Ấn chiện bằng đồng thời Minh Mạng

Sau khi sách Ấn chương Việt Nam từ thế kỷ XV đến cuối thế kỷ XIX (1) xuất bản, chúng tôi đã nhận được không ít thông tin về hiện vật ấn chương và tài liệu Hán Nôm có in hình dấu ấn từ một số địa phương gửi tới. Cách Bắc Giang vài chục km chúng tôi đã sưu tầm được quả ấn đồng thời Nguyễn có hình thức kích cỡ khác lạ so với nhiều ấn đồng thời Nguyễn đã công bố.

Ấn có chất liệu bằng đồng, hình thức núm ấn làm theo kiểu hình bán khuyên. Đế ấn hình chữ nhật, dầy 1cm, tổng chiều cao từ đế đến chóp núm ấn là 3,2cm. Đế ấn và mặt dấu hình chữ nhật có kích thước là 5,4x 4,1cm. Đặc biệt mặt trên đế ấn có một đinh tán nhỏ rập tinh xảo, mặt tán đinh gần phẳng ngang mặt ấn, vị trí đóng phía trên bên trái mặt núm ấn. Vòng bán khuyên núm ấn có bán kính tính từ mặt phẳng trên ấn là 2,2cm.

Chữ Hán khắc ở mặt trên ấn có hai dòng phân ở hai bên theo chiều dọc với núm bán khuyên ở giữa. Dòng bên phải có 7 chữ là “Minh Mệnh tứ niên cát nguyệt nhật” 明命四年吉月日, dòng bên trái cáo 4 chữ “Vũ khố phụng tạo” 武庫奉造 . Chữ trên mặt ấn nét khắc theo thể Chân thư, nét mềm mại rất đẹp. Mặt dấu hình chữ nhật tổng cộng có 7 chữ, được chia làm hai phần khác nhau. Chiều dài của dấu là 5,4cm, phần trên 1,2cm được phân bằng một đường kẻ ngang, trong khung nhỏ này có hai chữ xếp theo chiều ngang từ trái qua phải, là hai chữ Tả quân 左軍. Phần dưới còn lại gồm 5 chữ Hán xếp theo chiều dọc chia làm 2 hàng, hàng bên phải có 3 chữ Trung nhuệ cơ 中銳奇 hàng bên trái là 2 chữ Đồ ký 圖記. Hai chữ Đồ ký có chiều cao gấp rưỡi 3 chữ hàng bên. Mô hình này chúng tôi đã giới thiệu ở mục IV “Hình thức và tính chất các loại hình ấn và dấu Việt Nam từ thế kỷ XV đến cuối thế kỷ XIX” mục B2b trong phần Mở đầu sách Ấn chương Việt Nam(2). Đây là dấu Đồ ký của chức Chưởng cơ Trung Nhuệ thuộc Tả quân, quân đội nhà Nguyễn.

Về niên đại của quả ấn này đã ghi khá rõ ràng, nó được đúc vào ngày lành tháng tốt năm Minh Mệnh thứ 4 (1823), trước thời kỳ diễn ra công cuộc cải cách đời Minh Mệnh không xa lắm.

Về bốn chữ Vũ khố phụng tạo trên mặt ấn chỉ cơ quan tạo tác ra quả ấn này. Vũ khố là cơ quan coi giữ việc xuất nhập quân khí cùng các vật dụng, có xưởng chế tác đúc kim loại từ vũ khí đến vật dụng trong đó có ấn tín các loại. Thời Gia Long vũ khố được gọi là Ngoại đồ gia, sau mới đổi thành Vũ khố. Cơ quan này nằm dưới dự quản lý của một viên Thị lang, một viên Lang trung và hai viên Ngoại lang.

Tìm hiểu tổ chức quân đội thời Nguyễn ta thấy rõ quân đội được chia làm hai giai đoạn khác nhau. Giai đoạn đầu từ khi Nguyễn Ánh lên ngôi vương ở Sài Gòn năm Canh Tý (1780) đến trước khi Minh Mệnh hoàn thành công cuộc cải cách (1831-1832). Giai đoạn đầu tổ chức quân đội Nguyễn được phân theo hình thức Ngũ chế. Cấp Quân 軍 là cấp cao nhất, có binh chủng nhỏ đặt cấp Doanh, không đặt Quân. Quân được chia làm Năm quân là Trung quân, Tiền quân, Tả quân, Hữu quân và Hậu quân. Cấp Doanh ở đây chức nhỏ hơn cấp Quân một chút mặc dù có khi ngang cấp. Dưới cấp Quân, Doanh là cấp Vệ hoặc cấp Cơ. Dưới cấp Vệ, Cơ là cấp Đội, Thuyền. Hàng ngũ tướng tá trong quân đội Nguyễn đều được ban cấp ấn kiềm, Quan phòng hoặc Đồ ký dùng trong việc quân. Đồ ký thường được ban cho cấp Vệ, Cơ. Mặt dấu thường khắc tên đơn vị, tên chức vụ hoặc cả tên đơn vị và tên chức vụ. Nếu là Đồ ký thì cấp Chủ quản (Quân, Doanh) thường được khắc phía trên ấn, chữ viết nhỏ xếp theo chiều ngang. Còn phía dưới thì khắc tên chức của viên tướng chủ sở hữu quả ấn đó. Điều này chúng ta chỉ thấy ở những Đồ ký thuộc giai đoạn đầu thời Nguyễn và chỉ có ở trong tổ chức cấp Cơ trong biên chế Ngũ quân. Trong biên chế cấp Vệ, Cơ ở chính quyền địa phương thì hình thức văn khắc dấu Đồ ký có khác một chút.

Về Cơ Trung Nhuệ là một trong các Cơ, Vệ thuộc Tả quân. Đứng đầu cơ Trung Nhuệ là chức Chưởng Cơ chỉ huy khoảng 500 quân. Cấp Cơ ở chính quyền địa phương thì quân số có ít hơn khoảng 400 quân. Hiện nay, chúng tôi chưa có thêm hiện vật ấn tín cấp Cơ, Vệ để thống kê so sánh nghiên cứu nên không thể phân tích kỹ hơn được, chỉ giới thiệu sơ lược như vậy, xin được bổ sung vào một dịp khác.

Chú thích:

1. Xem Ấn chương Việt Nam từ thế kỷ XV đến cuối thế kỷ XIX, Nguyễn Công Việt, Nxb. KHXH, H. 2005.

2. Xem Ấn chương Việt Nam từ thế kỷ XV đến cuối thế kỷ XIX, Nguyễn Công Việt, Sđd., tr.98./.

Thông báo Hán Nôm học 2006 (tr.799-801) 

 

Tác giả: Nguyễn Công Việt

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.