Sưởng sản xuất đồng hồ của Louis Delphin Odobey

Có thể nói rằng Odo là hãng đồng hồ treo tường nổi danh nhất nước Pháp và người Pháp cũng rất tự hào vì có Odo. Ngày nay, hơn 20 năm sau ngày tuyên bố ngừng sản xuất, những chiếc đồng hồ odo vẫn được săn tìm và yêu chuộng vào bậc nhất nhất là trong giới sưu tầm đồ cổ nước ngoài.

Sở dĩ Odo có được thành công lớn như vậy là có rất nhiều nguyên nhân trong đó có 3 nguyên nhân chính sau đây:

Nguyên nhân thứ nhất chính là vì Odo là hãng đồng hồ treo tường cuối cùng của nước Pháp. Dù không phải là người đầu tiên nhưng với vai trò là người cuối cùng, Odo đã ghi dấu ấn và danh tiếng của mình vào lịch sử đồng hồ thế giới nói chung và lịch sử đồng hồ nước Pháp nói riêng. Điều này cũng chứng tỏ một điều hiển nhiên rằng trong cả đoàn người chạy đua, Odo thực sự là người mạnh mẽ nhất, dẻo dai nhất nên còn bám trụ được đến phút cuối cùng. Vào cuối những năm 60s trở đi các hãng đồng hồ treo tường của Pháp liên tiếp gặp khó khăn và phải đóng cửa do chịu sự cạnh tranh gay gắt của các hãng đồng hồ nước ngoài. Cộng thêm vào đó là sự thay đổi về nhu cầu của dân chúng. Các đồng hồ treo tường cồng kềnh, kêu chuông mỗi 15 phút một lần và tiếng tic tắc quá to trở nên phiền toái đối với những người dân sống ở trong những căn hộ chung cư nơi thành thị ban ngày phải làm việc mệt mỏi, và chịu đủ loại stress, ban đêm chỉ còn muốn được yên tĩnh hoàn toàn. Chính do vậy sự xuất hiện của nhiều loại đồng hồ mới nhỏ gọn, hiện đại nhiều tính năng hơn đã trở nên hấp dẫn và hợp lí. Các hãng đồng hồ máy cơ đã không đi tắt, đón đầu được xu thế này nên tự bị đào thải và buộc phải đóng cửa (họ không nhanh nhạy như các hãng trong các lĩnh vựa khác ví dụ như các hãng sản xuất máy ảnh đã chuyển đổi không ngừng từ những chiếc máy chụp phim to cồng kềnh sang máy số nhỏ gọn, hoặc các hãng sản xuất ti vi, điện thoại, vv.)

Nguyên nhân thứ hai chính là chiến lược của Odo quá tốt. Odo đã xác định và theo đuổi mục tiêu hàng tốt giá cả phải chăng mà không tham lam sản xuất cả hàng rẻ chất lượng thấp. Hàng của Odo chất lượng tương đương với những hàng tốt của các hãng khác nhưng giá cả bao giờ cũng rẻ hơn hẳn. Người tiêu dung và các chuyên gia thời bấy giờ (và tất nhiên cả bây giờ) đã rất ngạc nhiên về các sản phẩm của Odo. Máy được làm bởi những thợ thủ công “quê” nhưng chuẩn và bền không kém gì các hãng danh tiếng bậc nhất Paris và Strabourg (thành phố giáp biên giới Đức này cũng rất nổi tiếng về đồng hồ). Trong khi đó âm thanh, hoạ tiết lại mộc mạc và độc đáo, giá cả lại rẻ hơn hẳn.

Nguyên nhân thứ 3 chính là do yếu tố con người. Léon Odobez người lập ra công ty Odo vào năm 1924 (liên doanh góp vốn cùng với 2 người khác là Moret-ès-Jean và Barbaud) là một thiên tài về kỹ thuật, thiên tài về kinh doanh và cũng là một người cực kì có đạo đức. Léon là cháu nội của François Odobez, người nổi tiếng đã sáng tạo ra đồng hồ thùng vỏ sắt vào những năm 1800s. Xuất thân từ một gia đình làm nghề nông, François đã tự mình làm chiếc đồng hồ đầu tiên vào năm 1708 vào thời điểm mùa đông nhàn rỗi (mùa đông trên núi cao tuyết rất dầy và rất lạnh nên hầu hết các hoạt động trồng trọt và chăn nuôi đều bị đình đốn). Sau đó François mạnh dạn mở xưởng đồng hồ thủ công gia đình, công việc trôi chảy và được kế tục đến đời con cháu. Xin lưu ý là  trước những năm 1900s, đồng hồ treo tường dùng trong nhà dân chưa phát triển lắm mà chỉ phát triển đồng hồ điểm chuông ở nhà thờ hoặc các công trình công cộng (trường học, toà thị chính, toà nhà làm việc, nhà ga…) hoặc nếu dùng trong nhà dân thì hầu hết là đồng hồ tủ rất to. Cùng làng Morez của ông cháu nhà Odobez có dòng họ ODOBEY cực kì nổi tiếng về sản xuất đồng hồ trong đó có 2 người nổi tiếng nhất là Louis-Delphin Odobey và Paul Odobey.

Đầu những năm 1900s, đồng hồ nhỏ treo tường dùng trong nhà dân bắt đầu thịnh hành (chúng ta có thể thấy theo dòng thời gian đồng hồ càng ngày càng nhỏ gọn dần về mặt hình thức), hàng loạt công ty chuyên sản xuất về loại đồng hồ này ra đời. Để tiện việc kinh doanh, Léon Odobez cũng mạnh dạn thành lập công ty trong những năm này lấy tên là ODO. Việc lấy tên Odo thay vì Odobez (lấy tên dòng họ như các công ty khác thường làm) là một quyết định cực kì khôn ngoan, thể hiện tố chất của một thiên tài kinh doanh. Thứ nhất tên gọi đó rất ngắn gọn, độc đáo, dễ nhớ (một trong những tiêu chí để thành công trong MKT). Thứ hai, nhắc đến Odo vô hình chung người tiêu dùng liên tưởng đến một loạt các nhà sản xuất đồng hồ trứ danh (của cả dòng họ odobez và odobey) và chắc hẳn cũng có không ít người tiêu dùng ban đầu sẽ đinh ninh rằng dòng họ odobey cũng có liên quan trong đó. Năm 1936 thương hiệu odo (trademark) được chính thức đăng kí và nổi danh cho đến tận ngày nay.

Léon Odobez cũng rất giỏi trong việc kinh doanh, ông tạo mối quan hệ cực kì tốt với những nhà phân phối. Thời bấy giờ kênh phân phối chính của các hãng đồng hồ là các cửa hàng chuyên về đồ trang sức và đồng hồ. Odo đã sẵn sàng cung cấp máy với giá cả hợp lí cho các nhà phân phối ruột có nhu cầu bán đồng hồ dưới tên của chính mình (máy Odo nhưng mặt đề tên cửa hàng/công ty của họ). Hành động này là một hành động vừa đẹp về mặt quan hệ (vì nhiều người rất muốn sản phẩm bán ra mang tên của mình) vừa giỏi về mặt kinh doanh đúng theo triết lí win-win đôi bên cùng có lợi.

Về vấn đề đạo đức thì cũng có khá nhiều mẩu chuyện nhỏ kể về cách hành xử của Léon (như chuyện mời và giữ chân các thợ giỏi) nhưng cá nhân em vẫn ấn tượng nhất với vụ mua lại công ty FFR mà không xoá sổ tên của dòng họ Romanet sống trong ngôi làng láng giềng.

Việc Odo được ưa chuộng và yêu thích không chỉ ở Pháp mà còn trên toàn thế giới quả nhiên cũng là một điều dễ hiểu !

Tác giả : NgheThuatXua.com

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.