Có mười tiêu chí để các chuyên gia tại các sàn đấu giá lớn trên Thế Giới xem xét khi ấn định giá cho những tác phẩm nghệ thuật, đồ cổ, sách cổ, đồ trang sức, rượu vang, đồng hồ và những thứ khác.

Một chiếc bình sứ quý hiếm đã từng được vua Càn Long sở hữu, hay một viên kim cương hoàn hảo từng được đeo quanh cổ của một nữ công tước, hay một chiếc đồng hồ Rolex đeo tay của vua Bảo Đại, hay một bộ cốc chén từng được sử dụng bởi vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương, hay một bức tranh của Rothko được một thành viên nhà Rockefeller sưu tập – những đồ vật này và những vật khác cùng với lịch sử sở hữu đầy hấp dẫn của chúng đã tạo nên một sức hấp dẫn khôn tả, khiến cho giá trị của chúng trên thị trường vượt xa giá trị nội tại.

Nguồn gốc của những món đồ là phần yêu thích của tôi”, Frank Everett nói về đồ trang sức tại Sotheby’s. “Ai đã đeo nó, khi nào cô ấy đeo nó, cô ấy đeo nó như thế nào, cô ấy đeo nó thường xuyên như thế nào. Đó chính là những gì chúng tôi dựa vào để có được những câu chuyện tuyệt vời.” Hãy lắng nghe các chuyên gia phân tích về sự tương tác giữa nguồn gốc của tác phẩm và thị trường. Phần 4 nói về sự kì diệu khó tả của nguồn gốc xuất xứ của những tác phẩm. Các chuyên gia trong tập này: Nicolas Chow, Frances Christie, Julian Dawes, Frank Everett, Ian Kelleher, Selby Kiffer, Meredith Kirk, Courtney Kremers, Mee-Seen Loong, Michael Macaulay, Yamini Mehta, Jonquil O’Reilly, Edoardo Roberti và Simon Stock.

Nguồn gốc xuất xứ chính là lịch sử sở hữu của các tác phẩm nghệ thuật kể từ khi nó được tạo ra, vì vậy nó luôn là phần yêu thích của các chuyên gia và những nhà sưu tầm. Tác phẩm này được làm cho ai? Nó đã được treo trên tường nhà ai? Đã có bao nhiêu bàn tay từng được chạm vào nó? Có những ai khác đã từng được ngắm nhìn nó? Trong một số trường hợp, có những ai đã yêu thích nó? Đối với trang sức thì đã có ai đeo nó, khi nào cô ấy đeo nó, cô ấy đeo nó như thế nào, cô ấy đeo nó thường xuyên như thế nào? Đối với tôi, đó chính là những gì chúng tôi dựa vào để có được những câu chuyện tuyệt vời.” Chuyên gia Frances Christie nói về nguồn gốc của các tác phẩm nghệ thuật.

Và thường thì câu chuyện xoay quanh sự sở hữu các tác phẩm có thể thú vị ngang với, nếu không muốn nói là thú vị hơn câu chuyện về bản thân nghệ sĩ. Ông Edoardo Roberti, Chuyên gia về Tranh của những Danh họa xưa, New York cho biết: “Nguồn gốc là một điều mà theo khía cạnh nào đó không quan trọng, TUY NHIÊN, tuy nhiên, không có gì thú vị hơn khi thấy một tác phẩm nghệ thuật xuất hiện trong một bức ảnh đen trắng cũ kỹ cùng với một người sở hữu nổi tiếng.

Chúng tôi từng sở hữu một tác phẩm tuyệt vời về Amrita Sher-Gill trong thời điểm bà đang căng tràn đầy sức sống. Bức tranh từng thuộc về người yêu của bà. Họ chia tay nhau và sau đó bà chết trẻ nên ông đã giữ bức tranh suốt cuộc đời. Điều này để chứng minh thực tế là chủ sở hữu của tác phẩm có thể trở thành một phần tiểu sử của tác phẩm, và điều đó thực sự đã giúp chúng tôi tạo ra một câu chuyện thú vị cho người xem.” Edoardo Roberti nói.

Chân dung Amrita Sher-Gill, vẽ năm 1931.

 

Bà Mee-Seen Loong, phó chủ tịch hội Nghệ thuật Trung Quốc nói rằng: “Người Trung Quốc nói riêng luôn phát sốt lên mỗi khi bắt gặp một vật gì đó được biết là thuộc về Hoàng đế Càn Long, và họ có thể nâng giá trị của vật đó lên gấp mười lần chỉ để có thể sở hữu nó.

Một ví dụ hoàn hảo về vấn đề nguồn gốc có thể được nhắc đến là bức tranh bởi Rothko từng được nhà Rockefeller sở hữu, thậm chí bức tranh còn được gọi một cách dân dã bởi những nhà sưu tầm là bức Rockefeller Rothko. Đó là một bức tranh từng được sở hữu bởi David Rockefeller từ năm 1960, và đã được treo rất nổi bật trong các văn phòng của Rockefeller. Bức tranh được kì vọng sẽ bán với giá khoảng 40 triệu USD, cuối cùng thì nó đã đạt được giá bán là 72 triệu đô.

Khi bạn biết một vật thuộc bộ sưu tập của Catherine Đại Đế (Nữ hoàng trứ danh và cũng là Nữ hoàng trị vì lâu dài nhất của Đế quốc Nga, cai trị từ 28 tháng 6 năm 1762 cho tới khi qua đời. – theo Wikipedia), chẳng nhẽ điều đó không làm cho vật đó thú vị hơn rất nhiều hay sao? Các chuyên gia khẳng định rằng chắc chắn là thú vị hơn, bởi vì tất cả mọi người đều yêu thích những bối cảnh, đặc biệt là những bối cảnh đặc biệt.

Ferrari đã chế tạo một chiếc xe rất đặc biệt gọi là Enzo, và họ chỉ chế tạo 399 chiếc xe loại đó. Khi chiếc xe thứ 400 được chế tạo, thì chiếc xe được Ferrari dành riêng cho Đức Giáo Hoàng. Giáo hoàng sau đó bán đấu giá chiếc xe cho các tổ chức từ thiện Công giáo. Ông đã bán chiếc xe đó với giá kỷ lục vượt quá 6 triệu đô la. Khi bạn bắt đầu hiểu thêm về bối cảnh của chiếc xe, bạn sẽ hiểu vì sao Gable lại sở hữu một chiếc Duesenberg hoặc tại sao Janis Joplin lại mua một chiếc Porche.

Selby Kiffer, Chuyên gia cao cấp quốc tế về các loại sách cho biết: “Đối với những thư từ về tác phẩm, sẽ thật tuyệt vời nếu chúng có nguồn gốc từ gia đình của người được nhận ban đầu. Ví dụ như một bức thư liên quan đến tác phẩm được viết bởi Abraham Lincoln, ở lại trong gia đình của người được nhận chúng, thì ngay cả nhân viên tại Bảo tàng Thư viện Tổng thống Lincoln cũng không hề hay biết về sự tồn tại của những tài liệu này. Điều này sẽ trở thành một khám phá mới.

Khi một vật biến mất khỏi thị trường càng lâu cùng với những tài liệu về nguồn gốc liên quan, thì mặc dù không liên quan cho lắm nhưng bạn có thể thấy chúng đã từng đáng giá như thế nào, ví dụ như khoảng 50 năm về trước. Tác phẩm đã không được mang ra giao dịch trong 50 năm kể từ đó, cho đến ngày hôm nay. Vậy thì liệu nó có giá trị như thế nào vào ngày mai? Có thể gấp mười lần số tiền bạn đã trả. Trong trường hợp tốt nhất, bạn có thể thấy rằng một bức tranh có một nguồn gốc đầy đủ, từ khi nó được tạo ra cho đến khi nó được đặt trên bàn của nhà đấu giá và nhà đấu giá sắp trở thành một phần trong nguồn gốc của nó.

Đặc biệt nếu tác phẩm được kết hợp với một trong những buổi bán đấu giá lớn thì nó đã góp phần tạo nên lịch sử. Nếu tác phẩm được bán bởi Leo Castelli hay Ileana Sonnabend, nó sẽ góp phần tạo nên lịch sử, bởi vì tác phẩm có một mối liên kết với một trong những nhà buôn vĩ đại của thế kỷ 20. Meredith Kirk, Chuyên gia mảng Nghệ thuật đương đại, New York cho rằng: “Một tác phẩm hoàn hảo được mang ra đấu giá luôn có một câu chuyện tuyệt vời đằng sau nó. Và rất nhiều câu chuyện đều dựa trên nguồn gốc xuất xứ của tác phẩm.

Một ví dụ rất cụ thể như một tác phẩm điêu khắc của Alexander Calder từ khoảng năm 1942 đã được Alfred Barr – Giám đốc sáng lập Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại (Museum of Modern Art)  sở hữu. Ông Calder đã đưa tác phẩm của mình cho Alfred Barr cùng với một bức thư ông viết, “Tôi đã quyết định rằng ông phải có một trong những tác phẩm điêu khắc của tôi. Tôi không quan tâm tôi phải làm những gì để đưa nó cho ông. Nhưng chắc chắn ông sẽ sở hữu một trong những tác phẩm điêu khắc của tôi.” Alfred Barr chưa từng mong đợi sẽ nhận được một món quà từ Alexander Calder trong khi ông vẫn là giám đốc bảo tàng, và câu chuyện đó chắc chắn đã mang lại giá trị thương mại to lớn khi món quà được mang ra đấu giá. “Lô số năm, Alexander Calder. Và tôi sẽ bắt đầu ra giá ở đây 1,6 triệu đô la, 2,8 triệu đô la, 3 triệu đô la, 4 triệu đô la … Căn phòng đang nóng dần lên. Đã bán. Cảm ơn ngài!

Những nhà đấu giá lớn và uy tín thường quyết định sẽ không nhào nặn giá khởi điểm với giá trị của những câu chuyện về nguồn gốc, mà giữ nguyên giá ước lượng đã được ấn định ban đầu. “Chúng tôi cố gắng để cho thị trường trở nên hào hứng về nguồn gốc tác phẩm. Đó là cùng một câu chuyện mỗi khi đấu giá. Nếu chúng tôi kể câu chuyện một cách chính xác và đó là một giá ước tính tuyệt vời, thì bạn sẽ luôn luôn thấy những kết quả tuyệt vời. “. Nhưng hãy thận trọng bởi không phải nhà đấu giá nào cũng có kinh nghiệm thẩm định nguồn gốc của tác phẩm. Nhiều nhà đấu giá chỉ ghi nguồn gốc theo lời người bán và không có một quy trình chuẩn trong việc thẩm định những thông tin này.

Trước đây ở Hà Nội, nếu bạn hỏi 10 người chơi tranh về nguồn gốc một bức tranh mà họ sở hữu, 9 người trong số họ sẽ trả lời bạn rằng nó được mua từ gia đình nhà ông Đức Minh. Tại sao vậy? bởi ông Đức Minh là một nhà sưu tầm lớn và nổi tiếng tại Việt Nam, những tác phẩm ông mua không những được thẩm bởi chính con mắt tinh tường của ông mà còn được cố vấn bởi giới văn nghệ sĩ ông thân quen. Bởi vậy một tác phẩm được nhà sưu tầm Đức Minh mua về thường là một tác phẩm chọn lọc có tính nghệ thuật cao. Và người ta hay gán ghép tên tuổi nhà sưu tầm vào để tạo sự tin tưởng về nguồn gốc của tác phẩm sở hữu.

Câu hỏi đặt ra là cách nào để xác định nguồn gốc của một tác phẩm?

Việc xác định nguồn gốc một tác phẩm mỹ thuật thường rất khó khăn, đặc biệt là đối với các tác phẩm cũ, do một số yếu tố, chẳng hạn như lưu giữ hồ sơ không chính xác hay các ý kiến mâu thuẫn liên quan đến tính xác thực từ các chuyên gia và sử gia. Mặc dù khoảng trống hoặc mâu thuẫn trong lịch sử của một tác phẩm nghệ thuật có thể phát sinh, nhưng về cơ bản nguồn gốc của một tác phẩm không chỉ đơn giản là giới hạn trong những bộ sưu tập mà trước đây nó đã từng hiện diện, mà là một sự biên soạn rộng rãi của tất cả các hồ sơ của tác phẩm. Một xuất xứ hoàn chỉnh sẽ bao gồm các tài liệu sau đây:

  • Biên nhận, hóa đơn hoặc hóa đơn liên quan đến tất cả các thay đổi về quyền sở hữu
  • Những tài liệu liên quan đến thẩm định trước đây của tác phẩm
  • Những tài liệu liên quan đến đấu giá, triển lãm, bảo tàng hoặc thư viện (ex. catalogue raisonné )
  • Những tư liệu mang tính học thuật, đăng tải trên các báo chí chuyên nghành (được xét duyệt bởi hội đồng chuyện gia trong lĩnh vực).

Khi mua một tác phẩm nghệ thuật mới được tạo ra trên thị trường chính – tức là khi mua một tác phẩm nghệ thuật trực tiếp từ nghệ sĩ hoặc từ phòng trưng bày của nghệ sĩ, lịch sử của tác phẩm rất rõ ràng. Tuy nhiên, khi mua lại tác phẩm nghệ thuật từ người mua tiếp theo trên thị trường thứ cấp, vấn đề xuất xứ trở nên đặc biệt quan trọng. Đặc biệt là khi giá trị của các giao dịch nghệ thuật trên thị trường thứ cấp tiếp tục tăng lên, việc điều tra nguồn gốc của một sản phẩm càng khó. Sự chứng minh xuất xứ đóng góp rất nhiều vào giá trị của một tác phẩm và cung cấp một công cụ đáng kinh ngạc để chứng minh quyền sở hữu và tính xác thực hợp pháp.

Xem thêm:

Phần I: Tính nguyên bản

Phần II: Tình trạng

Phần III: Tính hiếm có

Phần V : Dấu ấn lịch sử

Phần VI: Kích Thước

Phần VII: Thời Trang

LePhan & Anthony Nguyen (dịch và tổng hợp)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.