Tại Hội thảo quốc tế về chữ Nôm tổ chức tại Hà Nội hồi tháng 11-2004, giới nghiên cứu trong và ngoài nước từng một phen bất ngờ khi PGS. TS. Ngô Đức Thọ công bố đã xác định được niên đại cho bộ sách Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa. Theo PGS. Thọ, niên đại thực của bộ sách có sớm hơn niên đại lâu nay giới nghiên cứu vẫn xác nhận gần 3 thế kỷ. Điều này dẫn đến một kết quả: Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa chính là pho sách in cổ nhất Việt Nam còn giữ được.
Xưa nay, những người làm thư mục cho thư viện quốc gia đều ngại nói đến một điều lẽ ra cần làm sáng tỏ: đâu là quyển sách cổ nhất Việt Nam hiện còn nằm trong kho sách thư viện? Việc đó khó khăn bởi nhiều bản sách chưa thể xác định niên đại ra đời. Vừa rồi tôi được mời làm thư mục cho Thư viện Quốc gia, nghĩ đến điều này, nên tôi bắt đầu suy nghĩ trở lại về quyển Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa mà tôi đang có”, PGS. Ngô Đức Thọ bắt đầu câu chuyện như thế.
Hành trình tìm niên đại: Từ một chữ đọc nhầm
Bản sách Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa (sau gọi là Chỉ nam ngọc âm) hiện PGS. Ngô Đức Thọ còn giữ được là bản sách gốc, in trên ván khắc, trang đầu có dòng chữ “Tuế thứ Tân Tỵ mạnh xuân cốc nhật”. Sách này hiện Viện Nghiên cứu Hán Nôm có một bản. Bản sách mà PGS. Thọ đang có là truyền thừa từ tủ sách gia đình (ông Ngô Đức Thọ là cháu của cố học giả Ngô Đức Kế).
“Tôi chỉ có quyển sách Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa, nhưng bao năm nó nằm trong nhà mình mà mình không để ý. Đến khi cụ Trần Văn Giáp viết về quyển sách này trong Lược khảo về nguồn gốc chữ Nôm (in từ năm 1969), tôi mới ngớ người ra rằng mình cũng có một bản sách quý. Đó là quyển từ điển Hán-Nôm cổ nhất nước ta. Tuy nhiên, nói cổ nhất là vì không tìm thấy quyển nào cổ hơn nó nữa, nhưng vấn đề khoa học là phải xác định niên đại cho quyển sách này, thì thật sự khó khăn. Thậm chí tôi thấy bế tắc khi trên sách không ghi niên hiệu như thường thấy mà chỉ ghi có một dòng ngắn với thông tin duy nhất là ‘năm Tân Tỵ’. Vậy là sách này làm ra vào năm Tân Tỵ, nhưng năm Tân Tỵ nào thì không biết được”.
Sau khi cụ Trần Văn Giáp nói về quyển Chỉ nam ngọc âm, có nhiều ý kiến về niên đại bản sách này, trong đó có nhiều nhà nghiên cứu khả kính như Đào Duy Anh, Lê Văn Quán, Hoa Bằng, Nguyễn Tài Cẩn, và đến năm 1985 thì quyển sách Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa do tiến sĩ Trần Xuân Ngọc Lan biên soạn và chú giải ra đời. Trong sách của mình, Trần Xuân Ngọc Lan nhận định niên đại Tân Tỵ của Chỉ nam ngọc âm là vào năm 1761. Nhưng do cẩn thận phòng khi có thể có một bản sách nào đó có niên đại Tân Tỵ trước năm 1761 nữa, Trần Xuân Ngọc Lan kê ra các năm Tân Tỵ có thể có trước đó như 1701 (Chính Hòa năm thứ 22), 1641 (Dương Hòa năm thứ 7), 1581 (Quang Hưng năm thứ 4), 1521 (Lê Chiêu Tông, Quang Thiệu năm thứ 6), 1461 (Lê Thánh Tông, Quang Thuận năm thứ2). Đến năm 1461, Trần Xuân Ngọc Lan dừng lại và cho rằng “nhiều chứng cứ không cho phép tác phẩm được biên soạn xong vào những năm Tân Tỵ sớm hơn”.
Tuy nhiên, PGS. Thọ cho biết rằng, cách giải thích của Trần Xuân Ngọc Lan chưa thỏa đáng và ông tự mình cất công đi tìm cho ra cái năm Tân Tỵ bí hiểm ghi trên sách cổ ấy là năm nào.
“Tôi chú ý đến cái mốc Tân Tỵ ấy từ trước khi cô Ngọc Lan làm luận án tiến sĩ, nhưng bao nhiêu năm qua bận nhiều công việc, đành gác lại cho đến năm 2004 này, là ngót 30 năm kể từ khi đặt ra ‘vấn đề Tân Tỵ’.”
PGS. Thọ căn cứ vào một mã khóa bí mật ông phát hiện được trong sách. Đó là tờ 33a (cả bản của Viện Nghiên cứu Hán-Nôm và bản của Ngô Đức Thọ) có một câu (hình 1) được Trần Xuân Ngọc Lan đọc là “Sào ty ươm dã tơ vàng tốt sao”. Ông Thọ cho biết: “Tôi đã nghi ngờ chữ ‘sào’ từ trước, nhưng khi cô Ngọc Lan làm luận án, tôi cứ để xem cô xử lý chữ ‘sào’ này như thế nào. Nhưng rốt cuộc cô Lan không nhận ra, và vẫn phiên âm chữ ấy là ‘sào’. Kỳ thực, chữ ấy không phải là chữ sào (nghĩa là ‘tổ’), bởi phần phía trên của chữ không phải bộ ‘xuyên’ như thường thấy, mà ở đây là một ký hiệu 4 nét, không phải là bộ thủ nào trong số 214 bộ thủ cấu tạo chữ Hán. Mà tôi đã thống kê toàn bộ Chỉ nam ngọc âm, không có chữ ‘sào’ có trong sách Chỉ nam ngọc âm, không có chữ ‘sào’ nào viết như thế cả. Như vậy, đây là một chữ Hán đặc biệt”.
Xác định mấu chốt: Kỵ húy
Theo PGS. Thọ, cái chữ bị nhầm thành “sào” ấy là một chữ kiêng húy. Vốn là nhà khảo cứu chữ húy thâm niên, đã xuất bản rất nhiều công trình về chữ húy các triều đại Việt Nam, được giới nghiên cứu quốc tế đánh giá cao, PGS. Ngô Đức Thọ khẳng định: “Cái phần có 4 nét bên trên một chữ Hán như thế là ký hiệu để cho biết chữ đó đã được viết theo lối kiêng húy. Đây là điểm bình thường đối với những ai có nghiên cứu chữ húy”. Và, phần còn lại của chữ bị nhầm thành sào ấy cũng dễ biết, tra theo Khang Hy từ điển và sách “Ngọc âm”, PGS. Thọ xác định đây là chữ “hỏa” đã được viết kiêng húy (vẫn đọc là hỏa, nhưng khi viết thì thêm 4 dấu nháy ấy vào). Vấn đề còn lại là: Chữ hỏa này kiêng húy tên ai?
“Tôi vốn đã khảo cứu và in thành sách chữ kiêng húy các triều đại Việt Nam, nhưng khi xác định đây là một chữ kiêng húy, vẫn không biết được chữ này kiêng húy tên ai, vì lạ quá, từ trước đến nay chưa gặp bao giờ. Tôi loại trừ chữ húy thời Nguyễn, nhưng điểm lại chữ húy từ thời Mạc, Lê trung hưng trở về trước đều không thấy chữ hỏa. Chữ húy hiện nay chúng ta có về thời Trần qua các bi ký… cũng không thấy chữ hỏa. Đến một hôm tôi ngồi nhẩm lại các triều đại Việt Nam: Ngô – Đinh – Lê – Lý – Trần… thông thường đến đây thì tôi đọc tiếp sang triều Lê, nhưng bỗng dưng tôi sực nhớ đến nhà Hồ. Và bất ngờ nhận ra rằng: Chúng ta chưa có chút tri thức nào về chữ húy đời nhà Hồ”.
Thế là, PGS. Ngô Đức Thọ, gác lại chuyện chữ húy “hỏa”, bắt tay lập một phả hệ nhà Hồ. Điều này cực khó khăn vì nhà Hồ không có sử riêng, phả hệ của dòng họ Hồ cũng không còn. Tư liệu duy nhất còn được là quyển sách Nam Ông mộng lục của Hồ Nguyên Trừng -con trai của Hồ Quý Ly- viết khi ở Trung Quốc. “Nhưng cuối cùng rồi tôi cũng lập được phả hệ nhà Hồ tương đối hoàn chỉnh (hình 2). Chỉ có điều, rà soát hết các tên họ trong phả hệ nhà Hồ đều… không thấy chữ ‘hỏa’ nào. Trong sự bế tắc ấy, tôi lần giở lại bộ Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT). Việc làm này giống như quán tính thôi, bởi tôi là người tham gia dịch ĐVSKTT, không hy vọng gì tìm thấy một cái tên vua nào là ‘hỏa’ nữa. Ấy thế mà không ngờ khi đọc qua kỷ Thiếu đế trong ĐVSKTT, tôi thấy ngay câu ‘Hán Thương tên cũ là Hỏa’ tại tờ 33a. Chữ hỏa ở đây khắc in rất đặc biệt: có nét cuối bị nhấc lên cao khác thường, cũng là một kiểu kiêng húy. Ở đây đúng là tên của Hồ Hán Thương – con của Hồ Quý Ly. Mà giở sử ra thì ắt rõ: Hồ Hán Thương lên ngôi đúng năm Tân Tỵ (1401) – đây cũng là năm khắc in bộ Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa mà bấy lâu mọi người vẫn nhầm là vào những năm Tân Tỵ sau”.
Để xác định đây là pho sách cổ nhất, PGS. Ngô Đức Thọ cũng liệt kê các sách trong kho thư tịch Hán-Nôm của ta hiện phần lớn là các sách khắc in vào thế kỷ XVIII về sau, sách in vào thế kỷ XVII chỉ còn chưa đầy chục cuốn, cuốn xưa nhất là Lã Đường di cảo thi tập có niên đại vào khoảng 1600 đến 1619 – thời Lê trung hưng. Như vậy cho đến nay, quyển sách Chỉ nam ngọc âm ra đời xưa nhất – ngay năm đầu tiên của thế kỷ XV, nhưng do trước đây chưa ai tìm ra được niên đại của năm khắc in nên nó được định tuổi muộn hơn ngót 3 thế kỷ. Việc tìm ra niên đại quyển Chỉ nam ngọc âm đồng thời mang lại một phát hiện: triều đại nhà Hồ còn một bản sách in cổ nhất nước ta.
Vấn đề tác giả
Lâu nay do định niên đại của Chỉ nam ngọc âm là vào thế kỷ XVII, nên có một số giả thuyết cho rằng tác giả quyển từ điển Hán-Nôm cổ xưa này là công chúa Trịnh Thị Ngọc Trúc. Tuy nhiên, với mốc niên đại vừa xác định được, giả thuyết này đã bị phá sản. Vấn đề còn lại là đi tìm tác giả quyển sách này. PGS. Ngô Đức Thọ cho biết sẽ nghiên cứu và trình bày vấn đề tác giả bộ sách cổ nhất Việt Nam này trong một dịp khác. Nhưng trong cuộc trao đổi với chúng tôi, PGS. Thọ thiên về giả thuyết rằng tác giả Chỉ nam ngọc âm là Thiền sư Pháp Tính như trong lời tựa có ghi câu: “Hồng phúc danh Hương Chân Pháp Tính/ Bút hoa bèn mời đính nên thiên/ Soạn làm chữ cái chữ con/ San bản lưu truyền ai đặt thì thông… ”.
Trong các nghiên cứu về Phật học và Phật giáo Việt Nam, nhà nghiên cứu Lê Mạnh Thát xác định tác giả của Chỉ nam ngọc âm là thiền sư Pháp Tính sống vào khoảng 1470-1550. Nếu theo niên đại của Chỉ nam ngọc âm như PGS. Thọ tìm được, thì Chỉ nam ngọc âm ra đời trước Thiền sư Pháp Tính. Nghịch lý này sẽ là một nghi án cho các nhà nghiên cứu thư tịch Hán-Nôm tiếp tục tìm hiểu.
Tác gỉa : Như Nguyệt
Đăng lại từ bài viết “Người định tuổi quyển sách cổ nhất Việt Nam”
Đăng trên Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 1 (tapchivanhoaphatgiao.com)