Bát-nhã Ba-la-mật-đa: (Bát-nhã: phiên âm từ chữ Prajna trong tiếng Phạn, có nghĩa là trí tuệ, sự sáng suốt + Ba-la-mật-đa: phiên âm từ Paramita của Phạn ngữ, có nghĩa là tuyệt hảo): Trí tuệ tuyệt hảo (perfect wisdom).
Kinh Đại Bát Nhã, bản dịch Huyền Trang, thế kỷ thứ 8, Bảo tàng Quốc gia Kyoto
Ngũ uẩn: Năm thành phần cấu tạo nên một con người sống trên cõi trần:
1. Sắc: sắc tướng, vật thể, xác thân (Phạn ngữ: Rupa; Anh ngữ: material, body, matter);
2. Thụ: cảm nhận, cảm giác (Phạn ngữ: vedana; Anh ngữ: feeling, sensation).
3. Tưởng: ý tưởng, ý nghĩ, sự mường tượng (Phạn ngữ: samjna; Anh ngữ: conception, thought, idea, imagination).
4. Hành: hành động, hành vi, quyết định làm điều gì (Phạn ngữ: samskara; Anh ngữ: volition, will, decision, determination). Hành là do Thụ và Tưởng mà có. Thí dụ như khi cảm thấy (thụ) đói thì quyết định (hành) ăn. Hay khi nghĩ (tưởng) người đó không bằng mình thì sinh ra (hành) ý khinh rẻ, v.v.
5. Thức: Biết, nhận thức, ý thức, tri giác (Phạn ngữ: vijnana; Anh ngữ: conscious-ness, thought-faculty).
Trong ngũ uẩn thì xác thân được gọi là uẩn Sắc, vì có thể nhìn thấy. Còn 4 uẩn còn lại (thụ, tưởng, hành, thức) gọi là các uẩn Danh vì chỉ nghe tên gọi mà không nhìn thấy được. Người sống có 5 uẩn, trong khi các vong linh, vía nói riêng, chỉ có 4 uẩn danh, vì uẩn sắc, tức thân xác, sau khi chết đã không còn.
Tâm kinh Bát-nhã Ba-la-mật-đa có thể được xem là bài kinh, chú phổ biến nhất của Phật giáo Đại thừa. Phật tử Việt trước nay vẫn niệm bài tâm kinh này, thường được cho là do ngài Đường tăng Huyền Trang dịch năm 649. Và cái quan niệm sắc sắc không không từ bao đời nay là từ kinh này mà có. Nhưng thật ra, đằng sau sự thân quen đã thành đời thường đó, bài tâm kinh này từ bao đời nay đã làm tốn nhiều giấy bút của các học giả nghiên cứu Phật học và Phạn ngữ trên thế giới.
Đường Tăng trở về từ Tây Trúc. Con voi trắng là quà tặng của vua Ấn Độ Harsha Vardhana. Trên đường về gặp cướp, con voi hoảng sợ nhẩy xuống sông và chết đuối. Một số kinh do đó bị mất. Thế kỷ thứ 8, Đôn Hoàng, Trung Quốc. Ảnh Paul Getty Trust.
Từ thế kỷ thứ 19 đã có nhiều học giả bỏ công sức ra nghiên cứu bài Bát nhã tâm kinh. Thí dụ như giáo sư Max Müller của Đại học Oxford, Anh Quốc, đã bắt đầu nghiên cứu bài tâm kinh này từ năm 1846. Bát-nhã Tâm kinh cũng là đề tài được khảo cứu sâu rộng bởi các hội nghiên cứu Phật học trên thế giới trước nay, như các hội Bukkyo Dendo Kyokai (BDK) ở Nhật Bản, Viện Vipassana Research Institute (VRI) của Ấn Độ, Hội Pali Text Society của Sri Lanka, Taisho Chinese Buddhist Electronic Text Association (CBETA) ở Đài Loan, hay các nhóm phiên dịch Kanjur ở Tây Tạng, v.v.
Nổi tiếng nhất là Tiến sỹ Edward Conze (1904-1979). Ông cũng là giáo sư giảng dậy tại đại học Oxford. Conze đã cất công tìm ra nhiều thủ bản hay bản khắc Phạn ngữ cổ của bài Bát nhã Tâm kinh, rồi năm 1947 đúc kết lại thành bản Tâm kinh Bát nhã Phạn ngữ phổ biến hiện nay.
Trong số các cổ bản Bát nhã tâm kinh Phạn ngữ, với 12 bản tìm được ở Nepal; 7 từ Trung Quốc; 2 từ Nhật Bản; 1 từ Tây Tạng, được ông Conze dùng để nghiên cứu, có bản được viết trên lá bối từ đầu thế kỷ thứ 6 và được lưu giữ tại đền Hōryū-ji, ở quận Nara, Nhật Bản, từ năm 609. Cũng có vài nguồn bên Trung Quốc phản bác niên đại này của bản văn, nhưng nó vẫn được xem là văn bản cổ nhất của Tâm kinh Bát nhã còn tồn tại đến giờ. Nếu niên đại do người Nhật và các học giả Tây phương công bố là đúng, thì văn bản này đã xuất hiện trước thời của Đường Tăng Trần Huyền Trang.
Bản sao hai lá bối chữ Phạn ở đền Hōryū-ji, Nhật Bản
Các bản Tâm kinh Bát nhã cổ bằng tiếng Phạn và tiếng Pali đều gần như đồng nhất với nhau, chỉ có vài tiểu tiết sai lạc đâu đó ở một vài chữ hay một vài nét viết nhầm.
Trong khi đó các bản dịch ra Hán văn thì khác nhau khá nhiều. Có điều lạ là các bản văn Phạn ngữ của bài tâm kinh này được viết với văn phong của Hán ngữ chứ không phải là của bản ngữ Phạn văn.
Bản Phạn ngữ ở động Đôn Hoàng, Thư viện Quốc gia Pháp
Hiện nay mọi sự chú tâm đều hướng vào 3 bản dịch ra Hán văn nổi trội nhất, được cho là của Chi Khiêm, tức Lokasema (222-252); Cưu Ma La Thập, tức Kumara-jiva (344-413); và Đường Huyền Trang (602-664). Nhất là 2 bản sau. Bản dịch Hán văn của ngài Huyền Trang được các nước Đồng văn xem là bài tiêu chuẩn.
Bản dịch của Huyền Trang là bản độc nhất gọi bài chú này là kinh (Sutra). Trong khi tất cả các bản dịch Hán văn khác đều gọi là chú (Dharani). Chi Khiêm dùng tên gọi Thần chú, Cưu Ma La Thập thì dùng danh xưng Đại thần chú. Nhưng đọc toàn bài thì thấy quả là bài kinh này đặt trọng tâm vào câu thần chú ở cuối bài. Phần còn lại chỉ là sự giới thiệu về câu chú đó. Bản dịch của Huyền Trang cũng là bản độc nhất dùng danh xưng Quán Tự Tại (Avalokitesvara), trong khi tất cả các bản Phạn ngữ, các bản dịch Hán văn khác, và kể cả các đệ tử của ngài Huyền Trang, đều dùng tên Quán Thế Âm (Avalokitasvara ) theo lối cổ. (Avalokitesvara: (Ava: từ trên xuống +Lokita: nhìn, quan sát, để ý + Isvara: thánh, chúa, thượng đế, v.v): Vị thánh quan sát xuống (trần gian); Avalokitasvara: (Ava: từ trên xuống + Lokita: nhìn, quan sát, để ý + svara: âm thanh, tiếng gọi, tiếng kêu): Vị để ý xuống tiếng kêu bên dưới;)
Sự khác nhau của các bản dịch Hán văn có thể là do việc tam sao thất bản, vì được hậu thế chép lại và công bố khá lâu sau khi dịch giả đã qua đời. Thí dụ như bản dịch của Cưu Ma La Thập được công bố năm 703, trong khi vị tỳ khưu này viên tịch năm 413. Ngoài ra còn do lỗi cú pháp của những người viết lại sau này. Bản dịch bài tâm kinh Bát nhã ra Hán văn của Cưu Ma La Thập cũng là bản có nội dung lạ nhất.
Nếu viết hết về sự dị biệt giữa các bản dịch Hán văn của bài tâm kinh Bát nhã, hay sự khác biệt giữa các bản Hán văn và bản tiếng Phạn, thì khá dài. Nhưng có thể đơn cử một vài thí dụ. Như câu nổi tiếng trong bài tâm kinh này đối với chúng ta trước nay là “Sắc bất dị không, không bất dị sắc” (thể xác chẳng khác hư không, hư không chẳng khác thể xác) trong bản dịch của Huyền Trang, thì trong bản dịch được cho là của Cưu Ma La Thập viết là “Phi sắc dị không, phi không dị sắc” (không phải là thể xác khác hư không, không phải là hư không khác thể xác).
Hay trong khi bản dịch Huyền Trang dịch Sariputra thành Xá Lợi Tử, thì bản được cho là của Cưu Ma La Thập dịch là Xá Lợi Phất, là sự sai lạc không nên có của một chuyên gia Phạn ngữ. Chữ Sari phiên âm ra Hán ngữ thành Xá Lợi là đúng rồi. Còn chữ Putra trong tiếng Phạn có nghĩa là con trai, hay một đứa trẻ trai đáng tuổi con mình. Dịch ra là Tử thì đúng nghĩa. Nhưng Cưu Ma La Thập lại dịch chữ Putra thành Phất. Theo hủ kiến kỳ thị xã hội, giới tính của dân tộc Ấn Độ thời cổ, người đàn ông không có con trai sẽ bị sa vào địa ngục. Chữ Put trong tiếng Phạn có nghĩa là địa ngục. Đứa con sinh ra để cha nó không bị sa địa ngục là đứa con trai, là Putra. Chữ Phất trong bản dịch bài Bát nhã Tâm kinh của Cưu Ma La Thập là do chữ Put, rút ngắn từ Putra, mà ra. Và đây không phải là sự dùng chữ xác đáng của một vị như Cưu Ma La Thập. Nên biết rằng bản dịch bộ kinh Đại phẩm bát-nhã (Pañca-viṃśatisāhasrika-prajñāpāramitā-sūtra) vĩ đại ra Hán văn, đã được xác minh là của Cưu Ma La Thập, là một tuyệt phẩm không có tì vết nào.
Sariputra ở bên phải đức Phật, thế kỷ thứ 9 Trung Quốc, Bảo tàng Asia Society, New York
Bản dịch Hán văn được cho là của Cưu Ma La Thập còn có những câu mà không bản nào khác chứa đựng, cả Phạn lẫn Hán. Thí dụ như ở gần đầu bài kinh, sau đoạn “Thụ, tưởng, hành, thức diệc phục như thị (Thụ, tưởng, hành, thức cũng đều như thế cả)”, còn có đoạn:
“Xá Lợi Phất! Sắc không cố vô não hoại tướng. Thụ không cố vô thụ tướng. Tưởng không cố vô tri tướng. Hành không cố vô tác tướng. Thức không cố vô giác tướng. Hà dĩ cố?” Có nghĩa là: “Xá Lợi Phất! Sắc (sắc tướng, thân xác) là không, cho nên không có sự hủy hoại. Thụ là không, cho nên không có sự cảm nhận. Tưởng là không cho nên không có sự suy nghĩ. Hành là không cho nên không có sự tạo ra (duyên, nghiệp, v.v). Thức là không cho nên không có tri giác. Là vì sao (2)?” (舍利弗! 色空故無惱壞相, 受空故無受相, 想空故無知, 行空故無 作相, 識空故無覺相。何以故?)
Hay ở phần giữa bài còn có thêm đoạn: “Thị không pháp: phi quá khứ, phi vị lai, phi hiện tại.” Nghĩa là: “Pháp không này: không có quá khứ, không có vị lai, không có hiện tại (3).” (是空法, 非過去、非未來、非現在。)
Ngoài những điều khác biệt kể trên, những phần còn lại của hai bản dịch Huyền Trang và Cưu Ma La Thập giống nhau từng chữ một.
Sự khác biệt giữa các bản dịch Hán văn với bản Phạn ngữ cũng nhiều, và có khi làm đổi cả ý nghĩa của câu văn. Thí dụ như vế được xem là chủ đề của bài tâm kinh này với 2 câu, “Sắc tức thị không, không tức thị sắc. Sắc bất dị không, không bất dị sắc” (có nghĩa là “thể xác là hư vô, hư vô là thể xác. Thể xác không khác hư vô, hư vô không khác thể xác”) trong bản dịch Hán văn của Huyền Trang, thì trong bản Phạn ngữ vế này gồm có 3 câu, chứ không chỉ có 2 như thế.
Nguyên bản Phạn ngữ của vế này là: “Rupam sunyata, sunyataiva rupam. Rupam na-prithag sunyata, sunyata na-prithag rupam. Yad rupam sa sunyata, ya sunyata tad rupam”.
(Rupam (rupa): sắc tướng, vật thể, thể xác;
sunyataiva: Sunyata: trống không, hư vô + iva: giống hệt như;
Na: không (ngược với có);
prithag: tách khỏi, lìa ra, hay cũng còn có nghĩa là: một cách khác biệt;
yad… sa hay ya… tad: cái gì là… cũng là.)
Ba câu này có nghĩa là: “Thể xác là hư vô, hư vô giống hệt như thể xác. Thể xác không tách rời hư vô, hư vô không tách rời thể xác (hay còn dịch là “Thể xác không khác hư vô, hư vô không khác thể xác”). Cái gì là thể xác cũng là hư vô, cái gì là hư vô cũng là thể xác”.
Hay một đoạn chính yếu nữa của bài tâm kinh này cũng có sự khác biệt giữa các bản Hán và Phạn ngữ. Bản Hán ngữ của Huyền Trang viết: “Xá Lợi tử! dĩ vô sở đắc cố, Bồ-đề-tát-đỏa y Bát-nhã Ba-la-mật-đa cố, tâm vô quái ngại, vô quái ngại, cố vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết-bàn.” Tức là: “Con trai của Xá Lợi! Vì không đạt (ở đây có nghĩa là đạt niết bàn), cho nên Bồ-đề-tát-đỏa nương vào Bát-nhã Ba-la-mật-đa nên tâm ngài không còn chướng ngại (vô minh). Không còn chướng ngại cho nên không sợ hãi, tránh xa được các mộng tưởng điên đảo, và rút cuộc đạt được niết bàn.”
Đoạn này trong bản tiếng Phạn là: “Tasmac Sariputra! Apraptivad, Bodhisatt-vasya Prajnaparamitamasritya Viharatya cittavaranah. Cittavarana-nastivad atrasto viparyasatikranto, nisthanirvana.”
Nghĩa là: “Bởi thế, con trai của Xá Lợi! Dù đã nói không đạt (niết bàn), nhưng vì chư Bồ tát nhất tâm thực hành Bát-nhã Ba-la-mật-đa nên tâm các ngài dứt được mọi chướng ngại. Tâm hoàn toàn không vướng chướng ngại cho nên không sợ hãi, chế ngự được các suy tưởng sai lạc, và rút cuộc vẫn nhập niết bàn.”
(Tasmac: Vì thế
Putra: Con trai, đứa bé trai bằng tuổi con mình, tiếng gọi thân tình “thằng con”;
SariPutra: Tên gọi của đại đệ tử của Phật Thích Ca. Cha ông tên là Tissa và mẹ ông tên là Sari (phiên âm ra Hán văn là Xá Lợi). Theo tục cổ bên Ấn Độ người ta gọi con trai cả bằng tên mẹ, cho nên ông được gọi là Sariputra có nghĩa là con trai của bà Sari. Vì tên cha ông là Tissa, cho nên có khi ông còn được gọi là Upatissa;
Apraptivad: (A: không, ngược lại với có + Prapta: đạt được, sở đắc + Vad: rút ngắn của Vadate: nói, khẳng định, tuyên bố): Đã nói (tuyên bố) là không sở đắc (đạt được);
Bodhisattvasya: (Bodhisattva: Bồ tát + Vasya: nhất tâm, chăm chỉ): Bồ tát nhất tâm;
Asritya: thực hành, luyện tập, tu luyện…;
Viharatya: dứt, cắt đứt;
Cittavarana: (Citta: tâm, tim, lòng + Varana: chướng ngại, lưỡng lự, ngăn trở): tâm bị chướng ngại;
Cittavarananastivad: (Cittavarana: Tâm vướng chướng ngại + Nasti: không hiện hữu, không có + Vad: khẳng định): Tâm hoàn toàn không vướng chướng ngại;
Atrasto: (A: không + trasta: sợ hãi, run sợ): không sợ hãi;
Viparyasariskranto: (Viparyasa: Sai lầm, tưởng tượng sai lạc sai thành đúng, trái thành phải, v.v. + Ariskranta: chế ngự, vượt qua, thoát được): chế ngự được các suy tưởng sai lạc;
Nisthanirvana: (Nistha: cuối cùng, rút cuộc, lên trên, vào trong + Nirvana: niết bàn): Rút cuộc nhập niết bàn;)
Trong các bản dịch ra Hán văn phổ biến không thấy câu khai chú của Bát-nhã Ba-la-mật-đa Bồ-tát như trong bản Phạn ngữ: “Namo Bhagavataya Arya Prajna-paramitaya”, tức là “Nam mô Bạt dà phạm đa dạ A lị da Bát-nhã Ba-la-mật-đa dạ”. Hay câu khai chú “Namo sarvajnaya”, tức là “Nam mô Nhất Thiết Trí dạ” của phái Kim Cương. Ngoài ra, đoạn “Độ nhất thiết khổ ách (cứu giúp mọi khổ nạn)” ở cuối vế đầu trong bản dịch Hán văn của Huyền Trang cũng không thấy có trong các bản Phạn ngữ. Và trong bản Phạn ngữ còn có chữ “na apraptih” tức là “vô vô đắc” mà các bản Hán văn không có. Toàn thể đoạn này phải là “Na jnanam, na praptih na apraptih”, tức là “vô trí, vô đắc, diệc vô vô đắc (không suy nghĩ, không đạt, thậm chí không có cả sự không đạt)”.
Phần còn lại của các bản Phạn và Hán thì đại đồng tiểu dị tương đối giống nhau.
Thuyết của phái Nhất-thiết-hữu-bộ (Sarvastivada) thời cổ cho rằng bài tâm kinh này là do Bồ-tát Quán-thế-âm dậy riêng cho ông Xá Lợi Tử (Sariputra). Trong khi kinh Đại-phẩm Bát nhã thì nói rằng đây là Phật Thích Ca dậy đệ tử Xá Lợi Tử của ngài.
Sariputra ở bên phải Phật Thích Ca, thế kỷ thứ 5 Trung Quốc, Bảo tàng Asian Arts Museum, San Francisco
BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA TÂM KINH
● Quán Tự Tại Bồ tát hành thâm Bát-nhã Ba-la-mật-đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không. Độ nhất thiết khổ ách.
Bồ tát Quán Tự Tại sau khi thực hành thâm sâu pháp Bát-nhã Ba-la-mật-đa đã soi xét lại và nhận thấy rằng ngũ uẩn đều là hư không (không có thực chất). Cứu giúp mọi khổ ách.
● Xá Lợi tử! Sắc bất dị không, không bất dị sắc. Sắc tức thị không, không tức thị sắc. Thụ, tưởng, hành, thức diệc phục như thị.
Con trai của Xá Lợi! Uẩn sắc (thể xác, sắc tướng) chẳng khác hư không, hư không chẳng khác thể xác. Thể xác chính là hư không, hư không chính là thể xác. Thụ, tưởng, hành, thức (tức là 4 uẩn danh còn lại) cũng đều như thế cả (là hư không).
● Xá Lợi tử! Thị chư pháp không tướng: bất sinh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm…
Con trai của Xá Lợi! Mọi biểu hiện của vật hữu hình đều là không cả: không sinh không diệt, không ô uế không tinh khiết, không tăng không giảm…
● Xá Lợi Tử! Thị cố không trung vô sắc, thụ, tưởng, hành, thức. Vô nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý. Vô sắc, thanh, hương, vị, xúc pháp. Vô nhãn giới, nãi chí vô ý thức giới. Vô vô-minh, diệc vô vô-minh tận. Nãi chí vô lão, tử; diệc vô lão, tử tận. Vô khổ, tập, diệt, đạo. Vô trí, vô đắc.
Con trai của Xá Lợi! Trong hư không không có hình thể, cảm nhận, suy nghĩ, hành vi, tri giác. Không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân thể, trí óc. Không mầu sắc, âm thanh, mùi, vị, xúc giác. Không có thị giác, mà còn không có cả sự ý thức. Không ngu muội mà cũng không hết ngu muội. Không có sự già, chết mà thậm chí không có cả không già, không chết. Không có khổ, không có khởi đầu, kết thúc, đường hướng. Không có trí óc, không thành tựu (đạt niết bàn).
● Xá Lợi tử! Dĩ vô sở đắc cố, Bồ-đề-tát-đỏa y Bát-nhã Ba-la-mật-đa cố tâm vô quái ngại. Vô quái ngại cố vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng. Cứu cánh niết bàn.
Con trai của Xá Lợi! Bởi cớ không đạt đươc (niết bàn), chư Bồ-đề-tát-đỏa nương vào pháp Bát-nhã Ba-la-mật-đa nên tâm các ngài không còn vướng các chướng ngại. Không có chướng ngại cho nên không có sự sợ hãi, tránh xa được các mộng tưởng điên đảo. Rốt cuộc đạt được niết bàn.
● Tam thế chư Phật y Bát-nhã Ba-la-mật-đa cố đắc a-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề.
Chư Phật tam thế (quá khứ, hiện tại, vị lai) nhờ nương vào pháp Bát-nhã Ba-la-mật-đa mà đạt được sự giác ngộ tối thượng.
● Cố tri: Bát-nhã Ba-la-mật-đa thị đại thần chú, thị đại minh chú, thị vô thượng chú, thị vô đẳng đẳng chú, năng trừ nhất thiết khổ. Chân thực bất hư. Cố thuyến Bát-nhã Ba-la-mật-đa chú. Tức thuyết chú viết:
Vì thế nên biết rằng: Bát-nhã Ba-la-mật-đa là đại thần chú, là chú của đại trí tuệ, là chú tối thượng, là chú mà không có chú nào khác sánh được, có thể tiêu trừ tất cả khổ não. Đây là sự thật chứ không phải là không tưởng. Vì thế phải nên niệm chú Bát-nhã Ba-la-mật-đa này. Niệm chú như sau:
Gatê Gatê, Para Gatê, Para Săng Gatê Bô-đi. Svaha!
(Yết đế yết đế, Ba la Yết đế, Ba la tăng Yết đế Bồ đề. Tát Bà Ha!)
Đi rồi đấy, đi rồi đấy, đi được rồi đấy. Chắc chắn đi được đến Giác ngộ rồi đấy. Cho được như nguyện!
Ngọc xá lợi của Sariputra, Đền Chetiyagiri Vihara, Sanchi, Ấn Độ
LUẬN
Vật chất là do các nguyên tử chịu tác động của sự rung động (vibrations), hay chuyển động (motions), ở tần số hay vận tốc cao sinh từ trường (electro-magnetism) gây kết dính mà thành. Tất cả các dạng chất rắn, chất lỏng, chất khí; hay các dạng năng lượng như âm thanh, ánh sáng, kể cả ý nghĩ; cũng đều được tạo ra bằng các sóng rung động như thế. Albert Einstein đã khẳng định rằng: “Everything in life is vibration” (mọi thứ trên đời đều là rung động).
Sự tương quan giữa các thể dạng năng lượng rất xúc tích. Thí dụ như nếu tăng tần số rung (vibration frequency) của âm thanh nốt nhạc Do ở tần số rung căn bản của nó là 142/giây lên 8 bát độ (octave), thì âm thanh của nốt nhạc này sẽ trở thành ánh sáng. Hay hiện có vô số kênh truyền hình được phát cùng một lúc trên thế giới quanh ta, nhưng chúng ta chỉ có thể “bắt” được kênh của tần số được mở lên mà thôi. Lúc đó sóng rung điện từ đã trở thành hình ảnh ánh sáng.
Một thí dụ thô thiển nữa là cái chong chóng máy bay. Lúc không hoạt động nó là vật chất hữu hình. Nhưng khi quay nhanh lúc bay thì mắt thường không thấy nó được nữa. Với dao động ở vận tốc cao vật thể đã trở thành vô hình, thành hư không đối với cảm nhận của mắt trần. Thuyết Tương đối của Einstein cũng chứng tỏ sự tương đồng giữa sắc và không qua phương trình E = mc² (năng lượng (không) là khối lượng (sắc) nhân lên với bình phương của tốc độ ánh sáng).
Nhiều thiền sư Tây Tạng, Ấn Độ và các nhà tâm linh học nổi tiếng như Djwal Kull, Mahatma Kuthumi, Giám mục C.W. Leadbeater, bà Helena Blavatsky, v.v, có nhắc đến việc khi luyện Chakra Yoga (hay Kundalini Yoga, tức thiền luân xa hay thiền hỏa hầu) thành công có thể điều chỉnh tần số rung động của vật thể hay bản thân (whole-body vibration) đến mức cơ thể vật lý có thể “tan” trở lại thành dạng nguyên tử (vô hình) một cách có kiểm soát.
Trên thang cộng hưởng SR (Schumann Resonances) thì tần số rung của cõi quả đất là 7.82-8 chu kỳ (7.82-8 hz) mỗi giây đồng hồ. Đấy cũng là tần số rung Alfa chính của não bộ chúng ta khi ở trong trạng thái đại định, an bình tuyệt đối. Tần số rung thông thường của bộ não đang hoạt động khi tỉnh thức là từ 14 đến 40 chu kỳ mỗi giây, tùy thuộc vào tình trạng thư dãn hay khích động. Chỉ khác nhau 1/10 chu kỳ rung động mỗi giây đã gây nhiều khác biệt lắm rồi.
Thường thì chúng ta chỉ cảm nhận và nhìn thấy được mọi vật (pháp tướng) có cùng tần số rung với bản thân trong cõi quả đất này. Có vô số các cõi khác hiện hữu trong “hư vô” quanh chúng ta. Tất cả đều là vật chất, nhưng vì được kết dính, hình thành bằng tần số khác nên người ta không thấy và không cảm thấy được. Cá thể ở cùng một cõi, nghĩa là có cùng tần số rung thì cảm nhận nhau được giống như cách chúng ta cảm nhận được mọi vật có cùng tần số rung trong cõi trần gian của mình. Toàn thể cõi “hư vô” quanh ta thật ra hoàn toàn đặc kín với “thể chất” của hằng hà sa số tần số rung khác nhau. Phật chẳng đã dạy rằng quanh ta có hằng hà sa số cõi hay sao? Và “sắc là không, không là sắc cũng từ đấy mà ra.”
Con người phải có xác thân ngũ uẩn để sống phù hợp với điều kiện cơ học vật lý của cõi trần thế của mình trên quả đất. Các cơ quan cảm nhận vật lý như mắt, mũi, lưỡi, thân, ý (bộ não), hệ thống thần kinh, với chức năng của chúng như suy nghĩ, nghe, nhìn, nếm và các cảm xúc; đều chỉ để nuôi dưỡng, phục vụ cái xác thân ấy. Sau khi chết, xác thân tiêu tan thì các cơ quan ấy cũng tiêu tan. Và các hoạt động của não bộ; cũng như các cảm nhận, cảm xúc đói, no, nóng, lạnh, v.v, của xác thân ngũ uẩn, do các cơ quan này tạo ra, cũng phải tiêu tan theo. Cho nên “trong hư vô không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý (não bộ). Không còn các cảm giác như nghe, ngửi, nếm, xúc giác. Không còn thị giác…”
Trong khi cái xác thân ngũ uẩn phải tiêu tan sau mỗi kiếp, cái gì còn tồn tại là phần linh hồn. Phần linh hồn có nguyên tử thanh nhẹ hơn, và như vậy có tần số rung khác với tần số rung của thể chất chúng ta, cho nên chúng ta không cảm nhận được. Linh hồn trường tồn, vĩnh cửu cho nên không già, không chết, không khởi đầu, không kết thúc như xác thân ngũ uẩn. Trong cõi tâm linh, tức cõi hư vô, không có khối óc nhục thể để suy nghĩ, và ngũ quan phàm trần để nhận cảm xúc. Thay vào đó, tất cả mọi sự, việc ở thế giới tâm linh đều do trực giác (theo lối gọi thông thường) mà có. Lúc ấy không còn suy nghĩ, suy tính gì cả. Tất cả đều do trực giác. Cần ở đâu thì ngay lập tức ở đó, gặp tình huống nào thì do trực giác mà lập tức hiểu ngay tình huống đó, cần gì có ngay ở đấy…
Và ở cõi linh hồn không có sự mong ước thành tựu gì hết, vì tất cả các duyên nợ truyền kiếp đều được tạo ra ở cõi thế gian ngũ uẩn. Muốn trả nợ hay hưởng duyên gì cũng đều phải ở cõi phàm trần ngũ uẩn đó. Cho nên ở cõi hư vô không có các sự suy tính, nhận xét, ước ao như trong thế giới ngũ uẩn của chúng ta.
Phần linh hồn của chúng ta gồm có hồn (atma) và vía (jivatma). Hồn là phần chân ngã toàn thiện, chính giác. Vía là phàm ngã động loạn. Khổng giáo nói rằng sau khi người ta chết đi, thì hồn thăng vu thiên, phách giáng vu địa, tức là hồn lên cõi trời (dương) và vía xuống cõi đất (âm). Hồn và vía đều bất tử. Nhưng hồn, tức chân ngã, là phần mà chúng ta hay gọi nôm na là ông thiện, là lương tâm, luôn có tần số rung thanh cao ổn định, thường trụ bất biến. Trong khi đó phần vía là phần biến đổi theo từng kiếp luân hồi, và chuyển tần số rung của mình cao thấp tùy căn cơ mỗi kiếp. Đáng lý ra vía đầu thai mỗi kiếp để trả nghiệp và để học thêm cho đến lúc trở về được ngôi vị toàn năng (omnipotent – sarvasaktivat) tức là làm được hết, toàn giác (omniscient – sarvavidya, hay sarvajnana) tức biết hết, và toàn thông (omnipresent – sarvavyapin) tức là hiện diện ở khắp mọi nơi, như phần hồn. Nhưng vì ở cõi vô minh nên thường lại gây thêm nghiệp và trầm luân mãi. Phật giáo gọi phần này là a-lại-da thức (alayavijnana).
Trong tác phẩm Mười bức tranh mục đồng chăn trâu (Thập mục ngưu đồ) của Thiền tông, mục đồng (hồn, chân ngã) luôn chăn dắt con trâu (tức là cái vía, cái phàm ngã động loạn), để hướng nó lên cõi an bình, tức là vùng tần số rung động của cõi niết bàn. Trong đời có nhiều khi chúng ta “nghe theo tiếng gọi của lương tâm” là những khoảnh khắc hồn cố gắng chuyển hóa vía đó. Qua các bức tranh thì con trâu từ mầu đen tuyền ở bức tranh đầu trở nên trắng dần lên. Tức là tần số rung của vía, phàm ngã, cải thiện dần. Để cuối cùng con trâu, cái vía, trở thành hoàn toàn trong trắng, thanh khiết. Lúc đó hồn và vía, âm và dương, lưỡng nghi, có cùng tần số rung tuyệt hảo và thành một với nhau, thành cái vòng tròn hư vô ở bức tranh thứ 10 cuối cùng. Đấy là siêu thoát, là thoát luân hồi, là niết bàn… Nghe thì có vẻ là chuyện vô cùng dài lâu. Nhưng thật ra con người ta khi đã lên đến mức sống văn minh, có ít nhiều lương tâm, là đã phải tiến hóa, học hỏi qua vô số kiếp luân hồi rồi. Việc siêu thoát lập tức hay việc đốn ngộ không quá hiếm như chúng ta nghĩ, hay bị làm cho lầm tưởng, xưa nay.
Thập mục ngưu đồ. Tranh 1: Trâu còn đen, động loạn. Tranh 4: Trâu trắng dần. Tranh 8: Trâu đã trắng, cùng tần số rung với mục đồng. Tranh 10: Hư vô
Làm sao để đạt được tần số rung của sự an bình, của niết bàn, đó? Bên cạnh việc sống lành mạnh, thì bài tâm kinh Bát nhã có một đoạn chúng ta nên để ý. Ngôi vị Bồ tát khác với ngôi vị Phật ở chỗ các Bồ tát nguyện chưa đạt niết bàn mà ở lại thế gian để cứu khổ nạn. Thế nhưng vì chăm chỉ niệm chú Bát nhã mà rốt cuộc các ngài cũng đương nhiên đạt niết bàn. Như vậy, điều quan trọng tâm kinh này dậy chúng ta là cứ chăm chỉ niệm chú Bát nhã đi. Rồi dù biết hay không biết, muốn hay không muốn cũng tự nhiên mà đạt niết bàn.
Bồ tát Bát-nhã Ba-la-mật-đa với đặc điểm là lòng bàn tay và bàn chân mầu đỏ, thế kỷ 11, tu viện Tholing, Maryul, Tây Tạng.
Ngay ở trong đời sống thường ngày chú Bát nhã cũng rất hữu ích. Ngài Đường Tăng trong hành trình vượt vô vàn gian khó đi Tây Trúc thỉnh kinh, nhất là trong giai đoạn vượt sa mạc Gobi, mỗi khi gặp nạn đều niệm bài chú này. Và nhờ đó Ngài được an toàn, vượt qua mọi khổ nạn mà hoàn tất được công trình thỉnh bộ kinh Tam Tạng vỹ đại như vậy ở thời đó.
Huyền Trang và Hộ pháp Thâm Sa Đại tướng, thế kỷ 13 Trung Quốc, Bảo tàng Penn Museum
Dù nghĩa đen của mật chú thường rất giản dị, nhưng ý nghĩa thâm sâu thật sự của các câu mật chú không thể dịch ra nghĩa trong bất cứ ngôn ngữ nào. Ý nghĩa thật sự của các câu mật chú thật ra đều nằm trong sự liên hệ của tần số rung và mật ý trong âm thanh của mỗi chữ trong câu chú, với tần số rung của những thể tối linh tương ứng (Trời, Chúa, Phật, v.v) luôn hiện hữu và bao trùm trong càn khôn vũ trụ, chung quanh và trong chúng ta. Nếu có thể niệm đúng theo nguyên thủy của tiếng Phạn thì tốt hơn, vì tần số rung và mật nghĩa được bao gồm trong mỗi ngữ âm. Thang âm tự nhiên của mỗi cá nhân để niệm chú là thang âm tự nhiên của mình khi nói âm “tôi” hay “yêu” một cách tự nhiên.
Trên thân xác con người, Thiên Môn (tức là luân xa Bách Hội ở chỗ cao nhất trên đỉnh đầu) là nơi liên quan trực tiếp đến các thể tối linh trong vũ trụ. Huyệt Bách Hội cũng là nơi tụ hội của mọi kinh mạch trong thân thể. Vì thế khi niệm chú, nhất là khi đang thiền định, nên ý niệm (niệm bằng ý nghĩ) mọi câu chú ở điểm này. Niệm thong thả bình an. Niệm rõ từng chữ, và các chữ nên nối liền với nhau không cắt đứt. Nếu đầu óc có bị tạp niệm khi tĩnh tâm thì nhẹ nhàng chú tâm trở lại vào câu chú, dần dần sẽ quen. Khi niệm nên để ý đến sự rung độngở Bách Hội, dần dần sẽ cảm thấy rõ. Khi đã quen rồi thì hãy để câu chú tự niệm như thể trong vô thức, và chỉ chú ý vào sự rung động ở đấy thôi. Mọi việc đều tiến triển huyền diệu trong đầu óc tĩnh lặng, và đấy là bước đầu của việc cải thiện tần số rung Alpha của não bộ và rồi của bản thể.
Lúc ý niệm, môi trên nên chạm vào môi dưới; răng cửa hàm trên gắn vào răng cửa hàm dưới; lưỡi co lên đụng vào phần lợi phía trên chân răng hàm trên, mắt nhắm nhưng hướng tầm mắt đến vị trí tự nhiên (như đọc sách) để thư dãn phần đỉnh đầu. Đây là ấn Tịnh Khẩu (Khechari Mudra) để an tâm và để nối các mạch điện từ trường trong bản thể. Ngồi thẳng lưng tốt nhất.
Phần kinh ở trên toàn bài chỉ để giới thiệu, và không quan trọng bằng câu thần chú, cho nên chỉ cần niệm câu chú mà thôi:
Tác giả: Trịnh Bách
Nguồn: soi house
Gate Gate, Paragate Parasamgate Bodhi Svaha!
Phiên âm:
Ga-tê Ga-tê, Pa-ra Ga-tê, Pa-ra Săng Ga-tê Bô-đi. (S)va-ha!
*
Nói thêm:
Đoạn đầu của bài tâm kinh Bát nhã bằng Phạn ngữ cũng có thể rõ nghĩa hơn bản Hán văn. Nguyên văn đoạn này trong tiếng Phạn là
“Arya-Avalokitesvara Bodhisattva gambhiram Prajnaparamita caryam caramana vyavalokayati sma panca-skandhas tams ca sva bhava sunyan pasyati sma”.
rya: cao quý
Avalokitesvara Bodhisattva: Quán-tự-tại Bồ tát
Gambhiram: một cách sâu sắc
Caryam: thực hành, công phu, chịu đựng
Caramana: cuối cùng, sau khi
Vyavalokayati: quan sát tổng thể
Sma: khẳng định, chắc chắn, quả thật
Pancaskandhas: ngũ uẩn
Tam: chúng nó, họ
Ca: cũng là, đều là
Sva: tự thân (of self)
Bhava: trạng thái, phẩm chất, tinh thần
Sunyan: trống không, hư không, không có thực chất (no intrinsic existence)
Pasyati: xem như là, cảm nhận là
Đoạn này có nghĩa là: “Bồ tát Quán Tự Tại cao quý sau khi thực hành thâm sâu pháp Bát-nhã Ba-la-mật-đa, quan sát lại đã khẳng định rằng: Ngũ uẩn tự chúng đều chắc chắn được xem là thể trạng hư không (không có thực chất, no intrinsic existence)”.