Chuck Close là một nghệ sỹ người Mỹ, nổi tiếng với các bức chân dung lớn. Bị liệt nặng, ông phải ngồi xe lăn. Nhiều cựu người mẫu đã cáo buộc ông bắt họ cởi quần áo và dùng ngôn ngữ dung tục khiến họ cảm thấy bị quấy rối. Hành vi này khiến Phòng trưng bày Quốc gia ở Washington, D.C., hủy bỏ một buổi triển lãm được lên kế hoạch từ trước nhằm trưng bày các tác phẩm của Close. Đại học Seattle cũng đã gỡ bỏ một bức chân dung vẽ bởi họa sĩ này khỏi một tòa nhà của trường.
Nếu gỡ bỏ mọi tác phẩm nghệ thuật khỏi các viện bảo tàng và phòng trưng bày vì chúng ta không chấp nhận hành vi của các nghệ sĩ thì các bộ sưu tập lớn chẳng mấy chốc sẽ không còn. Rembrandt đã tàn nhẫn ngược đãi người tình của mình, Picasso rất ác với những người vợ của ông, Caravaggio thì theo đuổi các chàng trai trẻ và là kẻ giết người, vân vân.
Trong văn chương thì sao? Céline là một kẻ bài Do Thái dữ dội. William S. Burroughs bắn chết vợ trong một cơn say, còn Norman Mailer thì đâm một trong những người vợ của mình. Còn các đạo diễn phim? Hãy quên đi thứ ngôn ngữ dung tục thiếu đứng đắn: Erich von Stroheim quay các cảnh truy hoan tập thể làm vui. Charlie Chaplin thích gái còn rất trẻ. Và còn Woody Allen, bị cáo buộc nhưng chưa bao giờ bị buộc tội xâm hại đứa con gái nuôi bảy tuổi.
Nhà phê bình phim A.O. Scott của tờ The New York Times có một bài thú vị về chuyện này. Anh ta lớn lên và thần tượng Allen. Với một chàng trai trẻ mê sách như Scott, Allen – vị trí thức đầy âu lo vẫn nhận nuôi con bé – là một kiểu hình mẫu. Nhưng nay khi đã biết đến các cáo buộc đối với vị diễn viên hài và đạo diễn phim này, chúng ta buộc, theo quan điểm của Scott, phải đánh giá lại các tác phẩm của ông ta trong hoàn cảnh đó. Có thể có điều gì đó xấu xa và vô đạo đức trong các bộ phim kia mà chúng ta nên tính đến.
Nói cách khác, hành vi xấu, thậm chí những cáo buộc về hành vi xấu, cũng có thể làm hoen ố một tác phẩm nghệ thuật, bởi vì nghệ sĩ không thể nào tách rời khỏi nghệ thuật của anh ta. Ít nhất đây cũng là một mệnh đề thú vị hơn quan niệm rằng nên phủ nhận giá trị của nghệ thuật chỉ vì chúng ta không thích cách nghệ sĩ hành xử trong đời tư. Nhưng như vậy có đúng không?
Oscar Wilde từng nổi tiếng khi nói rằng không có cái gọi là một cuốn sách vô đạo đức, chỉ có sách viết hay hoặc viết dở. Ta có thể thách thức điều này. Trong hầu hết các hình thức biểu đạt của con người, trong đó có nghệ thuật, đều có một thành phần đạo đức.
Suy đồi đạo đức có thể dẫn đến nghệ thuật tồi. Có lẽ đây là một nguyên nhân lý giải vì sao có rất ít ví dụ tốt về nghệ thuật của Đức Quốc xã. Hận thù chủng tộc đáng bị lên án về mặt đạo đức theo cái cách mà, ví dụ như, lý tưởng cộng sản lại không bị như vậy. Sergei Eisenstein làm phim tuyên truyền cộng sản, nhưng đây cũng là những tác phẩm nghệ thuật lớn. Phim tuyên truyền Quốc xã của Leni Riefenstahl đáng kinh ngạc về mặt kỹ thuật, nhưng lại đáng ghê tởm.
Nhưng cũng đúng là nghệ thuật có thể vượt lên trên hành vi riêng tư của người nghệ sĩ. Một nhà văn, nhà làm phim, hoặc họa sĩ đối xử không ra gì với vợ hay người tình vẫn có thể làm ra thứ nghệ thuật cảm thông sâu sắc đối với phụ nữ. Tương tự, những con người cư xử hết sức chừng mực cũng có thể phá vỡ mọi điều cấm kỵ trong xã hội, trong nghệ thuật của họ. Bởi vậy, để đánh giá thành phần đạo đức trong biểu đạt nghệ thuật thì chúng ta không được nhìn vào con người mà phải nhìn vào bản thân tác phẩm.
Năm ngoái, một lá đơn trực tuyến với 8.000 chữ ký đã đề nghị Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York gỡ bỏ bức tranh nổi tiếng của Balthus vẽ một thiếu nữ ngồi trên ghế và để lộ một mảng quần lót. Xem bức tranh này là một hình thức khiêu dâm trẻ em, hay “đồ vật hóa trẻ em,” như những người ký tên đã lập luận, dường như rất khó hiểu. Balthus đã xúc động trước sự mơ mộng của các cô gái ngấp nghé tuổi trưởng thành. Nhưng dù Balthus trong đời tư có thấy bị hấp dẫn trước các cô gái trẻ đi chăng nữa thì cũng không có gì trong bức tranh này cho thấy sự xâm hại hay suy đồi đạo đức.
Ta có thể nói tương tự về các bộ phim của Allen, bất kể sự thật về những cáo buộc hành vi sai trái là như thế nào. Chuyện Allen thấy gái trẻ hấp dẫn không phải là bí mật; người vợ hiện tại của ông còn chưa đầy 20 khi ông bắt đầu mối tình của mình với cô. Cô cũng là con nuôi của vợ Allen khi ấy. Một trong những bộ phim nổi tiếng và thành công nhất của Allen, “Manhattan,” công chiếu năm 1979, khi ông ngoài 40, nói về mối quan hệ giữa một người đàn ông trung niên (Allen) và một cô gái trẻ, do Mariel Hemingway thủ vai, khi ấy mới 16.
Những mối quan hệ ấy là không bình thường. Có người thấy chúng đáng sợ. Nhưng chuyện này không giống như chuyện xâm hại một đứa trẻ. Cũng không có gì trong “Manhattan” hay trong bất cứ bộ phim nào của Allen cho thấy sự thích thú trong việc xâm hại các đứa trẻ. Điều này đúng ngay cả khi mọi cáo buộc về vị đạo diễn kia là đúng.
Một lần nữa, đạo đức không phải là không liên quan. Khó mà hình dung được chúng ta lại ngưỡng mộ thứ nghệ thuật đề cao việc xâm hại trẻ em, hận thù chủng tộc, hay tra tấn (cho dù điều này có vẻ khiến người dân ít kích động hơn nhiều so với nội dung khiêu dâm). Nhưng trong khi không nên lên án một tác phẩm nghệ thuật vì hành vi riêng tư của nghệ sĩ thì chúng ta cũng nên cẩn thận khi áp đặt những chuẩn mực về tính đáng tôn trọng của xã hội lên biểu đạt nghệ thuật. Có những thứ nghệ thuật là nhằm để gây khiêu khích, để vượt qua, và để đẩy rộng các ranh giới. Trong tác phẩm của trí tưởng tượng, người ta có thể làm những thứ mà họ sẽ không bao giờ làm trong đời.
Chuyện này nên là như vậy. Nếu chúng ta giới hạn biểu đạt nghệ thuật trong phạm vi những chủ đề mà chúng ta thường coi là đáng tôn trọng về mặt xã hội thì chẳng mấy chốc chúng ta sẽ chỉ còn lại thứ đạo đức rởm, thứ mà các nhà cai trị trong các nhà nước chuyên chế muốn mở rộng trong công chúng trong khi bản thân họ thì làm những điều tồi tệ hơn nhiều so với những gì mà hầu hết các nghệ sĩ muốn hình dung.
Nguồn: “Moralism and the Arts”, Project Syndicate, 06/02/2018.
Tác giả: Ian Buruma
Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng