Vương quốc Champa đã kết thúc vai trò lịch sử của mình từ hàng trăm năm nay, nhưng huyền thoại về các kho vàng khổng lồ của người Chăm trên dải đất miền Trung Việt Nam thì vẫn được lưu truyền, không chỉ trong ký ức dân gian, mà cả trong những công trình khảo cứu nghiêm túc của các nhà nghiên cứu. Tuy nhiên, có hay không các kho vàng Champa vẫn là “một câu hỏi lớn, chưa lời đáp”.

Đầu tượng Siva bằng hợp kim vàng và bạc. Thế kỷ VII – VIII. Hiện vật của Bảo tàng Văn minh châu Á ở Singapore

 

Vàng của người Chăm

Trong tác phẩm Le Royaume de Champa (Vương quốc Champa) xuất bản tại Paris năm 1928, nhà khảo cổ G. Maspero dẫn một sử liệu Trung Hoa cho biết vào giữa thiên niên kỷ thứ I, vương quốc Champa đã nổi danh là một xứ sở giàu có với rất nhiều vàng bạc và đồ quý lạ. Năm 446, vua Nghĩa Long của Trung Hoa đã sai tướng Đoàn Hòa Chi chinh phạt Lâm Ấp (tên khác của Champa), thu được nhiều quý vật bằng vàng.

Toàn bộ quý vật này được đưa về Trung Hoa, nấu chảy và thu được 100.000 cân vàng nguyên chất.

Một bi ký có niên đại vào năm 875 phát hiện ở Phật viện Đồng Dương (tỉnh Quảng Nam) cho biết vua Indravarman II của Champa đã cúng dường cho Phật viện này một kosa (đầu tượng thần Siva) với “khuôn mặt bằng vàng”. Một văn bản cổ của Champa chép rằng vào năm 1194, hoàng tử Vidyanandana của Suryavarmadeva đã dâng hiến cho các vị thần ở thánh địa Mỹ Sơn (tỉnh Quảng Nam) một kosa với 6 khuôn mặt bằng vàng, nặng 510 thei.

 

D.G.E Hall trong cuốn History of South East Asia (Lịch sử Đông Nam Á) xuất bản tại London năm 1968 có phản ánh sự kiện thủy quân Java tấn công Champa và cướp đi một pho tượng Siva bằng vàng có kích thước lớn hơn người thật trong một ngôi đền ở Panduranga (Phan Rang).

 

Ch. Lemire trong tác phẩm Les tours Kiames de la province de Binh Dinh (Những tháp Chăm ở tỉnh Bình Định) xuất bản ở Sài Gòn năm 1890 thì mô tả: “Trong các tháp có các tượng, rất có thể chúng bằng vàng hoặc bằng bạc, có mắt bằng ngọc và răng bằng kim cương. Chúng đã bị lấy mất ngay từ đầu. Những tượng bằng đá có thể bị lấy đi ngay sau đó. Người ta đã đào các bức tường để bóc gỡ các tranh thánh đã được gắn vào đó. Còn ở tháp Bạc phô bày hàng loạt công trình đáng chú ý, phần lớn các tượng đều bằng vàng hoặc bằng đá thếp vàng”.

 

Một truyền thuyết khác cũng cho biết trên chóp đỉnh của hai tòa tháp Đôi ở Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) ngày xưa có 2 quả cầu lớn làm bằng vàng. Hai quả cầu này đã bị những thủy thủ trên một chiếc tàu đến từ châu Âu cướp mang đi mất sau một cuộc tấn công chớp nhoáng. Nhiều tư liệu thành văn đã phản ánh việc người Chăm sử dụng để vàng đúc tượng thần linh, làm phù điêu và dát vàng lên các tượng thờ để trang trí.

 

Những cuộc khai quật khảo cổ học tại các phế tích Champa ở miền Trung Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua đã phát hiện những cổ vật bằng vàng như: tượng thần, thắt lưng, vòng tay, vòng chân, bông tai, nhẫn, ấm chén, bình vôi, mâm, đĩa, bình hoa, hộp, dao, sách… cả những vật tế tự làm bằng vàng như buồng cau, lá trầu để cúng Thần, Phật… ẩn sâu trong lòng đất.

 

Tất cả những điều này cho thấy người Chăm xưa không quá đề cao giá trị của vàng, bởi họ sử dụng vàng rất phổ biến và với số lượng rất lớn trong các công trình kiến trúc, làm đồ tế tự, đồ trang sức và các tác phẩm nghệ thuật. Có lẽ, do người Chăm sống trong vùng đất được tạo hóa ưu đãi cho nhiều mỏ vàng với trữ lượng lớn, nên họ thỏa sức khai thác, tinh chế và sử dụng vàng để tạo tác những công trình kiến trúc và tác phẩm nghệ thuật để đời.

 

Khi vàng nở hoa

 

Từ nguồn vàng thiên phú, người Chăm đã phát triển nghề kim hoàn đạt đến những thành tựu rực rỡ, đặc biệt là trong các thế kỷ V – XIII. Sự phong phú về số lượng và đa dạng về loại hình của đồ trang sức bằng vàng của người Chăm là những minh chứng đầy thuyết phục cho nghệ thuật kim hoàn Champa.

Khác với người Việt, người Chăm không chỉ chế tác đồ trang sức cho con người mà còn làm cho cả thần linh. Trên các linga-kosa, bộ ngẫu tượng tượng trưng cho sinh thực khí của phái nam có gắn đầu thần Siva, trang sức bằng vàng được người Chăm ưu ái trang điểm cho thần Siva. Đó là các dải yếm nạm ngọc và đá quý dùng để viền quanh cổ tượng thần Siva; là những đôi hoa tai hình chim công và những vật trang sức hình hoa mai bốn cánh bằng vàng đeo ở tai thần Siva; là những chiếc bao dệt bằng sợi vàng bao quanh búi tóc của vị thần quyền uy bậc nhất trong tín ngưỡng của Hindu giáo này.

 

Đồ trang sức bằng vàng dành cho con người cũng không kém phần phong phú. Đó là những hạt chuỗi bằng vàng hơn 1600 năm tuổi được đúc rất khéo; là những chiếc nhẫn gắn hình bò thần Nandin hay những chiếc nhẫn có mặt chạm trổ hình những bông hoa, hình chim thần Garuda khảm đá quý và thủy tinh. Đó là những đôi hoa tai có chốt xoay, ảnh hưởng của văn hóa Óc Eo đến từ phương Nam; là những đôi khuyên tai gắn 10 núm vàng được kết hợp giữa kỹ thuật đúc và nghệ thuật chạm trổ vô cùng tinh xảo. Đó là chiếc vòng tay chạm nỗi hình dãy vú liền kề giống như dải vú có trên đế chiếc bệ thờ Trà Kiệu nổi tiếng ở Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, phản ánh tín ngưỡng phồn thực của người Chăm. Đó là những chiếc vật trang sức hình cánh hoa dài, cánh hoa đầu tròn, cánh hoa đầu nhọn… với nhiều loại kích thước và nhiều kiểu hoa văn trang trí dùng để điểm tô cho những bộ trang phục mà các vị Thần – Vua của Champa phục trang trong những dịp hiến tế thần linh. Đó còn là những vật trang sức hình hoa sen, có gắn những viên đá quý nhiều màu hay những vật trang sức hình cây trầm hương mà công năng của chúng vẫn đang là điều bí ẩn với nhiều nhà khảo cứu.

 

Vậy là, trong khi huyền tích về những kho vàng bí ẩn của vương quốc Champa xưa vẫn chưa được hé mở, thì có một sự thật hiển nhiên đã được người Chăm thể hiện trên những món trang sức hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm tuổi. Đó là: họ đã biết cách làm cho vàng nở hoa để phục vụ cho đời sống tâm linh của cả dân tộc Champa, cũng như để làm đẹp cho bản thân từng người./.

Trang sức hình bình hoa, phát hiện ở Đồng Dương, Thăng Bình, Quảng Nam. Thế kỷ IX – X

Chiếc trâm hình bông hoa, phát hiện ở Đồng Dương, Thăng Bình, Quảng Nam.  Thế kỷ IX – X.
Nhẫn bò Nandin. Thế kỷ III – VIII
Nhẫn nạm hạt thủy tinh xanh, phát hiện ở Bồng Sơn, Bình Định. Thế kỷ XII – XIII

Sưu tập trang sức hình cánh hoa và hình hoa sen nạm đá quý. Thế kỷ XIII – XIV.

Dải yếm trang trí ở cổ thần Siva trong bộ Linga-kosa, phát hiện ở Đồng Dương, Thăng Bình, Quảng Nam. Thế kỷ VIII.

Khuyên tai có chốt xoay, phát hiện ở Tuy Hòa, Phú Yên. Thế kỷ III – VII.

Trang sức hình cánh hoa thân dài cỡ lớn, phát hiện ở Đồng Dương, Thăng Bình, Quảng Nam. Thế kỷ IX-X.

Trang sức hình cánh hoa đầu nhọn cỡ lớn, phát hiện ở Đồng Dương, Thăng Bình, Quảng Nam. Thế kỷ IX-X
Trang sức hình cánh hoa đầu tròn cỡ lớn, phát hiện ở Đồng Dương, Thăng Bình, Quảng Nam. Thế kỷ IX-X.

 

Bài: Trân Huyền

Ảnh: Trân Huyền, Philippe Truong, Vũ Kim Lộc

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.