Triều đại nhà Thanh (1644- 1911) đặc biệt ba triều Khang Hy, Ung Chính, Càn Long ngành chế tác đồ sứ đã đạt đến đỉnh cao hưng thịnh. Cả ba vị vua này đều rất yêu thích đồ sứ, vua Khang Hy đặc biệt coi trọng khoa học kỹ thuật du nhập từ phương Tây, từ đó đặt nền tảng cho sự phát triển ngành gốm sứ đạt đến trình độ cao nhất trong lịch sử.

Bình sứ men lam Ung Chính với lạc khoản viết 6 chữ “Đại Thanh Ung Chính niên chế” trên miệng bình

Thời Ung Chính (1723-1735) là thời kỳ thịnh thế của nhà Thanh, nhờ nền tảng chính trị, kinh tế, văn hóa vững chắc thời Khang Hy để lại. Vua Ung Chính chẳng những có công hoàn thiện dây chuyền chế tác gốm sứ theo kiểu “Quan xây dân nung” được khởi xướng từ thời Khang Hy, khiến cho các lò quan, lò dân cùng phát triển, công nghệ chế tác không ngừng nâng cao, mà ông còn có trong tay hai vị quan coi lò kiệt xuất là Niên Hy Nghiêu và Đường Anh. Thời kỳ này, những món đồ xuất xứ từ lò Cảnh Đức Trấn, dù là lò quan hay lò dân đều có chất sứ mịn màng, công nghệ tinh xảo, tạo hình nghệ thuật, sản phẩm vô cùng đa dạng, có đủ các màu men, trong đó đồ sứ men lam đặc biệt nổi bật. Các chuyên gia nghiên cứu cổ vật đều nhìn nhận rằng, sứ men lam Ung Chính vượt trội hơn cả hai triều Khang Hy và Càn Long.

Bộ 6 chén trà dân dụng thời Ung Chính, men màu đồng

Phôi sứ và men lam Ung Chính

Đất phôi được chọn lọc rất kỹ, các công đoạn nghiền mịn, lắng lọc, tạo phôi đều thực hiện một cách nghiêm túc. Nhờ nung ở độ lửa thích hợp, trình độ sứ hóa tốt nên các món đồ làm ra tuy phôi nhẹ và mỏng hơn thời Khang Hy nhưng thể phôi trắng mịn, chắc chắn, tạo hình đúng qui chuẩn, rất được ưa chuộng. Vẻ đẹp của đồ sứ thời kỳ này có thể sánh với thời Vĩnh Lạc, Thành Hóa (Minh). Sứ men lam Ung Chính có độ sáng, thể phôi trơn, vật dụng lớn không tạo cảm giác nhìn nặng nề, những món nhỏ thì tinh xảo, lung linh. Người thợ rất chú trọng việc nặn phôi, hầu như không thấy vết cắt gọt, vết hằn nơi tiếp miệng, chân món đồ khá sâu, được cắt gọt tỉ mỉ.

Chén trà vẽ men lam, cổ vật tàu chìm ở Cà Mau

Chất men mịn, màu men đều, bề mặt sáng, phảng phất sắc men như sứ Tuyên Đức đời Minh, khác hẳn với cách pha màu hồn hậu, chất phác thời Khang Hy. Trên các món đồ, do men tụ khá dày, hình dạng như đám mây nên gọi là “men mờ” hay “men nước bọt”. Da sứ phủ men trắng hoặc trắng ánh xanh (cụ Vương Hồng Sển gọi là màu trứng diệc), tầng men dày, mịn, trên mặt sáng bóng.

Tạo hình sứ men lam Ung Chính

Phong cách nhẹ nhàng, thanh tú, đường nét dịu dàng, ưa nhìn. Tỷ lệ các bộ phận cân đối, liền lạc, nhờ vậy mà đồ sứ Ung Chính được xem là một trong những dòng sứ có tạo hình đẹp nhất đời Thanh.

Sản phẩm của các lò chủ yếu là đồ dân dụng như: tô, chén, dĩa, tách uống trà, nhạo đựng rượu và các vật dụng nhỏ, ngoài ra còn làm những món sứ lớn vóc để trưng bày như: Mai bình, bình Hồ lô, bình Tứ liên, bình Quả trám, bình rượu Quan âm, bình rượu Như ý, lư hương và các loại vò, chậu… Thời kỳ này có không ít đồ sứ men lam mô phỏng đời Minh và thời Khang Hy, tuy là “đồ giả” nhưng được làm hết sức tinh tế, khó phân biệt.

Màu men lam Ung Chính

Sứ men lam Ung Chính sử dụng màu giống như thời Khang Hy, đó là men xanh nội địa sản xuất ở Chiết Giang, loại men xanh này rất thịnh hành vẽ trên đồ sứ vào cuối đời Minh. Men lam Ung Chính chủ yếu có hai loại:

   1. Màu xanh mang phong cách sứ Khang Hy: màu xanh biếc, tươi sáng, trông hơi nhạt nhưng lắng đọng, có quầng tán, mức độ hiện màu khá ổn định.

   2. Màu xanh bắt chước chất Hồi thanh nhập khẩu thời Tuyên Đức (triều Minh): màu lam đậm, hiện màu không ổn định, quầng tán rõ, có nhiều đốm gỉ nổi trên bề mặt và thấm vào cốt phôi, nhìn có cảm giác sần sùi. Loại men lam này thường sử dụng vẽ trên các món đồ da trắng ánh xanh.

Hoa văn trang trí sứ men lam Ung Chính

Sứ men lam Ung Chính sử dụng nét bút mềm mại, bố cục đơn giãn, người thợ như truyền hết cái thần của mình lên nét vẽ tinh tế, rõ ràng. Hoa văn trang trí thường thấy: hoa lá, cầm thú, hoa điểu, thiếu nữ, trẻ em, sơn thủy, bát bửu đồ, điển tích…

Đồ sứ men lam dân dụng thời Ung Chính (cổ vật tàu chìm ở Cà Mau)

Lạc khoản (đề hiệu) trên sứ men lam Ung Chính

Thời Ung Chính, việc đề hiệu dưới các món đồ được giao cho thợ chuyên nghiệp, do vậy mà bút pháp, các thể chữ viết về cơ bản khá giống nhau. Thể chữ Khải và Triện đồng thời được ưa chuộng, nhưng chữ Khải chiếm đa số. Lạc khoản niên hiệu trên sứ các lò quan sản xuất chủ yếu viết 6 chữ:”Đại Thanh Ung Chính niên chế”. Lạc khoản có thể được viết thành 2 dòng 6 chữ, hoặc 3 dòng 6 chữ. Bên ngoài có thể có hai vòng tròn đồng tâm hoặc đóng khung chữ nhật, khung vuông đôi.

Ngoài 6 chữ “Đại Thanh Ung Chính niên chế”, đồ sứ men lam Ung Chính còn có lạc khoản viết thể chữ Khải, ghi 4 chữ “Lãng ngâm các chế”. Lãng ngâm các là tên một thư trai của vua Ung Chính khi chưa đăng cơ, đang thụ phong tước Ung Thân vương.

Để phân biệt đồ sứ các lò dân thời Ung Chính ký lạc khoản 6 chữ “Đại Thanh Ung Chính niên chế” cũng không khó, vì chữ viết tháo, tùy tiện, hoặc chỉ ký 4 chữ “Ung Chính niên chế” xếp thành hình vuông. Thời kỳ này đồ sứ lò dân xuất hiện một loại lạc khoản phổ biến là con dấu vuông, gọi là “hũ kì”, trong khung vuông vẽ các loại hoa lá hay hình tượng muôn vật. Lại có lạc khoản chỉ viết một chữ “Chính”, xung quanh vẽ trang trí hoa lá.

Tác giả: Song Mộc

Tài liệu tham khảo:

  1. Trung Quốc Thanh hoa từ – Nhà xuất bản Thượng Hải Cổ tịch,
  2. Trung Quốc cổ đào từ – Nhà xuất bản Thượng Hải,
  3. Đào từ nghệ thuật – Nhà xuất bản Mỹ thuật Hắc Long Giang.

1 thought on “Tìm hiểu: Đồ sứ men lam Ung Chính (Thanh- TQ)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.