Một trong những lạc thú khi xem tranh shunga của thời Edo là cái thuật dí dỏm của người hoạ sĩ rất đa dạng và tài tình, vì vậy shunga không đơn thuần là lạc thú được kích dục bằng hình ảnh mà ngày nay người ta thường bị thu hút do cách biểu lộ táo bạo của chúng. Thí dụ, trên phông cảnh và đồ vật trong tranh còn có những đoạn văn kể chuyện và những câu thơ đề trên đó (theo các thể waka, kanshi, senryu, kyoka, v.v…) ám chỉ tới những tình huống trong tranh, cũng như những dòng chữ cạnh các nhân vật ghi những lời đàm thoại của họ. Người cùng thời của hoạ sĩ, họ vừa xem tranh vừa “đọc” được cái nghệ thuật dí dỏm này, họ thưởng thức được những hoàn cảnh đa dạng trong cái thế giới công phu của nghề chơi. Kĩ xảo đó gọi là mitate, một sở trường của Suzuki Harunobu trong suốt các tranh shunga. Ở đây, công chúng không xem tính dục là cái cấm kị hoặc tục tĩu, mà đúng hơn là “cái để cười”, không ngụ ý tục tĩu hoặc chế giễu, đúng hơn là gây cho người xem một tiếng cười gần như không thành tiếng. Hi vọng ngày nay người xem tranh shunga còn có thể thưởng thức được chút nào cái tiếng cười ấm áp ấy trong tranh shunga của Harunobu.

Giống với thi pháp thanh mà tục, tục mà thanh của Hồ Xuân Hương, văn hoá Nhật cũng có cách nhìn đặc biệt vào sự vật, trong đó cái thanh/nhã và cái tục chồng chéo lên nhau. Đặc biệt có thể thấy trong mitate-e shunga của Harunobu, những miêu tả tập quán tính dục hàng ngày có thể xem như là cái tục được phủ lên bằng cái thanh của văn chương.

Các chú giải dưới đây là rút gọn từ một chuyên khảo của tác giả Monta Hayakawa, lần lượt trình bày chi tiết từng bức (tập trung vào phần 1) của hoạ tập shunga nổi tiểng nhất của Suzuki Harunobu, Furyu enshoku Maneemon 風流艶色真似ゑもん (Chàng Hạt Đậu phong lưu hiếu sắc), tất cả gồm 24 bức miêu tả hành trình học đạo làm tình của nhân vật Maneemon tức chàng Hạt Đậu (một loại Peeping Tom). Hoạ tập này chia thành hai phần, mỗi phần có 12 bức, thực hiện năm 1770, cũng chính là năm mà Harunobu đột ngột qua đời. Shunga thuộc dòng tranh ukiyo-e, nói chung thường theo hình thức một bộ gồm 12 tấm, thường không có tình tiết, bối cảnh của các nhân vật nằm trong những bức lẻ, không mạch lạc hệ thống. Tuy nhiên, bộ tranh này hiếm hoi vì nó có câu chuyện liên tục theo phong cách kể chuyện dân gian.

Bức 1

Hai nữ thần đem quà tặng tới, xuất hiện trước người đàn ông đang quỳ trước cổng đền màu đỏ. Vì đây là bức mở đầu nên có một đoạn văn dài ở trên giới thiệu nhân vật chính và mở đầu câu chuyện:

Xưa kia, rất lâu trước cả thời các cụ kị nhà ta, có một chàng kì khôi tên là Ukiyonosuke. Bản tính hiếu sắc, chàng quyết tâm tìm cách thông thạo mọi bí kíp của thuật ân ái, giống như Narihira, nhân vật chính của Truyện Ise, biết rành về những bí ẩn của tình yêu. Đã quyết như thế, chàng đi tới một ngôi đền [vốn nổi tiếng thờ nữ thần tình ái] trên núi Ryushin ở Morokoshi, và khi chàng cầu xin được thông thạo nghệ thuật ân ái, thì chuyện lạ xảy ra. Một làn ánh sáng chói loà trước đền và rồi nữ thần núi Ryushin xuất hiện, theo hầu có Tử đằng tiên nữ của núi Kinrya, lên tiếng: “Bởi ngươi đã thành tâm đến đây cầu muốn thành thục mọi bí kíp ân ái, bọn ta sẽ toại nguyện ước muốn cho ngươi”. Họ ban cho chàng hai cái hộp, rồi dặn, “Một hộp trong đó đựng một số bánh nhân đất; giờ hãy mở ra ăn một cái. Còn hộp kia, chỉ mở ra nhìn khi nào ngươi gặp chuyện rắc rối lớn”. Thêm nữa, Tử đằng tiên nữ nói, “Cho dù có rành bí ẩn đạo ân ái, nếu ngươi không có sức khoẻ tốt, thì cũng chẳng kết quả gì”. Rồi vị nữ thần này trao cho chàng một loại “thuốc trường sinh”, đoạn cả hai nữ thần biến mất vào bầu trời. Thấy chuyện lạ lùng, Ukiyonosuke nửa ngờ nửa tin, nhưng khi ăn một miếng bánh nhân đất, thì thấy thân hình thu nhỏ lại thành cỡ hạt đậu. Bởi đó, chàng đổi tên thành Maneemon hay Hạt Đậu.

Bức 2

Sau khi biến thành người đàn ông hạt đậu, trước tiên Maneemon tới “Đảo Trinh nữ”. Trên tầng hai của một toà nhà, trong gian phòng, ở đó là những bàn giấy, tập vở viết, và thanh chặn giấy, Maneemon bắt gặp một người đàn ông trung niên với mớ tóc dài chải hất và buộc sau gáy, hắn đang dùng sức ép một cô gái mặc bộ furisode (loại kimono tay dài mà các phụ nữ chưa chồng hay mặc) ngã lên sàn chiếu tatami, hắn đang cố hôn cô. Khi nhìn thấy cô gái dùng hai tay rán đẩy người đàn ông ra, Maneemon suy đoán là hắn ta đang cưỡng hiếp cô.

Người đàn ông trung niên này thuộc hạng người nào? Do tấm yết thị dán trên cửa ở tầng dưới, “dạy thư pháp”, và cảnh bài trí là một lớp học thư pháp, hắn chắc phải là thầy dạy thư pháp. Còn cô gái có lẽ là một trong những học trò. Những dòng chữ gần người đàn ông như sau:  “Thầy sẽ cho em đậu cao hơn những đứa bạn học của em là Oran và Oton, và sẽ dạy em những phương pháp thuộc trình độ cao hơn. Như vậy còn chưa hài lòng sao? Chỉ kiên nhẫn ít lâu nữa thôi”.

Người đàn ông đang dụ dỗ cô gái với lời hứa lố bịch sẽ cho cô lên lớp cao, còn những dòng chữ mà cô học trò phản ứng, “Ôi chao! Thầy ơi, buông em ra!” Cô không muốn chút nào. Tuy nhiên trông ra không có vẻ gì là người thầy trung niên này bị cái cách từ chối dịu dàng ấy can ngăn được, và rồi rút cuộc lối hành xử của ông ta có lẽ không khác với con mèo đực ngoài cửa sổ. Maneemon chứng kiến sự việc từ dưới cái bàn giấy, thầm nói, “Thật là điều tội nghiệp, đáng ghét. Nhìn cái mũi kìa!” Trong khi vừa biểu lộ sự thông cảm sâu xa với cô gái, chàng vừa mỉa mai nhận xét về cái mũi của người đàn ông. Nhìn kĩ khuôn mặt hắn, quả là cái mũi miêu tả to hơn bình thường. Dân gian thường tin rằng kích thước dương vật chiếu theo tỉ lệ với cái mũi, vì thế cái mũi to xem như tiết lộ cái cường độ dâm dục.

Ở hàng cuối, viết, “Như vậy là khởi đầu hành trình của Maneemon đi khám phá cái đạo của chuyện làm tình,” với cái thực tế vui buồn lẫn lộn của đạo ân ái.

  

Bức 3

Vội rời “Đảo Trinh nữ”, Maneemon sang “Đảo Tán tỉnh”. Ở đó, điều đầu tiên Maneemon thấy, dưới ánh sáng cái đèn lồng bọc giấy là cảnh một người đàn ông đang làm tình với người đàn bà từ đằng sau theo một tư thế gò bó trong khi cô ta đang hơ ngải cứu lên lưng một bà cụ. Người đàn ông mặc bộ montsuki (bộ áo của gia đình có tước vị), có lẽ ông là chủ nhân và về nhà sớm. Lời của bà cụ, “San, viên ngải đó thiệt nóng.” Bà cụ gọi thân mật người phụ nữ là “San”. Rất có thể là vợ của con trai bà. Hàng chữ ở phía trên cảnh này là “cuộc chơi hấp tấp”. Ở đây, có thể là người chồng vừa về tới nhà, thấy cô vợ trẻ mới cưới đang châm ngải cứu cho mẹ chồng. Anh ta chờ không đặng, dưới ánh đèn mờ của cái đèn lồng giấy, chàng bèn vội vã hành sự. Người vợ ngạc nhiên vì cơn hứng bất chợt của chồng, và cú thúc của chồng từ sau khiến cái tư thế của cô thành ra kì cục, bàn tay chệch ra khỏi huyệt châm ngải làm cho lưng bà cụ bị nóng rát, bà nói, “Viên ngải đó thiệt nóng”. Nhân vật Maneemon thấy vậy, rất đồng tình và ấn tượng, nói rằng “Để theo đuổi cái đạo ân ái, người ta phải siêng năng như cái gã này”. Rồi chàng nói, “Trong lúc chờ bà cụ bớt nóng, mình cũng nên thử tí ngải”, rồi chàng hơ một chút ngải vào huyệt dũng tuyền ở gan bàn chân. Vì ở huyệt này, ngải cứu được cho rằng nó trị mọi bệnh tật và hồi phục sức khoẻ, cho nên nó cũng làm cho việc giao hợp trở nên mạnh mẽ hơn. Cuối củng Maneemon ngâm một bài thơ thời Heian của Jujiwara Sanekata:

Đang khi anh khao khát em nhường này,
Còn em chẳng hay biết gì.
Như ngải cứu vùng Ibukiyama,*
lửa tình anh nóng rực vì em.
(*Ibuyama là một quận hạt nổi tiếng về trồng ngải cứu).

Bài thơ so sánh hơi nóng của ngải với tình ái rạo rực của người đàn ông. Cuối cùng, Maneemon kêu lên, “Thiệt là nóng”.

Bức 4

Địa điểm tiếp theo Maneemon tới thăm là “Hòn đảo Tạ lỗi”. Ờ đó chàng chứng kiến cảnh một người chồng đang vụng trộm trong lúc vợ mang bầu. Một đêm vợ đi vào phòng bắt được quả tang (trong tranh người vợ mang bầu có đeo iwataobi là tấm khăn thắt lưng cho phụ nữ có bầu để bảo vệ bào thai). Cuộc hỗn loạn bắt đầu, những dòng chữ viết trên tranh cho từng nhân vật trong bộ ba này biểu lộ lần lượt thái độ khác nhau của họ. Trước tiên, một tay bên phải cầm cái đèn lồng có cắm ngọn nến, còn tay kia nắm cái khố của chồng, người vợ la toáng:

Ông làm với loại con gái nào vậy hử? Sáng mai, tôi sẽ mách với Jirô. Mà tôi sẽ mách với chú ấy chuyện gì đây? Sự việc này không phải nói xin lỗi là được đâu. Hừ, đồ gian dối. Cho dù ông có muốn vụng trộm, bộ ông không nghĩ tới danh dự của mình à? Tôi điên tiết lên đây!

Vậy có thể đoán cô gái kia là con gái của Jirô, con một người bạn gửi tới giúp việc nhà trong thời gian vợ mang bầu.

Trong lúc người chồng trông có vẻ lúng túng vì bị túm cái khố, ông quay đầu lại, bàn tay quơ trước mặt xin tha thứ, “Em nói đúng–tha cho anh đi”. Cái khố thì đang bị vợ túm chặt, còn cái dương vật tục tĩu của người chồng giờ đã xìu xuống. Do bị bắt quả tang, người chồng hết đường chối cãi.

Còn cô gái thì bối rối, giơ ống tay áo ngủ lên che mặt, nhưng vì sự việc xảy ra và bà vợ quá lớn tiếng, không chịu được, cô gái lên tiếng, “Xin lỗi Bà, lỗi tại cháu. Xin tha cho cháu. Nhưng nếu bà to tiếng, hàng xóm họ nghe được.” Có vẻ cô cam chịu mọi quở trách của bà chủ, nhưng thật sự nếu việc này hàng xóm biết được thì hậu quả sẽ hết sức tồi tệ với cô. Đang quan sát cảnh tượng này, chỗ núp là trong bộ đồ ngủ của cô gái, Maneemon nêu nhận xét:

Ối chao, tiếng sư tử gầm! Đêm nay mình gặp phải cảnh tồi tệ rồi. Trận lôi đình này đang gay cấn, chắc tới sáng vẫn chưa nguôi. Vậy, phải tẩu đi thôi. Vì chính bà đã rước cô gái vào làm, nếu bà có chịu nghe nửa lời xin lỗi, may ra vụ này sẽ sớm chấm dứt.

Maneemon quyết định rời hòn đảo này, chàng xem cơn giận của bà vợ là hợp lí, nhưng bà ta cũng phải chịu trách nhiệm một nửa. Không chỉ trong tác phẩm của Harunobu, mà trong những shunga khác của thời kì này, thật là khó mong tìm thấy quan điểm mà trong đó những cuộc ngoại tình lăng nhăng đều là xấu xa hoàn toàn. Shunga của Harunobu thể hiện cho quan điểm thực tiễn rằng “trên thế gian này, mầm mống của bất trung là vô tận”, với những cảnh vui buồn được miêu tả ở những bức tiếp theo.

Bức 5

Thoạt nhìn, trông như bức tranh này minh hoạ người đàn ông và người đàn bà đang giao hợp trong một tư thế đặc biệt, nhưng nếu nhìn kĩ, người ở bên trên lại có dương vật. Nói cách khác, bức tranh này miệu tả “tình trai”. Đồng tính nam không phải là tập quán ít thấy trong truyền thống văn hoá Nhật. Đặc biệt trong thời Edo, tình trai, vốn trước đó tồn tại trong số các hoà thượng, các cận thần, và các võ sĩ, rồi lan rộng ra dân chúng và thường xuất hiện trong tranh shunga. Thế nhưng ở đây không phải là thông thường và vô cớ. Lí do gặp phải cảnh này của Maneemon được giải thích ở hàng chữ bên trên tranh. Maneemon rời ngôi nhà trên “Đảo Tạ lỗi” ở đó chàng gặp cảnh nổi trận lôi đình của chuyện ngoại tình và rồi:

Chàng qua tới đảo Sakai và từ khu Shibai-machi, lắng nghe tiếng những lần cạn li và những tiếng đàn hát, ở đó chàng trải qua đêm trong một ngôi nhà. Chàng đang tìm cách làm sao nhìn thấy được những cuộc khoái lạc phòng the ở tầng thứ hai của toà nhà bên cạnh. Trời lúc đó đã cuối xuân, mùa thả diều, vì thế chàng đu lên một sợi dây diều và được đem lên cao tới song cửa sổ tầng hai.

Vào thời đó, đây là khu vực nổi tiếng, dãy phố hai bên là những rạp kabuki và những phòng trà kagema-chaya, người làm là những onnagata hay nam diễn viên trẻ (chuyên đóng những vai nữ) gọi là iroko tức mại dâm nam. Maneemon cố ý muốn dòm lén quang cảnh làm tình của những nam giới này. Những gì chứng kiến là một tay chơi đang trong tư thế ở dưới, ở trên là một kép trẻ đẹp onnagata trông hệt như một cô gái trong bộ kimono tay dài. Tuy nhiên tư thế này rất gò bó đối với chàng kép trai, vì vừa phải chống cơ thể bằng tay trái trong khi gã đàn ông vừa ôm đỡ, nhổm phần thân trên lên, vừa kêu, “Ô, ô, mỏi tay rồi—kiểu này khó quá.”

Trên ống tay áo của chàng mại dâm có hoa văn thuỷ tiên, biểu tượng cho chàng trai đẹp trong thế giới tình trai. Huy hiệu hoa thược dược trên giường cũng biểu tượng cho tình trai. Nếu ta nhìn kĩ vào huy hiệu trên kimono của khách mua dâm nam, cùng là người chồng trong bức tranh số 3 ở trên. Tuy không nhất thiết phải xem cả hai nhân vật là một, trong giới tài từ Edo, tình yêu dị tính đồng thời với đồng tính đều không phải là ngoại lệ hay đặc biệt. Và tính dục đồng tính nam được xem như thú vui— thậm chí được hiểu như một trong những thực hiện của người có tu dưỡng. Theo nghĩa đó, bức mộc bản này miêu tả một cảnh về lạc thú của giới tài tử Edo. Chính vì vậy Maneemon đã đến khu phố kabuki ở Shibai-machi để quan sát việc này. Câu cuối: “Maneemon đã nhìn thấy hết mọi chuyện làm tình của nam giới, nhưng vì đã thấy quá nhiều ngón nghề chơi, khiến máu dồn lên đầu chàng. Quả vậy, nhìn vào tranh, ta thấy Maneemon đang cầm cái quạt để hạ hoả cái đầu.

Bức 6

Sau khi bị choáng vì xem việc làm tình của nam giới tại khu Shibai-machi ở Edo, để hồi phục, Maneemon ngắm một con suối, rồi rời Edo và ra tới đồng quê. Thật là khác nhau biết bao về phong tục tính dục ở thôn quê với lại ở thành thị. Nơi đầu tiên chàng thăm có cái tên là “Thửa ruộng Cả tin”. Thửa ruộng mới này đang được trồng trọt vào đầu mùa hè. Một cặp vợ chồng nông dân và cô con gái đang trồng lúa, thì có một gã đàn ông lạ đeo cái mặt nạ đáng sợ, giắt gươm, xuất hiện rồi làm giao cấu từ đằng sau đang khi cô gái đang nhấp nhổm cấy lúa. Ở đây chuyện gì đang diễn ra? Đọc thẳng vào lời của người đàn ông đeo mặt nạ:

Cha chả, ta là thần khoái lạc (yogarasu), con cháu của thần lúa (Inari). Nếu các ngươi cho ta con gái của các ngươi, các ngươi chẳng cần làm gì cả trên thửa ruộng này. Ta sẽ sinh ra thêm một trăm giạ lúa nữa so với một vụ gặt bình thường.

Tóm lại, gã đàn ông đeo mặt nạ và giả mạo dáng điệu vị thần tất nhiên là kẻ lừa gạt. Cái tên hắn nêu ra, yogaraku, trong tiếng Nhật mang nghĩa điềm gở là “con quạ đêm” và cũng có nghĩa là ban khoái lạc cho người đàn bà. Tuy nhiên, cả hai vợ chồng nông dân đều bị hắn gạt.

Vợ: Sợ quá đi!
Chồng: Ới, thần khoái lạc! Tôi đội ơn ý tốt của ngài, và cho ngài không chỉ con gái tôi mà luôn cả mụ vợ già của tôi nữa. Xin gửi lời tôi tới thần lúa.

Đồng loã với yêu cầu của ông chồng, thần khoái lạc hớn hở đáp, “Được rồi, được rồi, ta nhận lời. Mai ta quay lại.”

Ngồi xem mọi chuyện, Maneemon vừa phì phà hút thuốc dưới bóng cây bên lề đường vừa nêu cảm tưởng: “Thật thú vị. Kết cục trò đùa với nông dân là như vậy đó.”

Cảnh khôi hài và buồn cười này tạo ra cho mục đích shunga, tuy nhiên, không hẳn chỉ có thế. Câu chuyện mang hơi hướm những câu chuyện kể của nước Nhật xưa, trong những lễ hội trồng lúa đầy những ca, múa và những lễ nghi mang động tác đậm chất tính dục và phồn thực. Và “vị thần lạc thú” đeo mặt nạ không hẳn là tay lừa đảo mà có thể xem như khoác vẻ một loại ông trạng (trickster) phá phách dễ mến, thường xuất hiện trong những truyền thuyết dân gian.

Bức 7

Cảnh một ngôi nhà nông trang vào một đêm hè. Gia đình đã xong bữa cơm tối, và một cặp cụ già đang uống trà. Ở gian phòng kế, trong mùng, người con trai và con dâu đã bắt đầu cuộc làm tình. Tuy nhiên họ không đóng vai chính trong tranh, mà là cặp cụ già. Những dòng đối thoại của họ:
Cụ ông: Bà nó ơi, hôn tui một miếng đi. Cứ nghe những thứ tiếng đó ai mà…
Cụ bà: Mình làm cái gì kì quá—già cả rồi!

Nghe những tiếng thân mật của cặp trẻ trong mùng ở gian phòmg bên cạnh, cụ ông đột nhiên vô tình bị dục tình đánh thức, ông năn nỉ đòi vợ hôn. Trong khi cụ bà hơi quay lưng vì đang pha trà, bà ngoảnh lại và cho ông hôn một miếng. Một cảnh tình tự thật thanh bình và thú vị! Trong vườn, một nhánh bắp cao, quả đã chín, hai bông mồng gà đỏ thắm giữa hè. Điều gây cười trong tranh miêu tả ông cụ chỉ dùng miệng, chứ không phải “cái ấy”, và dòng tít khôi hài ”Ngôi làng chỉ có lòng thèm muốn”. Maneemon nhìn chăm chăm vào bộ phận sinh dục của cụ ông và điệu bộ đôi tay giang ra, nói, “To quá, bằng cỡ quả bí đỏ. Thiệt là lạ trong những thứ ở nhà quê.” Những lời thán phục trước kích cỡ dương vật to thường hay thấy trong tranh shunga, nhưng ở đây ấn tượng của Maneemon lại đối với bìu dái của ông cụ, nhưng đây không phải là cái để khoe. Có lẽ đó là một loại bệnh gọi là bìu xệ.

Bức 8

Rời Edo, dừng lại ở một suối nước, sau khi băng qua “Thửa ruộng cả tin” và “Làng chỉ có ham muốn”, cuối cùng Maneemon tới một khu có nhiều suối nước nóng ở Ikaho (dưới chân núi Haruna, ngày nay thuộc quận hạt Gunma). Maneemon đi vòng quanh dò xét những hoạt động tính dục. Bức tranh này miêu tả cảnh: Trong gian phòng cạnh nhà tắm, một cặp đàn ông đàn bà đang làm tình trong một tư thế ít thấy. Họ đang nhướng mắt nhìn vào gian phòng kế, trong đó có một ca sĩ mù hát rong (zatô) đang gảy đàn tam shamisen. (Những người hát rong hành nghề theo nhóm này cũng làm nghề tẩm quất và châm cứu). Địa điểm nhà trọ ở suối nước nóng này thường nhận phụ nữ làm yuna (gái bán dâm), xem cảnh đầu tóc buộc thì biết họ vừa mới tắm xong. Cảnh làm tình có vẻ hờ hững ở nơi nghỉ mát. Người đàn ông pha trò, “Chú ta đang tửng từng tưng, chúng mình cũng đang tứng từng tưng. Ngón “gảy” đàn với điệu dồn dập ở đây ám chỉ dương vật người đàn ông mitate cho cái móng gảy đàn của người nhạc sĩ mù. Nghe câu khôi hài này, Maneemon ra khỏi nhà tắm, nói xen vào “Cái móng gảy này to quá chừng.”

Bức 9

Ba bức tiếp theo minh hoạ chuyến quay về lại Edo của Maneemon sau khi rời Ikaho. Bức này miêu tả một cậu phu ngựa và người đàn bà là khách hàng đang làm động tác trông như kiểu nhào lộn điêu luyện ở một bến phà. Để hiểu việc gì đang diễn ra, đọc những câu viết dưới con ngựa, người đàn bà nói, ”Kìa, nó đang vào. Kiểu này hệt như chim sơn tườc hứng bắt hạt đang rơi. Em vẫn còn thời gian cho tới khi thuyền cập bến.”  Người đàn bà một tay phía sau bám vào con ngựa, tay kia bám lên vai chàng phu ngựa và hạ thấp đằng dưới xuống. Người đàn bà so sánh cậu phu ngựa với con chim sẻ núi vốn giỏi về bay nhào lộn, là ẩn dụ về cái tư thế “độc chiêu” này. Cô ta đã quyến rủ được cậu phu ngựa. Trong khi đỡ lấy bộ mông của người đàn bà, cậu phu ngựa đang ở mấp mé cuộc giao hợp, và cậu ta quên phứt việc làm ăn, vui sướng nói, “Cô không cần phải trả tiền phu ngựa. Tôi sẽ dẫn ngựa đưa cô miễn phí sang tới trạm kế ở bên kia bờ Kumagaya.” Maneemon đang phì phà thuốc dưới bóng cây tùng, nêu cảm tưởng như sau, “Chà, chà, bộ đồ nghề của cậu ta không to tướng sao? Còn khuôn mặt thì không giống đồ cục mịch nhà quê” (nguyên văn yosaku, từ để chọc dân quê, vừa chơi chữ ám chỉ tên của nhân vật chính làm phu ngựa trong một vở tuồng nổi tiếng của Chikamatsu)

Bức 10

Trong bức này, xảy ra cuộc “đôi co” giữa cặp vợ chồng trong gian phòng nuôi tằm của một nông trang:

Chồng: Sau khi xem tranh xuân hoạ mà anh trai anh đem từ Edo về làm quà, anh nứng quá chừng.

Vợ: Nhưng nếu chúng ta làm việc ấy trước các nong tằm, chúng sẽ bị hư mất.

Người vợ dùng hai tay cố đẩy chồng ra. Việc từ chối của người vợ do niềm tin của những người nuôi dưỡng tằm xưa cho rằng nếu làm tình trước lũ tằm đang kết kén, thì sợi tơ sẽ bị hư và lụa sẽ bị tì vết. Trong khi đó nghe thấy những tiếng khả nghi phát ra từ phòng nuôi tằm, người cha dậy khỏi giường, trần truồng, tay cầm cây nến đi kiểm tra tằm, vừa nói: “Có tiếng gì lạo xạo. Nghe như tiếng chuột gặm nhấm lũ tằm ấy nhỉ.”

Bức 11

Một cặp trai gái đang ôm ấp dưới bóng khuất của một bờ sông dốc, và giữa cảnh vật bao quanh tối đen. Một ngọn nến nhỏ, một thanh gươm đặt bên cạnh họ, và cả hai đều cầm chuỗi lần hạt. Cảnh này trông không có vẻ gì là cuộc hẹn hò bình thường. Hơn nữa, ở phía bên kia bờ sông, một người đàn ông xách đèn lồng cùng một ông lão cầm trượng đang khóc. Tình huống này càng tăng mối thắc mắc:

Maneemon, trên chuyến quay về sau khi đã được xem nhiều cảnh làm tình, thì gặp một chàng trẻ dẫn theo một cô gái độ 16 tuổi mặc kimono tay dài. Chàng cảm giác sẽ được xem một chuyện thú vị, nên đi theo họ, và rồi biết được rằng họ đang toan tính một cuộc tự sát đôi.

Ông lão bên kia bờ sông là người cha đang đi tìm cặp trẻ. Có lẽ ông đã chống đối cuộc hôn nhân, mà không lường trước khả năng sẽ đưa họ tới cuộc tự sát đôi. Vào thời ấy, các vở tuồng kabuki diễn những vở rất phổ biến về những cuộc tự sát đôi thật bi tráng của những người đàn ông và đàn bà (phần lớn là gái lầu xanh ở khu Yoshiwara) vì nhiều lí do họ không thể lấy nhau đặng. Có thể là cặp trai gái này chịu ảnh hưởng bởi xu hướng đó. Bằng phương tiện minh hoạ cùng với việc phối hợp những dòng đối thoại, Harunobu đã tìm cách thay đổi cái cảnh trầm trọng này sang một cảnh vui tươi hơn. Trước tiên, đọc lời thoại của cặp trai gái, chúng ta thấy diễn biến sự kiện hơi khác với hàng kể trên.

Cô gái: Anh đến thật là trễ.

Chàng trai: Chưa trễ lắm, mà này, anh nghe thấy tiếng người.

Nói cách khác, trong tranh, tình thế bị thay đổi, trong đó người đàn bà tới điểm hẹn trước và đang khi cô mệt mỏi vì trông ngóng thì chàng trai xuất hiện. Cô gái không ngần ngại việc tự sát chung, nhưng lời chàng trai, ”Anh nghe thấy tiếng người” ám chỉ lòng lưu luyến của chàng đối với thế gian này. Trái với chàng trai, ở ngưỡng cửa vĩnh biệt thế gian, chàng băn khoăn vì nghe thấy tiếng người và đang tìm cách tự trấn an, còn cô gái thì chủ động trợ giúp bằng việc sấn sởi nắm chặt lấy dương vật của chàng và ”khích lệ” nó. Harunobu đem lại một tiếng cười vào trong cái tình thế trầm trọng này. Còn đây là lời độc thoại của Maneemon:

Đau đớn biết bao cho các bậc cha mẹ! Điều này trở nên khủng khiếp. Tội nghiệp cho những đoá hoa đang độ xuân thì phải lìa đời tan tác. Ta sẽ ra tay giấu thanh gươm đi để cứu tính mạng của họ, trước khi cha mẹ tìm thấy những đứa con mình. Tôi phải nói lời xin lỗi, ở đây chẳng có gì là thú vị cả.

Và Maneemon vội thoát khỏi hòn đảo này. Đối với Maneemon, việc “yêu nhau vào cõi chết” này là thật vô nghĩa; tính dục là cái phải phối hợp hài hoà và đầy khoái lạc cho tới tận cùng. Tiếp theo chàng đi về phía làng chơi Yoshiwara, nơi đầy những trò tiêu khiển tuyệt vời.

Bức 12

Đêm nghe tiếng trống đại—

phải chăng tiếng nhạc tuồng?

Giờ đang mùa nghỉ đông.

Bức tranh này (trong phần 2 của hoạ tập) đổi sang cảnh khác hẳn, miêu tả một gian phòng ngủ ở quận đèn đỏ Yoshiwara. Một khách làng chơi trần truồng đang ngồi với một kĩ nữ trên ba lớp giường nệm dày. Một tay quàng qua vai cô ta vừa nắm cần đàn tam (shamisen) để ngang trước bụng, anh chàng bịểu diễn màn dùng dương vật cương cứng gõ tưng tưng lên mặt đàn shamisen. Loại đàn này gắn với những lạc thú trong khu làng chơi; nếu cái hộp đàn mitate cho “cái trống” và dương vật cương cứng mitate cho cái dùi, thì cảnh này trở nên một mitate cho “đánh trống đại”. Maneemon hào hứng phụ hoạ gõ đũa lên tách trà. Những dòng đối thoại của cặp này như sau. Người đàn ông hãnh diện khoe của, “Như thế này thì sao? Cái dùi này cắm vào được chưa?” Cô kĩ nữ hưng phấn đáp, “Được rồi, nằm xuống. Em cắm nó vào ngay đây.” Nghe họ nói xong, Maneemon pha trò, “Cặp này rồi sẽ quất nhịp phi nước đại (kirin bayashi); mình thì thích nhịp điệu xuất giá hồi cung (sagari ha) hơn. Kìa xem ra còn có các trò sôi nổi đang diễn ra.”

Qua sự phối hợp tài tình âm nhạc sân khấu tuồng, bức shunga này cũng kết hợp tài tình hai chủ đề chính của tranh ukyo-e kabuki với những ngón nghề của làng chơi.

Tác giả : Triêu Nhan

Nguồn: The Shunga of Suzuki Harunobu–Mitate-e and Sexuality in Edo, Nxb Nichibunken, Kyoto 2001

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.