài hòa của một sản phẩm, chẳng hạn như tỷ lệ kích thước của chiều cao và chiều rộng, của độ lớn hông bình với các bộ phận khác, của miệng và đáy bình, của từng bộ phận so với tổng thể. Có dạng bình tròn như trái bóng, hoặc là sự mô phỏng đường cong của tang trống. Phần miệng bình luôn dẫn người xem từ cảm giác chắc khỏe, đến sự dịu dàng và cao quý toát ra qua những tai bèo mềm mại. Phần cổ của bình lại hướng tới độ thanh thoát và là nhịp nối gắn kết sự hòa hợp giữa miệng và phần dưới của bình.
Để đạt đến độ hài hòa trong từng sản phẩm, nghệ nhân gốm Biên Hòa đã chắt lọc từ đa dạng dáng gốm của nhiều vùng khác nhau cộng với sự nỗ lực tìm tòi sáng tạo của chính mình. Trong loại hình bình hoa, sự hài hòa thể hiện rõ qua những đường cong mềm mại, căng tròn và liền lạc. Một bình rượu có hai bầu, trên nhỏ dưới lớn, là hình dáng quen thuộc trên khắp Việt Nam, song riêng với gốm Biên Hòa, nó trở nên thanh thoát, hài hòa hơn với tỷ lệ (vàng) của từng phần để tạo ra một chỉnh thể hoàn thiện.
Dạng bình sữa lại là một xu hướng tạo hình khác. Sự hài hòa được mang đến không phải do tính đối xứng qua một trục mà là cân bằng của khối. Phần vát, lệch một bên của miệng bình đã cân bằng với quai của bên kia, khiến cho sản phẩm rất mềm mại và phong phú về hình thể, cùng sự linh hoạt và chuyển động trong toàn khối. Đó là một phong cách tạo hình có sự tính toán khá phóng khoáng, đem lại hiệu quả thẩm mỹ cao.
Bộ ấm trà của gốm Biên Hòa có đặc trưng khác hẳn so với các dòng gốm của Việt Nam. Bình trà có cách tạo hình theo đề tài cách điệu chữ tửu, đã cho thấy khả năng khái quát cao của người sáng tạo. Một bố cục rất gọn, sự bố trí sắp đặt đúng chỗ của vòi và quai ấm, nhất là cách phối hợp các đường nét và mảng khối đã tạo ra một nhịp điệu uyển chuyển, sống động. Toàn bộ các khối được nghệ nhân phỏng theo nét của chữ Hán, có chỗ to, chỗ nhỏ, có nhiều lỗ trống giữa các nét, tạo ra sự thanh thoát. Họa tiết trang trí chỉ đơn giản là những hoa văn cổ, song lại rất phù hợp để tôn thêm vẻ đẹp cho sản phẩm. Sự phối hợp giữa màu nâu của nền cùng màu trắng của họa tiết làm nổi bật thân bình bên cạnh quai.Vòi ấm có màu xanh đồng, đưa lại một vẻ đẹp vừa sang trọng vừa cung kính.
Bình trà trái bí mang vẻ đẹp của một đồ gốm men ngọc, cách tạo hình thật nhẹ nhàng và quyến rũ. Toàn bộ thân ấm trông giống trái bí cách điệu với các đường khía hội tụ dần về nắp ấm có hình dáng như một chiếc lá úp mềm mại. Một chút đường cong tạo ra quai và vòi càng làm cho bố cục đẹp thanh thoát. Bình trà được phủ một lớp men trắng ta, lại điểm xuyết những chấm vàng, mang lại cái đẹp nhẹ nhàng và tinh khiết.
Khi chiêm ngưỡng một số chén đĩa của gốm Biên Hòa, không ít người phảingỡ ngàng trước sự sáng tạo của nghệ nhân xưa. Lấy đề tài từ hoa, lá sen, một bộ sản phẩm đĩa và chén đã được ra đời, mang đầy đủ sự mềm mại và cao quý. Vẫn với dáng của một chiếc chén ăn cơm bình thường nhưng người thợ đã tạo cho nó sự mềm mại bởi đường gợn của miệng chén được chia theo những cánh sen. Thêm vào đó là sức lột tả của đĩa giống như một lá sen đang nâng niu nụ hoa của nó. Màu men xanh đồng chỗ đậm, chỗ lợt (nhạt), cộng với những chấm bông vàng, đen càng tô điểm thêm cho sản phẩm.
Có lẽ, một số chén của Biên Hòa được làm ra với mục đích để uống nước như chén dùng trong trà đạo của người Nhật. Bởi khi uống trà, người dùng mới có cơ hội để thưởng thức hết giá trị nghệ thuật của chén cho xứng với tầm của nó. Chén được tạo dáng có đáy nhỏ, miệng loe lớn để phô bày hết các trang trí dày đặc bên trong lẫn bên ngoài, nó thực sự vượt khỏi tầm của một đồ gia dụng hàng ngày. Một loạt chén loại này được trang trí theo nhiều đề tài, từ hoa lá cổ đến các loại minh văn đơn giản, nhằm làm phong phú cho một dạng sản phẩm chỉ có ở gốm Biên Hòa. Chúng được sắp các loại men trầm nhưng rất phù hợp với từng đồ án trang trí.
Đôn là một dạng đặc trưng của gốm Biên Hòa. Có một số dáng đôn được sản xuất như loại đơn giản giống một cái trống, đôn ba mặt và đôn voi. Đôn ba mặt được tạo dáng khá đẹp với một chỉnh thể gọn, hài hòa giữa mặt đôn để ngồi và thân đôn là phù điêu nổi cao hình lân. Đôn voi lại là sự mô phỏng theo hình dáng của convoi theo hai dạng: loại vòi cất cao lên trên và loại có vòi đi xuống. Cái đẹp của đôn là sự kết hợp hài hòa giữa tạo hình và hình thức trang trí rất chi tiết của nó.
Tạo hình tượng nhỏ độc đáo
Một trong những dòng sản phẩm gốm Biên Hòa được ưa chuộng nhất là tượng. Tượng gốm được các nghệ nhân chú trọng khai thác, sáng tạo bằng tất cả sự ngưỡng vọng và tâm hồn hướng tới chân, thiện, mỹ. Nó đã góp phần tạo nên loại gốm mỹ nghệ đặc trưng, được định danh là gốm mỹ nghệ Biên Hòa nổi tiếng vào những thập niên 20-50 TK XX.
Bên cạnh tượng phật, gốm Biên Hòa còn thể hiện được nhiều hình tượng con người trong xã hội xưa và nay. Đó là những tác phẩm có tính hiện thực cao như nhóm tượng ngư ông, diễn tả người dân lao động trong nhiều tư thế sinh động. Vẻ mặt của họ ánh lên tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống, cho dù phải đối mặt với lao động cực nhọc hay tuổi tác. Trong nhóm tượng này, các ngư ông được thể hiện khỏe mạnh với quần áo xắn cao, để lộ các cơ săn chắc của người lao động chân tay. Chiếc nón (mũ) rộng vành được bố trí úp sau lưng như tăng thêm sự khẳng định của đề tài, đồng thời làm cho bố cục tượng chắc chắn. Men có màu đen của quần, màu xanh của áo và màu trắng của nón kết hợp lại, tạo nên hình tượng các ngư ông bình dị nhưng thật cao đẹp, đáng để mọi người trân trọng.
slideshow
Tượng Mạnh mẫu Mạnh tử ca ngợi tấm lòng bao la của người mẹ đối với đứa con. Mạnh mẫu tuy lao động vất vả nhưng vẫn hy sinh hết mình để lo cho con ăn học. Những mảng khối và đường nét trên trang phục của Mạnh mẫu cùng động tác và gánh hàng đã tạo nên bố cục sinh động, mặt của Mạnh mẫu hướng về phía Mạnh tử như đang truyền tình cảm cho con. Trong tác phẩm này, tác giả đã dùng nét cong làm chủ đạo để diễn tả nhiều điều: nét cong của đòn gánh diễn tả sức nặng của gánh hàng trên vai mẫu tử, dáng hơi cong của mẫu tử thể hiện phản xạ tự nhiên dưới sức nặng đang mang, nét cong mềm mại của quần áo…Tất cả như diễn tả tình thương ngọt ngào của mẹ dành cho con và mong con ăn học thành người. Các màu men xanh đồng trổ, xanh coban, trắng ta và đen đã kết hợp để mang lại vẻ đẹp của một điển cố xưa nhưng có giá trị đến muôn đời.
Tượng xe ngựa cho thấy sự tinh tế và tính khái quát cao trong việc tái hiện một phương tiện giao thông xưa của giai cấp quý tộc. Đối với chất liệu gốm, những khắt khe của độ co đất cùng nhiều biến đổi trong quá trình nung không cho phép nghệ nhân được phóng khoáng tạo khối như các chất liệu điêu khắc khác. Vì vậy,khi tạo khối, nghệ nhân phải tính đến yếu tố trọng lực cho phù hợp với kỹ thuật tạo hình bằng đất và sự biến đổi khi nung. Quần tượng xe ngựa là thành công của việc tạo ra một chỉnh thể có nhịp điệu, tư thế sinh động của ngựa hòa quyện cùng người dắt phần nào trái ngược với sự tự tại của người ngồi trên xe. Điều này đã nói lên được ý tưởng của đề tài bên cạnh giá trị nghệ thuật đơn thuần của nó.
Tượng tình mẫu tử là bài ca về tình cảm của mẹ con. Bố cục tượng gọn, mang đến sự truyền cảm sâu sắc qua tấm lưng còng của mẹ. Dù khó nhọc, ánh mắt của mẹ vẫn luôn trìu mến, muốn đem đến cho con một cuộc sống thanh bình và vui tươi. Con nhỏ được mẹ ôm trong lòng đang rạng rỡ với cánh chim trên tay, thật hạnh phúc trong vòng tay của mẹ. Toàn bộ tác phẩm phủ một màu men trứng cúc, bình dị và gần gũi.
Tính phong phú của mảng, khối trong sản phẩm gốm hiện đại
Bên cạnh mảng gốm có phong cách tạo hình truyền thống trên bàn xoay(vuốt) với những sản phẩm tròn và cân đối, gốm Biên Hòa còn rất ấn tượng và giàu tính sáng tạo qua nhiều tác phẩm gốm độc bản, mang tính hiện đại.
Trong giai đoạn Pháp thuộc, phong cách tạo hình này mới chỉ thấp thoáng qua một số sản phẩm bình trà, nó chỉ thật sự bùng nổ khi đất nước bước vào thời mở cửa. Những kiểu dáng gốm hiện đại, phóng khoáng nhưng mang nhiều tính sáng tạo đã trở nên hấp dẫn và có ảnh hưởng đến tạo dáng gốm Biên Hòa. Hàng loạt tác phẩm gốm do thày và trò Trường Cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai sáng tác cùng với sự thể nghiệm của một số lò gốm ở Biên Hòa đã khẳng định một mảng gốm rất đặc trưng của Đồng Nai.
Nói đến gốm hiện đại là đã đề cập tới cách giải quyết vấn đề theo phong cách nghệ thuật hiện đại, từ tư duy chọn đề tài đến thể hiện qua mảng khối. Trong các tác phẩm gốm hiện đại Biên Hòa, sự phong phú của mảng, khối là nét khác biệt rõ nhất so với gốm truyền thống. Khối và mảng trở nên biến hóa với tính khái quát cao về đề tài mà tác giả muốn thể hiện.
Bình ốc, cho thấy một điển hình về sự chuyển của khối và đường nét. Đó là sự kết hợp của nhiều khối to nhỏ, âm dương, mỗi khối lại có những hình dáng khác nhau tạo nên một tổng thể vô cùng phong phú. Bên cạnh đó, những đường khắc chìm trên thân của khối lớn đã tạo ra sự liên kết trong một tập hợp, chia thân khối ra thành nhiều mảng có diện tích và hình dáng khác nhau, làm nên một cái nền. Toàn thể tập hợp đó gợi nên một cảm giác nhẹ nhàng nhưng sâu thẳm của đại dương qua chính loài vật sống trong đó. Một nhịp điệu được toát ra qua sự uyển chuyển của đường nét và cách sắp xếp các khối. Một màu men xanh phủ toàn bộ tác phẩm đã làm rõ hơn sự diễn tả cho đề tài.
Các đề tài lấy từ hình tượng con người được sử dụng nhiều trong sáng tác gốm hiện đại. Trong đó, nhân vật được đơn giản hóa tối đa, các khối quyện chặt vào nhau trong nhịp chuyển động linh hoạt của mảng và đường nét. Nhìn chung bố cục của chúng đều hướng tới sự vận động liên tục của cuộc sống ngay cả khi con người đang trong tư thế tĩnh. Tác phẩm Tình yêu lứa đôi diễn tả đôi trai gái đang chìm đắm trong vũ điệu của tình yêu. Nhân vật nam và nữ được cách điệu thành những khối đơn giản với các đường cong mềm mại và uyển chuyển trong bố cục rất chặt chẽ giữa một không gian ba chiều rõ nét. Tác giả đã cố gắng diễn tả không gian sao cho khi ta xoay chiều nào cũng tạo được góc nhìn ưng ý, góc nào cũng thấy được nhịp điệu sinh động của mảng khối. Sự chặt chẽ nhưng không ngợp bởi khoảng trống giữa các khối đã tạo nên cảm giác nhẹ nhàng và sâu rộng của không gian. Sự chuyển động thông qua đường nét và mảng khối làm sáng tỏ hơn chủ đề mà tác phẩm đang hướng đến. Toàn bộ tác phẩm được tráng một màu xanh đồng nhẹ nhàng và đặc trưng của gốm Biên Hòa.
Sự tìm hiểu và khai thác các đề tài về văn hóa và con người của nhiều dân tộc trên khắp đất nước là một mảng rất ấn tượng trong gốm hiện đại Biên Hòa. Tác phẩm Tây Nguyên, dưới dạng một bình hoa, cho thấy một phong cách thể hiện kết hợp giữa tạo hình truyền thống và điêu khắc. Tính truyền thống ở đây là một bố cụckhá cân đối, sự tạo dáng ban đầu dựa vào bàn xoay nhưng nó đã được điêu khắc hóa khi thể hiện những chi tiết, mảng và khối nhỏ. Trong Tây Nguyên, các khối được gắn kết với nhau theo một trình tự ngẫu nhiên như thực tế, song nó đã được tính toán ở một tỷ lệ vừa đúng để tạo ra tổng thể hoàn chỉnh. Với một khối đơn giản có tính khái quát cao, việc nêu bật được đặc điểm của một nền văn hóa, một dân tộc là rất khó. Bình Tây Nguyên đã cho người xem cảm nhận được những đặc điểm chính của người phụ nữ nơi đây qua mảng khăn quấn trên đầu, hai vòng đeo tai có dạng như hai chiếc chiêng, hai lỗ tai lớn, biểu thị cho hệ quả của việc đeo vòng nặng từ nhỏ và cuối cùng là ba vòng tròn ở cổ. Chính các chi tiết của khối như: mắt, miệng, tai… là những họa tiết trang trí vừa để hoàn chỉnh ý tưởng đề cập của đề tài, đồng thời góp phần mang lại tính mỹ thuật cao hơn, sâu sắc hơn. Màu men nâu chủ đạo đã trở nên phù hợp và làm đẹp hơn cho cả nội dung và hình thức của tác phẩm.
Bình đèn Múa Chăm lại đưa người xem đến cảm nhận khác về sự biến đổi của mảng khối và đường nét trên một sản phẩm gốm. Trong tư thế hết sức sinh động và mềm mại, hình tượng người múa hiện lên duyên dáng với những hoa văn mang đậm bản sắc Chăm trên trang phục. Với bố cục thật đơn giản và gọn, hình tượng vũ nữ được chia làm ba khối chồng lên nhau theo xu hướng nhỏ dần lên trên. Đó là ba khối biến thể có tính khái quát cao, một khối tay đưa lên, một cánh tay chống vào hông… tất cả được kết hợp đầy sáng tạo. Những hoa văn Chăm được trang trí phù hợp với kỹ thuật khắc, lộng, đã tạo ra sự thông thoáng cần thiết để ánh sáng đèn bên trong hắt ra, vừa đủ đẹp. Màu men xanh đồng của thân và màu men nâu đậm, màu đen của hoa văn hài hòa và sâu lắng.
Như vậy, khả năng kết hợp của mảng và khối trong gốm hiện đại thật phong phú. Sự phong phú đó bắt nguồn từ tính đa dạng của đề tài mà gốm hiện đại thể hiện, hơn nữa phong cách tạo hình mới trong các sáng tác đã giúp cho việc tạo hìnhmảng, khối ngày càng đa dạng hơn. Nó không chỉ làm đẹp cho một bố cục mà tự bản thân nó đã bộc lộ những ngữ nghĩa tùy theo sự biến hóa và cách sắp đặt của tác giả.
Cùng với những dòng gốm khác trên khắp quê hương Việt Nam, gốm Biên Hòa đã và đang góp phần làm tôn vinh vẻ đẹp và phong phú của làng nghề truyền thống thủ công mỹ nghệ. Với nỗ lực phấn đấu của các doanh nghiệp sản xuất, ngành gốm Biên Hòa sẽ gặt hái được nhiều thành công trên bước đường phát triển, mãi mãi xứng đáng là dòng gốm nổi tiếng mang đặc trưng riêng của khu vực miền Đông Nam Bộ.
Tác Giả : TRẦN ĐÌNH QUẢ