Nhân dịp Cục Mỹ-thuật Nhiếp-ảnh và Triển-lãm mở một hội thảo chuyên đề Thực trạng và giải pháp giám định mỹ thuật và nhiếp ảnh. Thiết nghĩ việc đào tạo nhân sự mới là điều cần phải làm ngay ở Việt Nam cho khâu giám định, vậy nên Nghệ Thuật Xưa xin giới thiệu với các bạn bài viết về những tiêu chí cần có ở một chuyên gia thẩm định.

Kiến-thức và Kinh-nghiệm là hai yếu tố chính cần có của một nhà thẩm định. Ở Việt Nam nhà thẩm định nên có thêm hai tố chất nữa là sự trung thực và cẩn trọng.

Kiến thức

Nếu chia thẩm định làm hai phần thẩm định định-tính và kỹ-thuật thì thẩm định định-tính yêu cầu nhà thẩm định cần phải trang bị một lượng kiến thức RỘNG LỚN về lịch sử mỹ thuật thế giới & việt nam, về tiểu sử chi tiết, cuộc đời sáng tạo của hoạ sĩ (cái mà ở vn ta vẫn gọi là hồ sơ hoạ sĩ).

Người ta bảo một nhà thẩm định định-tính giỏi về hoạ sĩ X là người hiểu hoạ sĩ hơn vợ ông ta. Ở Việt Nam một thời chúng ta hay mời những người bạn thân thiết, quan tâm tới hội hoạ của hoạ sĩ, thẩm định cho ý kiến, khi hoạ sĩ không còn sống là vậy. Tuy nhiên dù là ai nếu thiếu hiểu biết về lịch sử mỹ thuật thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng, hay tiểu sử về hoạ sĩ cần thẩm định, sẽ không thể đánh giá đúng các tác phẩm của hoạ sĩ đó, cũng như giá trị sáng tạo và những cái mà ông ta đeo đuổi. Hiểu cái mà hoạ sĩ theo đuổi là gì, vị trí của ông ta trong trường hoạ quốc tế, giá trị tác phẩm của họa sĩ do đó cũng sẽ được đo một cách chính xác.

Thẩm định kỹ-thuật là một sự bổ xung không thể thiếu cho việc thẩm định định tính. Kỹ thuật ở đây nên hiểu là những phương pháp khoa học hỗ trợ nhà thẩm định để họ không ngã ngựa trước những chiêu trò giả mạo của người làm giả tranh. Thẩm định kỹ-thuật yêu cầu nhà thẩm định phải am hiểu nhiều bộ môn từ lý, hoá, sinh cho tới cả những bộ môn mới xuất hiện như xử lý ảnh, nhận dạng, trí tuệ nhân tạo.

Việc đồng nghĩa thẩm định kỹ thuật với những thiết bị tiên tiến đắt tiền của Tây cũng không đúng. Cần phải hiểu các nhà thẩm định ở Tây họ không sở hữu các thiết bị này nhưng họ vẫn làm việc hiệu quả. Bởi cái mà họ cần là câu trả lời Thật Giả, dùng các thiết bị tiên tiến kia phần lớn các trường hợp là họ sẽ không khai thác hết chức năng của nó mà rất tốn tiền. Tại Tây các thiết bị tiên tiến chỉ có mặt trong các phòng Lab lớn. Ở các ca khó, cần phân tích ở nhiều góc độ trên tác phẩm, thì nhà thẩm định mới đặt hàng lab làm. Nhưng sau đó họ cũng cần phải có đủ kiến thức để đọc được kết quả đó và cho kết quả giám định chính xác. Trường hợp này họ đóng vai trò như ông bác sĩ soi ảnh chụp X Quang bệnh nhân vậy, ông ta không phải là người chụp ảnh và in ra các số liệu, ông ta là người xem ảnh và đọc số liệu, nhưng có ông soi ra bệnh, có ông không, tuỳ vào kinh nghiệm từng người.

Cũng đừng coi thường việc trang bị thiết bị mà chỉ nhìn mắt thường, bởi trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam hay thế giới có nhiều trường hợp hoạ sĩ được xem tranh làm giả còn không biết là tranh mình bị chép. Nhưng thông qua thiết bị thì bằng chứng về sự giả mạo sẽ bị phơi bày. Vậy nên chớ có dùng mắt trần, nhất là ở những vị già cả lại càng không nên, vì khi đó mắt dần yếu rồi.

Trang bị thiết bị như thế nào là đủ tùy vào điều kiện từng tổ chức, cá nhân hay tập thế. Các chuyên gia thẩm định bên Pháp mà NTX quen chẳng ai đòi hỏi một cái thiết bị đắt tiền bao giờ, bằng sự hiểu biết họ tự lựa chọn những thiết bị cho họ, rẻ hơn rất nhiều, đôi khi chỉ bằng “hai cốc cafe “ nhưng hiệu quả đem lại trong công việc của họ thì không thua kém các thiết bị đắt tiền trong phòng lab, bởi họ chỉ cần bằng đó chức năng.

Quan trọng phải hiểu là cấp độ giám định Thật Giả và nghiên cứu khoa học khác hẳn nhau. Đừng bao giờ đổ tại tôi ko có thiết bị này kia không làm việc tốt được.

Kinh nghiệm thương trường

Ở Tây có nhiều hội chuyên gia cấp bằng chuyên gia thẩm định, với những tiêu chí khác nhau, nhưng có một tiêu chí khá chung là để trở thành một chuyên gia, ứng cứ viên phải có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong nghề, sau đó là một thời gian thực tập và bài thi kiểm tra. Qua được những bước này họ mới được hội cấp giấy chứng nhận chuyên gia và từ đó các chứng nhận thẩm định do chuyên do này cấp mới có hiệu lực. Khoảng thời gian 10 năm trên phải được chứng minh bằng giấy tờ như giấy đăng kí hành nghề, bảng thu nhập và thuế liên quan đến nghành mà họ muốn trở thành chuyên gia thẩm định.

Để trở thành chuyên gia thẩm định thì quan trọng vẫn là kinh nghiệm va chạm thực tế trên thương trường. Không phải anh cứ có bằng cử nhân về mỹ thuật là anh có thể hành nghề thẩm định ngay được. Bởi thẩm định Thật/Giả, nó liên quan nhiều tới thị trường mua bán, và hơn nữa nó cần sự hiểu biết ở nhiều bộ môn, kỹ thuật làm giả… chứ không chỉ là biết vẽ là xong.

Ở đây cần phải đặt câu hỏi : tại sao lại có đồ giả? có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc làm giả đồ. Nhìn theo góc độ thị trường thì nguyên nhân chủ yếu là do hám lợi. Người làm đồ giả cũng phải theo sát thị trường, để làm ra những món đồ thị trường có nhu cầu cao, dễ lừa bán. Không ai đi làm giả một món đồ thị trường không có nhu cầu. Do vậy kinh nghiệm thương trường là điều rất cần thiết khi giám định đồ thật giả. Một chuyên gia nhiều năm kinh nghiệm trên thương trường chỉ cần nhìn qua một món đồ là họ xác định được ngay lò làm giả, thời gian làm giả món đồ đó.

Trung thực

Ở Việt Nam nhiều người không có kinh nghiệm và kiến thức về thẩm định, nhưng do họ có vị trí trong xã hội, nên thường được mời vào hội đồng thẩm định. Nhiều trường hợp những người này chưa từng được nhìn thấy một bức tranh thật của họa sĩ X, rất ít hiểu biết về hoạ sĩ này, nhưng vẫn được mời tham gia thẩm định tranh của hoạ sĩ trên, và họ cũng rất sẵn lòng đưa ra một ý kiến sai lệch dựa trên sự thiếu hiểu biết của mình. Rất ít những trường hợp trung thực, khi được mời đã tự động từ chối do mình không có đủ hiểu biết và kinh nghiệm về vấn đề cần thẩm định.

Sự trung thực còn được hiểu ở khía cạnh quen biết. Hãy tưởng tượng họ đang thẩm định một bức tranh cho một người bạn? Hơn nữa người bạn đó là sếp của họ, một vị quan lớn. Nếu bức tranh là giả liệu họ có dám nói thật? Rất nhiều các bộ sưu tập tại Việt Nam từ các gia đình quan chức được hình thành chủ yếu từ quà biếu. Người biếu cũng là nhân viên nên họ không có nghề khi mua đồ và thường hay bị lừa mua phải đồ giả. Liệu một chuyên gia thẩm định dưới quyền của vị quan chức kia có giám cấp giấy chứng nhận đó là đồ giả?

Người châu Á với văn hóa quen biết lâu nay thường là nguyên nhân của nhiều tệ nạn. Người ta có thể làm sai bất kì điều gì nếu quen biết. Chúng tôi từng được va chạm một chuyện nho nhỏ: người sở hữu cũ đã bán bức tranh thật và chép thêm một bức mới ở nhà, chuyên gia thẩm định quen anh ta nên khi lần đầu tiên nhìn thấy bức tranh thật đăng kí triển lãm đã phán luôn nó là tranh chép. Rất may là khi anh kia chép do thiếu kiến thức đã vô tình thêm vào một chi tiết tự tố cáo bức tranh chép của anh ta.

Cẩn trọng

Ở một chuyên gia sự cẩn trọng là rất cần thiết. Không ai chê anh dốt nếu anh được hỏi một điều anh không biết và anh trả lời rằng anh không biết. Nhưng anh sẽ biết rất nhanh nếu để cho anh một chút thời gian tìm hiểu, bởi anh đã có sẵn kinh nghiệm xử lý những vấn đề tương tự. Nhưng thây vì nói câu “để tôi nghiên cứu” hay “tôi không có hiểu biết về vấn đề này” thì một số phán bừa ngay cả khi một chút khái niệm về nó cũng ko có. Họ coi điều đó nhằm chứng tỏ khả năng siêu việt của họ. Thật nguy hiểm…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.