NHỮNG CÂU HỎI : 

Từ một mảnh đất nghèo nàn, chật hẹp, nép mình giữa Địa Trung Hải và sa mạc cằn cỗi, luôn bị đè nén bởi những đế quốc hùng cường lân cận, luôn phải quằn quại trong hạn hán, đói khổ, trong chiến tranh tàn phá, một áng văn vĩ đại chưa từng thấy đã ra đời, đưa nhân loại lên một con đường hoàn toàn mới, một con đường cách mạng … Ảnh hưởng của Thánh Kinh rất đơn giản : không một nền văn minh nào, không một lục địa nào, không một con người nào có thể thoát khỏi áp lực huyền diệu, mãnh liệt đồng thời thâm tế, của áng văn này. Cộng Sản chủ nghĩa hay Kinh Tế Thị Trường chung quy cũng đều chỉ là những phó sản của Thánh Kinh, qua những ngã rẽ khác biệt …

Thánh Kinh ra đời như thế nào ? Trong điều kiện nào ? Những gì áng văn ấy thuật lại có thực sự hiện hữu hay không ? Đâu là những chứng cớ ? Đó là những câu hỏi kỳ thú mà con người ngày nay có thể đặt ra nhờ vào những phương tiện khoa học tân tiến. Thật vậy, sau khi tìm hiểu  Thánh Kinh dưới khía cạnh tôn giáo, dẫn dắt bởi Niềm Tin, người ta đã quay sang nghiên cứu áng văn này như một văn kiện Lịch Sử. Nhưng, trải qua giai đoạn giả dụ rằng Thánh Kinh kể lại những biến cố có thật, người ta không khỏi bước thêm một bước, và tìm cách kiểm tra xem những biến cố ấy đã để lại những dấu vết nào dưới mảnh đất thần thánh từng được xem như Đất Hứa của con cháu giòng Israel ?

Và nhà khảo cổ nhập cuộc …

  CÁC TỔ PHỤ TRONG GIÒNG LỊCH SỬ :   

Nếu chúng ta coi Thánh Kinh như một tài liệu lịch sử, thì chuyện các tổ phụ, bắt đầu với chuyện Abraham, phải nằm ở khoảng 2100 năm trước Công Nguyên (tr CN). Thật vậy, sách Quân Vương khẳng định dân Do Thái thoát khỏi Ai Cập 480 năm trước lúc đền Jerusalem được xây cất vào năm thứ tư của triều vua Salomon, tức năm 966 tr CN (1R;6:1). Sách Xuất Hành cho biết trước đó dân Chúa bị lưu đày tại Ai Cập 430 năm (Exode 12:40). Phải thêm vào đó khoảng thời gian các tổ phụ sống ở Canaan trước khi di chuyển sang Ai Cập, tức vào khoảng 200 năm. Tuy nhiên thời gian 2100 năm tr CN mà Thánh Kinh ấn định không thể là sự thật, vì một số nguyên do rất khó phủ định :

Thứ nhất là vấn đề người Philistins. Sáng Thế Ký cho biết tổ phụ Isaac có gặp Abimelek, vua  dân Philistin, tại thành Gerar (Gen 26:1). Chuyện Tổ Phụ Abraham, nhắc việc trước đó vài năm,  cũng nói đến thành Gerar, như một thị trấn quan trọng, dù không dùng đến chữ “Philistin”. Vấn đề nằm ở chỗ người Philistin chỉ di dân đến vùng này từ khoảng 1200 năm tr CN, tức là vào cỡ 900 năm sau thời gian Thánh Kinh khẳng định các Tổ phụ đã gặp họ. Các công trình khai quật cũng cho biết thành Gerar chỉ trở nên một thị trấn quan trọng từ thế kỷ thứ 8 tr CN.

 

philistines-kingdom

 

 

Thứ hai là vấn đề lạc đà. Lạc đà được nhắc đến nhiều lần trong truyện các Tổ Phụ như phương tiện chuyên chở hàng hóa. Tuy nhiên, khảo cổ học cho biết lạc đà chỉ được con người vùng ấy thu phục và sử dụng sau năm 1000 tr CN, hơn mười thế kỷ sau thời các Tổ Phụ.

Vấn đề thứ ba là các đoàn lái buôn (sử dụng lạc đà) đi qua vùng Canaan. Trong chuyện Tổ Phụ Joseph ở đoạn ông bị những người anh bán cho một đoàn lái buôn, người viết đã thêm vào những chi tiết mô tả hàng hóa mà đoàn lái buôn này chuyên chở. Ngặt một nỗi, những món hàng ấy, cũng như các đoàn lái buôn Ả Rập, chỉ hiện diện trong vùng từ thế kỷ 8, và thịnh hành trong thế kỷ 7 tr CN, tức 14 thế kỷ sau Joseph.

Tóm lại, ở thời các Tổ Phụ, không có dân Philistin, không có lạc đà như phương tiện chuyên chở, và không có những đoàn lái buôn với các hàng hóa được Thánh Kinh nói đến. Các tác giả của chuyện các Tổ Phụ chỉ biết được những điều ấy, nếu họ sống vào khoảng thế kỷ thứ 7 tr CN. Như vậy, không thể coi Thánh Kinh như một tài liệu lịch sử, mà như một huyền thoại được viết vào thời gian này, để kể lại một câu chuyện xảy ra 1400 năm trước đó.

Đâu là nguyên do để vào thời điểm ấy người ta lại cảm thấy có nhu cầu phải viết lên một huyền thoại như vậy ?

CUỘC HÀNH TRÌNH THOÁT KHỎI AI CẬP CÓ THỰC HAY KHÔNG ?

 

exodusroute

 

 

Trước khi trả lời câu hỏi này chúng ta hãy thử khảo sát một vài vấn nạn khác được đặt ra bởi Thánh Kinh dưới nhãn quan sử học và khảo cổ học.

Qua Sáng Thế Ký chúng ta biết dân Do Thái vì đói kém đã di dân sang Ai Cập trong thời gian Tổ Phụ Joseph nắm giữ chức vụ Tể Tướng nơi đế quốc này (Sáng Thế Ký – Phần Ba) . Sau một thời gian đựoc trọng đãi, họ dần dần rơi vào vòng nô lệ. Trước nỗi thống khổ của dân Ngài, Thiên Chúa sai Moshe lãnh đạo một cuộc vượt thoát vĩ đại, đem toàn thể dân Do Thái rời khỏi Ai Cập, để sau đó dùng vũ lực chinh phục Đất Hứa Canaan. Thực tế có thể rất khác câu chuyện này.

Thật vậy, Thánh Kinh đưa con số người vượt thoát khỏi Ai Cập là 600 ngàn nam nhân trưởng thành, tức không kể phụ nữ và trẻ con. Trên căn bản đó, người ta có thể ước lượng tổng số người Do Thái rời khỏi Ai Cập vào khoảng hai triệu người. Cả nước Ai Cập lúc ấy chỉ có cỡ ba triệu rưỡi dân. Một sự thất thoát dân số  kinh khủng như thế sẽ làm Đế Quốc Ai Cập sụp đổ một cách không thể cứu vãn !

Mặt khác Ai Cập là một Đế Quốc có nền hành chánh rất chặt chẽ, ghi chép kỹ lưỡng mọi việc xảy ra. Thế mà người ta không thể tìm thấy một văn kiện Ai Cập nào đã ghi chép biến cố trọng đại đã được Thánh Kinh kể lại. Cần nói là Thánh Kinh nói rất nhiều đến Ai Cập, không dưới 700 lần. Đối lại, tìm trong toàn bộ các văn kiện Ai Cập các nhà bác học chỉ thấy một dòng chữ duy nhất nói đến người Do Thái. Đó là dòng thứ 27 của một tấm bia được khắc vào năm 1207.  Dòng chữ này kể lại một cuộc chinh phạt của  vua Merneptah, con vua Ramses đệ nhị, ở xứ Canaan. Nội dung cho biết Nhà Vua đã tiêu diệt toàn bộ dân Israel. Tài liệu có hơi phóng đại này cho biết một điều quan trọng. Đó là : vào năm 1207, tức thế kỷ 13 tr CN đã có một dân tộc tên là Israel sinh sống ở Canaan. Thánh Kinh, ngược lại, cho rằng cuộc vượt thoát khỏi Ai Cập chỉ xảy ra vào thế kỷ 15, tức 200 năm sau đó.

Thánh Kinh cũng cho biết dân Chúa đã lưu lại trên bán đảo Sinaï khoảng 40 năm, đặc biệt là  ở ốc đảo Cades Barnea suốt 38 năm. Tuy nhiên, tất cả các cuộc khai quật của các nhà khảo cổ trong những thập niên 50 và 70 đều không tìm thấy nổi một dấu vết nào của sự hiện diện này trong khoảng thời gian thế kỷ 13 và trước đó. Ngược lại họ tìm thấy đủ mọi dấu vết của các nhóm dân khác được biết là đã có mặt tại đây trong thời gian ấy. Cần nói là 2 triệu nhân mạng, hay vài trăm ngàn trong trường hợp có sự phóng đại, không thể nào sinh sống suốt gần nửa thế kỷ trong một vùng đất sa mạc như Sinaï mà không để lại một vết tích nào.

Một yếu tố đáng lưu ý khác là một số địa danh được Thánh Kinh nói đến khi kể chuyện lưu đày và vượt thoát của dân Do Thái, lại chỉ hiện hữu ở thế kỷ thứ 7 trước CN, tức không dưới 600 năm sau thời gian được gán cho cuộc vượt thoát khỏi Ai Cập. Điển hình là thành Pitom được xây dựng cỡ năm 600 tr CN, và lũy Migdol (Ex 14:2) được kiến tạo trong thế kỷ 7 tr CN. Trường  hợp vương quốc Edom cũng rất đáng chú ý. Thánh Kinh ghi rằng Moshe, người lãnh đạo dân Chúa vượt thoát khỏi Ai Cập  đã gửi sứ giả đến gặp vua xứ Edom để mượn đường đi đến Canaan. Vị vua này từ chối khiến dân Do Thái bắt buộc  phải đi đường vòng. Vấn đề là Edom chỉ trở thành  một vương quốc vào thế kỷ 7 tr CN …

Các học giả cũng ghi nhận rằng các tên họ Ai Cập được Thánh Kinh đề cập đến khi kể  chuyện lưu đày và vượt thoát chỉ thông dụng ở thế kỷ 7 tr CN, và hiếm khi được dùng đến ở giai đoạn được gán cho cuộc vượt thoát.

Tóm lại, những người viết lên câu chuyện Vượt Thoát đã lấy những yếu tố hiện hữu trong môi trường sống của họ, rồi gán chúng vào một thời xa xưa, trong huyền thoại được họ dựng nên.

NGUYÊN NHÂN CỦA HUYỀN THOẠI  

Tất cả các dấu tích thời gian đều hướng tia nhìn của chúng ta vào thế kỷ 7 tr CN, như thời gian trong đó người ta đã viết lên chuỵện các Tổ Phụ và sự tích dân Chúa vượt thoát khỏi Ai Cập. Vào thời điểm ấy, chuyện gì đã xảy ra, biến cố nào đã đưa đến sự hình thành của hai câu chuyện then chốt này của Thánh Kinh ?

Israël Finkelstein, giám đốc Viện Khảo Cổ Đại Học Tel Aviv, đề nghị một giả thuyết hiện được coi là khả tín nhất.

Số là cho đến cuối thế kỷ thứ 8 tr CN, đất Canaan được chia làm hai vương quốc : Israel ở phía Bắc, và Juda ở phía Nam. Israel nhờ đất đai phì nhiêu cũng như địa thế thuận lợi cho việc buôn bán, nên giàu mạnh hơn Juda, nơi đất đai cằn cỗi, bất lợi, nghèo nàn. Vào cuối thế kỷ thứ 8 tr CN, đế quốc Assyrie chiếm đoạt vương quốc Israel. Một số người Israel chạy xuống vương quốc anh em ở phía Nam tỵ nạn, đem theo tài sản, sự nghiệp và kiến thức của họ. Vương quốc phưong nam Juda trở nên quan trọng, phú cường, một phần nhờ ở sự đóng góp này, phần khác nhờ vào những sinh hoạt thương mại được tăng cường mạnh mẽ với đế quốc Assyrie và toàn thể thế giới Ả Rập cũng như vai trò trung gian trao đổi của Juda giữa Assyrie và Ai Cập. Trong điều kiện thuận lợi ấy, Juda cũng đã đẩy mạnh một số ngành sản xuất, như dầu olive, được quy mô hóa. Cần nói là vào năm 701 trước CN, sau khi thành Lakish thất thủ, vương quốc Juda đã phải thần phục Assyrie. Trên mặt chính trị, từ thời điểm ấy, Juda, tuy chỉ là phiên quốc của Assyrie, vẫn mặc nhiên được coi như nắm toàn bộ vận mệnh của dân tộc Do Thái, đồng thời mang sứ mạng quang phục, chiếm lại những lãnh thổ đã mất, để xây dựng một đất nước thống nhất, hùng cường. Chuyện các Tổ Phụ cũng như chuyện vượt thoát khỏi Ai Cập được dựng nên trong bối cảnh này.

 

israel-and-juds

 

 

Trên phương diện khảo cổ, người ta nhận thấy, qua các cuộc khai quật, rằng trong thời gian này, diện tích thành Jerusalem đã tăng từ 6 lên 60 mẫu (hectares), với một thành lũy mới ( được xây dựng dưới triều vua Ezechias 727-698 trước CN)  và những công trình kiến trúc quy mô chưa từng thấy ở những giai đoạn lịch sử trước đó. Một công trình điển hình là việc xây dựng một hệ thống dẫn nước từ nhiều cây số vào thành Jerusalem. Hai nhóm thợ đã phải đào xâu dưới lòng đất để gặp nhau ở một tụ điểm chính xác. Công trình này được chào mừng bởi một bia đá hiện còn lưu giữ. Điều này cho biết Juda vào lúc ấy, khác với những giai đoạn trước, đã có được một nền hành chánh đủ khả năng để tổ chức những công trình xây cất quy mô, và ghi lại những “thắng lợi” của mình với mục đích tuyên truyền. Đây cũng là một trong nhiều chỉ dấu cho thấy người dân Juda vào lúc ấy có trình độ biết đọc biết viết cao. Thật vậy người ta còn lưu giữ một bức thư của một người thợ than phiền với nhà chức trách về một việc mất cắp y phục. Điều này cho thấy giới thợ thuyền ở thời điểm này biết đọc, viết thông thạo, trong khi ở những giai đoạn trước, tuyệt đại đa số thường dân hoàn toàn mù chữ. Việc nghiên cứu những con dấu đóng trên các hũ đựng dầu cũng cho thấy là vào lúc này nền hành chánh của Juda đã đạt đến một trình độ tập trung chưa từng thấy.

Rồi vào năm 630 tr CN đế quốc Assyrie gặp khó khăn nội bộ, và phải dần dần giảm bớt áp lực trên các nước chư hầu. Chính vào thời điểm ấy, mà Josias, một vị vua trẻ của vương quốc Juda, đã linh cảm thấy rằng mộng tái chinh phục lãnh thổ Israel, nơi phương bắc, đã đến lúc có thể thực hiện được.

Vấn đề của các vị vua của vương quốc Juda, đặc biệt là vua Josias, chính là kết hợp toàn thể các bộ lạc và sắc dân trong vùng để có đủ sức mạnh đánh bại đế quốc Assyrie, đồng thời đương đầu với Ai Cập ở phương nam để không bị đế quốc này thừa cơ chiếm đóng. Sự tích các Tổ Phụ không   gì khác hơn là một sự liệt kê các sắc dân và bộ lạc trong vùng trong cùng một câu chuyện nhấn mạnh đến liên hệ huyết thống giữa họ với nhau. Đa số học giả hiện nay không còn nghĩ rằng Abraham, Isaac, và Jacob có liên hệ cha, con, cháu nội, mà những nhân vật ấy  chỉ là những biểu tượng của các nhóm dân quan trọng trên đất Canaan. Liên hệ huyết thống giũa họ với nhau mang mục đích chính trị, cũng như liên hệ huyết thống giữa toàn thể các nhân vật khác trong chuyện các Tỗ Phụ của Sáng Thế Ký. Abraham, một tổ phụ của dân miền Nam được đặt vào vị thế trung tâm của câu chuyện vì một lý do đơn giản : Juda, vương quốc muốn kết hợp quanh mình các bộ lạc khác, nằm ở phương nam. Các sắc dân và bộ lạc trong vùng đều tìm thấy trong Sáng Thế Ký nhân vật biểu tượng cho mình, trong liên hệ anh em, chú bác, con cháu, với Abraham, Isaac, hoặc Jacob. Các sắc thái tiêu biểu của liên hệ giữa họ với các bộ lạc chủ chốt cũng được nhắc đến trong Sáng Thế Ký. Thí dụ như Laban, cha vợ của Tổ Phụ Jacob (bị Jacob lường gạt, sau mới giảng hòa), và Esau, anh của Jabob, bị ông này đoạt quyền trưởng nam nhờ lừa gạt cha già Isaac, đều tượng trưng cho các sắc dân miền bắc đôi khi bất hòa, tranh chấp, với Israel. Dân Moabite, có lúc bị người Do Thái thống trị và “hơi” khinh miệt, cũng được nhắc đến như xuất phát từ sự loạn luân giữa Loth, cháu của Abraham, và hai cô con gái (xemSáng Thế Ký – Phần 2).

TÍN ĐIỀU “MỘT CHÚA DUY NHẤT” VÀ NHU CẦU CHÍNH TRỊ   

Trong nhu cầu kết hợp, một trong những ưu tư của các quốc vương Juda, dặc biệt là Josias, chính  là sự thống nhất tín ngưỡng. Thật vậy, mặc dù Thánh Kinh khẳng định dân Do Thái, từ 2000 năm tr CN, chỉ thờ một vị Thần duy nhất là Yahweh, các cuộc khai quật ở miền nam cũng như ở miền bắc, đều cho thấy sự hiện diện của rất nhiều tượng thần khác cho đến khoảng thế kỷ 7 tr CN, kể cả các vị thần mang hình súc vật. Câu chuyện “bò vàng” được Thánh Kinh nhắc đến (dân chúa dựng tượng bò vàng để thờ trong lúc Moshe lên núi lãnh nhận từ Thiên Chúa bộ luật “10 điều răn”) chính là biểu tượng của sự tranh chấp  tín ngưỡng giữa các bộ lạc miền bắc, thờ thần Baal, thường mang hình bò rừng, và dân miền nam thờ Yahweh. Thần El, chúa tể các vị thần trong tín ngưỡng miền Bắc cũng thường được “đồng hóa” với Yahweh. Các sắc dân khác (Moabite, Ammonite, v.v…) cũng đều có các vị thần riêng biệt (Kemosh, Milkom …). Riêng người dân vương quốc Juda ở miền nam Canaan, thì tuy có nhiều dấu tích cho thấy họ thờ một vị thần “quốc gia” là Yahweh, nhưng trong một số trường hợp họ cũng kêu cầu đến các thần linh có “tác dụng” đặc biệt, “chuyên ngành” hơn, như trong các việc sanh sản, cầu tự (nữ thần Ashera …) v.v…

Josias cần phải thống hợp các tín ngưỡng ấy vào một niềm tin duy nhất, niềm tin Yahweh và, “chi tiết”quan trọng, tập trung việc thờ tự này vào một đền thờ duy nhất, đền thờ Jerusalem, kinh đô của vương quốc miền Nam. Trong thời vua Josias, nhân trùng tu đền thánh Jerusalem, người ta “tình cờ” tìm ra được một một quyển sách cổ, có thể là sách Deuteronome, được tuyên bố là viết bởi Moshe, với nội dung nhấn mạnh đến sự bắt buộc phải thờ một Chúa duy nhất, tại một đền thánh duy nhất.

Một số chứng tích khảo cổ xác nhận sự tập trung tín ngưỡng này. Trước thời Josias, dấu vết của nhiều đền thờ được tìm thấy trên lãnh thổ Juda, như một ngôi đền lớn ở thành Arad. Ngôi đền này có thể là đền Bethel được nói đến trong Thánh Kinh. Beth là “nhà”, Bethel nghĩa là « nhà của Thần El ». Thánh Kinh kể rằng chính Josias đã đích thân phá hủy ngôi đền này. Có vài yếu tố khiến người ta nghĩ rằng đền thờ này đã ngưng hoạt động vào khoảng thời Josias, và được thay thế bằng một chiến lũy.

CUỘC CHINH PHỤC ĐẤT CANAAN CÓ THỰC SỰ HIỆN HỮU HAY KHÔNG ?   

 

12-tribes-map

 

 

Thánh Kinh kể rằng dân Chúa, được lãnh đạo bởi Yoshua (người kế vị Moshe) đã tấn công và tiêu diệt toàn thể dân chúng trên đất Canaan để chiếm đoạt lãnh thổ của họ, trong một thời gian chớp nhoáng, khoảng 15 ngày. Biến cố này được coi là xảy ra vào thế kỷ 13, sau cuộc vượt thoát khỏi Ai Cập. Vào thập niên 50, các nhà khảo cổ tìm thấy những chứng tích biện minh cho câu chuyện ấy, như việc khám phá ra những gạch, ngói, gỗ, v.v… bị thiêu hủy vào đúng thế kỷ 13, trong những cuộc khai quật ở nhiều thành phố khác nhau. Vào lúc mà quốc gia Israel hiện đại đang hình thành, kết luận trên rất được dư luận hoan nghênh vì nó cho thấy một quốc gia chỉ có thể nảy sanh từ một cuộc chinh phục …

Tuy nhiên, nửa thế kỷ sau, người ta đã phải đổi ý, vì những dấu tích mâu thuẫn với kết luận trên dần dần được khám phá ra.  Đầu tiên là thành Jericho, theo Thánh Kinh đã sụp đổ trước tiếng kèn mầu nhiệm của quân Do Thái. Sau những công trình khảo cổ rất quy mô, người ta kết luận : trong vùng Jericho không hề có một thành lũy nào trong thế kỷ 13.

Mặt khác, những tiến bộ trong các phương tiện sác định thời gian trong ngành khảo cổ cho biết các dấu vết hỏa thiêu tìm thấy ở nhiều thành phố trên đất Canaan không nằm ở cùng một thời điểm như  người ta đã nghĩ, mà kéo dài suốt trong thế kỷ 13. Tức là một cuộc chiếm đóng chớp nhoáng đã không xảy ra. Người ta cũng khẳng định được rằng các dấu vết thiêu hủy ấy không phải do quân Do Thái gây nên mà do những cuộc tấn công rất dữ dội của nhiều nhóm dân đến từ miền biển trong các thế kỷ 13 và 12 tr CN. Nhiều tài liệu còn được lưu giữ cho biết điều này, như một bức thư của vua Ougarit, quốc vương một đô thị ở xứ Canaan, gửi vua đảo Chypre, cho biết ông bị tấn công dữ dội bởi  những chiến thuyền thù nghịch của một nhóm dân xâm lăng đến từ biển cả. Nhiều trao đổi giữa các quốc vương xứ Canaan, lúc ấy là thuộc địa của Ai Cập, gửi vua Ai Cập xin được giúp đỡ trước những cuộc tấn công này cũng còn được lưu giữ. Nơi đền thờ vua Ai Cập Ramses đệ tam, người ta tìm thấy một hình tạc trên đá, mô tả một cuộc thủy chiến giữa hải quân Ai Cập và một nhóm dân lạ, có thể là người Philistin, ở vùng Canaan.

Một yếu tố quan trọng khác có thể đưa đến sự khẳng định rằng cuộc chinh phục Canaan bởi người Do Thái đã không thực sự xảy ra. Đó là dấu tích của sự hiện diện rất mạnh mẽ của quân đội Ai Cập trong vùng này vào thời điểm được gán cho cuộc chinh phục, cho đến một thế kỷ sau đó. Có ít nhất 400 tấm thẻ bằng đất nung có nội dung là những trao đổi hành chánh giữa các đô thị xứ Canaan và chính quyền trung ương Ai Cập. Các cuộc khai quật cũng cho thấy vào thời điểm của cuộc chinh phục, có một hệ thống chặt chẽ thành lũy và trang trại của quân đội Ai Cập trên đất Canaan. Người Do Thái không thể tấn công và chiếm đóng vùng đất này mà không gặp phản ứng của quân trú phòng Ai Cập, một điều không hề được Thánh Kinh nói đến, và cũng không bao giờ được các tài liệu Ai Cập nhắc nhở. Điều đáng ghi nhận nữa là một thế kỷ sau thời gian được gán cho cuộc chinh phục, các thành lũy và doanh trại Ai Cập này vẫn hiện diện trên đất Canaan.

Như vậy cuộc chinh phục Canaan có nhiều hy vọng chỉ là một huyền thoại, được dựng nên để gợi ý rằng, với sự giúp dỡ của Thiên Chúa, người Do Thái có thể dành lại được các đất đai đã mất, một cách dễ dàng. Chuyện dân Chúa vượt thoát khỏi Ai Cập, cũng mang chủ ý tương tự. Chúng ta hẳn còn nhớ khi người Do Thái đang trên đường thoát khỏi Ai Cập đi đến bờ biển, thì quan đội của Pharaon đuổi theo tấn công họ. Thiên Chúa cho mặt biển xẻ làm hai để cho dân Ngài đi qua, rồi sau đó nhận chìm toàn quân Ai Cập. Trước đó Ngài cũng đã giáng lên đầu dân Ai Cập những tai vạ khủng khiếp để vua của họ chấp nhận nhượng bộ tha cho con cháu Israel ra đi. Câu chuyện này cho thấy quyền năng của Thiên Chúa, lần này nhắm vào Ai Cập, vì, sau đế quốc Asyyrie, Ai Cập chính là trở ngại quan trọng cho việc tái chiếm đất Canaan để kiến tạo một vương quốc Do Thái hùng cường.

SỬ TÍNH CỦA DAVID VÀ SALOMON  

 

solomon-kingdom-map

 

Các nhà khảo cổ và sử học rất quan tâm đến David (1005-970) và Salomon (970-931 tr CN) vì, theo Thánh Kinh, hai vị vua này tượng trưng cho giai đoạn hùng cường nhất của dân tộc Do Thái, với một vương quốc Do Thái thống nhất.

David có thực sự hiện hữu không ? Tài liệu khảo cổ duy nhất nhắc đến vị vua này một cách rõ rệt là một mảnh  bia đá tìm được ở Tel Dan, miền bắc nước Do Thái hiện tại vào năm 1993. Nội dung tán dương chiến công của Hazael, một vị vua xứ Damas, trong một trận chiến với vương quốc Israel, vào năm 835 tr CN. Hazael tuyên bố đã giết con và cháu của vua Achab thuộc “dòng vua David”. Nhà nghiên cứu Thánh Kinh André Lemaire cũng gợi ý rằng một tấm bia tìm được ở đông bắc Biển Chết năm 1868, ghi chiến công của vua xứ Moab là Mesha (thế kỷ 9 tr CN), cũng nhắc đến “dòng vua David”. Điều này không được thừa nhận bởi tất cả học giả. Dù sao, có thể nói là « dòng vua David » đã từng được biết đến, và vị vua này có nhiều hy vọng thực sự hiện hữu. Vấn đề là vương quốc của David, cũng như của Salomon, có thực sự mang tầm vóc vĩ đại mà Thánh Kinh mô tả hay không ?

Kinh đô của hai vị vua này là Jerusalem, được Thánh Kinh mô tả như một kinh thành tráng lệ, “tiền bạc nhiều như sỏi đá” (1R; 10:27). Salomon thì được coi như trị vì một vương quốc mà không vương quốc nào trên trần gian có thể so sánh được. Vị vua này có một hậu cung với “700 vương phi và 300 thứ thiếp” (1R; 11:3). Sự thật là Jerusalem vào thời các vua Salomon và David chỉ là một ngôi làng nhỏ không quá 4 mẫu tây (ha), và nhất là không có thành quách chi cả. Kỹ thuật ước định diện tích của các nhà khảo cổ khá lý thú. Người ta biết tục lệ của dân Do Thái thời ấy là luôn chôn cất người chết ở ngoài thành phố, làng mạc. Vì thế chỉ cần ghi lên một bản đồ vị trí của tất cả các ngôi mộ nằm chung quanh Jerusalem ở cùng thời gian với hai triều vua David và Salomon, là có thể ước lượng được diện tích của thành phố này vào lúc ấy. Salomon cũng được coi như người đã xây cất đền thờ Jerusalem, cũng như các kiến trúc to lớn ở  Megiddo, Hacor và Gezer. Tuy nhiên các phương tiện định tuổi tân tiến nhất trong các cuộc khai quật cho thấy các kiến trúc quan trọng tại Jerusalem và các địa điểm vừa nói chỉ hình thành 100 năm sau Salomon. Đồng thời, tại Megiddo, một cánh cổng thời ấy lại mang dấu ấn của thành Samarie, kinh đô của Israel, vương quốc phú cường miền bắc. Tức là vào lúc đó không có một vương quốc thống nhất mà có hai vương quốc : Israel phía bắc, Juda phía nam, như đã bàn đến ở trên. Các học giả không khỏi đặt vấn đề: một vương quốc Do Thái thống  nhất đã có lúc nào  thực sự hiện hữu hay không ? Hay lại chỉ là một huyền thoại, dọn đường cho vua Josias, ba thế kỷ sau đó, phát động một cuộc chinh phục, với mục tiêu xây dựng một vương quốc thống nhất huy hoàng như hình ảnh vương quốc huyền thoại của David và Salomon ?

NẾU MỘNG KHÔNG THÀNH ?

Giấc mộng bá vương của Josias đã không thành. Vào năm 610 tr CN, vua Ai Cập Neko đệ nhị kéo quân lên miền bắc hợp lực với quân Assyrie, kẻ thù cũ của mình, để chặn đường một thế lực mới, là đế quốc Babylone đang  bành trướng mạnh mẽ. Neko II băng qua vương quốc Juda, và hạ sát Josias ở thành Megiddo. Giấc mộng bá vương thình lình tan vỡ. Dân Do Thái lại trở thành thần dân của đế quốc Ai Cập. Rồi, họa vô đơn chí, năm 597 tr CN quân Babylone tàn phá Juda lần thứ nhất, để quay trở lại đập tan Đền  Thánh Jerusalem 11 năm sau đó. Vào lúc ấy, Juda hấp hối và trút hơi thở cuối cùng. Một mảnh sành gọi là ostracon (thường dùng để viết thư, truyền tin, ghi án lệnh …) của một đơn vị trưởng Do Thái gửi cho thượng cấp của mình ở thành Lakish có nội dung tuyệt vọng như sau : “xin báo cáo với ngài rằng chúng tôi vẫn đợi hỏa  lệnh của thành Lakish như ngài đã chỉ thị, vì từ lâu chúng tôi không còn thấy bất cứ tín hiệu nào từ Azequa …” Hỏa hiệu từ Lakish sẽ không bao giờ đến, và mảnh sành kia sẽ là văn kiện chính thức cuối cùng của vương quốc bất hạnh Juda …

Vua Juda trốn chạy bị bắt lại, phải chứng kiến cảnh các con mình bị hành quyết trước khi bị đâm mù mắt rồi mang gông cùm đi lưu đày ở Babylone cùng với đa số dân thành thị, bao gồm các thành phần ưu tú trong xã hội Do Thái. Đền Thánh của Yahweh, từng được xem như nơi thờ tự duy nhất, hoàn toàn bị tiêu hủy …

Tuy nhiên, làm sao người ta có thể tiêu hủy được một giấc mơ ? Trong thảm cảnh lưu đày, mất mát tất cả,  người Do Thái chỉ còn có giấc mơ kia, được họ khắc ghi trong tâm khảm. Giấc mơ ấy là chất keo nối kết mỗi người trong họ với toàn thể cộng đồng Do Thái lưu lạc tha hương, nối liền họ với quê cũ xa vời, đồng thời với Thiên Chúa như vị Cha lành ngày kia sẽ vực họ dậy … Rồi Babylone cũng suy tàn, và sụp đổ dưới gót chân  Cyrus, người khai sáng đế quốc Ba Tư. Dân Do Thái được Cyrus cho trở về dựng lại đất nước. Chính trong thời gian lưu đày, rồi ở giai đoạn phục quốc này mà những đoạn quan trọng nhất của Thánh Kinh đã được viết ra. Thiên Chúa đã hứa với các Tổ Phụ, rồi với vua David, rằng dân Ngài sẽ kiến tạo một đế quốc hùng cường, chuẩn mực và bá chủ của mọi dân tộc trên hoàn cầu. Thế nhưng dân Chúa lại phải rơi vào vòng nô lệ, rồi phải chịu sự đô hộ của hết đế quốc này đến đế quốc khác. Sau Ba Tư, sẽ đến phiên Hy lạp, rồi La Mã, trước khi nước Do Thái bị xóa khỏi bản đồ cho đến gần đây. Ngay từ đầu, người ta đã phải biện minh cho những thất bại ê chề ấy, những thảm họa không ngừng giáng xuống đầu của một dân tộc tự nghĩ mình được Chúa chọn. Những vi phạm luật Chúa đã được nêu lên (đặc biệt là việc thờ phượng thần linh “ngoại đạo” dưới thời vua Manassie, ông nội của Josias) như nguyên do của những bất hạnh mà người Do Thái phải chịu. Luật Chúa mặc nhiên trở thành nền tảng của Thánh Kinh. Những tình huống lưu vong, nô lệ, rồi lại quang phục mà Thánh Kinh kể lại, được coi như những nhắc nhở tràn trề hy vọng. Mỗi câu chuyện, mỗi nhân vật, mỗi tình cảnh, đều là những bài học, những thí dụ, những tấm gương.

Tóm lại, mộng bá vương của Josias đã không hoàn toàn sụp đổ với cái chết của vị vua này, mà đã biến thái thành một giấc mộng khác, với viễn tượng một con đường khởi đi từ một hiện tại đen tối đến một tương lai rạng rỡ. Một con đường được vẽ lên bởi chính Thiên Chúa qua giao ước giữa Ngài với các Tổ Phụ, và, qua các Tổ Phụ, với toàn thể dân tộc đã được Ngài chọn lựa. Huyền thoại, trong trường hợp của Thánh Kinh, chính là vẽ lên một quá khứ huyền diệu, để đặt nền móng xây dựng cho một tương lai sáng lạn, mặc dù mọi bất hạnh, khổ đau của hiện tại. Có lẽ chính vì thế mà Thánh Kinh đã trở thành một thông điệp phổ quát, một thông điệp có thể được chia sẻ bởi mọi con người trong cái cuộc sống lắm khổ đau này ?

nguon : Nguyễn Hoài Vân – nguyenhoaivan.com

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.