Qua lời kể từ những người ở Pháp, kinh đô Paris hoa lệ với nhà cao tầng, thánh đường khổng lồ, đường lát gạch, những con tàu lớn chính là giấc mơ của nhiều người An Nam [1]. Tiền bạc, danh vọng, miễn sưu thuế, là những lí do thực dụng được phần lớn họ nhắm tới khi ghi danh tuyển lính. Những người An Nam nhỏ bé bước xuống tàu, lênh đênh trên Ấn Độ dương với nhiều giấc mơ, hoài bão trong tim, dường như hoàn toàn ngây thơ với những gì sắp tới. Và đúng là họ có nhận được nhiều hơn họ trông đợi.

Có người cả đời không bao giờ nghĩ đến việc được diện kiến hoàng đế, nhưng chính những người lính tập này đã được vua Khải Định cùng với tể tướng và toàn quyền Đông Dương, đến tận nhà ga để tiễn họ đi Châu Âu [2]. Niềm hãnh diện còn được bồi đắp thêm khi họ được tiếp đón nồng nhiệt như những người anh hùng ở vô số bến tàu Địa Trung Hải. Theo Francois Can, điều ông thấy tuyệt vời nhất trong chuyến đi tới Marseille là khi tàu neo lại ở cảng Said phía bắc Ai Cập, máy bay đã thả những đóa hoa chào đón được buộc với ruy băng có màu cờ Pháp [3]. Có tàu thì mỗi người một giường nằm. Đồ ăn không quá tệ, có cà phê sáng và 2 bữa mỗi ngày gồm gạo và thịt, như thịt bò, dù đôi khi vẫn có lính than phiền rằng “gạo nấu dở quá”[4].

Tuy nhiên, đối với phần lớn những người lính tập An Nam, những con tàu này cũng chính là sự vỡ mộng đầu tiên của họ. Cái chết ập tới bất thình lình khi họ thậm chí còn chưa kịp nhìn thấy Paris.

Năm 1917, tàu Athos bị ngư lôi của U-boat Đức tấn công khiến 752 người thiệt mạng, trong đó có 37 người Việt [5]. Ngoài ra, những người sống trên tàu phải chịu đựng các nguy cơ khác như cái nắng nóng thiêu đốt, môi trường thiếu vệ sinh, đồ ăn kém. Nhiều người, trong đó có Nguyễn Văn Ba đã miêu tả thức ăn là “kinh tởm”. Trên tàu Peiho, khoảng 200 lính tập phải sống, nấu ăn cạnh chuồng gia súc và nhà xí. Hậu quả là dịch tả bùng phát. Khi con tàu cập bến Kênh đào Suez, những người bệnh này được sơ tán ngay lên bệnh viện của Anh, và lúc đó, 104 người An Nam đã chết trên tàu. Chuyến đi đó kéo dài ba tháng rưỡi trong khi thường chỉ mất 30 ngày. Nhật ký thuyền trưởng tàu Pei Ho còn ghi lại rằng, từ 17/5/1916, cứ mỗi ngày (đỉnh điểm) có khoảng cả chục lính chết hoặc liệt giường. Ngoài sự khắc nghiệt của thời tiết, dịch bệnh còn có cả vấn đề khủng hoảng tinh thần khiến một số người lính tập tự sát [6].

Những hồi ức ghi chép này rất hiếm và thường bị lờ đi bởi các nhà sử học. Nhưng chính chúng là nguyên nhân dẫn đến sự lo lắng tột độ cùng với sự vỡ mộng của các người lính trước khi họ đặt chân đến bờ biển của nước Pháp.

Nguồn : facebook của hội những người thích tìm hiểu về thế chiến thứ 1

Reference:

[1] 10 SLOTFOM 4, Notes in file; and “L’Impression d’un Ouvrier ‘O.S’ qui revient de France,” L’Avenir du Tonkin, 27 May 1917.
[2] Gras, Edmond: Volontaires indigènes – Huế pendant la Grande Guerre, Bulletin des Amis du Vieux Huế (April – June 1917), pp.109-16.
[3] Can, Carnet de Route 1916, pp. 13-18.
[4] Marquet, Jean: Lettres d’Annamites – Lettres de Guerre, Lettres de Paix, Hanoi 1929, pp. 11-15.
[5] Archives de la Chambre de Commerce et d’Industrie de Marseille (ACCM), Rapport de Mer by Captain of the Athos, 7 December 1916.
[6] Journal the Marche et d’Operation of BIC #13; ACCM, Rapport de Mer of the Captain of the Meinam, 7 December 1916; Archives Départementales des Bouches du Rhône, Rapport de Mer by the Captain of the Meinam, 8 September 1917.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.