Với tên gọi “Modigliani: tác phẩm chọn lọc”, cuộc triển lãm tranh được coi là tiêu biểu của bậc thầy hội họa Ý hiện đại đã phải hủy bỏ chỉ ba ngày trước khi bế mạc vì một cuộc điều tra cho thấy có tới gần một nửa số tranh được trưng bày là hàng giả. Tranh giả hiện là một vấn đề của thị trường tranh tại Việt Nam qua nhiều cuộc đấu giá tranh gần đây.

Cuộc triển lãm được tổ chức tại Cung điện – Bảo tàng Ducale ở thành phố Genoa của nước Ý khai mạc ngày 16-3 và dự kiến kéo dài đến hết ngày 16-7-2017, thế nhưng đến chiều 13-7-2017 thì đột ngột đóng cửa. Lý do: có tới 21 trong tổng số 50 bức tranh và phác thảo được mượn từ nhiều bộ sưu tập tư nhân ở châu Âu và Mỹ cũng như từ nhiều bảo tàng ở Mỹ, Ý, Pháp, Bỉ để trưng bày được coi là đồ dỏm!


Một trong số những bức tranh được khẳng định là giả mạo tác phẩm của Modigliani

Người phát hiện tranh giả tại triển lãm là nhà phê bình mỹ thuật Carlo Pepi, sau đó ông phàn nàn với Văn phòng Bảo vệ Di sản văn hóa Carabinieri (TPC), vốn được biết như một lực lượng “cảnh sát văn hóa” tại Ý. Và đơn vị nghiệp vụ chuyên môn sâu về tác phẩm mỹ thuật và cổ vật này vào cuộc. Sau khi điều tra, TPC đã buộc các nhà tổ chức và tài trợ cho triển lãm phải dừng ngay sự kiện này. Từ tháng 5-2017, ông Carlo Pepi đã báo động về sự xuất hiện của rất nhiều tranh giả tại triển lãm “Modigliani: tác phẩm chọn lọc”. Khi đó, theo ông, có ít nhất 13 tranh được treo là vẽ nhái phong cách của Amedeo Modigliani. Sự khẳng định của nhà phê bình nổi tiếng được tổ chức phi lợi nhuận trong lĩnh vực mỹ thuật là AiA (Authentication in Art – Sự xác thực trong nghệ thuật) đưa ra trong một bản tuyên bố. Chưa hết, một chuyên gia khác về Modigliani là nhà sử học nghệ thuật người Pháp Marc Restellini lên tiếng, bày tỏ sự quan tâm đối với các tranh giả mạo tại triển lãm ở Genoa. Trên Facebook của mình, ông Marc Restellini cho rằng số tranh đó “có vấn đề, đáng ngờ”.

Amedeo Clemente Modigliani, sinh năm 1884 và mất năm 1920 trong cảnh nghèo khó; nổi tiếng với những tranh chân dung với một phong cách độc đáo: nhân vật trong tranh được họa sĩ kéo dài đầu và cổ, đặc biệt là những tranh vẽ phụ nữ khỏa thân thật gợi cảm mà một trong những tác phẩm tiêu biểu là bức Khỏa thân nằm (Nu Couché – sáng tác năm 1917-1918) đã được bán với giá kỷ lục 170,4 triệu USD trong phiên đấu giá ngày 9-11-2015 tại nhà Christie’s New York. Do tranh của Modigliani có giá rất cao trên thị trường nên ông trở thành một mục tiêu phổ biến của bọn làm tranh giả, nhất là khi những kẻ xấu biết được sinh thời ông đã bán với giá rẻ mạt rất nhiều phác thảo và cũng chẳng quan tâm đến những gì đã bán cho ai, bán khi nào. Chính điều đó trở thành thách thức lớn đối với các chuyên gia mỹ thuật khi muốn chứng thực những tác phẩm ông đã để lại cho đời.

Trong khi đó, theo một “chuyên gia” vẽ tranh giả thuộc hàng “cao thủ” thì bất kỳ họa sĩ nào sống trong thế kỷ XIX hay thế kỷ XX đều có thể trở thành nạn nhân của thảm họa tranh giả, bởi rất dễ tìm mua hay tìm cách tái tạo các loại vật liệu hội họa gần gũi với những gì các họa sĩ sinh thời vẫn hay dùng để vẽ tranh. Chính vì thế mà tranh giả hoàn toàn có thể qua mặt được các thử nghiệm pháp lý. Điều đó được nêu rõ trong cuốn sách Nghệ thuật giả mạo: những khả năng, động cơ và phương pháp của các bậc thầy làm tranh giả (The Art of forgery: the minds, motives and methods of master forgers – NXB Phaidon Press, 2015) của tác giả Noah Charney. Theo vị giáo sư cũng là nhà sử học nghệ thuật Charney thì tranh in, đặc biệt là tranh in của Joan Miro, Marc Chagall, Picasso và Salvador Dali được làm giả nhiều nhất, kể từ khi công nghệ in laser phát triển, cho phép in thật hoàn hảo những bản chép lại tranh in của các bậc thầy nêu trên. Ngay cả tranh trừu tượng của Jackson Pollock tưởng khó làm giả nhưng kẻ xấu vẫn thường nhại, huống hồ là tranh của các họa sĩ trào lưu Ấn tượng vốn dễ làm giả hơn nhiều, theo nhận định của Anthony Amore, chuyên gia về an ninh trong lĩnh vực mỹ thuật.

Lê Bản 

Nguồn doanhnhanplus.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.