Một số ghi chép dưới đây của nhà truyền giáo G.F.de Marini (1608 – 1682). Ông đã ở Bắc kỳ 14 năm, sau đó cho in cuốn sách về xứ sở này tại Paris năm 1666.

Nhà làm bằng gỗ và rơm

Nhà cửa của người Đàng Ngoài và lối họ xây dựng rất giản dị không được suy nghĩ kỹ càng và không theo một chủ ý gì cả. Bởi thế họ không cần nhờ đến các kiến trúc sư, đến các ông thợ cả vì theo tôi không cần tinh khôn lắm mới dựng được cho mình những cái nhà như thế. Làm gì có những sự chạm trổ tinh vi, những gian nhà đẹp như những lâu đài. Mọi vật đều làm bằng gỗ và rơm. Người dân dựng bốn cái cột hình tròn, được bào đục ít nhiều, lên trên những khối đá tròn và rộng nhiều hay ít dùng làm trụ đỡ vì không thể chôn chân cột xuống đất trừ phi cột ấy làm bằng một thứ gỗ rất hiếm và đắt không mục ngay ở dưới đất. Họ đặt lên trên bốn cái cột đó nhiều miếng gỗ khác; khi nào những người dân túng thiếu này muốn làm nhiều gian nhà, họ dựng thêm nhiều cột, vách, ván hay tre, trát bằng một thứ bột rất nhuyễn màu thiên thanh nhạt.

Nền bằng đất nện kỹ, mái lợp rơm hay rạ. Nhà làm cách xa nhau, xung quanh có hàng rào sậy, có vườn, có ao thả cá – món ăn thường của người nghèo. Giường đặt cách mặt đất chừng hai thước chỉ gồm có một lớp gỗ dài bốn thước lắp với bốn mảnh gỗ, trên đặt giát tre hay một lần lưới đan bằng dây; trên nữa trải chiếu; họ nằm ngủ chẳng có đệm, chẳng có chăn đắp.

Nhà những người giàu có, quan tư cũng ngang mực với đất; nên đến cửa thì ta bước vào nhà ngay. Những nhà này rộng, xây dựng có ngăn nắp và làm bằng vật liệu tốt hơn nhà của thường dân. Trước mặt nhà lối cửa vào có sân rộng nhiều hay ít đủ chứa những người đến nhờ vả hay kêu xin điều gì. Có hành lang lợp và làm theo hình bán nguyệt chạy quanh nhà. Những khung hình tò vò đặt lên những cột gỗ to rất tốt, đối nhau rất đều.

Cửa vào nhà thường dân thấp và bé để bọn trộm cướp khó mang đi những đồ vật chúng lấy được. Cửa ngõ nhà quan thì rộng hơn vì các ngài không sợ gì trộm cướp (chính chúng lại sợ các ngài) và có lính canh giữ luôn luôn. Tuy vậy những nhà quan cũng không có những tấm thảm hay những bức hàng quý giá; chỉ có những thứ chiếu nhỏ bằng cói rất đẹp; nhuộm màu khác nhau, trên có nhiều hình đẹp; của cải để cả vào thóc gạo, người nào có nhiều thưng gạo nhất được coi là giàu có nhất, thành thử khi ta nói ai có nhiều lúa thóc chính ta muốn bảo rằng người ấy rất giàu có, sung túc.

Trong xứ không có đường to, không có phố lát đá và chia ra từng đoạn như bên ta, nhưng nhà cửa cách nhau và rải rác khắp đồng ruộng như tôi đã nói ở trên. Một số đông nhà họp lại thành một làng trong có một nhà công cộng (đình).

 Thành Hà Nội

Bây giờ ta sang chuyện hoàng thành để biết sự tráng lệ của kinh kỳ, dù các nước ngoài gọi vắn tắt là kinh đô (La Cour) vì vua thường đóng ở đấy. Dân bản xứ thì đặt tên là Kẻ Chợ, nghĩa là chợ, chợ phiên. Bởi vì, trong xứ có sản vật gì tốt, ngoại quốc có hàng gì đem vào bán, đều đưa đến đây cả, một tháng có hai phiên chợ to, vào ngày mùng một và mười lăm của tuần trăng. Kẻ Chợ chiếm một vùng đồng bằng rất đẹp và rất phì nhiêu, rộng hàng bao nhiêu dặm và đặt trên bờ một con sông phát nguyên từ Trung Quốc. Sông bọc lấy thành thị trong một khuỷu rộng nên việc buôn bán được dễ dàng; thuyền bè luôn đi lại được trên sông; sông còn chia ra nhiều ngành, nhiều sông đào rất có ích cho việc chuyên chở các hàng hóa và làm thuận tiện việc buôn bán các tỉnh ngoài với đô thị.

Người Âu châu nào đến thăm kinh thành (hay Kẻ Chợ tùy theo lối gọi của mỗi người), sẽ thấy nhà cửa ở đấy không phải là những đầu đề để ta ca ngợi, bởi vì nhà cửa cũng không khác nhà cửa những vùng khác trong nước; muốn làm những nhà đẹp hơn, phải tiêu tốn hơn vì đào sâu 2, 3 thước đã thấy nước rồi, muốn tiện lợi mỗi nhà đào một ao nhỏ thả cá, có nước dùng để giặt quần áo, tắm rửa, tưới rau.

Nhà nào cao lắm thì có tầng gác thứ nhất, nhưng trên làm nhiều chỗ cao, phòng khi nước lụt thì rút lên ở. Phố xá không lát đá. Dân gian thiếu chút nữa thì tồng ngồng và bao giờ cũng đi chân không như ở khắp trong xứ. Tuy có chỗ bẩn thỉu và đáng xấu hổ, ta cũng nên công nhận rằng thành này có nhiều chỗ rực rỡ lộng lẫy.

Thành phố có 72 phường phố, mỗi phường rộng bằng một thành phố trung bình bên Ý Đại Lợi ta. 72 phường đầy những thợ cùng người buôn, muốn tránh sự hỗn độn và giúp ta tìm ngay được thức ta cần dùng, ở cửa mỗi phường có một tấm biển đề rõ thứ hàng, tốt hay xấu thành ra ít khi có người (cả người ngoại quốc) bị nhầm về giá hàng, về phẩm hàng tốt hay xấu, về lượng hàng bán đủ hay thiếu. Trên kia tôi đã nói là người ta chở đến đây tất cả các thứ sản vật trong xứ, của ngoại quốc, chở đến nhiều hơn bất cứ nơi nào trong nước. Vì lẽ ấy nên đức vua muốn các hàng hóa ngoại quốc đều ghé lại xứ, và ngài chỉ ưng rằng các tàu bè Trung Hoa, Nhật Bản, Cao Miên (Campuchia – PV), Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Phi Luật Tân (Philippines – PV), Hà Lan và các nước khác ở Đông phương muốn vào trong xứ phải ngược sông (Nhị Hà), không được đậu bến nào ngoài bến Kẻ Chợ.

G.F.DE MARINI
Nguyễn Trọng Phấn (dịch)

Theo ThanhNien

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.