Đồng vàng La Mã được giữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (TP.HCM) là minh chứng cho những ngày rực rỡ của thương cảng Óc Eo.
Theo TS Nguyễn Thị Hậu, sưu tập hiện vật vàng thuộc văn hóa Óc Eo tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, TP.HCM, có một số loại hình đặc biệt như các loại hạt chuỗi hình cầu, các loại vòng cổ vòng tay, hoa tai phong phú về kiểu dáng, nhẫn với hoa văn tinh xảo như chữ Sanscript, hình bò Nadin và các loại đồng tiền trong đó có 2 đồng tiền vàng La Mã.
Hai đồng tiền bằng vàng, có chạm hình của các hoàng đế La Mã Antoninus Pius và Marcus Aurelius. Đồng tiền có đường kính chỉ chừng 2 cm, do đó khi trưng bày, bảo tàng đã chụp cận cảnh đồng tiền rồi phóng lớn lên để người xem dễ dàng thấy các hình chạm, hoa văn trên đó. Hai đồng tiền còn nguyên vẹn được bày trong hộp nhung đặt vào tủ kính.
Ngoài sự quý hiếm của chính những đồng tiền này, chúng còn trở nên quý giá hơn nhiều với giá trị chứng cứ lịch sử mà mình đem lại. Chúng chứng minh sự giàu có, tấp nập của thương cảng Óc Eo, sự rực rỡ của nền văn minh Óc Eo. PGS Nguyễn Văn Kim (ĐH Quốc gia Hà Nội) đánh giá rằng chính sự giàu có, rực rỡ đó là nền tảng, đồng thời là sự phát triển sớm nhất, tiêu biểu nhất của văn hóa Phù Nam và Vương quốc Phù Nam.
Thương cảng quốc tế
TS Võ Sĩ Khải, Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ cho rằng thủ công nghiệp đặc biệt phát triển ở thời đại Óc Eo. Thặng dư nông phẩm và sản phẩm thủ công nghiệp phong phú đã thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của thương nghiệp nội địa cũng như với bên ngoài. Từ đó, tư tưởng lợi nhuận và tính hữu hiệu của thương mại đã hình thành ở họ, làm cơ sở cho nền thương mại đặc biệt phát triển vào thời đại Óc Eo.
“Các loại tiền tệ, con dấu và hàng hóa của các nước như tượng đồng và một số đồ gốm Ấn Độ, gương đồng thời Hậu Hán, tượng Phật bằng đồng thời Bắc Ngụy, hình của các hoàng đế La Mã Antoninus Pius và Marcus Aurelius chạm trên vàng tìm thấy trong những di tích Óc Eo cho thấy địa bàn giao lưu của các cư dân cổ ở đây rất rộng lớn”, TS Khải đánh giá.
Về phần mình, PGS-TS Kim đánh giá Óc Eo chính là cảng thị lớn nhất Đông Nam Á, đồng thời là thương cảng quốc tế. Óc Eo còn có một hệ thống bao gồm những điểm quần cư và đô thị, những trung tâm chính trị – tôn giáo và văn hóa, hải cảng cùng với những điểm sản xuất thủ công – buôn bán và những vùng công nghiệp.
Chuyên gia Ấn Độ học hàng đầu thế giới, Giáo sư Nhật Bản Karashima cho rằng: “Di tích Óc Eo nằm ở châu thổ sông Mê Kông (Việt Nam) là một cảng quốc tế nổi tiếng thời cổ đại; có nguồn gốc từ đầu công nguyên”.
“Một số đồng tiền La Mã và gương đồng thời Hán cùng với một số chuỗi hạt và các đồ trang sức, các hiện vật tôn giáo khác đã được tìm thấy ở Óc Eo và các khu vực phụ cận vùng châu thổ này. Các hiện vật đó cũng được tìm thấy ở rất nhiều di tích tại Đông Nam Á, đặc biệt là vùng bán đảo Mã Lai và đồng thời cả ở Ấn Độ, nhất là ở miền nam Ấn”.
Không chỉ ở Việt Nam, tại nhiều điểm tại Đông Nam Á, người ta cũng tìm thấy các hiện vật có nguồn gốc từ thời La Mã. Điển hình trong số đó là, chiếc đèn lồng kiểu Alexandrie có cán chạm hình lá cọ và hình cá heo được tìm thấy ở Thái Lan. Các nhà nghiên cứu phỏng đoán rằng trong những ngày cực thịnh của Đế chế La Mã, có khả năng những con đường giao thương trực tiếp với phương Đông đã được thiết lập.
Đương nhiên, với sự xuất hiện của đồng tiền vàng La Mã tại Việt Nam, hoàn toàn có thể suy luận rằng chúng ta chính là một điểm của con đường giao thương trực tiếp với La Mã hùng mạnh ấy.
Về điều này, Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc cho biết: “Óc Eo là một cảng thị. Nên mới có chuyện các nhà nghiên cứu, chẳng hạn Giáo sư Sakurai của Nhật Bản, gọi Óc Eo là liên thế giới. Tại sao Óc Eo phát triển được? Bởi nó nằm trên đường hàng hải quốc tế từ Đông sang Tây, Tây sang Đông. Trước nó, có eo Kra ở Thái Lan. Nó phát triển được là nhờ biển chứ. Điều đó cho thấy văn hóa biển rõ nét của dân tộc ta”.
(Theo wikipedia)
Óc Eo là tên gọi do nhà khảo cổ học người Pháp Louis Malleret đề nghị đặt cho một địa điểm nằm ở huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Nơi này có thể đã từng tồn tại một hải cảng sầm uất của Vương quốc Phù Nam từ thế kỷ thứ 1 đến thế kỷ thứ 7.
Óc Eo đã từng được nối bằng một kênh đào dài 90 km về phía bắc với Angkor Borei, nơi có lẽ từng là thủ đô của Vương quốc Phù Nam. Lý do quan trọng nhất cho sự thịnh vượng của Óc Eo là do vị trí của nó trên trục đường thương mại trên biển giữa một bên là bán đảo Mã Lai và Ấn Độ và bên kia là sông Mê Kông cùng với Trung Quốc. Vào thời kỳ phồn thịnh của Óc Eo và Phù Nam, tàu thuyền trong khu vực có thể thực hiện những hải trình rất dài mà không phải đi dọc theo bờ biển. Do vậy, về mặt chiến lược, Óc Eo là một địa điểm trung chuyển rất thuận lợi.
Nguon: www.thanhnien.com.vn