Lần đầu tiên công chúng yêu mĩ thuật Việt Nam được cầm trên tay một công trình dày dặn, trang nghiêm và cũng không kém phần bay bổng, sáng tạo. Cuốn sách “Tạ Tỵ-Dấu ấn sáng tạo” do nhóm Nghệ thuật xưa đứng tên chủ biên là tiến sĩ Nguyễn Quốc Định.

Định là một người trẻ tuổi có nhiều năm học tập và làm việc tại Cộng hòa Pháp. Xuất phát điểm của anh chỉ là một người ham mê hội họa mà không được đào tạo về chuyên ngành họa. Thế nhưng anh đã làm cho độc giả đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác bằng nguồn tư liệu phong phú cùng với cách đặt vấn đề chẳng khác nào một nhà phê bình mĩ thuật thực thụ.


Bài gốc đăng trên báo Tiền Phong Chủ Nhật

Ta thường được các nhà phê bình mĩ thuật dẫn dắt vào những mê cung khái niệm mù mờ mà ngay cả đến chính người viết cũng chẳng lấy gì làm chắc chắn lắm về hiểu biết của mình. Nhiều khi hết sở cứ và kinh nghiệm thì lập tức được chuyển sang chia sẻ bằng cảm xúc. Điều đó luôn đúng. Và an toàn. May mắn của nhóm Nghệ thuật xưa và tác giả Nguyễn Quốc Định chính là ở chỗ bản thân họa sĩ Tạ Tỵ đã có những bài viết chia sẻ về công việc bếp núc hội họa của mình. Những họa sĩ có cùng lúc khả năng viết lách ở ta không nhiều. Cũng dễ hiểu khi thế giới của họ nhiều khi đơn thuần chỉ là hình, là nét, là hòa sắc. Càng dễ hiểu hơn khi họ vin vào lí do cảm xúc dẫn dắt sự nghiệp để thanh minh cho việc lười tư duy bằng những phương tiện khác.

Thế nhưng thuận lợi ấy của nhóm Nghệ thuật xưa lại gặp phải một khó khăn khác tưởng chừng như khó bề giải quyết. Đó là việc vì những lí do xã hội biến thiên, đảo lộn trong cuộc đời sáng tạo đầy nhiệt huyết của Tạ Tỵ. Những lí do làm cho toàn bộ sự nghiệp hội họa của ông không liền mạch và tác phẩm của ông thất lạc khá nhiều sau chiến tranh. Cuốn sách về ông ra đời khá muộn còn vì nhiều nguyên nhân khác trong đó có thể kể đến công phu sưu tầm khảo cứu từ nhiều nguồn tài liệu trong và ngoài nước không dễ tiếp cận. Cũng có thể kể đến nhóm Nghệ thuật xưa đã từng phải bôn ba thế giới từ Âu sang Mỹ tham dự những cuộc đấu giá đầy gian nan để chính thức mang về những tác phẩm quan trọng nhất của ông.

Tạ Tỵ là một họa sĩ tốt nghiệp trường Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương từ 1943. Ông cũng là người duy nhất xác định cho mình một hướng đi đến hết đời chẳng giống bất cứ họa sĩ Đông Dương nào. Có thể nói đó là lòng can đảm tuyệt vời khi một mình một đường ở giữa những giá trị tưởng chừng như bất biến của hội họa hậu ấn tượng do các bậc thày V.Tardieu, J.Inguimberty, A.Ayme…truyền bá sang xứ Đông Dương.

Kiên định với tìm tòi sáng tạo của mình từ lập thể cho đến trừu tượng trong suốt sự nghiệp dù rằng ban đầu tranh của ông rất khó bán. Nhưng những đồng nghiệp đương thời luôn nể trọng bởi những phát hiện táo bạo triệt để của ông. Và để đến hôm nay, những khán giả hậu sinh được nhẹ bước trong thế giới đầy mộng mơ huyền ảo của hòa sắc, của hình và nét trong tranh Tạ Tỵ.

Hẳn là sẽ có người cho rằng hội họa lập thể với những hình đa diện khúc chiết sẽ tuyệt đối thiếu đi vẻ lãng mạn mơ mộng. Đúng là như vậy nếu như chưa được xem tranh Tạ Tỵ. Những cồn cào hình sắc cộng với một tư duy sáng sủa vị nghệ thuật của ông sẽ ngay lập tức cuốn hút người xem vào một thế giới đầy mộng tưởng đến khó rời ra được. Lúc này nghệ thuật lập thể chỉ còn đóng góp như một phương tiện mà thôi. Cái mà người xem thu nhận được từ tác phẩm của ông chính là cái mà ông muốn chỉ ra cho người xem thấy chứ không phải cái người xem đã thấy. Một bậc thày hội họa châu Âu là Paul Klee đã từng nói như vậy từ hơn một thế kỉ trước.

Những sáng tác cuối đời của Tạ Tỵ thiên về trừu tượng nhiều hơn. Người xem lại một lần nữa choáng ngợp giữa thế giới hòa sắc mạnh bạo vô cùng nhuần nhuyễn của ông. Nhịp điệu khỏe khoắn cùng với những chuyển động bất ngờ gây hiệu ứng thị giác rất mạnh nhưng cũng không kém phần trầm tư nghĩ ngợi. Mạch tư duy rất nên thơ ấy làm nên một Tạ Tỵ tươi mới, yêu đời và đầy năng lượng sáng tạo. Tiếng nói của hình và sắc Tạ Tỵ lại một lần nữa cất lên về phía cái đẹp từ nguyên thủy mà không cần bất cứ một diễn giải nào khác phụ trợ.

“Nghệ thuật là cao quí. Người làm ra nghệ thuật đã cao quí, người thưởng ngoạn nghệ thuật còn cao quí hơn”, lúc sinh thời Tạ Tỵ đã viết như vậy. Thế cho nên ta chẳng còn gì phải băn khoăn khi nhắc đến ông như nhắc đến một họa sĩ đã dành cả cuộc đời sáng tạo của mình cho khán giả.

Tác giả : Đỗ Phấn                                                                                       

5-2019

Nguồn : Tiền Phong Chủ Nhật

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.