NHÀ LÝ tồn tại từ năm 1010 đến năm 1225 truyền được 9 đời vua :
Quốc hiệu : CỒ VIỆT – ĐẠI VIỆT.
Kinh đô : Hoa Lư – Đại La (Thăng Long)
1. Lý Thái Tổ – Lý Công Uẩn (1010 – 1028)
Niên hiệu : Thuận Thiên.
Lý Công Uẩn người làng Cổ Pháp, thuộc tỉnh Bắc Ninh cũ, sinh năm Giáp Tuất (974) nay thuộc làng Đình Bảng, huyện Từ Sơn, Hà Bắc. Lý Công Uẩn lên ngôi Hoàng Đế lấy hiệu là Lý Thái Tổ, niên hiệu Thuận Thiên. Ngài dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La và đặt tên là thành Thăng Long, có nghĩa là Rồng bay lên, vì theo truyền thuyết, khi thuyền vua về gần thành Đại La thì thấy rồng vàng bay lên.
Thái Tổ sửa sang việc nước, đổi phép cũ của nhà Lê chia nước làm 24 lộ, định lại 6 hạng thuế. Từ lúc còn nhỏ Lý Công Uẩn đã được Sư Vạn Hạnh nuôi dưỡng và dạy học nên Ngài là ông vua rất mộ đạo Phật. Trong đời làm vua, Ngài trọng đãi những người tu hành, xây cất nhiều chùa, thỉnh kinh Tam Tạng về phổ biến cho dân chúng.
Lý Thái Tổ mất năm 1028, trị vì 19 năm, thọ 55 tuổi.
2. Lý Thái Tông – Lý Phật Mã (1028 – 1054)
Niên Hiệu : Thiên Thành – Thông Thuỵ – Càn phù hữu đạo – Minh Đạo – Thiên cảm thánh vũ và Sùng hưng đại bửu.
Khi vua Lý Thái Tổ mất, các con tranh nhau ngôi vua với Thái Tử Lý Phật Mã. Nhờ ông Lê Phụng Hiểu, Thái tử Phật Mã dẹp yên nội loạn, lên ngôi vua tức là Lý Thái Tông, đặt niên hiệu Thiên Thành. Lý Thái Tông định lại các bậc hình phạt cho nhẹ, việc mua bán con trai trên 18 tuổi để làm nô lệ bị cấm. Các nhà trạm để chạy giấy tờ công văn được đặt khắp nơi.
Năm 1049, Ngài nằm mơ thấy Phật Bà đứng trên tòa sen nên cho xây chùa Diên Hựu tức chùa Một Cột hiện nay ở Hà Nội.
Năm 1054, Thái Tông mất, trị vì 26 năm, thọ 55 tuổi.
3. Lý Thánh Tông – Lý Nhật Tôn (1054 – 1072)
Niên hiệu : Long thuỵ thái bình – Chương thánh gia khánh – Long chương thiên tự – Thiên huống bửu tượng và Thần vũ.
Thái tử Lý Nhật Tôn nối ngôi, tức vua Lý Thánh Tông.
Ngài đổi tên nước là Đại Việt, Thánh Tông là vị vua nhân từ, khai sáng văn hóa, lập Văn Miếu thờ Đức Khổng Tử và 72 người hiền, vì vậy nho học rất được mở mang. Ngài lại được văn thần, võ tướng tài giỏi giúp đỡ nên nước nhà thịnh trị.
Năm 1069, vì Chiêm Thành sang bờ cõi quấy nhiễu, vua thân chinh đi đánh giặc, bắt được vua Chiêm là Chế Củ. Để được tha, Chế Củ dâng đất ba châu Địa Lý, Ma Linh và Bố Chánh là những phần đất của Chiêm Thành giáp ranh giới ta. Nhờ vậy, nước ta lần đầu tiên mở mang xuống phía Nam. (nay thuộc Quảng Bình, Quảng Trị)
Năm 1072, Thánh Tông mất, trị vì 17 năm, thọ 50 tuổi.
4. Lý Nhân Tông – Lý Càn Đức (1072 – 1127)
Niên hiệu : Thái ninh – Anh vũ chiêu thắng – Quảng hữu – Hội phong – Long phù – Hội tường đại khánh – Thiên phù duệ vũ và Thiên phù khánh thọ.
Thái tử Lý Càn Đức là con của Lý Thánh Tông và Ỷ Lan phu nhân kế vị tức là Lý Nhân Tông. Ngài được ông Lý Đạo Thành và các quan văn võ tận tâm phò tá nên làm rất nhiều việc ích lợi cho dân, cho nước:
– Đắp đê Cơ Xá để giữ kinh đô khỏi bị nạn lụt.
– Năm 1075, mở khoa thi Tam Trường đầu tiên tại nước ta để tuyển dụng nhân tài. Lần đó, chọn được 10 người, mà người đỗ đầu là Lê Văn Thịnh.
– Năm 1076, lập Hàn Lâm viện và Quốc Tử Giám là trường công học đầu tiên.
– Định phẩm trật cho các quan văn võ.
Lý Nhân Tông làm vua được 56 năm, đến năm 1127 Ngài mất, thọ 63 tuổi.
5. Lý Thần Tông – Lý Dương Hoán (1128 – 1137)
Niên hiệu : Thiên thuận – Thiên chương bảo tự.
Lý Nhân Tông không có con trai nên lập Lý Dương Hoán, con của người em, làm Thái tử nối ngôi tức Lý Thần Tông mới 13 tuổi lên làm vua.
Ngài ở ngôi được 10 năm thì mất, thọ 23 tuổi.
6. Lý Anh Tông – Lý Thiên Tộ (1138-1175)
Niên hiệu : Thiệu minh – Đại định – Chính long bửu ứng và Thiên cảm chí bửu.
Con của Lý Thần Tông tên Thiên Tộ, 3 tuổi, lên nối ngôi tức Lý Anh Tông. Nhưng vì còn nhỏ nên bà mẹ vua là Lê Thái Hậu cầm quyền chính. Bà này tư thông nên giao hết quyền hành cho Đỗ Anh Vũ, trong lúc ông ta lộng hành quá độ, có nhiều quan khác muốn trừ khử nhưng bị bại lộ và bị Anh Vũ giết chết nhưng Anh Vũ chưa dám soán ngôi vì còn ngại những ông quan giỏi khác như Tô Hiến Thành, Lý Công Tín …
Trong đời vua Lý Anh Tông, vua nhà Tống bên Trung Hoa đổi danh xưng nước ta Giao Chỉ quận thành An Nam quốc và phong Lý Anh Tông làm An Nam Quốc Vương.
Năm 1175, Anh Tông mất, thọ 40 tuổi, truyền ngôi cho con là Long Cán chưa đầy 3 tuổi và ủy thác cho ông Tô Hiến Thành làm phụ chính.
7. Lý Cao Tông – Lý Long Cán (1176 – 1210)
Niên hiệu : Trinh phù – Thiên tư gia thuỵ – Thiên gia bửu hữu và Trị bình long ứng.
Lý Cao Tông lên ngôi được 3 năm thì ông Tô Hiến Thành mất. Lý Cao Tông lớn lên chơi bời xa xỉ, chế độ thối nát. Năm 1210 Lý Cao Tông mất, thọ 38 tuổi
8. Lý Huệ Tông – Lý Hạo Sảm (1211-1224)
Niên hiệu : Kiến Gia.
Thái tử Lý Hạo Sảm, 17 tuổi lên ngôi tức là Lý Huệ Tông. Huệ Tông buồn phiền mắc bệnh tâm thần, thỉnh thoảng lên cơn điên uống rượu cả ngày. Huệ Tông tin dùng Trần Thủ Độ, người đang lăm le cướp ngôi nhà Lý, phong Thủ Độ làm Điện tiền chỉ huy sứ.
Huệ Tông không có con trai, chỉ có hai con gái. Con lớn là Thuận Thiên công chúa, tên Phật Kim mới lên 7 tuổi được Huệ Tông yêu thương nên lập làm Thái Tử.
Tháng 10 năm Giáp Thân (1224) Huệ Tông truyền ngôi cho Chiêu Thánh để trở thành Thái Thượng Hoàng. Ngài làm vua được 14 năm. Sau khi truyền ngôi, Huệ Tông vào chùa Chân Giáo tu, lấy đạo hiệu là Huệ Quang thiền.
Ngày 30 tháng 10 năm Bính Tuất (1226), Trần Thủ Độ đến chùa bắt ông tự vẫn.
9. Lý Chiêu Hoàng – Lý Phật Kim (1224-1225)
Niên hiệu : Thiên chương hữu đạo.
Chiêu Thánh công chúa lên ngôi tức Lý Chiêu Hoàng. Mọi việc triều chính đều do Trần Thủ Độ quyết định. Thủ Độ lại tư thông với Trần Thái hậu để âm mưu soán đoạt cơ nghiệp nhà Lý
Sau khi Lý Chiêu Hoàng lên ngôi được 1 năm. Trần Thủ Độ âm mưu cho cháu là Trần Cảnh vào cung chơi đùa với Lý Chiêu Hoàng rồi vin vào cớ ấy mà đóng cửa thành, truyền lệnh rằng Chiêu Hoàng đã lấy Trần Cảnh, sau lại bắt Chiêu Hoàng truyền ngôi cho chồng.
ĐỒNG TIỀN THỜI NHÀ LÝ
Nhà Lý trên 200 năm thái bình thịnh trị với những vị vua ban đầu rất anh minh, nhân hậu nên đồng tiền sử dụng đúng giá trị của nó. Đồng THUẬN THIÊN ĐẠI BỬU được đúc đầu tiên, đời vua Lý Thái Tổ, đến một số đời các vua sau cũng cho đúc tiền mang niên hiệu của mình.
Thuận Thiên đại bửu
Ngay năm đầu tiên lên ngôi, sau khi vua dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long. Lý Thái Tổ đã “…xuống chiếu phát tiền kho hai vạn quan để thuê thợ làm chùa ở phủ Thiên Đức 8 sở …”. Sách còn ghi năm 1013, vua định các thứ thuế trong nước có mục thu “…tiền và thóc về bãi dâu” và “năm 1016 được mùa to, 30 lượm lúa giá trị 70 đồng tiền…” chứng tỏ đồng tiền dùng trong việc mua bán, trả công hay đóng sưu đóng thuế đã tới mức phổ biến.
Sách Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí của Phan Huy Chú có ghi chép hai dòng về một loại tiền thời Lý : “…Lý Thái Tông, năm Minh Đạo thứ 1 (1042) lại đúc tiền Minh Đạo ban cho các quan văn, võ…”, và Phan Huy Chú có viết nhận định: “ …xét : nhà Lý, nhà Trần truyền nối nhau, khoảng mấy trăm năm, đáng lẽ mỗi một đời vua phải đúc một thứ tiền để thông dụng cho dân, nhưng vì sách thiếu sót nên không thể khảo được tường tận, nay hãy tạm biên ra một vài điều còn thấy chép trong sử để lại…”. Tuy vậy, đến thời này tiền đã lưu hành rộng rãi và đi sâu vào dân chúng.
Như trên đã nêu, Nhà Lý có 9 đời vua nhưng chỉ ghi nhận có 5 vua cho đúc tiền, tuy nhiên các nhà nghiên cứu, sưu tập tiền khi xếp tiền Nhà Lý vẫn có một số khiên cưỡng :
– Đồng tiền Càn Phù và Minh Đạo nguyên bửu : được cho là tiền của Vua Lý Thái Tông đúc dựa theo niên hiệu Càn phù Hữu đạo và Minh Đạo của Ngài.
Càn Phù nguyên bửu – Minh Đạo nguyên bửu
– Đồng tiền Thiên Cảm nguyên bửu; Đại Định thông bửu và Chính Long nguyên bửu : được cho là tiền của Vua Lý Anh Tông đúc dựa theo các niên hiệu Thiên cảm chí bửu; Đại Định và Chính long bửu ứng của Ngài.
Thiên Cảm nguyên bửu – Đại Định thông bửu – Chính Long nguyên bửu
– Đồng tiền Thiên Phù nguyên bửu : được cho là tiền của Vua Lý Nhân Tông đúc dựa theo niên hiệu Thiên phù Khánh thọ của Ngài.
Thiên Phù nguyên bửu
– Đồng tiền Thiên Tư; Trị Bình và Hàm Bình nguyên bửu : cũng được cho là tiền của Vua Lý Cao Tông đúc dựa theo các niên hiệu Thiên tư Gia thuỵ và Trị bình long ứng của Ngài.
Thiên Tư nguyên bửu * – Hàm Bình thông bửu – Trị Bình nguyên bửu
Qua sưu tập và nghiên cứu thấy rằng :
- Tiền Càn Phù nguyên bửu không cùng phong cách với tiền Thuận Thiên đại bửu, đường kính và trọng lượng kém hơn (cho đến nay theo tôi biết đồng Càn Phù lớn nhất có đường kính 24mm, cân nặng 2,7gam). Người Nhật liệt kê tiền Càn Phù và Thiên Phù vào dòng tiền An pháp thủ thuộc hệ tiền gián.
- Tiền Minh Đạo; Chính Long; Đại Định; Trị Bình và Hàm Bình có cùng phong cách, những đồng tiền này khác xa với tiền Thuận Thiên.
- Tiền Thiên Cảm và Thiên Tư có một phong cách khác nữa, thậm chí có đồng Thiên Cảm mặt lưng tiền có chữ Càn Vương (có giả thuyết cho rằng vua Lý Anh Tông cho đúc tên vị hoàng tử sủng ái của mình là Càn Vương Lý Nhật Trung lên mặt sau tiền Thiên Cảm), có dáng dấp gần với tiền Càn Phù.
Có lẽ ngày nay những đồng tiền mang những niên hiệu này không còn tồn tại, những đồng tiền mà chúng ta sưu tập được là do hậu thế đúc trong nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau tôi sẽ đề cập đến trong một bài viết khác. Tuy vậy, cũng liệt kê ra đây để độc giả tham khảo.
Tác giả: Dung Dang
Nguồn : giadinh-numis.com
Chú thích : Những đồng đánh dấu * là hình mượn từ sách của D. Allan Baker
Những đồng tiền này nếu có bán thì giá trị của nó có đắt lắm không nhỉ