Đầu thế kỷ trước, nhà khảo cổ học Thụy Điển O.Janse phát hiện ra cây đèn đồng hình người ở Thanh Hóa vào năm 1935, rồi sau đó 24 năm, ông cho ra mắt cuốn bút ký khảo cổ học nổi danh: Bí mật cây đèn hình người. Cuốn sách đã đưa ông và tác phẩm nghệ thuật này có mặt trong hầu hết các văn liệu khảo cổ học về văn hóa Đông Sơn.
Theo quan niệm của O.Janse và các nhà khảo cổ học đương thời, cây đèn khai quật có niên đại thuộc hậu kỳ thời đại đồ đồng thau – bước sang thời đại sắt sớm. Chính nhờ đó, tôi dùng khái niệm Hậu Đông Sơn để chỉ những cây đèn đồng sẽ được nói tới dưới đây, như là một cách tiếp cận theo quan niệm xưa, hẳn sẽ phù hợp hơn, kể cả về mặt học thuật cũng như những vấn đề nhạy cảm khác của giai đoạn tiếp biến văn hóa đầu Công nguyên.
I. Những loại hình tiêu biểu
Có thể nói, sau O.Janse, không mấy ai trong các nhà khảo cổ học Việt Nam bàn đến những cây đèn đồng. Phải chăng, duy nhất chỉ có cây đèn Lạch Trường, Thanh Hóa, hay còn những cây đèn khác nữa mà chúng ta chưa được tiếp cận?
Tôi là người đã được nhìn, được cầm và được bước đầu nghiên cứu không dưới 20 cây đèn, có niên đại Hậu Đông Sơn, đang lưu giữ trong các sưu tập tư nhân và bảo tàng nhà nước, mới thấy giai đoạn này, đèn dường như là một loại hình ưa thích của cư dân. Số lượng ấy chắc chắn còn khiêm tốn so với những cây đèn đất nung cùng thời, nằm trong những sưu tập, tôi được tiếp xúc, nhưng không là đối tượng trong bài viết ngắn này.
Trước hết, đó là những cây đèn hình người, với nhiều tư thế, nhưng chủ yếu là quỳ. Tượng tròn, giống như Lạch Trường, nhưng kích thước nhỏ hơn, với nhiều vẻ mặt, đầu tóc khác nhau. Cách cầm đèn thì rất đa dạng, khi thì để trước ngực, khi thì dựng bên sườn, khi thì đội lên đầu. Nét mặt khi đau khổ, lúc tươi vui như tượng tễu, nhưng dường như chất Đông Sơn còn khá đậm nét kể cả trên phương diện nhân chủng học và phòng nghệ thuật. Một tượng người ngồi trên đế mỏng, đĩa đèn tròn đính trên giá, nằm ở bờ vai phải, khuôn mặt thì không thể trộn lẫn vì nó rất giống với tượng trên cán dao găm hay hình người trên trống đồng. Một chiếc đèn tượng người quỳ khác lưu giữ ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam nhân dạng như mặt khỉ, hệt như trên những trống đồng Đông Sơn dáng thấp, phát hiện được ở một số tỉnh miền núi phía Bắc mà một số nhà nghiên cứu Việt Nam gọi đó là phong cách Điền.
Cho đến nay, ở Việt Nam, có khoảng 4 cây đèn hình người tôi được biết, trong đó có hai ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, kể cả cây đèn Lạch Trường nồi tiếng.
Sau đèn hình người là đèn hình thú. Hình thú đa dạng và phong phú hơn rất nhiều hình người. Chúng là những linh thú, là bò, hươu, voi… được diễn tả khá sinh động với nhiều kiểu dáng khác nhau. Đèn hình thú thường có tư thế quỳ và nằm, đầu ngẩng cao kiêu hãnh, ngõng đèn được đặt trên lưng và dường như nó còn một cọc đính đĩa đèn, đúc rời, nhưng nay rất ít thấy, khiến nhiều người sưu tập cho đây là loại ống cắm bút – một trong những đồ dùng của văn phòng tứ bảo. Những đĩa đèn loại này có hình trụ hoặc hình chỏm cầu, ở giữa có một tim nhọn để đặt bấc, dưới đĩa là một cọc ngắn đầu nhọn, dùng để cắm vào ngõng đèn trên lưng thú. Loại đèn này tôi đã được nhìn thấy nên có thể khẳng định, tất cả đều là những cây đèn đồng đúng với chức năng. Đèn hươu và đèn bò thường có tư thế đứng hoặc đi, đĩa đèn cũng được để trên lưng, thành đứng và sâu. Đèn voi, hiện có một chiếc duy nhất ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam có bố cục phức tạp và hoành tráng vô cùng. Voi đang đi, đầu cúi xuống, trên lưng là một cọc đèn với nhiều lớp, nhiều nhánh tỏa ra. Đầu mỗi nhánh là những đĩa đèn hình trụ, sâu lòng giữa có tim đặt bấc, đầu nhọn.
Ngoài những đèn tượng linh thú, xem ra có đôi chút xa lạ với nghệ thuật Đông Sơn, còn những đèn tượng hươu, tượng bò, tượng voi đều thấy trên những họa tiết của trống đồng, trên đốc dao găm và trên những chiếc chuông vẫn quen gọi là chuông “voi”, có xuất xứ văn hóa Đông Sơn.
Đèn treo của thời Hậu Đông Sơn có số lượng nhiều và chủng loại phong phú. Chúng bao gồm những loại có quang treo là một thanh đồng hình gần tròn, được đính với đĩa đèn ở dưới, hình trụ, thành đứng, sâu lòng, có tim đèn nhọn ở giữa để đặt bấc. Đĩa đèn không chân hoặc ba chân quỳ, giống hệt các loại ấm ba chân thời đầu Công nguyên. Trên quang treo có phượng hoàng nằm ở đỉnh, tượng người quỳ thổi khèn, thổi sáo, quay hướng lên đỉnh của quang nơi phượng hoàng tọa lạc. Những khối tượng nhỏ này mang đậm chất tượng tròn của văn hóa Đông Sơn thường thấy trên cán dao găm, hay trên những hoa văn hình người, hình chim của trống đồng.
Một loại quang treo khác bằng dây xích, được móc vào hai hoặc bốn khối tượng người quỳ, qua những háng chân, phân bố đều trên thành miệng của đĩa đèn. Đĩa đèn sâu, có khối hình khá giống với thố đồng, nhưng thiết kế đặc biệt hơn nhiều. Thành miệng loe rộng, ngoài hai hoặc bốn tượng người, còn nhiều băng hoa văn hình học. Kể cả người và hoa văn đều mang đậm chất Đông Sơn. Thân đĩa loe như một chiếc cốc, trên to, dưới nhỏ, giữa có sống nổi trang trí nhiều hoa văn hình học trên miệng. Đế đĩa đèn loe, nhỏ hơn miệng, giống như tỷ lệ của miệng và đế thố, nhưng phần dưới có đeo nhiều quả chuông nhỏ, giống như những quả chuông trên các vòng ống, bao tay Đông Sơn. Tuy nhiên, đây mới chỉ là phần vỏ ngoài của đĩa đèn, phần trong là một hình chỏm cầu nông lòng, có tim đèn nhọn ở giữa. Đó mới chính là phần để dầu và bấc. Vỏ bọc ngoài sâu, to và nhiều hoa văn chỉ như là một sự tôn tạo cho cây đèn hoành tráng và mỹ thuật hơn. Cũng là treo, nhưng chính xác hơn là móc, gồm một số cây đèn có phần cán là một thanh đồng khi tròn, khi dẹt, đầu là rồng hoặc rắn có tư thế vươn cao rồi quặp xuống như một chiếc móc. Một đầu kia đúc liên vào đĩa đèn hình trụ, hình chỏm cầu, không chân hoặc ba chân quỳ. Đó là loại đèn được móc trên tường, theo đó, một bộ gá lắp vào nó vốn xưa kia được chốt trên tường, nay không thấy nữa. Cán đèn là đầu rồng, đầu rắn hiếm hơn, nhưng tạo hình như cán xoong, cán chảo của loại đèn này thì khá phổ biến.
Đèn treo, đèn móc, với đĩa đèn ba chân quỳ và móc đèn là hình rồng dễ làm người ta liên tưởng tới những loại hình đồ đồng thời đầu Công nguyên được du nhập từ bên ngoài, nhưng nếu nhìn vào khối tượng người, tượng chim, tượng rắn và những hoa văn tết hình bông lúa ở những quang treo, không thể phủ nhận được yếu tố Đông Sơn, đôi khi lấn át ngoại lai, để rồi không thể gọi đây là những cây đèn thời Đông Hán, như rất nhiều người quen gọi, mà tôi muốn coi đó là đèn thời Hậu Đông Sơn, khi mà hai nền văn hóa tiếp xúc khá mạnh mẽ với nhau.
II. Những kiến giải bước đầu
O.Janse tìm nguồn cội cây đèn đồng hình người Lạch Trường, Thanh Hóa từ phương Tây, với sự liên hệ quá xa vãng với thần thoại Hy Lạp, như một trào lưu thời bấy giờ, muốn phủ nhận tính bản địa của văn hóa Đông Sơn.
Sau này, Đỗ Văn Ninh kéo lại gần hơn, muốn đưa cây đèn về tới Trung Nguyên, qua câu chuyện, đánh Hung Nô, bắt tù binh làm người hầu đội đèn và thực tế ấy phản ánh qua tác phẩm nghệ thuật Lạch Trường, theo đó, nó chính là của người Hán, mang tư tưởng Hán.
Rồi, sau này, không chỉ thông qua cây đèn, ở hầu hết các sưu tập đồng, gốm phát hiện trong các mộ gạch đầu Công nguyên ở Việt Nam, nhiều người càng tin hơn vào yếu tố Trung Nguyên của bộ sưu tập này. Chúng được mang vào cùng với đội quân viễn chinh người Hán, để khi chết, chôn theo, như quan niệm của hầu hết các dân tộc phương Đông. Quan điểm có tính dung hòa, nhìn cây đèn ấy, cùng với một bộ sưu tập hiện vật đầu Công nguyên, như là một sự tiếp biến văn hóa, với định danh “Việt – Hán”.
Lẽ đương nhiên, mỗi lý giải đều có những căn nguyên, khi thì họ mang yếu tố Âu châu trên khuôn mặt người đội đèn Lạch Trường, rồi khiên cưỡng ghép nó với thần Dionysos (rượu nho) với bao sự liên hệ suy diễn mang tính logic, khiến nhiều người tin ở đó có một phần sự thật. Khi thì từ bộ râu quai nón, tóc quăn, thường được miêu tả là những đội quân Hung nô vào quấy phá Trung Nguyên, mà người Hán bắt làm nô lệ. Khi thì với một tiêu bản có một không hai của Lạch Trường cộng với những kiểu mô hình nhà, bình con tiện, ấm ba chân, tiền Ngũ thù… có niên đại cùng thời với cây đèn này, dường như khó có một dẫn dụ nào hơn để phản bác. Còn, với cách nhìn pha trộn hai yếu tố Việt – Hán, được coi là an toàn và hợp lý nhất, nhằm lý giải cho các hiện tượng văn hóa của hai nền văn minh lớn gặp nhau.
Giờ đây, với một bộ sưu tập đèn trong tay, có niên đại tương đồng với Lạch Trường, khiến cho nó không còn đơn độc và từng chi tiết của những cây đền không hề Tây, không hề Hán chút nào. Chúng là những sản phẩm của Đông Sơn, ít nhiều có ảnh hưởng bên ngoài, nhưng được pha trộn và được hòa tan từ người Đông Sơn. Chúng luôn để người xem có cảm giác, không chịu ảnh hưởng trực tiếp từ đâu và dường như có sự cách bức về thời gian và không gian, để đến hôm nay, không nhận thấy bất cứ một nguồn gốc nào, ngoài chất Đông Sơn của những cây đèn ấy.
Điều này, càng được minh chứng rõ ràng hơn, khi các học giả hàng đầu về đồ đồng và đồ gốm của Trung Quốc, tiếp xúc với một bộ hiện vật Hậu Đông Sơn ở Hà Nội, nhìn thấy bình con tiện, ấm ba chân, mô hình nhà,… không hề rung động để coi đây là sản phẩm từ triều đại Đông Hán của họ. Học giả Mỹ, Marinlyn cũng nhận ra điều này và dường như còn phân tích thấu đáo hơn khi coi những bộ hiện vật đầu Công nguyên ở miền Bắc Việt Nam còn khác biệt cả với Quảng Đông, thủ phủ của cường quốc Nam Việt xưa.
Gần đây, tôi có dịp sang thăm nhiều lần vùng Lưỡng Quảng, được xem nhiều bộ sưu tập của mộ Nam Việt Vương, của Hợp Phố, mới thấy chúng khác xa so với Trung Nguyên, và cũng dường như chỉ có đôi chút quan hệ mỏng manh với những hiện vật cùng thời của Bắc Việt Nam.
Nhìn rộng hơn bộ sưu tập có niên đại cùng thời với những cây đèn, với mong muốn sự tiếp cận của chúng ta, cần phải tổng thể hơn, mà đôi ba ý kiến trên đây chỉ như là một sự gợi mở bước đầu.
Trong lịch sử cây đèn Việt Nam, hơn 20 thế kỷ, nếu không kể thời hiện đại, thì đèn thời Hậu Đông Sơn có lẽ là phong phú nhất về số lượng và hình loại. Nó dường như không có tiền đề ở phía trước và biểu hiện suy thoái ở giai đoạn sau. Nó là một hiện tượng nổi nét trong lịch sử đèn Việt Nam. Hiện tượng ấy có thể liên quan tới quan niệm của người đương thời và quan niệm này có liên quan tới tín ngưỡng và tôn giáo. Trong các quan hệ tôn giáo thần bí Phương Đông hay trong các hoạt động tế lễ về ban đêm thì ánh sáng đóng vai trò cơ bản. Điều này có quan hệ gần gũi với những ý tưởng về vũ trụ bao la và được xem như là sự phản ánh cao quý của mặt trời, trăng và sao. Ánh sáng là biểu tượng của tâm hồn và chứa đựng nội dung thiêng liêng. Ánh sáng phát ra từ cây đèn như hào quang chói lọi. Ánh hào quang đó đưa lại cho mỗi con người luôn tôn kính thần thánh, tín ngưỡng và sự bất tận.
Những chiếc đèn có thể được xem là biểu hiện luân hồi của tạo hóa. Điều đó có nghĩa, chúng là vật dẫn đường chỉ lối cho người chết trong cuộc du ngoạn ở thế giới bên kia.
Những ý tưởng này xem ra có vẻ khá trùng hợp với hiện tượng của khảo cổ học thường thấy ở đầu Công nguyên, khi những cây đèn chủ yếu tìm thấy trong các ngôi mộ. Và chủ nhân của những ngôi mộ ấy cùng với gia tộc của họ quan niệm, người chết sang thế giới bên kia, sống trong một vũ trụ khác, bao la hơn, cũng có trăng, có sao, có mặt trời và hào quang được phát ra từ những cây đèn. Nó đi liền với quan niệm “của đồng chia ba, của nhà chia đôi” đề người xuống cõi âm vẫn có đồ dùng như khi sống. Quan niệm ấy tồn tại cho tới tận ngày nay, phổ biến ở các dân tộc Phương Đông.
Cây đèn liên quan tới thần linh và tín ngưỡng đối với Phương Đông nói chung, Việt Nam nói riêng và dường như nó hành trình với người Việt cho tới tận bây giờ. Tuy nhiên, mật độ đậm đặc của đèn thờ, bắt đầu từ thời Lê Sơ, rực rỡ vào thời Mạc và phổ biến vào thời Nguyễn, thường được thấy trong các di tích, các đình, đền, chùa, miếu, từ đường…
Lẽ đương nhiên, đó chỉ là ý sâu xa được giải mã từ cây đèn, nhưng trong quá trình vận động, không biết từ bao giờ nó trờ thành đồ thông dụng, nhưng dù chúng là đồ dùng, vẫn ẩn chứa thần linh và tín ngưỡng khiến những người nghiên cứu cần phải đọc ra. Dẫu vậy, trong phả hệ đèn Việt Nam, đèn thờ vẫn có một cái gì đó khác biệt hơn, để một lần nữa, tôi càng nhận ra, những cây đèn hình người nói riêng, phức hợp đèn nói chung thời Hậu Đông Sơn chứa đựng nhiều điều bí mật cần khám phá và giải mã.
Nếu tôi là một người chuyên sâu và có đủ tầm, thì cần phải phân loại và khảo tả kỹ hơn từng loại hình, đọc ra những chi tiết hoa văn, giải mã đôi điều về cấu trúc hình của những cây đèn… hẳn sẽ tìm ra được nhiều tín hiệu về thần linh và vũ trụ, ví như quang treo đèn hay vòng hào quang, phượng trên đỉnh quang đèn hay thần vũ trụ. Đèn trên lưng voi hay là cây vũ trụ và những nhạc công thổi sáo, thổi khèn như một đoạn kết của sự tái hiện các ông thánh, bà thánh với sự trầm luân của con người cùng suy tư về sự lựa chọn con đường đi…
Xin được nhường cho những người đi sau, nhiều tài năng và đủ điều kiện để đi đến tận cùng tim hiểu những cây đèn ấy, hẳn sẽ lý thú hơn nhiều và biết đâu, những khiến giải của tôi hôm nay không còn phù hợp, chỉ là như tiền đề cho những chuyến khảo cổ sâu sắc hơn.
TS. Phạm Quốc Quân
Đăng lại từ Tạp Chí Cổ Vật (tapchicovat.vn)
Nguồn : Trí Thức VN