Chúa Trịnh Tạc (1606 – 1682) và Trịnh Căn (1633 – 1709) được Samuel Baron mô tả nhiều trong thời gian ông lưu lại Đông Kinh (tên gọi của Hà Nội thời Lê – Trịnh).

Lập thế tử

Chúa bây giờ là chúa thứ tư họ Trịnh, kể từ lúc (Trịnh Tùng – PV) diệt nhà Mạc và bắt đầu xây dựng nền tảng quyền hành cho con cháu bây giờ. Chúa (Định vương Trịnh Căn – PV) năm nay năm mươi ba tuổi, tạng yếu nhưng cai trị tài. Chúa kế nghiệp cha (là Tây vương Trịnh Tạc – PV) năm 1682 nhưng trước năm ấy chúa đã được tham dự vào việc cai trị nước Nam rồi. Chúa sinh được ba con trai và ba con gái. Con trai cả (Trịnh Vịnh – PV) và con trai út (Trịnh Lan – PV) mất rồi; người thứ hai (Trịnh Bách – PV), đúng vào năm ông nội (Trịnh Tạc) mất (1682) thì mắc chứng điên, nhưng bây giờ khỏi rồi, và được phong làm thế tử.

Thế tử có phủ riêng cũng lộng lẫy như vương phủ, có quan văn, có quan võ, có quân hầu nhất nhất như bên phủ chúa, chỉ có khác một điều là người trong phủ thế tử phải nhường bước cho người bên phủ chúa. Khi chúa mất, thế tử lên thay lấy người của mình vào làm thủ tục, chỉ đặc biệt giữ lại ít người thông minh và từng trải đã giúp việc tiên chúa.

Nếu chúa Trịnh kết hôn thì bà chính phi được mệnh danh là “Quốc mẫu” vì bao giờ bà cũng trong dòng dõi nhà vua và được coi sóc các bà thứ. Chỉ lập Quốc mẫu vào những năm cuối cùng khi nào chúa không còn hy vọng sinh con nữa; các bà thứ thì nhiều lắm vì có khi trước năm mười tám tuổi các chúa đã lấy vợ rồi, không hạn chế, ba trăm, năm trăm tùy theo sở thích của các chúa.

Trong sự chọn lựa các bà thứ, các nàng hầu thì sắc đẹp không được chú trọng bằng tài múa, hát, chơi âm nhạc hoặc khéo biết cách làm vui lòng chúa. Người nào sinh con trai đầu tiên trước cả các người khác, được coi như là bà chính thê từ ngày con mình được nhận làm thế tử và được trìu mến hơn bà chính phi, được tôn trọng cũng gần bằng bà chính phi. Các bà khác, ai sinh con gửi chúa, được gọi là đức bà, con trai (trừ thế tử) là đức ông, con gái là bà chúa.

Các anh em trai, chị em gái của chúa cũng được tôn gọi như thế; nhưng con cháu các ông, các bà thì không, chỉ trừ con cháu của người con trai trưởng.

Chắc chắn là chúa cho con cháu dư lương bổng chi dùng nhưng chỉ trích tiền kho cấp cho anh em ngài vừa đủ hay thiếu tùy theo ý ngài. Cháu chắt càng xa càng được ít, đến đời thứ tư hay thứ năm thì đừng trông đợi gì nữa cả.

Dùng độc dược giết em trai

Như đã nói trên, tôi chỉ biết có mỗi một chuyện một chúa Trịnh lãnh đạm mà giết em: ấy là tiên chúa Tây vương Trịnh Tạc đối với em là Trịnh Toàn (Ninh quận công Trịnh Toàn là con út chúa Trịnh Tráng).

Trịnh Toàn, em thứ của Trịnh Tạc, là một quận vương dũng cảm; tính hào phóng, độ lượng, lịch lãm, nên được dân yêu và quân mến như cha đẻ; hành binh vừa khôn ngoan, can đảm thắng Nam quan của chúa Nguyễn nhiều trận nên được quân địch khiếp phục và tôn gọi là “Thần tướng Bắc hà”. Uy danh mỗi ngày một tăng ngoài cõi và trong triều làm cho ông anh ghen tức.

Chúa Tây vương, rõ lòng em như thế, có ý muốn can ngăn, nói cho Trịnh Toàn hiểu rằng nhất nhất Toàn đều theo lệnh anh và Toàn thắng trận được do tài cai trị khôn ngoan và sáng suốt của chúa. Trịnh Toàn chối và thề không có ý làm điều gì hại cho anh, nếu quân, dân có xui ông tiếm vị thì chẳng những ông không nghe, ông còn nghiêm phạt những mưu sĩ (gian ác) ấy.

Lời tuyên ngôn ấy làm cho Trịnh Tạc yên lòng bề ngoài. Mấy năm sau, Tây vương cho triệu Toàn bấy giờ đang trấn đất Nghệ An về. Toàn tuân lệnh về đến phủ liêu thì bị xiềng và giam vào một gian ngục gần cung điện. Ninh quận công bị giữ như thế mấy năm; tội ông chắc không lấy gì làm nặng lắm và không có chứng cớ để hành hình ông.

Nhưng vào khoảng năm 1672, có hơn bốn vạn quân tụ tập ở Kẻ Chợ. Quân kéo đến cửa phủ nhưng vốn tự nhiên sợ hãi chúa không dám vào, không có khí giới, họ chỉ có tay không và lưỡi để điều trần, ồn ào, hỗn độn thóa mạ chúa đã vô tình với quân dân, lại hào phóng với các bà phi, cho phép các bà này phung phí tiền kho để binh sĩ túng thiếu và khổ sở gần chết, họ gán cho chúa đã cố ý triệt họ bằng những phương tiện cực nhọc và đau đớn; đói khát và rách bẩn. Họ kể công cán họ trong quân đội và dọa sẽ làm những điều quá độ nếu chúa không tăng lương và không ban thưởng tiền cho họ.

Trong tình thế cấp bách ấy, chúa Trịnh họp bàn với các quan. Còn bọn loạn quân bàn bạc nên bầu lấy một chủ tướng để dìu dắt và giữ kỷ luật cho họ. Họ đề xướng Ninh quận công và đồng thanh bầu ông; giá trời không tối thì họ đã kéo đến ngục tìm quận công, nên họ đợi đến hôm sau.

Chúa Trịnh dò biết ý định của họ, tự tay chế thuốc độc cho quận công và đến tảng sáng sai một viên thái giám tin cẩn bưng sang ngục rồi truyền lệnh cho quận công uống. Trông thấy quận công thì tên thái giám quỳ lạy bốn lạy, thuật lại lệnh của chúa và dâng lên quận công thứ tặng vật của vương huynh. Quận công thấy thuốc độc thì hiểu ý. Ta không rõ công đã nói những điều gì, chỉ biết công hướng về phủ chúa quỳ lạy bốn lạy, uống độc dược và vài giờ sau mất.

Đấy là hồi cuối cùng đời Ninh quận công mà đức hạnh bị coi như tội ác, lòng cảm phục của quan quân đã làm cho chết sớm, chết oan.

Samuel Baron
Nguyễn Trọng Phấn (dịch)

Theo ThanhNien

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.