Bộ tranh “Triều đình Huế” này nằm trong chuyên đề tư liệu lịch sử được NVN vẽ năm 1895, tức trước bộ tranh “Đại lễ phục triều đình An Nam” (la Grande tenue de la Cour d’Annam) 7 năm (tháng 12 năm 1902). Chắc chắn rằng, bộ tranh không chỉ gồm sáu (6) bức như hiện đang được trưng bày tại Viện bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Hà Nội. Bởi lẽ, với đề tài “Triều đình Huế” ông không thể chỉ vẽ 4 bộ (thay vì 6 bộ), và ngoài Viện Cơ mật còn có Tôn nhơn phủ, Viện Đô sát, Quang lộc tự, Thái thường tự… cùng các cơ quan cơ yếu khác; đồng thời, lễ Phục mạng cũng chỉ là một lễ thường trong rất nhiều nghi thức quan trọng khác của triều đình nhà Nguyễn. Do đó, khi đối chiếu với bộ tranh hoàn chỉnh về đề tài Đại lễ phục gồm có tới 54 bức, cho thấy có khả năng đây là một mảng đề tài lớn khác của NVN, tuy nhiên đã bị thất tán và chưa được sưu tập đầy đủ.Cùng bút pháp hiện thực quen thuộc dễ nhận thấy như trong Đại lễ phục triều đình An Nam, ở bộ tranh này, NVN đã sử dụng thủ pháp ước lệ để dễ dàng miêu tả công việc đặc thù của các cơ quan. Chẳng hạn, Bộ Công thợ thuyền đứng, ngồi cưa xẻ chạm trổ vật liệu dùng trong xây dựng; Bộ Hộ tấp nập thương nhân vào ra giao dịch tài chánh thuế khóa; Bộ Lễ trưng bày áo mão cân đai, vật phẩm cúng tế… Một điểm thú vị khác, NVN ngoài việc miêu tả tư liệu, các nhân vật trong tranh ông cũng hiện rõ ràng, sinh động dưới bút pháp truyền thần chân thực của một nghệ nhân bậc thầy. Có thể thấy điều này khi đối chiếu ảnh chân dung của các vị thượng thư đương nhiệm như Trương Như Cương (Bộ Hộ), Đào Tấn (Bộ Công)… Điều này càng khẳng định thêm giá trị về nghệ thuật tạo hình, tư liệu lịch sử vào giai đoạn cuối thời nhà Nguyễn trong các tác phẩm của NVN.Chúng tôi hy vọng sẽ lần lượt công bố thêm các tác phẩm khác ở các mảng đề tài khác của NVN để người xem hiểu rõ, đánh giá đúng tài năng và công lao của NVN đối với văn hóa mỹ thuật Huế nói riêng và Việt Nam nói chung.
Nguyễn Văn Nhân là người ở phường Kim Liên, tổng Kim Liên, huyện Vĩnh Thuận, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội. Ông sinh khoảng 1840, là nghệ nhân truyền thần và trang trí, làm chức Kí lục (có thể là chuyên viên chuyên trách nghề vẽ) tại Tòa khâm sứ Trung kỳ cho đến lúc hồi hưu vào năm 1900 (khoảng 60 tuổi). Sau đó tiếp tục cộng tác với học giả L. Cadière trong vai trò người khởi xướng ý tưởng và được giao nhiệm vụ phụ trách phần đồ họa chuyên đề l’Art à Hué cho tập san Hội những người bạn Cố đô Huế (Bulletin des Amis du Vieux Hué – BAVH) do L. Cadière điều phối. Nguyễn Văn Nhân qua đời trước khi tuyển tập đồ họa này được xuất bản, năm 1919.Nguyễn Văn Nhân có thể được xem là nghệ nhân thuộc thế hệ đầu tiên tiếp xúc với nghệ thuật phương Tây một cách tự phát bằng ý thức tự học thông qua môi trường công vụ đặc thù. Và là người đầu tiên ứng dụng các kỹ thuật tạo hình phương Tây kết hợp với truyền thống vẽ truyền thần bản địa, và bước đầu đạt được những thành tựu đáng trân trọng qua các tác phẩm hiện đang được lưu giữ.Tác phẩm chính: chân dung thiền sư Linh Cơ, thiền sư Phước Chỉ, chân dung Phạm Phú Thứ v.v., bộ tranh Triều đình Huế (la Cour de Hué), bộ tranh Đại lễ phục triều đình An Nam (Grande Tenue de la Cour d’Annam ) gồm 54 bức… Các tác phẩm này hiện đang được tiếp tục khảo sát, nghiên cứu để minh định các vấn đề liên quan.
Nguồn : facebook của Thanh Long
Biên soạn chỉnh và hiệu đính dựa vào bài viết của tác giả : Trần Đình Sơn