Tóm tắt:

Tên gọi của chiếc đỉnh đồng được đúc năm 1924 nhân lễ Tứ tuần đại khánh của hoàng đế Khải Định mới đây được tác giả Nguyễn Văn Nghệ đặt lại vấn đề. Ông cho rằng tên gọi “xuân thu thịnh đỉnh” trên biểu ghi của đỉnh này ở Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế là không đúng, mà phải là “xuân thu đỉnh thịnh”. Trước ý kiến này, chúng tôi xin cung cấp các luận cứ cụ thể, rõ ràng liên quan đến ý nghĩa văn tự trên chiếc đỉnh đồng, nhằm khẳng định “xuân thu thịnh đỉnh” là tên gọi chuẩn xác.

Đỉnh 鼎 ( , 鼎 , 鼏, 鼐, 鼑) là một loại vạc đồng, thông thường là viên đỉnh 圓鼎 (đỉnh tròn) có 3 chân 2 tai[1], biểu tượng cho sự vững vàng, thịnh vượng và uy quyền của mỗi vương triều trong lịch sử. Xưa, vua Vũ 禹 nhà Hạ 夏 (Trung Hoa) thu thập vàng ở chín châu lại, đúc làm chín cái đỉnh. Đời Tam Đại 三代 (Hạ 夏, Thương 商, Chu 周) cho là một vật rất trọng lưu truyền trong nước. Vậy nên, ai lấy được thiên hạ gọi là định đỉnh 定鼎.

Trong số các đỉnh đồng quý giá ở cung đình Huế, cửu đỉnh ở Thế Tổ miếu được xem là biểu tượng cho sự trường tồn của triều Nguyễn. Bên cạnh đó, nhiều đỉnh vạc đồng khác hiện hữu ở đất Cố đô cũng khá đa dạng, độc đáo nhiều vẻ và giá trị.

Một trong những đỉnh đồng thu hút sự quan tâm của độc giả và các nhà nghiên cứu hiện nay là chiếc đỉnh đúc vào dịp Tứ tuần đại khánh của hoàng đế Khải Định (1924), đặt trong khuôn viên Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.

Vừa rồi, vấn đề tên gọi của chiếc đỉnh đồng này được tác giả Nguyễn Văn Nghệ bàn luận bằng bài viết “Dưới thời Khải Định ở Huế có đúc đỉnh đồng nào mang tên Xuân Thu Thịnh Đỉnh không?” đăng tải ở Tạp chí Xưa & Nay[2]. Qua bài viết, tác giả cho rằng tên gọi “Xuân Thu Thịnh Đỉnh” được ghi ở biển giới thiệu đỉnh đồng đặt tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế là không chính xác. Theo tác giả, đấy phải là “Xuân Thu Đỉnh Thịnh” mới đúng.

Với tinh thần luận bàn khoa học và hướng đến sự chỉnh bị, chúng tôi xin có đôi lời trao đổi cùng tác giả Nguyễn Văn Nghệ ở bài viết dưới đây.

 

1.Vài nét tổng quan về sự ra đời của chiếc đỉnh đồng thời Khải Định

Năm 1924, nhân dịp lễ tứ tuần đại khánh (kỷ niệm 40 tuổi) của Hoàng đế Khải Định, các “công chức người Việt làm trong các công sở của người Pháp tại Trung Kỳ góp tiền đúc tặng. Trên thân đỉnh có ghi rõ điều này: “Khải Định cửu niên cửu nguyệt sơ nhất nhật cung ngộ Tứ Tuần Đại Khánh tiết, tòng sự Trung Kỳ Bảo hộ sứ tòa Công chánh, Hỏa xa, Y chánh, Thưng chánh, Ngân khố, Điện báo, Nông chánh, Y thú, Lâm chánh thần đẳng cung tiến” (Ngày mồng 1 tháng 9 năm Khải Định thứ 9, kính gặp lễ Tứ Tuần Đại Khánh, bọn chúng thần ở các cơ quan Công chánh, Hỏa xa, Y chánh, Thương chánh, Ngân khố, Điện báo, Nông chánh, Thú y, Lâm chánh, thuộc tòa Bảo hộ sứ Trung Kỳ kính cẩn dâng tặng (đỉnh này)[3].

Tứ Tuần Đại Khánh tiết là ngày lễ đặc biệt đối với hoàng đế Khải Định và được coi là đại lễ của quốc gia vào thời điểm bấy giờ, nên được chuẩn bị và tổ chức rất quy mô, huy động sức người sức của rất lớn. Với tính chất trọng yếu như thế, các lễ vật dâng tặng của quan viên, chức sắc… để mừng thọ lên hoàng đế (tứ tuần khánh thọ) rõ ràng phải được thực hiện rất chỉn chu, hoàn bị, không thể có chút nào sơ suất. Đỉnh đồng do quan viên người Việt trong tòa công sứ Pháp cung tiến lên hoàng triều nói trên cũng chắc chắn phải đảm bảo sự chỉnh bị về mọi mặt này. Đấy là một trong những yếu tố cốt tủy để chúng tôi luận giải về tên gọi đỉnh đồng dưới đây.

2. Tên gọi đỉnh đồng là Xuân Thu Đỉnh Thịnh hay Xuân Thu Thịnh Đỉnh

Tác giả Nguyễn Văn Nghệ đã viết: “Thân bụng đỉnh đồng có bốn đại tự chữ Hán. Mặt phía đông của đỉnh đồng có chữ Xuân (viết theo lối chữ cổ), mặt phía nam có chữ Thu, mặt phía tây có chữ Đỉnh, mặt phía bắc có chữ Thịnh. Nếu đọc theo chiều kim đồng hồ: Xuân Thu Đỉnh Thịnh. Nhưng không biết Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế đọc chữ Hán theo quy tắc nào mà lại đọc thành Xuân Thu Thịnh Đỉnh (đọc hai chữ Xuân Thu xong rồi bỏ qua chữ Đỉnh để đọc chữ Thịnh rồi mới quay lại đọc chữ Đỉnh). Hay là Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế nhìn thấy trước sân Thế miếu có 9 cái đỉnh đồng và mỗi đỉnh đồng có hai đại tự bằng chữ Hán: Cao đỉnh, Nhân đỉnh, Chương đỉnh, Anh đỉnh… nên nghĩ rằng các công chức người Việt thuộc Tòa Bảo hộ sứ Trung Kỳ không rành chữ Hán nên đúc nhầm chữ “Đỉnh” trước chữ “Thịnh” chăng? ”[4]

Về nhận xét này, chúng tôi xin trả lời như sau:

Trước tiên, chữ Hán bố trí trên đỉnh đồng đúng như ông mô tả, tức mặt phía Đông có chữ Xuân 春, mặt Nam là chữ Thu 秋, mặt Bắc là chữ Thịnh 盛 và mặt Tây là chữ Đỉnh鼎. Song, tác giả bài viết chỉ mô tả phương vị chữ Hán mà thiếu quan tâm tính thẩm mỹ, cân chuẩn trong các văn tự, hoa văn trang trí tại đỉnh đồng này.

Xin lưu ý bất kỳ một tác phẩm hội họa, nghệ thuật điêu khắc cổ truyền ở Phương Đông (trong đó có Việt Nam) nào đều lấy yếu tố cân đối chuẩn mực làm tiêu chí căn bản để đánh giá về nội dung và giá trị của nó. Bởi thế, xem xét 1 công trình nghệ thuật nào (như đỉnh đồng dưới đây), các chuyên gia và nhà nghiên cứu cần khảo sát tổng hòa các yếu tố giữa nghệ thuật và nội dung, trong đó tính thẩm mỹ, cân chuẩn của công trình được đặc biệt coi trọng. Chúng tôi xin phân tích về tính cân chuẩn của bốn đại tự chỉ tên gọi  đỉnh đồng, nhằm rõ thêm ý nghĩa của tên đỉnh.

 

XUÂN (hướng Đông)

 

Đối với viên đỉnh (đỉnh tròn) 3 chân, tính cân chuẩn được xác định ở thân đỉnh nằm chính giữa 2 chân trước. Tại đỉnh này, ta thấy thợ điêu khắc bố trí chữ XUÂN春 thể hiện rất rõ sự chính chuẩn, vững vàng và đẩy oai vệ, mở đầu cho tên đỉnh.

 

                THU (hướng Nam)                                 THỊNH (hướng Bắc)

 

Chữ Thu 秋 và Thịnh盛 nằm đối xứng với nhau và chệch một phần so với chiều hướng của chân đỉnh ở hai hướng nam (Thu秋) –  bắc (Thịnh盛).

ĐỈNH (hướng Tây)

 

Chữ Đỉnh 鼎 nằm cùng một đường thẳng, chính diện với chân sau (chân thứ 3) của chiếc đỉnh đồng này, tạo nên sự vững vàng kiên cố, nghiêm chuẩn.

Như vậy, xét về nguyên tắc cân chỉnh thì Xuân春 (phía đông) và Đỉnh 鼎 (phía tây) nằm trên một đường thẳng, đối trọng với nhau, một bên mở chữ (tên gọi) ra là Xuân春 – một bên đóng chữ lại là Đỉnh 鼎. Đồng thời, hai chữ Thu 秋 và Thịnh 盛 tạo thế cân bằng đối xứng, giữ gìn chiếc đỉnh không thể lệch nghiêng.

Từ đó luận suy, nếu đọc tên chiếc đỉnh này là Xuân Thu Đỉnh Thịnh theo chiều kim đồng hồ (hướng đông-nam-tây-bắc) như ý ông Nguyễn Văn Nghệ thì đã đánh mất ý nghĩa kiên vững, cân xứng, chuẩn mực oai nghiêm của chiếc viên đỉnh này, bởi Xuân 春 (cân chuẩn, vững vàng) mở ra– Thu 秋 lệch trái – Đỉnh 鼎 (cân chuẩn, vững vàng) tiếp nối – kết thúc là Thịnh 盛 lệch phải.

Với một đỉnh đồng được cung tiến trong đại lễ tứ tuần đại khánh mang tầm quốc gia (năm 1924) thì vấn đề nghiêng lệch, vênh chệch (nếu là chữ Thịnh 盛 bị lệch phải so với chân đỉnh, dùng để chốt tên) trong mỹ thuật biểu tượng của chữ Hán được bố trí… thực sự là điều thiếu hợp lý.

Bởi dẫu với bất kỳ lý do gì, vô tình hay cố ý khiến đỉnh đồng có chút nào sai sót, lệch lạc thì các vị viên chức kia bị mang tội khi quân (khinh vua), sớm bị trừng trị và đỉnh này cũng sẽ bị phá hủy vì sự thiếu cân chuẩn, mang hàm ý phỉ báng hoàng đế, xúc phạm vương triều.

Ngược lại, với Xuân 春 (mở) – Thu 秋 (nghiêng trái) – Thịnh 盛 (nghiêng phải) – Đỉnh 鼎 (đóng) thì tạo thế đỉnh đạc, trượng phu, vững vàng, hàm chứa ý nghĩa kiên cố, hưng vượng. Xuân 春 (mở, khởi đầu) – Đỉnh 鼎 (đóng, kết thúc) đều nằm chính giữa, thẳng trục, thể hiện thế “định đỉnh” 定鼎 kiên cố vững chắc. Thu  秋 (nghiêng trái) – Thịnh 盛 (nghiêng phải) tạo nên sự đối xứng cân hợp, đăng đối cùng nhau. Bởi vậy, chúng tôi khẳng định đỉnh đồng này có tên là “Xuân Thu Thịnh Đỉnh”.

Ở phần tiếp theo, để tạo thêm sức thuyết phục cho lập luận của mình, tác giả Nguyễn Văn Nghệ tiếp tục bàn về ý nghĩa của cụm từ “Xuân thu đỉnh thịnh”.

Ông viết: “Bốn đại tự chữ Hán Xuân Thu Đỉnh Thịnh được rút ra từ sách Hán thư, phần Giả Nghị truyện bài Trần chính sự sớ: “Thiên tử xuân thu đỉnh thịnh, hành nghi vị quá, đức trạch hữu gia yên” (Thiên tử đang lúc mạnh khỏe trai trẻ, hành lễ không sai, đức trạch càng tăng thêm). Xuân thu có nghĩa là xuân thu, năm tháng, tuổi tác. Ví dụ: “Xuân thu chính phú” có nghĩa là tuổi hãy còn trẻ.“Xuân thu đỉnh thịnh” có nghĩa là đang lúc mạnh khỏe trai trẻ, thịnh vượng. Bốn chữ Hán “Xuân Thu Đỉnh Thịnh” trên thân bụng đỉnh đồng được rút ra từ câu “Thiên tử xuân thu đỉnh thịnh” chính là lời cầu chúc của các công chức người Việt thuộc Tòa Bảo hộ sứ Trung Kỳ dành cho vua Khải Định nhân dịp mừng thọ 40 tuổi.”[5]

Chúng tôi đồng thuận với xuất xứ của thành ngữ Xuân thu đỉnh thịnh 春秋鼎盛từ truyện Giả Nghị ở sách Hán thư; và ý nghĩa của nó là ca tụng hoàng đế đang trai trẻ mạnh khỏe. Tuy nhiên, chúng tôi chưa thấy ông Nguyễn Văn Nghệ lý giải bối cảnh, thời điểm nào khiến Giả Nghị 賈誼 (201-169 TCN) nói ra câu đó, và “thiên tử” này là ai, lúc bấy giờ bao nhiêu tuổi.

Giả Nghị là bề tôi yêu quý của Hán Văn Đế Lưu Hằng  漢文帝劉恆 (202-157 TCN), vị hoàng đế thứ năm triều Tây Hán. Vào năm Hán Văn Đế thứ 7 (173 TCN), Văn Đế Lưu Hằng lúc ấy 30 tuổi, bỗng nhiên nhớ mong và triệu mời Giả Nghị về Trường An. Hán Văn Đế hỏi Giả Nghị rất nhiều chuyện như chuyện quỷ thần, quan lại, chuyện tranh giành chức vụ, chuyện rợ hung nô… lúc ấy Giả Nghị mới giải bày tâm sự và nói ra câu “thiên tử xuân thu đỉnh thịnh…” này.

Sách Hán thư, truyện Giả Nghị 賈誼傳 có đoạn: “… Thiên tử xuân thu đỉnh thịnh, hành nghĩa vị quá, đức trạch hữu gia yên, do thượng như thị, huống mạc đại chư hầu, quyền lực thả thập thử giả hô!” 天子春秋鼎盛,行義未過,德澤有加焉,猶尚如是況莫大諸侯,權力且十此者虖! [6] (Thiên tử (Hán Văn đế) tuổi đời đương tráng niên khỏe mạnh, làm việc nghĩa không sai, nguồn đức hạnh thêm lên vậy, do chuộng như thế, huống chi chẳng hơn chư hầu, quyền lực vả gấp mười lần những kẻ đó vậy ôi!).

Qua đoạn trích trên, ta thấy lúc Hán Văn đế đương còn tráng niên (30 tuổi ta) thì Giả Nghị gọi “xuân thu đỉnh thịnh” 春秋鼎盛 (Tuổi tác đương cường tráng, khỏe mạnh) là rất hợp lý. Đỉnh thịnh 鼎盛 là tuổi đang cường tráng (tráng niên 壯年).

Ở đây, năm 1924, hoàng đế Khải Định tổ chức lễ Tứ tuần đại khánh 四旬大慶 thuộc đại lễ mừng thọ Hoàng đế được 40 tuổi. Tuổi 40, theo truyền thống là lứa tuổi trung niên[7], tức đã qua khỏi tuổi tráng niên. Vì vậy, nếu các viên chức ở tòa khâm sứ Trung Kỳ dùng “Xuân thu đỉnh thịnh” để ca tụng thiên tử Khải Định đang mạnh khỏe cường tráng ở tuổi tráng niên (trên dưới 30 tuổi) thì điều ấy liệu có quá khiếm nhã không? Họ là người Việt, ít nhiều cũng khá hiểu đạo lý, chuẩn mực của văn hóa Phương Đông, nên chúng tôi cho rằng họ không thể có những sự nhầm lẫn, khiếm nhã và phạm những lỗi khá đơn giản như vậy được.

Do đó, chữ Hán dùng để gọi tên đỉnh đồng này không thể là “xuân thu đỉnh thịnh” 春秋鼎盛, mà chính xác là Xuân Thu Thịnh đỉnh 春秋盛鼎. Đây hẳn nhiên là cách chơi chữ của các viên chức ở tòa Công sứ bằng phương pháp dùng thành ngữ Xuân Thu Đỉnh Thịnh 春秋鼎盛 để chúc mừng tuổi tác (xuân thu 春秋) và đảo ngữ (đỉnh thịnh 鼎盛: đang khỏe mạnh trai tráng) thành “thịnh đỉnh” 盛鼎.

Tên gọi Xuân Thu Thịnh Đỉnh 春秋盛鼎 ở chiếc đỉnh đồng này vì thế càng hàm chứa và mở rộng nhiều ý nghĩa sâu sắc hơn việc ca tụng sức khỏe, đó là hàm ý kính tặng chiếc đỉnh (vững vàng, kiên cố, chắc chắn, biểu tượng cho sự trường tổn), ngợi ca tuổi tác (xuân thu 春秋) được luôn mạnh khỏe, mãi thịnh vượng hưng phát (thịnh 盛). Đây vừa là lời chúc tụng hoàng đế khỏe mạnh nhân dịp tứ tuần đại khánh tiết, vừa mang hàm ý chúc tụng triều Nguyễn, đất nước trường tồn hưng thịnh./.

BÀI VIẾT ĐƯỢC ĐĂNG TẢI Ở TẠP CHÍ HUẾ XƯA & NAY (THÁNG 3-4, 2018)

Tác giả: Lê Minh Huy

Nguồn: huongbinhsaulang

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.