Một buổi khai mạc triển lãm họa phẩm. Đôi nam nữ đứng tuổi, dáng dấp sang trọng, lịch sự, chờ mãi mới chộp được lúc họa sĩ X. lơi tay tiếp khách, xông đến ngay. Cười cười đon đả, vài câu thăm hỏi. Rồi người đàn bà ngước nhìn bức tranh trên tường, ngay chỗ ba người đang đứng:

Dạ, thưa, chúng tôi thích bức này lắm. Dạ, đẹp quá…”

“À, vâng… Ông bà thích lắm à?”

Vồn vã thì ra vẻ câu khách. Lạnh nhạt thì thà đuổi khách đi. Họa sĩ X. chỉ phun ra được một câu khá… vô duyên.

Người đàn ông nhìn quanh quất giọng tự tín:

“Màu sắc được lắm. Được lắm. Tôi ưa cái màu vàng kia kìa.”

Người đàn bà phụ họa:

“Dạ, đúng vậy. Thật rực rỡ. Có điều…”

Họa sĩ X. lắng tai. Gặp chuyện buôn bán giá cả thì ông xa vắng, lừ đừ, chứ đụng đến màu sắc là ông tươi tỉnh ngay. X. nhìn người đàn bà:

“Vâng, thưa bà, có điều…”

“Dạ, có điều tôi, chúng tôi, dạ vâng, tôi… không hiểu gì cả. Hoạ sĩ có thể giải thích cho được không?”

Người đàn bà mím môi, chờ đợi. Người đàn ông nghiêng đầu, làm như chăm chú nghe chuyện, mà lại có vẻ lơ đễnh, thờ ơ.

Họa sĩ X. cảm thấy máu dồn lên mặt. Ông biết ông sắp quạu. Ông cố nén nỗi bực mình. Nhưng không kịp nữa. Ông nói nhanh:

“Bà vừa nói là thích bức này lắm. Bà nói đẹp quá mà. Thế là đủ. Không có gì phải giải thích cả.”

Họa sĩ X. xoay người, dợm bước:

“Hân hạnh gặp ông bà. Xin lỗi, tôi…”

Và ông “dzọt” lẹ.

Hoạt cảnh trên xảy ra mỗi tháng, mỗi tuần, khắp nơi trên thế giới. Nhiều đồng nghiệp của người viết chắc đã trải qua kinh nghiệm ấy. Không phải họa tác gia nào cũng cư xử như hệt họa sĩ X. Có người nóng nảy, cứng cỏi hơn. Cũng có người kiên nhẫn, mềm mỏng hơn. Tùy bản tính, tùy cung cách, tùy lề thói làm ăn. Pablo Picasso, ai cũng biết, là một họa sĩ đại tài. Ông cũng ngang bướng khỏi chê. Có lần một ông nọ hỏi Picasso: “Tranh này vẽ cái gì vậy? Tôi không hiểu gì cả?” Picasso hỏi lại: “Thế nghe tiếng Tàu, ông có hiểu không?” Ông kia đáp: “Trời đất! Tiếng Tàu! Dĩ nhiên là không!” Picasso bảo: “Á à, không hiểu thì phải học!”

Tôi không biết giai thoại này thật được bao nhiêu. Chỉ biết điều đáng lưu tâm là lời nói của Picasso. Hội họa là một nghệ thuật không lời, ai cũng biết. Tuy nhiên, cứ dựa theo giai thoại trên thì có vẻ như Picasso cũng cho rằng một họa phẩm cũng biết “nói”, nhưng nó “nói” một ngôn ngữ dị biệt cho nên có người không hiểu. Muốn hiểu nó thì phải học nó.

Có thế thật chăng? Tôi ngờ lắm. Tôi ngờ rằng hôm đó, nghe một câu hỏi chướng tai, Picasso nổi dóa nói đại vậy chứ suy cho cùng, câu nói của thiên tài hội họa này có đôi điều lấn cấn.

Hiểu? Hiểu cái gì? Hiểu làm sao? Học? Học thế nào? Học đến đâu?

 

Hiểu và “Hiểu”

 

Phải nói ngay rằng có sự khác biệt lớn giữa hiểu và “hiểu”. Cứ đọc hai câu thơ, chẳng hạn của Thâm Tâm, thì thấy ngay sự khác biệt ấy:

Bóng chiều không thắm không vàng vọt

Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong

Hiểu hai câu thơ ấy là hiểu những chữ bóng chiều, thắm, vàng vọt, Sao, hoàng hôn, v.v… có nghĩa gì. Kiểu như hiểu câu hỏi (tiếng Việt) “Tiệm bánh mì nằm ở đâu?” hay (tiếng Pháp) Où est la boulangerie?” hay (tiếng Anh) “Where’s the bakery?” Còn “hiểu”, nó không nằm ở những chữ được hiểu, cũng không nằm ở những hình ảnh (?) được thấy.“Hiểu”, là xúc động. Xúc động, cho nên “khoái”. Không xúc động, chỉ mới là hiểu, chưa phải là “hiểu”.

Một người không biết tiếng Việt, dở tự điển ra tìm những chữ bóng, chiều, không, thắm, v.v… cũng có thể hiểu câu thơ ấy nghĩa là gì. Một người khác, biết tiếng Việt, không cần đến tự điển, cũng biết những chữ ấy nghĩa là gì. Nhưng không ai có thể bảo đảm rằng cứ đọc lên câu thơ Thâm Tâm là người ấy bồi hồi xúc động: Hiểu thì có hiểu, nhưng “hiểu” thì chưa.

Thành thử, khi bà khách nọ của họa sĩ X., hay ông khách kia của Picasso nói “tôi không hiểu” thật ra là họ muốn nói “tôi không xúc động”. Lý do vì họ không “hiểu”. Vì thế chúng ta cũng không nên trách oán Picasso hay họa sĩ X. là họ không chịu giải thích. Sau bao nhiêu năm tháng “tu luyện” tìm tòi, trầy vi tróc vảy, rồi thể hiện nên một họa phẩm xứng đáng với tên gọi là một sáng tạo, làm sao, trời ơi, làm sao người nghệ sĩ có thể “giải thích” trong dăm ba phút tại một buổi tiếp tân náo nhiệt, người qua kẻ lại, tay cầm ly rượu, miệng nói huyên thuyên… Họ không giải thích là vì họ bất lực, không thể giải thích, chứ không phải họ làm cao, khinh người. Và sau bao nhiêu vất vả, tốn kém, phiền hà, treo được bức tranh lên tường, lại còn bị yêu cầu giải thích này nọ, người họa sĩ cảm thấy quá bực mình. Bực mình chứ không phải cay cú.

 

Một giai thoại khác.

 

Có người nọ hỏi Louis Armstrong: “Jazz là gì?” Armstrong lắc đầu: “Ái chà! Nếu còn phải hỏi Jazz là gì thì thôi chả cần đến với Jazz làm gì nữa!”

Tôi chịu giai thoại Armstrong này hơn giai thoại Picasso. Nhà nhạc sĩ không bảo người kia” học” đi để biết Jazz là gì. Ông không màng có thêm một người yêu Jazz trên đời. Nếu Picasso (trong giai thoại) xử sự như Armstrong thì nhà danh họa sẽ bảo ông nọ: “Ông không hiểu gì cả à? Vậy nên đi chỗ khác chơi!”

xemtranh_batherarrangingherhair-renoir

Bather Arranging Her Hair (Auguste Renoir)

Đến đây, chúng ta đụng phải một vấn đề khá nhức đầu. Người “ngoại đạo” (không ở trong ngành hội họa) nhìn một bức tranh có khi phải kêu lên “tôi không hiểu”. Chuyện thường tình. Vậy mà, xem ra, cũng có khối người, tuy là “trong đạo”, nhìn một bức tranh cũng chẳng “hiểu” gì cả. Nói cách khác, họ có thể hiểu (sử dụng kiến thức, lý trí…) nhưng thật tình, họ không “hiểu” (trong nghĩa thưởng ngoạn). Bản thân người viết, không phải khi nào ngắm một họa phẩm kỳ bí (ví dụ cụ thể: một Picasso thời kỳ “Lập thể Phân tích”) cũng có thể nói: tôi hiểu. Nhưng, hiểu hay không, vẫn sẵn sàng kêu lên: Tôi xúc động lắm! Và đây là then chốt của vấn đề. Hiểu không quan trọng. “Hiểu” mới là quan trọng. Nói đúng hơn hiểu không quan trọng bằng“hiểu”. Chúng ta cũng hãy đừng vội xem hiểu chỉ là việc của lý trí, kiến thức. và “hiểu”, gây nên xúc động, chỉ là việc của cảm tính. Không giản dị như vậy.

xemtranh_madamecezanne-paulcezanne

Madame Cézanne in a Yellow Chair (Paul Cézanne)

 

Nhìn Bather Arranging Her Hair của Auguste Renoir (National Gallery, Washington, D.C.), ngắm nghía bố cục rộng rãi, màu sắc đầm thắm, đường nét đầy ắp, tri thức người xem thỏa mãn, sự thưởng thức no nê. Nhưng rồi, xem, cái cô gái trong tranh kia, sao mà lõa lồ ngồn ngộn thế kia, sao mà nà nuột thơm tho thế kia, người xem tranh có thể trượt dần, trượt dần từ một phạm trù thẩm định thuần tri thức sang một phạm trù khác mang hơi hướm cảm tính rồi. Đấy là chuyện xem tranh Renoir. Chứ còn ngắm bức Madame Cézanne của cụ Paul miền Aix vẽ (Paul Rosenberg, Paris), ngắm cái tấm nhan sắc vừa… xí trai vừa quạu quọ của người mẫu, ngắm hai cánh tay cứng đờ như hai khúc gỗ vuông kia mà vẫn thấy họa phẩm thật dung dị, thật viên mãn, mà vẫn thấy bức tranh, tuy kích thước khiêm tốn lại mang một phong thái hoành tráng đẹp lạ lùng thì cái “hiểu” này chắc là không thuộc về cảm tính đâu.

Cái “hiểu”, nó không thuộc về lý trí vì nó không thuần là quan sát, phân tích, suy luận. Nó cũng không thuộc về cảm tính vì xem như Cézanne đã cố tình tạo nên hình ảnh người nữ… khó thương nhất trong lịch sử hội họa. Thế mà chưa đủ: Từ ngày Cézanne ra đi, 1906, hội họa bước những bước khổng lồ. Người nữ trong tranh không bao giờ còn mềm mại, hấp dẫn như ở Renoir nữa. Mà cũng không bao giờ cứng cỏi, nhăn nhó khó thương như ở Cézanne nữa. Họ được trừu tượng hóa tối đa. Chỉ còn hình khối, đường nét, màu sắc. Rồi đến cuối thế kỷ này, hô lũ lượt bỏ đi cả. Đi đâu mất tiêu cả.

Hội họa không cho phép kẻ thưởng ngoạn được vật vờ lạng quạng giữa lý trí và cảm tính nữa. Những yếu tố có khả năng kích thích thuần cảm tính (ví dụ: cái lộng lẫy, tươi mát của một đóa hoa, cái quyến rũ mời gọi của một người nữ…) bị gạt bỏ ra ngoài. Đồng thời, tất cả sức nặng của họa phẩm được dồn lên bình diện ngôn ngữ và cấu trúc. Cả hai, cáihiểu và cái “hiểu” của người thưởng ngoạn được duy trì. Đến hạ bán thế kỷ 20 này, thực chất của hội họa là những hình tượng hoàn toàn được sáng tạo bởi bàn tay con người.Hiểu là hiểu cái đề tài, câu chuyện, và xa hơn, hiểu cái bố cục, những giai điệu, những tiết nhịp. Còn “hiểu” là “hiểu” những hình tượng đã được sáng tạo này. Cái “hiểu” này, học được chăng?

 

Học để hiểu & học để “hiểu”

 

Ở các nước Tây phương tiên tiến, đặc biệt ở Hoa Kỳ, người ta lưu tâm đến cái học lắm. Không phải chỉ cái học để lấy bằng tốt nghiệp, ra hành nghề, hốt bạc, mà còn đến cái học để biết thưởng ngoạn, để “enjoy”, nôm na là để biết khoái. Riêng về hội họa, rải rác ở các đại học có những lớp gọi là “Thưởng Thức Nghệ Thuật” (Art Appreciation). Đa số người theo học thuộc về “phái yếu” (nhiều đấng nam nhi còn bận lo những thứ “thực tế” hơn, và khi rảnh rang còn phải theo dõi kỹ những trận đấu bóng, v.v…). Ở các lớp “thưởng thức” đó, người ta được dìu dắt đi vào thế giới tạo hình xưa và nay: các thời kỳ, trường phái, lý thuyết, v.v…

Ngoài những chương trình cấp đại học ấy ra còn có những lớp Continuing Education(tạm gọi là “Giáo Dục Nối Dài”, “Giáo Dục Bổ Túc”, hay “Bồi Dưỡng”) thường được tổ chức ban đêm, ngay tại địa phương, gần và tiện cho nhiều người. Học để biết, để hiểu cũng có. Mà học để “hiểu” để “khoái” cũng có. Cho nên có những khóa vẽ. lý thuyết đằng sau chuyện học vẽ này là ta sẽ biết thưởng thức hơn nếu chính ta bắt tay thực hành. Biết chơi vài ba bản đàn sẽ giúp ta thưởng thức âm nhạc hơn. Chơi vọc đất sét sẽ giúp ta thưởng thức nghệ thuật đồ gốm hơn, vân vân. Một lý thuyết đầy thiện chí và rất hợp lý. Và thế là có bà nội trợ ẵm cả con còn mang tả đi học. Học vẽ: Than, phấn, sơn nước sơn dầu… Sau một thời gian, khóa học kết thúc, chẳng ai được phát bằng cấp, bằng kiếc gì cả. Học chơi vậy thôi. Khoái rồi, cần gì ba cái lẻ tẻ như bằng cấp với chứng chỉ!

Nói chung, ở Âu Mỹ, người ta tin tưởng hết mình nơi sự tíến bộ. Họ đầu tư mạnh mẽ vào ảnh hưởng cải thiện của môi trường, hoàn cảnh, giáo đục. Và người ta đã xây dựng được những xã hội tương đối ấm no, người dân có quyền lựa chọn, trình độ kiến thức được nâng cao. Những khóa học bổ túc, những chương trình giáo dục trên đài truyền thanh, truyền hình, những sinh hoạt cộng đồng “Sống với Nghệ thuật”, những sách vở, tài liệu ê hề trong trường học, trong thư viện công cộng,v.v… tất cả những nổ lực ấy đã đạt được một số kết quả khả quan.

Là một người suốt đời tận tụy với hội họa, tôi hoan nghênh những cố gắng ấy, những chương trình học hỏi ấy, học “thật” cũng như học “chơi” ấy.

Tuy nhiên, hoan nghênh thì hoan nghênh, lòng tôi vẫn lợn cợn chút phân vân. Tôi ngờ rằng cái học chỉ mới đem lại cái hiểu. Nghĩa tự điển (bóng, chiều không, thắm, v.v.. .). Còn cái “hiểu” kia, cái xúc động, cái khoái, cái “hiểu” ấy phải đến tự chính mình, không trường ốc, không thầy cô nào có thể đem lại cho mình được.

Chúng ta vừa đi lòng vòng quay lại điểm khởi hành: Buổi khai mạc triển lãm. Bà khách nọ nói với họa sĩ X.: “Có điều, chúng tôi không hiểu gì cả”. Thật ra bà ta muốn nói: “Chúng tôi không “hiểu” gì cả”. Không “hiểu”, không xúc động, nhưng vẫn nói là tranh đẹp. Vẫn phải, có thể lắm, bỏ tiền ra mua tranh. Đáng thương. Đáng thương hơn nữa, không phải người mua mà là kẻ bán. Biết rằng người ta không “hiểu”, không “khoái” tranh mình mà vẫn cứ mua vì những lý do đâu đâu, trong khi mình thì vì cần tiền cho nên vẫn ráng mà bán, vẫn cứ tươi cười chìa tay ra nhận tiền…

Tôi mới nói ở trên: cái “hiểu” phải đến tự chính mình, không ai dạy cho mình được cả. Một ý niệm bi quan. Và không dân chủ. Thật vậy, ý niệm có người sinh ra đã mang sẵn trong mình những khả năng duy nhất và dị biệt là một ý niệm phản lại truyền thống dân chủ. Khoa học đã xác minh rằng tự bản chất không có chủng tộc nào thông minh tài giỏi hơn chủng tộc nào. Trong một cộng đồng cùng chung một đời sống kinh tế và văn hóa, dĩ nhiên có người thông kẻ ngu. Người ta cho đó là hậu quả của môi trường, của hoàn cảnh. Nỗ lực cải tiến xã hội, trong đó có giáo dục, có nhiệm vụ san bằng những bất công đó. Cho đến những ý niệm như “thiên tài” cũng trở thành đáng ngờ vực. “Thiên tài” là gì? Có người đã định nghĩa: 1% cảm hứng và 99% mồ hôi. Một nhà thơ tài danh đương đại của Việt Nam tự gọi, một cách “nên thơ”, là “phu chữ”. Chín chín phần trăm là mồ hôi, thì cũng được. Chứ còn cái một phần trăm là cảm hứng kia, chưa có ai hỏi nó từ đâu mà đến.

Ngày trước ở Tây phương, có… “Thần Thơ” (Muse) xinh đẹp, lượn lờ sà xuống ban phát cái cảm hứng sáng tạo cho thi nhân. Thời tiền chiến, ở Việt Nam, nữ thần trở thành một “nàng thơ” nho nhỏ, một “em”. “Nàng thơ” là một người nữ yêu quí mà gần gũi, gần gũi đến nỗi một Xuân Diệu có thể đối xử với nàng một cách vừa nồng nàn vừa suồng sã:

 

Mùa thi sắp tới! Em thơ!

Cái hôn âu yếm xin chờ năm sau!

 

Thi sĩ làm như bắt “em” chờ thì “em” chờ, ới “em” một tiếng là “em” đến.

 

Ngày nay chúng ta phân vân: Ái chà, cái 1% này, nó ở đâu mà đến vậy? Có đến cũng bất thần. Đến lúc nọ mà không đến lúc kia. Đến với người này mà không đến với người khác. Cảm hứng, nó như là một ân huệ… Trời cho! Điều này còn dễ thấy và cố gắng chấp nhận được. Khó thấy và khó chấp nhận hơn là một khi sáng tạo phẩm ra đời, không phải chuyến đi nào từ cái hiểu đến cái “hiểu” cũng xuôi chèo mát mái. Người thưởng thức học miết cho đến khi hiểu. Hiểu xuôi rồi lại hiểu ngược, hiểu chán hiểu chê rồi mà có thể vẫn chưa “hiểu”. Tỉ như biết mình đang ăn cái gì, cái ấy được nấu nướng ra làm sao, v.v… “ngậm mà nghe” hoài vẫn không thấy ngon. Hiểu mà không “hiểu”, cũng như ăn mà không thấy ngon, chán hết sức. Cái khả năng “hiểu” này, từ đâu mà đến, làm sao mà có?

 

Trong khi đó, lại có kẻ, hiểu thì chẳng bao nhiêu, mà “hiểu” thì đầy mình. “Hiểu” đến độ si mê, đắm say. “Hiểu” và sung sướng vô ngần. Nhúm một ân huệ… Trời cho. Sao mà có sự bất công thế?

 

Có người giỏi làm thơ nhưng hết sức vụng về khi đụng đến tiền bạc. Lại có người rờ vào đâu ra tiền ở đó, khôn ngoan lanh lợi rất mực nhưng quanh năm suốt tháng không cầm đến một cuốn sách hay tạp chí văn học nghệ thuật. Những trường hợp ấy, chúng ta còn có thể nói rằng ông Trời công bằng: Cho cái này mà không cho cái kia. Vậy còn những kẻ mà Trời không cho gì cả thì sao? Thuở nhỏ đi học chúng ta đã thấy những thí dụ cổ điển này: Nhà nghèo, mặt mũi xấu xí; Toán: dốt; Việt văn: dốt; Sử ký: dốt, vân vân. Môn nào cũng dốt, cũng đội sổ. Trời sao bất công! Trời bất công thì ở Tây phương con người nảy ra ý niệm về sự công bằng. Trường đấy, trường ban ngày, trường ban đêm, ngày nay thời đại điện tử, có cả trường truyền hình, trường vi tính, cứ học cho đến khi nào hiểu thôi. Như vậy là công bằng. Và dân chủ. Trắng, đen, vàng, đỏ, giàu, nghèo đều có cơ hội học hỏi, tiến thân, và “theo đuổi hạnh phúc”. Đó không phải là đặc ân cho người dân những xứ tiên tiến. Đó là cái quyền của họ.

Cái quyền ấy, có lắm người sử dụng. Trong những lãnh vực “thực tế”, cái quyền ấy nếu không đem lại một sự “thành công” lừng lẫy thì cũng giúp người ta thực hiện được phần nào những tham vọng, dự tính, ước mơ khiêm tốn của họ. Khổ nỗi, trong những lãnh vực thường được coi là phù phiếm, cái quyền ấy lắm khi thật vất vả. Muốn hiểu thì phải học, như Picasso đã nói. Người ta học và người ta hiểu. Nhưng đến khi hữu sự mới bật ngửa, thì ra mình không “hiểu” gì cả. Đó là trường hợp của bà (và ông) khách của họa sĩ X. Trung lưu, thượng lưu, áo quần bảnh bao, đã từng du lịch đó đây, nghe tiếng Tàu không hiểu nhưng quen thuộc đôi ba chữ Pháp có liên hệ tới cái ăn cái mặc (và cái uống), vân vân. Tuy vậy nhìn bức tranh có tính cách độc đáo, sáng tạo, thì không “hiểu” gì cả. Và yêu cầu tác giả làm ơn giải thích! Ha! Bao nhiêu công lao học hỏi, bao nhiêu lần đứng chờ hàng giờ rục cả người để lọt vào được những cuộc đại triển lãm người đến thưởng ngoạn đông quá nhà chức trách phải giới hạn số vé vào cửa! Vermeer, De Vinci, Van Gogh, các bậc tiền nhân e phải ngửa mặt lên trời mà than… Bao nhiêu cố gắng đổ cả xuống sông. Lại cái ông họa sĩ phải gió. Nói chưa hết câu đã quay lưng dzọt lẹ.

Thì ra giáo dục chỉ đóng một vai trò rất nhỏ. Rất ư là phụ.

Thì ra “thưởng thức” cũng là một thứ bẩm phú, một cái mà trời cho. Cho người này mà không cho kẻ nọ. Thì ra, người nghệ sĩ sáng tạo là người được “trời cho”. Như thế, có phải là bao nhiêu nghệ sĩ sáng tạo và bao nhiêu kẻ thưởng ngoạn công trình của họ, bao nhiêu người được “trời cho” như thế khắp trái đất này tính chung lại họ làm thành một “đại chúng”, một “giai cấp” không? Và vì cái khả năng đặt biệt của họ, vì họ nắm bắt được những thứ qui báu hiếm hoi, có phải là họ làm thành một thứ “quí tộc” không? Những thứ qui báu không phải là quyền cao chức trọng, không phải là vàng bạc kim cương, không phải là uy danh thế lực nhưng quả thực là hiếm hoi. Phản dân chủ quá đi chứ!

Tuy nhiên, hãy xin đừng vội lên án cái “quí tộc” bất đắc dĩ này. “Lạ gì bị sắc tư phong”, cụ Nguyễn Du đã viết. Cụ Đào Duy Anh cắt nghĩa bỉ sắc tư phong: cái bên kia thua sút (bỉ sắc), cái bên này trội hơn (tư phong) = được bề kia thì mất bề này. Có chữ: Phong ư thử, sắc ư bỉ = hơn bên này, kém bên kia.

Cái “quí tộc” sáng tạo và biết thường ngoạn công trình sáng tạo này, cái “quí tộc” chẳng đặng đừng này không hơn người ở những chỗ thường được so bì trong thiên hạ. Gốc gác, dòng họ? Đâu có chuyện đó. Vả lại, Đức thánh Khổng mà còn dặn dò: Giữ sách cho con cháu, chưa chắc con cháu đọc được. Ông bà ta mộc mạc hơn: Cha làm thầy, con đốt sách! Quyền lực, tiền của? Những thứ ấy không phải là chỗ phát xuất văn học nghệ thuật, mà cũng không phải là nơi văn học nghệ thuật lân la tìm chốn nương thân. Sáng tạo và thưởng ngoạn công trình sáng tạo, rốt cuộc, là của trời cho. Trời cho thì nhận. Và biết ơn. Và hưởng thụ. Thế thôi. Tỉ như… ăn nước mắm.

 

Nước nắm đâu?

 

Tôi có thằng cháu khoảng 14, 15 tuổi vào thời điểm của câu chuyện này, nhiều năm về trước. Người ta không thể “Anglo” hơn: gốc gác nội ngoại Peter là Anh, Đức, Ái-nhĩ-lan… Nó thích ăn những món người Mỹ cỡ tuổi nó thích ăn: pizzas, hamburgers, French fries,v.v… Còn thì chê tuốt. Có lần được nếm chút trứng cá biển Caspian, nó phun ra. Nó không thèm ăn cá hồi un khói của Pháp, cũng không ưa xúc-xích tỏi của Ý. Vậy mà thằng quỉ ấy lại khoái… nước mắm.

Bố mẹ Peter thuộc thế hệ người Hoa kỳ trưởng thành, lập gia đình trong thập niên 60. Phóng túng trong cách sống; xuề xoà trong cái ăn cái mặc. Đến nhà chúng tôi, họ thử tất và thích tất: xì dầu, tôm khô, mắm ruốc, nước mắm. Nhất là nước mắm. Dần dà cái món đượm mùi “dân tộc” của chúng ta (thật ra dạo ấy chỉ có thứ Made in Hongkong là dễ mua)xâm nhập vào bữa ăn hàng ngày của gia đình “Anglo” này. Bố thích, mẹ thích, hai đứa em đều thích. Nhưng Peter thì mê. Đến nỗi mẹ nó phải nhờ mua để sẵn trong nhà. Phở bò, cháo cá, thiếu nước mắm không được, đã đành, mà ăn gà quay, khoai hấp Peter cũng đòi cho được vài giọt nước mầm. Tôi cứ nghĩ: Peter nó ăn giùm cho những trẻ gốc Việt ở Âu Mỹ không ăn nước mắm.

Nhiều năm đã trôi qua, thế hệ chúng tôi, các đấng cha mẹ, đã vào tuổi già. Hàng con cái như anh em Peter và các con tôi thì đã trưởng thành, vì công ăn việc làm bung ra khắp thế giới. Thế mà tôi nhớ mãi: Trưa Chủ nhật nọ, trời lạnh dưới độ không, chung quanh một ngôi nhà nông trại là một biển nước đá; trong bếp, nồi bún bò nghi ngút, thơm lừng. Khi những tô bún nóng hổi được dọn ra, mọi người sà vào, xì xụp ngon lành. Bỗng Peter đứng dậy. Mới 14, 15, nó đã cao chừng sáu bộ – tức là khoảng 1 mét 80. Tiếng Anh, nó là một cây đậu (bean stalk). Tiếng Việt, nó đích thị là một cây sào! Cao lêu khêu, gầy nhom, trắng bóc. Tóc vàng rực, mắt xanh lơ. Peter đứng dậy, chồm lên trên bàn ăn, ngó quanh ngó quất, rồi kêu lên: Where’s the nuckmam? Phần tư thế kỷ đã trôi qua mà tôi vẫn nghe rõ rệt cái giọng đau khổ, khẩn thiết, van nài của Peter và cái cách phát âm tức cười của nó: Where’s the nuckmam? Where’s the nuckmam? (Nước mắm đâu? Nước mắm đâu rồi?)

Người Việt Nam, ai cũng đã từng biết nước mắm ngon Phú Quốc, Phan Thiết, nước mắm ngon Nam Ổ, Thừa Thiên, v.v… Tội nghiệp Peter, nó chỉ biết mỗi cái nước mắmMade in Hongkong (mà ngày nay ở Âu Mỹ, có kẹt lắm mấy bà nội trợ Việt Nam cũng chỉ dùng đến để nêm nếm chứ không dùng để ăn sống). Tuy nhiên, mê đến cái độ Peter mê nước mắm, đó là một thứ “ngộ” chứ không à. Nếu hỏi Peter tại sao nó thích, nó mê nước mắm như vậy, e rằng nó không trả lời được. E rằng nó chỉ có thể nói: “Because!”. Tôi là người suốt đời sống với hội họa. Tôi vẽ tranh. Tôi xem tranh. Tôi đọc sách về tranh. Với tôi hội họa cần thiết như không khí. Nhìn tranh đẹp, tôi sung sướng vô ngần. Tranh xưa, tranh nay, tranh Tây, tranh Tàu, tôi mê tất. Váy mà nếu có ai hỏi “Vì sao?” e rằng tôi cũng chỉ nói được: “Bởi!”. Nghĩa là, tranh triếc, tôi có thể phân tích được, có thể đo lường được, có thể lý giải được… Nhưng không thể nói vì sao mà thích, mà khoái, mà mê. Thằng Peter, bố mẹ, và các em nó, cùng một gia đình, một chủng tộc, một môi trường sống, một hoàn cảnh sống. Vậy mà chỉ có nó là mê nước mắm đến cái mức ấy. Vì sao?

Thành thử, nghĩ cho cùng, chỉ có níu áo ông Trời mới giải đáp được những gì con người bất lực không thể tìm ra manh mối. Tôi cảm thấy có lỗi đối với tất cả những bậc thầy đã dạy dỗ mình xưa nay, trong sách cũng như ngoài đời. Tôi buộc lòng phải cúi đầu tạ từ các vị ấy để trở về bấu víu lấy cái quan niệm xưa cũ của ông cha ta ngày xưa. Trời. Trời sinh. Trời cho. Trời xui (đất khiến).

Bà khách nọ, xem tranh họa sĩ X., không hiểu gì cả. Thật ra, bà muốn nói rằng tôi không khoái gì cả. Đó không phải là một cái tội. Đó chỉ là, dưới mắt tôi, một thiệt thòi. Họa sĩ X. có giảng giải cho bà nghe đến năm cùng tháng tận cũng không bảo đảm được là bà sẽ “hiểu”. Bởi vì, cái “hiểu” ấy, họa chăng chỉ có trời mới cho được mà thôi.

 

Võ Đình

(Văn, số Xuân Canh Thìn, 2000,

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.