Theo tôi nghĩ thì trình độ giám định mỹ thuật ở nước ta còn rất thấp so với thế giới (có lẽ chỉ ở mức độ… khởi điểm) Tuy nhiên, trong hoàn cảnh thế giới hội nhập thì chúng ta có thể đi tắt-đón đầu về mặt kỹ thuật, đồng thời phải cố gắng vượt bậc để tự nâng tầm mình lên.

 

Sơ bộ nhận định

 

Qua những dẫn chứng được liệt kê trong phần I và II của bài tham luận này, chúng tôi nhận thấy việc giám định thời nay, nếu định kết luận chuẩn mực, cần phải có những điều kiện sau đây:

  • Phải có máy soi X quang hay tia hồng ngoại để có thể nhìn thấu tất cả các lớp mầu mà họa sỹ đã từng vẽ hoặc vẽ đè lên tranh khác (thời bao cấp ta rất nghèo nên nhiều họa sĩ phải vẽ đè lên tranh cũ, thậm chí hồ nền bằng keo da trâu trên bao tải bột mì sau khi đã căm cụi… mạng lại những chỗ rách).
  • Dùng phương pháp phân tích đồng vị phóng xạ C14 (giới khảo cổ VN có hiểu biết sâu về phương pháp này).
  • Phải có ngân hàng mẫu vân tay của các danh họa. Với loại mẫu vân tay thì bất chấp kẻ gian có làm giả chữ ký giống đến đâu đi chăng nữa hay tranh không có chữ ký thì ta vẫn có thể xác định được tác giả.
  • Phải có đội ngũ chuyên gia với trình độ tinh tường về tiểu sử nghệ thuật của từng danh họa đến mức: thuộc phong cách, bút pháp, hiểu thói quen, nắm vững thời điểm ra đời của tác phẩm, thông thạo khuôn khổ tranh gốc chính xác đến từng milimét. Xin lưu ý : khoảng 30 năm nay đã có khá nhiều luận văn tốt nghiệp khoa Lý luận và Lịch sử MT của ĐHMTVN (trường Yết Kiêu) viết khá sâu về đời nghệ thuật của các họa sĩ thời MT Đông Dương- chỉ hơi tiếc họ chủ yếu viết về nội dung mà ít luận về kỹ thuật và cá tính sáng tạo của mỗi tác giả- vì các nhà lý luận ít biết về khía cạnh chuyên môn sâu.
  • Các chuyên gia kể trên cũng còn cần phải thông thạo lịch sử ở khía cạnh thời cuộc mà họa sỹ từng sống, cũng như lịch sử kỹ thuật của mỹ thuật.
  • Với một số tác phẩm mỹ thuật có số phận đặc biệt, nên chăng ta noi gương Bảo tàng Louvre mà ghi chú rạch ròi những sự thêm thắt, thay đổi nguyên tác nếu có ?
  • Cuối cùng, khi gặp sai phạm thì cần xử lý kiên quyết, đến nơi đến chốn, bất chấp tốn tiền, tốn công gấp bội.

Những việc cần làm của công tác Giám định Tác phẩm Mỹ thuật.

Xin nói ngay là chúng tôi không có chuyên môn về Giám định tác phẩm mỹ thuật, nhưng có hiểu biết nhất định về nghề do bản thân là hoạ sỹ, lại giảng dạy môn Lịch sử Mỹ thuật lâu năm. Nhân có lời của Bảo tàng Mỹ thuật mời làm tham luận nên đã “gồng mình hết sức” để vận dụng mọi hiểu biết sẵn có, đồng thời tra mạng, tra sách chuyên môn. Hôm nay, tổng hợp lại, chúng tôi xin có vài gạch đầu dòng như sau:

– Trước tiên chúng ta cần có phân định thống nhất, dứt khoát về các LOẠI HÌNH, TRƯỜNG PHÁI, PHONG CÁCH, CHẤT LIỆU, KỸ THUẬT, KÍCH THƯỚC .v.v …của Mỹ thuật. Những điều kể trên liên quan toàn diện và trực tiếp đến thành bại của việc giám định. Sở dĩ chúng tôi đặt ra vấn đề trên đây là vì lý do chúng ta cần thống nhất khái niệm trước khi bắt tay vào việc. Cho đến giờ, ở Việt Nam, đôi khi người ta vẫn chưa nhất trí được rằng: bột màu và màu nước nằm trong hội hoạ hay đồ hoạ ? Loại tranh trổ quét màu, trổ đập màu hay trổ phun màu là đồ hoạ hay hội hoạ ? Hình hoạ khác gì với ký hoạ, với phác hoạ hay với biểu diễn nét bút sắt ? Trường hợp nào thì một phác thảo kỹ có thể được coi như là thể hiện (như tranh “Giặc đốt làng tôi” của Nguyễn Sáng chẳng hạn) ? Ván khắc của tranh khắc gỗ hay palet (palette) pha màu dở của hoạ sỹ có tính là tác phẩm mỹ thuật không ? Khắc gỗ nhưng không in mà bày bản khắc ở triển lãm thì có xếp vào Đồ họa không ? (như trường hợp Lý Trần Quỳnh Giang chẳng hạn). Bản can hình của tác phẩm (như sơn mài, sơn khắc chẳng hạn, vì có người đóng khung treo loại này) thì tính là loại gì ? Chúng ta giám định tác phẩm mỹ thuật, thế có giám định tác phẩm mỹ nghệ không ? Gốm của Vũ Hữu Nhung chẳng hạn, khi nào thì là mỹ thuật, khi nào là mỹ nghệ ? Đấy là chưa kể những loại tranh “tân cổ giao duyên” mới nảy nòi gần đây thì phân định thế nào ? (Ví dụ như tranh mà vẽ lên ảnh chụp, tranh vẽ rồi photocopy rồi lại vẽ đè lên bản photo, tranh vẽ mở rộng ra cả khung, ảnh chụp rồi chỉnh sửa photoshop trên vi tính rồi đem in màu trên một loại toan đặc biệt, nhấn thêm mấy nhát bút kiểu như hoạ sỹ Phạm Mai Châu, nhìn thoáng tưởng là tác giả tay nghề cực cao, vờn tỉa tinh vi… thì xếp vào loại gì ?). Ngoài ra, do thị trường tranh cổ động hiện rất phát đạt nên đôi lúc xuất hiện bản tranh mà tôi không rõ có nên gọi là bản gốc hay không: lúc sáng tác thì tác giả hoàn toàn dùng vi tính, nhưng khi thấy đã có độ hấp dẫn, làm cho ông Tây thích thì tác giả (hoặc người khác do gallery thuê) chuyển sang vẽ tay trên giấy để bán cho ông Tây với giá độc bản (các gallery chuyên tranh cổ động rất thạo việc này). Có khá nhiều vấn đề kỹ thuật cũng rất cần thống nhất, ví dụ đơn giản như không phải ai cũng biết quốc tế quy định kích thước tác phẩm thì phải ghi chiều cao trước, chiều ngang sau (xin… bí mật tiết lộ chính bản thân tôi từng phải trả học phí « ngu » rất đắt cách đây 12 năm từng mất ăn một vụ khi không biết rằng chiều cao bao giờ cũng phải đề trước chiều ngang, nên mất rất nhiều công vẽ, lại thuê xe chở tranh đi rồi lại đành thuê xe về- tường nhà người ta hẹp lại cao mà tranh dài ngang thì người ta không nhận là đúng, còn nói gì nữa ?).

– Thứ hai, cần phải tìm hiểu, dịch và công bố tất cả những quy định quốc tế về các vấn đề kỹ thuật của mỹ thuật, nếu có. Ví dụ như số lượng giới hạn bản in tay hoặc in máy của tác phẩm đồ hoạ tạo hình, số lượng bản đúc của tượng đồng cỡ nhỏ, số lượng bản khắc của tranh sơn khắc, kích thước chênh lệch bắt buộc giữa tranh gốc và bản chép.v.v… Ngay ở VN cũng có quy định của Xưởng tranh Cổ động trung ương trước đây về số lượng bản sao (chép tay) của tranh cổ động được chọn để phổ biến đi các tỉnh vào thời bao cấp- mà chính tôi đã có một số lần thực hiện (để tự cứu đói).

– Thứ ba là vấn đề HỒ SƠ TÁC PHẨM. Chúng tôi biết Bảo tàng Mỹ thuật đã và đang làm điều này. Nhưng có lẽ hồ sơ tác phẩm kiểu Bảo tàng mang nặng tính hình thức, đúng nhưng khô khan, chưa mô tả nổi các bước ngoặt số phận của tác phẩm. Điều này ngày xưa ông Đức Minh đã làm khá tốt, chẳng hạn như tờ giấy biên nhận viết tay của hoạ sỹ Bùi Xuân Phái đề nghị đổi tranh lấy 2 hộp sữa Nestlé cho con nhỏ bị ốm vào thời bao cấp (gia đình ông Đức Minh vẫn lưu giữ được tờ giấy biên nhận đầy xúc động này). Xin đừng tưởng đó là chuyện vặt vãnh, có khi vì thế mà giá trị của tranh tăng lên rất nhiều. Cũng vẫn chuyện HỒ SƠ, tôi từng phải trố mắt ngạc nhiên thời năm 1995, khi vào tham quan phòng quản lý của Bảo tàng Louvre Pháp. Nhờ quen chị Việt kiều tên là Denise Huệ Dung (trước năm 1977 chị dạy môn lụa và phụ trách thư viện Trường Quốc gia Mỹ thuật Sài Gòn, nay là Đại học Mỹ thuật TPHCM ) mà tôi được chị dẫn vào tận nơi. Bỗng chị hỏi tôi có muốn coi Hồ sơ của Alain Delon và Bernard Tapie không ? Tôi hỏi lại rằng tại sao lại có hồ sơ diễn viên điện ảnh và doanh nhân kinh doanh bóng đá trong Bảo tàng Mỹ thuật ? Lúc ấy tôi mới được biết các diễn viên nổi tiếng có khi cũng sưu tập tranh nổi tiếng và các nhà sưu tập tranh cỡ lớn đều nhờ nhà nước giám định cho họ. Theo luật của Pháp, nhà nước lưu hồ sơ bộ sưu tập của họ tại bảo tàng Louvre, khi nào cần bán ra thì họ phải thông báo cho bảo tàng trước, bảo tàng sẽ đến đặt giá đầu tiên. Chỉ sau khi hai bên không thoả thuận được thì họ mới có quyền bán ra ngoài. Nếu bỗng dưng trộm lấy mất tranh thì nhà nước sẽ có sẵn đường link mà chuyển ngay qua cảnh sát, đồng thời link tới các cửa khẩu nhằm phong toả kịp thời. Quả thật là luật của tư bản chặt chẽ và hợp lý đến mức khó chê !

18

 Chị Denise Huệ Dung (đứng giữa), họa sĩ ĐT Nhã (bên trái) và họa sĩ Đức Hòa (bên phải).

 

– Thứ tư là vấn đề các chủ thể của tác phẩm mỹ thuật. Sẽ có người bảo: ngoại trừ tác giả thì đây là chuyện ngoài lề, không liên quan đến việc giám định. Điều đó có thể đúng, nếu là tranh kiểu Tây. Nhưng với tranh phương Đông theo kiểu Trung Quốc thì chủ thể có thói quen tham gia vào hiệu quả nghệ thuật của tranh, cụ thể là đôi khi họ đề thêm thơ, chú thêm văn và dứt khoát mỗi đời sưu tập lại quyết đóng dấu tên mình vào góc tranh. Có rất nhiều ví dụ dễ thấy như trên tranh của các danh hoạ Đường – Tống như Hàn Cán, Hàn Hoảng, Tống Huy Tông, Trương Trạch Đoan.v.v… chi chít dấu của các đời sưu tập gia theo suốt chiều dài lịch sử hơn ngàn năm nay. Lại có người bảo: đấy là chuyện bên Tàu chứ ta làm gì có ! Xin dẫn chứng ngay tranh của bố tôi từng là gia sản của một gia đình họ Vương ở số nhà 96 Hàng Gai (nay nghe nói đã vào bộ sưu tập của ông Minh chỉ). Đó vốn là một bài tập vẽ bột màu khi bố tôi còn là sinh viên trường Mỹ thuật Đông Dương, chấm điểm xong, bài lưu tại kho của trường. Bố tôi tốt nghiệp năm 1944, ngay sau đó là thời loạn lạc dài tới 9 năm mà ai cũng biết là thời Kháng chiến chống Pháp. Năm 1954 trở về từ Việt Bắc, một hôm đi ngang qua phố Hàng Gai, bố tôi bắt gặp tranh mình treo trong một nhà mặt phố, lại đề thơ chữ Hán mới lạ. Hỏi ra mới biết: gia đình được một ông quan Tàu Tưởng tặng tranh năm 1946. Hoá ra lịch sử Mỹ thuật VN rất oái oăm : ngày 9/3/1945 Nhật đảo chính Pháp và lính Nhật chiếm trường Mỹ thuật Đông Dương ở HN làm trại lính, bắt giam tất cả các giáo sư Pháp. Sau đó cuối năm 1945, đến lượt Tàu Tưởng giải giáp khí giới quân Nhật và lại chiếm trường làm trại lính, chắc họ đã lục lọi kho tranh, điềm nhiên coi như « chiến lợi phẩm » và một trong số các sỹ quan của họ đã lấy bức bột màu của bố tôi, đề thêm thơ rồi thản nhiên đem tặng… (bố tôi từng viết một bài báo tường thuật về chuyện này từ những năm 90 của thế kỷ trước).

Ngoài ra, tôi vẫn ngờ rằng trong điều kiện VN, các chủ thể thế nào cũng tìm cách tác động vào quá trình giám định tác phẩm theo hướng có lợi cho mình. Họ có thể là những vai sau đây: tác giả, người thừa kế, người quản lý tác phẩm, nhà bảo trợ, nhà sưu tập, hãng bảo hiểm, người được cho, biếu, tặng tranh, tượng.v.v… thậm chí là người dọn rác cho họa sĩ.

19

Tranh Cầu ao, bột màu, bài sinh viên thời học trường Mỹ thuật Đông Dương (Ecole Superieure des Beaux- Arts de l’Indochine) của họa sĩ Nguyễn Trọng Hợp. Năm 1946 bị một sĩ quan Tàu Tưởng lấy ra, đề thơ và tặng ông Cự Vương ở phố Hàng Gai, HN.

20

Họa sĩ Nguyễn Trọng Hợp (bên trái) chụp ảnh chung với con trai của ông Cự Vương trong phòng có treo bức tranh Cầu ao. 

Ngoài ra, tôi vẫn ngờ rằng trong điều kiện VN, các chủ thể thế nào cũng tìm cách tác động vào quá trình giám định tác phẩm. Họ có thể là một vài trong số những vai sau đây: tác giả, người thừa kế, người quản lý tác phẩm, nhà bảo trợ, nhà sưu tập, hãng bảo hiểm, người được cho, biếu, tặng tranh, tượng.v.v…

– Thứ năm là phải có Phòng xét nghiệm Hoá – Lý cùng với Máy móc giám định hiện đại. Phòng – ta có thể xây, máy – ta có thể mua nhưng điều kiện để có thể vận hành trơn tru thì chưa chắc đã dễ. Phải có đủ điện, đủ không gian và nhiệt độ thích hợp cho máy cũng như phải mua sẵn và bảo quản tốt các hoá chất để xét nghiệm.

– Thứ sáu. Một câu hỏi đặt ra là: Ai sẽ điều khiển máy móc và các thiết bị trong phòng giám định ? Bước đầu ta có thể thuê Tây, nhưng làm sao mà thuê mãi được. Do đó phải cử người đi học ngay, tốt nhất là khi máy về thì người điều khiển cũng về. Song song với đó cũng cần phải cử người đi học ngắn hạn và dài hạn về giám định, bảo quản và phục chế, mà phải lấy được bằng cấp chuẩn của các nước tiền tiến về. Theo tôi, người được cử đi học phải là hoạ sỹ và nhà điêu khắc, chỉ có họ mới am hiểu chuyện kỹ thuật của mỹ thuật chứ không phải là lý thuyết suông. Nhân đây, chúng tôi xin cử toạ lưu ý tới một bài báo nhan đề “Khó tin !?” đăng trên báo Hà Nội mới, số ra ngày 12, tháng 12, năm 2005 của nhà báo Lê Trần Vân Anh. Bài báo trích dẫn tham luận của thạc sỹ Phạm Thuý Hợp, chuyên viên Phòng Quản lý bảo tàng thuộc Cục Di sản văn hoá như sau: “Một số bảo tàng đã chú ý tuyển chọn cán bộ làm công tác bảo quản với chuyên môn hoá học, hoá sinh và lý sinh. Tuy nhiên, số lượng này còn rất khiêm tốn, theo thống kê của Cục Di sản văn hoá năm 2003 thì trong 115 bảo tàng trong toàn quốc chỉ có khoảng hơn 20 cán bộ bảo quản” (?). Nếu thông tin trên là đúng thì đây là một tỷ lệ cực kỳ thấp, hết sức đáng buồn. Tuy nhiên, từ 2003 đến giờ, nhiều năm đã qua, rất có thể cả 115 bảo tàng đã khắc phục xong xuôi vấn đề kể trên (gọi là… « ngậm ngùi » hy vọng thế chứ tôi lạ gì ở ta : cán bộ kỹ thuật thì ít mà nhân viên hành chính thì đông gấp bội !)

21

 Bài báo của Lê Trần Vân Anh (Hà Nội mới, thứ hai, ngày 12/12/2005) về vần đề thiếu cán bộ bảo quản hiện vật của các bảo tàng VN.

 

– Thứ bảy là cần có hệ thống các tổ chức hữu quan. Ở ngay VN cũng có khá nhiều như các Viện Sử học, Viện Khảo cổ, Viện Mỹ thuật, các bảo tàng có liên quan tới mỹ thuật như Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Dân tộc học… và các Phòng nghiên cứu khoa học của các trường Đại học, kể cả Mỹ thuật… Nhưng nước ta còn thiếu nhiều thứ, như các hãng đấu giá nghệ thuật chẳng hạn và các cơ quan cảnh sát giám sát và chống trộm cắp nghệ thuật. Chúng tôi chưa có điều kiện tìm hiểu đầy đủ, nhưng căn cứ vào báo chí và tra mạng thì được biết Cơ quan Cảnh sát quốc tế INTERPOL đã đưa lên mạng một danh sách đồ sộ các tác phẩm nghệ thuật bị mất cắp. Tra địa chỉ www.interpol.int, chúng ta có thể tiếp cận với cơ sở dữ liệu của 34.100 tác phẩm nghệ thuật bị mất cắp trong vòng 62 năm qua trên thế giới (tính đến 2009). Nước Đức có riêng một cơ sở dữ liệu về các tác phẩm nghệ thuật bị mất cắp, gọi là Bundes Kriminal Amt. Nước Mỹ có ACT (Art Crime Team) – Biệt đội truy tìm những tên trộm các tác phẩm nghệ thuật, trực thuộc FBI (Cục điều tra liên bang Mỹ). Taị nước Ý có đặt trụ sở của ARCA – Hiệp hội Nghiên cứu tội phạm nghệ thuật… Theo chúng tôi nghĩ thì đó là những tổ chức liên quan một cách hữu cơ đến việc giám định nghệ thuật và mỹ thuật.

– Thứ tám là cần có hệ thống tài liệu thống kê về thị trường mỹ thuật mà phải luôn được cập nhật. Chúng tôi biết các hãng buôn tranh cỡ lớn thường xuyên làm việc này. Riêng tôi năm 1992 đi học ở Pháp đã mua vài cuốn tạp chí mang tên Nhà đấu giá nổi tiếng nước Pháp “ La Gazette de l’Hôtel Drouot”, đó là loại báo ra hàng tuần, chuyên đăng những thông tin ngắn gọn, tỉ mỉ về các loại hàng hoá mỹ thuật, mỹ nghệ và đồ cổ. Tôi cũng mua 2 cuốn AKOUN – Mức giá tranh tượng năm 1992. Thực ra đó là một hãng thông tin hàng hoá nghệ thuật, mỗi năm hãng này in một bộ catalogue mới với cập nhật mới về cơ sở dữ liệu tranh – tượng của 35.000 hoạ sỹ, nhà điêu khắc nổi tiếng đã mất và còn sống trên khắp thế giới. Trong sách, tôi thấy tên, năm sinh, cỡ tranh và giá tranh của mấy hoạ sỹ Việt kiều như Lê Phổ, Lê Bá Đảng, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm… Gần đây, tôi thấy những quyển catalogue đấu giá cổ vật và tranh, tượng xuất bản hàng năm của Trung Quốc, in rất đẹp. Rất tiếc nước ta chưa có sách, báo và hãng đấu giá nào.

22

Bìa tuần báo của nhà đấu giá L’Hôtel Drouot, năm 1992.

23

Cũng bìa của tuần báo của nhà đấu giá L’Hôtel Drouot năm 1992. 

24

Bìa cuốn Mức giá tranh của các họa sĩ năm 1992 của hãng AKOUN.

25

Bảng giá kỷ lục thế giới của các danh họa đã mất (tính đến) năm 1992, in trong sách AKOUN. Hồi đó giá cả trong sách là đồng Franc – Pháp

 

26

Bảng giá kỷ lục thế giới của các danh họa đang còn sống (tính đến) năm 1992, in trong sách AKOUN. 

 

27

Trang sách của AKOUN có tên họa sĩ Lê Bá Đảng (dòng tên in đậm thứ 10 từ trên xuống, cột bên phải) với giá 1 bức tranh khoảng 18.000 F (năm 1992: 1F Pháp = 2000VND). 

 

28

Bìa sách Mức giá tranh in đá, khắc, điêu khắc và tượng đồng năm 1992 của AKOUN. 

29(1)

Trang sách của AKOUN có tên nhà điêu khắc Vũ Cao Đàm (cột bên phải, tên thứ 2 từ dưới lên, in đậm, với giá 1 bức đồ họa = 1500 F, năm 1992)

– Thứ chín. Chúng tôi được biết, tuỳ vào trường hợp cụ thể mà Bảo tàng Mỹ thuật sẽ thành lập Hội đồng Giám định trên cơ sở mời các chuyên gia. Điều mà chúng tôi quan tâm là Kiến thức sâu, rộng và luôn được cập nhật của các thành viên hội đồng. Tất nhiên, không ai biết hết mọi sự trên đời, nhưng theo chúng tôi nghĩ thì: Trọng trách đi đôi với trình độ và hiệu quả phải được trả công xứng đáng.

 

Thay lời kết

Chúng tôi rất mong công tác giám định của trung tâm thực sự hiệu quả. Và để mọi sự trôi chảy, chúng tôi mong trình độ nhận thức của hoạ sỹ, nhà sưu tập và người thưởng thức ngày một nâng cao, đồng thời, các điều luật về mỹ thuật ngày một chính xác hơn.

Tái bút : bài tham luận này đã cũ- từ 2009- đến nay Trung tâm Giám định tác phẩm Mỹ thuật của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam… vẫn chưa thấy đâu ! Hu hu.

Tham luận của Nguyễn Đức Hoà

Hà Nội tháng 11-2009

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.