Lịch sử tranh in độc bản [1]:

In độc bản là phương pháp sáng tạo tranh in chỉ cho ra một bản in duy nhất bằng cách vẽ, vạch, lau chùi… màu hay mực in trên mặt phẳng in không thấm nước như kính, mica, kim loại… rồi in ra giấy.

Cho đến nay vẫn tồn tại nhiều ý kiến khác nhau… những ghi nhận lịch sử khác nhau về thời gian xuất hiện của kỹ thuật tranh in độc bản (monotype/monoprint). Tuy vậy, giới nghiên cứu nghệ thuật tranh in thường cho rằng lịch sử tranh in độc bản có thể xuất phát từ những bức tranh in từ bản khắc kim loại vào thập niên 1620 của họa sỹ người Đức Hercules Seghers (1589-1638). Trên bản khắc đồng họa sỹ đã bôi màu bằng tay và không lau sạch như để in lõm, sau đó đặt giấy lên rồi in. Từ bản khắc ông chỉ in vài tranh và cố tình làm cho chúng không giống nhau. Thử nghiệm in ấy của ông cho ra kết quả là những bản in hoàn toàn khác nhau. Mỗi bản là một tranh in duy nhất, không hề có lặp lại về màu và sắc độ. Kỹ thuật ấy của ông cho phép ta liên tưởng đến phương pháp in độc bản (mà trong tiếng Anh gọi là monoprint) ngày nay. Những tranh in kim loại kiểu ấy của Seghers thuộc về một trong những tìm tòi, thử nghiệm độc đáo và ấn tượng nhất trong lịch sử nghệ thuật tranh in. Tranh in theo phương pháp này của Seghers có ít bản in và rất hiếm. Danh họa Rembrandt sinh thời sở hữu một số và chúng có ảnh hưởng nhiều đến nghệ thuật của ông.

Town with four towers, Hercules Seghers, 1631

Ngoài Seghers, Giovanni Benedetto Castiglione (1609-1670), người ý, cũng được đánh giá là cha đẻ của phương pháp in độc bản. Một bộ phận trong giới nghiên cứu tin rằng ông là họa sỹ đã sáng tạo ra bức tranh in độc bản đúng nghĩa đầu tiên. Phương pháp in của ông là: sau khi lăn ru-lô phủ một lớp mỏng mực in đen hoặc nâu trên bề mặt bản đồng, ông dùng mũi dao cùn vẽ những nét trắng tạo hình. Để lấy các mảng sắc độ khác nhau ông sử dụng bút lông cứng, ngón tay, giẻ… Bản đồng đó được đưa qua máy nén để được bức tranh in chỉ có một không hai. Kỹ thuật tạo bản in này giống như cách làm mà chúng ta đang thực hiện ngày nay và trong tiếng Anh người ta gọi nó bằng thuật ngữ monotype.

 

Kopf eines bärtigen Orientalen, Benedetto Castiglione, 1655

Như vậy, theo những ghi nhận mang tính lịch sử trên đây, cả Hercules Seghers và Benedetto Castiglione đều là những người đã khai sinh nghệ thuật tranh in độc bản. Kỹ thuật in của Seghers được gọi là monoprint, và phương pháp in của Castiglione là in monotype. Hai phương pháp tạo bản in này vẫn được các họa sỹ hôm nay khai thác và được xác định là hai kỹ thuật của một loại tranh in – tranh in độc bản. Để hiểu rõ hơn đặc thù của hai kỹ thuật trên, xin được tóm lược sau đây. Kỹ thuật monoprint cho ra những tranh in không giống nhau về màu sắc, đậm nhạt, thậm chí là cấu trúc bố cục, nhưng trên các tranh đó có sự lặp lại của một đường nét hay hình ảnh (hoặc nhiều hơn). Sở dĩ có sự lặp lại ấy là vì đường nét, hình ảnh (hay những đường nét, hình ảnh) đó được khắc trên bản in hoặc được tạo sẵn để lồng ghép với bản in. Trong khi đó kỹ thuật monotype cho ra tranh in duy nhất, không hề có bất kỳ sự lặp lại của hình ảnh hay đường nét nào. Với kỹ thuật này, mỗi lần chế bản in là một lần dùng mực in vẽ hay lăn ru-lô lên bề mặt in (thường là ngẫu hứng theo ý đồ định trước trong đầu hoặc hoàn toàn vô thức). Cách tạo hình ngẫu hứng hay vô thức thì, như chúng ta biết, không thể lặp lại.

Trước khi tranh in độc bản trở nên phổ biến, vào cuối thế kỷ 18 họa sỹ người Anh William Blake (1757-1827) đã bắt đầu sử dụng kỹ thuật in độc bản như một phương tiện tạo hình độc lập. Ông trở thành một trong những họa sỹ quan trọng đi đầu chuyên sáng tác bằng kỹ thuật monotype. Blake dùng tempera vẽ trên bìa cứng và tạo hình, tạo chất… cũng như chất lượng nghệ thuật cho bố cục rồi sau đó in ra giấy.

 

Tranh in độc bản của họa sĩ Edgar Degas

 

Tranh in độc bản của họa sĩ Camille Pissarro

Sau Blake và những thành công của ông, quá trình in mà chúng ta gọi là “in độc bản” đã bị lãng quên. Đến tận cuối thập kỷ 60 của thế kỷ 19 mối quan tâm đến các thử nghiệm “lau màu” trên mặt phẳng cứng mới được sống lại khi các họa sỹ ấn tượng trẻ tuổi bị cuốn hút bởi những khả năng sáng tạo tranh nhiều màu do mực in đem lại. Lúc đầu những thử nghiệm in ấy có vẻ chịu nhiều ảnh hưởng từ kỹ thuật in ảnh thời sơ khai: phối hợp các hình ảnh đen trắng và sự tương phản giữa chúng. Kể từ đó tranh in độc bản được biết đến rộng hơn và khẳng định mình với tư cách một phương tiện tạo hình độc lập. Nhiều họa sỹ của trường phái ấn tượng nói riêng và các họa sỹ ở Pa-ri nói chung đã ít nhiều sáng tác tranh bằng phương pháp in độc bản (chủ yếu là monotype). Edgar Degas (1834-1917) lúc đó được người bạn, họa sỹ, nhà điêu khắc Ludovic-Napoleon Lepic (1839-1889) giới thiệu “những bức vẽ- in” (khi đó tranh in độc bản được gọi như vậy). Ludovic Lepic đã tạo đậm nhạt cho bố cục bằng cách lau, chùi, gạt… mực in, sơn dầu đã phủ trên mặt kính rồi lại bổ xung tiếp các màu khác cho đến khi có được sự phong phú về màu sắc và hoàn chỉnh về bố cục rồi mới in ra giấy. Nhờ phương pháp của Lepic, Degar đã bắt đầu sáng tác tranh in độc bản từ năm 1874. Khi đó ông đã cùng với Lepic sáng tác tác phẩm Vũ sư ba lê nổi tiếng của mình. Từ đó ông thường xuyên sáng tác tranh in độc bản và cho ra đời khoảng 650 tranh, trong đó có nhiều tác phẩm giá trị. Những năm cuối thế kỷ 19 đã chứng kiến sự nở rộ của tranh in độc bản. Tranh in độc bản xuất hiện cùng những tên tuổi lớn của lịch sử mỹ thuật. Camille Pissarro (1830-1903) đã sáng tác loạt tranh in độc bản mang sắc thái ấn tượng – Biểu hiện. Paul Gauguin (1848-1903) đã phát triển kỹ thuật in riêng cho mình. Ông phủ mực in hoặc sơn dầu lên một tờ giấy, sau đó đặt tờ khác đè lên và dùng bút chì cứng hay que gỗ vẽ mạnh tay sao cho mực in bám vào tờ giấy bên trên. Kỹ thuật này tạo cho Gauguin bản tranh in độc đáo với nhiều nét màu sắc phong phú. Sau Gauguin, Paul Klee (1879-1940) phát triển tiếp kỹ thuật này và cho ra đời những tranh in làm say đắm lòng người. Từ thời gian này trở đi tranh in độc bản được thực hiện rộng rãi và thường xuyên hơn bởi các họa sỹ tên tuổi. Danh họa Pierre Bonnard (1867-1947) đã in hàng trăm tranh in độc bản giàu màu sắc bằng tay hay ru-lô trên những tấm kính và kim loại. Từ Picasso, Chagall, Miro, Dubuffet, Matisse cho đến rất nhiều nghệ sỹ đương đại đã từng sáng tạo ra những tác phẩm in độc bản hiếm có. Những hiệu quả thẩm mỹ mà tranh in độc bản đem lại không hề được thấy ở các kỹ thuật in tranh khắc hay hội họa cho dù tranh in độc bản được vẽ (trên mặt phẳng in) và được in. Có thể xác định đó là cái đẹp đặc biệt, hàm chứa tính tổng hoà của các biểu hiện thẩm mỹ của nghệ thuật hội họa, đồ họa và họa hình.

 

Tranh in độc bản và Thủ Ấn Họa của Việt Nam

Tại Châu Á nói chung hay Việt Nam nói riêng, khắc gỗ là loại hình nghệ thuật dân gian (Folk art) có từ lâu đời. Trong khu vực châu Á thì Trung quốc và Nhật Bản là 2 quốc gia có loại hình này rất mạnh. Đặc biệt là xứ Phù Tang với các tên tuổi như Hokusai (1760-1849), Hiroshige (1797-1858), Ultamaro (1753-1806), Toyohiro (1773-1828), Koryusai (1735-1790)…

Còn ở Việt Nam, nghệ thuật khắc gỗ (Woodboock Printing, Woodcut ) là một trong những loại hình nghệ thuật truyền thống (Traditional art) với những làng nghề nổi tiếng: Đông Hồ và Hàng Trống. Như vậy nghệ thuật khắc gỗ tuy chưa trở thành nghệ thuật hàn lâm (Academic art) nhưng cũng có những trường hợp tác phẩm khắc gỗ đã vượt qua ngưỡng dân gian để đi vào ngôn ngữ nghệ thuật dân gian-hàn lâm. Thí dụ trường hợp tác phẩm khắc gỗ của họa sĩ Trần Văn Cẩn và họa sĩ Tú Duyên. Tranh khắc gỗ của 2 ông đã chuyển tải những ý tưởng và hình thức thẩm mỹ riêng.

Tranh trúc lầu Ngưng Bích của họa sĩ Tú Duyên

Một trong những đặc điểm của nghệ thuật khắc gỗ dân gian là người nghệ nhân dường như chỉ biết mỗi một ngôn ngữ, kỹ thuật tạo hình, bởi vì họ chưa hề kinh qua trường lớp, chưa hề biết bất kỳ ngôn ngữ mỹ thuật nào ngoài kỹ thuật khắc và in bằng bản gỗ. Đặc biệt nghề nghiệp của họ đa số là do cha truyền con nối. Cũng có khi họ sống tập trung thành làng. Đây là điểm riêng của Việt Nam và một số khu vực ở Trung Quốc.

Trong thời gian rất dài, ngôn ngữ kỹ thuật khắc gỗ vẫn là muốn in mấy màu thì nghệ nhân phải khắc bấy nhiêu ván in dạng “dương bản” (positive). Mỗi bản khắc chỉ dùng để in một màu. Màu in của mỗi bản đều nhau như là tô. Dùng con lăn (rouleau) để lăn trên mặt giấy tạo sức ép để mặt dưới tờ giấy tiếp xúc (ăn màu) đều nhau.

Mãi cho đến khi họa sĩ Tú Duyên, người chuyên sử dụng kỹ thuật in trên bản khắc gỗ truyền thống (Traditional woodcut printing) đã cải tiến kỹ thuật khắc và thao tác in cũng như cách diễn màu trên mảng, đưa ra tư duy mới về loại bản in cũng như kỹ thuật thao tác. Theo họa sỹ Trương Văn ý (nguyên trưởng khoa Trang trí Thiết ấn, Trường Quốc gia Trang trí Mỹ thuật Gia Định) thì từ năm 1953 “thủ ấn hoạ” (cách gọi khác về tranh in độc bản) trên lụa đã của họa sỹ Tú Duyên được làm từ hai bản gỗ, một bản khắc lấy nét, một bản chỉ để lấy màu (dùng bút lông bôi màu lên mặt gỗ). Sau đó tranh được thể hiện thông qua kỹ thuật in bằng bàn tay (printed by hand) còn gọi là “in không cần con lăn”. Sáng kiến nói trên đã “kinh qua” quá trình nghiên cứu thể hiện.

Về mặt kỹ thuật thì đặc điểm của “nghệ thuật thủ ấn họa” của họa sĩ Tú Duyên bao gồm các nét riêng, mới sau đây: Thứ nhất: khắc ít bản nhưng in được nhiều màu. Thứ hai: ông khắc và sử dụng cả hai loại bản khắc “dương bản” (bản lồi) và “âm bản” (bản lõm). Với cách khắc và sử dụng “âm bản” và “dương bản”, chỉ cần hai bản khắc, một âm, một dương và cách tô chuyển màu trên bề mặt bản dương trước khi in thì tác giả có thể tạo ra một tác phẩm thủ ấn họa đẹp mắt. Như đã nói, ở đặc điểm đầu tiên của họa sĩ Tú Duyên là khắc ít bản mà in được nhiều màu. Điều mà trước đây chưa ai làm. Đây cũng là một biểu hiện của sự sáng tạo, nhưng đòi hỏi công phu, chu đáo. Thứ ba: tác giả xử lý chuyển màu trước trên tờ giấy, giống như tô màu trộn bột điệp làm nền tranh, nhưng ông tô chuyển màu nhẹ nhàng, rồi sau đó mới in tiếp theo bằng “bản âm” hoặc “bản dương” theo chủ ý của mình. Thứ tư: áp dụng thủ pháp in chồng, hơi lệch giữa khi in bằng “dương bản” và “âm bản” để cố ý tạo ra “nét trống do lệch bản in” thành nét màu “lóe sáng” lung linh. Thứ năm: trên mặt “bản dương” (lồi) tác giả tô và chuyển màu không đều nhau theo chủ định. Thủ thuật này khác với kỹ thuật xưa là tô thật đều một màu trên bảng in. Thứ sáu: tác giả dùng bàn tay thay cho con lăn để chà, vuốt, ấn, nhận, tạo cho mặt giấy có mức độ “ăn màu” khác nhau theo chủ ý.

Tranh trúc xinh trúc mọc của họa sĩ Tú Duyên

Về đường nét và cách tạo mảng gợi không gian: Đặc điểm tạo hình trong tranh của họa sĩ Tú Duyên có nét độc đáo riêng. Ông diễn tả nét khắc trên cơ sở những nét vẽ linh hoạt thiên về đường cong. Do vậy tranh của ông gây cảm giác về sự chuyển động độc đáo. Tác phẩm tranh in khắc của ông ít thấy có những mảng đậm hay sáng cực lớn như một số tác giả khác, mà ở ông sự phân bố các màng và nét đan xen với nhau. Đặc biệt là bản thân những mảng lớn trong tranh của ông gợi nên không gian lung linh của màu vì ông chuyển màu trên mảng chứ không tạo mảng lớn chỉ có một màu.

Về mặt đề tài sáng tác thành tác phẩm thì ở ông có điểm vô cùng đặc biệt như sau:
– Một là: khai thác đề tài ca dao trong dân gian để thể hiện thành tác phẩm: “Nọ thì ả Chức chàng Ngưu tới Trung Thu lại bắc cầu sang sông” hay “Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt, xếp bút nghiên theo nghiệp đao cung” hoặc là “Hồn sĩ tử gió ù ù thổi, mặt chinh phu trăng dõi dõi soi”…

– Hai là: lấy cảm hứng từ văn học dân gian và bác học cùng với những hoạt động lễ hội và âm nhạc dân tộc là mảng đề tài lớn nhất có thể tiêu biểu cho khuynh hướng sáng tác của ông như các bức: “Lầm than bao quản nắng mưa, anh đi em liệu chen đau với đời”, “Kim Vân Kiều”, “Khuyến học”, “Trầu cau”, “Truyện Kiều”, “Chinh Phụ Ngâm”…

– Thứ ba là: khai thác đề tài anh hùng dân tộc với các tác phẩm tiêu biểu như: Trần Bình Trọng, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Trãi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Phan Đình Phùng, Phan Thanh Giản…

– Thứ tư: khai thác chủ đề âm nhạc và ông thể hiện với ý tưởng sáng tạo và thẩm mỹ độc đáo. Thí dụ như bức nổi tiếng là: “Đàn nguyệt” và nhiều bức nữa…

– Thứ năm: là bộ tranh sáng tác về đề tài Kim Vân Kiều, tổng cộng 51 bức đã được nước ngoài mua làm phim.
Tạo thành tranh bộ: Truyện Kiều.
– Thứ sáu là: cuối đời vì mắt yếu ông vẽ tranh toàn bằng nét nét đen trên lụa.

Họa sĩ Nguyễn Thịnh Del, giáo sư Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn (Tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật đông Dương, khóa 1928-1933) đã nhận định về tranh thủ ấn họa của họa sĩ Tú Duyên như sau: “Thủ ấn họa đã tạo nên những bức tranh tuyệt mỹ, khiến cho người xem cảm thấy có những sắc màu riêng biệt thích hợp với tâm trạng của mình từng lúc, từng khi. Điều này do nguồn cảm hứng của nghệ sĩ tạo nên. Họa sĩ là ai? Đấy là họa sĩ Tú Duyên!”

Họa sĩ U Văn An, giáo sư Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn đã nói về tranh của Tú Duyên như sau: “Với trình độ nghệ thuật chắc chắn, tận tụy, họa sĩ Tú Duyên làm sống lại lối in bản khắc gỗ tranh Tết Việt Nam, mà họa sĩ trước đó không ai dám làm vì phải tốn kém, hy sinh nhiều quá”. Ông P. Faucon trên báo Le journal dExtrême-Orient (Báo Viễn Đông, số 2717 ngày 15/11/1957) đã viết: “Mỗi bức tranh thủ ấn họa của họa sĩ Tú Duyên, chính nó là một bài thơ kỳ diệu. Nó được sáng tác từ các truyện kể, từ cõi mộng mơ. Từ chiều sâu ở tác phẩm của Ông ta là là những những nét đậm đà, duyên dáng. Hơn nữa nó là những đường nét tài tình cùng với những sắc thái nhẹ nhàng ,tạo nên sự lôi cuốn đẹp mắt…” Ông René de Berval đã viết trên tờ Revue Francaise-Asia (Táp chí Pháp Á) như sau: “Những tác phẩm thủ ấn họa của họa sĩ Tú Duyên đã hấp dẫn người xem,ví nó được diễn tả bởi chính một dân tộc ham nghiên cứu, tìm tòi và nó chỉ có thể được tìm thấy trong những kho tàng văn học và truyện kể ở quốc gia của ông ấy…”.

Họa sĩ Tú Duyên là một trong những họa sĩ lão thành miền Nam được giới thiệu trên sách mỹ thuật ở Ý do nhà xuất bản Milan trong quyển Le Viet Nam. Năm 1956 ông được giới thiệu trên sách của tổ chức Unessco nói về văn hóa Việt Nam “ Việt Nam, hôm qua và ngày nay”. Trước năm 1975, Vua dầu hỏa Hoa Kỳ là Rockefeller, nhân dịp sang Sài Gòn,đã đến tận nhà ông để xin mua bức Trần Bình Trọng – Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm Vương đất Bắc.

Một số tranh của Tú Duyên trong bộ sưu tập tranh của tổ chức tư nhân tại Mỹ, và tại bảo tàng Mỹ Thuật HCM, bảo tàng Phụ Nữ:

Lễ hội làng, 1965

 

Hãy thử một lá chầu, 1960

 

Lần đầu,1950

 

vua Lê Lợi, 1955

 

Encouraging Study, 1965

 

Tác phẩm: Trần Bình Trọng, Khắc gỗ in trên lụa, kích thước: 90 cm x 50 cm, năm sáng tác: 1965,

 

General Trần Hưng Đạo, 1965

 

Musicians, undated

Legend of Phạm Ngũ Lão, undated

 

Buddha, undated

 

Mother and Child, 1987

 

The Tale of Kiều, 1987

Northern Festival, 1992

The Gambler, 1994

 

Combing Hair, 1994

Festival, 1994

 

Playing Music, 1995

 

Work and Study, 1997

 

Đông Sơn Drum, 1998

 

Rescuing the Rice, 1999

Protection from the Aggressors, 2000

HS. Tú Duyên. Bà cháu. Lụa. Cỡ 30cm x 30cm. Vẽ năm 1974. Chữ ký đáy góc phải.

 

HS. Tú Duyên. Ông đồ nho. Lụa. Cỡ 12cm x 25cm. Vẽ năm 1974. Chữ ký đáy góc phải.

 

 HS. Tú Duyên. Ngày nay nước bạc, ngày sau cơm vàng. Thủ ấn họa trên lụa. Cỡ 29.5cm x  61cm. Vẽ năm 1960-1970. Chữ ký đáy góc trái.

Tác giả : Uyên Huy (phần viết về hoạ sĩ Tu Duyen)

Phần viết về tranh in độc bản hiên vẫn chưa xác định được tác giả.

Bài viết tổng hợp từ hai bài dưới đây.

[1] http://tu-duyen.blogspot.fr/2009/04/oi-ieu-ve-tranh-in-oc-ban.html

[2] http://www.vietnamfineart.com.vn/Story/Cactacgia_tacpham/2013/8/3535.html

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.