Từ khi xuất hiện cho đến nay, đồng tiền không chỉ dừng lại vai trò là vật trung gian kinh tế mà còn tham gia vào các hoạt động xã hội, tín ngưỡng khác. Từ mục đích thay thế vật trung gian, ban đầu con người lựa chọn vật có giá trị trao đổi sẵn có trong tự nhiên. Sau đó xuất hiện vật trung gian được chế tác ra với mục đích thay thế vật trung gian tự nhiên – đó là tiền. Tại Trung Quốc, vật trung gian ban đầu được sử dụng là vỏ sò. Vỏ sò dùng làm tiền ngày càng hiếm, sau này người ta dùng đá, gỗ, xương tạo nên hình con sò để thay thế.
Tài liệu khảo cổ học và dân tộc học ở Việt Nam cũng cho thấy, một số tộc người đã lấy ốc làm vật trung gian trao đổi. Hai con ốc tìm được bỏ trong hốc mắt của một sọ người ở ngôi mộ tại địa điểm Phai Vệ (Tuyên Quang) thuộc thời đại đồ đá mới là loại ốc Cypriea arabica, có thể đây là một loại tiền. Ốc sử dụng làm tiền còn được phát hiện ở các di tích xóm Thàm – Quảng Bình, Mán Bạc – Ninh Bình, Quảng Ninh thuộc giai đoạn hậu kỳ đá mới sơ kỳ kim khí. Đây có thể coi là giai đoạn nguyên thuỷ của tiền.
Đến tiền kim loại xuất hiện
Cùng với sự chuyển biến về kinh tế sản xuất, tiền kim loại xuất hiện, thay thế cho các loại tiền từ tự nhiên (vỏ ốc).
Tại Việt Nam, do điều kiện lịch sử từ những năm đầu Công nguyên đến năm 938 tộc người Việt bị đô hộ, nước ta trở thành quận, huyện của các triều đại phong kiến phương Bắc. Những đồng tiền sử dụng trong thời kỳ này đều do các triều đại phong kiến Trung Hoa chế tác.
Vào những năm trước Công nguyên có loại “đao tiền” thời Tây Hán. Tiền được chế tác bằng chất liệu sắt, có hình con dao nhỏ. Loại hình này cho đến nay tìm được không nhiều tại mộ Việt Khê (Hải Phòng).
Bên cạnh đao tiền còn có tiền Bán Lạng (nửa lạng), tiền Ngũ Thù. Tiền Bán Lạng tìm được tại nhiều khu vực được coi là những trung tâm kinh tế buổi đầu như: Luy Lâu (Bắc Ninh); Cổ Loa (Hà Nội); Đông Sơn (Thanh Hóa). Tiền Ngũ Thù tìm được nhiều tại các ngôi mộ cổ tại Đông Triều (Quảng Ninh), Luy Lâu, Tiên Sơn, Yên Dũng (Bắc Ninh) Hội Thống (Hà Tĩnh)… xa hơn là Điện Bàn; Hội An (Quảng Nam).
Sự có mặt rộng khắp của các đồng tiền Trung Quốc trên địa bàn nước ta đã nói lên sự giao lưu trao đổi khá phổ biến có tính khu vực hình thành nền kinh tế thương mại phát triển. Các triều đại về sau xuất hiện các loại tiền: Hoá tiền, Thái Bình Bách tiền, Đại tuyền ngũ thập… Đầu thế kỷ VII nhà Đường (năm 621), Đường Cao Tổ bắt đầu có sự cải cách lớn về hệ thống tiền tệ.
Trên đồng tiền đúc, ngoài niên hiệu, tiền có chữ thông bảo, trọng bảo như: Khai Nguyên thông bảo, Càn Nguyên trọng bảo. Cuộc cải cách này là cơ sở để các đồng tiền đúc về sau tuân thủ, mặc dầu mỗi thời đại có sự cách tân khác nhau.
Trong một nghìn năm Bắc thuộc có thể thấy đồng tiền lưu hành trong xã hội cơ bản là do các triều đại phong kiến Trung Hoa phát hành. Các đồng tiền này được chế tác từ kim loại đồng, hình tròn, giữa có lỗ vuông hoặc tròn tùy theo thời đại, trên tiền có đúc các dòng chữ biểu thị niên đại xuất hiện. Nhiều đồng tiền được chế tác chất lượng cao, tiền dày, chất lượng đồng tốt, chữ đúc gọn đẹp được người tiêu dùng ưa chuộng mãi về sau như đồng Khai Nguyên thông bảo.
Sau đây là một bộ phim hay về tiền tệ trong lịch sử Việt Nam do VTV thực hiện, các bạn có thể ấn vào từng video để xem tại đây:
Tiền tệ trong lịch sử Việt Nam – Phần I
Tiền tệ trong lịch sử Việt Nam- Phần II
Tiền tệ trong lịch sử Việt Nam- Phần III
Tiền tệ trong lịch sử Việt Nam- Phần IV
Tiền tệ trong lịch sử Việt Nam- Phần V
Tiền tệ trong lịch sử Việt Nam- Phần VI
Tiền tệ trong lịch sử Việt Nam- Phần VII
Tiền tệ trong lịch sử Việt Nam- Phần VIII
Nguồn: NTX sưu tầm và tổng hợp