Những ngày mùa đông giá băng, Tết dấn, trong cái lạc lõng của mênh mông trời đất; sáng dậy sớm, với ly cà phê Starbucks, xem lại vài trang sách cũ, nhìn lại vài hình ảnh xưa trong Nghệ Thuật Cổ Việt Nam cũng là điều thú vị.
Trong khi thế giới vẫn tìn bằng chứng về đời sống trên trái đất vào những thế kỷ băng hà qua những tranh vẽ trên vách hang động ở Tây Ban Nha, Pháp… thì ở nước ta cũng vậy, bức “Mặt Người và Thú” ở vách hang Đồng Nội (Hà Sơn Bình), thuộc nền văn hóa Hòa Bình – Bắc Sơn, giúp các nhà viết sử ít nhiều tài liệu về sinh hoạt tín ngưỡng và văn minh của người Việt cổ vào sơ thời đá mới, cách ta chừng trên mười nghìn năm.
Tới văn hóa Đông Sơn, thời hưng thịnh nhất của vua Hùng, thì nghệ thuật đã cao, thiên chức nghệ sĩ đã có từ đó. Với tượng “Người Đội Chân Đèn” bằng đồng được phát hiện tại Lạch Trường (Thanh Hóa) và chiếc “Trống Đồng Ngọc Lũ” (Hà Nam Ninh) là những hiện vật tiêu biểu của nền Văn Hóa Đông Sơn – cách chúng ta 4.000 đến 3.000 năm.
Đó là giai đoạn đầu tiên có thể xác đinh một bộ mặt lịch sử hiền hòa, đẹp đẽ từ xa xưa của dân tộc ta, là chất liệu có thật để các nhà khảo cổ và nghiên cứu lịch sử Mỹ thuật làm dấu mốc.
Sau đó, nạn xâm lăng của phương Bắc đã cướp hết các hiện vật nghệ thuật, để lại một khoảng trống giữa Đông Sơn và thời Lý. Chủ quyền dân tộc, xây dựng quốc gia phong kiến được lập lại từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 12, dưới đời nhà Lý. Qua những bước chập chững trong thời Ngô, Đinh và Tiền Lê thuộc thế kỷ thứ 10, nền mỹ thuật mang tính chất dân tộc của Việt Nam có thể xem như được xác định từ thời Lý, thế kỷ thứ 11. Điêu khắc đời Lý không có lối phú quí, nhung lụa, nhàn tản cách biệt với đời sống dân thường như nền nghệ thuật tuyệt đối của thời Đường Tống, cũng không siêu nhiên như nghệ thuật Phật giáo Ấn Độ, hoàn chỉnh, trong tính cách thẩm mỹ của một lãnh thổ toàn vẹn.
Con Rồng trong điêu khắc Lý là hình ảnh của nguồn nước, vừa tượng trưng cho một tín ngưỡng, vừa là ước mơ cụ thể của cư dân trồng lúa. Tượng Phật Di Dà chùa Phật Tích là sự hài hòa chân thành của trần thế với cái nỗ lực thanh tao của đạo để thắng mọi cám dỗ trần tục.
Các di tích thời Lý, di tích sớm nhất về kiến trúc tạm được xác định là Chùa Một Cột (Hà Nội) với niên đại 1049, và di tích muộn nhất là chùa Linh Xứng (Thanh Hóa) với niên đại 1126.
Sang đời Trần, điêu khắc rắn rỏi, mập mạp, vững chãi hơn trong hình khối như Hổ Đá ở lăng Trần Thủ Độ (1264), Cánh Cửa Gỗ Chùa Phổ Minh (Hà Nam Ninh), các Con Thú ở khu An Sinh, Đông Triều, v.v… trang trí đậm đặc hơn, linh hoạt, vui, đời sống thật hơn. Tính dân gian cũng đậm hơn như trên các bức chạm gỗ Tiên Dâng Hoa, Nhạc Công ở chùa Thái Lạc (Hải Hưng)… Có thể nói nghệ thuật Lý Trần là nghệ thuật của đền chùa, Phật Giáo. Mà với quan điểm duy vật cộng sản là “hai yếu tố tôn giáo và quân quyền luôn khăng khít với nhau. Những cái được gọi là sáng tạo của nền mỹ thuật ấy, hầu như luôn gắn với một ý nghĩa nào đó nhằm đề cao giai cấp thống trị…” (Nghệ Thuật Chạm Khắc Cổ Việt Nam, trang 12, nhà xuất bản Viện Nghệ Thuật 1975).
Họ đã quên đi cái tình nghĩa thuận hòa giữa tín ngưỡng, sùng bái mộc mạc của nông dân với triết lý cao siêu, trí thức của đạo Phật. Mà có thể nói nghệ thuật Phật giáo Việt Nam cho ta cái cảm giác tươi mát, an lành, có tấm lòng thành thật của con người, bình tĩnh, thản nhiên, khi đã chứng ngộ được đâu là chân lý.
Đến đời Lê, Nho giáo chiếm địa vị chính thống, nghệ thuật cũng theo đó mà chuyển, muốn hướng về những kiểu mẫu của phong kiến phương Bắc. Nhưng chế độ nhà Lê đã chứa sẵn những mâu thuẫn, các cuộc khởi nghĩa của nông dân đầu thế kỷ 16 phá sập nó. Kết quả là nghệ thuật thế kỷ 16, 17, trở lại phục hồi và phát triển vốn cổ dân gian, chống lại sự kìm hãm của nền chuyên chế.
Điêu khắc đình làng thế kỷ 17 đầu 18 mới thật là đẹp và độc đáo một tâm hồn Việt Nam. Bởi đã phá bỏ được một trật tự đẳng cấp, phơi bày ra ánh sáng những gì trước đây được bưng bít, ngợi ca, diễn tả những gì trước đây bị kìm chế. Là nổi lên nhịp trống sôi động làng xã mà trước đây bị ức chế. Lần này, nền điêu khắc cổ Việt Nam đã tìm ra hẳn một ngôn ngữ mới.
Những lề thói của Nghệ Thuật Phật Giáo nói chung, những kiêng kỵ của nghệ thuật cung đình nói riêng, trong môi trường mới này đành tiêu tan trước tiếng cười, tiếng nói của người dân bình dị, yêu đời và tràn đầy sức sáng tạo. Đề tài chính bây giờ là những chuyện bình thường trong đời sống: đi cày, đi tắm, uống rượu, vui đùa, đánh cờ, yêu đương, con mèo, con cá… Nét khắc đục mộc mạc, chân chất, chất gỗ được sống hết cái thiên nhiên của mình. Một nghệ thuật đằm thắm, không có chút nỗ lực làm dáng, khiến tâm hồn ta thênh thang, sảng khoái.
Mèo Ngoạm Cá. Gỗ. Đình Bình Lục (Hồng Phong, Đông Triều, Quảng Ninh) năm 1705
Hãy nhìn bức chạm gỗ “Mèo Ngoạm Cá” – Đình Bình Lục (Hồng Phong, Đông Triều, Quảng Ninh) năm 1705 để thấy cái chất thô thiển của nét đục, không bị lệ thuộc vào khuôn thức, lề lối quy định có sẵn. Nó đơn giản, mộc mạc nhưng lại rất linh hoạt, sống động và lý thú.
Phở Xe Lửa ở Eden, nơi gặp gỡ của nhiều bạn hữu ở Vírginia, trong góc cuối phòng, luôn có bàn cờ cho các bạn đấu trí cao thấp. Đánh cờ không chỉ là thú vui nhàn tản, còn là cách rèn luyện sự thông minh, tập trung suy nghĩ nhanh và chính xác. Làm nhớ đến, trong nhiều đình làng ngày xưa, người nghệ sĩ dân gian đã chạm khắc với nhiều xúc cảm cho cảnh đánh cờ tướng. “Cảnh Đánh Cờ Tướng Ở Đình Ngọc Canh” (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phú) từ cuối thế kỷ 17 là một chứng tích cụ thể:
Trên mảng gỗ gần vuông, cuộc cờ vào những phút cuối, xung quanh bàn cờ có tới bốn người. Người nghệ sĩ chạm khắc này gạt bỏ lối bố cục dàn ngang cổ điển, để tầm mắt xoáy vào cuộc cờ từ nhiều điểm nhìn khác nhau, nhằm để phô diễn đầy đủ cái thế căng thẳng trên cả bàn cờ và trong cả bốn nhân vật.
Đánh Cờ, Chạm Gỗ. Đình Ngọc Canh (Vĩnh Phúc)
Bàn cờ được nhìn theo viễn cận từ trên cao xuống, và hơi chếch từ trong ra, trên đó chỉ còn loáng thoáng vài con cờ. Bốn nhân vật xếp theo vòng tròn, người ở trong và xa lại lớn hơn người ở ngoài và gần. Cái phối cảnh dẹt này lại rất mới, trình bày được tất cá mọi nhân, vật rõ ràng không che lấp nhau. Tuy hướng cả vào bàn cờ, nhưng mỗi người có một không gian riêng, cái thú vị là chuyện “cờ ngoài bài trong”, có nhân vật phanh áo ra để hở cả ngực và bụng, có khi còn kéo cả ống quần lên khỏi đùi mà gãi. Thật thoải mái như sự xuề xòa ngoài đời. Nhưng cái động hơn là sự suy nghĩ về thế công, thế thủ qua vẻ mặt trầm tư và cánh tay đưa đẩy quân cờ. Hai người “chầu rìa”, cũng nhập cuộc trận đấu, thi nhau mách nước, người thì chỉ chỏ, người thì muốn đi cờ hộ. Bốn người bốn thế ngồi riêng, cả cuộc chơi cờ được diễn tả trong khuôn hình có nền phẳng, thấp, không đối chọi lồi lõm gay gắt, nhưng ánh sáng dè xẻn từ trên cao lòng đình rọi xuống làm cho nó lung linh, chập chờn một cuộc sống riêng. Cuộc sống của nghệ thuật. Tài hoa biết mấy.
Có thể nói, điêu khắc đình làng là rất Việt Nam để từ đó, nền điêu khắc cổ của các nghệ sĩ vô danh tiến đến những pho tượng gỗ, tạc các vị tổ ở chùa Tây Phương (Hà Sơn Bình) cuối thế kỷ 18, đạt đỉnh cao của điêu khắc về tính cách tả thực, đầy sinh động: tượng Phật Tuyết Sơn, tượng Bà Tu Mật (vị tổ thứ bảy), tượng Phật-đà-nan-đề (vị tổ thứ tám), tượngLa-Hầu La-Đa (vị tổ thứ mười sáu) của phái Thiền Tông trong Phật Giáo Đại Thừa.
Về tượng ở những thế kỷ này, không thể không nhắc đến tượng Phật Bà Nghìn Mắt Nghìn Tay, tạc năm 1656 ở chùa Bút Tháp (Hà Bắc). Đây là một tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao mà nhiều người đều biết. Một pho tượng cổ quí giá như vậy, mà đọc báo ở Việt Nam thấy đăng tin bị mất cắp mà không tìm ra manh mối, cùng nhiều tượng cổ quí khác, cũng như tượng chàm ở Viện Bảo Tàng Chàm Đà Nẵng bị mất những cái quí nhất. Nghe thật đau đớn, cho một đất nước không gìn giữ được những vốn quí Văn Hóa của người xưa để lại…
Nền điêu khắc cổ Việt Nam kết thúc ở triều Nguyễn với nhiều giá trị riêng biệt, mang đậm sắc thái riêng của triều Nguyễn, mà những người nghiên cứu mỹ thuật ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa đã một thời bài bác, chê trách, nay đã xét lại và có nhiều công trình nghiên cứu, đánh giá công bằng hơn.
Nghệ thuật bao giờ cũng được sáng tạo trong một môi trường và con người nhất định. Những người nghệ sĩ xa xưa đã thành công trong việc thức dậy cái thẩm mỹ thuần khiết của người dân bình dị qua từng bức chạm gỗ. Trong một mảng gỗ hẹp mà toàn cảnh là một xúc cảm mỹ thuật và không gian mênh mông. Đó là ngôn ngữ của một bài ca dân gian âm vang mãi tới ngày nay. Mà mỗi lần nhìn lại, ta vẫn thấy vui, êm đềm, hạnh phúc. Ước mong sao, những di sản nghệ thuật vô giá của dân tộc đừng tiếp tục bị mất đi, và chính phủ cầm quyền hiện nay phải có trách nhiệm gìn giữ.
Virginia 1, 1999