I/ Mỗi người mỗi khác biệt
Bức họa dưới đây trông thật rực rỡ cùng với ánh sáng và các chuyển động nếu bạn ngắm nó với một mắt nhắm một mắt mở. Hãy nhìn đám cỏ như lấp lánh và đổi màu sắc như thế nào mỗi khi có cơn gió nhẹ lướt ngang qua?
Người nghệ sĩ, Claude Monet (phát âm Mon-nay tiếng Anh, Mô nê tiếng Pháp) đã bị mê hoặc bởi cách mà nắng mặt trời đổ trên cây cỏ và mặt nước. Ông ấy muốn ta thấy một ao bông súng trông như thế nào trong một ngày ấm áp. Monet đã không mô tả một cách cụ thể bất kì chi tiết nào, bạn không thể thấy rõ lá cây chỗ thảm cỏ, những cánh hoa hoặc cành cây. Nhưng bạn có thể thực sự cảm nhận được cây cỏ mọc lên thật tươi tốt, khỏe khoắn quanh bờ hồ và theo cách mà tia nắng nhảy múa trên mặt nước.
The Water-lily Pond (Ao súng) (88.3 x 93.1 cm) do họa sĩ người Pháp Claude Monet vẽ năm 1899, tranh sơn dầu. Tranh hiện được trưng bày tại nhà Triển lãm Quốc gia (The National Gallery), Luân Đôn (Anh quốc).
- Ánh sáng và màu sắc
The Water-lily Pond (Ao súng) là bức tranh về khu vườn của Monet do chính ông thiết kế và gầy dựng. Người họa sĩ đã ngồi ngay vườn, quan sát trực tiếp và lên màu cảnh trong tranh. Bạn không thể tìm thấy bất kì màu đen nào trong bức họa, đúng chứ? Tất cả bóng râm trong đấy đều được làm từ màu xanh lam, xanh lục và một vài màu khác. Monet rất thích thêm thật nhiều màu vào bức họa. Hãy nhìn xem các vệt màu phối lẫn vào nhau đã cho bạn một ấn tượng mạnh mẽ về ánh sáng đổ xuống toàn cảnh như thế nào?
- Khu vườn của các họa tiết
Bạn hãy nhìn cây cối và hoa trong bức họa The Physicians’Duel mà tôi đã đề cập ở phần II. Bạn có thể nhìn thấy chúng có thật nhiều chi tiết, nhưng chẳng giống thật như tranh vẽ của Monet. Bởi vì Aqa Mirak yêu thích chăm chút cho việc trang trí tất cả không gian của bản vẽ, hơn là quan tâm vào xử lí ánh sáng và các chuyển động.
- Cây cầu gỗ mảnh khảnh
Bây giờ hãy nhìn thật gần cây cầu của Monet. Ta liền nghĩ đến sự xuất hiện hình ảnh cây cầu gắn liền việc mọi người phải băng qua nó để đi vào khu vườn, mặc dù thực tế trong tranh chẳng có ai đang đứng ở đó. Nhưng cây cầu trông thật yếu ớt, bạn có đồng ý không? Bạn không hề thấy bất kì chân cầu nào và cũng chẳng biết nơi nó bắt đầu và kết thúc, nhìn như thể nó đang lơ lửng trên nước tựa như bông súng nổi trên mặt ao vậy. Monet đã không quan tâm và thể hiện cấu trúc của cây cầu, việc thể hiện ánh sáng và bóng tối trên nó mới thực sự thu hút ông.
- Cây cầu đá chắc chắn
Hãy nhớ lại cây cầu mà Crivelli đã vẽ trong bức họa The Annunciation (gọi tắt tên tranh cho ngắn gọn). Nó khác hoàn toàn cây cầu của Monet, bạn có đồng ý không? Hãy nhìn phần vòm (nhịp cầu) chắc chắn và mạnh mẽ kia, trông thật dễ dàng để chịu sự qua lại của mọi người trên thân nó. Crivelli yêu thích kiến trúc của cây cầu, ông ấy đã mô tả từng phần cấu trúc của nó: nhịp cầu (arch), chân cầu (supports) và cả trang trí.
- Hãy xem cho chính mình
Bạn đã bắt đầu nhận ra rằng mỗi người đều chọn những cách vẽ rất riêng chưa. Đó là lí do vì sao việc ngắm tranh rất thú vị: các họa sĩ đã cho ta thấy tất cả các cách để chiêm ngưỡng thế giới mà chúng ta đang sống. Thử tìm hiểu chúng ta khác biệt nhau thế nào đối với việc nhìn các sự vật sự việc thông qua một trò chơi. Một người sẽ nói, ví dụ như “nhà gare (railway station)”. Mỗi người chơi còn lại sẽ viết thật nhanh ra giấy từ đầu tiên mà các bạn nghĩ đầu tiên về nó. Có thể kết quả sẽ khác nhau như “ồn ào”, “những cỗ máy nặng nề”, “hơi nước”,..Hãy thử với những từ khóa khác như “trường học”, “sân đá bóng”,…
- Một vài thông tin về các bức họa Ao súng và tác giả Monet
Claude Oscar Monet (1840-1926)
Claude Monet là một trong những hoạ sĩ nổi tiếng thời hiện đại và ngày nay được nhắc đến như người sáng lập trường phái Ấn tượng (Impressionism). Những tác phẩm của ông luôn được giới chuyên môn đánh giá rất cao và đều đắt giá, có nhiều bức lên tới vài chục triệu $. Điển hình là bức họa Le bassin aux Nymphéas (vẽ năm 1919) được đấu giá với số tiền 80.4 triệu $ vào năm 2008 (1). Ông sinh ra tại một gia đình có truyền thống buôn bán thực phẩm khô tại Paris, Pháp. Khi được năm tuổi, gia đình ông chuyển đến Havre vùng Normandie, Pháp. Năm 1861-62, Monet gia nhập quân ngũ tham gia ở chiến trường Algerie, nhưng sau đó với sự sắp xếp của người dì, ông rời quân đội rồi theo học về nghệ thuật ở Paris. Tại đó Monet đã gặp Pierre-Auguste Renoir, người cùng ông sáng lập ra trường phái ấn tượng và cũng là bạn tri kỉ.
Vào năm 1872, Monet vẽ phong cảnh ở Havre và đặt tên là “Impression, soleil levant” (Ấn tượng, mặt trời mọc). Bức tranh được giới thiệu lần đầu với công chúng trong triển lãm vào năm 1874. Tuy nhiên kết quả không thành công như Monet và các hoạ sĩ khác cùng phong cách mong đợi. Hầu hết các báo cáo liên quan đều mang tính chỉ trích, đặc biệt từ nhà phê bình Louis Leroy du Charivari, người đã dùng từ “Impression” của tác phẩm Monet để chế giễu phong cách của các nhà triển lãm.
Ông qua đời vào tháng 12 năm 1926 và chôn cất ở Giverny. Trong suốt sự nghiệp sáng tác, có rất nhiều tác phẩm được thực hiện ngay trong vườn hoa nhà ông ở Giverny. Ông rất yêu hoa và hoa là chủ đề chính trong các tác phẩm của Monet. Ông từng tuyên bố rằng nếu không trở thành họa sĩ thì ông sẽ trở thành nhà làm vườn.
Khu vườn ở Giverny, vùng Haute-Normandie trồng rất nhiều loài hoa, nhưng hoa súng là loài được Monet chú ý và vẽ nhiều nhất với hơn 200 tác phẩm. Hiện nay, chúng được trưng bày ở các bảo tàng mĩ thuật khắp nơi trên thế giới như bảo tàng Orangerie, Pháp; bảo tàng Orsay và Marmottan ở Paris, Pháp; viện mĩ thuật Chicago, bảo tàng nghệ thuật The Metropolian tại Mĩ; nhà triển lãm quốc gia Luân Đôn,… Tổng hợp đa phần hình ảnh các bức họa của Claude Monet có thể tìm thấy theo link này:
http://www.canvasreplicas.com/WaterLilies.htm
Đối với bức họa The Water-lily Pond, Monet đã phải mất 10 lần để vẽ hình ảnh ao súng trong hàng giờ của một ngày và trong niềm vui thích với sự đa dạng của ánh sáng, đó chính là lịch trình của hiện thực và mộng tưởng (2). Hình ảnh ao súng đóng vai trò chủ đạo, vào thời điểm giữa buổi sớm, khi đó màu của ánh sáng được chiếm chủ đạo bởi sắc thái màu vàng . Phần bóng (tối) được gia giảm một cách cân đối và thâm chí đã biến thành một vài vết màu xanh dương-tím nhẹ. Ánh sáng phản xạ (cây) mang sắc xanh lá mạnh và thể hiện rõ nét hơn. Còn sắc đỏ và xanh lá phản xa trên mặt nước thì nhẹ hơn, có cùng tông và trông ấm hơn (3).
II/ Thiên nhiên
Flowers in a Terracotta Vase (Hoa cắm trong bình Terracotta) (133.5×91.5 cm), vẽ bởi họa sĩ Hà Lan Jan van Huijsum từ 1736-1737–Nguồn:www.nationalgallery.org.uk
Đây là một tuyệt tác mô tả hình ảnh một bình hoa được thể hiện bởi họa sĩ người Đan Mạch Jan van Huijsum (phát âm là How-zum). Chẳng có mấy ai có thể vẽ được một bức tranh chi li đến thế! Bạn có thể thấy từng lá cây, cánh hoa, thậm chí cả các đốm trên những quả trứng trong cái tổ chim nhỏ xinh nằm dưới cùng. Nhưng bức họa không mô tả đúng với thực tế, vì bạn chẳng bao giờ thấy các loài hoa đó lại cùng nở rộ trong cùng thời điểm trong thực tại như vậy.
- Hoa trong cuộc sống êm đềm (chơi chữ của cụm từ trong tranh tĩnh vật) (4)
Tôi không bận tâm đến tính không thực của bức họa (trích lời Frances Kennet). Huijsum đã muốn nói rằng: “Hãy nhìn tất cả điều tuyệt diệu của tự nhiên này mà xem, chúng ta có thể thưởng thức chúng”. Huijsum không cần dùng lời để diễn đạt điều ông muốn nói, ông đã vẽ bức họa với tất cả các loài hoa yêu kiều mà ông có thể kiếm được. Bức tranh chính là một tranh tĩnh vật (still life), là một bức họa về phong cách sắp đặt tĩnh vật.
- Dưới mắt nhìn của loài ong
Khi bạn dùng kính lúp để nhìn một đám rêu hay một bông hoa, bạn sẽ phát hiện một thế giới mới đầy những chi tiết và họa tiết phức tạp. Nhưng bạn sẽ làm gì nếu có ai đó yêu cầu bạn vẽ lại đóa hoa đó? Bạn có muốn bỏ vào đấy mọi thứ bạn thấy vào đấy, hay là chỉ muốn thể hiện những gì bạn có thể quan sát được bằng mắt thường thôi?
- Chuyển động trong ao nước
Monet đã cố gắng nói điều gì về các loài hoa trong ao bông súng ấy? Rõ ràng đó là một bức họa về khung cảnh thiên nhiên thực và không phải là một tranh tĩnh vật, đúng chứ? Monet đã không thể hiện cho ta thấy bất kì chi tiết nào của hoa súng. Ta không thể quan sát được cánh hoa và lá mà chỉ mình tác giả biết chúng ở đâu. Thay vào đó, ta có cảm tưởng rằng xuất hiện trên những đóa hoa là những vệt ánh sáng lốm đốm, và chúng đung đưa nhẹ nhàng theo những gợn sóng lăn tăn khi một cơn gió thổi thoáng qua. Ông cũng quan tâm đến việc tô màu cho chúng-kết cấu và vài màu sắc của các bông hoa.
Các bức tranh của Monet và Huijsum cùng chủ đề về thiên nhiên. Tuy nhiên mỗi họa sĩ làm cho ta nhìn và cảm nhận những điều khác nhau. Tất cả các tuyệt tác đều làm cho ta “xúc động” theo cách đó. Điều này tương tự như trong âm nhạc-việc cảm nhận được mọi thứ đang diễn ra xảy ra trước khi phải nghĩ về chúng(như kiểu ta thường nghe bài hát vì thích trước khi xem xét các góc độ lời, giai điệu, phối khí,…-NgD)
- Tất cả các loài cây
Đôi khi một họa sĩ dùng cây cỏ để dựng cảnh hoặc tạo xúc cảm cho tranh vẽ của mình. Hãy ngắm cái cây trong bức A Winter scene with Skaters của Hendrick Avercamp, với đường viền rõ nét đã cho ta hình dung về bầu không khí khô và lạnh lẽo. Bức họa thực sự vẽ về những người trượt tuyết, nhưng hình ảnh cành cây trơ trọi kia đã góp phần giúp họa sĩ lột tả sự lạnh lẽo, băng giá của mùa đông.
Dưới đây là hình ảnh cây cối trong bức họa Bathers at Asnières của Georges Seurat. Hãy nhìn ánh nắng lờ mờ đang phớt lên chúng như thế nào? Cách mô tả đó giúp tạo cảm giác nóng nực của thời tiết vào một ngày lặng gió bên bờ sông.
- Một chậu cây nho nhỏ
Có lẽ bạn còn nhớ đến bức họa The Annunciation, nổi bật với hình ảnh con người và các tòa nhà. Nhưng bạn có chú ý đến hình ảnh chậu cây ngay ban công nhà của Mary không? Lá cây được vẽ rất tỉ mỉ và rõ ràng. Và kiểu dáng chậu trông thật yêu kiều. Crivelli đã đặt vào tranh vẽ một “bức họa tĩnh vật” nhỏ nhắn khiến cho căn nhà của Mary trông giống thật và tựa như có người đã ở lâu rồi (lived-in).
- Tìm kiếm các chi tiết
Bạn hãy xem lại bức họa của Crivelli, vẫn còn các loại “tĩnh vật” khác. Hãy tìm tất cả nếu bạn có thể, chúng bao gồm những chậu cây, trái cây và rau củ.
Hãy nhớ rằng bạn có thể nhìn thật gần từng phần nhỏ của bức họa với hai thanh L mà tôi đã nói ở phần 1 (theo như tác giả thì thực hiện ngay trên quyển sách, ở đây ta có thể zoom hình rồi áp dụng trên màn hình-NgD) (Bạn đã ghi chú cả những quyển sách, đĩa, nến chưa? Chúng cũng được gọi là tĩnh vật đấy).
III/ Ngựa trong tranh
Có một vài hành động đang diễn ra trong tranh này! Các bạn chú ý bộ vó trượt khi con ngựa đang “tranh giành chạy” (ý ở đây là hình ảnh con ngựa đang trượt trong lúc chạy thục mạng-NgD) giữa khu đồi trơ trọi và đầy bụi. Con vật vạm vỡ ấy và người cao bồi không kém phần mạnh mẽ, dẻo dai cùng đang hướng về phía sườn đồi nhằm giữ thăng bằng. Hãy nhìn Frederic Remington đã vẽ bờm và đuôi ngựa bằng các vệt màu thô (5) như thế nào? Chính cách vẽ đó đã tạo cảm giác con ngựa đang thực sự chuyển động. Con ngựa và người cưỡi trông thật quan trọng và cũng cô đơn nữa, bởi vì khung nền trông thật trống vắng. Ngày nay các chàng trai và cô gái cao bồi cưỡi ngựa băng ngang qua các khu đất đã được trồng trọt. Nhưng lúc Remington vẽ bức tranh thì những người Mỹ miền Tây hoang dã (the Americans Wild West) vẫn còn tồn tại.
- Chiến mã của nhà quý tộc
Con ngựa Persian và người chủ của nó được miêu tả trông thật tao nhã. Dáng vẻ quý phái của con vật tôn lên bởi vật (màu trắng) đang quấn quanh cổ của nó. Con ngựa là một phần trong bức tranh The Physicians’ Duel, nhưng nhìn nó chẳng “sống động như thật”. Ở đây Aqa Mirak tập trung mô tả hình dáng con ngựa hơn là vẽ sao cho nó giống thực tế.
- Một con ngựa đau đớn
Toàn thân con vật này đang xoắn lại trông thật kì dị, không giống bất kì loài ngựa nào trong đời thường. Dĩ nhiên bạn có thể chắc chắn nói rằng đây là một con ngựa-chú ý đến cái cổ đang duỗi ra và hàm răng của nó. Bạn có thể nghe thấy tiếng ngựa hí rất to trong đau đớn và sợ hãi. Bạn có nhớ con ngựa này trong bức họa Guernica chứ? Họa sĩ Picasso đã có thể vẽ con ngựa đích thực nếu ông muốn. Ông xoắn hình dáng con ngựa nhằm mục đích cho chúng ta cảm thấy đau đớn và sự xấu xí của bối cảnh.
(c) The National Gallery, London; Supplied by The Public Catalogue Foundation. A Horse frightened by lightning (Một con ngựa hoảng sợ bởi sấm chớp ) (48.9 x 60.3 cm), vẽ bởi họa sĩ người Pháp Théodore Géricault năm 1820-Nguồn: www.nationalgallery.org.uk
Hãy chú ý đến bức họa về con ngựa đua đầy tự hào của Géricault. Đẹp đẽ làm sao! Nó trông thật sung sức và phấn khích: bộ lông sáng, từng thớ thần kinh trên cơ thể căng lên như đang dè chừng điều gì đấy. Đây không phải là toàn bộ cách mà người nghệ sĩ đã vẽ thân và các chân con ngựa để làm cho nó có điệu bộ đang rất cảnh giác. Ở đây còn nhiều chi tiết hơn thế. Họa sĩ có thể cường điệu các chi tiết để làm cho bức tranh trông thật kích thích hơn nữa. Bạn có thể nhìn lòng trắng đôi mắt của con ngựa, trông có vẻ thật bồn chồn. Géricault cũng đã thêm vào bức tranh hình ảnh những đám mây đen vần vũ, sấm rền vang cùng bầu trời nặng trĩu để tăng thêm kịch tính. Các chi tiết trên đã đưa vào tranh sự căng thẳng và kích động. Chúng góp phần làm cho con ngựa trông sống động, nhanh nhẹn và đầy sinh lực hơn, bức tranh dường như muốn nói rằng “Con ngựa thật mạnh mẽ và thần tốc” dù thực tế nó đang đứng bất động.
- Một con ngựa đau đớn
Toàn thân con vật này đang xoắn lại trông thật kì dị, không giống bất kì loài ngựa nào trong đời thường. Dĩ nhiên bạn có thể chắc chắn nói rằng đây là một con ngựa-chú ý đến cái cổ đang duỗi ra và hàm răng của nó. Bạn có thể nghe thấy tiếng ngựa hí rất to trong đau đớn và sợ hãi. Bạn có nhớ con ngựa này trong bức họa Guernica chứ? Họa sĩ Picasso đã có thể vẽ con ngựa đích thực nếu ông muốn. Ông xoắn hình dáng con ngựa nhằm mục đích cho chúng ta cảm thấy đau đớn và sự xấu xí của bối cảnh.
- Ngắm nhìn các con vật khác
Bạn có nuôi một con chó hay một con mèo chứ? Hoặc bạn của bạn có một con và bạn có thể ngắm nó? Bạn sẽ thể hiện cho mọi người thấy gì nếu bạn muốn vẽ tranh về nó? Đôi tai tinh lanh? Có lẽ cái đuôi ngúng nguẩy vui vẻ? Hay bộ lông óng ả và đôi mắt sáng của một con vật tràn trề sức sống?
IV/ Cách nhìn của họa sĩ đối với con người
Giữa chúng ta giao tiếp với nhau rất nhiều điều nhưng không cần lời nói. Ví dụ, khi trông thấy bạn có vẻ nhợt nhạt, người mẹ sẽ biết bạn đang không khỏe. Vậy những nét cọ đã nói cho ta biết gì về con người?
Một thông điệp dễ hiểu hơn có thể thấy được dựa vào nét và vẻ mặt. Thêm một cử chỉ, điệu bộ cùng với cảm xúc trên khuôn mặt bạn thì mọi thứ được biểu lộ càng rõ ràng. Hành động nắm tay cho ta thấy điều gì? Những người nghệ sĩ luôn biết rằng gương mặt và bàn tay là hai bộ phận mang nhiều ý nghĩa nhất của cơ thể. Hãy nhìn nhân vật hoạt hình dưới đây. Họa sĩ Patrick Hughes đã làm cho nó trông thật ngốc nghếch bằng cách đặt hai con mắt nằm sát nhau, và cắt riêng phần não chỉ chừa phần đầu bên dưới. Và cử chỉ của nó thì không thể nhầm lẫn đâu được, có vẻ đang giễu cợt một cách khiếm nhã người nào đó.
Hình vẽ này là trang bìa của quyển catalogue về hội họa hiện đại và đi kèm với lời chú thích (caption): “Một đứa trẻ lên sáu cũng có thể làm được”. Bạn có nghĩ Patrick Hughes hàm ý điều gì không?
- Thế nào là một tranh chân dung?
Tranh chân dung là một bức họa tập trung thể hiện gương mặt của một người. Khi nhìn các bức vẽ chân dung cách đây hàng trăm năm, bạn sẽ sớm nhận ra rằng con người chẳng thay đổi nhiều lắm theo thời đại. Vẻ ngoài (trang phục, cách ăn mặc) thường sẽ khác, nhưng biểu cảm và nét mặt vẫn cứ giữ thế.
Portrait of Gerolamo (?) Barbarigo (Chân dung Gerolamo Barbabigo?) (81.2 x 66.3 cm) vẽ bởi Titian vào khoảng 1510.
Chân dung người đàn ông mặc đồ màu lam được vẽ bởi họa sĩ người Ý Titian (phát âm là Tish-un) cách đây 400 năm. Ngày nay, bạn có thể thấy một ai đó trên đường với khuôn mặt-và cả kiểu tóc trông giống vậy. Ông ta cười nhếch mép một cách bí hiểm, liệu người đàn ông có hài lòng với bức họa này không? Trông ông ta có vẻ kiêu ngạo như thể đang nói rằng: “Tôi là một gã điển trai và giờ thì mọi người sẽ biết thôi” chăng? Hay vẻ mặt còn ngụ ý gì khác? Hãy chú ý đôi mắt ông ta, cứ như đang dõi theo bạn dù bất cứ nơi nào bạn ngồi để quan sát chúng.
- Một thể loại hoàn mĩ
Ta hãy nhìn lại hình ảnh Mary trong bức họa The Annunciation (đã đề cập ở phần 2b), bạn có thể thấy cách mà họa sĩ đã làm cho nàng ta trở nên thanh tú hơn bằng các nếp nhăn ở đôi mắt và khóe môi không? Mary trông thật yêu kiều. Nhưng nét mặt của cô ấy trông hoàn hảo đến nỗi bạn có thể cảm thấy rằng bạn sẽ chẳng bao giờ thấy gương mặt giống như thế xuất hiện trên đường. Crivelli đã họa hình ảnh Mary trông thật thần thánh và đặc biệt.
- Ngồi dưới nắng
Hãy so sánh chân dung người đàn ông trong trang phục màu lam với gương mặt cậu bé trong bức họa của Seurat,Bathers at Asnières. Nhân vật của Titian trông như người thật, đúng chứ? Còn cậu bé thì như trái ngược lại, không giống người cho lắm, gương mặt không nét biểu lộ, bạn không thể nhìn rõ mắt và miệng của cậu ta. Nhưng bạn có thể cảm tưởng rằng cậu bé đang thấy uể oải và nóng nực. Bạn có nhận ra màu xanh đo đỏ đượm trên gương mặt cậu nhóc chứ? Trông giống như màu làn da có được dưới nắng gắt vậy.
- Nét mặt đau đớn
Đây là một số những gương mặt kì quặc và hoảng sợ trong bức tranh Guernica của Pablo Picasso (đã thông tin một ít trong phần 2a-NgD). Cái đầu xấu xí, miệng há hốc, cổ duỗi thẳng ra cho ta cảm nhận được nỗi thống khổ của người mẹ đang phải chịu đựng khi mất đứa con. Gương mặt người mẹ có vẻ đang gây bối rối vì đôi mắt bị vặn cong còn cái miệng có kích thước lớn hơn nhiều so với bình thường. Pablo Picasso đã cường điệu nét mặt của người phụ nữ với mục đích cho người ta thấy được chiến tranh khủng khiếp đến nhường nào.
- Thêm vào tranh một vài trang phục hiện đại
Hãy sưu tầm hình ảnh của các nhân vật lịch sử và xem người nào trông tân thời. Cách dễ nhất để làm điều đó là hãy ghép các gương mặt đi kèm với các trang phục hợp mốt. Hãy khoét một lỗ tròn trên một tờ giấy đủ lớn sao cho có thể cho gương mặt của nhân vật nằm ở phía dưới. Sau đó vẽ phần thân đang mặc jeans và T-shirt hoặc váy cũng được. Kết quả đôi khi gây bất ngờ và vui nhộn đấy!
V/ Trang phục cho ta biết gì
Một trong những điều bạn cần lưu tâm, đó là các cách thể hiện khác nhau mà họa sĩ dùng khi vẽ. Bạn cũng có thể nhìn vào tranh mà nghĩ rằng chúng trông như những bức ảnh thời quá khứ vậy. Từ nó bạn sẽ khám phá được cách sống của con người ở từng thế kỉ và những vùng đất khác nhau thông qua việc nghiên cứu các chi tiết của trang phục, của phần bên trong những ngôi nhà của họ, của những con đường, vv..
- Bạn mặc như thế nào ?
Ở trường bạn mang đồng phục hoặc các trang phục thường ngày. Còn khi ra ngoài có thể bạn chọn quần áo mà bạn thích nhất. Nhiều trang phục khác nhau ứng với nhiều dịp, sự kiện (lễ). Cái bạn mặc sẽ nói lên điều gì đó về con người bạn, còn cách thức ăn bận sẽ bộc lộ nhiều thứ hơn.
- Sự giàu có và quyền lực
Người họa sĩ biết rằng cách ăn mặc của một người có thể cho biết manh mối rằng họ là ai, họ sống như thế nào và những gì họ đang là. Hãy nhìn chân dung của nữ hoàng Elizabeth I của vương quốc Anh. Dường như không có khiếm khuyết nào về hình ảnh quyền lực và sự giàu có của người phụ nữ vĩ đại này. Bạn có thấy những viên đá quý đính vào dải cổ áo rũ dài ở phía trước lễ phục của bà ấy không? Và bạn nhận ra miếng trang sức hình trái tim treo trên đó chứ? Và hãy nhìn cả tấm đăng ten thêu vàng (nhìn như khăn voan) đang phất phơ phía sau đầu của nữ hoàng.
Queen Elizabeth I (94×81.3 cm), không rõ họa sĩ, vẽ năm 1585-Nguồn: en.wikipedia.org
Bức họa đầy màu sắc này đã thể hiện cách ăn bận của một người có và vương giả vào thế kỉ 16 là như thế nào. Nhưng lịch sử cho ta biết rằng, trong khi nữ hoàng Elizabeth đệ nhất mặc đồ nhung lụa và bằng vàng thì người dân của vương quốc chỉ bận những chiếc áo chẽn len đơn giản và chiếc áo khoác cotton thô kệch.
- 500 năm trước
Đây là hình ảnh cô bé đang nhìn trộm ra ngoài quanh bức tường trong bức họa The Annunciation. Bạn có thể nói gì về em gái ấy? Rõ ràng là em ấy không nghèo khổ, đang áp gương mặt mềm mại lên thành tường và thèm khát nhìn ra phía bên ngoài. Cô bé ăn mặc thật gọn gàng, với chiếc mũ vải bó sát quanh đầu và những gì trông như những hạt ngọc trai đính quanh mép chiếc “áo yếm” trắng (pinafore dress, để chỉ chiếc đầm không tay cho trẻ con mặc ngoài tránh bẩn quần áo, trong tranh có màu trắng). Có lẽ cô bé là con của một nhà buôn hoặc người chủ hiệu trong thị trấn. Và cô bé ăn mặc như vậy để làm gì? Có thể em đang chờ cho đến khi trường bắt đầu tiết học hoặc chờ cha mẹ đưa cô đến tham quan trường.
Đó là những thắc mắc mà một người nghiên cứu lịch sử thông qua các bức họa sẽ cố gắng giải đáp. Khi bạn quan tâm đến họ mặc trang phục gì thì việc học hỏi từ quá khứ sẽ càng trở nên thú vị hơn nữa.
- Thương nhân và nông dân
Bạn có thể thấy trong bức họa A Winter Scence with Skaters, mỗi người mỗi cách ăn mặc khác nhau tại cùng thời điểm đấy. Hai trong số những người trượt băng trên chọn loại trang phục sang trọng, một cách rõ ràng, ta có thể biết họ có rất nhiều tiền. Hai người khác, trông có vẻ đơn giản và bình thường, có lẽ là họ đang làm nông ở khu vực làng quê gần đó. Nào bây giờ hãy nhìn thật gần các chi tiết. Ta có dùng giày trượt như thế không? Bạn có để ý hai chiếc nón của người nông dân thì dạng tròn còn cái mũ của người quý tộc gắn lông chim chứ?
- Sự xa hoa ở Ba Tư
Đôi lúc, dĩ nhiên thật khó khăn nếu nói rằng họa sĩ đang phản ánh chính xác hoặc tưởng tượng các trang phục dạ hội (fancy clothes-loại quần áo có trang trí, không phải loại thông thường). Trong bức họa The Physicians’ Duel, trang phục của các cận thần đều được đính vàng trên đó. Bạn có nghĩ rằng mọi người đều có đủ khả năng thêu một cách tốn kém như vậy, hoặc phải chăng họa sĩ Aqa Mirak chỉ làm cho bức tranh trông đẹp mắt và để trang trí bằng việc thêm vào các họa tiết (vàng) lên tất cả những chiếc áo kia.
- Tự làm một scrapbook
Rõ là những chi tiết vụn vặt trong một bức họa có thể gây hứng thú cho bạn. Bạn có thể mất nhiều giờ trong một nhà trưng bày (gallery) hoặc một thư viện chỉ để ngắm các chi tiết như là giày, mũ và kiểu tóc. Tại sao ta không bắt đầu bằng một tấm postcard dán trong scrapbook về các loại quần áo khác nhau. Bạn cũng có thể chọn những hình ảnh về trang phục của một thế kỉ đặc thù hoặc đất nước nào đấy. Ngoài ra bạn có thể sưu tầm hình ảnh của những con người đội các ruff khác nhau – một loại hình cổ xòe trắng mà trong tranh nữ hoàng đang mặc. Điều đó sẽ trở nên khác biệt.
VI/ Đôi mắt bạn tinh anh đến cỡ nào?
Bây giờ là cơ hội để bạn nhìn lại những gì bạn đã ghi chú ở từng bức họa mà tôi đã đề cập ở các phần 1, 2a và 2b. Đây là tên của sáu bức tranh:
A Winter scence with Skaters
The Physicians’ Duel, Guernica
The Annunciation, Bathers at Asnières, Sinbad the Sailor
Bạn có thể đoán các chi tiết sau đến từ bức họa nào không? Trước khi các bạn vội mở lại các phần trước, ở đây tôi sẽ đưa các bạn một vài manh mối.
Bức hình đầu tiên (từ bên trái đếm qua) mô tả một con thuyền nhỏ. Một trong số các bức họa kích thước lớn được tô bằng màu đen, trắng và xám cùng với nét vẽ cứng và mạnh mẽ. Đó là tranh vẽ Guernica của Picasso. Nhưng chiếc thuyền được lên màu nhẹ nhàng, nên chắc chắn nó không nằm trong Guernica.
Bạn để ý chiếc thuyền trong tranh Sinbad the Sailor của họa sĩ Klee rằng nó được vẽ một cách gọn gàng, phẳng và rõ ràng như thế nào không? Mặc dù con thuyền này trông nó được bo tròn, nó còn có cả phần bóng đen ở phía trên, do vậy nó không đến từ bức tranh ấy.
Còn về bức họa trinh nữ Mary và đại thánh thần thì sao? Bức tranh với rất nhiều chi tiết trong hình ảnh các tòa nhà và trang phục được vẽ một cách cẩn thận và chính xác. Do vậy con thuyền không thể đến từ bức họa này.
Bây giờ các chi tiết còn lại xin dành cho bạn tự đoán. Vậy theo bạn tấm hình nào chia sẻ cùng màu sắc và mood (phong thái?) như chiếc thuyền kia?
- Chữ viết tay của họa sĩ
Những sự khác biệt giữa các bức tranh mà các bạn nhận thấy chính là một phần của phong cách họa sĩ, mỗi người với mỗi cách vẽ đặc biệt và độc đáo. Điều đó giống như chữ viết tay vậy. Có lẽ bạn tự nhận ra được chữ viết nào là của người bạn thân, của mẹ mình hoặc của thầy cô. Phong cách chính là cách nói khác của việc sở hữu các kiểu “chữ viết tay” riêng biệt khi vẽ của họa sĩ vậy.
Tác giả : Trinh Hai Thang
Nguồn : trinhhaithang.wordpress.com
Chú thích
*NgD: người dịch, ND: nguyên dẫn
(1) http://www.nytimes.com/2008/06/25/arts/design/25auct.html?_r=0
(2) Monet, Narcissus, and Self-Reflection: The Modernist Myth of the Self, University of Chicago Press, page 180.
(3) Colour: Art and Science, Cambridge University Press, page 56-57.
(4) Theo nhan đề tôi nghĩ tác giả dùng chữ still life với mục đích dùng để chỉ loại hình nghệ thuật vẽ và sắp đặt tĩnh vật như hoa, trái cây hoặc để chỉ tranh tĩnh vật (tranh thể hiện phong cách đó). Nhưng tôi muốn dùng nhan đề cuộc sống êm đềm để dễ mường tượng và cảm nhận, rồi mới dẫn dắt nội dung chính là để chỉ từ “tranh tĩnh vật”, vì mọi thứ đều sắp đặt và tĩnh lặng, êm đềm. Ở cuối mục tác giả quyển sách đã giải thích một still life là gì.
(5) brush-strokes: Họa tiết sử dụng các nét vẽ, các dải màu sắc một cách trừu tượng. Đôi khi các mảng màu được sắp xếp theo trật tự, nhưng thường là những vệt màu được vẽ ngẫu hứng của người sáng tạo, bất quy tắc và “lem nhem” như một mớ hỗn độn. Nhưng là một mớ hỗn độn mang đầy tính nghệ thuật và đậm chất hội họa. Họa sĩ Robert Motherwell là một ví dụ của mĩ thuật hiện đại sử dụng brush-strokes để vẽ tranh.