Quần chúng biết được rằng vua Hàm Nghi (1870-1944) có vẽ tranh, là nhờ một buổi bán đấu giá tại Paris ngày 24.11. 2010, rao bán bức sơn dầu Chiều tà, 34 x 46 cm, cựu hoàng vẽ năm 1915 tại Alger, ký Tử Xuân, mô tả phong cảnh Địa trung hải, một buổi chiều ngả bóng trên đồi El Biar, gần Alger, nơi cựu hoàng bị chính quyền Pháp lưu đày cấm cố. Họa phẩm ra giá 1.000 € và ngã giá 8.800 €, báo giới trong và ngoài nước đã loan tin tràn trề. Bài này không nhắc lại, mà chỉ đặt trọng tâm vào giá trị bức tranh, về mặt lịch sử và nghệ thuật.

Hàm Nghi_Chieu tà (1)

Bức tranh Chiều Tà của vua Hàm Nghi

 

Nhất là nghệ thuật.

Đánh giá họa phẩm là việc phức tạp. Ngoài giới chuyên môn dựa trên những tiêu chuẩn kỹ thuật, lịch sử mỹ thuật, thẩm mỹ so sánh, để phê phán, người bình thường, kẻ ngoại đạo, chỉ có thể nói đẹp hay không đẹp theo cảm quan. Những cảm xúc chủ quan của người thưởng ngoạn ngày nay được giới nghiên cứu trân trọng, kết hợp thành lý thuyết « liên văn bản ». Thích một tác phẩm, bài thơ hay bức tranh, là vì trong ý thức hay tiềm thức, đã liên hệ đến một tác phẩm khác hay một sự kiện tâm cảm nào khác. Thuyết « liên văn bản » đã thổi một luồng gió mới vào nền lý luận phê bình văn học nghệ thuật.

HamNghi- Chieu Tả-notes

Một ghi chú bằng tiếng Pháp về bức Chiều Tà.

 

Đánh giá một tác phẩm nghệ thuật trước hết phải đặt nó vào thời điểm sáng tác. Nói đến bức Hoa huệ của Tô ngọc Vân, phải đặt nó vào khung cảnh trường Mỹ Thuật Đông Dương, 1930-1945, Nói đến Con Nghé của Nguyễn Tư Nghiêm, phải biết qua thời kỳ Cải cách ruộng đất, 1955-1956 ; La Joconde là tranh nổi tiếng nhất thế giới, nhưng ngày nay, ít ai ngồi vẽ kiểu Léonard, khoảng 1605.

Vào thời điểm 1915, Việt Nam mới bắt đầu có tranh sơn dầu, ngày nay còn lại bức Chân dung Cụ Tú Mền, 1896, 60×40 cm, đã hư hao nhiều, bức Bình Văn, 1905, 68×97 cm, của Lê văn Miến (1873-1943), ngang tuổi với Hàm Nghi, người đã chính thức học vẽ tại trường Mỹ Thuật Paris, 1884, với họa sĩ Gerôme. Nhưng cả hai bức sơn dầu này còn mang nặng ảnh hưởng tranh lụa.

HamNghi-dieukhac

Cựu hoàng Hàm Nghi và tác phẩm điêu khắc của ông.

 

Như vậy có thể nói Lê văn Miến và Hàm Nghi là hai người Việt Nam đi tiên phong vào nền hội họa sơn dầu theo kỹ thuật Tây Phương. Có lẽ Hàm Nghi là người Việt Nam đầu tiên triển lãm tranh, tượng tại Paris, tháng 11-1926, ở phòng triển lãm Mantelet, đường La Boétie.

Tuy nhiên vì ông sống xa đất nước, tác phẩm không mấy ai biết, nên Hàm Nghi không được đặt vào đầu nguồn lịch sử tạo hình Việt Nam hiện đại. Ngày nay, giới phê bình nên tái lập công bình cho vị thế của họa sĩ Hàm Nghi, đồng thời là nhà vua cách mạng mà định mệnh nổi trôi trong một giai đoạn ngắn, đã gắn liền với số phận của đất nước.

*
Chiều tà là dịch từ tên tiếng Pháp Le Déclin du Jour, còn có tên khác Chemin d’El Biar, Con đường El Biar, vẽ cảnh thiên nhiên, những mô gò, dãy đất thoai thoải liên tiếp nhau lên đến đồi cao, in trên nền trời chiều hồng thắm; xa xa có rặng núi, loáng thoáng vài nếp nhà. Cận cảnh là một tàng cây xanh. Ánh sáng êm ả, màu sắc kín đáo, dịu dàng: màu đất nâu liền với cỏ xanh non và lá cây già, xanh lam. Nói chung là màu tối, u uẩn, trầm buồn, người xem có thể gán cho tác giả tâm sự này, tình cảm nọ. Nhưng là do suy diễn. Họa sĩ trước cảnh chiều chỉ muốn ghi lại một thoáng phôi pha, và xúc cảm nhất thời có thể biểu lộ tâm tình hay kỷ niệm chìm trong ký ức.
paris 11-2010 0862
Tác giả Đặng Tiến với bức tranh Chiều Tà.

 

Được phỏng vấn về bức Chiều Tà, họa sĩ Vink (Vĩnh Khoa) ở Bỉ, phát biểu trong điện thư, 27.11 : «Bức tranh phảng phất ảnh hưởng Gauguin. Bố cục đẹp, màu sắc dễ chịu, ánh sáng đẹp. Nhưng giá trị của bức tranh gắn liền với một định mệnh xuất chúng, với lịch sử Việt Nam, hơn là giá trị mỹ thuật của nó. Nó cũng có ý nghĩa nhân bản cao, phản ánh cuộc đời của một người biết giá trị cuộc sống.

Vua HàmNghi có than thân trách phận suốt đời như bao nhiêu kẻ lưu vong khác chăng? có lẽ ông như những cao nhân tiền bối, từ bỏ triều đình, biết vui thú điền viên, và khám phá trong cuộc đời không phải chỉ có đất nước không mà thôi, mà còn có trời mây, thiên nhiên, vũ trụ con người và những hạnh phúc thường ngày của cuộc sống.

Tôi thích vẽ cảnh buổi chiều khi trời đất êm ả, nên thấy trong tranh này cảm giác ấy. Một người khác sẽ tưởng tượng là tranh chứa sự buồn bã và nhớ nhung. Không như thế. Họa sĩ ở đây ghi lại một thời điểm êm đẹp, một hạnh phúc tự tại.

Tranh do mình vẽ ghi lại một hạnh phúc trong hiện tại, nhìn xa hơn thì hạnh phúc hiện tại này vẫn gắn liền với một kỷ niệm thời thơ ấu đẹp đẽ, một cảm xúc đã sống qua trên quê hương vào một buổi chiều hay buổi sáng êm ả.»

Nhiều người được tham khảo, đã tán đống quan điểm của Vink, như nhà phê bình hội họa Dương Tường, Hà Nội, nhà thơ Hoàng thị Ý Nhi, TPHCM, nữ họa sĩ Thanh Trí ở Mỹ. Riêng họa sĩ Đinh Cường, ở Mỹ còn cho rằng Chiều Tà mang không khí Huế, có lẽ do cảm giác u trầm, thêm những viền xanh lam, gợi màu sắc gốm mà giới nghiên cứu gọi là « lam Huế », bleu de Huê. Đinh Cường cũng nhận rằng tranh có nét Gauguin.

Có lẽ đây là do ảnh hưởng thời đại. Hàm Nghi năm 1899 đã có xem tranh Gauguin. Các chuyên gia còn cho rằng Chiều Tà chịu ảnh hưởng trường phái Nabis thời đó, cụ thể là đường chân trời được nâng cao hơn thường lệ. Cảnh đồi núi chập chùng, nhưng tranh thì bằng phẳng, tạo không khí « phẳng lặng tờ », khiến nhớ đến tiêu chí của trường phái Nabis : «tranh là một mặt phẳng phủ dưới những màu sắc được sắp xếp lớp lang » (họa sĩ Denis, 1890). Màu sắc ở đây lại là màu nguyên chất, « lấy thẳng từ ống sơn », như Gauguin và môn đồ ưa sử dụng. Nhịp điệu khoan thai, theo đường thẳng, chủ yếu là đường ngang, mềm mại, mơn man đưa ánh nắng chiều về tụ điểm bên trái. Và nâng « trời nhẹ lên cao ».

Chiều Tà là tác phẩm biểu cảm, không phải là tranh hiện thực, dù dựa trên cảnh có thực : đồi núi El Biar dọc biển, phía tây thành phố Alger. Cảnh không khỏi gợi nhớ một đoạn văn của Camus, trong l’Etranger, 1941 (Kẻ xa lạ, dịch 5 lần tại Việt Nam) cũng miêu tả cảnh này khi nhân vật kể lại đám tang mẹ :
« Tôi nhìn cảnh đồng quê chung quanh. Qua những hàng cây bách đưa đến đồi cao tận nền trời, màu đất nâu và xanh lơ, những ngôi nhà rải rác đậm nét, tôi hiểu mẹ. Buổi chiều, tại xứ này, như là một ngưng trệ buồn bã. Hôm nay, ánh nắng chói chang đánh bật dậy phong cảnh, làm cho nó trở thành bất nhân và trầm uất » (tủ sách Pleiade, tr. 1133).

Người Việt Nam, nhìn tranh, bâng khuâng nhớ đến nhiều bản nhạc, bài thơ, như thơ Hồ Dzếnh, Màu mây trong khói, khi phổ nhạc có tên Chiều :
Có phải sầu vạn cổ
Chất trong hồn chiều nay

Do đó, không khí u trầm, lắng đọng trong Chiều Tà là tâm sự chung của con người, một nét sầu vạn cổ, một khối sử nhân sầu trên khói sóng, trong cổ thi.

Không nên gán cho nghệ thuật những ý nghĩa cụ thể do mình suy diễn. Họa sĩ Vink nói điều này: «Ai đó mà cho bức tranh này buồn bã là người chưa hề cầm bút để vẽ một cảnh trời mây và biết tại sao mình vẽ một cảnh trời mây như vậy.» Dĩ nhiên người xem tranh không cần có kinh nghiệm vẽ tranh. Khi họa phẩm làm người xem cảm xúc, tạo cho người xem một cảm giác – bất cứ cảm giác gì – là quý. Cần gì, và biết đâu là đúng hay sai. Thích bức tranh thì càng quý.

Trước bức Chiều Tà của vua Hàm Nghi, nhận chân giá trị lịch sử là việc tương đối dễ dàng.

Nhìn ra vẽ đẹp nghệ thuật đòi hỏi kinh nghiệm thẩm mỹ, ít nhiều lý luận khách quan.

Vậy xin chia sẻ ít nhiều suy nghĩ nghệ thuật với người đọc.

Đặng Tiến
Paris, 27.11.2010

(Nguồn : diendantheky)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.