Trống đồng Đền Hùng (Văn hóa Đông Sơn, hiện lưu giữ tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ).

Trống bằng chất liệu đồng thau, thuộc loại Hêgơ I, nhóm C. Trống gồm ba phần:
+ Mặt trống: Đúc khá dày, chính giữa là đĩa mặt trời, đường kính 20cm (tính ra đến đầu tia mặt trời), núm mặt trời có đường kính 8cm. Viền quanh đĩa mặt trời là 3 đường chỉ nối tạo thành 3 đường tròn đồng tâm, tạo ra 2 ô khoảng không ngăn cách với 9 vòng hoa văn trang trí rộng 0,7cm. Tính từ đĩa mặt trời ra gồm các vành hoa văn sau:
Vành 1: rộng 1,5cm, hoa văn vạch chéo gấp khúc
Vành 2: rộng 1,2cm, hoa văn vạch thẳng đứng song song
Vành 3: rộng 1,2cm, trang trí các đường tròn có chấm giữa
Vành 4: rộng 1,2cm, hoa văn là vạch đường thẳng đứng song song
Vành 5: rộng 8cm, hình người hóa trang cách điệu, có mắt hình lông công
Vành 6: rộng 3cm, có 8 chim Lạc quay đầu theo hướng ngược kim đồng hồ, mỗi con dài 15cm, phân bố đều trên mặt trống.
Vành 7: rộng 1,2cm, trang trí vòng tròn có chấm giữa
Vành 8: rộng 1,2cm, trang trí vạch thẳng đứng song song
Vành 9: để trơn, có 4 tượng cóc phân bố đều trên mặt trống, đầu cóc quay ngược chiều kim đồng hồ, mỗi con dài 10,5cm, bốn chân nở, mông nở, bụng thót, mõm dài như mõm nhái.
+ Thân trống: Chia làm 3 phần:
Tang trống: tiếp giáp với mặt trống phình ra có đường kính là 1m, cao 18,5cm, có 6 thuyền trở người hoá trang theo chim cách điệu xen kẽ với hình người hoá trang cách điệu, mỗi thuyền dài 35cm, thuyền và người nằm trong một vành hoa văn gồm 5 vành nhỏ theothứ tự từ trên xuống:
1 vành không trang trí rộng 0,8cm.
1 vành vạch đứng rộng 1cm
1 vành tròn chấm giữa rộng 1cm
1 vành vạch thẳng đứng rộng 1cm
1 vành văn người hoá trang cách điệu trên thuyền, dưới cùng còn có 3 đường chỉ nổi tạo thành 3 đường tròn đồng tâm rộng 2cm.
– Lưng trống: cao 27cm, đường kính 80cm, có 8 khung hình chữ nhật là những hình người hoá trang cách điệu (hai tầng người) chỉ có mắt và lông công được xen kẽ với các vành thẳng đứng gồm:
Vành vạch xiên rộng 1cm
Vành tròn chấm giữa rộng 1cm
Vành vạch xiên rộng 1cm
Xen kẽ là những đường chỉ nổi thẳng đứng song song, văn tròn chấm ở giữa.
– Chân đế: Phình hơn phần thắt đường kính 98cm, phần tiếp giáp với phần thắt là 2cm, không có trang trí rồi đến các vành tròn đồng tâm gồm:
Vành 1 không có trang trí rộng 7,8cm
Vành 2 hình trám lồng rộng 2cm
Vành 3 không trang trí rộng 0,8cm.
+ Quai trống: có hai đôi quai kép, trang trí hình bông lúa.
* Hiện trạng: Thân trống có nhiều lỗ vuông nhỏ là dấu vết còn lại của kỹ thuật đúc.
* Niên đại: Giai đoạn văn hóa Đông Sơn, cách ngày nay khoảng 2500 – 2300 năm.
* Nguồn gốc, xuất xứ: Ngày 5/8/1990, trong khi đào hố tôi vôi ông Lê Văn Thành cư trú tại đồi Phân Ngùi, xã Hy Cương, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ (nay là Xã Hy Cương – TP. Việt Trì – Phú Thọ) đã phát hiện ra trống ở độ sâu 50cm cách mặt đất.
 Ban quản lý Đền Hùng sưu tầm về,  hiện nay đang lưu giữ tại Bảo tàng Hùng Vương – Khu di tích lịch sử đền Hùng.
* Lý do lựa chọn:
– Trống đồng Đền Hùng được phát hiện ngay dưới chân núi Nghĩa Lĩnh (Cách 500m theo đường chim bay về phía Tây Nam), được xếp vào loại Hêgơ I nhóm C.
– Là trống Đông Sơn có kích thước lớn  trong số trống Đông Sơn đã biết ở Việt Nam và Đông Nam Á.
– Nhìn trên bản đồ phía tả ngạn sông Thao từ Lào Cai về đến Việt Trì thì hiện nay duy nhất phát hiện được trống loại I đó là trống đồng Đền Hùng.
Với kỹ thuật đúc và nghệ thuật trang trí đạt tới trình độ cao về kỹ thuật luyện kim đồng thau. Trống Đền Hùng có hoa văn trang trí khá phong phú và cách điệu cao đã phản ánh được tư duy và cuộc sống của con người thời Hùng Vương.

Trống đồng Cẩm Giang I (Văn hóa Đông Sơn, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa).

Miêu tả:

– Mặt trống: Chính giữa là hình ngôi sao 16 cánh, tính từ tâm ra ngoài trang trí 9 vòng hoa văn:

+ Vòng 1, 2, 3 và 9: trang trí hoa văn hình trám lồng

+ Vòng 4: Hoa văn hình chim lạc bay cách điệu

+ Vòng 5 (chủ đạo): Hoa văn hình người hoá trang lông chim cách điệu

+ Vòng 6: Hoa văn hình chim cách điệu

+ Vòng 7: Hoa văn vòng tròn đồng tâm có chấm giữa xen kẽ hoa văn hình tam giác kép

+ Vòng 8: Hoa văn hình răng lược

Rìa mặt có 4 khối tượng vịt quay ngược chiều kim đồng hồ.

– Tang trống: Có 5 vành hoa văn

+ Vành 1 và 5: Hoa văn vòng tròn đồng tâm có chấm giữa

+ Vành 2 và 3: Hoa văn hình trám lồng

+ Vành 4 (chủ đạo): Hoa văn hình người hoá trang lông chim cách điệu nhảy múa

– Lưng trống: Có 3 vành hoa văn

+ Vành 1 (chủ đạo): Phần trên hoa văn hình người hoá trang lông chim cách điệu nhảy múa, phần dưới là hình trám lồng

+ Vành 2: Hoa văn vòng tròn đồng tâm có chấm giữa

+ Vành 3: Hoa văn hình trám lồng

– Chân trống: Không có hoa văn

Trống có 2 đôi quai kép hình chữ C, rìa ngoài trang trí đường gờ nổi

Căn cứ vào kiểu dáng và hoa văn trang trí trống Cẩm Giang thuộc loại HI Heger, nhóm C1.

* Hiện trạng: Mất 1 khối tượng vịt, 1 khối bị mất đầu

* Niên đại: Văn hoá Đông Sơn muộn. Cách ngày nay khoảng 2000 năm

* Nguồn gốc, xuất xứ: Ngày 30/9/1992 ông Lê Đức Tậu, thôn Phú Lai, xã Cẩm Giang, huyện Cẩm Thuỷ, tỉnh Thanh Hoá, phát hiện được trống trong khi làm vườn, ở độ sâu khoảng 1,50m. Ngày 01/6/1993 ông đã bàn giao cho Bảo tàng tỉnh Thanh Hoá.

* Lý do lựa chọn:

– Đây là hiện vật gốc độc bản thuộc thời kỳ Văn hoá Đông Sơn bởi vì tính đến thời điểm hiện nay ở nước ta chưa có nơi nào có chiếc trống đẹp và giống với chiếc trống Cẩm Giang.

– Hiện vật có hình thức độc đáo:

Trống Cẩm Giang có kiểu dáng cân đối, thân trống được chia làm 3 phần: mặt, tang, lưng và chân trống. Hoa văn trang trí phong phú và sinh động nhưng điều đặc biệt và độc đáo hơn cả là trên mặt trống Cẩm Giang lại có 4 khối tượng vịt (thay thế cho 4 khối tượng cóc), một con vật gần gũi với từng gia đình làm ruộng từ xưa tới nay – biểu tượng của nền nông nghiệp trồng lúa nước. Các khối tượng vịt đều quay theo hướng ngược chiều kim đồng hồ, được đặt trên vị trí trang trọng của mặt trống. Đó là điểm độc đáo mà chỉ có ở trống Cẩm Giang, bởi ngoài các yếu tố cơ bản khác như: hình thức, kiểu dáng đẹp, hoa văn trang trí phong phú mang đặc trưng của nền văn hoá Đông Sơn, trống Cẩm Giang còn là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo trong sưu tập trống Đông Sơn mà ông cha để lại.

Với những nét độc đáo, tiêu biểu của trống Cẩm Giang đã góp phần làm phong phú thêm cho sưu tập trống Đông Sơn ở Việt Nam, khẳng định Việt Nam là một quốc gia có nền văn hoá Đông Sơn nổi tiếng thế giới, có truyền thống chế tạo và sử dụng trống đồng từ rất lâu đời, hơn 2000 năm trước trong giai đoạn văn hoá Đông Sơn đã có những chiếc trống đồng tạo hình độc đáo, hoa văn tinh mỹ… Những chiếc trống đồng này được thiết kế tinh xảo, kỹ nghệ đúc đồng độc đáo, được tôn thờ và trở thành báu vật truyền quốc, trăm họ ngưỡng vọng, thấm đẫm hơi thở của thời đại sản sinh ra nó. Văn hoá trống đồng đã thấm đượm trong mọi mặt của đời sống xã hội, là kết tinh cao độ của đời sống xã hội đương thời, phản ánh hệ giá trị của người Việt cổ: tôn chuộng đồ đồng, coi trống đồng là vật cao quý.

Trống đồng cổ Việt Nam nói chung, trống đồng cổ Thanh Hoá nói riêng có những đặc trưng riêng biệt hết sức rõ ràng, từ kỹ nghệ đúc đồng, đến đời sống xã hội và văn hoá tư tưởng, phản ánh về một nền văn hoá cổ đại ở Việt Nam phát triển đến một trình độ cao, cũng như trí tuệ, sức sáng tạo của người Việt cổ, như một bức tranh sinh động về lịch sử – văn hoá và đời sống xã hội của Việt Nam thời cổ.

Công tác phát huy giá trị trống đồng Cẩm Giang: Trống được trưng bày tại Bảo tàng Thanh Hoá và các cuộc trưng bày lưu động phục vụ nhiệm vụ chính trị: trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam năm 1997, chào mừng Hội nghị thượng đỉnh nguyên thủ các Quốc gia nói tiếng Pháp tại Hà Nội; trưng bày Kỷ niệm 80 năm phát hiện và nghiên cứu Văn hoá Đông Sơn năm 2004 tại Hà Nội; trưng bày kỷ niệm 50 năm kết nghĩa Thanh Hoá – Quảng Nam năm 2010 tại Quảng Nam; được Bảo tàng Văn minh châu Á Singapore lựa chọn mẫu bản dập trống Cẩm Giang trưng bày phục vụ lễ hội văn hoá tại Singapore năm 2008, được du khách trong nước và Quốc tế quan tâm nghiên cứu và đánh giá cao.

 

Mộ thuyền Việt Khê (Văn hóa Đông Sơn, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia).

Năm 1961, cuộc khai quật ở xã Phù Ninh, H.Thủy Nguyên, Hải Phòng phát hiện 5 chiếc quan tài hình thuyền. Quan tài là những thân cây khoét rỗng, dài hơn 4 m, có nắp. Tìm được 5 nhưng chỉ một chiếc còn các vật chôn theo. Đầu to của thuyền có đồ đồng lớn như trống, thạp, đỉnh, bình. Đầu nhỏ có rìu, đục, dao găm. Chiếc quan tài duy nhất có chứa hiện vật giờ đây đã trở thành bảo vật quốc gia – mộ thuyền Việt Khê, đang trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

“Mộ cổ Việt Khê là một minh chứng điển hình cho táng thức và táng tục của cư dân Đông Sơn cách ngày nay khoảng 2.500 năm”, TS Vũ Quốc Hiền, Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, nói. Trên thực tế, mộ thuyền Đông Sơn phát triển qua ba giai đoạn. Ở giai đoạn sớm, mộ chôn trong huyệt đất, quan tài gỗ có mặt cắt ngang tròn – gần tròn, hai đầu chừa lại hai đoạn thân cây gỗ làm vách ngăn, dùng đinh chốt hoặc mộng khớp liên kết tấm thiên và địa, trong mộ chôn theo nhiều đồ đồng điển hình của văn hóa Đông Sơn. Mộ Việt Khê chính là tiêu biểu cho giai đoạn sớm này.

Thạp đồng Hợp Minh (Văn hóa Đông Sơn, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Yên Bái).

Thạp đồng Hợp Minh có dáng hình trụ thân hơi phình ra, đáy hơi thon vào, thân có dáng hơi thẳng, cân đối, có hai quai hình chữ “U” ngược.

Nắp thạp: Được tạo khum thành gò nổi cao, chính giữa là mặt trời 19 tia, tia ngắn xen giữa các tia là văn lông chim dạng lông công, ngoài là các đường vạch ngắn song song hướng về tâm, tiếp theo là 05 vòng hoa văn, mép nắp thạp có 4 tượng chim quay theo 4 hướng khác nhau.

+ Vòng 01 và 05 là vân chấm nhỏ.

+ Vòng 02 và 04 là các đường tròn chấm giữa, được nối với nhau bằng các đoạn thẳng vạch chéo xương cá.

+ Vòng 3 chính giữa là vân chủ đạo, thể hiện loại hồi văn chữ “S” gấp khúc nằm ngang nối với nhau. Gần mép nắp thạp có 04 cụm tượng hình bồ nông, mỏ dài, dẹt, đuôi ngắn, mỏ quay ra ngoài theo 04 hướng đều nhau.

Thân thạp: Có 18 vòng hoa văn, được chia thành các nhóm như sau:

+ Nhóm 01: Có 4 cụm hoa văn hình học được lặp lại giống nhau gồm đường tròn chấm giữa nối với nhau bằng những đoạn thẳng, răng cưa (dạng hình tam giác) và vạch ngắn song song. Chính những cụm hoa văn này tạo nên dải phân cách cho các vòng hoa văn tả thực (cụm: 1,2, 3-5,6,7-12,13,14 và cụm 16,17,18).

+ Vòng 9,10 là đường vạch ngắn song song phân cách 02 vòng hoa văn tả cảnh sinh hoạt con người.

+ Nhóm 02: Có 02 vòng hoa văn tả động vật, trên gần miệng thạp là một đàn chim mỏ dài, đuôi xoè trong tư thế co cổ gồm 19 con, dưới gần chân thạp là một đàn động vật một đực, một cái nối đuôi nhau gồm 16 con. Cả chim và thú đều bay hoặc chạy theo chiều từ trái sang phải.

+ Nhóm 03: Có 2 vòng hoa văn tả sinh hoạt của con người, ở vòng trên mô tả một lễ hội mùa lúa hay còn gọi là lễ hội tôn vinh, thờ cúng thánh thần, thủ lĩnh hay chủ nhân với nội dung gồm nhà sàn mái cong, bên trên có chim công, bên dưới có người ngồi được dâng rượu và nghe đàn nhạc, phía dưới nhà sàn là dãy vũ công đội mũ lông chim đóng khố tua dài, tay cầm vũ khí nhảy theo nhịp điệu của dàn trống ở phía sau nhà, sau đó là một nhà kho, xung quanh là những chú chim bay nhảy.

Vòng băng dưới là hình 4 chiếc thuyền mũi cong trong lễ hội khải hoàn, chiến binh trên thuyền trang điểm lộng lẫy, trong tay cầm vũ khí nhảy múa, có người chèo thuyền, có người chỉ huy, mỗi thuyền có 5 – 6 người, bên trên thuyền có chim bay và bên dưới thuyền là cá, rùa và các loại chim thú dưới nước ăn cá, hẳn là nghệ nhân đã có chủ đích rõ ràng khi tạo ra các mô tít hoa văn dọc thân thạp có 2 băng hoa văn được bố trí dọc, chia các băng hoa văn chữ “S” đứng gấp khúc, móc nhau (hồi văn).

Hoa văn trên thạp đồng Hợp Minh có nhiều điểm giống trên thạp đồng Đào Thịnh I, song được mô tả sinh động hơn, với nhiều chi tiết cụ thể hơn nội dung lễ hội mà lúa mới chỉ thấy trên một số trống đồng Đông Sơn đẹp nhất, như Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Cổ Loa… Tuy nhiên đây cũng là chiếc thạp đầu tiên tìm thấy có nội dung kiểu này được thể hiện trên thân thạp với trình độ nghệ thuật độc đáo trang trí gần sát, giống mà không giống trên mặt trống đồng Ngọc Lũ hay anh em sinh đôi mà không phải sinh đôi. Trong thạp thu được một bộ di vật gồm: Khuyên tai đá 4 mẫu, mảnh nồi đồng 3 chân, rìu đồng, dao găm đồng. Đặc biệt là một bộ hài cốt được PGS – TS Nguyễn Lân Cường nghiên cứu, phục hồi gần như hoàn chỉnh, được xác định là một bé gái khoảng 4 – 5 tuổi. Đây là chiếc thạp duy nhất có hài cốt người được biết đến hiện nay, cũng theo PGS.TS Nguyễn Lân Cường khẳng định trong bài viết về di cốt người cổ tìm thấy trong Thạp Đồng Hợp Minh (Yên Bái) viện khảo cổ năm 1995 trang 51 thì: “cho đến nay ở Việt Nam đã tìm thấy được 83 Thạp Đồng cổ, nhưng đây là trường hợp đầu tiên thấy có di cốt người bên trong…” như vậy đây là Thạp Đồng duy nhất có một không hai cho biết ngoài các chức năng khác thạp đồng cũng được sử dụng như một chức năng làm quan tài, song có lẽ đúng hơn là vật tùy táng.

* Hiện trạng: Khi được phát hiện, thạp bị chọc xà beng thủng 01 lỗ ở nắp, thạp còn nguyên vẹn, màu xanh gỉ đồng.

* Niên đại: 2500 ­- 2000  năm cách ngày nay.

(Kết quả phân tích quang phổ tại viện địa chất thuộc Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Quốc gia cho thấy tỷ lệ: Đồng: 64,92%; Chì : 0,9%; Thiếc: 0,72%; Catmium: 0,1%; Nhôm: 0,02%; Silic: 0,017%. Qua kết quả cho thấy Đồng, Chì, Thiếc, là một hợp kim điển hình cho văn hóa Đông Sơn ở vùng núi Yên Bái; Hà Văn Phùng, Trịnh Sinh Viện Khảo Cổ – Việt Nam).

* Nguồn gốc: Thạp được dân quân xã Hợp Minh đào công sự tập luyện quân sự ở độ sâu 50m thì phát hiện ở trên đỉnh đồi Chọi nằm sát ngay bên kia đầu cầu Yên Bái đi Văn Chấn (hữu ngạn Sông Hồng) rồi di chuyển về trụ sở chính quyền xã Hợp Minh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Sau đó Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái ra Quyết định số 152/QĐ-UBND ngày 08/06/1995 thì Uỷ ban nhân dân xã Hợp Minh đã bàn giao hiện vật thạp này cho Bảo tàng tỉnh Yên Bái vào ngày 12/6/1995 với hình thức giao nộp.

* Ghi chú: Thạp đã bị kẻ gian đột nhập lấy cắp một lần, nhưng đã được Công an thành phố, Công an tỉnh Yên Bái điều tra, phá án thu hồi, giao lại cho Bảo tàng tỉnh.

* Lý do lựa chọn:

Trong bộ sưu tập hiện vật đồng văn hoá Đông Sơn, ngoài trống đồng và một số nhóm di vật khác nhiều và phong phú về chủng loại như dụng cụ sản xuất, vũ khí, đồ trang sức, nhạc khí, đồ dùng sinh hoạt, tượng nghệ thuật tả thực thì Yên Bái đã được các nhà khoa học lịch sử ở Việt Nam xác định là “Yên Bái – quê hương của những Thạp Đồng Đông Sơn lớn nhất và đẹp nhất. Trong đó: Thạp đồng Đào Thịnh – chiếc Thạp Đông Sơn lớn nhất thì Thạp đồng Hợp Minh – chiếc Thạp đẹp nhất “TS. Nguyễn Việt: Giám đốc trung tâm tiền sử Đông Nam Á đã khảng định”.

Thạp đồng Hợp Minh ở Yên Bái là một hiện vật điển hình có chức năng áo quan là chính, thạp được phát hiện từ năm (1995) bên trong thạp còn nguyên trạng bộ di cốt xương của một em bé chừng 5 – 6 tuổi, đồ tùy táng kèm theo còn một dao găm chữ “T”, một rìu đồng, một mảnh đĩa đồng có chân, một quả nhạc đồng và một khuyên tai bằng đá ngọc bích mài nhẵn bản dẹt 04 mẫu, ngoài ra còn có vết đan lông đôi dính trong thành của thạp. Điểm đặc biệt và khác biệt so với các thạp đã phát hiện, là trong thạp còn nguyên bộ di cốt người nên được khảng định đây là chiếc thạp mộ là rất rõ ràng.

Thạp đồng Hợp Minh là chiếc thạp đẹp có những đề tài trang trí độc đáo, tiêu biểu không kém chiếc Thạp Đồng Đào thịnh phát hiện năm (1962) ở Đào Thịnh – Yên Bái lưu giữ ở Bảo tàng lịch sử quốc gia Hà Nội. Là chiếc thạp đồng được trang trí vào loại đẹp nhất so với gần 40 chiếc thạp hiện đang được lưu giữ bảo quản tại Bảo tàng tỉnh Yên Bái.

Những đề tài trang trí trên nắp thạp được tạo khum thành một gò nổi cao so với mặt trời 19 tia nằm ở chính giữa, vành chim mỏ dài nằm ở phía rìa ngoài, nơi có bốn cụm tượng hình bồ nông quay đầu ra ngoài theo bốn hướng đều nhau.

Thân thạp có hình khắc thể hiện 04 băng nội dung chính, phía trên cùng là hình chim bồ nông đứng nối đuôi nhau, phía dưới cùng là đàn hươu một đực, một cái nối đuôi nhau, ở giữa là hai băng thể hiện hoạt động của con người.

Băng trên gồm hai nửa giống nhau, là lễ hội mùa lúa hay còn gọi là lễ hội tôn vinh, thờ cúng thánh thần, thủ lĩnh hay chủ nhân với nội dung gồm một nhà sàn mái cong bên trên có chim công, bên dưới có người ngồi được dâng rượu và nghe dàn nhạc, phía trước nhà là dãy vũ công đội mũ lông chim đóng khố tua dài, tay cầm vũ khí nhảy theo nhịp điệu của dàn trống ở phía sau nhà sàn, sau đó là một nhà kho, bên cạnh có ba người giã và sàng gạo với những chú gà bay nhảy bên cạnh.

Băng dưới là bốn chiếc thuyền chiến trong lễ hội khải hoàn, chiến binh trên thuyền trang điểm lộng lẫy, trong tay cầm vũ khí nhảy múa, bên trên thuyền có chim bay, bên dưới thuyền là cá, rùa và các loại chim thú ưa nước, ăn cá. Phần đuôi thuyền có lính lái, đầu thuyền cong có mặt nạ người, toàn cảnh không gian lễ hội khá sôi động có âm dương đối đãi, con người là trung tâm của đề tài, bố trí vị trí trật tự, nguyên tắc. Thể hiện cư dân nông nghiệp phát triển, có quy trình từ giã gạo, sàng, sảy, đổ vào hũ, đèn nến và dâng rượu, gẩy đàn nhảy múa theo nhịp. Phản ánh đầy đủ một xã hội phát triển với đầy đủ vật dụng nông nghiệp, quy trình sản xuất và có sự phân tầng giai cấp, có uống nước nhớ nguồn và tự nhiên.

Cho đến nay đã qua 47 lần Hội nghị những phát hiện mới về khảo cổ học từ năm 1966, trong nhóm thạp đồng, thì duy nhất thạp đồng Hợp Minh còn có cả đủ thông tin về chức năng làm áo quan (quan tài đồng) là điển hình và rõ ràng nhất bởi trong thạp có chứa bộ hài cốt người (thạp mộ) và các loại công cụ sinh hoạt, sản xuất, đồ trang sức kèm theo, bộ hài cốt đã được các nhà nhân chủng học nghiên cứu, gắn ghép lại thành hình hài khá nguyên vẹn. Thạp đồng Hợp Minh có kiểu dáng và đề tài sinh động, trang trí độc đáo, có nhiều điểm khác nhau trên thạp đồng Đào Thịnh tiêu biểu của cư dân nông nghiệp lúa nước mang thông điệp và ý tưởng hoà mình cùng thiên nhiên tồn tại bền vững của quá khứ cho thế hệ mai sau về cuộc sống vật chất và tinh thần, ý tưởng của cư dân Đông Sơn từ khi xã hội còn chưa có khái niệm về chữ viết và đã  là tuyệt tác.

Đây là hiện vật gốc độc bản, có hình thức trang trí độc đáo, tiêu biểu cho nghệ thuật đúc thạp đồng của người Đông Sơn. Hiện vật đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của một bảo vật quốc gia.

Bộ khóa đai lưng bằng đồng (Văn hóa Đông Sơn, hiện lưu giữ tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ).

Kiếm ngắn Núi Nưa (Văn hóa Đông Sơn, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa).

Kiếm có kiểu chuôi và lưỡi hình lá tre mang đặc trưng phong cách sông Mã. Kiếm gồm 2 phần: phần lưỡi và phần cán. Lưỡi hình lá tre, mỏng, có hai rìa sắc, nhọn, chắn tay hình sừng trâu. Cán Kiếm ngắn Núi Nưa là khối tượng tròn thể hiện người phụ nữ được đúc liền với lưỡi kiếm, người phụ nữ đứng nhìn thẳng, hai tay khuỳnh chống nạnh đầy uy quyền, đầu vấn khăn hình chóp giống hình búp hoa sen. Mặt trái xoan, cằm hơi nhô ra, cặp mắt được thể hiện bằng hai vòng tròn đồng tâm, xung quanh có những chấm nhỏ, thể hiện cặp lông mày dài, cong, sống mũi thẳng, miệng thon nhỏ, tai dài đeo đôi vòng to chấm vai, ngực và tay đeo vòng trang sức. Bụng eo được thắt một dải rộng như cạp váy, lưng thắt dải bao dài phủ cả đằng trước và sau trên chiếc váy dài trùm hết chân. Thân mặc áo chẽn dài tay, tay áo và thân bó lấy thân làm nổi rõ những đường cong cơ thể. Áo cánh xẻ ngực không cài khuy để lộ vạt yếm kín cổ bên trong.

Kiếm Núi Nưa thể hiện lối trang phục kín khắp người (áo, váy), trang phục khá lộng lẫy được dệt may công phu, đẹp mắt, hoa văn trang trí trên váy và áo là dạng hình học, với những đường vạch ngắn song song, đường tròn đồng tâm đặc trưng của Văn hoá Đông Sơn. Lối mặc áo yếm này ngày nay vẫn phổ biến trong trang phục của phụ nữ Mường. Nhìn tổng thể hình dáng, trang phục và cách trang sức tượng người phụ nữ trên cán kiếm ngắn Núi Nưa, đối chiếu với một số tượng chuôi kiếm, dao găm khác, có thể khẳng định đây là tượng người phụ nữ có hình thể đẹp, vẻ đẹp quyền quý, thuộc tầng lớp quý tộc hoặc tầng lớp trên giàu có. Việc phổ biến cán dao găm có hình tượng người phụ nữ ở Thanh Hoá chứng tỏ chế độ mẫu hệ trong khoảng trước và những năm đầu thế kỷ III SCN còn rất phổ biến tại đây, phản ánh vai trò và vị trí người phụ nữ vẫn được đề cao, phụ nữ vẫn đảm trách những địa vị và có vị trí cao trong xã hội.

Đây là cây kiếm ngắn có cán được trang trí tượng người phụ nữ đẹp nhất thời đại Văn hoá Đông Sơn, vẻ đẹp quyền quý đó được toát lên ở hình thể, trang phục và trang sức cầu kỳ mà còn ở phong thái đầy quyền uy và bản lĩnh.

* Hiện trạng: Tương đối nguyên (sứt nhỏ ở mũi), kiếm được phủ lớp patin màu xanh xám

* Niên đại: Văn hoá Đông Sơn muộn. Cách ngày nay khoảng 2000 năm

* Nguồn gốc, xuất xứ: Sưu tầm được dưới chân Núi Nưa, xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hoá năm 1961.

* Lý do lựa chọn:

– Đây là hiện vật gốc độc bản, thuộc thời kỳ Văn hoá Đông Sơn bởi cho đến thời điểm hiện tại, ở nước ta chưa phát hiện được ở nơi nào có chiếc kiếm ngắn, cán thể hiện hình tượng người phụ nữ uy quyền với dáng và trang phục đẹp như chiếc kiếm ngắn Núi Nưa.

– Hiện vật có hình thức độc đáo:

Bộ sưu tập vũ khí thuộc thời kỳ Văn hóa Đông Sơn ở nước ta hết sức phong phú về số lượng, đa dạng về loại hình, nhưng độc đáo và nổi bật nhất vẫn là thanh kiếm ngắn Núi Nưa có cán là khối tượng hình người phụ nữ. Theo đánh giá của một số nhà nghiên cứu thì kiếm ngắn Núi Nưa có cấu trúc, kiểu dáng, tiêu chí thẩm mỹ nghệ thuật rất đẹp, là kiếm ngắn đẹp nhất trong các kiếm ngắn có khối tượng người ở Việt Nam, một trong năm chiếc tiêu biểu nhất (phát hiện ở làng Vạc, Nghệ An và Núi Nưa, Thanh Hoá).

– Hiện vật có giá trị đặc biệt gắn liền với lịch sử dựng nước của dân tộc nói chung và Thanh Hoá nói riêng những năm đầu thế kỷ III SCN, liên quan đến sự nghiệp của anh hùng giải phóng dân tộc, bởi hiện vật được phát hiện dưới chân Núi Nưa, xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hoá – căn cứ khởi nghĩa chống quân Ngô của Bà Triệu. Nơi đây năm 248, Bà Triệu (tên thật là Triệu Thị Trinh) là người có sức khoẻ, chí lớn lại thêm mưu trí, mới 20 tuổi đã cùng với anh trai là Triệu Quốc Đạt, một huyện lệnh có thế lực ở miền núi Quan Yên, thuộc quận Cửu Chân đứng lên tập hợp nghĩa sỹ, luyện tập võ nghệ để chuẩn bị khởi nghĩa, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn đất nước. Không khí đầu quân sôi nổi của nhân dân ta ngày ấy như còn vang vọng trong câu hát ru con và đã đánh thức nhiệt huyết cho bao thế hệ trẻ:

“Cái ngủ mày ngủ cho lành

Để mẹ gánh nước rửa bành con voi

Muốn coi lên núi mà coi

Có Bà Triệu tướng cưỡi voi đánh cồng

Túi gấm cho lẫn túi hồng

Têm trầu cánh kiếm cho chồng ra quân”

Hay câu đáp đanh thép của Bà khi có kẻ khuyên Bà lấy chồng quan chứ đừng làm loạn “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng giữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ tôi không chịu khom lưng làm tì thiếp người ta” còn văng vẳng đâu đây để truyền sức mạnh cho lớp lớp con cháu noi theo.

Hình tượng Bà phải chăng đã được tạc vào hình tượng người phụ nữ trên thanh kiếm ngắn Núi Nưa? Và thanh kiếm ngắn Núi Nưa phải chăng là chiếc kiếm lệnh mỗi khi Bà ra trận? Hình tượng người phụ nữ với mái tóc búi cao, tai to, mắt hai vòng coi rất uy nghi lanh lợi. Dáng điệu cương quyết, uy quyền biểu lộ rõ ở tư thế đứng với hai tay chống vào hông. Các nhà nghiên cứu cho đó là hình tượng người phụ nữ đẹp nhất trong các tượng của Việt Nam. Kiếm ngắn Núi Nưa được phát hiện trong một khung cảnh rất xứng hợp với ý nghĩa lịch sử, đó là Núi Nưa – căn cứ ban đầu của cuộc khởi nghĩa Bà Triệu năm 248 SCN.

Căn cứ vào hình dáng và niên đại hiện vật, nhà điêu khắc – hoạ sĩ Lê Quỳ đã tạc tượng Bà Triệu đứng trên đầu voi. Đây là một tác phẩm nghệ thuật đẹp được trưng bày ở phòng trưng bày Văn hoá Đông Sơn tại Bảo tàng Thanh Hoá, được đông đảo khách trong nước và Quốc tế khen ngợi.

Công tác phát huy giá trị Kiếm ngắn Núi Nưa: Kiếm được trưng bày tại Bảo tàng Thanh Hoá và các cuộc trưng bày lưu động phục vụ nhiệm vụ chính trị, trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam năm 1997, chào mừng Hội nghị thượng đỉnh nguyên thủ các Quốc gia nói tiếng Pháp tại Hà Nội; trưng bày Kỷ niệm 80 năm phát hiện và nghiên cứu Văn hoá Đông Sơn năm 2004 tại Hà Nội; trưng bày kỷ niệm 50 năm kết nghĩa Thanh Hóa – Quảng Nam năm 2010 tại Quảng Nam; được Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam lựa chọn làm phiên bản để trưng bày tại hệ thống trưng bày chính của Bảo tàng, được du khách trong nước và Quốc tế quan tâm nghiên cứu và đánh giá cao.

Như vậy là Kiếm ngắn núi Nưa đã hội tụ đầy đủ 3 yếu tố của một bảo vật quốc gia:

+ Hiện vật gốc độc bản

+ Hiện vật có hình thức độc đáo, một tác phẩm nghệ thuật có giá trị thẩm mỹ tiêu biểu cho một phong cách, một thời đại – thời đại Văn hoá Đông Sơn được thể hiện trên trang phục, trang sức người phụ nữ, khi nhìn vào ta nhận thấy được tiêu chí để nhận biết cái riêng của nền văn hoá này – Văn hoá Đông Sơn.

+ Hiện vật có giá trị đặc biệt gắn liền với lịch sử dựng nước của dân tộc những năm đầu thế kỷ thứ III SCN trên đất Thanh Hóa.

Bia “Xá Lợi Tháp Minh” (Niên đại: năm 601, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh).

Bia “Xá lợi tháp minh” được tạo tác bằng đá xám qua thời gian chất liệu đá vẫn còn giữ nguyên, còn hộp và nắp đậy cùng phiến đá phía dùng để đặt bia và hộp đá đều được chế tác bằng chất liệu đá xanh, qua thời gian đá bị bào mòn và phong hoá, đôi chỗ đã bị sứt mẻ nhỏ. Bia hình gần vuông (53,5cm x 44,5cm), lòng bia khắc chữ Hán còn rất rõ nét gồm 133 chữ, chia thành 13 dòng, dòng đầu khắc 4 chữ “Xá lợi tháp minh”. Mặt chữ được đậy bằng một nắp đá mỏng hơn dầy 4cm. Mặt dưới nắp tạo gờ nổi xung quanh đặt xuống vừa khít vào phần khắc chữ, mặt trên của nắp tạo góc bạt chéo hình trụ. Bia đá và nắp đậy được làm bằng chất liệu đá rất tốt nên qua thời gian mà đá vẫn nhẵn không thấy sự bào mòn phong hoá.

Căn cứ vào chất liệu đá, nghệ thuật tạo tác trang trí, phong cách viết chữ trên bia và niên đại ghi trên tấm bia cho ta biết được bia đá và hộp đá có niên đại thời Tuỳ (601).

– Hộp đá hình hộp (47cm x 44,5cm), trong lòng khoét lõm hình vuông kích thước: dài: 17cm, rộng: 17cm, sâu: 26cm, ở bên trong có một ít tạp chất mầu thâm đen và được đậy bằng một nắp đá dầy 8cm. Nắp đá mặt dưới tạo gờ nổi chạy xung quanh úp xuống vừa khít với thân, mặt trên tạo góc bạt chéo hình trụ giống với nắp bia.

– Phiến đá phía dưới (đặt hộp và bia) hình chữ nhật không trang trí hoa văn, mặt trên phẳng, mặt dưới hơi gồ ghề, qua thời gian nằm ở dưới lòng đất mặt đá bị bào mòn, một đầu bị sứt vỡ nhỏ.

* Hiện trạng:

Bia và nắp đậy bia bị sứt trong quá trình cậy (vì nó bị dinh rất chặt phải dùng mai cậy mãi mới được), đá không bị bào mòn do thời gian.

Hộp đá và tấm đá phía dưới (đặt bia và hộp) bị sứt mẻ và phong hoá.

* Niên đại: Thời Tuỳ (601).

* Nguồn gốc, xuất xứ: Hiện vật do ông Nguyễn Văn Đức thôn xuân Quan, xã Trí Quả, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh hiến tặng cho Bảo tàng Bắc Ninh. Ông Đức cho biết trong quá trình đào đất để làm gạch ngói đã phát hiện bia đá và một số di vật khác ở khu đồng Sau Chùa (khu vực này xưa thuộc đất chùa), cách chùa làng Xuân Quan hiện nay 20m.

* Lý do lựa chọn: Là hiện vật gốc độc bản, có hình thức độc đáo. Bia “Xá lợi tháp minh” cùng với hệ thống di vật cổ bằng đá có niên đại cổ nhất Việt Nam. Nội dung trên bia cho chúng ta biết được rất nhiều thông tin quan trọng ghi chép về sự kiện dựng tháp và đặt xá lợi vào năm Nhân Thọ nguyên niên (601) đời vua Tuỳ Văn Đế ở chùa Thiền Chúng, huyện Long Biên, đất Giao Châu. Qua đó giúp ta nghiên cứu về tình hình chính trị, giao thông, quan hệ ngoại giao, lịch sử Phật giáo tại Việt Nam giai đoạn thời Tiền Lý. Tấm bia là Di sản văn hoá vật thể độc đáo ghi khắc về chùa Thiền Chúng, địa danh huyện Long Biên vùng đất Giao Châu góp phần quan trọng minh chứng cho việc xác định địa danh Long Biên cũng như tên chùa Thiền Chúng xuất hiện dưới thời Bắc thuộc vào thế kỷ thứ VII.

Bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúc (thời Lý, hiện lưu giữ tại chùa Bảo Ninh Sùng Phúc, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang).

Bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúc được tạc bằng đá xanh nguyên khối. Bia có chiều cao 1,39m rộng 0,8m và dày 0,18m. Bia được đặt trên lưng một con rùa đá; rùa có chiều dài 1,50m, rộng 0,9m và cao 0,32m, cổ và đầu rùa dài 0,38m. Phần chân bia dài 0,59m; rộng 0,09m cắm vào lưng rùa. Rùa được đặt trên mặt đất, 4 chân tạc nổi, mỗi chân có 5 móng, đuôi rùa mỏng được tạc uốn cong; đầu rùa ngẩng cao, vẻ uy nghi đường bệ. Toàn thân rùa được chạm trổ tinh tế, mềm mại, hình khối cân đối và vững chãi. Lưng rùa nhẵn và tròn trịa, giữa lưng có đục một mộng ghép hình chữ nhật để ghép chân bia.

Diềm bia trang trí bằng các hoa văn kiểu hoa mướp cách điệu uyển chuyển và liên hoàn, hai bên cạnh bia trang trí hình rồng, các hình tròn bên trong có hình cánh hoa sen xen kẽ nhau nằm trong một hình tròn lớn.

Trán bia khắc dòng chữ lớn: “Bảo Ninh Sùng Phúc tự bi”. Văn bia khắc kín phần thân bia. Hai góc của trán bia khắc hình 2 con rồng với đặc trưng nổi bật của rồng thời Lý. Thân rồng hình tròn trịa có nhiều khúc uốn lượn, thân dài và nhỏ dần về phía đuôi, rồng uốn khúc nhẹ nhàng thanh thoát với nhiều hình tròn được nối với nhau thành một chuỗi dài liên tiếp. Đầu rồng cân đối với thân rồng và có bờm khá dài ở sau gáy. Hai con rồng chầu hai bên trán bia đều ở tư thế nhìn nghiêng và giống hệt nhau cả về kích thước cũng như kiểu dáng. Làm nền cho hình tượng rồng là các hoa văn hình vân mây và một số hoa văn hình chữ S, biểu hiện ý niệm về mây mưa, sấm chớp với mong muốn mưa thuận gió hoà, nhân tố thiết yếu đối với nền kinh tế nông nghiệp. Hình tượng con rồng cũng phản ánh ý thức sùng bái tổ tiên của người Việt (truyền thuyết con rồng, cháu tiên). Chân bia được trang trí bằng các hoa văn hình sông nước nối tiếp nhau. Toàn bộ bia toát lên dáng vẻ vững vàng, bền chắc về hình khối, văn bia chạm khắc sắc sảo nét chữ chân phương, đường nét trang trí tinh xảo, mềm mại và mang những đặc trưng chung của nghệ thuật điêu khắc, trang trí thời Lý.

Nội dung văn bia gồm 25 dòng với 1130 chữ được dịch như sau: “Ôi! Cái chân không trong lặng, giấu hình khi trời đất chư­a chia, cái diệu hữu nảy sinh, bao trùm tr­ước hữu hình vận động. Sáng thì gạt bỏ cái “không”, vì cơ vi chẳng phải là không; mê thì bám lấy cái “có”, coi mầu nhiệm cũng là không có. Xa nghĩ đức Phật tổ x­a, trí tuệ của ng­ười xem xét tất cả không sót một ai. Cho nên ng­ười: Giấu kín cái “thực”, làm rõ cái “quyền”, để gọi bảo cái đạo “thường”, “vui” mãi mãi, từ cái “không” đi vào cái “có”, để giúp cho sự hồi h­ướng giải thoát đời đời. Khéo mở ra muôn vạn pháp môn; để dạy bảo muôn nghìn thế giới. Lênh đênh dòng n­ước trời Tây vời vợi suối nguồn Chu Mục. Bắt đầu xây dựng chùa này, hết dạ tôn sùng tượng giáo. Ng­ười x­a khuyên bảo, đổi mới không ngừng, hậu thế lư­u truyền, đời đời nối dõi. Kẻ có duyên thì cải nén đầu kim, ng­ười không hiểu thì nư­ớc trôi xô đá.

Kinh thay Thái phó Hà Hư­ng Tông, thủy tổ là ng­ười xóm Ca Nông, hương Thạch Bách, huyện Hà, thuộc Đông Đô, châu Ung. Cao tổ là Hà Đắc Trọng, xa nghe giáo hóa của vư­ơng triều, dời gót xin làm thần thứ. Từ đó giữ gìn an toàn châu Vị Long vậy. Dân đã ấm no, ng­ười đời tôn tr­ưởng. Cho tới đời thứ 8, kể cả tổ tiên xư­a có hai đời làm Thái bảo và Thái phó; nghiệp lớn càng thịnh, công cả lại cao. Đư­ợc coi giữ bốn mư­ơi chín động, mư­ời lăm huyện, dân chúng đều thấm nhuần giáo hóa tốt đẹp, đều h­ướng về một khuôn phép chung. Trải qua năm đời thì đến đời bây giờ. Ông của Thái phó giữ chức Thái bảo, lấy công chúa thứ ba của Thái tổ hoàng đế làm phu nhân. Nhân việc đó lại đư­ợc Thái tổ trao cho chức Hữu đại liêu ban. Phu nhân sinh ra hàng cha chú của Thái phó, tất cả có bốn trai tài, gái đảm. Riêng thân phụ Thái phó là ng­ười thi hành nhân chính, làng xóm yên vui. Thân phụ của Thái phó lấy con gái thứ 6 của quan Thái thú họ Lý ở Phú Nghĩa làm phu nhân. Từ khi sinh ngư­ời con trai đầu lòng cho đến người con trai thứ t­ư, cha mẹ Thái phó đều nuôi dạy ân cần, cho chơi đùa hợp cách. Con trai thì dùi mài kinh sử, con gái thì kim chỉ thêu thùa. Ngày qua tháng lại, năm Ất Mão niên hiệu Thái Ninh (1074), thân phụ Thái phó chỉnh đốn vương sự, đánh sang ải Bắc. Vây thành Ung cho bõ giận, bắt t­ướng võ dâng tù binh. Do đó, thân phụ Thái phó đư­ợc nhà vua ban chức Hữu đại liêu ban đoàn luyện sứ. Cấy cày theo phép tỉnh điền, thóc lúa ùn ùn như­ núi; khách khứa ba nghìn đông đúc, cửa nhà nhộn nhịp phố ph­ường.

Năm  Đinh Tỵ niên hiệu Anh Vũ Chiêu Thắng (1077), bấy giờ Thái phó mới lên chín tuổi, chiếu gắn hồ son vời về sân đỏ; sổ tiên lựa chọn, kết bạn em vua. Nh­ưng vì Thái phó còn nhỏ, nên xin về nấp bóng mẹ cha. Đến tháng Giêng năm Mậu Ngọ (1078), Thái phó mới lên m­ười tuổi. Nhà vua lại sai quan Nội phụ Văn t­ư lang trung là Kiều Nghĩa ngầm mang thánh chỉ, thẳng tới ấp phong, đón trẻ thơ nơi xa vắng, cho gang tấc gần gũi mặt rồng, để kết duyên với công chúa Khâm Thánh và phong là Tả Đại Liêu ban. Than ôi! Giữ lễ tiết trang nhã; sửa dung mạo đoan trang, nâng khuê bích nguy nga; vận lễ phục rực rỡ.

Cuối đông năm Nhâm Tuất (1082), vua tiễn đư­a công chúa về nhà chồng ở bản châu. Nhà vua tiệc mừng long trọng; Thái phó sắm đủ lễ đón dâu. Ăn mặc đủ màu, dân chúng xem đông như­ hội; năm cung sáu viện, chị em đư­a tiễn rợp đư­ờng. Đạo thất gia chư­a vẹn, tình xư­ớng họa ch­ưa lâu, bỗng năm Ất Sửu niên hiệu Quảng Hựu (1085) mẹ cha đều mất, công chúa tang tóc.

Đến năm Bính Dần (1086); nhà vua xuống chiếu cho Thái phó đư­ợc nối chức cha, vẫn giữ t­ước cũ là Tả Đại Liêu ban, lại ban thêm Tri châu Vị Long, giữ Tiết độ sứ, Kim tử quang lộc đại phu, Kiểm Hiệu Thái phó. (Thế là) đ­ược quyết định chính sự bắt đầu từ tằng tổ, sau đó cứ lần l­ượt thay nhau xuống mãi đến H­ưng Tông, tất cả mư­ời lăm đời. Ôi! chữ “thời” N­ước xây dựng trên đạo, vững như­ cột đá; dân hấp thu giáo hóa xuôi nh­ư dòng sông. Hoặc việc n­ước có điều ch­ưa trọn, thì suy đi nghĩ lại không thôi; xét thói x­a có chỗ đáng tin, thì tạc dạ ghi lòng nào bỏ. Vư­ờn văn ruộng phú, s­ưu tập khắp nơi, cửa lễ đ­ường nhân, dạo chơi đủ chốn. Điều tín là ở nơi bè bạn thì thiết tha ân cần; chữ hiếu là thờ cúng tổ tiên thì băn khoăn khép nép.

Ôi! Giữ lòng thanh làm của báu, sợ một điều “cực lạc sinh bi”; mang bạt trai trong mình, e đã đ­ược mà lại mất. Muốn hư­ởng phúc thuần, lòng ham đạo Phật. Cho nên cuối xuân năm Đinh Hợi niên hiệu Long Phù Nguyên hóa (1107), Thái phó dẫn dắt hư­ơng lão, xem h­ướng ở góc quận, chọn đất phía nam Hán Lộc, giáp bên mạn bắc Mẫu Cung làm nơi dựng chùa. Cùng đem rìu búa, phát xén rừng mây. Lại chọn thợ hay, dựng xây đền tía. Đẽo gỗ rừng chan chát, chuyển quang sọt rộn ràng, xà uốn cong cong ngỡ cầu vồng bắc nhịp; mái hiên xòe cánh như­ chim chóc tung bay. Nhà trắng bao quanh, Tam ma địa gần gũi; tư­ợng vàng đặt giữa. Ngũ tịnh thiên khác nào Trầm hư­ơng nghi ngút, bốc tới trời mây, chuông khánh nhịp nhàng, vang lừng hang động. Hoa thông xanh tốt, chiếm mãi gió từ, cờ ph­ướn quy y, bỏ xa nhà lửa. Nguyện chúc Hoàng thư­ợng ngự ngôi báu đời đời, giữ g­ương huyền mãi mãi. Phận dẫu chỉ là bày tôi giữ đất, vẫn mang trí mong muốn đư­ợc gần trời. Thứ chúc quận quân, n­ương đạo cùng con gái, con trai; gái thì trọn đạo vu quy, đá vàng chung thủy; trai thì hết lòng phụng d­ưỡng, tùng bách xanh t­ươi. Cuối cùng kính chúc các vị tổ tiên, đều h­ưởng công ơn diệu quả; đầy đàn con cháu, tắm chung ân huệ l­ương duyên.

Muốn làm tỏ rõ đời nay, phải ghi bia đá; (cho nên Thái phó) đã sai tôi ghi dẫn và bày tỏ như­ sau:

      Định thể nào không,

      Diệu dụng đâu có,

      “Không”, “có” chớ lìa,

      “Quả”, “nhân” khôn xóa. 

      Không yên trung đạo,

      Biết chọn bên nào,

      Tỏ  “quyền” dấu “thực”,

      Đôi đằng tính sao ? 

      Rằng x­a Phật tổ,

      Dắt dạy quần sinh,

      Không v­ướng không mắc,

      Có  duyên có tình.

Lớn thay họ Hà,

Rỡ ràng tiếng tốt,

Tiên tổ qua đời,

Cháu con nối gót. 

Bốn m­ươi chín  động,

Đúng mư­ời lăm đời,

Non sông giữ  vững,

Nhân ái giúp  đời. 

Chân tính sáng suốt,

Căn tuệ vững bền,

Ngói xanh lại lợp,

Cõi vàng dựng nên.

Phía nam Hán Lộc,

Phía bắc Mẫu Cung,

Đất không bụi bặm,

Hơi núi mịt mùng. 

Ng­ười giỏi ra đời,

Đạo thì thống nhất,

Công đức tạc bia,

Nh­ư non khôn mất. 

Lý  Thừa Ân, giữ chức Triều thỉnh đại phu, Đông thư­ợng cáp môn hậu… Th­ượng thư­ Viên ngoại lang, tứ Tử kim ngư­ đại, soạn văn bia.”

* Hiện trạng: Bia đá chùa Bảo Ninh Sùng Phúc trải qua thời gian lâu dài đã bị vỡ trên phần trán bia; đầu rùa cõng bia có nhiều vết nứt, vỡ.

* Niên đại: Bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúc được xây dựng năm 1107 dưới thời vua Lý Nhân Tông (Càn Đức) niên hiệu Long Phù Nguyên Hóa.

* Nguồn gốc, xuất xứ: Tấm bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúc dựng ở lưng chừng một gò đất thấp tên gọi là gò Khuôn Khoai, thôn Làng Tạc, xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Người đứng ra tạc bia, dựng chùa là Thái phó Hà Hưng Tông (có tài liệu nói tên là Hà Di Khánh) châu mục châu Vị Long (Hà Hưng Tông là đời thứ 15 của dòng họ Hà kế tục giữ chức Thái phó).

Vào thời Lý, cùng với việc thi hành nhiều chính sách nhằm củng cố quyền lợi của Nhà nước Trung ương tập quyền, tăng cường tổ chức quân đội với chế độ đăng ký quân dịch và chính sách “ngụ binh ư nông”, nhà Lý thi hành nhiều biện pháp tích cực góp phần củng cố khối đoàn kết dân tộc và bảo vệ quốc gia thống nhất. Nhà Lý đặc biệt quan tâm đến vùng biên ải phía Bắc của Tổ quốc – nơi có vị trí chiến lược trọng yếu trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược phong kiến phương Bắc. Các tù trưởng thiểu số có thế lực rất lớn và thực sự nắm quyền quản lý cư dân thuộc tộc mình. Cùng với chính sách chinh phạt để uy hiếp, nhà Lý đã khôn khéo dùng chính sách nhu viễn để thu phục, tranh thủ các tù trưởng để qua họ, thắt chặt khối đoàn kết dân tộc và mở rộng ảnh hưởng của triều đình lên miền núi. Trong chính sách nhu viễn, nhà Lý gả các công chúa cho một số tù trưởng có thanh thế, lấy tinh thần gia tộc để ràng buộc họ. Trong số các tù trưởng miền núi trở thành phò mã của nhà Lý có tù trưởng họ Hà ở châu Vị Long.

Theo văn bia, cao tổ của dòng họ Hà ở châu Vị Long là Hà Đắc Trọng quê ở xóm Ca Nông, hương Thạch Bách, huyện Hà, thuộc Đông Đô, châu Ung (nay thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc), sang châu Vị Long sinh sống, được người đời tôn trưởng do có công giữ gìn an toàn cho vùng đất và giúp dân ấm no. Trải qua các đời, dòng họ Hà được vua giao cho những trọng trách quan trọng, đến đời ông của Hà Hưng Tông được Thái tổ Hoàng đế (vua Lý Công Uẩn) gả công chúa thứ ba cho nhằm lấy tinh thần gia tộc để ràng buộc, thắt chặt khối đại đoàn kết dân tộc.

Năm Ất Mão niên hiệu Thái Ninh (1075) nhân việc vua Lý Nhân Tông lên nối ngôi còn nhỏ tuổi (lên ngôi từ năm 1072 khi mới 7 tuổi), nhà Tống gấp rút tập trung binh mã tại các trấn thành biên giới phía Bắc, chuẩn bị xây dựng thành quách, trung tâm là thành Ung Châu rắp tâm thôn tính nước ta lần thứ 2. Với tư tưởng tiến công để tự vệ “Ngồi yên đợi giặc không bằng đem quân ra trước để chặn mũi nhọn của giặc”, nhà Lý đã ủy quyền cho Phụ quốc thái úy Lý Thường Kiệt thống lĩnh hơn 10 vạn quân, chia làm hai đạo thủy bộ tấn công vào cửa biển Khâm Châu – Liêm Châu và thành Ung Châu. Cùng với quân lính các dân tộc thiểu số do các Tù trưởng khác, binh mã châu Vị Long do thân phụ của Thái phó Hà Hưng Tông chỉ huy đóng vai trò quan trọng trong đạo quân này. Sau khi chiếm được thành Ung Châu, tiêu diệt lực lượng địch, tiêu hủy các kho tàng lương thực, “bắt tướng võ, dâng tù binh”, thân phụ Thái phó Hà Hưng Tông được vua ban chức “Hữu đại liêu ban đoàn luyện sứ”. Cùng với tài cao, ông còn là người có đức lớn, một lòng thương dân, khuyến khích dân chúng phát triển nông nghiệp “Cày cấy theo phép tỉnh điền”, thu thuế của dân rất nhẹ (100 mẫu phải nộp thuế 10 mẫu). Vì vậy châu Vị Long dân chúng đều ấm no “thóc lúa ùn ùn như núi, khách khứa 3 nghìn đông đúc, nhà cửa nhộn nhịp phố phường”.

Nhờ công lao của cha, năm Đinh Tỵ niên hiệu Anh Vũ Chiêu Thống (1077), khi Hà Hưng Tông lên 9 tuổi, vua Lý Nhân Tông mời về kinh đô “kết bạn em vua”, vì Thái phó còn nhỏ tuổi nên xin được về nấp bóng cha mẹ. Tháng giêng năm Mậu Ngọ (1078), nhà vua sai quan Nội phụ văn tư lang trung Kiểm Nghĩa mang thánh chỉ đến châu Vị Long đón Hà Hưng Tông về kinh đô kết duyên với công chúa Khâm Thánh và phong cho chức Tả đại liêu ban. Năm Thái phó Hà Hưng Tông (Việt Sử thông giám cương mục, Đại Việt sử ký toàn thư đều chép là châu mục châu Vị Long Hà Di Khánh) lên 14 tuổi (năm Nhâm Tuất 1082) vua cho tổ chức tiệc mừng long trọng, Thái phó sắm đủ lễ đón dâu.

Năm Ất sửu niên hiệu Quảng Hựu (1085), cha mẹ Thái phó đều mất. Đến năm Bính dần (1086), vua ban cho Thái phó được nối chức cha, vẫn giữ chức cũ là Tả đại liêu ban, lại kiêm thêm Tri châu Vị Long, giữ tiết độ sứ, kim tử quang lộc đại phu, kiểm hiệu Thái phó. Đồng thời được hưởng thực ấp 3900 hộ, thực phong 900 hộ.

Được nhà vua ban chức tước, gia đạo đề huề, dân bản ấm no, đất nước thanh bình, để tỏ chữ hiếu với tổ tiên, lòng ham đạo phật, Thái phó Hà Hưng Tông đã chọn nơi đất tốt, thợ giỏi để xây chùa Bảo Ninh Sùng Phúc với quy mô bề thế để mọi người tâm thanh lòng tịnh đến nguyện cầu mọi điều may mắn tốt lành.

Chùa Bảo Ninh Sùng Phúc được xây dựng rất bề thế, trong đợt nghiên cứu, khảo sát đợt điều tra khảo sát khảo cổ học tháng 10 năm 2005 đã tìm thấy móng bậc lan can lên xuống phía Tây có hình tam giác, độ dốc chênh lệch từ đầu bậc đến cuối bậc là 38cm và móng lan can bậc lên xuống phía Đông với hai hàng đá cuội kích thước lớn xếp chồng lên nhau, chiều dài còn lại là 1,10m và móng cửa ra vào của chùa với chiều dài 1,63m. Tuy chưa xác định được chiều dài, rộng của chùa, nhưng căn cứ vào độ dài của móng cửa ra vào và những mảnh ngói thời Lý còn tìm thấy có kích thước lớn, dầy, nặng có thể khẳng định đây là kiến trúc có quy mô khá lớn.

Chùa được dựng tại đồi có rừng mây và thông (bia chùa còn ghi rõ “Phát xén rừng mây, hoa thông xanh tốt”). Chùa được làm bằng cột gỗ khai thác ngay tại địa phương. Có thể cột dựng chùa được dựng bằng cột gỗ sam, tục được gọi là “Ngọc Am”, tên gọi trong nhân dân là the mốc- đây là gỗ của cây thông già đã bị chôn lâu năm dưới đất, bùn do bị lở núi, một thứ gỗ rất thơm và quí. Ngôi chùa còn tồn tại vào thời Nguyễn vẫn được sử dụng khung bằng loại gỗ này, khi chùa đổ nhân dân mang về sử dụng. Hiện nay còn một cây kèo được người dân mang về trả lại khu vực chùa. Chân cột được kê bằng đá ráp màu nâu xám hình vuông mỗi chiều 60cm. Trong số 4 chân tảng còn tìm thấy ở khu vực chùa có chân tảng chạm cánh sen tiêu biểu cho kiến trúc thời Lý.

Chùa được lợp bằng ngói mũi. Nền nhà, sàn, bậc thềm, đường đi của chùa Bảo Ninh Sùng Phúc được lát bằng gạch dài 40cm, rộng 22cm, dày 6cm. Tháp đất nung còn tìm thấy ở khu vực chùa là hiện vật đặc trưng của nền mỹ thuật thời Lý. Những mảnh tháp còn tìm thấy ở chùa Bảo Ninh Sùng Phúc là những mảnh của phần đáy tháp được trang trí bằng hoa văn hình cánh sen, các rãnh tạo hoa văn sâu và hoa văn hình hoa chanh bốn cánh, được khắc nổi, mỗi cánh chanh được lồng vào một ô vuông.

Cùng với việc xây dựng chùa, bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúc đã được tạc để ghi lại giáo lý đạo Phật và công đức của dòng họ Hà. Người soạn bia theo lệnh Hà Hưng Tông là Lý Thừa Ân, ông sống dưới hai triều Lý Nhân Tông (1072-1127) và Lý Thần Tông (1128-1137). Ông làm quan tới chức Triều thỉnh đại phu, đông thượng cáp môn hậu… thượng thư viên ngoại lang, tử tử kiêm ngư đại.

* Ghi chú: Tại chùa Bảo Ninh Sùng Phúc hiện còn lưu giữ nhiều  hiện vật tiêu biểu trải qua các thời từ thời Lý, thời Lê đến thời Nguyễn như:

– Hiện vật tiêu biểu thời Lý: Bia đá chùa Bảo Ninh Sùng Phúc, mảnh ngói mũi, mảnh ngói bò, gạch lát nền, đá tảng kê chân cột, mảnh tháp.

–  Hiện vật tiêu biểu thời Lê: Mảnh kìm hình đầu rồng, mảnh diềm mái kiến trúc hình răng cưa, mảnh diềm mái hình lá đề, mảnh lá lam đằng ở đầu đao, mảnh gốm trắng trang trí sóng nước hình vảy cá, mảnh gốm hoa lam.

–  Hiện vật thời Nguyễn: Mảnh lư  hương Phù Lãng, vì kèo của chùa.

* Lý do lựa chọn:

– Bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúc là hiện vật gốc độc bản; thời Lý, có niên đại năm 1007.

– Bia Bảo Ninh Sùng Phúc đạt tiêu chí là hiện vật có giá trị lịch sử trên các phương diện sau:

Về mặt lịch sử: Những sự kiện được ghi lại trên bia đá liên qua tới nhân vật lịch sử Thái phó Hà Hưng Tông là người có công trong việc dựng bia và có tên trong sử sách. Thông qua các mối quan hệ của dòng họ này với triều đình nhà Lý có thể thấy được những sự kiện quan trọng trong chính sách đối nội của triều Lý đối với vùng biên giới. Các vua thời Lý đã gả công chúa cho châu mục người dân tộc thiểu số, phong chức tước, kết làm anh em… để thu phục họ. Ràng buộc bằng danh lợi và hôn nhân là biện pháp chính trị khôn khéo giúp triều đình nhà Lý củng cố chính quyền quân chủ Đại Việt ở các vùng biên ải xa xôi. Nhờ vậy, trong cuộc chiến đấu bảo vệ nền độc lập dân tộc, các châu mục miền núi như châu mục Vị Long đã tham gia và góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ chủ quyền đất nước. Sự kiện dựng chùa thờ Phật – quốc giáo của nước Đại Việt thời Lý, tại một nơi xa xôi hẻo lánh như châu Vị Long cũng chứng tỏ rằng dưới triều Lý, kinh tế miền núi phát triển mạnh. Đồng thời, sự giao lưu văn hoá với miền xuôi cũng được chính quyền đương thời quan tâm. Người đại diện cho chính quyền là dòng họ Hà, suốt 15 đời làm châu mục châu Vị Long, dòng họ này đã có nhiều công lao trong việc giữ vững an ninh và xây dựng kinh tế, phát triển văn hoá ở một vùng đất rừng núi giáp biên giới, nơi triều đình nhà Lý khó kiểm soát. Điều này cũng thể hiện nhà Lý đã thành công trong việc tập hợp khối đoàn kết dân tộc trong chiến đấu bảo vệ cũng như xây dựng tổ quốc.

Bia đá cũng là nguồn tư liệu quý giá đối với việc nghiên cứu các vấn đề về chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội… của mảnh đất Tuyên Quang nói riêng và Việt Nam nói chung dưới chế độ phong kiến tập quyền.

Về mặt tôn giáo, tín ngưỡng, bia Bảo Ninh Sùng Phúc chứng minh sự giao lưu văn hoá rộng rãi giữa miền núi với miền xuôi. Đồng thời cũng cho thấy địa vị độc tôn và sự phát triển rộng khắp của Phật giáo triều Lý.

Về giá trị nghệ thuật: Bia đá chùa Bảo Ninh Sùng Phúc là một tác phẩm điêu khắc có giá trị nghệ thuật cao. Bia đá giúp các nhà nghiên cứu so sánh, đối chiếu và khẳng định thêm về trình độ sáng tạo, quan niệm thẩm mỹ tinh tế trong xây dựng kiến trúc, trang trí, tạo hình Đại Việt. Minh văn còn là một di sản văn học quý báu. Với hơn một ngàn một trăm chữ, văn bia Bảo Ninh Sùng Phúc do Lý Thừa Ân biên soạn là một tác phẩm văn học hay, cô đọng, súc tích, bay bướm, thể hiện rõ văn phong đặc trưng của thời Lý.

Các di tích của đời Lý, một triều đại quân chủ hưng thịnh vào bậc nhất trong lịch sử Việt Nam còn lại trên cả nước không nhiều trên cả nước và hầu hết tập trung ở miền đồng bằng. Trong bối cảnh đó, có thể nói bia đá Bảo Ninh Sùng Phúc là một trong những tấm bia đầu tiên của triều Lý được tìm thấy ở các tỉnh miền núi phía Bắc.

Chùa và bia Bảo Ninh Sùng Phúc được công nhận là di tích lịch sử – văn hóa quốc gia theo Quyết định số 95-QĐ/BVHTT ngày 24 tháng 01 năm 1998 của Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Bia Sùng Thiện Diên Linh (thời Lý, hiện lưu giữ tại chùa Long Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam).

Bia chùa Sùng Khánh (thời Trần, hiện lưu giữ tại chùa Sùng Khánh, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang).

Bia Vĩnh Lăng Lam Kinh (thời Lê, hiện lưu giữ tại Khu di tích lịch sử Lam Kinh, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa).

Chuông chùa Bình Lâm (thời Trần, hiện lưu giữ tại chùa Bình Lâm, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang).

Trên thân chuông có 3 chữ Hán lớn: “Phụng Tam bảo” với ý nghĩa phục vụ công việc nơi cửa Phật (Tam Bảo). Chuông do Thủ lĩnh Nguyễn Anh – Người đứng đầu địa phương cùng với vợ và các lão ông, lão bà, thiện nam, tín nữ góp tiền của đúc vào giờ Ngọ, ngày Rằm tháng Ba năm Ất Mùi (1295) và được lưu giữ cho tới nay.

Chuông là một khối trụ khuôn vòm liền khối bằng đồng có đường kính miệng 59cm, chiều cao 101cm (quai chuông cao 17cm, thân cao 84cm) nặng 193 kg. Quai Chuông đúc nổi đôi rồng đấu lưng vào nhau, mỗi rồng có 2 chân, mỗi chân có 4 móng sắc nhọn quắp chặt xuống nóc chuông. Thân rồng mập mạp, chắc khỏe, uốn cong tạo thành núm treo chuông, đỉnh quai chuông trang trí hình búp sen vẩy cá chép bao phủ toàn bộ thân rồng.

Thân chuông trang trí 6 núm gõ được bố trí thành 2 tầng, tầng thứ nhất ở dưới đế chuông có 2 núm đối xứng cách đều nhau 78cm. Tầng thứ 2 có 4 núm tạo thành 2 cặp đối xứng qua trục trung tâm của thân chuông, các núm này cách đều nhau 39cm. Các núm chuông tròn nổi đều bằng nhau, có đường kính 6 cm. Đường viền xung quanh mỗi núm có 13 cánh sen đều đặn. Thân chuông được chia làm 2 phần: 4 ô chữ nhật đứng ở phía trên và 4 ô chữ nhật nằm ở phía dưới. Giữa các ô chữ nhật đứng là 5 đường gờ nổi chạy song song với nhau từ trên xuống dưới. Vuông góc với 5 đường gờ nổi chạy dọc thân chuông này, ở trên nóc, giữa thân và đế chuông là các đường gờ nổi cũng chạy song song với nhau phối hợp với các gờ nổi dọc tạo thành những ô chữ nhật trên thân chuông. Các ô chữ nhật này được bao quanh bởi những gờ đúc nổi rất thanh thoát và chắc khỏe. Trong lòng 4 ô chữ nhật đứng phía trên có khắc bài minh gồm 309 chữ Hán; 4 ô dưới hình chữ nhật nằm ở phía dưới để trơn, không có hoa văn hay ký tự nào. Vành miệng chuông loe ra, được trang trí bằng 45 cánh sen to xen lẫn 45 cánh sen nhỏ có kích thước bằng nhau tạo cho đế chuông vừa vững chắc, vừa mềm mại nhưng vẫn mang nặng ý nghĩa Phật học thông qua hình tượng hoa sen.

Có thể nói: Chuông chùa Bình Lâm là hiện vật gốc độc bản còn tương đối nguyên vẹn. Đây là quả chuông thời Trần – một trong những quả chuông có niên đại sớm nhất được biết ở Việt Nam và là một Bảo vật quý hiếm của nước ta nói chung và của tỉnh Hà Giang nói riêng.

Đây là một Đại hồng chung với kích thước lớn, được đúc nguyên khối bằng chất liệu đồng tốt tạo nên thanh âm sống động, vang xa. Hình dáng thanh nhã với các ô hộc bố trí hài hòa, cân đối, đặc biệt là các hoa văn trang trí với những nét chạm khắc độc đáo, tinh xảo mang đặc trưng tiêu biểu của nghệ thuật trang trí thời Trần; điều đó cho thấy, trình độ đúc chuông của cha ông ta đã đạt đến đỉnh cao. Bài minh trên chuông là một văn bản gốc thời Trần, thông qua đó chúng ta biết được thái độ trân trọng của người địa phương miền núi với Vua Trần thứ 5 (Trần Anh Tông). Thông qua vị thủ lĩnh Nguyễn Anh – người thay mặt triều đình cai quản một địa phương “rất sùng đạo phật, đã bỏ tiền của xây dựng chùa, đúc chuông” cho ta thấy Vương triều Trần đã sử dụng Phật giáo làm công cụ để củng cố khối đại đoàn kết dân tộc trước những yêu cầu bảo vệ đất nước, chống giặc ngoại xâm. Nội dung minh văn càng khẳng định thêm tính ứng dụng rộng rãi của chuông trong Tam giáo, thể hiện thêm một nét văn hoá dung hợp tam giáo: Nho, Phật, Đạo của thời Trần. Cũng thông qua bài minh trên chuông, ta thấy rõ hơn sự đóng góp to lớn của triều Trần đối với công cuộc hoằng truyền chánh pháp, đồng thời đánh dấu một thời hưng thịnh của Phật giáo nước nhà. Đây là nguồn sử liệu quý giá giúp các nhà khoa học nghiên cứu, tìm hiểu về quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội thời Trần trên địa bàn tỉnh Hà Giang nói riêng, cả nước nói chung.

Ngày 24.9.2015, Sở VHTTDL và UBND huyện Vị Xuyên ban hành Quy chế phối hợp số 10/QCPH-VHTTDL-UBND “Quy chế phối hợp Quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Bảo vật Quốc gia Chuông Chùa Bình Lâm, xã Phú Linh, huyện vị Xuyên, tỉnh Hà Giang” nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ đối với Bảo vật Quốc gia này.

Chuông chùa Vân Bản (thời Trần, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia).

 

Chuông có hình trụ đứng, miệng loe, được trang trí bởi các cánh sen kép.

Quai chuông trang trí hai con rồng đấu lưng vào nhau, chỏm quai được tạo bởi hình búp sen, thân rồng trang trí  vẩy cá chép.

Thân chuông được chia bởi các đường gân ngang dọc tạo thành 8 ô, trên mỗi ô hình thang đứng, 4 ô dưới hình chữ nhật. Trong hai ô trên có hai bài minh khắc bằng chữ Hán, 4 ô dưới để trên. Chuông có 6 núm tròn, xung quanh mỗi núm tạo hình bông hoa cúc nhiều cánh. Vành miệng chuông trang trí 52 cánh sen kép. Minh văn trên một ô nói về việc cúng ruộng đất vào chùa và chức Quan Tả Bộc Xạ.

* Hiện trạng:  Sứt mất chân rồng.

* Niên đại: Thế kỷ 13 – 14 Triều Trần.

* Nguồn gốc, xuất xứ:  Chuông được tìm thấy tại vùng biển Đồ Sơn, Hải Phòng năm 1958.

* Lý do lựa chọn: Chuông chùa Vân Bản là cổ vật độc bản, có niên đại thời Trần gắn với với chùa Vân Bản, tháp Tường Long ở vùng Đồ Sơn (Hải Phòng).

Chuông có trang trí rồng trên quai, băng cánh sen trên các núm gõ và vành miệng, phản ánh đặc trưng nghệ thuật Phật giáo thời Trần.

Chuông có minh văn là sử liệu văn bản quý giúp cho việc nghiên cứu lịch sử, chức danh và Phật giáo ở thời Trần.

Chuông được trưng bày, giới thiệu tại hệ thống trưng bày chính của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, nhiều cuộc trưng bày chuyên đề ở nước ngoài, xuất hiện trong nhiều công trình nghiên cứu khoa học giới thiệu về lịch sử Việt Nam ở trong và ngoài nước.

 

Đại hồng chung chùa Thiên Mụ (thời Nguyễn, hiện lưu giữ tại chùa Thiên Mụ, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế).

Đại hồng chung có hình dáng cân đối, hoa văn và những motif trên thân chuông được chạm trổ tinh vi, sắc nét.

Từ trên xuống, đầu tiên là phần quai chuông tạo hình con bồ lao 2 đầu quay ra 2 phía; 4 chân trước của bồ lao gắn với đỉnh chuông. Thân bồ lao uốn cong lại, trên lưng là một bông sen. Râu, mắt, vi, kỳ lưng và chân của bồ lao đều được chạm khắc rất tinh vi.

Thân chuông trang trí nhiều motif hoa văn biểu thị tính tổng hợp và siêu nghiệm của triết lý Đông phương. Chính giữa đỉnh chuông có một lỗ tròn nhỏ, là nơi để thoát bớt sức ép của âm thanh mỗi khi đánh chuông nhằm tránh sự rạn vỡ thân chuông do tác động của âm thanh gây ra. Từ phần chân con bồ lao trở ra, có nhiều đường tròn nhỏ, thanh mảnh, bao quanh vai chuông và phân chia thân chuông thành nhiều phần trang trí khác nhau.

Giữa đường thứ nhất và đường thứ hai rộng 4cm, không trang trí. Giữa đường thứ hai và đường thứ ba rộng 6cm, được trang trí những chấm tròn đúc nổi tạo thành 4 nhóm, mỗi nhóm có 7 chấm. Giữa đường thứ ba và đường thứ tư rộng 8cm được trang trí hoa văn bằng các đường uốn mảnh nối tiếp nhau lên xuống.

Phần vai chuông kế tiếp rộng 10cm, trang trí 4 hình rồng và 4 hình chim phụng xen kẽ nhau. Mỗi hình rồng dài 3cm, cứ cách một khoảng 7cm là hình chim phụng dài 3cm. Đuôi chim có 3 nhánh uốn lượn như dải lá, kéo từ thân chim ra sau dài hơn 2cm; 2 chân chim xuôi về đằng sau, uốn lượn theo hình lông đuôi. Cánh chim giang rộng, cổ và đầu chim uốn cong, hướng về phía trước theo tư thế đang bay. 4 con chim phụng được bố trí thành 2 cặp quay đầu vào nhau. Các hình rồng cũng tạo thành 2 cặp theo motif “lưỡng long triều nguyệt”. Rồng có 5 móng, được tạo hình theo tư thế rất sinh động.

Bên dưới vành trang trí rồng phụng ở vai chuông là phần thân chuông, có 4 nhóm trang trí được tạo thành bởi các đường gờ song song với nhau. Các nhóm gờ nổi này tạo thành các ô hình chữ nhật, kích thước 7,2cm x 3,9cm. Góc trên của mỗi ô có hoa văn hình mây, ở giữa khắc 2 chữ Thọ, kiểu chữ triện, rất lớn. Quanh 4 ô này có 8 chữ “Thọ” được thể hiện theo 8 kiểu thức khác nhau. Dưới các chữ Thọ là hồi văn “cửu ngũ” rộng 10cm.

Phần chính thân chuông có những đường gờ trang trí chia thân chuông thành 4 ô đều nhau. Mỗi ô có kích thước 7cm x 6cm. Giữa mỗi ô có đúc nổi 4 chữ Hán lớn. Xung quanh các chữ Hán này là những chữ Hán nhỏ hơn, theo kiểu chữchân, khắc chìm quanh đường viền của 4 đại tự. Cụ thể:

– Ô thứ nhất ở phần thân chuông hướng về phía tháp Phước Duyên có 4 chữ: Hoàng đồ củng cố”. Bên phải 4 chữHoàng đồ củng cố có khắc chìm những hàng chữ Hán nhỏ hơn: “Nguyện thử chung thanh siêu pháp giới. Thiết vi u ám tất giai văn”. Bên trái 4 chữ này là hàng chữ nhỏ hơn: “Văn trần thanh tĩnh chứng viên thông. Nhất thiết chúng sinh thành chính giác”.

– Ô thứ hai có khắc 4 chữ: Đế đạo hà xương”. Bên phải 4 chữ “Đế đạo hà xương” có khắc những hàng chữ Hán nhỏ hơn: “Văn chung thanh, phiền não khinh. Trí huệ trưởng, Bồ đề sinh. Li địa ngục, xuất hỏa khanh”. Bên trái 4 chữ “Đế đạo hà xương” là hàng chữ nhỏ hơn: “Nguyện thành phật độ chúng sinh. Úm ca la đế da ta bà ha”.

– Ô thứ ba ở trên mặt chuông nhìn về sông Hương, có khắc 4 chữ: Phật nhật tăng huy”. Bên phải 4 chữ “Phật nhật tăng huy” có khắc những hàng chữ Hán nhỏ hơn: “Đại Việt Quốc Chúa Nguyễn Phúc Chu, tự Động Thượng chánh tông tam thập đại, pháp danh Hưng Long, chú tạo hồng chung, trọng tam thiên nhị bách bát thập ngũ cân, nhập vu….Bên trái 4 chữ “Phật nhật tăng huy”  là hàng chữ nhỏ hơn: “…ngự kiến Thiên Mụ thiền tự vĩnh viễn cúng phụng Tam bảo”.

– Ô thứ tư có khắc 4 chữ: Pháp luân thường chuyển”. Bên phải 4 chữ “Pháp luân thường chuyển” có khắc những hàng chữ Hán nhỏ hơn: “Duy nguyện: Phong điều  vũ thuận, quốc thái dân an. Pháp giới chúng sinh, đồng viên chủng trí”.  Bên trái 4 chữ “Pháp luân thường chuyển”  là hàng chữ nhỏ hơn: “Vĩnh Thịnh lục niên, tuế thứ Canh Dần tứ nguyệt, Phật đản nhật kính tạo”.

Dưới phần khắc chữ này là một dải rộng 18cm, tạo bởi 6 đường gờ nổi nhỏ song song bao quanh thân chuông, nối liền với bốn núm lớn (đường kính 20cm), là nơi đánh chuông, được tạo hình mặt trời cách điệu với những cụm mây tỏa ra xung quanh có nhiều tầng, độ dài ngắn, đậm nhạt khác nhau.

Phần kế tiếp phía dưới các núm tròn là dải các biểu tượng biểu trưng cho 8 quẻ trong bát quái: Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài, được đúc nổi trên thân chuông. Mỗi biểu tượng rộng 9cm, dài 12cm. Khoảng cách giữa 2 biểu tượng là 32cm. Đáng chú ý là vị trí của 8 biểu tượng thể hiện 8 quẻ ở trên chuông đều được đặt đúng theo hướng của những quẻ này trong thiên nhiên, chẳng hạn: quẻ Chấn ở hướng đông, quẻ Đoài ở hướng tây, quẻ Li ở hướng nam, quẻ Khảm ở hướng bắc.

Phía dưới dải biểu tượng của bát quái là các hình chạm nổi trong bộ bát bửu, chạy quanh sát vành miệng chuông. Các hình này được bố trí ở khoảng trống xen kẻ với 8 biểu tượng của bát quái ở phía trên, lần lượt là: gươm, đèn lồng, ống sáo, đàn nguyệt, hai cây bút lông, bầu rượu, phách, quạt vả. Mỗi vật quý đều có dải lụa có nút thắt quấn ngang. Bộ bát bửu này là sự kết hợp giữa bát bửu của Phật giáo với bát bửu của Đạo giáo. Theo L. Cadière trong bài khảo cứu Các mô tip mỹ thuật An Nam, bộ bát bửu của Đạo giáo gồm: cây quạt, kiếm, bầu hồ lô, cặp phách, giỏ hoa, ống trúc và cây roi, cây sáo, đóa hoa sen. Trên đại hồng chung chùa Thiên Mụ không có hình giỏ hoa, ống trúc và cây roi, đóa hoa sen, thay vào đó là ống sáo, đèn lồng, bút lông, là những biểu tượng trong bộ bát bửu của Phật giáo.

Phần dưới cùng của thân chuông là một đường viền nhỏ, thanh với một dải hoa văn chấm tròn chạy quanh vành chuông. Từ đường dải hoa văn này trở xuống là phần loe ra của miệng chuông, rộng 12cm, chạm nổi văn thủy ba với 4 lớp sóng lớn, 3 lớp sóng nhỏ.

Chuông được treo trên một giá đúc bằng bê tông sơn màu nâu giả gỗ. Có thể chiếc giá chuông này đã được làm lại cùng thời với đợt trùng tu điện Đại Hùng vào năm 1954. Nhà chuông có hình lục giác đều, mỗi cạnh có một cửa vòm. Có một lối đi ba bậc cấp, lát đá thanh, hai bên không có lan can. Phần nóc chia làm hai tầng, lợp ngói âm dương tráng men vàng, các bờ nóc bờ quyết đắp xi măng hình mây hóa rồng. Trên chóp gắn hồ lô bằng xi măng. Xung quanh tường quét vôi màu vàng gạch và nâu nhạt.

* Hiện trạng:

Chuông còn rất tốt, không xảy ra hiện tượng ăn mòn hóa học. Tuy nhiên thân chuông có 2 vết thủng ở phía trên biểu tượng quẻ Càn. Vành miệng chuông có một vết khoét dài khoảng 15cm, rộng 1,5cm. Văn tự và hoa văn chạm khắc trên thân chuông bị ăn mòn nghiêm trọng. Nguyên nhân ăn mòn là sự bào mòn cơ học bởi tác động trực tiếp của  khách tham quan. Có nhiều vết bẩn, chữ viết, hình vẽ bằng mực, bút chì và sơn trên chuông.

Phần nhà che chuông (chung đình) mới được trùng tu năm 2004 cùng với một số công trình khác của chùa.

– Giải pháp xử lý:

+ Bảo quản cấp thiết: Vệ sinh khoa học các vết bẩn.

+ Bảo quản phòng ngừa: Tạo vành đai bảo vệ cho bảo vật, tránh sự tiếp xúc trực tiếp của khách tham quan với hiện vật.

* Niên đại: 1710

* Nguồn gốc, xuất xứ: Các chữ khắc trên chuông cho biết: “Quốc chúa nước Đại Việt là Nguyễn Phúc Chu truyền thừa đời thứ 30 của Tào Động thượng chánh tông, pháp danh Hưng Long, đúc hồng chung nặng 3285 cân, nhập vào thiền tự Thiên Mụ do Chúa xây dựng để vĩnh viễn cúng dường Tam bảo”.

* Lý do lựa chọn: Đại hồng chung ở chùa Thiên Mụ là một tác phẩm mỹ thuật điêu khắc, hội họa và kỹ nghệ đúc đồng đặc sắc thời chúa Nguyễn. Cùng với bia và rùa đá, đại hồng chung là một trong những bảo vật của chùa Thiên Mụ và cũng là một bảo vật trong kho tàng di sản văn hóa Việt Nam.

Có thể nhận xét rằng, các motif trang trí trên đại hồng chung này thể hiện tính tổng hợp và dung hòa cả 3 luồng tư tưởng lớn của Á Đông là Phật giáo, Khổng giáo và Lão giáo. Hệ thống tư tưởng tổng hợp này đã kết hợp với tinh thần và tình cảm của dân tộc Việt Nam, rất mực nhu nhuyễn, uyển chuyển, thực tế. Tín ngưỡng, hay đúng hơn là Phật giáo Việt Nam đã không tách rời niềm tin với cuộc sống thực tế hàng ngày của nhân dân là luôn luôn cầu mong “quốc thái dân an, phong điều vũ thuận” tức là cầu mong nước nhà thái bình yên ổn, nhân dân sống hạnh phúc; cầu mong mưa thuận gió hòa để cho mùa màng được tốt; nói chung là cuộc sống được sung túc, thịnh vượng. Tất cả những hình đúc nổi, những chữ khắc chìm ở trên chuông đều biểu thị cái động, cái biến hành (le devenir) của vũ trụ, của Đạo Pháp. Rồng bò, phượng bay, cánh lá uốn lượn; ánh sáng của Phật càng ngày càng tăng độ sáng chói; bánh xe pháp luân luôn chuyển; bát quái biến dịch lưu hóa; hoa văn thủy ba luôn luôn xao gợn không lúc nào yên; mặt trời với những vầng lửa cuồn cuộn soi sáng ra xa…

Nói chung, những hoa văn, những motif được trình bày ở đại hồng chung chùa Thiên Mụ đã thể hiện triết lý Việt tức là một triết lý bao dung, không phân biệt, không chấp ngã. Đại hồng chung này là nơi duy nhất của chùa Thiên Mụ được chúa Nguyễn Phúc Chu cho khắc bốn chữ Thiên Mụ thiền tự.

Xuất thân từ dòng dõi Nho học, bản thân lại rất mến mộ đạo Phật, tự đặt cho mình đạo hiệu rất Lão giáo là Thiên Túng đạo nhân, chúa Nguyễn Phúc Chu (1675 – 1725) có công rất lớn trong việc mở rộng bờ cõi về phía nam và góp phần phát triển đạo Phật kể từ khi được kế vị vào năm 1691. Chúa Nguyễn Phúc Chu đã mời Thạch Liêm hòa thượng (tức Thích Đại Sán) từ Trung Hoa sang tổ chức giới đàn, truyền sa di giới và bản thân cũng được Thạch Liêm hòa thượng truyền Bồ tát giới, đặt danh hiệu là Tào Động chính tông tam thập thế, pháp danh Hưng Long. Như vậy, chúa Nguyễn Phúc Chu vừa là người nắm vương quyền, vừa là người truyền thừa đời thứ 30 của phái Tào Động.

Hiện nay, dù nhà chùa không còn gióng tiếng chuông này nhưng tiếng chuông của đại hồng chung Thiên Mụ vẫn đi vào rất nhiều bài ca dao, dân ca xứ Huế và trở thành một huyền thoại đẹp cố đô Huế, nơi được tôn xưng là đất thiền kinh.

Rồng đá (Xà thần) (thời Lý, hiện lưu giữ tại đền thờ Lê Văn Thịnh, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh).

Xà thần được tạc bằng khối đá sa thạch màu xanh xám. Thân xà thần hình tròn không liền nhau mà được chia thành 2 phần an chéo cuộn vào nhau khá cân đối. Phần thân đầu nằm phía dưới, qua đoạn giao cắt với thân trên thì đầu rồng vươn lên uốn cong rồi cúi xuống ngậm vào phần thân đuôi phía trên. Vết đứt của hai phần thân rồng khá phẳng, gọn cho ta cảm giác đây là chủ định của tác giả chứ không phải là phần đứt gẫy bị mất chưa tìm thấy. Chỗ giao nhau giữa phần thân đầu và phần thân đuôi liền nhau tạo thành một khối thống nhất. Toàn thân linh vật được bao phủ một lớp vảy tựa như vảy rồng. Đầu xà thần có tỷ lệ cân đối với phần thân, không râu, không bờm, hông mào, lỗ mũi nhỏ, hai mang phình; miệng há rộng với hàm răng 12 chiếc dài, sắc nhọn. Đôi mắt xà thần tròn, lồi ra ngoài, hai vành tai nổi lên hai bên đầu phía trên mang. Tai bên phải đặc, tai trái có một lỗ nhỏ khá sâu. Chân xà thần khuỳnh rộng sang hai bên với những móng vuốt nhọn hoắt, gân guốc, mỗi chân xòe rộng năm ngón bấu chặt vào phần thân đuôi.
Phần thân đuôi có một hàng vây lớn chạy dọc sống lưng, phía cuối đuôi uốn cong hình xoắn ốc như muốn vận công lực bẻ quặt đuôi lên phía trước để ghì chặt lấy phần thân đầu phía dưới. Tuy không phức tạp như rồng nhưng nghệ thuật tạo tác vẫn thể hiện kỹ, tinh xảo, khối hình nuột khỏe, dáng vẻ và tư thế của xà thần hết sức sống động.
* Hiện trạng: Có một vài vết sứt nhỏ ở phần đầu, miệng.
* Niên đại: Qua nghiên cứu chi tiết, tượng xà thần mang các đặc trưng của nghệ thuật thời Lý như: chất liệu sa thạch, hình khối nuột nà chắc khỏe. Đường nét mềm mại, tinh tế. Dấu vết kỹ thuật tạo tác mang đặc trưng của kỹ thuật thời Lý. Do vậy có thể kết luận di vật có niên đại thời Lý (Thế kỷ XII)
* Nguồn gốc, xuất xứ: phát lộ tại đền thờ Lê Văn Thịnh.
* Ghi chú:  Qua đợt khai quật năm 2010 còn phát hiện tại khu vực vườn đền một số khóc th©n linh vật khác nhưng chưa có điều kiện so sánh kiểm chứng xem có phải là thuộc tượng xà thần hay không.
* Lý do lựa chọn: Tượng xà thần ở đền thờ Lê Văn Thịnh hôi tụ cả ba tiêu chí:
– Là hiện vật gốc độc bản: Các nhà nghiên cứu đã khẳng định cho đến nay chưa có bức tượng nào tương tự, hình ảnh này chưa từng có trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam và các nước Đông Nam Á.
– Hiện vật có hình thức độc đáo:  Tượng có kích thước và trọng lượng rất lớn, hình dáng đặc biệt “nửa rồng nửa rắn” .
– Hiện vật có giá trị đặc biệt liên quan đến danh nhân tiêu biểu trong lịch sử dân tộc: Tượng phát lộ tại ngôi đền thờ Lê Văn Thịnh. Đây là một danh nhân khoa bảng nổi tiếng – Thủ khoa khai khoa của nền khoa bảng Hán học; đồng thời còn ông còn là một bậc đại thần có công lao to lớn với vương triều Lý – Vương triều đã có công xây dựng nền văn minh Đại Việt rực rỡ thế kỷ XI, XII./.

 

Tượng Phật A Di Đà (thời Lý, hiện lưu giữ tại chùa Ngô Xá, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định).

Tượng được tạc bằng đá xanh nguyên khối gồm 2 phần: tượng và bệ.

– Tượng dáng thanh mảnh, ngồi xếp bằng, hai bàn tay ngửa chồng nhau để trước bụng tì nhẹ trên đùi, nếp áo khoác bó sát người có những đường cong thướt tha buông rủ phủ kín hai chân. Khuôn mặt phúc hậu, hàng lông mi mảnh nhỏ cong thanh tú được diễn tả bằng một nét liền mềm mại, mắt phượng, cổ cao ba ngấn.

– Bệ tượng trang trí cánh sen, hoa văn sóng nước, rồng, mây lửa…  được thể hiện là một đóa hoa nở rộ với hai tầng cánh. Các họa tiết đều được chạm chau chuốt, mềm mại, tỉ mỷ.

Giá trị tiêu biểu: Tượng Phật A – Di – Đà là pho tượng Phật bằng đá thời Lý lớn nhất, đẹp nhất của Việt Nam được biết đến nay. Tiếu tượng và hoa văn trang trí trên bệ tượng phản ánh nghệ thuật bản địa và chứng minh sự mở đầu của nghệ thuật Phật giáo nói riêng và nghệ thuật độc lập tự chủ Đại Việt nói chung. Với đường nét tinh xảo và mềm mại, tỉ mỉ và sống động bức tượng này là tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, là thông điệp của thời Lý để lại cho muôn đời sau.

Đơn vị lưu giữ: Chùa Phật Tích, xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.

Tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay (thời Lê Trung hưng, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam).

Nhà nghiên cứu Trần Thức không bao giờ quên nhiệm vụ trọng đại mà Viện trưởng Viện Mỹ thuật Nguyễn Đỗ Cung giao cho mình hồi năm 1964. Ông Cung mời ông Thức lên và nói: “Nhờ đồng chí lên chùa Hội Hạ, xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương, Vĩnh Yên, nơi có pho tượng Phật bà Quan âm khá đẹp. Tôi đã có dịp xem và tìm hiểu, mời đồng chí đến xem, nghiên cứu; nếu thấy được thì ta đề nghị nhà chùa và địa phương nhường cho Bảo tàng Mỹ thuật đưa về Hà Nội giới thiệu với nhân dân và quốc tế thì thật tốt”.

Sau đó, ông Thức bắt đầu một cuộc “dân vận” vài tuần. Nhà chùa, người dân và địa phương cuối cùng cũng đồng ý. Công việc tiếp theo khó khăn không kém là dỡ tòa tượng để chuyển về. “Tôi trình bày với ông viện trưởng cần phải có một thợ mộc giỏi lên điều khiển tháo dỡ tác phẩm mới an toàn. Thật may mắn, bảo tàng đang có một thợ mộc lão luyện là bác Cai Tường, vốn là thợ bậc cao, kỹ thuật 7/7 của hãng đồ gỗ nổi tiếng Mémo trước cách mạng. Bác Tường đã hoàn thành xuất sắc việc tháo dỡ tòa tượng cổ”, ông Thức nhớ lại.

Nhưng ngay cả khi tượng về đến bảo tàng, những công tác kỹ thuật cũng chưa kết thúc. Những bộ phận như thân tượng, tòa sen đều nặng tới hàng tấn, lại cồng kềnh. Trong khi cầu thang chỉ rộng có 1,2 m, lại dích dắc. Một kiến trúc sư đã phải tính toán sức chịu lực phòng trưng bày để tượng có thể an tọa. Cũng theo ông Trần Thức, sau khi cắt băng khai mạc năm 1966, tượng cũng đã vài lần phải đi sơ tán. Lần thứ nhất, tượng được dời đến một đình làng ở Phúc Yên. Sau đó, trong chiến tranh, tượng lại được mang về Sơn Tây. Lần đi xa nhất, năm 1979, tượng được chuyển lên tận Đà Lạt. Sau đó, tượng quay về Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và ở đó cho đến nay.

Niên đại thời Lê hay Mạc ?

Theo các nhà nghiên cứu, đây là một trong những pho tượng Quan âm lớn nhất trong số các tượng Quan âm thế kỷ 16. Hiện tại, chùa Hội Hạ cũng có một phiên bản tượng Quan âm khác. “Người dân cho biết phiên bản tượng này đặt trước toàn bộ tam bảo, hai bên có tứ Bồ tát chắp tay hướng vào. Vị thế này cho thấy rất có thể chùa Hội Hạ xưa là chùa thờ riêng Quan âm. Pho tượng chiếm vị trí trung tâm nên được làm rất trau chuốt, quan tâm đến cả 4 chiều không gian”, một nghiên cứu của Trang Thanh Hiền cho biết.

Cũng theo nghiên cứu này, pho tượng Quan âm nghìn mắt nghìn tay cao hơn 3 m cả bệ được tạc trong dáng vẻ một người phụ nữ nông thôn đôn hậu. Khuôn mặt đầy đặn, mắt khép hờ, mũi nở, cằm thon. Cổ tượng không cao lắm có ba ngấn. Mũ thiên quan được chia làm hai phần vành và đai mũ. Vành mũ khắc chìm hình vân mây, vảy cá lớn, so le nhau từng lớp một, biểu tượng cho nguồn năng lượng ánh sáng. Đai mũ ôm sát trán, trên gắn nổi những bông hoa sen có dạng hình lá đề nhọn đầu, trong lòng chạm chìm 3 vòng tròn dựng lên dạng hình tháp.

Nghiên cứu còn cho biết tượng có những cánh tay lớn khá mập mạp nhưng mềm mại, uyển chuyển và cân xứng với thân hình to bè của Quan âm. Hai tay chắp trước ngực kết ấn liên hoa hợp chưởng. Hai ống tay áo của đôi tay giữa được tạc rủ xuống hình cánh cung trước ngực. Đây cũng là chi tiết đặc trưng cho phong cách tượng Quan âm thế kỷ 16, khiến khuôn bụng của pho tượng có cảm giác thon nhỏ lại với một nút thắt áo tinh tế.

Nút thắt này cũng góp phần tạo nên dạng thức vai nở bụng thon cho các tượng thế kỷ 16, mà sang thế kỷ 17 đã bị thay thế bằng kiểu thức bụng nở. Một đặc trưng phong cách tượng Quan âm thế kỷ 16 khác là phần bệ dưới cùng có dạng hình lục giác dẹt, với các cạnh không đều nhau.

“Đặc sắc nhất là 6 con Garuda đầu chim mình lực sĩ được chạm ở phần thắt dang tay đỡ bệ. Đây là loại linh vật xuất hiện khá nhiều trong nghệ thuật Champa. Trong mỹ thuật Đại Việt, hình tượng này thường chỉ tìm thấy ở bệ đá hoa sen hình hộp thời Trần, mà các giai đoạn sau gần như không có. Cũng do biểu tượng này, nhiều nhà nghiên cứu băn khoăn về niên đại của tượng”, Trang Thanh Hiền viết. Trên thực tế, ông Nguyễn Đỗ Cung đã cho rằng đây là một tác phẩm thời Mạc. Cùng quan điểm, TS Đoàn Thị Mỹ Hương, Viện Văn hóa nghệ thuật, cũng xếp đây là tác phẩm thời Mạc. Mặc dù vậy, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho rằng tác phẩm này thời Lê Trung hưng. Điều này thể hiện trên chú thích tác phẩm tại bảo tàng.

Về việc niên đại bức tượng, GS Trần Lâm Biền, ủy viên Hội đồng di sản quốc gia nói: “Bức tượng có phong cách thời Mạc, nhưng niên đại là đầu thế kỷ 17. Vì phong cách nằm giữa đấy. Thế kỷ 16 là thời Mạc, đầu thế kỷ 17 đã Lê Trung hưng rồi. So sánh về niên đại trên hoa văn thì thấy nó ở thế kỷ 17 nhưng nhiều chi tiết vẫn mang phong cách thời Mạc. Nên đề chữ phong cách thời Mạc đầu thế kỷ 17”

 

Ba pho tượng Tam Thế (thời Lê Trung hưng, hiện lưu giữ tại chùa Linh Ứng, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh).

a. Pho tượng ở giữa:
– Tượng được tạc bằng đá khối với thân hình to lớn nở nang (cao 1,46 m, cả bệ 2,59 m) trong tư thế ngồi thiền định tư thế “bán kiết già” trên toà sen; đầu to, sọ nở, tóc xoắn ốc, đỉnh nổi nhục kháo. Khuôn mặt nữ tính, đầy đặn, phúc hậu, lông mày cong lá liễu, mắt khép hờ nhìn xuống nhân từ,  miệng mỉm cười độ lượng; tai to dài chảy. Thân hình nở nang; vận pháp y với 3 lớp mềm mại: Lớp áo ngoài choàng qua bờ vai, lớp trong phủ kín toàn thân, lớp trong cùng phía trên để hở ngực đeo dây “anh lạc”, diềm áo ngoài chạm chìm hoa cúc và hoa sen . Tay phải giơ lên trong tư thế kết ấn ( ba ngón cuối giơ lên, ngón chỏ và ngón cái cong cụp vào lòng bàn tay). Tay trái để úp nhẹ nhàng trên đùi trái. Hiện trạng một góc đùi trái bị vỡ.
– Đài sen: Bằng đá khối lớn (đường kính 2,15 m, cao 0, 41 m) với 3 lớp cánh xen kẽ nhau nở rộ ( mỗi lớp 16 cánh): Lớp cánh sen trên cùng để trơn. Lớp cánh sen ở giữa cánh to mập và được chạm nổi hình “rồng đơn” xen kẽ với “ rồng đôi” chầu vào viên ngọc đang toả sáng. Lớp cánh sen dưới, cánh chạm nổi rồng chầu ngọc xen kẽ với cánh chạm hoa cúc dây. Rồng có thân hình mập mạp, mình trơn không vẩy, đầu có mào bờm tóc bốc lên cao.
– Bệ tượng: Được chia làm ba phần: Phía trên là trụ tròn bẹt và được chạm nổi một đôi rồng lớn đang chầu vào một viên ngọc. Rồng đầu có tai thú, sừng có ngạc, bờm râu và tóc dài, mắt lồi to, miệng há rộng để lộ răng; trên thân rồng có vảy đơn, sống lưng có vây dựng cao; chân trước có 3 móng sắc cong quặp và 1 móng choãi sau. Phần bệ tiếp theo là 2 lớp cánh sen to mập và đầu cánh sen chạm nổi vân mây cuộn; lớp trên chạm nổi những hạt nhỏ xếp theo hình hoa. Phần bệ cuối cùng tiếp đất được tạo theo kiểu bát giác ba cấp: Cấp trên cùng các mặt bên tạo thành 4 ô chữ nhật to và 4 ô chữ nhật nhỏ, được chạm nổi đề tài “ tứ linh tứ quý” gồm long, ly, quy, phượng, tùng, trúc, cúc, mai với đường nét chau chuốt tỉ mỉ. Cấp tiếp theo bề mặt trên chạm nổi hoa dây; các mặt bên cũng tạo thành 4 ô chữ nhật to và nhỏ, chạm nổi đề tài “ mã hoá long” xen kẽ với “ rồng chầu ngọc”. Cấp cuối cùng tiếp đất: Mặt trước chạm rồng chầu, mặt sau chạm sóng nước “thuỷ ba” với đưòng nét to khoẻ phóng khoáng.
b. Pho tượng thứ hai (bên tay trái):
– Tượng: được tạo tác tương tự như pho ở giữa, nhưng khác trong tư thế ngồi thiền, thế tay kết ấn, một số chi tiết trang trí trên đài sen và bệ : Tượng cũng có thân hình nở nang to lớn ( cao 1,46 m, vai rộng 0,66 m, đùi rộng 1,13 m); đầu to sọ nở, tóc xoắn ốc, đỉnh nổi nhục kháo, tai to dài, mặt đầy đặn phúc hậu, lông mày cong, mắt khép hờ nhìn xuống nhân từ, môi mỉm cười độ lượng. Tượng ngồi thiền “bán kiết” trên toà sen; tay phải giơ lên kết ấn theo kiểu ( ngón chỏ, ngón giữa giơ lên, còn ngón cái, ngón nhẫn và ngón út thì cong cụp vào lòng bàn tay); tay trái để ngửa nhẹ nhàng trên lòng đùi. Áo tượng ba lớp, lớp ngoài choàng qua vai, lớp trong choàng kín người để hở cổ và ngực đeo dây anh lạc, trước bụng thắt “con ro”; diềm áo ngoài chạm chìm hoa cúc và hoa sen.
– Đài sen: được tạo bằng đá khối lớn (đường kính 1,13 m, cao 0, 38 m) với 3 lớp cánh sen to mập, nở rộ, đầu các cánh sen chạm nổi mây cuộn: Lớp cánh sen trên cùng để trơn không chạm khắc. Lớp giữa các cánh sen chạm xen kẽ đôi rồng chầu ngọc và rồng đơn uốn khúc cũng chầu ngọc đang toả sáng. Lớp cánh sen dưới cùng, mỗi cánh được chạm một con rồng đang uốn khúc chầu vào viên ngọc đang toả sáng. Rồng trên các lớp cánh sen đều có thân hình mập mạp, trơn không vảy, đầu có bờm râu tóc bốc lên phía trước, miệng há to đang chầu vào viên ngọc, chân có 4 móng với 3 móng trước cong quặp sắc nhọn.
– Bệ tượng: Chia làm ba phần: Phía trên là trụ tròn bẹt, mặt trước chạm nổi một đôi rồng lớn chầu vào viên ngọc đang toả sáng; rồng đầu có sừng và tai, lưng có vây dựng đứng. Bên cạnh chạm hình lá đề bên trong có cặp sừng vắt chéo trên cây vũ trụ và sóng nước. Mặt bên chạm “lân hoá long” với chân trước vuốt râu, chân sau đeo túi kinh. Phần bệ dưới tiếp đất được tạo theo kiểu ba cấp: Cấp trên cùng tạo thành 4 ô chữ nhật to chạm nổi đôi rồng “chầu ngọc” và 4 ô chữ nhật nhỏ chạm nổi hoa cúc mãn khai. Cấp tiếp theo được tạo thành hình chữ nhật và chạm nổi các lớp sen xếp chồng cánh lên nhau. Cấp cuối cùng tiếp đất được tạo như một “sập chân quỳ” xung quanh chạm hoa lá cách điệu.
c. Pho tượng thứ ba (bên tay phải):
– Tượng: cũng được tạo tác tương tự như hai pho bên, nhưng khác trong tư thế ngồi thiền, thế tay kết ấn, một số chi tiết trang trí trên đài sen và bệ : Tượng có thân hình nở nang to lớn, nhưng chiều cao thấp hơn một chút so với hai tượng bên ( cao 1,42 m, vai rộng 0,66 m, đùi rộng 1,13 m); đầu to sọ nở tóc xoắn ốc, đỉnh nổi nhục kháo, tai to dài, mặt đầy đặn phúc hậu, lông mày cong, mắt khép hờ nhìn xuống nhân từ, môi mỉm cười độ lượng. Tượng ngồi thiền “bán kiết” trên toà sen;  hai tay để nhẹ nhàng trên đùi kết ấn “ tam muội”. Áo tượng cũng ba lớp, lớp ngoài choàng qua vai, lớp trong choàng kín người để hở cổ và ngực đeo dây “anh lạc”, bụng thắt “con ro”; diềm áo ngoài chạm chìm hoa cúc và hoa sen.
– Đài sen: được tạo bằng đá khối lớn (đường kính 1,17 m, cao 0, 38 m) với 3 lớp cánh ( mối lớp 16 cánh) xen kẽ nhau nở rộ to mập: Lớp cánh sen trên cùng để trơn không chạm khắc. Lớp cánh sen giữa cứ một ánh chạm nổi đôi rồng “chầu ngọc” lại xen kẽ một cánh chạm nổi một con rồng uốn khúc trong lá đề chầu vào viên ngọc đang toả sáng; đầu các cánh sen chạm nổi mây cuộn. Lớp cánh sen dưới cùng, mỗi cánh được chạm một con rồng đang uốn khúc chầu vào viên ngọc đang toả sáng lại xen kẽ với cánh chạm nổi cúc dây . Rồng trên các lớp cánh sen đều có thân hình mập mạp, trơn không vảy, đầu có bờm râu tóc bốc lên phía trước, miệng há to đang chầu vào viên ngọc.
– Bệ tượng: Chia làm ba phần: Phía trên là trụ tròn bẹt, mặt trước và sau chạm nổi rồng có mặt kiểu hổ phù. Rồng có bờm tóc xoắn ốc, râu trê, tóc tốt dựng trên đỉnh đầu, thân có vẩy, sống lưng có vây dựng đứng. Hai mặt bên lại chạm nổi rồng có thân trơn không vẩy, đầu có bờm tóc râu bốc lên. Phần bệ tiếp theo là hai lớp cánh sen, đầu cánh sen chạm nổi mây cuộn. Phần bệ dưới tiếp đất được tạo theo kiểu bát giác ba cấp: Cấp trên cùng tạo thành 4 ô chữ nhật to để trơn và 4 ô chữ nhật nhỏ chạm nổi cúc mãn khai. Cấp tiếp theo được tạo thành 4 ô chữ nhật to chạm nổi rồng chầu ngọc và 4 ô nhỏ chạm  nổi xen nở rộ. Cấp cuối cùng tiếp đất, mặt trên chạm hoa dây, các mặt bên chạm nổi sóng nước thuỷ ba.
Kết luận chung: Cả 3 pho tượng Tam Thế chùa Linh Ứng được tạo tác cơ bản là giống nhau, cùng chất liệu bằng đá xanh, đã ngả màu xám; toàn thân tượng trong khối đóng kín với thân hình nở nang to lớn (cao 1,46 m, cả bệ 2,59 m), được bố cục thành 3 phần (tượng, đài sen, bệ). Tượng được tạo tác với nét chạm to khoẻ phóng khoáng, cùng hoa văn rồng trên đài.
Căn cứ vào phong cách nghệ thuật tạo tác và hoa văn trang trí đã cho biết cả ba pho Tượng Tam Thế (tượng và đài sen) và tấm bia đá của chùa có tên “Trùng tu Linh Ứng tự các chung bi”, niên đại “Hoằng Định 13” (1612), năm Nhâm Tý triều vua Lê Kính Tông được trùng tu và tu sửa tượng Phật như sau:  “Cổ tích Linh Ưng làm từ thời Trần, lâu ngày đổ nát…Ngày 25 tháng 10 cùng năm ( tức năm Nhâm Tý – 1612) tô tượng Phật…”. Cú thể thấy ba pho tượng này được tạo tỏc vào thế kỷ XVII (thời Lê Trung Hưng).
* Hiện trạng: Cả ba pho tượng Tam Thế chùa Linh Ứng cơ bản còn nguyên vẹn, riêng pho ở giữa sứt một phần đùi trái.
* Niên đại: Ba pho tượng Tam Thế chùa Linh Ứng được tạo tác vào thời  Lê Trung Hưng ( thế kỷ XVII ).
* Nguồn gốc, xuất xứ: Chùa Linh Ứng, thôn Ngọc Khám, xã Gia Đông, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
* Lý do lựa chọn:
– Hiện vật gốc độc bản: Bắc Ninh là miền đất cổ hàng ngàn năm văn hiến, trong đó được ca ngợi là cái nôi của Phật giáo, vương quốc của đình chùa lễ hội. Hiện nay trên đất Bắc Ninh còn bảo lưu được hàng trăm ngôi chùa cổ với nhiều lớp tượng Phật có niên đại khác nhau. Song duy nhất chỉ có chùa Linh Ứng còn bảo lưu được ba pho Tượng Tam thế bằng đá thế kỷ XVII.
– Hiện vật có hình thức thể hiện độc đáo:
Ba pho tượng Tam Thế chùa Linh Ứng đều được tạo tác bằng đá khối với kích thước rất lớn ( tượng cao 1,46 m , cả bệ cao 2,59 m) nặng khoảng vài tấn. Tượng được tạo tác toàn thân trong khối đóng kín với thân hình to lớn mập mạp. Sự độc đáo còn thể hiện ở phần bệ tượng với kiểu dáng và những mô típ hoa văn trang trí đó kế thừa được những nét tinh túy của nghệ thuật thời Trần và thời Lê Sơ, thời Mạc mà còn tôn vinh được vẻ đẹp lý tưởng của Phật Pháp.

Tượng Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc (thời Lê Trung hưng, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam).

Pho tượng được tạc nguyên khối mô tả hình ảnh bà Trịnh Thị Ngọc Trúc trong tư thế chân xếp bằng kiểu Kiết Già toàn phần; một tay ngửa ra đặt trong lòng đùi, tay kia giơ ngang ngực kết ấn Vô Úy. Thế tay này tượng trưng cho sự phổ độ chúng sinh, đồng thời thể hiện tâm Phật của nhân vật được tạc. Các chi tiết đặc sắc của pho tượng:

– Chiếc vương miện được chạm khắc tỷ mỷ với nhiều lớp khác nhau: Vành ôm sát đầu chạm vân xoắn. Vành thứ hai chạm các cụm sen nổi cao. Vành trên cùng chạm thủng hình hoa sen và vân lửa rất đặc trưng cho điêu khắc thế kỷ XVII. Phía trước trán, đỉnh của vành mũ được chạm hình vòng cung, trong có tượng Adida ngồi tọa thiền. Đây là biểu tượng thường thấy trên các pho tượng Quan Âm và là dấu hiệu đặc trưng cho việc bà Trịnh Thị Ngọc Trúc là người qui y Phật pháp. Bên trong vành mũ chạm lối vấn tóc cao trên đỉnh đầu và một tấm che tóc cũng chạm rất cầu kì tương tự như các tượng Quan Âm TK XVII. Từ dưới mũ là hai dải mũ được chạm vắt mềm mại ra phía trước vai.

– Trang phục của pho tượng so với hầu hết các tác phẩm điêu khắc tượng hậu TK XVII, là loại trang triều phục cầu kì nhất với 3 lớp áo trong và một áo vân kiên khoác ngoài. Riêng tấm áo choàng vân kiên này được đánh giá là một trong những tấm áo được chạm đẹp nhất với mô típ lưỡng long triều phụng trước ngực (đôi rồng chầu phượng). Áo phía dưới có 3 lớp đính ngọc châu tỷ mỷ. Cổ bà đeo chuỗi hạt rủ mềm xuống lòng đùi.

– Điểm nhấn đặc sắc nhất của pho tượng chính là gương mặt của bà Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc tươi sáng rạng rỡ, phúc hậu, chân thực với dái tai dài, cổ cao ba ngấn. Pho tượng này được đánh giá là tác phẩm đẹp nhất, đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc tượng chân dung người Việt thế kỷ XVII [Lê Cường, 1,tr66] .

* Hiện trạng: Nguyên vẹn với màu sắc và nước sơn nguyên bản từ TK XVII. Một số chỗ bị nứt và bong sơn không đáng kể

* Niên đại: Thế kỷ XVII

* Nguồn gốc: Sưu tầm tại chùa Mật Sơn (Đại Bi tự), Bố Vệ, Đông Sơn, Thanh Hóa.

* Ghi chú: Bà Trịnh Thị Ngọc Trúc (1595 – 1660) là hoàng hậu của vua Lê Thần Tông là con gái của chúa Trịnh Tráng. Bà quy y với Thiền sư Minh Hành tại chùa Bút Tháp được ban pháp danh là Pháp Tánh/ Diệu Viêm, biệt hiệu là bà chúa Kim Cương (Cang). Bà là người biên soạn cuốn từ điển Hán – Nôm Chí Nam Ngọc Âm giải nghĩa – bộ bách khoa thư đầu tiên của Việt Nam. Bộ sách này được diễn giải bằng văn vần, thể lục bát, dài 3000 câu, chia làm 40 chương về thiên văn, địa lý, nhân luận … đến nhạc cụ điển lễ.

Vai trò của bà Trịnh Thị Ngọc Trúc trong lịch sử được các sách sử viết như: Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, An Nam Chí Lược, Việt Nam Sử Lược, Kim Tỏa Thực Lục… Hoàng Hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc được nhiều nơi tạc tượng thờ nhưng pho tượng ở chùa Mật là pho tượng đặc sắc nhất.

* Lý do lựa chọn: Đây là hiện vật nguyên gốc và độc bản và là tác phẩm được rất nhiều các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, mỹ thuật đánh giá cao với đầy đủ các giá trị như:

– Giá trị lịch sử: tác phẩm là điêu khắc nguyên gốc có niên đại thế kỷ XVII và là pho tượng chân dung chân thực hiếm có về một nhân vật lừng lẫy về nhân đức và học thức uyên thâm trong lịch sử phong kiến Việt Nam – bà hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc.

– Giá trị thẩm mỹ: Hiện vật này là đại diện xuất sắc cho phong cách nghệ thuật điêu khắc tượng chân dung hậu Phật Việt Nam. Kỹ thuật chạm khắc, kỹ thuật sơn thếp của pho tượng này dường như qua nhiều thế kỷ vẫn lưu giữ được vẻ đẹp tươi mới. Đây là tâm điểm đáng chú ý đối với các nhà nghiên cứu mỹ thuật.

– Giá trị văn hóa: với sự sự mô tả cặn kẽ, tỷ mỷ, chân thực cổn miện đại triều, pho tượng này góp phần không nhỏ cho việc nghiên cứu phục sức của Hoàng hậu Việt Nam vào thời Lê Trung Hưng (TKXVII).

Bộ chân đèn và lư hương gốm men (thời Mạc, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Nam Định).

Chân đèn dáng thon cao, gồm 2 phần cổ và thân ghép với nhau. Cổ đèn hình trụ tròn nhỏ cao, miệng loe, hai bên đắp 2 tai hình rồng có cánh để mộc chạy dọc cổ, đầu hướng xuống dưới. Phần trang trí nổi không men gồm các hoa văn rồng, phượng, hoa thị 4 cánh, lá đề, rồng trong cánh sen, chữ Hán “Phật” và hoa văn hình học; kết hợp vẽ lam đề tài rồng, phượng. Thân đèn có vai ngang, thân nở, eo thon, chân đế cao loe rộng, đắp nổi hình một con rồng không men, đầu hướng vào dòng chữ Hán khắc chìm theo chiều dọc với nội dung “Hưng Trị tam niên bát nhị thập nhật tạo” chế tạo ngày 20 tháng 8 năm Hưng Trị 3 (1590). Phần thân đèn sát chân đế tạo một băng cánh sen vuông đầu, lòng để mộc trang trí nổi hoa văn. Ngoài ra còn nhiều loại hoa văn như  lá đề, hoa cúc, hoa sen, mây và hoa văn hình học trang trí bằng kỹ thuật đắp nổi để mộc, đắp nổi phủ men nâu, kết hợp vẽ lam xanh dưới men trắng.
– Lư hương: gồm 2 phần chồng lên nhau. Phần trên giống một bát hương độc lập có miệng bằng loe, cổ hình trụ, thân phình gắn 4 chân hình đầu thú uốn cong ra ngoài Trang trí đắp nổi kết hợp vẽ lam các loại hoa văn hoa cúc, hoa chanh, hoa sen, lá đề, rồng trong ô, lân, ngựa có cánh, mặt hổ phù, mây và hoa văn hình học. Phần đế giống chiếc hồ lô trong đó thân trên dáng búp sen, thân dưới hình trụ tròn, cổ nhỏ ngắn, vai nở, đế loe tô son nâu. Ngoài phần trang trí nổi không men hình rồng trong ô, trên chân lư hương còn khắc chìm 27 dòng chữ Hán cho biết người chế tạo lư hương là Đỗ Xuân Vi, xã Bát Tràng chế tạo vào ngày 20 tháng 8 năm Hưng Trị 3 (1590) và tên các tín đồ cúng lư hương vào chùa Thanh Quang.
* Hiện trạng:
– Chân đèn: Sứt mẻ một số chỗ ở phần cổ
– Bát hương: gãy một chân và sứt mẻ một số chi tiết nhỏ
* Niên đại: ngày 20 tháng 8 năm Hưng Trị 3 (1590)
* Nguồn gốc, xuất xứ:
– Chân đèn: Phát hiện tại Đình Cự Trữ, xã Trực Phương, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định.
– Bát hương: Phát hiện tại Chùa Cổ Chất, xã Trực Phương, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định.
* Ghi chú: Chân đèn và Lư hương tuy được thờ tại 2 di tích khác nhau nhưng đều cùng một địa danh hành chính là xã Trực Phương, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định và đặc biệt là được chế tạo cùng niên đại ngày 20 tháng 8 năm Hưng Trị 3 (1590). Có thể 2 di vật này được dân xã Trực Phương cùng đặt hàng và đều do một người thợ gốm làng Bát Tràng  chế tạo.
* Lý do lựa chọn:
– Cổ vật là đồ thờ tự tại các di tích có niên đại thời Mạc (thế kỷ XVI) ở Bảo tàng Nam Định tương đối phong phú về loại hình và số lượng. Tuy nhiên, bộ chân đèn và bát hương trên đây không chỉ là hiện vật gốc độc bản, mà còn hoàn chỉnh độc đáo về hình thức, hoa văn trang trí cầu kỳ tinh xảo thể hiện rõ phong cách kỹ mỹ thuật bổ ô đắp nổi để mộc kết hợp vẽ lam dưới men đặc trưng của thời Mạc (TK XVI). Một giá trị quan trọng nữa của bộ hiện vật này là tuy có nguồn gốc tại 2 di tích khác nhau nhưng chúng đều được sản xuất cùng một thời gian, đó là ngày 20 tháng 8 năm Hưng Trị 3 (1590) thời Mạc Mậu Hợp.
– Các dòng minh văn ghi trên hiện vật không chỉ giúp chúng ta nghiên cứu về phong cách chữ viết, mà còn cho biết nhiều nội dung có giá trị về địa danh hành chính, tên di tích, họ và tên người đương thời sùng tín đạo phật. Bên cạnh đó, qua nội dung minh văn còn khẳng định Bát Tràng là một trong những trung tâm sản xuất gốm nổi tiếng, mặt khác bổ sung tư liệu trong việc tập hợp, nghiên cứu về các nghệ nhân làm gốm Bát Tràng nói riêng và nghệ nhân nghề thủ công truyền thống nói chung.
– Căn cứ vào hoa văn trang trí, đặc điểm hình dáng, nhất là niên đại tuyết đối ghi trên hiện vật không chỉ là cơ sở quan trọng để nhận biết phong cách tạo hình, nghệ thuật trang trí đặc trưng của thời Mạc thế kỷ XVI, mà còn là cơ sở để đối chiếu, so sánh, xác định niên đại cho các hiện vật cùng thời cũng như những hiện vật sản xuất trước và sau đó.

Vạc đồng (thời Lê Trung hưng, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa).

Vạc đồng Cẩm Thuỷ hiện đang được lưu giữ ở Bảo tàng Thanh Hoá, là 1 trong 37 hiện vật đã được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam ký quyết định công nhận Bảo vật Quốc gia đợt 2 năm 2013.

Vạc do Ban chỉ huy Quân sự thành phố Thanh Hoá sưu tầm được ở khu vực ngã ba Đình Hương, phường Hàm Rồng, TP. Thanh Hoá khoảng đầu thập kỷ 80 của thế kỷ XX và bàn giao cho Bảo tàng ngày 01/8/2002.

Vạc còn nguyên vẹn, có kích thước tương đối lớn, cao:79,8cm ; đường kính miệng: 134,4cm; đường kính đáy: 115cm.

Vạc dáng hình trụ, miệng hơi loe, thành miệng vát (cao: 9cm), đáy lồi. Trên miệng gắn 6 quai to hình chữ U trang trí hình vặn thừng cách đều nhau (rộng quai 21cm; cao 16cm; rộng bản: 4cm; dày 5,5cm). Bên trong thành miệng tạo gờ, giữa tai quai trang trí hoa văn các chấm tròn nổi tạo thành bông hoa 5 cánh (nhụy hoa là một chấm tròn to, cánh hoa là 5 chấm tròn nhỏ). Khoảng cách giữa các quai trang trí hoa văn hoa lá dây (gồm 4 cụm) và 2 dòng minh văn chữ Hán đối xứng nhau, mỗi dòng gồm 11 chữ, nét chữ nổi đậm, rõ ràng:

錦 水 縣 欽 差 正 統 領 郡 公 造
壬 申 年 十 一 月 二 十 八 日 鑄
Phiên âm:
“Cẩm Thuỷ huyện khâm sai chính thống lĩnh Quận công tạo.
Nhâm Thân niên thập nhất nguyệt nhị thập bát nhật chú”
Dịch nghĩa:
“Chính thống lĩnh Quận công quan khâm sai huyện Cẩm Thuỷ tạo
Đúc ngày 28 tháng 11 năm Nhâm Thân”.

Bên ngoài, sát dưới thành miệng trang trí một băng hoa văn hình bông hoa 4 cánh (hoa chanh) xen kẽ vân mây (gồm 6 cụm hoa 4 cánh, mỗi cụm có từ 9 đến 11 bông và 6 dải vân mây) và được giới hạn bởi 2 đường gờ nổi chạy quanh. Ngăn cách phần thân với miệng và đáy bằng đường gờ nổi đậm hình sống trâu, hai bên có 2 đường gờ nổi nhỏ chạy quanh, thân trang trí các đường gờ nổi tạo thành kiểu bổ ô dọc (gồm 6 ô). Toàn thân Vạc được phủ một lớp patin màu xanh rỉ đồng.

Vạc đồng Cẩm Thủy là một tiêu bản hoàn hảo, độc đáo, mang tính địa phương rõ rệt, thuộc thời kỳ Lê Trung Hưng. Theo sách: Lê Quý kỷ sự do NXB Khoa học xã hội, xuất bản năm 1974 thì Vạc tượng trưng cho cơ nghiệp thiên tử, chỉ có vua, chúa mới cho đúc những chiếc Vạc lớn để thể hiện quyền uy của mình. Phải chăng vì lẽ đó nên ở nước ta tính đến thời điểm hiện nay, ngoại trừ 11 chiếc vạc đồng do hai chúa Nguyễn là: Nguyễn Phúc Chu (1631 – 1635), Nguyễn Phúc Tần (1648 – 1687) và 4 chiếc vạc do vua Minh Mạng (1820 – 1840) cho đúc hiện đang trưng bày tại Huế, thì chưa có địa phương nào có được chiếc vạc lớn như vạc đồng Cẩm Thủy, do một ông quận công quan khâm sai huyện cho đúc.

Trong Từ điển chức quan Việt Nam của NXB Thanh Niên, xuất bản năm 2002, theo quan chế Hồng Đức thì: Quận công ngang chánh nhất phẩm. Thời Nguyễn: Quận công là bậc thứ tư trong tôn tước.

Căn cứ vào hoa văn trang trí và dòng minh văn còn rõ trên miệng vạc, thì Vạc đồng này do quan Khâm sai huyện Cẩm Thuỷ, cho đúc ngày 28 tháng 11 năm Nhâm Thân (1752). Cùng với 15 chiếc vạc đồng hiện còn ở Huế, Vạc đồng Cẩm Thủy ở Bảo tàng Thanh Hoá giúp cho du khách có thể tìm hiểu thêm về kỹ nghệ đúc đồng một thời và mỹ thuật trang trí trên đồ đồng của ông cha ta. Góp phần chứng minh nghề đúc đồng truyền thống của dân tộc ta đã có từ lâu đời, từ sơ kỳ thời đại kim khí, phát triển rực rỡ ở thời kỳ văn hóa Đông Sơn và trải qua các triều đại phong kiến đến tận ngày hôm nay, nghề đúc đồng truyền thống nước ta nói chung, xứ Thanh nói riêng vẫn luôn được bảo tồn và phát triển.

 

Súng thần công (thời Nguyễn, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh).

3 khẩu súng thần công này đều có màu nâu xám (mỗi khẩu có trọng lượng 1.257,360kg, dài 2,45m, đường kính phía đuôi 45cm, phía miệng nòng 28cm) được phát hiện và trục vớt trên con tàu cổ bị đắm trên vùng biển tỉnh Hà Tĩnh – cách bờ biển Cửa Nhượng hơn 50km về phía Bắc và cách Cửa Hội 35km về phía Đông, ở độ sâu 28m vào tháng 8-2003. Đây là 3 bảo vật quốc gia có kích thước, trọng lượng và hoa văn giống nhau. Thân súng, chuôi súng và nòng súng đều trang trí các họa tiết hoa văn hình rồng, hoa lá dây leo cách điệu đẹp mắt.

Súng có cấu tạo 3 phần, chuôi, bầu nòng và nòng. Chuôi có chóp hình cầu đúc liền với khối hình nón. Bầu nòng và nòng đúc 8 đai nổi. Viền theo 9 diềm hoa văn đúc nổi các đề tài hoa cúc dây cách điệu, lá đề, móc tròn đồng tâm, chấm tròn. Điều đáng chú ý là trên tất cả các băng hoa văn này đều phủ bạc. Thân súng có 2 quai súng trang trí hình rồng cách điệu nạm bạc. Phía dưới gồm hình vương miện và bài minh súng hình chữ nhật, trong đó khắc chìm các chữ Hán cổ được phủ bạc. Phiên âm: Minh Mạng nhị niên Tuế thứ Tân Tỵ cát nguyệt nhật chú, mệnh danh Bảo quốc An dân Đại tướng quân tam vị chi nhất (chi nhị chi tam). Dịch nghĩa: Ngày tháng lành năm Tân Tỵ năm thứ 2 niên hiệu Minh Mạng đúc súng, mệnh danh là Bảo quốc An dân Đại tướng quân ba vị, vị thứ nhất (vị thứ hai, vị thứ 3).

 

Bia Võ Cạnh (Văn hóa Chămpa, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia).

Tượng Avalokitesvara Hoài Nhơn (Văn hóa Chămpa, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh).

 

Tượng Avalokitesvara Đại Hữu (Văn hóa Chămpa, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh).

 

Tượng động vật Dốc Chùa (Văn hóa Đồng Nai, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bình Dương).

Tượng Phật Bình Hòa (Văn hóa Óc Eo, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh).

 

Tượng Phật Sa Đéc (Văn hóa Óc Eo, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh).

Tượng Thần Visnu (Văn hóa Óc Eo, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Đồng Tháp).

Tượng màu xám trắng, tạc ở tư thế đứng trên bệ hình chữ Nhật, phần dưới bệ tạc liền khối với chốt cắm tiết diện hình tam giác. Tượng có dáng cân đối, ngực nở, eo thắt hơi ưỡn về phía trước. Đầu đội mũ hình trụ. Gương mặt Tượng vuông, hai chân mày giao nhau, mắt mở to và nhìn thẳng, môi mỏng, miệng hơi mỉm cười, hai dái tai dài xuống tận vai. Thân trên để trần, thân dưới quấn váy dài dhoti có thắt vạt tiết diện hình khối chữ Nhật buông thõng xuống giữa hai bàn chân. Phàn dưới vạt được thể hiện khá mềm mại, uốn cong về phía trước. Tượng có 4 tay và hai vai, hai tay sau phía trên hướng lên trời, tay phải cầm bánh xe, tay trái cầm hình tượng ốc, tù và, hai tay trước phía dưới hạ thấp xuống ngang hông, lòng bàn tay phải để ngửa, ngón tay uốn cong cầm hoa sen tỳ trên trụ tiết diện vuông, nối thẳng xuống lòng bàn chân phải, tay trái đặt trên cây trùy, nối thẳng xuống bên cạnh bàn chân trái, lòng bàn tay đặt úp, nắm vào đầu trụ. Cánh tay trái bị gãy mất toàn bộ.

* Hiện trạng: Còn tương đối nguyên vẹn

* Niên đại: Thế kỷ VI

* Nguồn gốc, xuất xứ: Phát hiện trong hố khai quật Gò Tháp Mười, tư thế nằm ở vị trí hành lang bên phải Tháp thờ Thần Visnu trong đợt khai quật di tích kiến trúc Gò Tháp Mười ngày 15/7/1998.

* Lý do lựa chọn:

Tượng là hiện vật độc bản

Tượng có hình thức độc đáo khác với các tượng Visnu khác

Đây là tác phẩm điêu khắc đá cổ rất tinh xảo, được xem là một trong những tác phẩm Visnu đẹp nhất còn lại đến ngày nay. Tạo hình thon thả, trau truốt, hai vai có 4 tay, mỗi tay cầm một vật tượng trưng của thần: ốc tù và tượng trưng cho các động lực bí ẩn thúc đẩy sự chuyển động sinh sôi nảy nở của muôn loài; bánh xe tượng trưng cho nguồn sáng tạo và hủy diệt; hoa sen là biểu tượng của mặt trời; cây trùy tượng trưng cho sức mạnh của sự hiểu biết.

Hình tương thần Vishnu có nguồn gốc từ Ấn độ, nhưng khi được cư dân Óc Eo tiếp nhận đã có nhiều sáng tạo mang nét nhân chủng khác Ấn độ như:đội mũ trụ, cây trùy và trụ chống giữ thân vững hơn…

Căn cứ vào nghệ thuật tạo hình, kiểu thể hiện nhân chủng và kỹ thuật điêu khắc trên đá sa thạch, tác phẩm tượng thần Visnu hiện đang lưu giữu và bảo quản tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Đồng Tháp đã hội tụ đủ những giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật liên quan đến tôn giáo và phong cách nghệ thuật tiêu biểu của văn hóa Óc Eo, xứng đáng được đưa vào danh mục bảo vật quốc gia Việt Nam, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất trong việc giữ gìn và phát huy giá trị của di sản văn hóa dân tộc cho các thế hệ mai sau.

Tượng Thần Visnu (Văn hóa Óc Eo, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Long An).

Tượng thuộc loại hình tượng tròn, bằng đá sa thạch hạt mịn, xám xanh. Dáng tượng đứng trên bệ, có 4 tay. Tay phải trên cầm bánh xe, tay trái trên cầm con ốc. Tay phải dưới cầm viên ngọc, tay trái dưới chống cây gậy. Mặt vuông, môi dày, các nét phẳng, thùy tai dài, mũ ống vuông, mình trần, mập. Quần ngắn đến gối, có dây thắt lưng vuông ở giữa 2 chân, bệ trơn.

* Hiện trạng:  Còn nguyên ven, bị sứt sống mũi, mẻ một vài chỗ ở bệ, đầu 2 ngón chân cái…

* Niên đại: Thế kỷ VII – VIII (Văn hóa Óc Eo).

* Nguồn gốc, xuất xứ: Thu hồi trong nhân dân trong đợt khai quật di chỉ Gò Trâm Quỳ, ấp Thuận Hòa II, xã Hòa Khánh Nam, huyện Đức Hòa, Long An

* Lý do lựa chọn: Đây là pho tượng Vishnu con nguyên vẹn nhất, với các biểu tượng tiêu biểu, mang đặc điểm nghệ thuật đặc trưng của văn hóa Óc Eo vào giai đoạn phát triển có tính chất lý tưởng, thần thánh hóa (cuối thế kỉ 7- thế kỉ 8). Đồng thời, kích thước nhỏ, sự thiếu cân đối trong tỷ lệ các phần của nhân thể, sự thiếu chau chuốt của việc xử lý bề mặt… phản ánh tính chất địa phương của di vật này vào giai đoạn bắt đầu suy tàn của nghệ thuật văn hóa Óc Eo. Đây cũng là chứng cứ của tình hình mất đi nhiều di tích trên các vùng thấp, nhưng nhiều đền tháp Hindu giáo vẫn còn sống sót trên những vùng đất ven rìa bậc thềm phù sa cổ và các gò đất cao.

Với các yếu tố nêu trên, di vật này xứng đáng được công nhận là bảo vật quốc gia.

 

Tượng Nữ Thần Durga (Văn hóa Óc Eo, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh).

Tượng Avalokitesvara (Văn hóa Óc Eo, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh).

Tượng bằng đá sa thạch, đầu búi tóc, mặt trước búi tóc có khắc hình tượng Phật ngồi, ở tư thế đứng trên bệ trong vòng cung đỡ, tượng có 4 tay, 2 tay sau đưa lên ngang vai cầm tràng hạt và nụ sen, 2 tay trước nắm lại, có thể để cầm các vật biểu tượng rời, thân trên ở trần, thân dưới mặc sampot. Đây là bộ tượng Phật thuộc Bà la môn giáo

* Hiện trạng: Nguyên vẹn

* Niên đại: Văn hóa Óc Eo. TK 8 – 9

* Nguồn gốc, xuất xứ:  Ngãi Hòa Thượng – Trà Vinh

* Lý do lựa chọn:  Đây là tượng nguyên gốc, độc bản, tiêu biểu cho loại hình điêu khắc tượng Avalokitesvara thế kỷ VIII, IX ở miền Tây Nam bộ, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí bảo vật quốc gia.

Bộ sưu tập hiện vật vàng (Văn hóa Óc Eo, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Long An).

Tranh Vườn Xuân Trung Nam Bắc (tác phẩm mỹ thuật của họa sĩ Nguyễn Gia Trí, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh)

Tranh Hai thiếu nữ và em bé (tác phẩm mỹ thuật của họa sĩ Tô Ngọc Vân, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam).

Bức tranh vẽ một không gian thanh bình với hai phụ nữ mặc áo dài tha thướt ngồi tâm sự ngoài hiên nhà, bên cạnh có một bé trai đang ngồi chơi. Ba nhân vật được bố cục dạng tam giác tạo nên trạng thái tĩnh lặng, cân bằng, êm ả. Cùng với hòa sắc màu vàng ấm bao trùm tác giả đã tạo nên một hòa quyện tuyệt vời giữa khung cảnh thiên nhiên và dáng nét biểu cảm mền mại của hai người phụ nữ trong y phục áo dài truyền thống đằm thắm trang nhã.

Nét đặc sắc của bức tranh: Bố cục dạng hình tam giác trong khung hình dọc của ba nhân vật là lối thức bố cục rất cổ điển của nghệ thuật hội họa phương Tây. Tuy nhiên không gian êm đềm với chiếc trõng tre, mành tre và cây vông hoa trắng, cùng trang phục áo dài của các nhân vật nữ lại thể hiện ra quang cảnh rất phương Đông, cũng như rất Việt Nam hồi đầu thế kỷ XX. Bức tranh đã tạo ra sự kết hợp đầy rung cảm của tâm hồn phương Đông cùng lối diễn họa học tập từ phương Tây đương thời.

* Hiện trạng: Tốt

* Niên đại: 1944

* Nguồn gốc: Tác giả, họa sĩ Tô Ngọc Vân (1906-1954)

* Ghi chú: Họa sĩ Tô Ngọc Vân (1906-1954), còn có bút danh Tô Tử, Ái Mỹ, quê tại Văn Giang, Hưng Yên, tốt nghiệp trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương năm 1931. Ông được đánh giá là một trong bốn cây đại thụ của nền mỹ thuật cận đại Việt Nam. Ông đã nhận được giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học – nghệ thuật trên lĩnh vực mỹ thuật năm 1996.

* Lý do lựa chọn: Đây là hiện vật nguyên gốc và độc bản và là tác phẩm được rất nhiều các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, mỹ thuật đánh giá cao với đầy đủ các giá trị như:

– Giá trị lịch sử: tác phẩm đánh dấu một giai đoạn mỹ thuật Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX

– Giá trị thẩm mỹ: tác phẩm mang phong cách riêng biệt họa sĩ Tô Ngọc Vân bậc thầy của nền mỹ thuật Việt Nam Cận đại. Tác phẩm là sự kế thừa phong cách tạo hình phương Tây nhưng lại được hòa quyện trong một tinh thần phương Đông rõ nét. Với chất liệu sơn dầu, tác phẩm đã toát nên sự tinh tế trong biểu cảm hình ảnh phụ nữ Việt Nam hồi đầu thế kỷ XX.

– Giá trị văn hóa: Tác phẩm phản ánh nét đặc trưng của văn hóa xã hội Việt Nam trước Cách Mạng tháng Tám, trong cái nhìn của những trí thức thời bấy giờ. Đây là một trong những tác phẩm đỉnh cao của họa sĩ Tô Ngọc Vân tạo nên những ảnh hưởng mạnh mẽ đến các thế hệ sau. Bức tranh là một trong những điểm nhấn góp phần vào việc nghiên cứu các yếu tố, giá trị giao lưu văn hóa Đông – Tây trên bình diện nghệ thuật tạo hình.

Tranh Em Thúy (tác phẩm mỹ thuật của họa sĩ Trần Văn Cẩn, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam).

Bức tranh vẽ chân dung bán thân của một nhân vật thực bé Thúy ngồi trên một chiếc ghế mây Tác giả đặc tả em bé gái với tinh thần lãng mạn, tinh tế, trong trẻo với hòa sắc sáng ấm với những đường cong nhẹ nhàng.

Nét đặc sắc của bức tranh: Tác giả đã sử dụng lối bố cục điển hình kiểu Châu Âu thời đầu thế kỷ XX, để thể hiện tâm trạng của một em bé Việt. Bức tranh là sự kết hợp nhuần nhuyễn của tâm hồn phương Đông cùng lối diễn họa học tập từ nghệ thuật phương Tây đương thời.

* Hiện trạng: Tốt

* Niên đại: 1943.

* Nguồn gốc: Tác giả, họa sĩ Trần Văn Cẩn (1910 -1994)

* Ghi chú: Họa sĩ Trần Văn Cẩn (1906-1954), sinh tại Kiến An, Hải Phòng, tốt nghiệp trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương năm 1936. Ông được xem là một trong bốn cây đại thụ của nền mỹ thuật cận đại Việt Nam. Ông đã nhận được giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học – nghệ thuật trên lĩnh vực mỹ thuật năm 1996. Tranh đã được tu sửa năm 2005 bởi chuyên gia Auxtralia.

* Lý do lựa chọn: Đây là hiện vật nguyên gốc và độc bản và là tác phẩm được rất nhiều các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, mỹ thuật đánh giá cao với đầy đủ các giá trị như:

– Giá trị lịch sử: tác phẩm mang giá trị đánh dấu một giai đoạn lịch sử của mỹ thuật Việt Nam cận đại nửa đầu thế kỷ XX

– Giá trị thẩm mỹ: tác phẩm mang phong cách riêng biệt họa sĩ Trần Văn Cẩn, bậc thầy của nền mỹ thuật Việt Nam cận đại. Tác phẩm là sự kế thừa phong cách tạo hình phương Tây nhưng lại được hòa quyện trong một tinh thần phương Đông rõ nét. Với chất liệu sơn dầu, tác phẩm tiêu biểu cho nghệ thuật tả chân, cũng như tiêu biểu cho thể loại tranh chân dung Việt Nam giai đoạn đầu thế kỷ XX.

– Giá trị văn hóa: Đây là một trong những tác phẩm đỉnh cao của họa sĩ Trần Văn Cẩn tạo nên những ảnh hưởng mạnh mẽ đến các thế hệ sau. Thông qua chân dung em Thúy, tác phẩm góp phần phản ánh hình ảnh xã hội Việt Nam trước Cách Mạng tháng Tám. Bức tranh là một điển hình góp phần vào việc nghiên cứu các yếu tố, giá trị giao lưu văn hóa Đông – Tây trên bình diện nghệ thuật tạo hình.

Tranh Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ (tác phẩm mỹ thuật của họa sĩ Nguyễn Sáng, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam).

Bức tranh là tác phẩm dựng lại thời khắc hào hùng của những người chiến sĩ Điện Biên ngay tại chiến trường với 3 nhóm nhân vật chính/ phụ. Nhóm nhân vật trung tâm gồm ba chiến sĩ trong đó có một chiến sĩ trên đầu còn quấn băng với khẩu súng trong tay. Nhóm ba người này được liên kết chặt chẽ với hai chiến sĩ khác phía bên phải bức tranh bằng một cái bắt tay đầy quyết tâm. Toàn bộ khung cảnh buổi kết nạp đảng được diễn ra chóng vánh trong không gian chiến hào. Góc trái là một chiến sĩ đang dìu đồng đội bị thương cho thấy ranh giới của sự sống và cái chết thật mong mang. Nhưng phía hậu cảnh lại là một chiến sĩ khác hối hả ra trận như thể sự mất mát đó chính là động lực và  nhấn mạnh thêm bối cảnh khẩn trương của cuộc chiến. Bức tranh là có thể xem là bản hùng ca của dân tộc giai đoạn kháng chiến chống Pháp, là hình ảnh tượng trưng cho tinh thần cách mạng cao cả và lẫm liệt.

Nét đặc sắc của tác phẩm: Hình tượng các chiến sĩ Điện Biên đã được Nguyễn Sáng khắc họa bằng lối hình họa giản lược, chắc khỏe. Màu sắc trong tranh đơn giản, đa phần là các màu sắc trong hệ màu sơn ta truyền thống như đỏ son, vàng, bạc. Bức tranh đặc biệt có thêm một số màu mới như lam, lục được sử dụng thành công, đánh dấu mốc quan trọng vào lịch sử nghệ thuật tranh sơn mài Việt Nam.

* Niên đại: 1956

* Nguồn gốc: Tác giả: họa sĩ Nguyễn Sáng (1923 – 1988).

* Ghi chú: Họa sĩ Nguyễn Sáng (1923 – 1988), quê ở Mỹ Tho, Tiền Giang, tốt nghiệp trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương năm 1943. Ông được đánh giá là một trong bốn nhân vật xuất sắc thuộc bộ tứ của nền mỹ thuật cận đại Việt Nam. Ông đã nhận được giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học – nghệ thuật trên lĩnh vực mỹ thuật năm 1996.

* Lý do lựa chọn: Đây là hiện vật nguyên gốc và độc bản và là tác phẩm được rất nhiều các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, mỹ thuật đánh giá cao với đầy đủ các giá trị như:

– Giá trị lịch sử: ghi lại chân thực hình ảnh một cuộc kết nạp đảng ở Điện Biên Phủ, phản ánh tinh thần hào hùng, quyết liệt của cuộc chiến lịch sử của dân tộc – kháng chiến chống Pháp. Bức tranh góp một phần quan trọng vào việc nghiên cứu các giá trị lịch sử căn bản để dẫn đến thắng lợi lừng lẫy của chiến dịch Điện Biên Phủ.

– Giá trị thẩm mỹ: tác phẩm ghi nhận một phong cách tiêu biểu của một họa sĩ bậc thầy của mỹ thuật Việt Nam. Tác phẩm là sự kế thừa lối tạo hình của nghệ thuật phương Tây với thủ pháp hiện thực chắc khỏe, nhưng lại mang đậm tinh thần, màu sắc Việt. Tác phẩm là minh chứng căn bản cho khả năng biểu cảm đa dạng của nghệ thuật Sơn mài Việt Nam ngoài lối biểu hình kiểu trang trí trong mỹ thuật truyền thống.

– Giá trị văn hóa: tác phẩm đã tạo nên những ảnh hưởng mạnh mẽ đến xã hội như: cổ động tinh thần quân dân trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ – thời điểm bức tranh ra đời; ảnh hưởng đến các thế hệ họa sĩ sau thời Nguyễn Sáng với tinh thần là bản hùng ca về chủ nghĩa yêu nước và tinh thần cách mạng của nhân dân Việt Nam.

Anthony NGUYEN

(Tổng Hợp)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.