1) Bốn “Không” của họa sĩ Nguyễn Gia Trí :

Trên đất ngàn năm văn vật thời thập niên 40-50 đã có lời truyền tụng về tứ tượng trong nghề hội họa: nhất Trí, nhì Lân, tam Vân, tứ Cẩn (Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tường Lân, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn). Sơn mài Việt Nam trước đây chỉ làm hoành phi, câu đối; đến Nguyễn Gia Trí phát triển thành loại mỹ thuật thượng đẳng, một ngành nghệ thuật được ưa chuộng qúi trọng. Tranh sơn mài của ông kỳ ảo, sống động, đầy dân tộc tính và bán đắt vô cùng, phải tính giá từng phân vuông. Người Pháp từ trước 1945 trong Musée du Viet Nam đã gọi ông là génie (thiên tài) và rất ưa chuộng tranh sơn mài của ông nên mua tranh ông từ khi còn ở dạng phác thảo! Trong gần 60 năm, họa sĩ Nguyễn Gia Trí đã để lại đến 400 tác phẩm: “Từ trên nửa thế kỷ nay, tên Nguyễn Gia Trí ký dưới một tác phẩm hội họa nào là bảo đảm cho một giá trị bậc thầy, được khâm phục và kính trọng trong thế giới tạo hình suốt trong và ngoài nước.” (1)

Những khách hàng muốn họa sĩ Nguyễn Gia Trí (1908 – 1993) vẽ tranh phải tuân thủ bốn điều kiện (2):

– Không được ra đề tài.

– Không được xem phác thảo.

– Không được hạn định thời gian.

– Không được trả giá.

Nếu thoát được bốn hệ lụy trên, họa sĩ sẽ được hoàn toàn tự do sáng tác và đó là điều hạnh phúc nhất của người nghệ sĩ. Cách ứng xử của ông rất cổ quái và kiên quyết trong giao tiếp. Trước 1975 có lời đồn ông từ chối bán tranh cho Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn và đã từng đuổi ra khỏi nhà một người đại diện của chính phủ Ngô Đình Diệm khi vị này trả giá một bức tranh của ông! Sau 1975, ông đóng cửa không tiếp nhnữg nhân vật lãnh đạo văn hóa nghệ thuật từ Hà Nội vào ghé đến ông.

Giai thoại sau đây (3) kể về bà cố vấn Ngô Đình Nhu đã phạm nhiều vào “bốn không” của họa sĩ. Năm 1959, bà Nhu muốn họa sĩ vẽ cho bà một bức tranh sơn mài có năm cô thiếu nữ trong vườn. Họa sĩ nhận lời và hẹn thời hạn bốn tháng sẽ hoàn tất. Trước khi về bà Nhu hỏi ông về giá cả, ông trả lời: “Tôi chỉ nói chuyện nghệ thuật, chuyện tiền nong xin bà nói chuyện với nhà tôi”. Bà Nhu sang phòng bên gặp vợ họa sĩ và được trả lời thẳng thừng: “Giá cả tính theo từng mét vuông tranh, thưa bà tôi lấy mỗi mét vuông một triệu đồng.”

Mấy tháng sau, tuy chưa đến ngày hẹn nhưng vì nóng ruột quá bà ghé phòng tranh để xem thử. Ngắm bức tranh vẽ dang dở bà đề nghị sửa đổi cánh tay của một thiếu nữ, thay vì đưa lên bà muốn nó hạ xuống! Họa sĩ có lẻ rât bực, nhưng ông chỉ nhẹ nhàng nói mỉa: “Nếu bà không thích bức này thì tôi sẽ để cho người khác. Tôi khuyên bà nên đến xưởng tranh sơn mài Thành Lễ, ở đấy họ sẽ vẽ theo đúng ý muốn của bà.” Bà Nhu nín thinh. Ra đến cổng, không hiểu nghĩ sao, bà lại quay vào hỏi bức tranh bao giờ vẽ xong. Họa sĩ bất đắc dĩ phải trả lời khi nào xong ông sẽ báo cho bà biết.

Vào cuối thập niên 50, họa sĩ đã vẽ nhiều bức tranh sơn mài thật lớn theo đơn đặt hàng của Phủ Tổng Thống để tranh trí Phòng Khánh Tiết và Thư Viện Quốc Gia, ngày nay những bức đó trở thành quốc bảo.

Thái Tuấn, họa sĩ nổi tiếng, từng là chủ khảo nhiều giải thưởng về hội họa trước 1975, đã nhận định: “Bước vào tranh anh, người ta sẽ bước vào một cõi giới khác lạ, sự vật trong tranh không còn là cái này cái kia; danh tính sự vật đã được xóa bỏ; cây cỏ và con người không còn ở thể vật chất; tất cả trở nên rực rỡ linh động trong suốt của chất pha lê pha trộn lẫn bạc vàng. Những vùng bóng tối ánh sáng tạo nên bởi màu nâu cánh gián hòa trong màu trắng bạc, gợi ra những nhân vật chỉ còn bóng dáng, bay lượn rong chơi trong không gian; nhắc nhở đến những nhân vật trong họa phẩm của Chagall. Tranh anh mang nặng tính siêu thực. Trong cõi giới siêu thực ấy, mọi lý luận, mọi trói buộc, mọi xung đột, do cuộc sống gây nên, đều được hóa giải. Người thưởng ngoạn sẽ nhìn thấy vẻ toàn vẹn của đời sống.” (4)

Nguyễn Gia Trí sinh năm 1908 ở Thường Tín, Hà Đông, Bắc Việt. Ông học khóa 5 trường Mỹ Thuật Hà Nội, nhưng bỏ học đi vẽ quảng cáo kiếm sống vì bất đồng ý kiến với chương trình giảng dạy của trường. Giám đốc V. Tardieu đặc biệt quí trọng tài năng của Nguyễn Gia Trí, đích thân Tardieu phải cố thuyết phục để đưa ông về học lại, nhằm nghiên cứu và phát triển ngành sơn mài. Ngay trong trường, Nguyễn Gia Trí có xưởng vẽ riêng, hằng ngày Giám đốc Tardieu, Giáo sư Imguiberty đến xưởng họa đàm đạo với ông.

Sau khi tốt nghiệp trường Mỹ Thuật, Nguyễn Gia Trí cộng tác với nhóm Tự Lực Văn Đoàn, viết và vẽ cho báo Phong Hóa và Ngày Nay, bạn thân thiết của văn hào Nhất Linh. Ông cùng với Nguyễn Tường Tam thành lập Mặt Trân Quốc Gia Thống Nhất Toàn Quốc đấu tranh đòi Pháp trao trả độc lập cho Việt Nam.

Ông cũng đã từng cùng với Trương Bảo Sơn thành lập chi bộ Việt Nam Quốc Dân Đảng Hồng Kông, bị Pháp bắt và tra tấn dã man như dùng một vòng sắt đóng đai lên đầu, gây thương tích nặng. Ông là người hiền đức, khiêm tốn, và khoan dung. Đến năm 47 tuổi ông vẫn còn sống độc thân. Mẹ ông có ngỏ lời với bà Cát Tường là mong ước ông Trí lập gia đình trước khi cụ nhắm mắt. Bà Cát Tường giới thiệu cô em họ của mình tên Nguyễn Thị Kim với ông Trí và sau đó hôn lễ diễn ra nhanh chóng. Bà Kim nhỏ hơn Ông Trí hai mươi tuổi. Hai vợ chồng không con, chỉ có một đứa con nuôi.

Trước 1975, ông sống gần như ẩn cư ngay giữa cảnh Sài Gòn đô hội. Kẻ hậu sinh có tài như Trịnh Cung – thành viên của Hội Họa Sĩ Trẻ ở miền Nam, nhắc đến ông với giọng ngưỡng mộ: “Khoảng 30 năm, kể từ khi tôi vào đời đến nay chưa hề được thấy ông làm triển lãm ở các phòng triển lãm của thành phố, thế mà khi nhắc đến ông một cảm giác tôn kính ông như đã có từ bao giờ trong da thịt tôi…Ông chính là người đầu tiên đã làm mới tranh sơn mài, Cũng chỉ sử dụng vàng, đỏ, đen, vỏ trứng và sơn phủ như bất cứ một họa sĩ tranh sơn mài nào khác, thế mà ông đã dựng nên một thế giới hội họa rất sống động, kết qủa của sự phối thành từ hai trường phái phục hưng và hiện đại. Sư thành đạt này cũng có thể được coi như tương đương với kỳ công của Andres Ségovia – nhà thiên tài âm nhạc người Tây Ban Nha đã đưa cây đàn guitare dân gian lên địa vị một nhạc cụ hàn lâm.” (5)

Sau 1975, những thay đổi phũ phàng ở miền Nam khiến ông hết muốn sáng tác, như bức tranh “Vườn Xuân Trung Nam Bắc” vẽ dở dang trước năm 1975 đến mãi vài năm cuối đời khi còn có sức mới hoàn tất! Bức tranh hiện đang trưng bày tại Viện Bảo Tàng Mỹ Thuật TP/HCM. Ông qua đời ở nhà riêng tại Phú Nhuận hồi 10 giờ 30 đêm 20-6-1993, hưởng thọ 85 tuổi, để lại vợ và một con nuôi.

 

2) Mona Lisa Việt Nam:

 

Ông Paul Zetter, một nhà soạn nhạc người Anh ví bức tranh sơn dầu “Em Thúy” của họa sĩ Trần Văn Cẩn, như là bức tranh Mona Lisa của Leonardo da Vinci. Ông bị cám dỗ bởi sự kiêu hãnh thầm lặng của cô bé, qua đó ông cảm nhận được một cơn giông lớn sắp xẩy ra trong lịch sử Việt Nam mà thế hệ của cô bé phải đương đầu.

Bức tranh là nguồn hứng để Paul Zetter sáng tác “Điệu minuet cho Em Thúy”. Bức tranh cũng ám ảnh ông đến nỗi khi có dịp qua Việt Nam, ông cố tìm cho được người mẫu của nó dù bức tranh đã vẽ trên nửa thế kỷ. Rất may, ông đã gặp em, bây giờ đã là Bà Thúy, 67 tuổi! (6)

Họa sĩ Trần Văn Cẩn vẽ Em Thúy, chân dung cô cháu, con người chị ruột năm ông 33 tuổi, tốt nghiệp trường Mỹ Thuật Đông Dương, cùng khóa với Nguyễn Gia Trí. Đôi mắt tư lự của cô bé khoảng 8 tuổi là một thế giới đầy bí ẩn mà chỉ cô bé mới biết rõ. Bức tranh sống động khiến người xem phải tò mò tự hỏi trong đôi mắt ấy chứa đựng những gì?

 

T. V. Phê

(08/2006)

Nguon: hocxa.com

Tài liệu tham khảo:

(1) Đi thăm Nguyễn Gia Trí buổi đầu xuân, Phan Lạc Phúc, Thế Kỷ 21 số 189&190 (Xuân Ất Dậu), 2005.

(2) Nói chuyên với họa sĩ Rừng: hành trình 40 năm đến với mỹ thuật, Mấy nẻo đường của nghệ thuât & chữ nghĩa, Huỳnh Hữu Uỷ, Văn Nghệ, 1999.

(3) Người học trò của họa sĩ, Nguyễn Tường Thiết, Thế Kỷ 21 số 189&190 (Xuân Ất Dậu), 2005.

(4) Họa sĩ Nguyễn Gia Trí, Thái Tuấn, Tuyển tập tranh và tiểu luận, VAALA, 1996

(5) Nguyễn Gia Trí, Huỳnh Hữu Ủy, Thế Kỷ 21 số 189&190 (Xuân Ất Dậu), 2005.

(6) Mona Lisa Việt Nam, Hồ Tùng Nghiệp và Liên Hoa, Khởi Hành số 82, tháng 8-2003.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.