Đừng nghĩ rằng chỉ có thị trường chứng khoán mới có các “đội lái”. Ngay cả thị trường hội hoạ cũng không thiếu các “đội lái” – những người sẽ kiếm tiền bằng cách đẩy giá các tác phẩm hội hoạ của một hoạ sỹ đương đại nào đó lên.

Bạn nghĩ thế nào nếu một bức tranh của Richard Prince, bức Nurse được treo giữa những bức tranh của Picasso và Miros và cái giá của nó được định ở mức 6,5 triệu đô.

Bạn nghĩ thế nào nếu một chiếc tủ thuốc cũng của Richard Prince nhưng lại có giá lên tới 4 triệu đô hay thậm chí là những dòng chữ ngoằn nghèo khó hiểu của Julie Merhertu với tuổi đời chỉ khoảng 1 thập kỷ nhưng lại có giá bán tới 2,6 triệu đô la Mỹ.

Nhưng đó vẫn chưa phải tất cả. Điều đáng nói ở đây là các tác phẩm của các nghệ sĩ đang còn sống nhưng lại có những mức giá triệu đô hoặc hàng chục triệu đô. Trong khi điều này từ trước tới nay chủ yếu vẫn chỉ diễn ra với các tác phẩm của các hoạ sỹ đã mất.

Chẳng hạn như The Scream của Munch được định giá với mức 120 triệu đô, hay bức The Card Players của Cézanne có được những cái giá kỷ lục là bởi tác giả của chúng không còn sống để thực hiện thêm các tác phẩm.

dau-chi-chung-khoan-trong-nghe-thuat-cung-co-ca-doi-lai

Bức The Scream của Edvard Munch

Trở lại với việc tại sao những tác phẩm của những hoạ sỹ vẫn đang sống lại có mức giá cao tới vậy? Giải thích cho điều này, nhà phê bình các tác phẩm hội hoạ danh tiếng Blake Gopnik đã đúc kết rằng, việc giá của các tác phẩm nghệ thuật đương đại cao như vậy là do bởi: Chính Chúng Ta Muốn Vậy.

Thực tế cần hiểu rằng thị trường và các hoạt động đấu giá các tác phẩm hội hoạ và nghệ thuật đang được xem như một kênh đầu tư. Và khi đã là thị trường thì sẽ có rất nhiều cách “làm giá” khác nhau từ “mua tay trái, bán tay phải” tới muôn vàn kiểu cách khác.

Ai cũng hiểu, các tác phẩm nghệ thuật và hội hoạ mang một ý nghĩa hoàn toàn khác, một giá trị khác, nên không thể mang giá tiền và công năng hay lượng vàng, đá quý, hoặc thậm chí là giá trị lịch sử để làm thước đo đo đếm giá trị một tác phẩm hội hoạ.

Vậy nên, đừng hỏi tại sao khoản tiền 575.000 USD đủ để mua cả trăm ngàn chiếc ghế gỗ nhưng lại chỉ đủ để mua một lô ghế chẳng thể ngồi, được xếp vô cùng quái dị của Ngải Vị Vị – Ai Wei Wei (một hoạ sỹ người Trung Quốc).

dau-chi-chung-khoan-trong-nghe-thuat-cung-co-ca-doi-lai (1)

Những chiếc ghế có giá nửa triệu USD của Ngải Vị Vị

 

Cùng đừng nên hỏi tại sao 1,5 triệu đô đủ mua cả triệu viên thuốc con nhộng nhưng lại chỉ đủ để mua một bức tranh với một hình vẽ không ra vẽ, in cũng chẳng ra in hình một viên thuốc con nhộng có màu xanh dương của Ellsworth Kelly.

Hay thậm chí bạn cũng không thể nói rằng những người bỏ tiền ra mua một chiếc tủ thuốc của Richard Prince có giá 2,5 triệu đô là dại. Bởi số tiền đó, bạn có thể mua được trăm nghìn tủ thuốc khác, chỉ có điều không phải của Prince.

Tuy nhiên, mỗi một tác phẩm thường đại diện cho một lối suy nghĩ tiên phong, một cách nhìn nhận về thời đại. Nhưng điều đáng nói ở đây là, không phải tác phẩm của tác giả đương đại nào cũng làm được điều này, trong khi giá của chúng thì lại ở trên trời.

Một chuyên gia hội hoạ khi trả lời phỏng vấn Newsweek đã nói rằng với khoản tiền mua một tác phẩm của Jeff Koons, bạn có thể mua từ 10 tới 20 tác phẩm của Marcel Duchamps. Còn về việc những tác phẩm của Jeff Koons có thể thay đổi cách nghĩ của chúng ta như cách của Marcel Duchamps, ông “e rằng là không”!

Không thể phủ nhận thực tế rằng giới siêu giàu Ultrarich đang ngày càng bỏ tiền vào mua các tác phẩm hội hoạ mà chẳng cần quan tâm xem họ sẽ bán khi nào. Một nghiên cứu của Barclays – một đại gia trong lĩnh vực ngân hàng – đã chỉ ra rằng khi các triệu phú sở hữu một tác phẩm nghệ thuật hoặc một món đồ quý giá, họ sẽ chỉ bán khi món đồ đó mang lại cho họ một khoản lợi nhuận khổng lồ.

dau-chi-chung-khoan-trong-nghe-thuat-cung-co-ca-doi-lai (2)

Jeff Koons đứng trước bức “Antiquity 3″ (Cổ xưa 3, khoảng 2009 – 2011) tại gallery Schirn Kunsthalle. Ảnh: Mario Vedder

Adam Lindemann, một chuyên gia tài chính, một nhà sưu tập và là chủ của gallery ở New York chia sẻ: “Đừng nghĩ có người nào đó nghĩ tới chuyện tháo bức tranh từ trên tường nhà họ xuống chỉ bởi bức tranh đó mất giá.”

Tuy nhiên, cần hiểu rằng những gì chúng ta thấy hiện vẫn chỉ là một phần của miếng bánh sự thật. Những “đội lái” của thế giới nghệ thuật hơn ai hết là những người hiểu luật chơi trong trò chơi đấu giá và mua bán các bức hoạ này.

Ernst Beyeler, một nhà môi giới hàng đầu Thuỵ Sỹ trong lĩnh vực buôn bán các tác phẩm nghệ thuật chia sẻ: “Nếu tôi không thể bán một thứ gì đó, tôi sẽ tăng giá gấp đôi.”

Viviana Zelizer, nhà nghiên cứu xã hội học người viết cuốn The Social Meaning of Money, chia sẻ, một vài người muốn trả nhiều tiền hơn là trả đúng giá trị của một tác phẩm. Ông giải thích nguyên nhân của việc này là do chúng ta có những phản ứng khác nhau khi phải đối diện với những món đồ có mức giá khác nhau.

Theo Zelier, chúng ta sẽ dành những kính trọng đặc biệt hoặc thậm chí là kính sợ cho những món đồ được gắn những tag giá trên trời. “Tôi cho rằng bản thân mức giá của một tác phẩm đã giống như một chiếc vương miện,” ông nhấn mạnh.

Một mặt khác, theo các chuyên gia nghệ thuật của tạp chí Art + Auction thì cũng không ít trường hợp, các nhà đầu cơ của thế giới nghệ thuật đi “mua show” (mua hàng loạt các tác phẩm của một hoạ sỹ đang lên nào đó) để sau đó “thổi giá” các tác phẩm qua các phiên đấu giá.

Họ sẽ tự đi đấu giá tác phẩm của mình, hoặc đấu giá tác phẩm của hoạ sỹ đó (mà họ chưa có). Sau đó tất cả những gì họ cần làm là mang những tác phẩm đi ký quỹ và vay của ngân hàng hay bán lại các tác phẩm mà mình đã có.

Tác giả : Mag Tuệ

Theo Trí Thức Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.