Tác giả:  Karl Gerstner

Hà Vũ Trọng dịch

Thật không dễ cho tôi khi toàn tâm ngiên cứu Lí thuyết màu sắc của Goethe. [1] Tôi cũng là kẻ chia sớt cái thành kiến 150 năm: cho rằng với chủ đề này Ông Cụ đã không xem là ngiêm túc; một thái độ cố chấp chống lại Newton; chẳng qua do tính gàn bướng của tuổi già đã khiến cụ nói với Eckermann: “Tôi không kiêu hãnh chút nào với những gì đã làm với tư cách nhà thơ. Những nhà thơ tuyệt vời cũng đã sống cùng thời với tôi; thậm chí những nhà thơ tuyệt hảo hơn đã sống trước tôi, và còn những người khác sẽ sống sau tôi. Nhưng sự kiện tôi là kẻ duy nhất trong thế kỉ mình biết được sự thực trong cái khoa học phức tạp về màu sắc kia – chính đó là điều làm tôi không ít kiêu hãnh…”

Phần lịch sử trong Lí thuyết màu sắc của Goethe thực ra dễ tiếp cận, và có thể đọc với sự bổ ích và lạc thú (và đây là phần mà ai quan tâm đến chủ đề này nên bắt đầu). Nhưng phần mô phạm – trung tâm cuốn sách – thì khó hiểu, chắc do những quan niệm đã lỗi thời mà thôi. Còn phần luận chiến thì nay chỉ còn là một hiếu kì văn học, do nhiệt tình với lí thuyết này, Goethe sánh mình với Luther – tìm cách vượt qua “chính sách ngu dân của giới giáo sĩ” sau “sự sai lầm về lí thuyết của Newton” đã tiết lộ cho ông thấy. [2]

Lí thuyết về màu sắc của Goethe không phải là một khoa học tự nhiên. Andreas Speiser xác nhận đó là một “khoa học tự do thuộc về ngệ thuật, tương tự với việc ngiên cứu về môn hoà thanh trong âm nhạc.”

*
Lí thuyết của Goethe quả là một khoa học kì lạ. Ronald D. Gray đã cho thấy rằng kho tư tưởng mà nó đặt căn cứ hoàn toàn vào thuật luyện đan (Goethe the Alchemist; Cambridge, 1962).

Faust thực sự mang chứng từ hùng hồn cho sự am tường của nhà thơ với trí tưởng tượng phong phú về thế giới này, Mephisto giới thiệu bản thân qua những lời sau: “Ta là một phần của cái phần xưa từng là toàn thể, cái phần của bóng tối đã sinh ra ánh sáng.”

Cái bóng tối “xưa từng là toàn thể” ấy phải được hình dung như một điều kiện tiên khởi cho mọi thứ khác, như “vực thẳm và nền móng” của vạn hữu. Nó ngự trị, nó bao trùm khắp hết không gì ngoài nó. Cuộc sáng thế chỉ bắt đầu với sự xuất hiện của ánh sáng (khởi nguyên là ánh sáng, là Logos, Ngôi Lời); trường khẩn trương tạo nên do sự đối lập của bóng tối và ánh sáng.

Goethe gọi sự đối lập ấy là lưỡng cực. Trong đó ông thấy một trong những động lực lớn của toàn cõi Tự Nhiên. Những màu sắc phát sinh không phải riêng từ ánh sáng cũng không phải từ bóng tối. Đúng hơn, chúng là con đẻ của lưỡng cực, ở giữa hai phía đối lập này. [3]

 

2 goethe-color [first plate of Zur Farbenlehre]

Đồ hình của Goethe trong cuốn Lí thuyết màu sắc

(Zur Farbenlehre)

Vì ánh sáng và bóng tối sinh ra màu sắc, nên cần đến một trung gian gọi là độ “chắn sáng” (opaque) hay “chắn sáng từng phần”: sự ngưng tụ của ánh sáng, hay sự tán loãng của bóng tối.

Trong bức tranh về thế giới của Goethe, ánh sáng và bóng tối là những thực thể phổ quát, tuyệt đối và vô hạn. “Độ chắn sáng” che đậy chúng và thể hiện chúng đồng thời bằng màu sắc.

Những màu sắc là những đơn vị cá thể, tương đối và bị giới hạn. Ánh sáng được hiển thị qua màu vàng và bóng tối qua màu lam. Chúng là hai màu nguyên thuỷ, “thuần khiết”, từ đó bắt nguồn tất cả những màu khác.

Tính chắn sáng ở mọi cấp độ (một quan niệm trung tâm về lí thuyết màu sắc của Goethe) nằm trong nguyên lí vận hành cùng khắp như một trung gian. Nó vận hành ngay cả ở nơi độ trong suốt có thể xem là trội bật, chẳng hạn, trong bầu khí quyển qua đó chúng ta đón nhận ánh sáng mặt trời. [4]

Ví dụ này thực sự là một kinh ngiệm thường ngày. Chúng ta nhìn thấy màu sắc không chỉ được phóng chiếu ra sao mà cũng còn thấy được sự điều tiết bằng độ chắn sáng. Trên đường chân trời, nơi đậm đặc nhất, nó biến màu đỏ thành vàng và vàng thành trắng.

Khi mặt trời lên thiên đỉnh, là lúc độ chắn sáng (tương đối) giảm nhất, từ đó chói chang suốt một thời gian trắng bạch hoàn toàn khiến ta cảm thấy không còn nhìn thấy được nữa. Sau đó, từ giữa trưa cho đến chiều chúng ta chứng kiến toàn cảnh quang lần nữa đảo ngược lại.

*
Khi độ chắn sáng nằm ở trước ánh sáng, nó sinh ra những gam màu ấm; khi nó ở phía trước bóng tối, nó tạo ra gam màu lạnh.

Ánh sáng là mặt trời, bóng tối là là màu đen của không gian giữa các tinh tú, trông như màu xanh lam qua trung gian của độ chắn sáng. Và sự kiện độ chắn sáng càng mỏng bao nhiêu, chẳng hạn trên một đỉnh núi – thì màu xanh lam của bầu trời trở nên càng đậm hơn và đỏ hơn bấy nhiêu cho đến khi thành màu tối đen của không gian bên ngoài. (xem André Bjerke, Neue Beitrage zu Goethes Farbenlehre; Stuttgart, 1961)

 

*

Hệt như độ chắn sáng tác động trong không trung, nó cũng vận hành qua thuỷ tinh như vậy, như một lăng kính phát sinh ra những màu sắc. Tuy nhiên, không tình cờ, mà chỉ khi nào ánh sáng và bóng tối gặp nhau.

Khi Goethe phải trả lại một số lăng kính mà ông đã mượn – người giao thư tín chực sẵn trước cửa – ông nhìn qua các lăng kính lần cuối. “Tôi thật ngạc nhiên khi bức tường trắng kia nhìn qua lăng kính vẫn là màu trắng và chỉ nơi nào nó giáp với bóng tối thì nó xuất hiện ít nhiều màu sắc rõ ràng, và cuối cùng các thanh cửa sổ kia có vẻ mang nhiều màu sắc hơn cả.” [5]

Đấy chính là kinh ngiệm khởi đầu đã dẫn Goethe “bằng trực giác” đi tới tuệ giác cho rằng lí thuyết của Newton là sai lầm. Và điều này đã là sự thúc đẩy cho tác phẩm của ông về lí thuyết màu sắc.

 

*
Toàn cảnh mà từ đó Goethe hình dung ra nguyên lí lưỡng cực và khái niệm độ chắn sáng, có thể thấy từ nhật kí đề ngày 25 tháng 5.1817. Dưới tiêu đề “Những ánh chiếu và những ẩn dụ đa sắc” ông ghi chú: “Yêu và ghét, hi vọng và sợ hãi cũng không là gì ngoài những trạng thái khác nhau của những bản ngã nội tại mờ đục (opaque) của chúng ta mà qua đó tinh thần trông như vừa ở cả hai phía sáng và tối. Nếu chúng ta nhìn qua cảnh quang hữu cơ mờ đục này ra tới ánh sáng, chúng ta iêu và hi vọng; nếu chúng ta nhìn hướng tới bóng tối, chúng ta ghét và chúng ta sợ hãi.”

Vạn vật nỗ lực vì màu sắc, vì đặc thù, vì đặc tính, Goethe từng nói. Và Jacob Böhme (một nhà luyện đan đầu thế kỉ 17, mà Goethe có đọc tác phẩm) đã viết rằng mỗi sinh thể là một hiện tượng hữu hạn tìm cách để trở nên một cái gì đó.

Màu sắc biểu thị cho sự khởi đầu, cho năng lượng và ban ngày. Trái lại, sự phai nhạt của màu sắc có ngĩa là sự kết liễu, là cái chết, là bóng đêm. Riemer và Humboldt đã ghi lại cuộc đối thoại với Goethe về chủ đề cái chết:

Ánh sáng vốn tạo nên màu sắc từ bóng tối, là một biểu tượng tuyệt vời về linh hồn, nó phát toả vật chất và từ đó tạo nên thân xác. Khi vầng hào quang đỏ phai nhạt từ áng mây chiều nó để lại một cặn xám đằng sau, vậy nó là chính cái chết của con người. Ánh sáng của linh hồn trở nên mờ mờ và khuếch tán ra khỏi cơ cấu của thân xác.

*
Đôi khi Goethe đề cập về màu sắc như là “những hành vi và thống khổ của ánh sáng”: Tính lưỡng cực năng động và thụ động phát sinh từ tính lưỡng cực khởi nguyên từ sự dàn trải ánh sáng và thu rút bóng tối. Nếu không phải vì tính lưỡng nguyên này (duality) thì có thể cũng không có sự xác định không gian, không “đây” và “đó”, cũng không có sự phân biệt tạm thời, không “trước” và “sau”.

Ánh sáng như là một cực thì nó là dương [xác định], tích cực, ấm áp; bóng tối như là cực khác thì là âm [phủ định], thụ động, lạnh lẽo. Cái gì hàm chứa trong màu đen và trắng đặc trưng bằng xanh lam và vàng, được bắt nguồn trực tiếp từ chúng đó, ở một dạng cường độ gia tăng. Goethe đánh dấu sự tương phản với các cực + và – , và khai triển ý tưởng này (rất giống với truyền thống của những nhà luyện đan):

cộng trừ
vàng lam
hiệu quả tước đoạt
sáng tối
chói đêm
mạnh yếu
ấm lạnh
gần xa
trục xuất thu hút
hiên hệ đến acid liên hệ đến kiềm [6]

Lam và vàng là những màu gốc. Theo Goethe, từ đó có một độ gia tăng qua đó cả hai tiếp cận tới cấp thứ ba; do tiến trình này từ đó xuất hiện ở cả hai phía một độ sâu nhất và cao nhất, một độ đơn thuần nhất và phức hợp nhất, hạ cấp nhất và cao cấp nhất.

Căn cứ vào những màu sắc thực sự, màu đậm nhất, đơn thuần nhất, và hạ cấp nhất là màu lục; màu cao nhất, phức hợp nhất, và cao cấp nhất là màu đỏ.

Màu lục phát sinh – theo Goethe – từ sự hoà pha giữa lam và vàng. Trong màu lục những đặc tính của lam và vàng không huỷ bỏ nhau, “mà đem tới điểm quân bình ở đó cũng không còn có thể biện biệt và do đó sự pha trộn này đòi hỏi một phẩm chất đặc biệt cho con mắt; nó xuất hiện như một sự kết hợp không còn gợi đến sự hợp chất. Sự kết hợp này ta gọi là màu lục.”

Đỏ thì khác, được sản sinh bằng sự ngưng tụ – được gia tăng – của lam và vàng.

Tiến trình này có thể hình dung như sau: lam và vàng – phát sinh từ đen và trắng qua màn chắn sáng – liên tục sản sinh ra qua màn chắn sáng này là một giai đoạn mới bằng sự gia tăng, trước tiên là vàng-đỏ và lam-đỏ, sau khi vượt những giai đoạn xa hơn, kết hợp để thành màu đỏ. Trong màu đỏ mà đặc tính của lam và vàng được hấp thu hoàn toàn và được gia tăng để tạo nên một tính cách riêng.

Trong màu lục, mắt và các giác quan kinh qua sự thoả mãn thực sự; trong màu đỏ sự kết hợp của những cực đã được gia tăng, không chỉ những giác quan mà cũng còn tinh thần, tìm thoả mãn lí tưởng và sự hoàn thành.

Độ gia tăng, Goethe nói, là động lực lớn thứ hai của Tự Nhiên. Vì thế, màu lục là sự tích luỹ ở cấp thấp nhất; màu đỏ ở cấp cao nhất. Một quy luật chung được biểu hiện qua màu đỏ: ngĩa là tính lưỡng nguyên nguyên thuỷ kia có thể được chuyển hoá bởi tiến trình gia tăng thành một cá thể mới, một kết hợp mới.

*
Màu đỏ – Goethe thường gọi là tím, hay, chính xác hơn: “Khi màu đỏ thắm khô ráo trên cái đĩa bằng sứ” – đối với ông “là độ cao nhất của mọi hiện tượng màu sắc.” Trong đó chứa đựng tất cả mọi màu sắc khác, “một phần là động lực (actu), một phần là năng lực (potentia).” “Hiệu quả của nó độc đáo như tính chất của nó. Nó gây ấn tượng vừa trầm trọng, trang ngiêm vừa duyên dáng và quyến rủ; Ở tính cách thứ nhất, nó tạo nên trong bóng tối trạng thái cô đọng, còn ở tính cách thứ nhì nó tạo nên trong ánh sáng ở trạng thái giảm thấp. Và như vậy sự trang ngiêm trang của tuổi già và sự quyến rủ của tuổi trẻ có thể được tích tụ vào Một Màu.”

*
Jacob Weder xem sự so sánh này là một bước đi xa hơn với những kí hiệu và những từ trường của cường độ và, trong phép loại suy của lam – và vàng +, ông gán cho ̶ + với lục và + – với đỏ.

*

Goethe nói, Lí thuyết về màu sắc không chỉ đọc mà cũng có thể thực hành. Và ông nêu ra ngay ví dụ: trong ngôi nhà của ông ở Weimar, có những căn phòng khác biệt được sơn màu khác nhau. Những vị khách mà ông không ưa thích không bao giờ được phép vượt quá “căn phòng Juno” gam màu lam-lạnh, vì thế họ sẽ rút lui sớm. Màu lam không chỉ gợi cảm giác lạnh mà cũng còn về sự trống trải, về sự cách li. Nó gần như lùi xa khỏi tầm người nhìn, trong khi đó màu vàng ấm áp tiến tới để gặp người. Còn những kẻ được mời dùng chung bữa ăn được đưa vượt qua ngoài căn phòng đầu tiên để vào căn phòng ăn linh đình sơn màu vàng nồng ấm. Màu vàng truyền cảm không chỉ cảm nhận về sự ấp áp mà còn sự trọn vẹn và gần gũi. Và trên tất cả sự hân hoan: dường như luôn có chút nắng mặt trời trong căn phòng màu vàng.

Goethe thường làm việc trong căn phòng màu xanh lá cây. Ông cảm thấy rằng màu lục là trung tính; màu này không làm ông cáu kỉnh. Nó là nguồn mạch thoả mãn thị giác trầm tĩnh. Con mắt được nó thoa dịu, “người ta không thèm muốn, cũng không thể đi xa hơn nữa.” Dưới ảnh hưởng của nó, tinh thần trở nên an bình với những sự vật nguyên trạng thái của nó, với cái thực tế, và nó không tìm kiếm vượt ra ngoài để tìm một ý ngĩa tâm linh (Gray, Goethe the Alchemist).

*
Đúng như màu sắc vận hành từ trong ra ngoài, phơi mở trạng thái nội tâm qua ngoại hình, vì thế nó cũng vận hành từ ngoài vào trong. Theo Goethe, màu sắc tác động đến tinh thần con người và phụ thuộc vào đặc tính của chúng, khơi dẫn vào những trạng thái “Khi thì phấn khởi và khát khao, khi uỷ mị và thương cảm, khi hướng tới cái cao cả, khi thì lôi xuống tận đáy” – đấy là tác động của vàng, lam, đỏ và lục.

Không chỉ trong Lí thuyết màu sắc, mà toàn thể tác phẩm văn chương của Goethe làm chứng cho sự am hiểu về màu sắc của ông.

Nếu một chàng trai mặc quần áo nửa đen nửa hồng (như trong [bài sonnet] Was wir bringen), thì đó không phải ngẫu nhiên mà là một biểu tượng: phía tối biểu thị bi kịch, phía sáng biểu thị hài kịch; đen biểu thị cái chết, hồng biểu thị thời xuân, giai đoạn đầu tiên trên đường dẫn đến màu đỏ chín, thiết tha sôi nổi. (Xem Peter Schmidt, Goethes Farbensymbolik; Berlin 1965)

*

Một mặt, Goethe biện biệt giữa hiệu quả nhục cảm, đạo đức, và thẩm mĩ; mặt khác, giữa việc sử dụng màu sắc có tính trùng ngôn, biểu tượng, và huyền bí.

Goethe cho màu đỏ là tượng trưng sự trang ngiêm, màu lục là trùng ngôn của hi vọng. Biểu tượng là một hình ảnh trùng khớp với thực tại; còn trùng ngôn (allegory) biểu thị cho cái thực tại đặc biệt bằng một ước lệ phải biết đến thì mới hiểu ra ý ngĩa. Biểu tượng là một cửa mở ra, trùng ngôn là một bí ẩn, một mật ngĩa. Sẽ sai lầm nếu xem hệ biểu tượng màu sắc của Goethe như một hệ thống cứng nhắc trong đó mỗi màu được quy cho một ý ngĩa xác định rõ ràng. Goethe đã ý thức rõ về cái tính bất an định (ambivalance) vốn có trong sự kiện kì lạ rằng mọi màu sắc đều có một quang phổ rộng của những ý ngĩa, thất thường, có tính mâu thuẫn.

Màu đỏ biểu hiện tình iêu cũng nhiều hệt như sự thù ghét; màu lam biểu hiện trung thành cũng như bất trung; màu vàng biểu thị hân hoan cũng như ghen tị. Màu lục biểu thị vừa hi vọng vừa độc tố; áo cưới cô dâu trắng như vải tang.

Bằng kết luận: “Chúng ta ngờ rằng, cuối cùng, màu sắc cũng mở ra một sự thông giải huyền nhiệm.” Với câu này, chúng ta ngờ ngợ Goethe ý nói điều gì. Nhưng ông không đi sâu hơn vào vấn đề, vì như để không mắc vào “mối hoài nghi của cuộc tranh luận quá độ.”

*
Ở mức độ mà tôi đã đề cập đến, chiếc chìa khoá để hiểu Lí thuyết màu sắc – xin mạn phép Goethe – không coi nó như một đóng góp vào sự ngiên cứu khoa học, hay bất cứ nhánh học nào, mà đúng hơn nên xem như một huyền thoại học thân thiết và riêng tư nhất của Goethe. Nội dung của nó không bắt nguồn từ những sự kiện khách quan để mà nói đúng hay sai. Chân lí của nó ở bên trong. Tư tưởng căn bản của nó ngiêm nhặt và trong sáng, những thành phần của nó thì muôn màu muôn vẻ. Đấy là một sử thi: nó phải được đọc như Faust.

Khác với tấn bi kịch kia về sự không thoả đáng của con người, Lí thuyết màu sắc là một khuôn mẫu và là một biểu tượng về sự khởi nguyên, nhìn thông tuệ vào sự hoàn hảo của cuộc sáng tạo linh thánh. Trong kinh ngiệm của chúng ta về màu sắc và trong tri thức của chúng ta về những quy luật làm nền cho chúng, chúng ta thâm nhập vào những nguyên tắc cơ bản nắm giữ tất cả đời sống lại với nhau – từ khởi thuỷ, sự tiến hoá, và cấu trúc vũ trụ cho đến phạm trù đạo đức, mà ở đó những màu sắc cá thể sinh ra hiệu quả mang tính đạo đức/thẩm mĩ riêng của chúng. [7]

________

Karl Gerstner (1930) hoạ sĩ, nhà văn và nhà thiết kế đồ hoạ của Thuỵ Sĩ. Từ những năm 1950 ông là một trong những đại biểu toàn diện của ngệ thuật kiến tạo (constructive art). Tác phẩm của ông trải từ dạng tranh khắc nổi cấu trúc màu sắc (trong truyền thống của Josef Albers và Max Bill) cho đến dạng điêu khắc chuyển động.

Bản tiếng Việt © 2006 talawas

[1]Suốt hơn 40 năm [1790-1832], Goethe để công vào Lí thuyết màu sắc (Zur Farbenlehre). Tác phẩm chính này gồm ba phần, 1.400 trang, xuất bản năm 1810.
[2]Tác phẩm Opticks của Newton, xuất bản năm 1704, trong đó ông trình bày ánh sáng trắng là một hỗn hợp của tất cả màu sắc.
[3]Goethe viết: “Màu sắc là những đồ án đầu tiên của vật chất.” Tuyên bố này của Zeno “rất được chúng ta hoan ngênh”.
[4]Goethe: “Hãy đặt tấm chắn sáng có độ lớn nhất qua ánh sáng của mặt trời, và bạn sẽ thấy màu tím như một lạc thú thuần tuý.”
[5]Như không khí và thuỷ tinh, khói, tự thân là vô sắc, cũng là một phương tiện chắn sáng. Goethe: “chắn lại một tia sáng thì đàng sau nó xuất hiện màu vàng, phía trước là một màu lam thẫm.”
[6]Goethe: “Tôi không phản đối bất cứ ai cho rằng y có thể cảm giác màu sắc… Màu cũng có thể nếm được. Màu lam nếm sẽ có vị kiềm, vàng-đỏ vị acid. Có một sự tương đồng giữa mọi biểu hiện của hữu thể.”
[7]Goethe: “Ánh sáng và tinh thần, một cái ngự trị trong vật chất còn cái kia ngự trị trong đạo đức, là những năng lượng bất khả phân li cao nhất.”

Nguồn: Karl Gerstner, The Art of Karl Gerstner, (9 Picture Chapters and Selected Essays), Henri Stierlin biên tập, (D. Q. Stephenson dịch từ tiếng Đức), The MIT Press, 1981

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.