Mua đồ cổ xem mông, mua tranh cổ xem lưng là câu nói là câu nói truyền tai nhau của những nhà sưu tầm mỗi khi họ mua một món đồ cổ hay tranh cổ. Nhưng để hiểu câu nói này cho đúng không phải là dễ. Một tác phẩm nghệ thuật như tranh, tưởng chừng mọi thứ đã được người họa sĩ thể hiện trên bề mặt của nó. Tuy nhiên cuộc đời và số phận của bức tranh đó, lại được thể hiện rõ nhất phía sau bức tranh.

Nhìn cho ra nhãn

Với những nhà sưu tầm Châu Á (ví dụ nhà sưu tầm người Trung Quốc) khi mua một bức tranh, họ thường hay đóng dấu chủ sở hữu trên mặt bức tranh đó. Thì ngược lại, những nhà sưu tầm phương Tây lại hầu hết dán nhãn, đóng dấu, những hình ảnh họ mua và bán ở phía sau lưng của bức tranh.

Một bức tranh có thể có một bộ sưu tập các nhãn dán sau lưng, điều này cho chúng ta biết nhiều điều về tiểu sử của bức tranh, bao gồm những chủ nhân cũ của bức tranh, triển lãm mà bức tranh từng tham dự, phòng trưng bày sở hữu bức tranh hay cả những lần bức tranh được đưa lên sàn đấu giá. Và hơn nữa, với những nhãn dán này, đôi khi chúng ta còn có thể biết được năm tháng của những sự này.

Bức tranh the Madonna and Child của hoạ sĩ Sano di Pietro (1405-1481), được vẽ vào khoảng năm 1450. Tranh được đem gia triển lãm và bán với giá £170.500 tại Christies vào ngày 09 tháng bảy năm 2015. Hình ảnh bên phải : lưng của bức tranh cho thấy nhãn đại lý, nhãn nhà triển lãm và một số nhãn các phiên đấu giá cũ của sàn Christie.

Nhãn dán sau lưng tranh có thể nói là những minh chứng tuyệt vời để tìm hiểu về tiểu sử của bức tranh. Nó cũng là một nhân tố quan trọng góp phần tạo nên giá trị của bức tranh. Còn gì tuyệt hơn khi bạn biết rằng bức tranh của bạn đã từng được mua bán và sở hữu bởi những nhà sưu tập tên tuổi, hay những đại lý nổi tiếng, hay những triển lãm danh giá mà bức tranh đã từng được trưng bày.

Rất đơn giản là nếu bức tranh đã được trưng bày ở một nơi quan trọng, điều này sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng và ảnh hưởng của nó tới công chúng, những người thưởng thức tranh. Giá trị của bức tranh do đó được nâng lên.

Hay với những dấu hiệu cho thấy chủ sở hữu cũ của bức tranh là một nhà sưu tập nổi tiếng, điều này cũng sẽ có một tác động mạnh lên giá trị của bức tranh. Ví dụ ở Việt Nam, những bức tranh từng được sở hữu bởi nhà sưu tập Đức Minh luôn có giá trị cao. Ngoài giá trị thực của bức tranh thì việc nhà sưu tầm tên tuổi như ông Đức Minh chọn mua, cũng góp phần đẩy giá trị của bức tranh lên. Chính vì điều này mà nhiều nhà sưu tầm thế hệ trẻ sau này, khi mua được một bức tranh từ nhà Đức Minh, sẽ không bao giờ quên nhắc người xem tranh về vấn đề này.

Ngoài ra những thông tin mà bạn có thể rút ra từ phía sau một tác phẩm có thể rất quan trọng cho việc nghiên cứu sâu hơn vào nguồn gốc, lưu trữ tư liệu tại những tổ chức như thư viện hay bảo tàng.

 

Nghiên cứu con dấu và mã vạch để cho phép chúng ta biết tiểu sử mua bán của bức tranh

Khi tìm hiểu về một bức tranh, các con dấu được các nhà nghiên cứu sử dụng như là một trò chơi ghép hình, nhằm hình thành nên một tiểu sử mua bán bức tranh đó trên thị trường. Ví dụ như nhà đấu giá Sotheby’s thường hay sử dụng dấu màu vàng để đánh dấu các tác phẩm, điều này giúp người mua dễ dàng tìm hiểu về tiểu sử mua bán của bức tranh. Còn nhà đấu giá Christie’s sử dụng một loạt các dấu hiệu khác nhau kể từ thế kỷ 19, cho phép bạn nhận biết ai đã mua và sở hữu tác phẩm đó trong quá trình lịch sử của nó, với những mốc thời gian tương ứng với con dấu họ sử dụng.

Hai chữ SG dưới vương miện hoàng gia là nhãn hiệu của bộ sưu tập của Infante Don Sebastián Gabriel de Borbón, một nhà sưu tập lừng danh từng sở hữu một bộ sưu tập quan trọng nhất vào thế kỷ 19.

 

Bức tranh vẽ vịnh Hạ Long của đại văn hào, kiêm hoạ sĩ người Pháp Jean-Gabriel Daragnès. Tranh được vẽ vào khoảng những năm 1920-30, khi ông thăm các nước Châu Á và chuẩn bị cho cuốn sách rất nổi tiếng mang tên “Những Vùng Đất Ấm”, kể về những điều ông thấy tại Đông Dương, Ấn Độ và Trung Quốc. Tranh từng được sở hữu bởi ngân hàng Sài Gòn, chi nhánh Hà Nội, phía sau tranh dán nhãn của Ngân Hàng Sài Gòn.

Đừng tin tất cả những gì bạn thấy

Chữ viết trên mặt sau của bức tranh có thể là bất kỳ điều gì từ tiêu đề của tác phẩm đến tên của hoạ sĩ. Tuy vậy chúng ta nên cân nhắc thận trọng vì chúng có thể gây hiểu nhầm. Tên được viết phía sau một tác phẩm có thể là do hoạ sĩ, nhưng nó cũng có thể là đối tác của họ, một thành viên của gia đình, một đại lý nghệ thuật, hay bất cứ ai khác.

Một ví dụ là bức tranh được bán bởi nhà đấu giá Art Valorem vào năm 2016, theo thông tin nhà đấu giá thì bức tranh do hoạ sĩ Inguimberty vẽ học trò của mình là hoạ sĩ Tô Ngọc Vân vào năm 1942. Bức tranh không được ký nhưng nhà đấu giá đã dựa trên thông tin cung cấp bởi chủ sở hữu cũ và chữ viết ở lưng bức tranh thể thẩm định và cho rằng đây là tranh do hoạ sĩ Inguimberty vẽ.

Bức tranh đã gây ra một số tranh luận từ phía người thưởng thức tranh : thứ nhất, chân dung người trong tranh không phải là hoạ sĩ Tô Ngọc Vân ; thứ hai, kỹ thuật vẽ quá kém, không phải do một hoạ sĩ tên tuổi như Inguimberty vẽ ; và thứ 3, theo gia đình họa sĩ Inguimberty, chữ viết sau lưng tranh không phải là của họa sĩ Inguimberty. Bức tranh sau đó vẫn được một nhà sưu tầm mua với giá 20.000 EUR.

 

Bức tranh được cho là của hoạ sĩ Inguimberty vẽ học trò Tô Ngọc Vân đươc bán bởi nhà đấu giá ArtValorem.

 

Hãy dành thời gian để đánh giá dấu hiệu của sự phục chế 

Không giống như mặt trước của bức tranh, mặt sau của nó thường sẽ cho phép bạn có thể xem liệu nó có được lót hay không ? những lớp lót này cho bạn biết tình trạng của bức tranh. Bạn có thể nói một bức tranh đã từng được phục chế nếu có một lớp lót vải đặt dán lên lưng của nó. Nó không phải là một dấu hiệu xấu, vì đối với những bức tranh cổ, công việc phục chế là điều cần phải làm, nhưng nó sẽ là một dấu hiệu tốt, một lí do để bạn có thể dựa vào nó mà cả giá tiền với người bán tranh :).

Về cơ bản thì điều này cho bạn biết được tình trạng của bức tranh, nó có thể đã bị hư hỏng ở một vài điểm hay đã được phục hồi với mức độ nào. Tuy nhiên việc tạo nên lớp lót cũng có thể có nhiều nguyên nhân, không nhất thiết là dành cho việc phục hồi, nó có thể dùng để cố định tranh, tránh các hư hỏng thiệt hại do di chuyển hay thời gian.

Khám phá những điều kỳ lạ và tuyệt vời khác sau lưng bức tranh

Những gì ẩn núp đằng sau một bức tranh thường tạo nên những ngạc nhiên như những gì đã được đánh dấu vào nó. Có rất nhiều trường hợp của bức tranh được tìm thấy, ẩn đằng sau một bức tranh khác. Tác phẩm ẩn này đôi khi thoát khỏi sự chú ý của phòng trưng bày và nhà đấu giá và không được biết tới hàng trăm năm.

Một miếng lót lỏng hoặc hay một dấu vết bất thường của móng tay cũng có thể là một đầu mối để bạn có thể khám phá ra nó. Tuy nhiên, thường thì những kiệt tác bí mật này chỉ được tiết lộ khi tác phẩm được mang đi đóng khung lại. Không thể nói lý do tại sao một tác phẩm được ẩn theo cách này hay cách kia, nó có thể là một cách để lưu trữ và bảo quản một tác phẩm, hoặc nó có thể chỉ đơn giản là được thêm thắt khi đóng khung, hoặc hoạ sĩ do túng thiếu đã dùng lại vải cũ để vẽ nên một tác phẩm mới.

Điều này không có nghĩa là tôi khuyên các bạn mang tranh đi đóng khung lại mỗi khi mua được một bức tranh mới. Ngày nay, công nghệ hình ảnh hiện nay cho phép các bạn dễ dàng xem qua các lớp của một bức tranh và có thể xác định chuẩn xác những gì ẩn trong đó mà không cần làm tổn hại tới bức tranh của mình.

Khánh Phượng Lisa (dịch và tổng hợp).

References :

http://www.artvalorem.fr/app/photos_cp/actualite-42/DossierdePresseIndo2017.pdf

https://fr.wikipedia.org/wiki/Jean-Gabriel_Daragn%C3%A8s

http://www.christies.com/features/What-you-can-learn-from-the-back-of-a-painting-6359-1.aspx

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.