Chúng ta đã biết lịch sử đồ gốm Việt Nam đã bắt đầu từ những món đồ bằng đất sét trộn bột vỏ sò không tráng men, dùng khuôn bằng giỏ đan, màu nâu đậm hay nâu nhạt từ gần mười hai ngàn năm trước đây (từ khoảng 9390 BC), qua những vật tích tìm được ở Hoà Bình, ở Bắc Sơn, ở Quảng Yên, ở Thanh Hoá. Những vật tích này là dấu vết còn sót lại của nền văn hóa Bắc Sơn đã cho ta thấy, ông cha ta không phải là những người đi từ miền Nam Trung Hoa xuống và cũng không có liên hệ văn hóa hay chủng tộc với người Trung Hoa cả. Vào cùng thời kỳ này, nước Trung Hoa chưa hiện hữu và văn minh cổ đại của Trung Hoa chưa xuất hiện. Ta cũng suy rằng, vào thời kỳ đó, ở lục địa Trung Hoa chắc cũng có rất nhiều sắc dân, nhiều nền văn hóa biệt lập mà sau này đã tàn lụi từ khoảng năm 4500 BC khi Phục Hy, Thần Nông làm vua ở vùng đất Tây Bắc Trung Hoa. Nhận ra điều này, chúng ta không nên nhắc lại các điều sai lầm rằng dân Việt ta vốn ở vùng Hoa Nam rồi bị người Tàu xua dần về vùng Bắc Việt bây giờ, hay dân Việt ta vốn có liên hệ với nước Việt của Câu Tiễn [1] , hay văn hóa Việt vốn bắt nguồn từ văn hóa Trung Hoa. Ta thấy rõ rằng truyền thuyết nguồn gốc dân tộc ta từ: “Ðế Minh là cháu ba đời của vua Thần Nông đi tuần thú phương Nam, đến núi Ngũ Lĩnh (thuộc tỉnh Hồ Nam bây giờ) gặp một nàng tiên đẻ ra người con tên là Lộc Tục. Sau Ðế Minh truyền ngôi cho con trưởng là Ðế Nghi làm vua phương Bắc, và phong cho Lộc Tục làm vua phương Nam, xưng là Kinh Dương Vương, quốc hiệu là Xích Quỷ….” chỉ là câu chuyện tạo nên do thói quen của các nhà Nho thuở trước, cho rằng nếu mình không có liên hệ với các vua cổ đại Trung Hoa thì không được chính thống. Họ đâu biết rằng ông cha ta đã sinh sống ở vùng miền Bắc Việt Nam trước Thần Nông bốn ngàn năm rồi. 15 bộ của các vua Hùng nằm trong địa hạn Bắc Việt hiện nay (từ Lạng Sơn, Cao Bằng xuống Quảng Bình), hoàn toàn trong phạm vi thung lũng các sông Hồng, sông Mã, sông Ðà, Sông Cả mà không hề có phần đất nào trong vùng Nam Trung Hoa cả. Truyền kỳ “Con Rồng cháu Tiên” là truyền kỳ cao đẹp hun đúc tinh thần Việt Nam suốt mấy ngàn năm nay, và càng nên được duy trì, phổ biến. Tuy nhiên khi nhìn về lịch sử, ta phải nên nhìn xa hơn về thời gian và gần hơn về không gian.
Trong suốt thời Xuân Thu, Chiến Quốc, ông cha ta vẫn sống độc lập, vẫn phát triển nền văn minh Việt Nam hoàn toàn khác văn minh Trung Hoa (tiếng nói, văn phạm ta hoàn toàn khác, ta xâm mình, ăn trầu, đúc trống đồng, trong khi người Tàu không hề có các tục đó). Sau này, từ khi Triệu Ðà (người Tàu) chiếm nước ta để nhập vào vùng Hoa Nam lập ra nước Nam Việt và “đem chính trị, pháp luật nước Tàu sang cai trị” (Việt Nam sử lược – Trần Trọng Kim) qua đến thời Hán thuộc, kẻ cai trị là người Tàu đẩy mạnh việc mang phong tục, văn hoá Trung Hoa sang để đồng hóa ông cha ta, mà cuối cùng cũng vẫn thất bại, vì ông cha ta chỉ học lấy một số điều lợi ích cho đời sống mà vẫn duy trì bản sắc riêng. Phần đất Hoa Nam của Triệu Ðà người Tàu lấy lại. Nước Việt ta vẫn ở vùng Bắc Việt và Bắc Trung Việt bây giờ.
Trong phạm vi đồ gốm – nét văn minh sơ khởi nhất của con người, bởi vì không có đồ gốm để nấu nướng, cất giữ, ăn uống thì nền văn minh không hình thành – ông cha ta tiếp tục phát huy, học hỏi và ứng dụng kinh nghiệm vào việc chế tạo đồ gốm, tạo nên các nền văn hoá Phùng Nguyên (2000 BC), văn hoá Ðông Sơn (500 BC). Dù di tích còn rất ít, nhưng đồ gốm Việt Nam trong thời này đã cho thấy sắc thái của một nền văn hóa cá biệt. Trong những thế kỷ sau đó, đồ gốm Việt Nam đạt được mức phát triển rất cao, đã xuất cảng sang Ả Rập, Phi Luật Tân, Nam Dương… Vào thế kỷ thứ 9, khách thương Ả Rập Ibn Khurdadhbih đã từng viết về cuộc du hành của ông ghé qua Long Biên trước khi đến Quảng Châu. Sang thế kỷ thứ 10, dưới thời Thập Nhị Sứ Quân, đồ gốm với nước men trong, dày, khá đều, với hoa văn chim hạc, cọp, voi, hoa sen, hoa cúc… đã xuất hiện nhiều. Người thợ Việt Nam đã biết cách làm các đường rạn thưa hay dày theo ý muốn. Rồi từ đời Lý (đầu thế kỷ 11) đồ gốm Việt Nam phát triển một cách huy hoàng. Nhiều loại men (các loại Lý Nâu, Lý Ðen, Lý Trắng, Lý Lục, men ngọc), nhiều hoa văn, nhiều thể loại tràn lan khắp nơi, từ chốn triều đình, chùa, miếu đến thôn dã trong suốt từ thế kỷ 11 đến hết thế kỷ 16 (đời Hậu Lê).
Từ cuối thế kỷ 14, ta thấy phát triển loại men, loại hoa văn vô cùng độc đáo, rất cao cả về kỹ thuật lẫn mỹ thuật. Ðó là thời kỳ tột đỉnh của đồ gốm Việt Nam, loại đồ gốm ngày nay được biết dưới tên “Ðồ gốm Chu Ðậu”. Tiếc thay, nền kỹ thuật và mỹ thuật này đã tàn lụi vào đầu thế kỷ 17, sau những trận chiến dữ dội thời Lê Mạc.
Ấm trà Chu Đậu
Ðồ gốm Chu Ðậu chìm sâu trong lòng đất, dưới đáy biển suốt mấy trăm năm. Những món còn được lưu giữ ở các viện bảo tàng bên Châu Âu thì đã từng bị xếp lộn vào đồ gốm Trung Hoa. Gốm Chu Ðậu chỉ được biết đến và tìm hiểu từ khi ông Makato Anabuki (thuộc tòa đại sứ Nhật Bản ở Hà Nội) nhìn thấy một bình cao cổ men trắng xanh, hoa văn cánh sen và hoa mẫu đơn, với câu “Thái Hoà bát niên. Nam Sách châu, tượng nhân Bùi thị hý bút” (nghĩa là: ở phủ Nam Sách, năm Thái Hòa thứ tám, bà họa sĩ họ Bùi vẽ chơi), ở viện bảo tàng Topkapi Saray Museum (Istanbul, Turkey). Ðịa danh Nam Sách Châu cho ta biết nơi chế tạo (phủ Nam Sách tỉnh Hải Dương), và chữ Thái Hòa bát niên cho ta biết năm chế tạo (1450 năm Thái Hòa thứ tám, đời vua Lê Nhân Tông). Từ đây những nhà khảo cổ mới hướng về phủ Nam Sách, rồi năm 1983 ở làng Chu Ðậu, dưới vườn nhà một nông dân là ông Vang, người ta đào được các di tích lò gốm. Việc tìm kiếm, khai quật bắt đầu. Người ta tìm thấy cả một nền đồ gốm rực rỡ, thịnh vượng kéo dài 3, 4 thế kỷ. Những khai quật này đưa đến trung tâm của nền nghệ thuật này: Phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Ở đây, ngoài làng Chu Ðậu, còn có các lò gốm khác ở làng Vạn Yên, làng Gốm, làng Ngói, làng Phú Ðiền, làng Phúc Lão, làng Cậy…. Ðồ gốm Chu Ðậu được phát hiện nhiều trong các ngôi mộ cổ, đình chùa, từ đường, và nhiều nhất là dưới các tàu buôn chìm ngoài khơi Hội An, Ðà Nẵng… Từ đây người ta ít gọi các món đồ này là đồ men trắng chàm (nền men trắng, hoa văn màu chàm – màu xanh lơ) mà gọi bằng tên đồ gốm Chu Ðậu, bởi đây là nơi di tích các lò gốm cổ sản xuất loại đồ gốm này được khám phá ra trước nhất. Những khai quật trong năm 1986, 1987, 1989, 1991, 1992 và 1993, cho thấy đồ gốm Chu Ðậu được sản xuất ở rất nhiều nơi gần bờ sông trong tỉnh Hải Dương, tập trung nhiều nhất ở phủ Nam Sách. Công lớn về những khám phá này là của ông Tăng Bá Hoành, giám đốc viện bảo tàng Hải Dương, người đã nghiên cứu, gìn giữ và viết rất kỹ lưỡng về đồ gốm Chu Ðậu tìm được trong các cuộc khai quật này. Ðồ gốm Chu Ðậu hình dáng thanh tao, nước men trong mà mỏng, hoa văn đầy hình ảnh đời sống thôn làng Việt Nam. Ðồ gốm Chu Ðậu bắt đầu được sản xuất từ cuối thế kỷ 14, rực rỡ nhất vào thế kỷ 15, 16 rồi tàn lụi vào đầu thế kỷ 17, trong khi các lò gốm khác ở Hải Dương còn sản xuất những món đồ không men (nồi đất, chum, vại…) cho đến thế kỷ 18, hay cho mãi đến bây giờ như làng Cậy, làng Lâm Xuyên (chuyên làm nồi đất không men).
Lọ Chu Đậu
Làng Chu Ðậu từ lâu nổi tiếng về nghề dệt chiếu. Trước đây, ở ngoài Bắc, khi trong nhà có người lấy vợ, người khá tiền thường mua một vài cặp “chiếu Ðậu” để cho cô dâu chú rể dùng. Dân làng bây giờ chỉ còn biết làm ruộng và dệt chiếu, họ không biết làm đồ gốm nữa và cũng không ngờ rằng ông cha họ đã từng làm những món đồ gốm tinh xảo, tuyệt mỹ. Các lò gốm ngày xưa nay đã nằm sâu dưới ruộng nương, vườn tược. Một địa danh trong làng là “Ðống Lò”, nhưng dân làng không biết là lò gì. Từ đầu thế kỷ 17, nghề làm đồ gốm ở đây tự nhiên mất tích, không còn lò gốm, không còn người làm đồ gốm. Dấu vết chìm sâu dưới lòng đất, biến hẳn trong ký ức dân làng!
Bao quanh bởi nhiều con sông lớn, người dân làng Chu Ðậu có những phương tiện giao thông tiện lợi. Họ có thể chuyển đồ lên Thăng Long, ra Phố Hiến, Vân Ðồn để bán trong nước, để xuất cảng ra nước ngoài. Họ có thể chuyên chở đất sét mịn mua từ Hố Lao (Ðông Triều, Quảng Yên) chỉ cách đó 30km một cách nhanh chóng, dễ dàng. Thành công về thương mãi, họ có cơ hội, có phương tiện, có động cơ phát huy nghệ thuật và kỹ thuật rất cao. Tiếc thay, thời cuộc đã hủy diệt mất một nền kỹ thuật và mỹ thuật giá trị của dân ta.
Bát Chu Đậu
Những dòng họ tài danh nhất về đồ gốm ở làng Chu Ðậu là họ Ðặng, họ Vương. họ Bùi, họ Ðỗ, với những kỳ tài như vợ chồng Ðặng Huyền Thông – Nguyễn Thị Ðỉnh, Ðặng Hữu, Ðặng Tính Không. Ông Tăng Bá Hoành, trong Gốm Chu Ðậu, có trích gia phả nhà Họ Vương câu: “Nam Sách phủ, Thanh Lâm huyện, Ðặng Xá xã, dĩ đào bát vi nghiệp, hậu nhất chi di cư Gia Lâm huyện, Bát Tràng xã. Cụ Vương Quốc Doanh hưng công dĩ đào bát vi nghiệp” (họ Vương ở xã Ðào Xá huyện Thanh Lâm, phủ Nam Sách làm nghề đồ gốm; Sau một chi di cư về xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, và cụ Vương Quốc Doanh làm hưng thịnh nghề đồ gốm ở đấy).
Ðồ gốm Chu Ðậu cũng có nhiều thứ như men ngọc (celadon), men nâu, men trắng, men lục. Tuy nhiên tiêu biểu nhất là men trắng trong với hoa văn màu xanh (men trắng chàm) và men trắng trong với hoa văn ba màu vàng, đỏ nâu và xanh lục (men tam thái).
Men ngọc, men trắng, men nâu và men nâu đen thường bị lẫn với đồ gốm đời Lý Trần, tuy nhiên, hoa văn trên men Lý nhiều ảnh hưởng Phật giáo, hoa văn Chu Ðậu phản ảnh đời sống nông thôn Việt Nam, hoa văn trên men Lý thường được vẽ bằng cách khắc chìm hay khắc nổi, hoa văn Chu Ðậu được vẽ bằng men màu. Men ngọc thời Chu Ðậu cầm thấy nặng tay, chất đất thô hơn và tiếng gõ không thanh như men ngọc của người Tàu. Bình ấm thời Lý thường có vòi hình đầu rồng, hình vòi voi, hình đầu chim, hình makara, gurada (makara: thủy quái của thần thoại Ấn Ðộ, gurada: chim thần của thần Vishnu – Ấn Ðộ giáo)… Các bát đĩa đời Lý thường còn dấu con kê rõ ràng; đồ gốm Chu Ðậu khéo hơn, dấu con kê không còn nữa. Ðáy các chén đĩa thời Lý thường để trơ đất mộc, đáy của đồ gốm Chu Ðậu thường được quét một lớp son nâu, màu đậm, thường khi vẫn còn nguyên dấu bút. Lớp son nâu này không phải là men, mà chỉ là một lớp son pha màu nâu rất mỏng để bảo vệ đáy chén đĩa. Ðây cũng là những đặc điểm phân biệt đồ gốm ta và đồ gốm Tàu. Gốm Tàu không bao giờ để trơ đất mộc, hay quét son nâu, cũng không có dấu con kê. Con kê là một kỹ thuật hoàn toàn Việt Nam. Kỹ thuật này dù làm cho món đồ kém đi chút phẩm chất, nhưng lại là một phát kiến riêng của người thợ Việt Nam, nhằm tránh cho chén đĩa không bị dính vào nhau khi nung mà lại tiết kiệm được diện tích lò.
Men trắng Chàm và men tam thái nổi danh và được ưa chuộng hơn cả. Men trắng chàm (nền men trắng, hoa văn màu xanh biếc) chiếm số lượng cao nhất. Các món đồ vớt được ở ngoài khơi Ðà Nẵng – Hội An cũng đều là men trắng chàm. Do đó, khi nói về đồ gốm Chu Ðậu, người ta chỉ thường biết về loại này mà ít để ý đến các loại men khác. Ðồ gốm Chu Ðậu men trắng chàm thường thấy bây giờ là những món chúng tôi coi là thuộc hạng kém hơn về phẩm chất. Những món có phẩm chất cao, tuyệt đẹp đã nằm trong tay các nhà sưu tập chuyên nghiệp ở Âu Châu, Úc Châu, Singapore, Hong Kong, ở các viện bảo tàng Âu Châu và Ả Rập… Từ giữa thập niên 1980 cho đến giữa thập niên 1990, những nhà sưu tập này đã vào Việt Nam vào mua hết tất cả, với những giá rất rẻ. Loại đồ gốm Chu Ðậu hạng nhất này nhiều món đẹp tuyệt vời, bứt xa đồ nhà Minh, và đẹp không kém gì đồ gốm men lam của nhà Thanh bên Tàu.
Vì kỹ thuật giản dị nên màu đỏ và màu xanh lục của men tam thái Chu Ðậu không bền. Những món đồ này nằm trong lòng đất hay ngâm dưới đáy biển đã bị lợt đi hết. Phần lớn những món men tam thái ta thấy bây giờ được người ta tô lại bằng màu men tương tự, chứ hiếm khi là nước men ba màu nguyên thủy.
Tuyệt vời nhất là hoa văn trên men trắng chàm và men tam thái. Hình ảnh thuần túy Việt Nam. Họ vẽ tàu lá chuối, nhánh rong, chim sẻ, chim chích chòe, tôm, cá bống, cóc, rùa, cọng rau muống, bông hoa cúc, hoa sen. Cũng như các bình ấm Việt Nam đời trước, thảng hoặc lắm ta mới thấy một vài bình, ấm thời Chu Ðậu có quai cầm, còn ngoài ra, nơi quai cầm chỉ là một vật trang trí như con rùa, con cá, bông sen… như đồ gốm Việt Nam các thời trước.
Thứ loại, hình dạng đồ gốm Chu Ðậu thật phong phú: Bát chân cao, bát chân thấp, tô, đĩa, chén, tước, bình, ấm, âu, chậu, lu, hũ, chậu, bát hương, bát trầm, chân đèn, hộp, lọ, bình vôi, nghiên mực, có cả nghiên mực hình con trâu, con cua, rồi lại còn đồ chơi của trẻ em như các hình tượng con gà, con cóc, con lợn, người cưỡi ngựa… thôi thì đủ cả, từ các món đồ dùng trong nhà người dân, trong đình chùa, trong nhà giới trưởng giả, cho đến đồ xuất cảng…
Nhưng xem đồ gốm Chu Ðậu mà bỏ qua bình tỳ bà thì thật uổng. Ngoài các cuộc khai quật ở các lò gốm cũ ở làng Chu Ðậu, loại bình này thường được tìm thấy từ các tàu buôn đắm ngoài khơi Hội An – Ðà Nẵng. Món này xa lạ với sinh hoạt dân gian Việt Nam. Vậy phải chăng nó chỉ được làm để xuất cảng sang Ả Rập? Người Ả Rập dùng làm gì? Ðây là những câu hỏi thú vị.
Bình tỳ bà Chu Đậu
Như tên gọi, bình tỳ bà có hình dáng giống cây đàn tỳ bà để dựng đứng. Mình thuôn tròn, cổ nhỏ, miệng loe, thân tròn phình to, thường có bốn tầng hoa văn, trong lòng miệng bình cũng có hình vẽ hoa lá. Tầng thứ nhất ở chung quanh cổ bình hoặc vẽ những tàu lá chuối hay hình cây lúa; tầng thứ hai khi hình hoa cúc, hoa mẫu đơn, khi thì những chuỗi hình xoắn ốc đứng; tầng thứ ba lớn nhất là hình chim chích choè, chim sẻ hay là những ô vẽ đợt sóng biển, bên cạnh những ô vẽ hình hoa lá; tầng dưới cùng là các ô với những vòng tròn hình bầu dục chồng lên nhau. Bình tỳ bà to nhỏ khác nhau, nhưng đa số thường có đường kính đáy độ 9cm, chỗ to nhất ở thân bình phình ra vào khoảng 14cm, đường kính ở cổ bình là 4cm, và ở vành miệng loe là 8cm, bình cao khoảng 30, 32cm.
Tước (hay bôi), là ly uống rượu chân cao. Ngoài những tước men ngọc, màu xanh trong, còn có những sáng kiến kỳ diệu như tước thần kim quy. Ẩn trong chân tước này là một quả nổi để lộ hình rùa thần kim quy ngồi dưới đáy, khi rượu được rót vào, thì hình thần kim quy từ từ nổi lên theo mực rượu trong lòng tước.
Ðĩa Chu Ðậu rất đẹp, men trắng trong với hoa văn màu chàm. Có những đĩa tam thái rất lớn, đường kính đến khoảng 50cm, nhưng thường thường thì vào khoảng hơn 25cm đường kính. Hoa văn trong lòng đĩa thường gồm hai phần. Vành đĩa rộng 5cm, vẽ cành rau, nhánh lá, tâm đĩa vẽ nhiều hình rất đẹp: Hình con công, con vạc, con nghê, cá chép vượt vũ môn, hươu chạy trên đồng cỏ, bên khóm trúc, bờ lúa, đôi chích chòe, đàn vịt bơi trên hồ sen, trận thủy chiến, cành mai, đóa cúc, đóa mẫu đơn… đường kính độ 15cm. Vành ngoài thành đĩa cũng vẽ những hình hoa lá rất chi tiết, hoa văn màu xanh chàm, đĩa lớn thường là men ba màu (Tam Thái). Cùng với bình tỳ bà và bát Chu Ðậu, đĩa Chu Ðậu là những món đẹp và nổi tiếng, được rất nhiều viện bảo tàng và nhà sưu tập quốc tế ưa chuộng. Tiếc thay, cũng chính vì thế mà không còn bao nhiêu món đẹp trong tay người Việt.
Đĩa Chu Đậu
Bát Chu Ðậu cũng thường là men trắng chàm, đường kính ở miệng bát từ 14 đến 16cm, cao từ 8 đến 10cm. Nhiều loại hoa văn khác nhau. Khi thì chim sẻ đậu trên cành mai, khi thì đóa cúc, đóa mẫu đơn, khi thì lại là khóm phong lan… trong lòng bát. Vành trong của bát cũng vẽ những vòng tròn hoa lá. Hoa văn ở mặt ngoài bát thường gồm hai tầng, phía trên là một vành hoa mai, hoa cúc cao khoảng hơn 3cm, tầng dưới, khoảng 4cm, là những ô có hình các vòng xoắn ốc tiêu biểu của gốm Chu Ðậu. Trên vành ngoài miệng bát cũng có những vòng đồng tâm. Trôn bát không có men đã đành, vành miệng bát cũng thường không có men. Tại sao? Bởi vì nếu hai món đồ tráng men mà để chạm nhau trong lò, khi nung chín, các món này sẽ dính chặt vào nhau, không còn dùng được nữa. Ngoài việc dùng con kê (Vòng tròn bằng đất mộc để giữa các bát đĩa cho khỏi dính vào nhau, người ta còn chừa vành bát đĩa, trôn bát đĩa trơn, không tráng men. Khi xếp vào lò nung, cứ lần lượt, miệng cái xấp úp vào miệng cái ngửa, trôn cái ngửa đặt lên trôn cái xấp, thế là chồng được vài ba tầng mà không bị hỏng. Ngoài ra, ta còn những bát có vành men cạo ở giữa đáy bát, với đường kính to bằng trôn bát. Ðây cũng là một kỹ thuật tuy kém tinh vi nhưng lại thực dụng vì khi xếp chồng các bát chén này để nung, chúng không bị dính vào nhau.
Trong gốm Chu Ðậu, có một món đồ kỳ thú, hình dáng nửa đĩa nửa bát, đường kính miệng độ 11cm, đường kính đáy độ 7cm, cái thấp thì cao gần 4cm, cái cao vào khoảng hơn 6cm. Dùng làm bát thì trẹt quá, dùng làm đĩa thì nhỏ quá mà chân lại cao. Chân chén là hoa văn hình tròn đồng tâm, hay là những đám mây bay, vành ngoài, vành trong là những vòng hoa lá, tâm chén thường có một chữ Hán (chữ Phúc, chữ Chính, chữ Trung, chữ Ngọc, chữ Kim…). Nhiều chén loại này cũng có vành men cạo. Những món này không thấy có trong đồ gốm đời Lý Trần, mà cũng không thấy trong đời sống người Việt. Tới chừng thấy người Ả Rập bây giờ dùng một thứ tương tự để uống trà, ta mới hay đây là đồ dùng chỉ để xuất cảng.
Hoa văn chích choè trong một bát Chu Đậu
Cũng làm để xuất cảng sang Ả Rập là các hộp phấn và lọ nước hoa. Hộp phấn tròn, đáy hộp cao 4cm, nắp hộp cao gần 2cm, chỗ phình lớn nhất khoảng 6cm, cũng men trắng trong hoa văn màu chàm, thân hộp thường để trắng, nắp hộp vẽ cảnh dòng sông, lâu đài hay đóa sen, bông cúc. Lọ nhỏ cũng cao khoảng 6cm, miệng gần 2cm, chỗ phình lớn nhất khoảng hơn 6cm đường kính. Hoa văn trên lọ bao giờ cũng nhiều hơn hoa văn vẽ trên nắp hộp. Vành miệng thường là hoa sen, thân lọ là cành hoa, nhành lá rất mỹ thuật. Ngoài những loại men trắng chàm này, đôi khi ta cũng thấy những hộp lớn hơn, mà thấp. Ðường kính của các hộp này vào khoảng 10–12cm, cao độ 4cm. Có cái không hoa văn, nắp khắc nổi hình vỏ sò, hay bông sen. Có những hộp lớn mà cả nắp lẫn thân hộp cũng có những hoa văn như trên các bát đĩa Chu Ðậu khác. Thảng hoặc ta thấy một loại đĩa nhỏ độ 4, 5cm, có chân, trong lòng không tráng men, nhưng lại có hoa văn rất dày chạm bằng mũi nhọn làm cho lòng đĩa nhám. Loại này được coi là một thứ đế kê các chén nhỏ. Nhưng thật ra, đây là đĩa của phụ nữ thời xưa dùng mài phấn bôi mặt. Phấn thời đó được làm thành từng thỏi, khi đánh phấn người ta mài phấn vào trong lòng nhám của đĩa.
Hộp Chu Đậu
Ngoài ra còn có rất nhiều hồ rượu hoa văn trắng chàm và hoa văn tam thái. Lại có các hồ rượu hình chim vẹt hình con gà, các chén uống trà có quai cầm là chim vẹt. Lư hương và chân đèn thời Chu Ðậu lớn và đẹp vô cùng. Có những chân đèn cao 70, 80cm, lư hương cao 35, 40cm. Một số lớn có ký tên người làm và đề rõ năm tháng, như vợ chồng Ðặng Huyền Thông – Nguyễn Thị Ðỉnh, vợ chồng Ðỗ Xuân Vi – Lê Thị Ngọc, vợ chồng Bùi Duệ – Lê Thị Cận, Ðặng Hữu, Ðặng Tính Không, rồi bà họ Ðỗ ở Phủ Quốc Oai, bà họ Bùi ở Phủ Nam Sách… Chân đèn gồm hai phần chồng lên nhau, chỗ cắm nến rất lớn, đắp nổi hình rồng bốn móng. chứng tỏ đây là đồ dùng trong chùa. Năm tháng đề trên các món này tỏ rõ một giai đoạn lịch sử. Hải Dương là đất tổ của dòng họ Mạc. Những món đã làm khi nhà Mạc chưa lên (1527) thì đề niên hiệu vua Lê. Khi nước ta chia hai thành Bắc Triều (nhà Mạc) và Nam Triều (nhà Lê) thì các niên hiệu trên những món đồ gốm này là niên hiệu của nhà Mạc chứ không phải là niên hiệu nhà Lê nữa. [2] Chân đèn cũng vẫn là men trắng hoa văn màu chàm, thường gồm năm tầng, dưới cùng là vành hoa sen, có khi đắp nổi hình những bông cúc, rồi đến thân của chân đèn là hai tầng lớn, tầng dưới là những hoa cúc, tầng trên là hình rồng uốn quanh, đắp nổi bằng đất mộc. Ðây vẫn là con rồng Việt Nam: mình nhỏ dài, uyển chuyển, vẩy láng, râu dài, mặt hiền chứ không phải con rồng Tàu của đời Nguyễn sau này (mà buồn thay ta vẫn thấy người Việt bây giờ vẽ). Lư hương rất đẹp, nhiều cái hình tròn, rồi hình chữ nhật, hoa văn nhiều hình chạm, hình đắp nổi hoa sen, hoa cúc và những biểu tượng Phật giáo.
Trở ngược dòng lịch sử, chúng ta cần cải chính một hiểu biết sai lầm rất lớn về văn minh Việt Nam: đó là ảnh hưởng Trung Hoa. Qua Nho học, qua những năm Bắc Thuộc, tất nhiên ta có tiếp nhận những nét đại cương của văn minh Trung Hoa. Tuy nhiên, phần lớn những ảnh hưởng này chỉ ở trong giới quan lại, trưởng giả mà thôi. Còn quần chúng Việt Nam vẫn giữ nguyên văn minh Việt. Một ngàn năm Bắc thuộc, ông cha ta vẫn còn giữ nguyên được tiếng nói dân tộc. Một điểm rõ ràng là trong khi ở Trung Hoa, cho mãi đến thế kỷ 20, khi Tôn Dật Tiên thành công trong việc tiêu diệt chế độ quân chủ, thì trên pháp luật, quyền của người phụ nữ Trung Hoa mới được công nhận. Trước đó họ không có quyền làm chủ cơ sở thương mại, kỹ nghệ, không được làm chủ đất. Nếu chồng chết đi mà chưa có con trai thì gia tài thuộc về các em trai nhà chồng, chứ họ không được thừa hưởng. Trong khi đó ở nước ta, bộ luật Hồng Ðức của vua Lê Thánh Tông đã cho người đàn bà được làm chủ ruộng đất, hiệu buôn… Rồi ta thấy, Ðặng Huyền Thông và Nguyễn Thị Ðỉnh ký tên chung trên các món đồ họ làm; bà họ Bùi, bà họ Ðỗ cũng tự ký tên mình trên các chân hương, chân đèn; tên các bà sãi Nguyễn Thị Liên, Vũ Thị Dương cũng được viết lên các món họ đặt cho chùa… Việc coi trọng phụ nữ ở Việt Nam không phải đến đời Lê mới có. Từ thời thượng cổ, qua thời Hán thuộc, mặc cho người Tàu, mặc Tích Quang, mặc Nhâm Diên, người Việt vẫn cứ coi trọng người đàn bà, người mẹ. Bà Trưng, Bà Triệu dấy binh, cầm quân cầm tướng, có ai bảo là không được đâu? Mấy ông anh hùng bên Tàu bên Nhật tìm đỏ mắt cũng không bao giờ có những trang sử oanh liệt như thế. Rồi hãy đọc vài câu ca dao như: Mẹ em tham thúng xôi vò – Tham con lợn béo tham vò rượu tăm…. Bố đâu rồi, sao mẹ lại quyết định một mình, quyết định tối hậu như thế? Bởi vì người đàn bà Việt mới thực sự là người cầm cân nảy mực cho các sinh hoạt trong gia đình. Vì thế mà những ông Tú Xương tha hồ rong chơi, khi các bà Tú Xương đã lo toan tất cả mọi thứ, từ tiền nuôi con, từ tiền cho chồng uống rượu, cho đến tiền chồng đi hát cô đầu…
Khởi suốt những ngàn năm lịch sử phát triển dân tộc, đến Chu Ðậu, đồ gốm Việt Nam trở nên những món hàng được ưa chuộng từ trong nước đến ngoài thị trường quốc tế. Nào xuất cảng sang Nhật Bản, Phi Luật Tân, Nam Dương, Mã Lai, Thái Lan cho đến những nước Ả Rập xa xôi. Lại cũng được ưa chuộng, lưu giữ trong các nhà quý tộc Âu Châu. Năm 1590, Duke of Florence (tạm dịch: Công tước tỉnh Florence) đã tặng cho Prince-Elector of Saxony (tạm dịch: Hoàng thân vùng Saxony) một bình Chu Ðậu men trắng hoa lam hình tròn, đường kính 25cm, vẽ hoa sen và hoa mẫu đơn. Bình này hiện được chưng trong viện bảo tàng Johannaun ở Thụy Ðiển. Người Nhật rất hãnh diện về Trà đạo của họ, nhưng ít người Việt biết rằng Trà đạo chỉ mới xuất hiện ở Nhật Bản từ thế kỷ 16. [3] Vào thời đó, họ chưa biết làm đồ gốm. Các ấm, bát uống trà của Trà đạo Nhật chính là những món đồ gốm Chu Ðậu nhập cảng từ Việt Nam qua. Những tổ sư của Trà đạo Nhật Bản quý chuộng đồ Chu Ðậu hơn đồ Trung Hoa và Ðại Hàn. Thời đó, chỉ có những gia đình quý tộc, những tổ sư Trà đạo danh tiếng như Takeno Joo (1502-1555), Sen No Rikyu (1522-1591), Toyotomi Hideyoshi (1537-1598) Tokugawa Ieyasu (1542-1616)… mới sắm nổi đồ Chu Ðậu, mà ngày nay con cháu họ vẫn giữ làm của gia bảo là vài ví dụ điển hình.
Vậy thì tại sao làng Chu Ðậu không còn ai biết làm những món đó nữa? Tại sao hai chú cháu họ Vương dời qua Bát Tràng (Hà Nội) cũng không làm được những thứ đồ tuyệt vời này?
Người ta cho rằng vào thế kỷ 17, sau khi vua nhà Minh bỏ lệnh cấm người Tàu buôn bán với nước ngoài, các đồ gốm Việt Nam đã không cạnh tranh nổi và tàn lụi. Chúng tôi bác bỏ giả thuyết này. Bởi cứ xem những món đồ Chu Ðậu trong các viện bảo tàng ở Châu Âu, trong các bộ sưu tập lừng danh, thì đồ gốm ta và đồ gốm Tàu chưa chắc ai đã hơn được ai. Trên trường thương mãi, không ai có thể trong một lúc mà đột ngột mất trọn tất cả thị trường vốn lớn mạnh của mình như thế được. Vả lại, mất thị trường Ả Rập, thị trường Á Châu Thái Bình Dương, thì vẫn còn thị trường nội địa. Ðình chùa vẫn cần lư hương, chân đèn, người dân vẫn cần bát đĩa. Không làm nhiều thì làm ít, lẽ đâu cả làng phải đổi sang nghề dệt chiếu. Lẽ đâu cả phủ Nam Sách chỉ còn người làm nồi đất không men. Lẽ đâu khi chú cháu Vương Quốc Doanh dời về Bát Tràng lại không tiếp tục làm được đồ gốm đẹp như lúc còn ở Chu Ðậu. [4]
Nhìn vào những năm tháng cuối cùng của thế kỷ 16, chúng tôi nghĩ rằng: Ðồ gốm Chu Ðậu bị bức tử. Kẻ bức tử đồ gốm Chu Ðậu là Trịnh Tùng, người thắng cuộc tranh giành quyền lực với nhà Mạc.
Khi viết 13 chữ “Thái Hòa bát niên, Nam Sách phủ…” lên cái bình Tokapi Saray, bà nghệ sĩ họ Bùi ấy đã cho ta biết đó là năm 1450, đời vua Lê Nhân Tông. [5] Ðến khi vợ chồng Ðặng Huyền Thông – Lê Thị Ðỉnh làm những bình hương, những chân đèn (và tất nhiên là nhiều bình, ấm, đĩa, bát tuyệt vời khác), ta thấy niên hiệu của nhà Lê (Nam triều) không còn được họ dùng nữa, mà thay vào đó là niên hiệu của nhà Mạc (Bắc triều), như Diên Thành tam niên của Mạc Mậu Hợp [6] , Diên Thành thứ năm [7] , Hưng Trị tam niên [8] …
Tỉnh Hải Dương với nhiều sông nước bao quanh như các sông Thái Bình, sông Thương, sông Luộc, sông Kinh Thầy, sông Kẻ Sặt, sông Ðò Ðáy…lại cũng không xa sông Hồng; Hải Dương là quê hương của dòng họ Mạc. Hải Dương nằm giữa vùng đồng bằng và vùng cao nguyên, giữa Hà Nội và Hải Phòng, đã từng là nơi có giá trị chiến thuật rất cao. Nào Ðông Triều (nơi nhà Trần dùng làm cứ địa khi chống quân Nguyên), nào Bãi Sậy (căn cứ của Hoàng Hoa Thám chống Pháp), nào Cổ Am (nơi Quốc dân Ðảng của Nguyễn Thái Học từng chống nhau kịch liệt với quân đội Pháp)… Từ đây tiến đánh Thăng Long cũng dễ, rút về núi rừng Lạng Sơn, Bắc Giang, Thái Nguyên hay về vùng bờ biển Hải Phòng, Thái Bình lại rất tiện. Thương mãi và nông nghiệp nơi đây luôn phồn thịnh với sông nước, hàng hóa được chở thẳng lên Thăng Long hay xuôi xuống Phố Hiến (để xuất cảng) vừa tiện, vừa gần.
Trong Ðại Việt sử ký toàn thư, từ bản khắc in năm 1697, các sử thần đời trước đã cho ta rất nhiều chi tiết về giai đoạn máu lửa thảm khốc ấy.
- Từ năm 1504 nhà Lê chỉ còn những ông vua trẻ tuổi, bất tài, hoang dâm, tàn ác, kể từ Lê Uy Mục (vua quỷ) Lê Tương Dực (vua lợn)… Xã hội suy đồi, loạn lạc, giặc giã triền miên, dân tình nghèo đói. Mạc Ðăng Dung được coi là kẻ có thể ổn định trật tự xã hội, phát triển đất nước, được phần lớn triều đình và dân chúng hướng theo. Mạc Ðăng Dung chiếm ngôi của nhà Lê năm 1527.
- Trong số người không theo họ Mạc có Ðiện tiền Tướng quân Nguyễn Kim. Nguyễn Kim bỏ sang Lào nương náu, tìm cách chống lại họ Mạc. Mãi gần mười năm sau, năm 1533, Nguyễn Kim mới tìm được người con út của Chiêu Tông là Lê Duy Ninh, Kim lập Duy Ninh lên làm vua là Trang Tông, đóng ở Sầm Châu bên Lào, mưu việc khôi phục nhà Lê. Năm 1543, Nguyễn Kim đưa được Lê Trang Tông về Tây Kinh (Thanh Hóa). Ðến năm 1545 Nguyễn Kim bị nhà Mạc cho người đánh thuốc độc chết, binh quyền về tay con rể là Trịnh Kiểm. Nước ta chia làm hai phần, Nam Triều ở Tây Kinh của nhà Lê-Trịnh, Bắc Triều ở Ðông Kinh của nhà Mạc. Hai bên đánh nhau rất nhiều lần, suốt từ năm 1533 đến hết thế kỷ 16.
- Mạc Ðăng Dung lên ngôi năm 1527, truyền qua các đời vua Mạc Ðăng Doanh, Mạc Phúc Hải, Mạc Phúc Nguyên; Rồi Mạc Mậu Hợp lên nối ngôi vào năm 1561. Lúc này binh quyền của Nam Triều (nhà Lê) thuôc trọn tay Trịnh Tùng. Từ năm 1533 đến năm 1623, nhà Mạc và nhà Trịnh (dưới chiêu bài phù Lê) đánh nhau không ngừng. Lúc đầu chiến trận xảy ra ở vùng Thanh Hóa, Nghệ An, nơi vua Lê và chúa Trịnh đồn trú, nhưng kể từ năm 1587, Trịnh Tùng bắt đầu đem quân ra đánh vào sâu hơn trong lãnh thổ nhà Mạc. Trịnh Tùng chiếm được Thăng Long năm 1591, Mạc Mậu Hợp rút về Hải Dương. Vì địa thế chiến lược quan trọng, phủ Nam Sách tỉnh Hải Dương trở nên chiến trường đẫm máu giữa Trịnh Tùng và nhà Mạc suốt từ năm 1533 đến 1623. Chỉ kể riêng từ năm 1592 đến năm 1601, đã có đến 12 trận đánh đẫm máu ở nơi đây. Cứ hễ quân chúa Trịnh đuổi được nhà Mạc, rồi rút đại quân đi thì dân địa phương lại nổi lên theo nhà Mạc để chống lại chúa Trịnh. Mỗi lần quay lại chiếm Hải Dương, quan quân họ Trịnh lại trả thù, tàn sát dân cư không tiếc tay, lần nào cũng giết cả ngàn người. Cùng với những người theo họ Mạc, các dòng họ chuyên về gốm Chu Ðậu bị quan quân nhà Trịnh thanh toán hết cả.
Vì thế chúng tôi cho rằng Trịnh Tùng đã bức tử đồ gốm Chu Ðậu trong những lần ông cho quan binh tàn sát dân vùng Nam Sách để trả thù việc họ đã dám theo vua quan nhà Mạc.
Nói như thế có người sẽ vặn lại rằng: Chẳng lẽ suốt từ thế kỷ 17 đến bây giờ chúng ta không làm đồ gốm sao? Thế còn Bát Tràng, Thọ Xương, Thanh Hóa, Biên Hòa, Bình Dương, còn biết bao nơi làm bát đĩa nồi niêu khác? Chẳng lẽ người Việt không còn dùng đồ gốm nữa sao?
Ông cha chúng ta vẫn còn tiếp tục làm đồ gốm để dùng hàng ngày. Tuy nhiên, nền nghệ thuật và kỹ thuật cao của đồ gốm Việt Nam từ các thế kỷ trước, từ đời Lý, đời Trần, đời Lê, và phát triển đến mức tột đỉnh để kết tinh vào đồ gốm Chu Ðậu đã biến mất. Còn lại chỉ là những lò gốm sản xuất các món đồ tầm thường, có hay không có tráng men (đồ sành). Từ thời các chúa Trịnh, từ các đời vua nhà Nguyễn, triều đình, quan lại và cả dân gian đã dùng những món đồ đặt làm đồ hay mua từ các lò gốm Trung Hoa, đã nhập cảng các món đồ sứ từ Anh Quốc [9] , và sau này là từ Nhật Bản. Nền kỹ thuật đồ gốm ở Bình Dương, ở Biên Hòa… sản xuất ra những món chúng ta vẫn dùng hàng ngày, nhưng đó là loại đồ gốm mà những người Tàu dưới sự lãnh đạo của Trần Thắng Tài và Dương Ngạn Ðịch sang nước ta tỵ nạn, khi quê hương của họ bị người Mãn Châu chiếm năm 1644 khai lập, chứ không phải là sự tiếp nối nghệ thuật và kỹ thuật của đồ gốm dân tộc nữa.
Dân số của tỉnh Hải Dương, của phủ Nam Sách thời ấy được bao nhiêu? Bao nhiêu người là những tay có học và có tài làm đồ gốm như gia đình họ Ðặng, họ Bùi, họ Ðỗ, họ Vương…? Cuộc chiến đã làm xáo trộn nếp sinh hoạt nghệ thuật, kỹ thuật và thương mãi của họ như thế nào? Tuy nhiên dù loạn lạc, binh đao dài lâu hay đau thương thế nào, sau khi chúa Trịnh đã toàn thắng, những người làm đồ gốm cũng sản xuất trở lại những món đồ theo sự truyền dạy của ông cha chứ? Thế nhưng cả làng Chu Ðậu quay ra dệt chiếu, cả phủ Nam Sách chỉ còn đôi ba chỗ làm nồi đất niêu đất không men, dân vùng đó không còn gia phả, ký ức gì về thời cha ông họ là những nghệ nhân tuyệt vời của đồ gốm Việt! Ruộng vườn đã vùi lấp dấu tích của các lò gốm xưa. Trong dân cư Nam Sách làm nghề dệt chiếu sau này, có bao nhiêu phần là người các nơi khác đến cư ngụ sau khi quan quân nhà Trịnh đã bách hại dân địa phương, và vì thế không có liên hệ gì đến nghệ thuật gốm Chu Ðậu?
Bảo rằng vì vào cuối thế kỷ 16 vua nhà Minh bỏ lệnh cấm người Tàu buôn bán với nước ngoài [10] , cho nên đồ gốm ta bị mất thị trường và tàn lụi, là một lập luận sai và yếu. Bởi vì các món đồ gốm Chu Ðậu lưu giữ ở Âu Châu và ở Ả Rập có phẩm chất rất cao, men rất trắng, rất mịn, hoa văn rất linh động, sắc sảo,người ta đã từng nhìn lầm ra là đồ Trung Hoa. Ðồ gốm Chu Ðậu vốn rất được ưa chuộng ở thị trường Nhật Bản, thị trường Ðông Nam Á, và thị trường Ả Rập. Không ai có thể mất trọn vẹn tất cả các thị trường một cách đột ngột như thế được. Vả lại chúng ta vẫn còn thị trường quốc nội nữa chứ, tại sao lại hoàn toàn ngưng không làm các món đồ men trắng hoa văn mầu lam vốn rất được ưa chuộng này nữa? Thiên tai, lụt lội chăng? Ðại Việt sử ký toàn thư thường kê rõ những năm tháng có lụt lột, thiên tai, mất mùa, nhưng không hề nói gì để cho ta có thể suy ra rằng dân Hải Dương thời ấy bị thiệt hại nặng vì thiên tai. Hay là đất sét trắng (kaolin) ở nơi đây đã cạn, nên đồ gốm tuyệt chủng? Không thể như thế được, bởi vì ngoài các mỏ kaolin địa phương như ở bờ sông Kinh Thầy, ở Trúc Thôn, Hoàng Thạch gốm Chu Ðậu còn làm bằng đất mua từ Hố Lao, Ðông Triều (cách đó 30km đường sông), mà những nơi này hiện nay vẫn còn được khai thác.
Ðích thực Trịnh Tùng đã bức tử đồ gốm Chu Ðậu trong những lần ông cho quan binh tàn sát dân vùng Nam Sách để trả thù việc họ đã dám theo vua quan nhà Mạc. Chắc rằng khi Trịnh Tùng giết những người dân vùng Hải Dương chống ông, ông đã giết đi hết những người làm đồ gốm men trắng chàm này của văn hóa Việt Nam. Việc người thắng bạo hành, tru diệt tàn dư của kẻ bại vẫn là những chuyện xảy ra thường xuyên trong lịch sử nước nhà. Chắc rằng cuộc tàn sát phải ghê gớm và toàn vẹn lắm, cho nên chẳng còn ai sống sót mà trốn đi mang nghề nghiệp ông cha đến nơi khác làm ăn, hay dù có người thoát đi được nơi khác (như chú cháu nhà họ Vương đến Bát Tràng) thì họ cũng vì sợ lộ tông tích mà không làm, không truyền nghề cũ nữa. Chúng tôi nghĩ rằng đồ gốm nhà Minh nhà Thanh đã không thắng được đồ gốm Việt Nam trên thị trường mà chỉ là điền khuyết vào phần thị trường mà đồ gốm Chu Ðậu đã bỏ trống thôi. Than ôi! Một nền mỹ thuật và kỹ thuật đặc biệt, tuyệt đẹp của ông cha ta đã không còn được tiếp tục phát triển đến những mức độ cao hơn nữa mà lại biến mất rất ngậm ngùi.
Năm 1644 người Mãn Châu vào chiếm Trung Hoa, diệt nhà Minh, lập nên nhà Thanh. Ðồ gốm Trung Hoa cũng theo thời gian mà phát triển rực rỡ. Cái màu xanh lam đục mờ, đã trở thành màu xanh lam sáng biếc, thành nét vẽ thanh thoát trở nên đặc điểm của đồ gốm Trung Hoa. Nơi quê ta, thay vì ông cha ta phát triển rực rỡ được nghệ thuật đồ gốm tuyệt vời của mình song song với họ, thì đau đớn thay, cả nền nghệ thuật ấy bị bức tử, đến nỗi con cháu sau này không còn biết gì về nền nghệ thuật ấy nữa. Ðể rồi sau đó, chính Trịnh Sâm, và triều đình nhà Nguyễn, rồi giới quyền quý, kẻ có tiền phải đặt phải mua bình ấm bát đĩa từ những lò gốm của nhà Thanh bên Tàu! Nào đồ “Nội Phủ”, nào đồ “Khánh Xuân”, nào đồ “Mai Hạc”, đồ “chữ nhật”, đồ “Ngoạn Ngọc”, đồ “Trân Ngọc”, đồ “Nhã Ngọc”… Mà lúc ấy đồ gốm Việt Nam đã chết tức tưởi rồi! Và sau đó, từ một xã hội không biết làm đồ gốm, Nhật Bản đã học, đã phát triển mạnh và trở nên bá chủ của thị trường đồ sứ trên toàn thế giới.
Ôi! Tại sao lịch sử lại khắc nghiệt với người Việt Nam như thế! Tranh bá đồ vương, chiến tranh đã bao năm, đã bao lần làm cho sức sống dân tộc thui chột, làm cho nền văn hóa tuyệt vời của người Việt bị mất đi những cơ hội tiếp tục đơm hoa kết trái, khoe mặt, khoe tài cùng bốn biển năm châu, và có thể trở nên một cường quốc kinh tế, thương mãi, văn hóa, nghệ thuật… Ôi! Sự giành giựt triều đình, giành giựt quyền lực của những kẻ tham tàn mù quáng đã làm cho nước ta trở nên một xã hội nhược tiểu chậm tiến về nhiều mặt. Chúng tôi lại nghĩ thêm rằng, ngày nay, nếu chúng ta không nghiên cứu, không tìm hiểu và không phổ biến văn hóa thuần Việt, nếu chúng ta cứ tiếp tục xưng tụng những sai lầm, thiếu sót về lịch sử, về văn hóa ông cha, chúng ta cũng đã vô tình góp phần hủy diệt di sản văn hóa thuần Việt, như họ Trịnh đã lầm lỗi trước đây vậy.
Bùi Ngọc Tuấn
Sách tham khảo
- Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, Trung tâm Học liệu Bộ Giáo dục, Sài Gòn 1971.
- Khảo về đồ sứ cổ men lam Huế, Vương Hồng Sển, viết xong 1972, xuất bản năm 1993.
- Khảo về đồ sứ men lam Huế, Vương Hồng Sển, viết xong 1975, xuất bản năm 1994.
- Mỹ thuật cổ truyền Việt Nam, Nguyễn Khắc Ngữ, Tủ sách Nghiên cứu Sử Ðịa, Montreal, Canada 1981.
- Ðại Việt sử ký toàn thư – nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, dịch theo bản khắc in năm 1697, Hà Nội 1998.
- Gốm Chu Ðậu, Tăng Bá Hoành. Bảo tàng tỉnh Hải Dương, Kinh Books xuất bản, Việt Nam 1999.
- Vietnamese Ceramics, A Separate Tradition, John Stevenson & John Guy, nhà xuất bản Art Media Resources và Avery Press, Chicago 1997.
- Gốm Bát Tràng, Phan Huy Lê, Nguyễn Ðình Chiến, Nguyễn Quang Ngọc, nhà xuất bản Thế Giới, Hà Nội 1995.
- Hán Việt tự điển, Thiều Chửu, nhà xuất bản Ðuốc Tuệ, Hà Nội 1942.
[1]Trong Mỹ thuật cổ truyền Việt Nam, nhà sử học Nguyễn Khắc Ngữ viết rằng thuyết Bách Việt không chính xác, vì các nước Việt ấy “chỉ có sau khi nước Việt của Câu Tiễn bị nước Sở thôn tính, người Việt chạy xuống phương Nam, lập thành nhiều bộ lạc người Việt, tức là từ thế kỷ VI về sau”.
[2]Một chân đèn ghi rõ: Hưng Trị tam niên, nhị nguyệt tạo, Nam Sách phủ, Thanh Lâm huyện, Hùng Thắng xã, Ðặng Huyền Thông thê Nguyễn Thị Ðỉnh – nghĩa là Ðặng Huyền Thông cùng vợ là Nguyễn Thị Ðỉnh quê tại xã Hùng Thắng, huyện Thanh Lâm, phủ Nam Sách tạo vào tháng 2 năm Hưng Trị thứ ba (1590).
[3]Từ thế kỷ 12, người Nhật bắt đầu uống “mạt trà”. Trà tán nhỏ ra như bột, pha vào nước sôi. Mạt trà được nhập cảng từ bên Tàu qua, lúc đầu chỉ được coi là một thứ thuốc (tiên dược) có khả năng giải bệnh hơn là giải khát. Trà được dùng ở triều đình Nhật từ thời nhà Tống bên Tàu, nhưng đến thế kỷ 14, trà mới bắt đầu trở nên phổ thông, nhưng chén bát uống trà còn lộn xộn, hoàn toàn khác nhau, tùy theo ý người uống. Trà xanh (green tea) được dùng khi “Trà đạo” (Chanoyu) được khởi xướng bởi Murata Juko (1452 – 1502). Sau đó Takkeno-Jo O (1502 – 1555) và Thiền sư Sen Rikyo mới dọn xếp tất cả lại thành trà đạo trong phong tục, văn hóa Nhật.
[4]Làng Bát Tràng nằm bên bờ sông Hồng, ngày nay thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội. Mỹ thuật đồ gốm Bát Tràng phát triển gần như song song với gốm Chu Ðậu. Có những bình hương, chân đèn ghi niên hiệu nhà Mạc (như Diên Thành, Hưng Trị, Ðoan Thái), cũng có những món ghi niên hiệu nhà Hậu Lê, làm vào thế kỷ 17 (sau khi nhà Mạc đã bi diệt) như Vĩnh Tộ thứ 7 (1625), Cảnh Trị, Chính Hòa (1688), Vĩnh Hựu thứ 2 (1736) và nhà Nguyễn (Gia Long 1802-1819). Tuy nhiên trong những món còn sưu tập, lưu giữ ở các viện bảo tàng, ta thường chỉ thấy các loại hồ rượu, lư hương, chân đèn, bình vôi, tượng Phật, đỉnh thờ… Không hề có dấu vết của các món đặc biệt Chu Ðậu ở Bát Tràng (như bình Tỳ Bà, hộp phấn, lọ nhỏ, chén vỏ sò…) Nước men, màu men và hoa văn của gốm Bát Tràng cũng khác hẳn gốm Chu Ðậu, và về mỹ thuật còn kém xa. Bát Tràng nổi tiếng về làm gạch. Gạch Bát Tràng có khổ lớn (30cm) dùng để lót sân, lót hành lang…
[5]Có người đọc niên hiệu của vua Lê Nhân Tông là Ðại Hòa. Theo Hán Việt tự điển của Thiều Chửu, thì chữ này có 2 cách đọc, có thể đọc là Ðại mà cũng có thể đọc là Thái. Chúng tôi đọc là Thái Hòa.
[6]Năm 1568, nhằm vào năm Quang Hưng thứ ba đời Lê Thế Tông.
[7]Năm 1587, nhằm vào năm Quang Hưng thứ mười đời Lê Thế Tông.
[8]Năm 1590, nhằm vào năm Quang Hưng thứ mười ba đời Lê Thế Tông.
[9]Ðến cả lăng của Kiền Thái Vương (cha vua Ðồng Khánh) còn trang trí bằng những đĩa men lam làm bởi công ty Copeland and Garrett, nhập cảng từ Anh Quốc.
[10]Nhà Minh cấm dân Tàu buôn bán với nước ngoài từ năm 1371 đến năm 1567, nhà Thanh cấm từ năm 1644 đến năm 1684.