Ôi việc trên đời nghĩ cũng hay,
Sơn hà xã tắc nắm trong tay
Hai hàng mũ áo mong mong trước
Bốn phía cày bừa nhớ nhớ nay…
                    Hàm Nghi 1887-1888

Sau ca trù (1), sau Óc Eo (2), sau Nguyễn Du (3), đến lượt một nhân vật quan trọng hoàng gia, vua Hàm Nghi, được viện đại học Paris đón nhận. Người hướng dẫn nhà vua không ai khác là công nương Amandine Dabat, cháu năm đời của Ngài (*), sinh năm 1987, nhánh Như Lý. Công chúa Như Lý (1908-2005) là thứ nữ của Ngài, em Công chúa Như Mai (Ngài viết May để đọc âm Việt) (1905-1999) kỷ sư nông lâm, sống độc thân, và chị Hoàng tử Minh Đức (1910-1990), thiếu tá chỉ huy chiến xa trong hàng ngũ Lê dương đồng thời với Hoàng tử Bảo Long con cựu hoàng Bảo Đại. Thật vậy, cô sinh viên trẻ đẹp nầy vừa mới bảo vệ ngày thứ năm 03.12.2015 vừa qua một luận án Tiến sĩ Đại học ngành Lịch sử Nghệ thuật trên đề tài “Hàm Nghi (1871-1944), vị vua lưu vong, nghệ sĩ ở Alger “(4). Cô xác định ngay trong bài mở đầu luận án là đời sống vua Hàm Nghi vắng bóng trong sử liệu cả Pháp lẫn Việt. Nói cho đúng thì là không đầy đủ. Cũng dễ hiểu vì các sử gia Pháp sử dụng những tài liệu của các tác giả sĩ quan Pháp đăng tải trong thời kỳ thuộc địa và những văn kiện bảo quản trong các kho lưu trữ Pháp, đằng khác không vào được kho lưu trữ Việt. Việc thiếu hiểu biết về đời sống lúc nhà vua trị vì cũng như về phong trào kháng chiến Cần Vương thể hiện trong những giải thich, suy diễn khác nhau. Các sử gia Việt dựa vào các tài liệu nầy và những bài viết về sau xây dựng lên một huyền thuyết vua Hàm Nghi ái quốc (13), nâng cao nhà vua lên bậc anh hùng, kiểu mẫu, hướng dẫn con đường nên theo. Thật ra, nhiều huyền thoại cũng được đặt ra quanh hai vua Thành Thái và Duy Tân bị chính phủ thuộc địa đày qua đảo La Réunion sau một cuộc nổi dậy thất bại. Tuy nhiên, theo cô Amandine Dabat, sử liệu hoàn toàn ngậm tăm về cuộc sống của vua Hàm Nghi trong thời lưu vong cũng vì thiếu tài liệu. Cô thành công thực hiện được công tác khảo cứu nhờ đã khám phả ra vốn sách lưu trữ tư hữu Hàm Nghi gồm có 2450 lả thư, bản nháp thư từ và giẩy tờ cá nhân. Đem đối chiếu với những hồ sơ thuộc địa (công bố, hành chính và chính thức), cô thiết lập được một danh mục sắp xếp lý lẽ về sự nghiệp của nhà vua. Thêm vào đó, 91 công trình lưu trữ (hình vẽ, tranh màu, tranh sơn, tác phẩm điêu khắc) đóng góp vào việc hình thành một tiểu sử đầy đủ vua Hàm Nghi.

hamnghi01 hamnghi02 hamnghi03

          Công nương Amandine Dabat             Hoàng thân An Nam 1935                                      Hoàng đế Hàm Nghi

Năm 1889, 18 tuổi, Ngài bị lưu đày qua Algerie sau những ngày thất thủ kinh đô Huế 1885 và khởi đầu phong trào kháng chiến Cần vương. Ngài sống quản thúc mười năm đầu tiên trong ngôi biệt thự Tùng Hiên (Villa des Pins, thuộc phường El Biar, trên đồi thành phố Alger) với một viên thông ngôn, một đầu bếp và một ông phục vụ, toàn là người Việt (7). Ðây là thời kỳ xác định vị trí của ông hoàng lưu vong Hoàng thân An Nam “Prince d’Annam”. Hoàng thân không lấy lại tên cũ Ưng Lịch như vua Duy Tân đã trở thành “Prince Vinh San” ở đảo La Réunion. Trong mười tháng đầu, Ngài nhất định không chịu học tiếng Pháp vì Ngài cho đó là thứ tiếng của dân tộc xâm lược nước mình và vẫn dùng khăn lượt, áo dài theo nếp cũ ở quê hương. Mọi việc giao thiệp đều qua ông thông ngôn Trần Bình Thanh. Nhưng về sau, thấy người Pháp ở Algérie thân thiện, khác với người Pháp ở Việt Nam, nên từ cuối năm 1889 Ngài mới bắt đầu học và tiên bộ lanh chóng. Trong thời kỳ nầy, nhiều sự kiện chính trị biểu lộ những bất đồng giữa các nhà chức trách Pháp : phủ Toàn quyền Đông Pháp, phủ Toàn quyền Algeria, bộ Thuộc địa về vua Hàm Nghi, về vai trò và ảnh hưởng chính trị của Ngài. Lúc ban đầu, chính phủ Pháp còn coi ngài là quân cờ trong thế trận Đông Dương, hay là một hoàng tử kế vị và vẫn có thể kế ngôi vua Đồng Khánh (12) tương tự sau nầy cương vị Hoàng thân Vĩnh San sau đệ nhị thế chiến. Cô Amandine Dabat chắc vui mừng ngạc nhiên nhận ra những cơ quan gần Ngài như phủ Toàn quyền Algeria có nhiều cảm tình với Ngài và bênh vực Ngài cạnh phủ Toàn quyền Đông Pháp luôn nghi hoặc Ngài có quan hệ và ủng hộ cuộc kháng chiến Cần vương. Tuy mọi họat động của Ngài không lọt ra khỏi mắt phủ Toàn quyền Algeria, giao du của Ngài bị kiểm soát chặt chẽ, mọi thư từ, liên lạc với Đông Dương hoàn toàn bị ngiêm cấm, Hoàng thân thành công tiếp xúc những học sinh trường Trung học Alger và trở nên bạn của Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm, Bùi Quang Chiêu, Trần Văn Thông. Qua trung gian của nhiều người quen như Charles Gosselin, Stanislas Millot, thầy dòng Paul Bayet, ngay cả những người có nhiệm vụ kiểm soát như bà quản gia Marie Cherpitel, Ngài có thư từ đi lại với trong nước nhưng nhất thiết giơi hạn trong phạm vi cá nhân, gia đình, bạn bè. Ngài tránh viết thư, nhận báo chí bàn cải chỉnh trị, chỉ muốn sống trong một môi trường gần như đóng kín gia đình, bạn bè người Pháp. Năm 1904, 34 tuổi, sau 15 năm biệt xứ, Hòang thân cưới cô Marcelle Aimée Léonie Laloe (1884-1974), 20 tuồi, con ông Chánh Biện lý Tòa Thượng thẩm François Laloe, cánh sang trong giới quyền thế ở Alger. Năm 1906, Ngài cùng phu nhân dọn qua một ngôi nhà mới xây mang tên Biệt thự Gia Long do kiến trúc sư Guiauchain thiết kế và gia đình ở đây trọn đời (12). Ngài qua đời vì bệnh ung thư dạ dày ngày 04.01.1943 (hay 14.01.1944) và được an táng trước ở vườn biệt thự Gia Long ở Alger, sau dời về nghĩa địa gia đình ở Thonac, tỉnh Dordogne, vùng Aquitaine tại Pháp.

 

hamnghi04 hamnghi05 hamnghi06

  Tự vẽ 1896                                     những ngày cuối đời                                                                           Hoàng thân An Nam

 

Trái với Hoàng thân Vĩnh San, Ngài nhận được đẩy đủ tiền phụ cấp, không cần làm việc để sống một cuộc đời nhàn hạ trong xã hội thượng lưu Pháp thời bấy giờ. Ngài chơi quần vợt, thề thao, đánh kiếm, săn bắn, vẽ tranh, chạm trổ. Ngài viếng thăm nhiều thắng cảnh ỏ Algeria, Maroc, mỗi năm hai lần qua Pháp. Ngài giao du với nhiều nhà trí thức, nghệ sĩ Pháp như Léon Fourquet, Pierre Loti, Louis Massignon, Marius Reynaud, Pierre Roche, Georges Rochegrosse, Auguste Rodin, Camille Saint-Saëns, trong số nầy, đáng kể là mối tình liên hệ với nữ sĩ Judith Gautier. Số lớn thư từ trao đổi (93 lá thư giữa 1900 và 1916) giữa hai người bạn tâm đầu ý hợp nuôi dường một mối cảm phục lẫn nhau không bờ, một tình yêu lãng mạn thắm thiết qua nhiều năm tháng trở thành một tình bạn vĩnh viễn, trên nền tảng văn chương, điêu khắc, thể hiện qua những bài thơ trìu mến không in. “Vì muốn Pháp hóa vua Hàm Nghi, chính phủ Pháp nhận ra những thiên hướng của ngài đối với hội họa và đã đề xuất Marius Raynaud, họa sĩ theo trường phái Á đông, đào tạo vua”(6). Qua trung gian của De Vialar (14), viên sĩ quan người Pháp được giao phó quản thúc, Ngài bắt đầu học vẽ với họa sĩ Marius Reynaud, đồng thời cũng theo dõi lớp giảng dạy ở Trường Mỹ thuật. Đáng tiếc là những tác phẩm bảy năm đầu không còn lưu giữ. Qua trung gian thư từ, người ta biết được Ngài thích vẽ tĩnh vật ở xưởng, cảnh vật theo họa tiết, mẫu hình, chân dung người quen. Tác phẩm xưa nhất còn giữ là một bức Ngài tự họa theo ảnh năm 1896. Bức tranh dầu trên vải đầu tiên của Ngài thể hiện phong cảnh miền quê quanh Alger. Từ 1899 đến 1903, Hoàng thân mượn trong trường phái ấn tượng kỹ thuật nét bút sơn dầu kề nhau để thể hiện thể tích, hình dáng cây cối, ánh sáng và nhất là để phát tỏa cảm giác trên tranh. Bắt đầu từ 1904, sau khi Paul Gauguin từ trần, theo gót nhà họa sĩ tài hoa, Ngài cho thêm vào kỹ thuật vẽ của mình những màu sắc rực rỡ, diễn cảm như hồng, cam, đỏ son, hoa cà,…Hơn nữa, cũng theo lời khuyên của Gauguin cho nhóm Nabis quanh Paul Sérusier, Ngài sử dụng các màu lì (aplat), phóng quán bỏ quên những cưỡng bức mô phỏng hội họa, những yêu sách của lối vẽ hiện thực. Ngài cũng sử dụng kỹ thuật màu phấn (pastel) giúp Ngài thực hiện một cách điêu luyện các kháo cứu về những biến thiên của ánh sáng (5).

 

hamnghi07 hamnghi08

Vua Hàm Nghi bị bắt 26.09.1888                                                     Hoàng thân An Nam hôm lễ đính hôn

Qua màu sắc, Hoàng thân muốn diễn tả tạo hóa, muốn biểu thị vẻ đẹp thiên nhiên lên tranh, tất nhiên cảnh mặt trời lặn trở thành đề tài ưa thích sở trường của Ngài và trên đối tượng nầy Ngài đã mặc sức phối hợp màu sắc, biến cách sắc thái lên tranh của mình. “Trong hoàn cảnh lưu đày, đeo đuổi nghệ thuật là có hội cho vua Hàm Nghi giữ mối liên lạc với Đông Dương. Nghệ thuật như là một khoảng trời tự do, qua đó nhà vua có thể thoải mái diễn tả tình cảm gắn bó với quê hương của mình.”(6). Tuy nhiên Ngài chỉ vẽ cảnh Pháp hay Algeria trước mắt đang chiêm ngưỡng, không vẽ người, thỉnh thoảng có nhà ở nhưng bên trong không có ai. Ngài không vẽ cảnh Việt Nam theo trí nhớ đượm nổi nhớ nhung, không vẽ hàng rào tre thấp thoáng bên bờ sông, không vẽ tà áo dài phấp phới trong gió lộng, không vẽ chiếc nón lá che mặt cô gái e lệ thẹn thùng. Cô Amandine Dabat nhận định Ngài không vẽ cho người khác mà cho chính mình. Vì vậy lập luận mỹ thuật của Ngài rất riêng tư, không theo một trường phái nào tuy chịu ảnh hưởng Gauguin, Nabis, khuynh hướng ấn tượng một thời đă qua. Thành thử nếu sắp đặt các tác phẩm của Ngài trong lịch sử hội họa đương thời thì thế nào cũng có phần chênh lệch, chậm trễ. Nghệ thuật Hàm Nghi cũng được diễn tả qua điêu khắc. Bắt đầu từ năm 1899, Auguste Rodin (12) dạy Ngài kỹ thuật điêu khắc trong nhiều năm ở Pháp (16), qua 1920 Ngài làm việc với Léon Fouquet ở Alger. Công trình điêu khắc của Ngài gồm có những tượng nửa người đàn ông hay đàn bà, tượng đàn bà, đầu người, ngay cả rập khuôn. Hiện còn lưu trữ những tác phẩm bằng đất, đồng, thạch cao. Ngài sử dụng nhiều cách xử lý đồng, phỏng theo cấu tạo cứng chắc của Rodin nên ảnh hưởng của nhà điêu khắc nầy thấy rất rõ trong các tác phẩm của Ngài. Không cần bán để có tiền sống, ít triển lãm (3 lần 1904, 1909 và 1926), công trình của Ngài chỉ được biết trong vòng thân mật, một phần được phổ biến qua cuốn danh mục Catalogued’exposition Cuộc triễn lãm Hoàng thân An Nam (15-27.11.1926) tại Galerie Mantelet-Colette Weil, Paris. Qua trung gian bạn bè, khi Ngài tiếp xúc với chính quyền là chỉ để thương lượng, cải thiện điều kiện lưu vong, đặc biệt tiền trợ cấp cần phải định lại giá theo mức phá giá. Ngoài ra Ngài chỉ gặp gỡ các nghệ sĩ, các sĩ quan quân đội và luôn giữ liên lạc trong thời gian họ phục vụ ở Đông Dương. Rút cuộc, không có tham vọng chính trị, không tự mình quyết định lên ngôi, xuống ngôi, Ngài tiếp tục muốn đứng ngoài quyền chính, tránh mọi hoạt động dính dáng đến chính trị. Ngài chỉ muốn sống với gia đình và cống hiến một nửa (hay đúng hơn ba phần tư) đời còn lại cho nghệ thuật, ngoài hẵn huyền thoại một vị quốc vương hy sinh trọn vẹn cho tổ quốc.

hamnghi11 hamnghi10 hamnghi09

Đám cưới Hoàng thân An Nam và cô Marcelle Laloe, Alger 1904

Để thực hiện cuộc nghiên cứu, cô Amandine Dabat đã tìm kiếm nhiều ở Paris, lưu trú ngay cả ở Algeria và Việt Nam. Cô trình bày những kết quả đầu tiên trong bằng Cao học về ngôn ngữ và văn minh Việt Nam tại viện Đại học Paris Diderot năm 2012. Ở Việt Nam, cô giảng dạy sinh ngữ Pháp văn tại viện Đại học Hà Nội năm 2012-2013. Cô viết nhiều bài đăng ở Pháp và trên báo chí trong nước về vua Hàm Nghi, họa sĩ và nhà điêu khắc. Một buổi chiều đầu tháng 3 năm 2015, cô diễn thuyết ở Thư viện khoa học Tổng hợp TpHồChíMinh trên đề tài Vua Hàm Nghi (1871-1944) : một cuộc đời nghệ sĩ. Đối với người Việt Nam tuy ngày nay ít nhớ đến ông vua ái quốc nầy nên đề tài không hấp dẫn lắm, cũng có khoảng 200 thính giả hiện diện vì ngoài lòng quan tâm với chủ đề, xem các tác phẩm, họ còn muốn gặp mặt cô cháu năm đời định cư bên phương trời tây nay về quê tìm hiểu cuộc đời ông cố, một chuyện hiếm có. Họ được nghe cô giải thích nguyên do cô chọn một đề tài về Việt Nam để khảo cứu vì cô mang dòng máu của một Hoàng thân An Nam, cô tự hào là hậu duệ một vị vua yêu nước có một nửa đời nghệ sĩ. Và suốt buổi diễn thuyết, cô kể lại cuộc sống lưu vong của vua Hàm Nghi tại Alger. Trong lĩnh vực hội họa, Ngài đã vẽ nhiều nhưng phần lớn tranh bị mất mát hủy hoại trong chiến tranh. Hoàng hôn, bóng cây, con đường buồn bã… là chủ đề thường xuyên trong tranh của họa sĩ nói lên tâm trạng hoài nhớ quê nhà của Ngài. Trong số 50 bức triển lãm năm 1926 ký tên chữ Hán Xuân Tử, nay chỉ còn 15 bức, là tên cha mẹ đặt và cùng là tựa đề bài thơ bà Judith Gautier làm tặng Ngài (6). Thông thạo chữ Hán, ngoài truyện ngắn Ông hoàng thủ cấp đỏ máu (cuộc kháng chiến Hai Bà Trưng), kịch thơ Những cánh cửa sơn đỏ, bà có nhiều bài thơ về Hoàng thân An Nam. Vì Đông Tây đọc ngược nhau hay là theo ý chí độc lập văn hóa Ngài còn ký biệt hiệu Tử Xuân. Trên cột trái mộ bà ở nghĩa trang làng Saint-Énogat có khắc ba chữ Hán Tử Xuân bái 子春拜.

春子

Fils de Printemps ! hélas ! tes fleurs à peine écloses
S’effeuillèrent au vent d’orage brutal,
Qui brise d’un seul coup, les espoirs et les roses,
Fis crouler les palais de laque et de santal….
(Xuân tử ! ôi ! hoa mới nở
Rụng tơi bời theo giông gió hung tàn,
Dập tan hy vọng hoa hồng,
Lật đổ cung điện sơn mài gỗ hương ….)

hamnghi12 hamnghi13 hamnghi14

Nữ sĩ Judith Gautier    Công chúa Như Mai               Công chúa Như Lý

 

Trong số tranh của Ngài có một bức mang tên Déclin du jour (Chiều tà hay Ngày tàn), khổ 35 x 46 cm, vẽ năm 1915, đã được đem bán ngày 24 tháng 11 năm 2010 tại Nhà bán Drouot, địa điểm bán đấu giá nổi tiếng nhất Paris, trung tâm thương mãi nghệ thuật quốc tế. Trên hơn 150 người có mặt tại buổi bán đấu giá hôm đó, có khoảng 10% là người Việt. Ông Alexandre Million, Giám đốc văn phòng Millon & Associés, thổ lộ với nhân viên ban Việt ngừ đài RFI, ông nhận thấy họ đều tỏ vẻ kính cẩn trọng vọng tuy ông không nghĩ họ có ý định mua (9). Theo ông, họ chỉ muốn chứng kiến tận mắt một tác phẩm của vua Hàm Nghi, một tấm tranh có một giá trị thiêng liêng ngoài khuôn khổ nghệ thuật. Bức tranh được một gia đình Pháp giao bán nhưng dấu tên, có lẽ không biết gì nhiều về nguồn gốc tác phẩm tuy là một quà tặng như viết trên tấm giấy nhỏ kẹp vào khung gỗ đằng sau bức tranh. Mức định giá ban đầu 1000 euro tương đối thấp, dựa vào một số tiêu chuẩn cụ thể : thời kỳ vẽ tranh, thể loại tác phẩm, khuynh hướng, trào lưu, trường phái hội họa, thêm vào thân thế tác giả, các cuộc triển lãm (8)…Ban tổ chức hy vọng bức tranh sẽ được đấu giá cao. Rút cuộc, bức tranh được ông Gérard Chapuis mua với giá bán tối cao là 8.800 euro. Bà Cécile Ritzenthalar, chuyên gia về hội họa thế kỷ XIX và XX, người đã xét nghiệm tính xác thực của bức tranh và cũng là người đã điều khiển cuộc đấu giá, cho biết thêm là trong nguyên tác, bức tranh này mang tên là La route de El Biar (Con đường El Biar) (6). Tranh vẽ cảnh thiên nhiên, những mô gò, dãy đất thoai thoải liên tiếp nhau lên đến đồi cao, in trên nền trời chiều hồng thắm; xa xa có rặng núi, loáng thoáng vài nếp nhà. Cận cảnh là một tàng cây xanh. Ánh sáng êm ả, màu sắc kín đáo, dịu dàng: màu đất nâu liền với cỏ xanh non và lá cây già, xanh lam. Nói chung là màu tối, u uẩn, trầm buồn, người xem có thể gán cho tác giả tâm sự này, tình cảm nọ. Nhưng là do suy diễn. Họa sĩ trước cảnh chiều chỉ muốn ghi lại một thoáng phôi pha, và xúc cảm nhất thời có thể biểu lộ tâm tình hay kỷ niệm chìm trong ký ức. Nhịp điệu khoan thai, theo đường thẳng, chủ yếu là đường ngang, mềm mại, mơn man đưa ánh nắng chiều về tụ điểm bên trái. Và nâng trời nhẹ lên cao. Không khí u trầm, lắng đọng trong Chiều tà là tâm sự chung của con người, một nét sầu vạn cổ, một khối sử nhân sầu trên khói sóng, trong cổ thi (10). Bà Cécile Ritzenthalar đánh giá cách vẽ của Ngài dùng những màu nguyên chất lấy thẳng từ các ống sơn chứ không có nhiều pha trộn, phong cảnh màu sẫm, hàng cây chân trời có những đường viền màu xanh đậm, ánh nắng ban chiều ửng màu hồng tím, chân trời vẽ ở phần nửa trên thay vì ở phần nửa dưới của tấm tranh, những điểm tiêu biểu khuynh hướng Nabis. Bà cũng nhận thấy đa số những người Việt chú ý đến tranh vì lý do tình cảm nhiều hơn là nhằm mục đích kinh doanh, phản ứng của họ hoàn toàn khác với những thương gia chuyên sống nhờ nghề buôn bán tranh.
hamnghi15 hamnghi16

Bức tranh Chiều tà                                                     Bức chiếu Cần Vương

Tác giả : Võ Quang Yến

Nguồn : Chim Việt

Ðọc thêm

1-Võ Quang Yến, Ðại học Paris đón nhận ca trù, Diễn Ðàn Frum 02.05.2002

2- Võ Quang Yến, Theo dõi cuộc khảo cứu văn hóa Óc Eo, Diễn Ðàn Forum 29.08.2013

3- Võ Quang Yến, Mùa xuân thi ca ở Đại học Paris VII, Diễn Ðàn Forum 10.05.2015

4- Amandine Dabat, Hàm Nghi (1871-1944) Empereur en exil, artiste à Alger, Thèse de Doctorat d’Histoire de l’Art, Institut National d’Histoire de l’Art, Paris 03.12.2015

5- Amandine Dabat, L’empereur Hàm Nghi exilé (1871-1944) : l’univers d’un artiste, dans Arts du Vietnam – Nouvelles approches, Presse Universitaire de Rennes 2015

6- Amandine Dabat, Hàm Nghi artiste : le peintre et le sculpteur, aejjrsite.free.fr/gm136

7- Nguyễn Ngọc Giao, Hàm Nghi nghệ sĩ, Diễn Ðàn Forum 08.07.2008

8- Nguyễn Ngọc Giao, Bức tranh sơn dầu Chiểu tà của Hàm Nghi xuất hiện tại Paris, Diền Ðàn Forum 13.11.2010

9- Tuấn Thảo, Phóng sự: Bán đấu giá tranh của vua Hàm Nghi, RFI, 24,26,27.11.2010

10- Ðặng Tiến, Chiều Tà, tranh Hàm Nghi, Thế kỷ 07.01.2011

11- Nguyễn Ðắc Xuân, Người cháu gái 5 đời của vua Hàm Nghi làm làm luận án Tiến sĩ về vua Hàm Nghi, Gác Thọ Lộc 23.08.2012

12- Thu Hằng, Những ngày tháng lưu đày của vua Hàm Nghi ở Alger, RFI 31.12.2014

13- Nguyễn Vinh, Cuộc trở về của hậu duệ vua Hàm Nghi, Kinh tế Sài Gòn 23.03.2015

14- Phạm Cao Phong, Người có đôi mắt vua Hàm Nghi, Gửi cho BBC từ Paris 11.12.2015

15- Trương Uy, Ðề xuất đưa tranh của vua Hàm Nghi về nước, Tuổi trẻ Online 20.12.2015

16- Phạm Trọng Chánh, Tử Xuân Hàm Nghi (1872-1942) vị vua lưu đày thành nghệ sĩ, khoahocnet.com 26.12.2015

(*) Công chúa Như Lý kết hôn với François Barthomivat, Bá tước de la Besse, có 1 con trai Philippe, 2 con gái Françoise và Anne Alice Marie. Anne kết hôn với ông Guy Dabat, có 3 con trai Philippe, François, Jean và 1 con gái Maylis. Amandine là cháu nội Anne.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.