NHÀ HỒ tồn tại từ năm 1400 đến năm 1407 truyền được 2 đời vua :
Quốc hiệu : ĐẠI NGU.
Kinh đô : Tây đô.

1. Hồ Quí Ly – Lê Quý Ly (1400-1401)
Niên hiệu : Thánh Nguyên.

Lê Quý Ly soán ngôi nhà Trần, tự xưng làm vua, đổi lại họ Hồ, đặt tên nước là Đại Ngu. Hồ Quý Ly làm vua chưa được 1 năm thì nhường ngôi cho con là Hồ Hán Thương để làm Thái Thượng Hoàng cùng coi việc nước.

Biết Trung Hoa lúc nào cũng dòm ngó nước ta nên Hồ Quý Ly chỉnh đốn việc võ bị, lập sổ hộ để thêm quân số tại ngũ, chế tạo khí giới, đóng thêm thuyền chiến có sàn, lính chiến ở trên, dưới sàn có người chèo, ra luật giới hạn điền sản, giới hạn nô tì, phát hành tiền giấy, thu gom tiền đồng để đúc vũ khí, định lại thuế má và việc học hành thi cử…

Dù đối với lịch sử, Hồ Quí Ly mang tiếng người tham vọng nhiều mưu mô thâm độc, đã cướp đoạt ngôi vua nhà Trần, nhưng dưới chế độ yếu hèn và đói khổ, dân chúng khao khát sự cải cách và Hồ Quý Ly đã làm được việc đó, chỉ tiếc ông ta là người có tài nhưng thiếu thủy chung.

2. Hồ Hán Thương (1401-1407)

Niên hiệu : Thiệu Thành và Khai Đại.
Thời Hồ Hán Thương mọi việc vẫn do Hồ Quý Ly định đoạt. Năm 1402, Quý Ly sai quân đánh Chiêm Thành, Chiêm thua nên phải nhượng đất Chiêm Động và Cổ Lũy thuộc địa phận Quảng Nam, Quảng Ngãi bây giờ. Quý Ly cho dân vào đó lập nghiệp, Hồ Quý Ly có nhiều sáng kiến nhưng với thời buổi mà người dân còn trung thành với sự Hiếu Nghĩa, Trung Quân thì những sự cải cách táo bạo đó gặp nhiều phản ứng :
– Luật giới hạn điền sản, nô tì gây bất mãn không riêng gì các chủ điền trang họ Trần mất đất, mất nô tì mà cả nô tì đang sống đời phục vụ cho lãnh chúa trong trang trại này bị ngỡ ngàng với cuộc sống mới, mất vị thế quen thuộc.
– Cho di dân vào đất Quảng để lập nghiệp bị người còn hướng về nhà Trần oán thán vì cho là bị bắt buộc rời bỏ quê hương.
– Cải cách việc phát hành tiền giấy, thu hồi tiền đồng … coi như một cuộc cách mạng kinh tế, tài chánh …
– Lập kho Thường Bình ở các phủ, lộ để điều hòa giá cả thóc lúa.
Nhà Hồ làm vua không được dân chúng tích cực ủng hộ nên năm 1407, có Trần Thiêm Bình xưng là con Trần Nghệ Tông sang Trung Quốc cầu cứu được cho 5.000 quân đưa về đến địa phận Chi Lăng, Trần Thiêm Bình bị Hồ Quý Ly cho quân chặn giết.

Vua nhà Minh bên Trung Hoa muốn chiếm nước ta bèn giả vờ sang phò Trần, diệt Hồ. Năm 1407, Hồ Quý Ly bị quân Minh đánh tan ở Hàm Tử Quan phải chạy vào Thanh Hóa. Quân Minh đuổi theo đến huyện Kỳ Anh tỉnh Hà Tĩnh thì bắt được Hồ Quý Ly cùng Hồ Hán Thương và Hồ Nguyên Trừng là con lớn của Quý Ly.

ĐỒNG TIỀN THỜI NHÀ HỒ

Thật ra việc phát hành THÔNG BỬU HỘI SAO (tiền giấy) do Hồ Quý Ly đề xướng từ trước không phải đợi đến lúc soán ngôi lập ra nhà Hồ mà đã có từ năm 1379, dưới thời Trần Nghệ Tông, vì lúc đó Hồ Quý Ly đã điều khiển mọi việc trong triều. Vì sợ Chiêm Thành cướp phá kinh đô, tháng 9 năm 1379, vua Trần Nghệ Tông sai quân lính tải tiền đồng giấu trong núi Thiên Kiện gần kinh thành rồi vẫn chưa an tâm lại sai đem giấu tận Lạng Sơn. Chẳng may, khi thắng được quân Chiêm, vua Trần sai đến chỗ giấu tiền để đào thì núi đá bị sập kín lấp cửa động và không còn thể nào tìm được địa điểm. Tiền chôn hẳn là khá nhiều mà không tìm ra tất nhiên triều đình phải lâm vào thế quẫn bách phải nghe theo lời Hồ Quý Ly phát hành TIỀN GIẤY để thay thế.

Việc phát hành THÔNG BỬU HỘI SAO thực hiện vào năm 1396, có ghi trong chính sử : “Mùa Hạ, tháng 4 năm Bính Tí, niên hiệu Quang Thái thứ 9 (1396) bắt đầu phát hành tiền giấy Thông Bửu Hội Sao. Ai làm tiền giả phải tội tử hình và bị tịch thu tài sản. Ai có một quan tiền đồng được đổi lấy 1 quan 2 tiền giấy. Tiền đồng phải đem nộp kho để đổi, ai giấu giếm và mang ra tiêu dùng sẽ bị tội như làm tiền giả”. Theo đó có 7 hạng tiền giấy :

– Giấy vẽ rêu bể : ăn 10 đồng.
– Giấy vẽ sóng nước : 30 đồng
– Giấy vẽ đám mây : 1 tiền (69 đồng)
– Giấy vẽ con qui : 2 tiền
– Giấy vẽ con lân : 3 tiền
– Giấy vẽ con phượng : 5 tiền
– Giấy vẽ con rồng : 1 quan

Vì sử ghi chép quá sơ lược nên ta không rõ tờ giấy có cỡ lớn nhỏ thế nào và hình vẽ là nền cho cả tờ bạc hay chỉ vẽ trang trí một phần thôi. Hồ Quý Ly còn tung tiền giấy cho các phủ, lộ để thu mua thóc lúa theo thời giá. Có thể hình thức như thế này :

Đời nhà Tống – Trung Hoa, năm 965 đã dùng GIAO TỬ (một loại giấy chứng chỉ) thay tiền. Tiền giấy coi như xuất hiện nhưng vẫn hạn chế trong phạm vi giữa các tư nhân. Đến năm 1023, triều đình Trung Hoa dành quyền phát hành tiền giấy gọi là QUAN GIAO TỬ. Đến triều Minh, tiền giấy phát hành càng nhiều nhưng tiền Trung Hoa đều có quý kim hay quý vật để làm chuẩn. Trong khi ở nước ta, từ trước các tiền đồng đúc trong xứ mang niên hiệu vua nước Đại Việt để xác nhận chủ quyền chứ không đủ tiêu dùng nên người trong nước vẫn còn tiêu dùng một số lớn tiền mang niên hiệu các nước đồng văn để trao đổi mua bán.

Khi Hồ Quý Ly thay thế tiền đồng bắt dân chúng dùng tiền giấy không có một quý kim hay quý vật nào bảo đảm cho tiền giấy. Sự đổi 1 quan 2 tiền giấy lấy 1 quan tiền đồng chỉ là dụ cho dân thấy lợi chứ không phải là giá trị căn bản. Dân chúng đã quen với giá trị thực tế của tiền đồng do bản thân kim loại và tiền đồng có tính chất bền vững, dễ chôn giấu không hư nát. Dân chúng không ủng hộ nhưng luật lệ bắt buộc phải theo nên ta thán, vì thế khi lên ngôi vua, Hồ Quý Ly vẫn có đúc loại tiền mang niên hiệu của mình.

Có thuyết cho rằng Hồ Quý Ly cho đúc loại tiền THÁNH NGUYÊN THÔNG BỬU, chữ khắc theo lối cổ triện rất đẹp. Khi Hồ Hán Thương lên ngôi cho đúc loại tiền THIỆU NGUYÊN THÔNG BỬU.

Thánh Nguyên thông bửu*

Thiệu Nguyên thông bửu*

Tuy nhiên, về hai đồng tiền này cần có thời gian nghiên cứu thêm. Sau khi đánh bại nhà Hồ, nhà Minh liền đổi nước ta thành quận Giao Chỉ và vơ vét hết các tiền đồng của nước ta do nhà Hồ tịch thu trước đây. Hiện nay hiện vật rất hiếm hoi nên điều kiện để kiểm chứng và kết luận rất hạn chế.

Tác giả: Dung Dang

Nguồn : giadinh-numis.com
Những đồng đánh dấu * là hình mượn từ sách của D. Allan Baker

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.