Bạn sẽ chi bao nhiêu tiền cho bức vẽ khó hiểu dưới đây, con số thực sự mà tác phẩm này bán được có lẽ sẽ khiến bạn nổi điên quăng máy tính đi và muốn làm họa sỹ ngay lập tức.
Đây là tác phẩm Untitled của họa sĩ Cy Twombly sáng tác vào năm 1970, bao gồm những nét vẽ loằng ngoằng trên một tấm bảng đen và được bán đấu giá 69,6 triệu USD vào năm 2014.
Rõ ràng, các tác phẩm nghệ thuật hiện nay có giá trị không kém gì những tài sản khác trên thế giới và là một kênh đầu tư nổi tiếng trong giới thượng lưu cũng như siêu giàu, dù đôi khi đa số mọi người chẳng hiểu tại sao người ta lại bỏ cả đống tiền ra mua chúng.
Hầu hết các tác phẩm nghệ thuật hiện nay đều được đem đi đấu giá và trong mảng kinh doanh này, Sotheby cũng như Christie là hai cái tên hàng đầu được nhắc tới. Hàng loạt những tác phẩm nghệ thuật đã được đấu giá thành công bởi hai công ty nổi tiếng này.
Khi đa dạng hóa vượt qua tập trung trọng điểm
Hãng Chritie được thành lập vào năm 1766 bởi James Christie tại Anh và hiện là công ty có doanh thu từ đấu giá tác phẩm nghệ thuật cao nhất thế giới. Trong khi đó, Sotheby ra đời sớm hơn vào năm 1744 cũng tại Anh.
Cả hai tập đoàn trên ngoài buôn bán tác phẩm nghệ thuật và đấu giá còn kinh doanh trên nhiều lĩnh vực, như bất động sản, đầu tư tài chính, giáo dục, buôn bán trang sức…Dù cùng hoạt động trên một lĩnh vực nhưng phương pháp kinh doanh của 2 công ty này là khá khác nhau.
Kể từ năm 2005, hãng Sotheby nhận ra rằng những tác phẩm có giá dưới 5.000 USD chỉ chiếm 2% doanh thu nhưng lại tiêu tốn nhiều chi phí hoạt động phân tích, đánh giá và đấu giá.
Tập đoàn này cũng nhận thấy những khách hàng có giao dịch dưới 5.000 USD cho một tác phẩm nghệ thuật thường ít khi bỏ thêm tiền cho những thứ khác. Trong khi đó, những khách hàng bỏ hơn 100.000 USD thường sẵn sàng mua thêm những tác phẩm mà mình ưa thích.
Sau đó, Sotheby yêu cầu các nhân viên của mình tập trung vào 500 khách hàng sưu tập tác phẩm nghệ thuật giàu nhất thế giới và chào bán những mặt hàng có giá hơn 100.000 USD bất cứ lúc nào có thể
Mặc dù vậy, chiến lược trên có vẻ không hiệu quả khi năm 2012, doanh thu của hãng chỉ đạt 5,4 tỷ USD, giảm 7% so với năm 2011.
Bức “tranh” này được bán với giá 15 triệu USD
Về phía Christie, hãng lại tập trung hơn vào việc mở rộng khách hàng với bất kỳ mức giá nào và điều này khiến công ty có hơn 80 phòng ban làm chuyên môn xử lý những vật phẩm có giá thấp đến 200 USD.
Chiến lược kinh doanh da dạng này của Christie có vẻ đúng đắn khi doanh thu của hãng năm 2012 là 6,3 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2011.
Nguyên nhân chính khiến chiến lược của Christie hiệu quả hơn Sotheby được cho là do tỷ lệ bán đồ cổ của tầng lớp trung lưu đang ngày một tăng. Thông thưởng, một gia đình trung lưu sẽ thanh lý một kho đỗ cũ gia truyền hoặc lượm lặt được, trong đó bao gồm những vật phẩm có giá trị cũng như những thứ chẳng đáng bao tiền.
Dẫu vậy, các gia đình cũng không muốn chỉ bán thứ đắt tiền và cho không thứ rẻ hơn, họ muốn một cái giá hợp lý. Tập doàn Christie đưa ra một phương án rất chính xác là chấp nhận mua cả những thứ đồ chỉ đáng 10 USD trong kho để lấy được tất cả sản phẩm trong kho. Sau đó công ty phân loại ra, những tác phẩm có giá trị được tổ chức đấu giá trong khi những món đồ rẻ tiền hơn được bán qua mạng.
Chiến lược này của Christie khiến khách hàng muốn bán cho hãng nhiều hơn bởi họ được trả một mức giá hợp lý cũng như thanh lý toàn bộ kho hàng cũ. Dù việc mua và bán lại những tác phẩm rẻ tiền khiến Christie có thể bị lỗ, nhưng những tác phẩm có giá trong kho lại khiến hãng thu về được bộn tiền.
Bỏ hơn 100 triệu USD hợp tác với Amazon, eBay và…thất bại
Hãng Christie thực hiện chương trình đấu giá trực tuyến từ năm 2006 nhắm thu hút thêm khách hàng, đồng thời kinh doanh đấu giá khoảng 60 mặt hàng online như rượu vang lâu năm, trang sức, đồ gia dụng cổ.
Kết quả kinh doanh của hãng trong mảng này khá phức tạp khi những sản phẩm như rượu vang lâu năm, trang sức hay các bức ảnh cổ được tiêu thụ khá tốt nhưng một số mặt hàng khác lại khó bán hơn.
Tuy nhiên, công sức xây dựng trong 3 năm với tổng đầu tư 50 triệu USD cũng đem lại một số thành quả. Tổng doanh thu từ mảng kinh doanh online của Christie đã tăng 71% trong nửa đầu năm 2014. Dẫu vậy, doanh thu từ mảng này vẫn chỉ chiếm tỷ lệ tương đối nhỏ so với tổng doanh thu, khoảng 13,6 triệu USD trong 4,6 tỷ USD nửa đầu năm 2014.
Trong khi đó, Sotheby thực hiện kế hoạch đấu giá qua mạng lần đầu tiên vào năm 1999 với sự hợp tác của Amazon, nhưng các tác phẩm đấu giá lại được đăng trên trang của Amazon.com chứ không phải website của Sotheby và điều này các khách hàng nhầm lẫn. Tập đoàn Sotheby buộc phải chấm dứt hợp tác này 1 năm sau đó.
Tuy vậy, hãng vẫn tìm cách liên kết với eBay để kinh doanh trực tuyến và lại một lần nữa phải chấm dứt hoạt động này vào năm 2003. Tính tổng số, Sotheby đã mất khoảng 100 triệu USD cho những nỗ lực trên.
Hiện Sotheby có dịch vụ bán rượu vang lâu năm trực tuyến nhưng vẫn chưa triển khai thêm các chương trình bán hàng khác qua mạng.
Khi người mua đã bớt… điên
Để đánh giá chính xác công ty đấu giá tác phẩm nghệ thuật nào làm tốt hơn là một điều khó khăn. Nguyên nhân là do cấu trúc sở hữu của 2 tập đoàn này, trong khi Sotheby là công ty đại chúng niêm yết trên sàn chứng khoán thì Christie thuộc sở hữu của tỷ phú người Pháp Francois Pinault.
Vì vậy, Sotheby phải công bố công khai chi tiết tình hình tài chính thì Christie chỉ phải báo cáo doanh thu 2 năm một lần. Điều này khiến các chuyên gia có thể dễ dàng đánh giá hoạt động của Sotheby là xấu hay tốt trong khi tình hình kinh doanh của Christie lại khó phân tích hơn.
Tuy nhiên, xét về tổng thể thì hãng Christie đang làm tốt hơn so với đối thủ khi nhiều chuyên gia cho rằng Sotheby quá bảo thủ và chậm ứng biến trong mô hình kinh doanh, khiến hãng bị tụt lại phía sau.
Thị phần toàn thế giới của Sotheby đã giảm nhẹ từ 26% năm 2010 xuống 25,8% năm 2013, trong khi thị phần của Christie lại tăng từ 26% năm 2010 lên 29,5% năm 2013.
Dẫu vậy, tính toàn của trang Artprice.com cho thấy cả 2 ông lớn ngành kinh doanh tác phẩm nghệ thuật này đang gặp vấn đề lớn. Nếu không tính thị phần của các công ty nhỏ khác, thị phần của Christie và Sotheby đã giảm từ tương ứng 37,9% và 34,7% năm 2012 xuống 35,4% và 31% năm 2013.
Nguyên nhân được cho là do 2 tập đoàn lớn này quá quen với việc đàm phán những hợp đồng béo bở hàng triệu USD từ các tỷ phú, vốn thường mua tác phẩm nghệ thuật như là kênh đầu tư.
Trong khi đó, những tác phẩm nghệ thuật có giá dưới 5.000 USD lại chiếm tới 80% giao dịch ở Phương Tây và hầu hết chúng được giao dịch trực tuyến. Đây là mảng kinh doanh mà cả Sotheby lẫn Christie còn khá yếu.
Ngoài ra, chiến lược cạnh tranh quá gay gắt cũng khiến 2 hãng này lâm vào tình trạng bị thiệt. Cả Christie và Sotheby đều liên tục giảm chi phí hoa hồng cũng như đưa ra các hứa hẹn vượt khả năng nhằm mua được các tác phẩm đáng giá.
Năm 2013, tác phẩm Ballon Dog của Jeff Koon được Christie thành công ký hợp đồng đấu giá nhờ việc hạ thấp phí môi giới xuống mức kỷ lục. Hãng kỳ vọng bán được 75 triệu USD nhưng cuối cùng chỉ đấu giá thành công 58,4 triệu USD.
Năm 2014, Sotheby cam kết với người bán bức tranh Chariot của họa sĩ Alberto Giacometti rằng họ sẽ bán được 103 triệu USD và ký được hợp đồng này. Tuy nhiên, bức tranh chỉ bán được 101 triệu USD và công ty buộc phải bù lỗ 2 triệu USD.
Bên cạnh đó, sự bùng nổ của thị trường Trung Quốc khiến các hãng đấu giá tại đây bắt đầu có vị thế lớn hơn trên thị trường. Rõ ràng, khách hàng Trung Quốc thích làm việc với công ty bản địa hơn so với các hãng nước ngoài do khác biệt về văn hóa khi bàn về tác phẩm nghệ thuật.
Năm 2007, Trung Quốc đã vượt qua Pháp để trở thành thị trường kinh doanh tác phẩm nghệ thuật lớn thứ 3 thế giới sau Mỹ và Anh với khoảng 75 cuộc đấu giá có trị giá hơn 1 triệu USD.
Đến năm 2010, thị trường Châu Á này đã đứng đầu thế giới về ngành kinh doanh tác phẩm nghệ thuật. Năm 2011, có đến 774 tác phẩm nghệ thuật được đấu giá trên 1 triệu USD, nhiều gấp 10 lần năm 2007.
Cả Sotheby lẫn Christie đều đã mở rộng chi nhánh hoạt động tại đây nhưng đều thu được thành công không lớn. Ngoài khác biệt về văn hóa, các công ty đấu giá nội địa Trung Quốc cũng thu phí rẻ hơn.
Một lý do nữa khiến việc kinh doanh của Sotheby và Chrisite gặp khó là thị hiếu của người tiêu dùng đang thay đổi nhanh chóng, đặc biệt là trong tình hình kinh tế ảm đạm hiện nay.
Ngày nay, có rất nhiều người mua tranh không phải để đầu tư mà là để thưởng thức và sẽ chẳng có ai điên rồ, ngoại trừ những nhà tỷ phú đầu cơ tranh, bỏ gần 70 triệu USD cho một bức vẽ loằng ngoằng khó hiểu ở đầu bài.
Tác giả : Hoàng Nam
Theo Trí Thức Trẻ