Có mười tiêu chí để các chuyên gia tại các sàn đấu giá lớn trên Thế Giới xem xét khi ấn định giá cho những tác phẩm nghệ thuật, đồ cổ, sách cổ, đồ trang sức, rượu vang, đồng hồ và những thứ khác.

Tiêu chí đầu tiên chính là Tính nguyên bản và công việc của những chuyên gia thẩm định là Tìm kiếm tính nguyên bản của một tác phẩm nghệ thuật. Chúng ta hãy cùng phỏng vấn những chuyên gia hàng đầu thế giới về tiêu chí này nhé, các chuyên gia được phỏng vấn trong phần này: Nate Borgelt, Nicolas Chow, Frances Christie, Julian Dawes, Frank Everett, Selby Kiffer, Meredith Kirk, Courtney Kremers, Connor Kriegel, Mee-Seen Loong, Michael Macaulay, Yamini Mehta, Jonquil O’Reilly và Edoardo Roberti.

“Tính nguyên bản là linh hồn của một tác phẩm nghệ thuật”, chuyên gia đồ cổ Trung Quốc Nicolas Chow nói thêm rằng “Bất cứ thứ gì đáng giá thì đều đáng để làm giả“. Trong những năm gần đây, thị trường đồ cổ Trung Quốc tăng trưởng mạnh mẽ, cùng với giá trị gia tăng của những món đồ quý hiếm, thị trường cổ vật Trung Quốc cũng chịu ảnh hưởng bởi những món đồ giả rất tinh vi. Nhiệm vụ của những chuyên gia thẩm định tại Sotheby’s như Nicolas Chow là tìm kiếm tính nguyên bản của một tác phẩm nghệ thuật. Đây là điều rất quan trọng với một tổ chức là nhà đấu giá như Sotheby’s hay với một cá nhân là chuyên gia như Nicolas Chow. Bởi nếu một tác phẩm được thẩm định sai về tính nguyên bản, nhà đấu giá sẽ bị coi là bán đồ giả, chuyên gia sẽ bị coi là thiếu kinh nghiệm, uy tín của họ do đó bị giảm sút.

Vậy làm sao để đi tìm tính nguyên bản của một hiện vật? Việc đầu tiên cần phải làm là xác thực được nguyên bản gốc của tác phẩm. Đôi khi, việc xác thực nguyên bản gốc rất dễ dàng, với chỉ một danh mục tác phẩm của nghệ sĩ là đủ để khẳng định tính xác thực, nhưng có những tác phẩm khác đòi hỏi phải có những manh mối mà chỉ có một chuyên gia dày dạn mới có thể “đánh hơi” ra.

Ông Nate Borgelt, chuyên gia Đồng hồ đeo tay và treo tường tại New York, cũng cho biết: “Chúng tôi còn xem xét tính nguyên bản của hiện vật theo tình trạng của nó, xem có thứ gì đã bị thay đổi hay không. Nếu như có sự thay đổi thì liệu điều đó có được ghi chép lại không hay ai đó đã cố tình bí mật làm cho một hiện vật trông đẹp hơn nó vốn có?”.

Tính nguyên bản quả thực là linh hồn của tác phẩm và là dụng ý biểu hiện ý tưởng thực sự của nghệ sĩ. Việc tìm tính nguyên bản cũng chính là một phần của việc xây dựng thương hiệu của các nhà đấu giá lớn. Đội ngũ thẩm định của những nhà đấu giá này về cơ bản được thiết lập qua nhiều năm và là nơi chứa đựng tinh hoa về chuyên môn với sự tham gia của những chuyên gia hàng đầu. Họ luôn tạo lập mối quan hệ với những nghệ sĩ, phòng trưng bày, đại diện, nhà buôn, tất cả những người đã cùng nhau đưa ra danh mục các tác phẩm của một nghệ sĩ (catalogue raisonné*).

* Danh mục các tác phẩm của một nghệ sĩ (catalogue raisonné): là một danh mục mô tả các tác phẩm nghệ thuật của một nghệ sĩ mà có những giải thích và nhận xét mang tính học thuật.

Danh mục các tác phẩm của một nghệ sĩ là người bạn thân thiết của những chuyên gia. Picasso là một ví dụ tuyệt vời, danh mục các tác phẩm của ông vô cùng phong phú với hàng ngàn tác phẩm. Theo như tiêu chuẩn quốc tế thì nếu như có một tác phẩm của Picasso được báo cáo trong cuốn danh mục này thì nó được coi là xác thực. Còn nếu nó không có trong đó thì chúng ta sẽ có một chút rắc rối.

Ví dụ như trường hợp bộ sưu tập của bà Paul Mellon đồng thời cũng là một kỷ niệm tuyệt vời cho nhà đấu giá Sotheby’s. Bà có một tác phẩm màu xanh nhạt của Lucio Fontana. Bức tranh là một món quà mà bà đã được trao tặng và nó được giữ trong nhà của bà ở Virginia từ rất lâu đời. Người ta không có bất kỳ hồ sơ nào về bức tranh này, vì vậy các chuyên gia của Sotheby’s đã phải gửi nó đến Ý, nơi là nền tảng của Lucio Fontana. Và sau mười một giờ chờ đợi, 1 lời phản hồi đã được đưa ra và họ nói rằng Sotheby’s có thể giữ bức tranh và nó sẽ được đưa vào danh mục những tác phẩm của Lucio Fontana trong tương lai.

 

Trong trường hợp nếu không có bằng chứng tư liệu chứng minh nguồn gốc của một tác phẩm nghệ thuật, người ta sẽ làm như thế nào? Đây là một câu hỏi vẫn còn gây nhiều tranh cãi trong giới học thuật. Thông thường người ta sẽ xây dựng một sự đồng thuận học thuật, nói cách khác là kiến thức chuyên sâu, am hiểu, sành sỏi (connoisseurship*) từ những người có chuyên môn giỏi.

*Connoisseurship: là từ chỉ kiến ​​thức, hiểu biết, sành thạo của những người sành thạo về chuyên môn (connoisseurs).

Hầu hết những tác phẩm của các bậc thầy cũ thì đều không có ký tên và vì vậy, thường xuyên, các chuyên gia sẽ nói, ồ, bạn biết đấy, “Nó đã được ký qua từng nét vẽ.” Và mặc dù các chuyên gia thường với giọng vui đùa nhưng đó thực sự là những gì mà họ nghĩ. Thật khó để có thể mô tả, điều này giống như là việc cố gắng nhận ra chữ viết tay của ai đó: “Tôi nhận ra nghệ sĩ này nhưng tôi không biết đó là ai, tôi đã nhìn thấy nét vẽ này ở đâu trước đây.” Có lẽ là qua cách một nghệ sĩ luôn luôn vẽ một bên tai, hoặc sử dụng một điểm nhấn cụ thể lên xương gò má trong mỗi lần vẽ, chúng ta có thể nhận ra tác phẩm đã được vẽ bởi chính nghệ sĩ đó. Vậy những đặc điểm này có dễ bị làm giả không? Đối với L.S. Lowry, mọi người nghĩ rằng ông rất, rất dễ bị giả mạo bởi vì đôi khi mọi người nhìn vào những tác phẩm của ông và nghĩ, “À, tôi cũng có thể làm ra nó.” Nhưng thực tế ngược lại đó là tính tự nhiên chân thực lại khó để giả mạo nhất.

Khi tìm tính nguyên bản cho một tác phẩm tranh, người ta thường hay tập trung vào chất liệu. Loại giấy ấy có phù hợp với khoảng thời gian đó hay không? Cách dệt tấm canvas có phải là điển hình? Thế nhưng với những chuyên gia sành sỏi, họ đôi khi có những bài kiểm tra rất đăc biệt, ví dụ về mùi. Đối với những tác phẩm được sử dụng trong các đền thờ, chúng thường có mùi của bơ làm từ sữa của bò Tây Tạng và trầm hương. Nếu như chúng không có những mùi trên, đôi khi chúng ta cần tự hỏi nó đã lưu lạc ở đâu.

Mỗi năm, có thể hai năm một lần, những nhà đấu giá như Sotheby’s được giao nhiệm vụ dọn bớt những gì mà họ coi là hàng tồn kho cũ kĩ. Khi đó, một tác phẩm của Rodin được mang đến vào năm 1988 đã được đưa ra xem xét. Tác phẩm này được chủ sở hữu mang đến, để lại, và nó không hề được xác thực. Nhưng về cơ bản thực sự không có một cơ quan chuyên môn nào nghiên cứu các tác phẩm bởi Rodin khoảng 10 hoặc 15 năm trước. Thời điểm đó, có một quý ông tên là Jerome Le Blay cùng với bảo tàng Musee Rodin ở Paris đã khởi xướng một dự án để rà soát lại tất cả hồ sơ về những tác phẩm đúc và hồ sơ bảo tàng. Vì vậy, tác phẩm này ngay lập tức được đưa đến cho Jerome Le Blay nghiên cứu và quả thực ông đã có thể tìm thấy những dấu hiệu trên mặt bên trong của tác phẩm đồng này, nhờ đó mà ông có thể biết chính xác tháng và năm mà nó được đúc. Sau đó nhà đấu giá tiếp tục nhiệm vụ tìm ra chủ nhân của tác phẩm. Họ đã phải thuê một điều tra viên tư nhân, người này sau đó đã điều tra ra chủ nhân quá cốcủa tác phẩm và liên hệ với con cái của họ. Và bây giờ bạn có thể tưởng tượng niềm vui của gia đình họ như thế nào khi nhận được cuộc gọi thông báo rằng họ là chủ sở hữu của tác phẩm Rodin đích thực này. Tác phẩm sau đó đã được nhà đấu giá hỗ trợ gia đình bán với giá rất cao.

Nhưng một điều quan trọng cần ghi nhớ : bất cứ thứ gì đáng giá thì đều đáng để làm giả và chúng ta không thể hạ thấp cảnh giác của mình bất kể đối tượng chúng ta đang đối mặt là gì. Bây giờ mọi thứ đều có thể làm giả được. Bà Mee-see Loong, Phó chủ tịch hội Nghệ thuật Trung Quốc cho rằng: ” Trong ngành này, đó là một lĩnh vực khá thú vị. Bất kể bạn đang nhìn thứ gì thì nó cũng phải phù hợp với tất cả các yếu tố cần thiết.”

Ngày nay, công nghệ đã phát triển đến mức có rất nhiều cách kiểm tra về bản chất của một tác phẩm hiện vật. Bạn có thể lấy một viên sapphire và gửi nó đến phòng thí nghiệm đá quý, họ sẽ cho bạn biết nó được tạo thành ở đâu hay nó có được xử lý bằng nhiệt hay không. Bạn cũng có thể gửi một bức tranh tới phòng thí nghiệm, với những thiệt bị chuyên dụng, họ có thể kiểm tra một bức tranh, ước lượng khoảng thời gian nó được tạo ra, hay chỉ cho bạn thấy những thứ ẩn giấu sau những lớp sơn dầu.

Tuy nhiên sự đồng thuận vẫn chỉ là tương đối. Theo ông Selby Kiffer, chuyên gia sách cao cấp quốc tế: “Tôi đã luôn luôn nói rằng bạn không thể giả mạo một cuốn sách, nhưng trong một trường hợp nổi tiếng gần đây, một cuốn sách từ thế kỷ 17 bởi Galileo đã lừa được các chuyên gia giỏi nhất. Và nó chỉ là một ví dụ để nhắc nhở rằng bạn phải luôn luôn thận trọng.” Hãy nhớ rằng vào năm 1900 người ta nghĩ rằng có 800 tác phẩm bởi Rembrandts trên thế giới nhưng vào năm 2000 người ta lại chứng minh chỉ có 250 bức tranh bởi Rembrandts mà thôi.

Đã không ít những lần các chuyên gia của những nhà đấu giá lớn “ngã ngựa”. Ví dụ gần đây nhất, một chuyên gia hoạt động độc lập, ông Joseph Sharon, đã làm giới sưu tập xôn xao khi chỉ ra rằng chiếc áng Nhữ Diêu Tống đấu giá 38 triệu usd vừa qua tại sàn Sotheby’s là một món đồ giả (xem thêm video của Joseph Sharon tại đây). Vụ việc này đã làm nhà đấu giá Sotheby’s bị chỉ trích rất nhiều vì bán ra đồ giả. Một ví dụ “ngã ngựa” khác có chủ ý do chuyên gia thẩm định nhà đấu giá Christie’s, ông Jean Francois Hubert, người đã bán 15 bức tranh giả trong tổng số 17 bức cho nhà sưu tầm Vũ Xuân Chung tại Sài Gòn, cùng với giấy xác thực nguyên bản do chính chuyên gia này viết (xem thêm thông tin tại đây).

Chiếc áng Nhữ Diêu Tống đấu giá 38 triệu usd vừa qua tại sàn Sotheby’s.  

Xem thêm:

Phần II: Tình trạng

Phần III: Tính hiếm có

Phần IV: Nguồn gốc

Phần V : Dấu ấn lịch sử

Phần VI: Kích Thước

Phần VII: Thời Trang

Phần VIII: Chủ đề

LePhan & Anthony Nguyen (dịch và tổng hợp).

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.