Từ cổ xưa tại một số quốc gia Đông Á sử dụng Nông lịch hay còn gọi là Lịch Âm tức loại lịch được tính toán dựa trên chu kỳ của mặt trăng thì Tết Âm lịch luôn là một dịp đặc biệt quan trọng. Mặc dù ngày nay cuộc sống đã có nhiều thay đổi, xu hướng ăn Tết theo dương lịch đang có chiều hướng gia tăng và các nghi thức truyền thống của Tết Âm lịch cũng ngày một giản lược nhưng đây vẫn là một tiết lễ chính yếu nhất trong năm người Việt.
Theo phong tục của người Việt, Tết Âm lịch còn gọi là Tết Nguyên đán là thời khắc đánh dấu sự chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Nguyên đán元旦nghĩa gốc Hán Việt là chỉ “Ngày đầu tiên” (Nguyên có nghĩa là bắt đầu, Đán là buổi sớm hay ngày). Vì vậy đây là lúc khép lại những việc đã trải qua trong một năm cũ và chờ đón những điều tốt đẹp trong một năm mới. Mọi hoạt động công việc đều tạm ngưng dành cho việc tế tự tổ tiên, nghỉ ngơi, sum họp, thăm hỏi, chúc tụng…
Dưới triều Nguyễn, Tết Nguyên đán là 1 trong 3 tiết lễ quan trọng nhất trong năm[1]. Tết Nguyên đán không chỉ gói gọn trong mấy ngày đầu năm mới mà thường được bắt đầu từ đầu tháng Chạp của năm cũ và kéo dài ra đến ngoài Giêng với rất nhiều nghi lễ long trọng. Trước đó các Bộ, Nha lần lượt đệ trình danh sách các quan viên để nhà vua xem xét ban thưởng nhân dịp Tết Nguyên đán. Các địa phương thì lũ lượt dâng tiến sản vật vào cung để Hoàng thượng ngự hưởng dịp tết.
Trong các lễ tiết chính của tiết Nguyên đán có một số nghi lễ quan trọng như:
– Lễ Ban sóc: Lễ này thường được tổ chức vào ngày mồng 1 tháng Chạp hàng năm. Trước đó Khâm Thiên giám cơ quan phụ trách việc thiên văn lịch pháp của triều đình đã nghiên cứu tính toán biên soạn niên lịch cho năm sau và dâng lên nhà vua chuẩn định. Đến ngày Ban sóc các quan văn võ đầy đủ phẩm phục tề tựu trước lầu Ngọ Môn để thụ sóc tức nhận lịch ban. Lễ Ban sóc là một trong những nghi thức quan trọng mở đầu cho chuỗi các lễ nghi của Tết Nguyên đán.
– Lễ Phất thức: Phất thức còn gọi là lễ Phong ấn tức nghi lễ lau chùi niêm phong bảo tỷ, kim sách, kim bài sau một năm sử dụng chờ ra Giêng chọn ngày tốt làm lễ Khai ấn tức mở hòm ấn bắt đầu công việc của một năm mới. Lễ Phất thức không định ngày cụ thể thông thường vào hạ tuần tháng Chạp do Khâm Thiên giám chọn ngày tốt để tiến hành. Nghi lễ phất thức được tổ chức rất trang nghiêm, trước đó Nội các phải trình lên bản danh sách các Hoàng tử và văn võ đại thần từ Nhị phẩm trở lên cùng trưởng quan của các Bộ, Nha để Hoàng thượng phê duyệt. Ngày hành lễ, Nội các thiết án giữa điện Cần Chánh bưng ra các bảo tỷ, các Hoàng tử và văn võ đại thần mặc lễ phục kính cẩn niêm phong hòm ấn. Trong thời gian phong ấn Nội các, Lục Bộ và các nha có gặp chỉ dụ, chương sớ hoặc những việc cần giải quyết ngay thì cứ theo lệ tâu lên nhưng phải đợi đến ngày khai ấn mới truy dùng và ghi rõ ngày tháng năm để làm bằng chiếu.
– Lễ Hợp hưởng: Là nghi thức được tổ chức vào ngày 22 tháng Chạp hàng năm để mời các tiên đế về ăn Tết. Ngày đó Hoàng thượng thường thân đến các các miếu như Triệu Miếu, Thái Miếu, Hưng Miếu, Thế Miếu làm lễ, tuy nhiên cũng có năm nhà vua ủy cho một Hoàng thân thay mặt nhà vua đến tế. Ngoài ra nhà vua cũng ủy phái các Hoàng tử, thân công, các quan đại thần chia nhau đi tế tại các miếu điện, lăng tẩm tại kinh.
– Lễ Trừ tịch và tiết Nguyên đán: Đây là lễ tiết chính yếu nhất diễn ra trong 4 ngày 30, mồng 1, mồng 2, mồng 3 Tết. Theo quy định năm Gia Long thứ 6 (1807) Bộ Lễ dâng bản nghi chú về tiết Trừ tịch và tiết Nguyên đán: Lễ Trừ tịch Hoàng thượng đến Thái Miếu làm lễ, các quan văn võ từ Ngũ phẩm trở lên phụng bồi tế. Lễ Nguyên đán nhà vua đến Thái miếu và Hoàng khảo miếu làm lễ, miếu Triệu tổ thì sai quan làm lễ. Lễ xong vua dẫn các quan đến cung Trường Thọ để chúc mừng. Sau đó Hoàng thượng ngự tại Điện Thái Hòa để nhận lễ chầu mừng, lễ xong các quan xin đến cung Khôn Đức để lạy mừng. Ngày mồng 2 Tết, đều sai các quan đến làm lễ tại các miếu. Ngày mồng 3, vua lại thân đến Thái miếu làm lễ. Miếu Triệu tổ và miếu Hoàng khảo thì sai các quan làm lễ[2].
Trước ngày đó Tôn Nhân phủ hội đồng với Bộ Lễ dâng sớ trình danh sách các Hoàng tử, Hoàng thân sung kiêm việc tế. Ngày làm lễ, từ sớm hữu ty đã bày đặt cỗ bàn, vàng bạc, hương đèn, các hạng lễ phẩm; biền binh thì bày lỗ bộ, nghi trượng, nhã nhạc ở 2 bên tả hữu trước sân miếu. Các Hoàng tử, Hoàng thân đều mặc áo thêu con mãng chia đến các miếu đứng chờ làm lễ. Lễ xong hữu ty theo lệ dựng cây nêu. Nêu trong hoàng cung dựng xong các miếu điện, dinh thự, chùa quán mới được dựng. Theo lệ, tiết Trừ tịch và tiết Chánh đán đều có nhã nhạc, nhạc công tấu các bài có chữ Bình như: Lý bình, Túc bình, Khánh bình, Di bình, Hòa bình. Đêm Trừ tịch tại sân điện Thái Hòa mỗi khắc nổ 20 tiếng ống lệnh, suốt đêm đủ 1000 tiếng.
Sớm Mồng Một nhà vua mặc áo đại triều lên ngự ở điện Thái Hòa, các Hoàng tử, Hoàng thân bá quan văn võ quan đều chỉnh tề lễ phục theo ban vào lạy mừng, sau đó thụ ban yến hưởng theo thứ bậc. Sau lễ chúc mừng ở điện Thái hòa rước vua vào ngự ở điện Cần Chánh, các thân phiên, hoàng thân công văn từ Ngũ phẩm, võ từ Tứ phẩm trở lên theo ban đứng hầu[3]. Sau khi nhận lễ chúc mừng, Hoàng thượng dẫn văn võ bá quan đến yết kiến Tam cung. Nhân Tết Nguyên đán nhà vua thường làm thơ ngự chế sai Thị vệ chép lại và ban cho quần thần. Trong những ngày này, các Bộ, Nha thường dâng các bản Tấu báo tình hình thời tiết thuận hòa tại các các nơi trong cả nước để nhà vua cùng quần thần chung vui, hy vọng năm mới sẽ có mùa màng bội thu nhân dân no ấm. Nhà vua cũng thường Châu phê lên bản Tấu những lời cảm thán vui mừng.
Đêm 30 và ngày Mồng 1 Tết đều mở cửa đại nội, tuy nhiên đến năm Minh Mệnh 12 (1831) vua bảo Nội các rằng: Trước đã chuẩn định mỗi năm, cứ ngày mồng 1, mồng 2 tháng Giêng và 30 tháng Chạp, trong 3 đêm ấy, các cửa ở cung thành, hoàng thành và kinh thành đều rộng mở cho dân ra vào. Nhưng nghĩ chỗ cung cấm là nơi tôn nghiêm, nếu để cho đi lại cả đêm sao cho tỏ ra kính cẩn? Vậy từ nay các cửa cung thành và hoàng thành đều theo lệ thường canh giữ, không nên mở toang, còn các cửa Kinh thành vẫn theo như chỉ dụ trước[4].
– Lễ Khai hạ: là lễ hạ cây nêu tổ chức vào ngày mồng 7 tháng Giêng, ngày đó cũng thường được chọn làm ngày Khai ấn để bắt đầu công việc một năm mới.
– Lễ Xuân hưởng: Lễ này thường tổ chức vào ngày mồng 8 tháng Giêng, ngày đó Hoàng thượng cũng ngự giá đến làm lễ tại các miếu. Tuy nhiên từ năm Tự Đức 20 (1867) nhà vua Châu phê rằng: Từ nay về sau cử người làm lễ thay, các Hoàng thân, Hoàng tử phụng sung nhiếp tế, thừa tế các điện miếu, danh sách do Phủ Tôn nhân chọn phái[5]. Cũng giống như các lễ tiết khác lễ Xuân hưởng sau khi tế xong cỗ lễ gồm trâu, dê, lợn, xôi đều được phân phát cho những người dự tế thụ hưởng.
Lễ Xuân hưởng là lễ chốt lại các lễ của tiết Nguyên đán, sau lễ Xuân hưởng mọi công việc đều trở lại bình thường. Năm Tự Đức 27 (1874) nhà vua Châu phê rằng: Từ nay về sau đặt làm lệ các công sở tại Kinh Tết Đoan dương được nghỉ 1 ngày; các lễ Thánh thọ, Vạn thọ nghỉ 2 ngày; Tết Nguyên đán nghỉ từ 28 tháng Chạp đến hết mồng 8 đầu xuân mới trở lại làm việc để binh lính thợ thuyền đều được nghỉ ngơi. Nếu có việc công khẩn cấp không thể trì hoãn thì vẫn cho làm việc như thường[6].
Ngoài tiết Nguyên đán, trong năm mới triều đình còn tổ chức nhiều lễ tiết khác như các lễ Tịch điền, Nam giao, Xã Tắc… Đây cũng là những lễ hội quan trọng mà các vua nhà Nguyễn thường làm để mong quốc thái dân an và những điều tốt lành trong năm mới./.
Nguyễn Thu Hoài – Trung tâm Lưu trữ quốc gia I
Nguồn : http://luutruquocgia1.org.vn
[1] Gồm tiết Vạn thọ, tiết Nguyên đán và tiết Đoan dương.
[2] Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, bản dịch của Viện Sử học, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2002, tập 1, trang 715.
[3] Từ năm Tự Đức thứ 11 (1858) cho miễn theo ban ứng hầu tại điện Cần Chánh.
[4] Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, bản dịch của Viện Sử học, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2007, tập 3, trang 265.
[5] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Tự Đức, tập 167, tờ 242.
[6] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Tự Đức, tập 258, tờ 176.