Tín Ngưỡng Vãng Sinh ở người Ai Cập Cổ Đại
Sống và chết là một vấn đề trọng đại của kiếp người. Hầu như tất cả các tôn giáo ra đời cũng vì do đó. Tín ngưỡng của Ai Cập cổ đại không thoát ra khỏi quy luật tâm thức tất yếu của loài người, tức trả lời câu hỏi: “Sau khi chết con người đi về đâu và sẽ ra sao?”, và hẳn nhiên nó gắn liền với nơi gửi thân xác của các Pharaohs sau khi băng hà: Kim Tự Tháp. Cho nên không thể không hiểu về nền văn hóa tín ngưỡng này khi đi lần mò vào những bí ẩn cửa Kim Tự Tháp.
Tín ngưỡng, hay cao hơn là một tôn giáo, là sản phẩm tâm thức suy tưởng của con người về cuộc sống trong trạng thái hướng về siêu nhiên. Nhưng sự trầm tư suy tưởng đó không thoát rời khỏi thực tế cuộc sống đang diễn ra trước mắt. Khi con người đứng trước một ngọn núi hung vĩ, trong tâm thức thấy mình nhỏ bé và yếu ớt trước sự vĩ đại của thiên nhiên, đã suy tưởng đến vị sơn thần đầy quyền phép. Không có ngọn núi đó không có vị sơn thần, tương tự người dân sống vùng hải đảo không núi non chẳng hề có sơn thần trong tâm thức mà thay vào đó là hải thần.
Người Ai Cập cũng vậy. Họ sống trong một bối cảnh tự nhiên hàng năm con sông Nil cứ dâng lên tràn ngập các cánh đồng. Tự nhiên có những trùng hợp của nó: thời điểm con nước sông Nil tràn bờ chính là lúc sao Sirius bắt đầu xuất hiện trên bầu trời Ai Cập. Kinh nghiệm tồn tích cho người Ai Cập cổ đại biết cứ đến lúc sao Sirius mọc ngay trước Mặt trời ló dạng là vào mùa lũ lụt. Nên họ sao này là Sao sông Nil hoặc gán cho vị thần Isis (gọi là Sao Isis). Việc thờ cúng sao Sirius được hình thành vào một thời điểm nhất định trong năm, tương tự như vùng Á Đông tế Nam giao vậy. Từ thời cổ đại người Ai Cập đã xây dựng ngôi đền Isis-Hathor ở Denderah. Tại ngôi đền này có ngôi tượng thần Isis, hướng về phía sao Sirius sẽ mọc lần đầu tiên trong năm, ngôi sao sẽ xuất hiện ngay điểm ngắm hòn ngọc đính trên tượng thần. Hàng năm các tu sĩ Ai Cập sẽ ngắm vào hòn ngọc đó chờ sự ló lên của sao Sirius ngay vị trí này và loan báo cho mọi thần dân biết.
Thần Isis, hay thần sao Sirius, là nữ thần sáng tạo chủ về sự phồn vinh và tình mẫu tử. Trong Tử Thư Ai Cập, thần Isis được ghi chép “Là nữ thần đã sinh ra Trời và Đất; Thần thấu hiểu cho cô nhi quả phụ, ban công lí cho người nghèo, và che chở kẻ yếu”. Cuộc sống sau khi chết sẽ trải qua nhiều giai đoạn cam go chép trong các kinh thư về cái chết và họ cầu mong nữ thần Osis che chở cho họ.
Kinh thư về cái chết có thể kể đến là:
– Tử Thư Ai Cập: phiên bản cổ nhất cuốn sách này có niên đại vào khoảng những năm 1580-1350 trước Công nguyên, tập hợp lại từ hai bộ Quan Quách Thư, là sách chép lạo các bản văn khắc chạm trên quan quách các Pharaohs (năm 2000 trước Công nguyên) và Kim Tự Tháp Thư, các văn bia chạm trên vách Kim Tự Tháp (khoảng năm 2600-2300 trước Công nguyên).
Trong sách ghi lại các kinh, thần chú và những chỉ dẫn cho người quá cố đến cuộc sống khác sau khi chết. Trông sách cũng nói về các thử thách đối với người chết trước sự phán xét của thần Phán xét Thoth. Một trong những thử thách là cân trái tim người chết với một cọng lông hồng. Nếu người chết càng nhiều tội lỗi thì sẽ càng nặng hơn cọng lông. Nếu tội lỗi quá nhiều quỷ Ammit sẽ ăn mất quả tim bất chính đó. Trái tim là nơi chứa đựng tâm linh nên khi đó linh hồn sẽ bị lạc lỏng trầm luân. Còn nếu là tâm hồn chân chính sẽ được thần Anubis phết tẩm hương thơm để sống cuộc sống vĩnh hằng. Tục ướp xác (tẩm hương thơm bảo quản xác chết) từ tín ngưỡng này mà ra đời.
Để tránh điều đó, Tử Thư chỉ dẫn những cách tổ chức lễ nghi cúng tế và an táng người chết, cùng các thần chú bảo vệ vong linh. Các chỉ dẫn này được minh họa rất nhiều hình ảnh, đó chính là nét đặc sắc chung của cổ thư Ai Cập.
– Quan Quách Thư (coffin texts): hay còn gọi là Sách Hai Con Đường (The Book of Two Ways): hồi sinh và lên trời. Quan Quách Thư là những bản khắc trên quan quách có từ thời các Thời vương quốc cổ (năm 2500-2100 trước Công nguyên), phát triển mạnh vào thời vương quốc thứ hai (năm 1975-1640 trước Công nguyên) cùng với việc xây dựng rầm rộ các Kim Tự Tháp vào thời đó. Chủ yếu là những câu thần chú bảo vệ các vong linh.
Bộ các bản khắc trên quan quách cổ nhất được tìm thấy ở ốc đảo Dakhla, có niên đại vào thời vương quốc cổ; bản ở Saqqara thuộc triều đại thứ 8; còn bản tìm thấy ở vùng châu thổ Aswan thuộc triều đại thứ 12.
– Kim Tự Tháp thư (Pyramid Texts): là những bức chạm chữ cổ Ai Cập và hình ảnh minh họa trên vách nội thất các Kim Tự Tháp. Dĩ nhiên niên đại của nó cũng là niên đại của Kim Tự Tháp, bộ cổ nhất có từ thời vương quốc cổ (năm 2500-2100 trước Công nguyên). Những bản khắc trên vách này miêu tả cuộc sống sau cái chết của con người dưới góc nhìn của người Ai Cập thời đó.
Nội dung đáng chú í là chủ đề “Mở cánh cửa kép của Thiên đường” Người qua đời phải biết nương theo những vì tinh tú, như những nấc thang, để lên đó. Cùng với cách thức để mở cánh cửa Thiên đường, nơi họ sẽ sống mãi mãi.
Cách bố cục của những kinh sách này có nét hao hao ở các bộ kinh Vệ Đà của Ấn Độ. Kinh Vệ Đà cũng có nhiều bộ, có bộ nặng về các thần chú (Sâma Véda tức Sa-ma Vệ-đà 沙摩吠陀; Hán dịch “Ca Vịnh Minh Luận”), có bộ nặng về các nghi lễ cúng tế (Yajur Véda tức Dạ-nhu Vệ-đà 夜柔吠陀; Hán dịch “Tế Tự Minh Luận”), … Tuy nhiên bộ kinh Vệ Đà có niên đại trễ hơn nhiều (vài trăm năm, thậm chí cả ngàn năm).
1.- Từ tín ngưỡng vãng sanh …
Người Ai Cập cổ đại tin hai điều: có sự hồi sinh sau khi chết một thời gian và một cuộc sống khác trên thượng giới. Cái chết đối với họ chỉ là một sự gián đoạn tạm thời của sự sống chứ không là sự chấm dứt mãi mãi.
Nếu chỉ là tạm thời tức có lúc phải hồi sinh. Khi hồi sinh đòi hỏi trước tiên thân xác phải còn nguyên vẹn: tục ướp xác ra đời và gắn liền với kiến trúc Kim Tự Tháp. Xuất phát từ quan niệm tín ngưỡng nên kỹ thuật ướp xác không thoát rời khỏi các lễ nghi tôn giáo về tang ma. Và như đã nói ở trên, ướp xác nghi thức thừa nhận người đã khuất có tâm hồn thánh thiện của thần Anubis, tức được thừa nhận một cuộc sống mới vĩnh hằng.
Một nghi thức tang ma tiến hành đồng thời với các công đoạn ướp xác kéo dài 70 ngày. Trước khi tiến hành ướp xác các tu sĩ sẽ làm một số lễ nghi tôn giáo suốt 7 ngày. Sau đó, các cơ quan nội tạng được lấy ra khỏi cơ thể, riêng não lấy ra vào đường lỗ mũi. Phần còn lại của thân xác được làm khô trong hỗn hợp muối natron. Khi đã hoàn thành việc ướp xác, thi hài sẽ được quấn trong các lớp vải và phết các chất thơm, rồi đặt vào trong chiếc quan tài mang hình người. Nội tạng lấy ra trong cơ thể không bỏ đi mà cất giữ trong bốn chiếc tiểu (canopic jars) làm bằng đất nung hay bằng đá đục. Bốn chiếc bình này có nắp chạm hình đầu người, đầu khỉ, đầu chim ưng và đầu chó rừng. Đó là 4 con trai của thần Horus có nhiệm vụ bảo vệ linh hồn người chết.
Tiểu đựng nội tạng xác ướp
Quan tài hình người
Chiếc quan tài đó lại được đặt trong một cái quách bằng gỗ hay bằng đá có khắc chạm những câu phù chú như đã nói ở phần Quan Quách Thư.
Quách đựng quan tài bên trong
Cũng cần nói thêm khi quấn vải cho xác ướp xong người ta còn đeo thêm cho xác ướp một chiếc mặt nạ. Theo phong tục Ai Cập, chiếc mặt nạ này phải chạm giống khuôn mặt của người đã qua đời. Họ cho rằng chiếc mặt nạ này làm linh hồn người chết thêm vững mạnh khiến ma quỷ phải sợ hãi tránh xa.
Mặt nạ xác ướp
Khi thực hiện nghi thức ướp xác, vị tu sĩ phải đeo mặt nạ thần đầu chó rừng Anubis (con của thần Orisis; vị thần bảo hộ người chết và mang người chết về bên kia thế giới). Vị tu sĩ sẽ đọc những đoạn kinh nói về sự phán xét nơi bên kia thế giới, kể cả việc thần Anubis tẩm hương thơm cho vong linh người ngay thẳng. Tiếp đến là việc bọc vải và tẩm hương vào xác ướp. Khi việc xác ướp hoàn tất, vị tu sĩ sẽ đọc những đoạn kinh nói về các vị thần trên trời nương theo tinh tú di chuyển như thế nào và hướng dẫn vong linh người chết theo đó mà lên trời. Đường di chuyển đó trọng tâm noi theo thần Mặt trời Ra vào ban ngày, và thần Isis (tức sao Sirius) vào ban đêm.
Pharaohs được người Ai Cập cổ đại tin là hóa thân của một vị thần, tương tự như Đạt Lai Lạt Ma ở Tây Tạng hay Nữ Thần sống Kumari ở Nepal. Với vị thế tâm linh đó, lễ tẩn liệm một vị pharaoh phải do tu sĩ Ai Cập cao cấp nhất cử hành.
2.- … đến cấu trúc Kim Tự Tháp.
Kim Tự Tháp vừa là lăng mộ vừa là nơi thờ một vị pharaoh. Xin nhắc lại; theo tín ngưỡng Ai Cập cổ đại, mỗi vị pharaoh là hóa thân của một vị thần, nên Kim Tự Tháp có cấu trúc như một đền thờ.
Đền thờ ở Ai Cập tuân thủ theo giới luật Maat, nếu không thì thần linh không ngự trị trong ngôi đền nữa vì đền thờ là trung tâm của vũ trụ và là nơi giao tiếp với thần linh. Giới luật này còn quy định ngôi đền Ai Cập phải có 2 khu: khu ngoài dành cho tín đồ và các tu sĩ cấp thấp; khu trong chỉ có các vị tu sĩ cao cấp mới được vào. Đặc biệt phòng trong cùng chỉ có vị giáo chủ và pharaoh mới được phép. Chính nơi phòng trong cùng đó chứa đựng nhiều thư tịch bí truyền và tượng thần linh. Con đường dẫn vào các khu là những hành lang (galaries) chạm đầy hình ảnh và có các pho tượng dọc hai bên.
Thường ở hành lang Kim Tự Tháp không có tượng thần nhưng có nhiều hình khắc mô tả cuộc sống sau cái chết cùng các kinh văn liên quan (nhất là ở các gianphòng bên trong Kim Tự Tháp). Nó như là kim chỉ nam để các pharaoh không lạc lối khi tìm đường về trời.
Nội thất Kim Tự Tháp cũng theo mô thức đó, cũng có tượng nhân sư phía trước như nhiều khu đền (tiêu biểu là đền Luxor ở Thebes). Tuy nhiên hình thái tổng quan bên ngoài không giống đền thờ như chúng ta thấy. Xây dựng thành hình chóp bốn mặt tam giác ắt phải có một í nghĩa nhưng đến nay chưa có lời giải đáp thỏa đáng vì sao.
Khu ngoài Kim Tự Tháp chính là gian sảnh đã mô tả trong hình vẽ ở “Lời Nói Đầu”, và thay cho phòng trong cùng của đền thờ là nơi để xác ướp của pharaoh. Bên dưới nữa thường có một gian ngầm, có Kim Tự Tháp gian ngầm đó được đào sâu đến tầng đá móng của Trái Đất. Theo các nhà nghiên cứu gian ngầm dùng để chứa các báu vật mang theo cho các vị pharaohs sử dụng. Nhiều Kim Tự Tháp có bố trí cả những gian quàng thu hài hoàng hậu và phi tần nằm một bên phòng quàn xác ướp pharaoh.
Kim Tự Tháp thường có hai đường ống thông chỉa thằng lên phương bắc bầu trời (bắc thiên cầu). Một đường ống đi vào phòng của hoàng hậu nằm ở dưới và một đường ống đi vào phòng quàn xác ướp Pharaoh nằm ở trên.
Bắc thiên cầu là nơi hội tụ chòm sao Bắc Đẩu mà người Ai Cập gọi là những vì sao bất tử bởi nó luôn luôn xuất hiện chứ không lặn đi như một số tinh tú khác. Đường ống hướng đến chòm Bắc Đẩu luôn xuất phát từ phòng quàn xác ướp Pharaoh, người Ai Cập tin rằng đó là những bậc cầu thang đưa vị Pharaoh băng hà lên trời. Nơi thần linh ngự chính là vùng cực bắc thiên cầu mà người Trung Hoa gọi đó là Tam Viên.
Tuy nhiên đây chỉ là những kiến thức sơ đẳng về Kim Tự Tháp. Cho đến ngày nay loại kiến trúc này vẫn còn tồn đọng nhiều ẩn số làm các nhà khoa học nát óc.
Các Kim Tự Tháp ở Ai Cập
Kim Tự Tháp ở Ai Cập quả là kiến trúc quá kỳ bí trước mắt mọi người, kể cả các nhà khoa học. Chúng đồ sộ đến mức người ta luôn đặt câu hỏi với phương tiện thô sơ thời xưa làm sao người Ai Cập có thể xây dựng được. Nhiều giả thuyết được đặt ra về cách xây dựng chúng sẽ đề cập ở Bài 3, song song đó có những huyền thoại được dựng lên nhằm giải thích Kim Tự Tháp. Tựu trung có hai huyền thoại được nhắc đến nhiều:
– Cư dân lục địa huyền thoại Atlamtis của Platon di dân đến Ai Cập sau khi lục địa này chìm. Họ dựng Kim Tự Tháp theo mẫu hình ở quê cũ;
– Do người ngoài Trái đất ghé lại và dựng lên.
Cả hai huyền thoại này ngoài việc thiếu cơ sở chứng cứ, vả lại còn có một mâu thuẫn mang tính lịch sử để bác bỏ: sự hình thành Kim Tự Tháp có một diễn trình nhất định qua các khảo cứu khai quật. Các Kim Tự Tháp hình chóp đúng nghĩa không đột nhiên xuất hiện trên đất Ai Cập mà là sự biến đổi dần từ hình thái thấp đến cao.
Vào thời tiền sử, các di chỉ khảo cổ cho thấy các thủ lãnh bộ lạc được chôn trong các hố ở sa mạc. Do điều kiện khí hậu nóng và khô ráo các thi hài thường khô đét lại thành xác ướp tự nhiên. Có lẽ vì hiện tượng này mà tín ngưỡng ướp xác ra đời.
Dưới con mắt thần quyền của người Ai Cập cổ đại, các thủ lãnh là hiện thân cho thần linh nên không thể vùi xác trong hố cát mãi. Họ đã dựng lên một gò mộ vuông vức cho các vị này vào Sơ kỳ thời Triều đại (năm 3000-2500 trước Công nguyên) bằng đất bùn phơi khô. Với loại vật liệu này các ngôi mộ không thể trụ đứng được với thời gian cho chúng ta ngày nay chiêm ngắm, nhưng các khai quật khảo cổ ở Nagada và Hierakonpolis đã chứng minh sự tồn tại của chúng vào thời kỳ này. Các khai quật cũng cho thấy người Ai Cập thời ấy bắt đầu có tục thờ thần Âm phủ Orisis (như Diêm Vương theo tín ngưỡng người Việt và người Hoa). Điều này chứng tỏ tín ngưỡng vãng sinh Ai Cập đã manh nha, nghĩa là họ đã có ý niệm tâm linh khá rõ về cái chết cách nay gần 5.000 năm.
Đến cuối thời Sơ kỳ Triều đại bước sang Thời vương quốc cổ (năm 2500-2100 trước Công nguyên) mới có những lăng mộ vững chắc mang hình thái của ngôi đền. Tại Meidum vẫn còn một lăng mộ được các nhà nghiên cứu cho rằng có lẽ của Pharaoh Snofru (triều đại thứ 4 thời Vương quốc cổ).
Lăng mộ này có những đàn tế nhỏ hình vuông ở trên nóc nên có thể coi là tiền thân của loại Kim Tự Tháp bậc thang thời Vương quốc cổ. Trước di tích này còn có nhiều lăng mộ của các pharaohs khác (triều đại 1,2 và 3) đơn giản hơn và ít kiên cố hơn, nay chưa phát hiện ra. Cho thấy Kim Tự Tháp là loại hình lăng mộ được phát triển từ đơn giản đến phức tạp, diễn trình của chúng tuân theo sự tiến hóa tâm linh thời Ai Cập cổ đại.
Qua thời Vương quốc cổ các pharaohs có quyền lực của một quân vương đúng nghĩa. Các vị này nắm giữ trong tay toàn bộ tài lực và nhân lực của Ai Cập với cơ chế quân chủ thần quyền. Quy mô tổ chức xã hội nhờ đó khá hoàn thiện và Kim Tự Tháp bậc thang với đòi hỏi tập trung tài nguyên và sức người cao đã ra đời. Trong cuốn The Penguin Historical Atlas Of Ancient Egypt – 1996, tác giả Bill Manley viết: “Thực sự nhiều dinh thự to lớn nhất trên đất nước do hoàng tộc triều đại thứ 3 và thứ 4 chiếm giữ, trong số đó có các tể tướng (vizirs) của triều đình. Nếu đây là mốc phù hợp để ấn định bước khởi đầu Thời Vương quốc cổ, vậy chắc hẳn Kim Tự Tháp bậc thang Negerykhet (hay còn có tên là Djoser) là Kim Tự Tháp bậc thang lớn và cổ nhất ở các phức hợp Kim Tự Tháp Sakkara được dựng lên dành cho các vị thánh vương”[1]. Thế là từ gò mộ, sau khi chuyển tiếp lên thành đền thờ, đã bước đầu biến thành Kim Tự Tháp bậc thang.
Sau Kim Tự Tháp bậc thang là Kim Tự Tháp mặt cong (bent pyramid), một hình thái trung gian của Kim Tự Tháp hình chóp đúng nghĩa. Sự chuyển tiếp này không rõ vì yếu tố tâm linh gì, nhưng rõ ràng cho thấy trình độ kiến trúc thời đó đã có một bước tiến đáng kể. Với hình thái vuông vức rõ ràng dễ xây dựng hơn mặt cong.
Cuối cùng là Kim Tự Tháp hình chóp như chúng ta thường nghĩ. Loại Kim Tự Tháp này có mặt nhẵn bao gồm 4 mặt tam giác hội tụ ở đỉnh trên một đáy hình vuông. Từ mặt cong qua mặt nhẵn đòi hỏi một quá trình tích lũy kiến thức xây dựng lớn và lâu dài. Tiêu biểu Kim Tự Tháp hình chóp là Kim Tự Tháp Lớn Kheops (xem ở phần dưới).
Nhà Phật thường nói: “Có sinh ắt có diệt”, quy luật này đúng với Kim Tự Tháp. Đến thời Vương quốc mới (triều đại 18, 19 và 20) Kim Tự Tháp không được huy động xây dựng nữa, các pharaohs được mai táng trong cách hầm khoét sâu vào vách đá, như ở Thung Lũng Các Vì Vua ở Thebes (vùng Thượng Ai Cập) và Thung lũng Các Bà Hoàng. Khu di tích Thung Lũng Các Vì Vua có 62 ngôi mộ táng trong vách đá và được UNESCO công nhận là Di Sản Văn Hóa của nhân loại.
Hình như sự thay đổi này không do yếu tố tín ngưỡng, mà do yếu tố chính trị xã hội. Triều đại lúc bấy giờ suy yếu, quyền lực bị phân tán và xã hội bất ổn. Việc xây dựng Kim Tự Tháp tốn hao nhiều tài nguyên không thể thực hiện được.
Cho đến nay, giới nghiên cứu cho biết có nhiều quần thể Kim Tự Tháp dọc bên bờ sông Nil. Ở bài này đề cập đến các khu:
– Quần thể Kim Tự Tháp ở Abu Rawash
– Quần thể Kim Tự Tháp ở Abusir
– Quần thể Kim Tự Tháp ở Dahshur
– Quần thể Kim Tự Tháp ở Fayoum
– Quần thể Kim Tự Tháp ở Giza
– Quần thể Kim Tự Tháp ở Saqqara
A.- Quần thể Kim Tự Tháp ở Abu Rawash: Khu Kim Tự Tháp này tuy nằm cách khu Kim Tự Tháp Giza vài cây số về phía Bắc nhưng ít người lai viếng vì còn quá ít điều để tham quan. Khu này hiện chỉ có Kim Tự Tháp Djedefre đáng chú ý , nhưng lại là phế tích. Còn cái gọi là và Kim Tự Tháp Lepsius chỉ là gò xây bằng gạch bùn.
1.- Kim Tự Tháp Djedefre: nguyên thủy cao 67m hiện hư hại nhiều, hiện chỉ còn là một đống đá di chỉ. Pharaoh Djedefre là triều vua thứ 3 của triều đại thứ 4, con trai của Pharaoh Khufu.
Dẫn vào Kim Tự Tháp có một con đường đắp cao từ hướng Đông-Bắc dẫn đến, cuối đường là lớp tường bao nay đã sụp lỡ nhiều đoạn. Bên trong khuôn viên có miếu thờ ở phía Đông và Kim Tự Tháp vệ tinh ở phía Nam. Kế miếu thờ có hố thuyền. Cũng như phần lớn các Kim Tự Tháp khác, phần lõi được xây dựng bằng loại đá từ nơi khác chuyển đến, còn phần ngoài làm bằng đá địa phương.
Bên trong khuôn viên tường bao người ta tìm thấy các mảnh vỡ của độ chừng 120 bức tượng, chủ yếu tạc hình pharaoh Kjedefre ngồi trên ngai vàng. Độ ba đầu tượng này được tìm thấy, một đang cất giữ ở Viện Bảo Tàng Louvre ở Paris và một ở Viện Bảo Tàng Ai Cập Cổ Đại ở Cairo.
Các nhà nghiên cứu từng cho rằng các pho tượng này bị người anh em cùng cha khác mẹ đồng thời cũng là người nối ngôi vị pharaoh Khafre phá hủy để báo thù cho người anh cùng cha khác mẹ khác là Kauab bị Kjedefre giết giành ngôi. Tuy nhiên giả thuyết này bị nhiều người phản bác, cho rằng các ngôi tượng bị các cư dân trong dùng phá hủy dần dà theo thời gian vì được bảo vệ kém (Kim Tự Tháp này nằm khác biệt lập)
2.- “Kim Tự Tháp” Lepsius: thực ra đây chỉ là kiến trúc bằng đá bùn nằm ở cực đông mũi đất nhiều gò núi, được đoàn khảo sát Lepsius phát hiện và họ tin rằng đó là Kim Tự Tháp. Nói đúng ra kiến trúc này đã được J. Perring phát hiện từ thập niên 1830, sau đó được Bisson de la Roque khảo sát chi tiết thêm và gần đây được nhà khảo cổ học Ai Cập NabilSwelim hoàn tất công trình nghiên cứu hồi giữa thập niên 1980.
Đây có phải là Kim Tự Tháp hay không vẫn còn là đề tài gây tranh cãi. Nhóm của nhà nghiên cứu Verner cho là không phải, còn nhóm của Lehner cho là Kim Tự Tháp bậc thang cấp tỉnh lẻ [2].
Có nhà nghiên cứu cho rằng kiến trúc này được dựng lên vào cuối triều đại thứ 3 (như trình bày ở trên là giai đoạn chưa có dấu hiệu rõ nét có sự xuất hiện Kim Tự Tháp), nhưng Verner cho rằng ít nhất phải vào triều đại thứ 5 hay thứ 6 (tức trễ hơn) và luận chứng rằng lõi của nó có khối đá mang từ nơi khác đến theo truyền thống Kim Tự Tháp. Hiện nay một số nhà nghiên cứu tin nó là Kim Tự Tháp của Pharaoh Huni, hoặc giả là Pharaoh Neferka vì một số điểm sau:
Trong Kim Tự Tháp này có một khối đá mang từ nơi khác đến và gạch làm bằng đất bùn xây lên trên với độ nghiêng 75-76 độ. Với độ nghiêng này theo lý thuyết lúc ban đầu nó phải cao 107 đến 150 m. Một hành lang dốc 25 độ theo trục Bắc-Nam dẫn xuống phòng mộ hình vuông và phòng mộ được bố trí theo trục đứng so với Kim Tự Tháp như thường thấy ở những cái khác.
Chú thích;
[1] In fact, many of the highest offices of the land were occupied by members of the royal family itself-including most of the vizirs of the 3rd-4th Dynasties. If there is a convenient marker for the beginning of the Old Kingdom, then it is surely the Step Pyramid of Negerykhet (Djoser) at Sakkara, the earliest of the vast pyramid complexes of the god-kings.
[2] Kim Tự Tháp tỉnh lẻ, theo các nhà Ai Cập học, là những Kim Tự Tháp nhỏ, hình bậc thang và không làm lăng mộ.
B.- Quần thể Kim Tự Tháp ở cao nguyên Giza:
Cao nguyên này nằm ven thủ đô Cairo của Ai Cập, cách khoảng 25 km về hướng Tây Nam. Nguyên xưa nơi này có một thành phố cổ tên là Giza, bên bờ sông Nil. Nơi đây nổi tiếng với Kim Tự Tháp lớn Giza (tức Kim Tự Tháp Cheops) được coi là một trong 7 kỳ quan cổ đại của thế giới và tượng nhân sư khổng lồ. Điều đáng nói là 6 kỳ quan cổ đại kia không còn nữa và chỉ biết qua lời truyền tụng trong sách vở thì Kim Tự Tháp Giza vẫn sừng sửng như thách đố thời gian.
Cao nguyên thung lũng[1] Giza 11 Kim Tự Tháp, 4 ngôi đền và 3 miếu đường. Đường vào khu vực này có 3 ngã. Ở đây chỉ giới thiệu 3 Kim Tự Tháp nổi tiếng của ba đời vua liên tiếp nhau: Khufu, con trai là Khafre và cháu nội Menkaure.
1.- Kim Tự Tháp Giza, tức Kim Tự Tháp Cheops:
Kim Tự Tháp này còn gọi là Kim Tự Tháp Khufu vì được dựng lên để làm nơi an nghỉ cho vị vua này. Đây là Kim Tự Tháp cổ nhất và vĩ đại nhất trong số ba Kim Tự Tháp nổi tiếng ở quần thể này.
Pharaoh Khufu là vị vua triều đại thứ 4. Theo truyền tụng ông đã huy động nhân lực xây dựng Kim Tự Tháp này mất 14-20 năm. Đó là thời gian vào khoảng những năm 2560 trước Công nguyên. Sự to lớn của công trình được thực hiện vào thời đại ấy quả làm chúng ta kinh ngạc.
Kim Tự Tháp Khufu là công trình cao nhất do nhân loại dựng lên và vững tồn suốt 3800 năm nay. Người ta tin rằng kiến trúc sư của công trình là vị tể tướng (âm tiếng Ai Cập là vizier) tên là Hemon chỉ huy. Thuở ban đầu Kim Tự Tháp này cao 146,6 m, nhưng do bị xói mòn nên nay chỉ còn cao 138,8 m. Đáy của nó ghép 440 khối đá vôi, mỗi khối đá vuông vức 0,524 m. Người ta tính ra công trình này ngốn 5,9 triệu tấn đá vôi, chiếm thể tích 2.500.000 m3. Như vậy nếu thời gian dài 20 năm thì mỗi ngày sử dụng hết 800 tấn đá, chỉ khai thác và di chuyển bằng thủ công và công cụ thô sơ.
Những khối đá này được đặt chồng lên nhau rất khít tạo thành một công trình rất chuẩn về mặt phương hướng theo tín ngưỡng Ai Cập cổ đại. Công trình nghiên cứu của nhà Ai Cập học Flinders Petrie kéo dài 2 năm liền (1880-82) cho thấy các Kim Tự Tháp và đền thờ ở vùng này dĩ nhiên có cả Kim Tự Tháp Khufu) đều trực chỉ về hướng chính Bắc với độ lệch 4 phút về hướng Tây. Lại nữa, các cạnh của đáy Kim Tự Tháp chỉ sai biệt nhau có 58 mm và lệch góc 1 phút độ. Điều này cho thấy vào thời đó trình độ đo đạc và định phương hướng của Ai Cập đạt trình độ rất cao.
Mặt ngoài Kim Tự Tháp có lát một lớp đá bao làm nhẵn bề mặt nhưng thời gian đã làm bong tróc nhiều (ở hình 1 chỉ còn một phần trên chóp). Đặc biệt trận động đất lớn năm 1301 sau Công nguyên góp phần làm bong lở thêm rất nhiều.
Các bố trí nội thất theo khuôn phép tín ngưỡng của Ai Cập cổ đại. Cũng có các hành lang, phòng Pharaoh, phòng Hoàng hậu, phòng ngầm và ống thông chỉa thẳng lên thiên cực bắc của bầu trời.
Tuy nhiên theo truyền thống Kim Tự Tháp Ai Cập, phần lõi bên trong làm bằng đá di chuyển từ nơi khác đến. Phòng Pharaoh làm bằng thứ đá granite đỏ lấy tận vùng Aswan, đầu nguồn sông nil, cách đó trên 900 km. Howard Vyse ước lượng phòng này làm từ 8-9 khối đá granite đỏ có trọng lượng 25-80 tấn mỗi khối. Trong phòng có bệ quàn xác ướp vị Pharaih này. Phòng Hoàng hậu nhỏ hơn làm bằng đá vôi lấy tại chỗ.
2.- Kim Tự Tháp Khafre:
Kim tự Tháp này cao 143,5 m, đáy có cạnh 215,25 m, độ nghiêng 53010’. Sử dụng 1.659.200 m3 đá (trung bình mỗi khối đá nặng 2,5 tấn) và xây dựng vào khoảng năm 2570 trước Công nguyên. Riêng phần đá ốp lát mặt ngoài ước tính đến 7 tấn. Khafre là con nối ngôi của Pharaoh khufu, anh của Djedefre, và ông chỉ trị vì Ai Cập có vài năm.
Kim Tự Tháp này hơi nhỉnh hơn Kim Tự Tháp của tiên vương Khufu. Khi đương vị, Pharaoh này từng mơ ước xây một Kim Tự Tháp cho riêng mình cao lớn hơn cả của phụ vương, nhưng vì sớm băng hà nên không thể tự thân hoàn thành ý nguyện. Sau đó kiến trúc sư Chepren mới thực hiện, vì thế còn gọi là Kim Tự Tháp Khafre – Chepren.
Thực ra đây là một cụm công trình gồm Kim Tự Tháp chính, Kim Tự Tháp phụ và một số công trình nhỏ khác như đền thờ, miếu đường, đường đắp, …
Đi vào Kim Tự Tháp chính có hai lối làm chồng lên nhau. Lối vào phía trên cách mặt đất 15 m hiện hay dùng để vào tham quan bên trong. Một lối vào khác nằm ngay phía dưới giống như là lối ra vào dự phòng cho lối vào phía bên trên, nhưng con đường này dẫn thẳng đến phòng quàn xác ướp Pharaoh. Các lối vào này được phát hiện vào khoảng thế kỷ 13-17 sau Công nguyên, nhưng vào đến tận các gian phòng phải đợi đến năm 1818, nhờ công của Giovanni Belzoni. Ông đã khám phá ra một chiếc quách làm bằng đá granite hồng (2.62×1.06m) nhưng trống rỗng không có xác ướp, tương tự trường hợp của Kim Tự Tháp Khufu.
Hiện chỉ khám phá ra 2 phòng trong Kim Tự Tháp này. Một phòng ngầm sâu dưới đất, khoét vào tầng đá gốc. Còn phòng kia xây ngay trên tầng đá gốc. Phòng thứ nhất có lẽ dùng để chứa lễ vật cúng kiếng như những Kim Tự Tháp khác; phòng thứ hai có lẽ dùng quàn xác ướp Pharaoh vì trong đó có một chiếc quách bằng đá granite đen[2].
Bên ngoài Kim Tự Tháp ốp đá granite hồng vùng dưới và đá vôi Turah ở phía trên. Tuy nhiên các lớp ốp bị bong nhiều do các trận động đất trong quá khứ. Cấu trúc nội thất tương tự như Kim Tự Tháp Khufu.
Bên cạnh Kim Tự Tháp chính có Kim Tự Tháp nhỏ dành cho việc cúng kiếng. Kim Tự Tháp nhỏ này hầu như đã bị phá hủy toàn bộ, chỉ còn vết tích cho thấy nó từng tồn tại.
(tiếp theo phần I, kim tự tháp Ai Cập của Đức Chính)
3.- Kim Tự Tháp Menkaure:
Pharaoh Menkaure quyết định xây dựng Kim Tự Tháp cho mình tại cao nguyên Giza khi thấy vùng an táng Memphite tỏ ra chật hẹp. Lúc đầu Diodorus Siculus mô tả Kim Tự Tháp này và gọi là Kim Tự Tháp Mykerinos; mãi đến sau năm 1837 Vyse, người thăm dò sâu vào lòng kiến trúc này, đặt lại là Kim Tự Tháp Menkaure.
Ban đầu Kim Tự Tháp Menkaure cao khoảng 65-66 m, tức koảng 1/10 khối lượng xây dựng Kim Tự Tháp Khufu thôi. Nhưng cũng như các Kim Tự Tháp khác, nó cũng có ngôi đền riêng và được dẫn vào Kim Tự Tháp bằng một con đường đắp cao lên.
Đặc điểm của công trình này là lớp đá lót móng được chọn lựa kỹ, nhất là ở góc Đông-Bắc Kim Tự Tháp. Lớp nền này dày gấp 2,5 lần Kim Tự Tháp của phụ vương Khafre. Cũng khác với truyền thống xây dựng Kim Tự Tháp, phần lõi dùng đá địa phương thay vì đá từ nơi xa mang đến (chỉ ốp đá mang từ xa về). Duy chỉ lớp đá ốp lát là granite hồng mang từ Aswan về, nhưng lại không mài nhẵn hòan toàn và chỉ ốp cao 15 m.
Bố trí lối vào cũng có hai lối đi trên và dưới; lối đi phía dưới kết thúc ở phòng chứa đồ thờ cúng và lối còn lại vào phòng Pharaoh. Ngoài ra còn phải kể có một lối đi khác không dùng đến nối phía dưới tiền sảnh. Cũng khác với cha và ông nội Khufu, buồng quàn hình chữ nhật theo hướng Bắc Nam, ốp đá granite hồng (thay vì nguyên khối). Vách phía Tây phòng Pharaoh có cái quách bằng đá basalt và trên vách trang trí hình ảnh thần Anubis. Cũng khác với Kim Tự Tháp của ông nội và cha, công trình này không có hố thuyền. Ngược lại làm riêng một Kim Tự Tháp nhỏ cho Hoàng hậu.
Vị Pharaoh này có 3 Hoàng hậu nên xây 3 Kim Tự Tháp. Kim Tự Tháp Hoàng hậu 1 có độ cao ban đầu 28,4 m, độ nghiêng 52015’. Chu vi đáy 44 m. Kim Tự Tháp Hoàng hậu 2 có chu vi đáy 31,24 m và Kim Tự Tháp Hoàng hậu 3 có chu vi đáy 31,24 m. Những Kim Tự Tháp này có hình bậc thang.
chú thích :
[1] Gọi là thung lũng không chính xác nhưng tạm dùng theo thói quen dịch sai của người đi trước. Các tài liệu nước ngoài hay dùng từ “valley” chỉ vùng này. Thực tế từ “valley” vừa có nghĩa thung lũng vừa có nghĩa là lưu vực một con sông lớn duy nhất. Khi lưu vực đó bao gồm nhiều con sông nhánh tẻ ra từ con sông cái người ta dùng từ “basin” (như trường hợp sông Amazon hay sông Cửu long). Vùng Giza này nằm bên bờ sông Nil nên thuộc lưu vực sông Nil, chứ không phải thung lũng sông Nil (thung lũng theo nghĩa tiếng Việt là vùng thấp giữa các dãy núi) Tương tự như vậy chúng ta sẽ gặp từ Thung Lũng Các Vì Vua (đúng ra là Lưu Vực Các Vì Vua). Lí do tiếng Anh và tiếng Pháp (vallée) dùng từ này để chỉ thung lũng lẫn lưu vực 1 con sông là vì các thung lũng thường có duy nhất 1 con sông nhỏ chảy qua. Do vậy với vùng đồng bằng có 1 con sông duy nhất tưới tiêu họ dùng từ “valley’ thay cho “basin”.
Để tránh cho bạn đọc khỏi bỡ ngở tôi vẫn tiếp tục dùng sai “thung lũng Giza”.
[2] Nói là có lẽ vì phìng thứ 1 không có các kệ hốc để đồ thờ cúng như các Kim Tự Tháp khác, còn quách phòng thứ 2 không có xác ướp.
C.- Quần thể Kim Tự Tháp ở Abusir:
không hiện hữu Kim Tự Tháp lừng danh như Kim Tự Tháp Đỏ Khufu[1] nhưng ở đây còn nhiều Kim Tự Tháp tuy không còn tốt lắm nhưng có giá trị lịch sử vì niên đại cách chúng ta khá xa (một số cách nay khoảng 4.000 năm). Quần thể Kim Tự Tháp Abusir nằm bên tả ngạn sông Nil, giữa quần thể Giza và quần thể Saqqara. Nghĩa là đối diện chéo với thủ đô Cairo bên bờ bên kia sông Nil.
Tại quần thể này được nghiên cứu nhiều nhất là các Kim Tự Tháp Sahure, Neferirkare, Neferefre, Amenemhet I, và Khentkaues.
1.- Kim Tự Tháp Sahure: Kim Tự Tháp này cao 48 m, đáy vuông có cạnh 78,5 m, độ lài mặt Kim Tự Tháp 50°11’40″; có niên đại vào triều đại thứ 5 Ai Cập cổ đại và hiện được biết là Kim Tự Tháp có niên đại cổ nhất ở khu quần thể này.
Nhà Ai Cập học đầu tiên đến tìm hiểu Kim Tự Tháp này là Perring hồi thế kỷ 19, và ít lâu sau Lepsius tiếp nối việc nghiên cứu. Mãi đến thế kỷ 20 Ludwig Borchardt mới nghiên cứu đào sâu và viết một tác phẩm đồ sộ gồm 2 quyển về nó. Thế nhưng bí ẩn của Kim Tự Tháp hình như vô tận, bắt đầu từ năm 1994 chính phủ Ai Cập mở cửa cho du lịch văn hóa khu quần thể này thì Kim Tự Tháp Sahure lại đón nhận thêm nhiều phát hiện mới về nó từ những nhà nghiên cứu du lịch tham quan.
Như đã nói, Kim Tự Tháp này có từ triều đại thứ 5 nên sự hủy hoại của thời gian không nhỏ. Từ đó việc nghiên cứu trở nên khó khăn, nhất là dáng vẽ ban đầu của nó. Những khai quật chỉ cho biết Kim Tự Tháp được xây dựng trên một mặt nền có lót ít nhất hai lớp đá vôi trắng khai thác từ mỏ đá Maasara gần đó. Riêng phần lõi nằm trên 6 lớp đá vôi và đáng chú hơn nữa Kim Tự Tháp này không hoàn toàn có đáy vuông như những Kim Tự Tháp khác và hành lang dẫn vào trong làm thành những bậc thang.
Bỏ qua chi tiết đó, Kim Tự Tháp Sagur có cấu trúc giống những Kim Tự Tháp khác. Chung quanh cũng có những công trình liên quan đến tín ngưỡng như sân, đền thờ, đường đấp, … Riêng khoảng sân trước Kim Tự Tháp có 16 cột đá nguyên khối ganite đỏ có khắc vương hiệu pharaoh Sahure. Những mảnh di chỉ tìm thấy ở sân này cho biết ở đây từng chạm cảnh Pharoh Sahuree chiến thắng người Asians và Libya.
Phía bên trong sân có thêm nhà nguyện và các công trình phụ khác rồi mới là cổng vào Kim Tự Tháp. Các nhà Ai Cập học dựa vào đó cho rằng sân này xưa kia diễn ra những cuộc tế lễ cho Pharaoh Sahuree. Đây là nét khá đặc thù của Kim Tự Tháp Sagure.
2.- Kim Tự Tháp Neferirkare: cao 70 m, cạnh đáy vuông 105 m, góc lài 53°7’48″; xây vào triều đại thứ 5. Kim Tự Tháp Neferirkare được đánh giá là Kim Tự Tháp lớn nhất và được bảo tồn tốt nhất ở khu quần thể Abusir dù hình ảnh bên ngoài hoang tàn như một gò mối.
Đây là Kim Tự Tháp an táng Pharaoh Kakai, Kalai là vương hiệu của Neferirkare. Dựa trên lý thuyết sự tràn rộng ra của phế tích, Lepsius cho rằng Kim Tự Tháp này là Kim Tự Tháp bậc thang với 6 tầng bậc. Kim Tự Tháp có một hành lang trổ ở mặt phía bắc và dẫn thẳng vào phòng quàn xác ướp Pharaoh. Trước phòng này là một tiền sảnh thấp hơn mặt nền Kim Tự Tháp khoảng vài mét.
Trong Kim Tự Tháp có hai phòng quan xác ướp thiết kế theo trục Đông Tây, phần lớn đã hư hại và nhiều khối đá ở đây được lấy đi xây dựng công trình nơi khác. Khai quật khu ngoài Kim Tự Tháp cho thấy có nhiều chiếc thuyền bằng gỗ được chôn phía Bắc và phía Nam Kim Tự Tháp.
Theo nghiên cứu, lúc nguyên thủy Kim Tự Tháp không có miếu đường thờ Pharaoh, nó được xây sau này bởi vị Pharaoh nối ngôi. Miếu đường này có những hàng cột hình hoa sen. Bao quanh phức hợp Kim Tự Tháp này là vòng tường bằng gạch bùn mà ngày nay dấu vết của nó vẫn có thể nhận ra được.
3.- Kim Tự Tháp Neferefre: cao 65 m, độ lài không rõ; niên đại vào triều đại thứ 5. Kim Tự Tháp này được khảo sát tiên phong bởi Perring, Lepsius, de Morgan, Borchardt và một số nhà nghiên cứu khác. Nhưng các nhà nghiên cứu này không thống nhất với nhau vị Pharaoh từng nằm ngủ yên bên trong: có người cho là Kim Tự Tháp của Neferefre, số khác nói của Shepseskare. Cuối cùng đến thập niên 1970, đoàn nghiện cứu của Đại Học Prague (Tiệp Khắc) làm một nghiên cứu có hệ thống mới xác định là Kim Tự Tháp Neferefre.
Kết luận đó được dựa vào các manh mối:
Manh mối 1: Trong miếu đường cạnh Kim Tự Tháp tìm thấy một mẫu giấy cói papyrus ghi rõ là nơi thờ Pharaoh Neferefre;
Manh mối 2: một khối đá vôi tìm thấy ở một ngôi làng vùng Abuzir được xác định khả dĩ có nguồn gốc từ Kim Tự Tháp Neferirkare (mục số 2). Dữ kiện trên khối đá này suy đoán ra là Kim Tự Tháp của Pharaoh Neferefre.
Khảo cứu cơ thể học trên xác ướp cho thấy vị Pharaoh nằm nơi này trạc 20-23 tuổi và đây cũng là chứng cứ tin rằng đó là Neferefre.
Kim Tự Tháp này có lẽ cũng là Kim Tự Tháp bậc thang. Trên nóc có mái bằng làm từ thứ đá mịn, đáng tiếc phần này đã bị lấy đi gung vào việc khác từ thời xưa.
Lối vào bằng đá granit hồng nằm ngay giữa mặt Bắc Kim Tự Tháp, hơi uốn cong theo hướng Đông-Nam trước khi đến tiền phòng của nơi quàn xác ướp. Tiền phòng và phòng quàn Pharaoh bố trí theo trục Đông-Tây, làm bằng đá vôi trắng mịn thớ.
Bên ngoài có phức hợp này có tường bao bằng gạch bùn. Phía Đông có một sân, chếch về phía bắc có khu để đồ thờ và bên hông có miếu đường.
4.- Kim Tự Tháp Amenemhet I: Pharaoh Amenemhet I là người khai sáng triều đại thứ 12 và trọ vì khoảng 30 năm, thuộc thời vương quốc thứ hai (năm 1975-1640 trước Công nguyên). Triều đại này Ai Cập cổ đại rất hùng cường, bao gồm cả vùng Hạ Nubia.
Năm 1882 nhà Ai Cập học Maspero lần đầu tiên đi sâu vào bên trong Kim Tự Tháp Tiếp theo vào những năm 1894-1895, hai nhà khảo cổ người Pháp Gautier và Jequier nối tiếp công việc thám hiểm này. Quy mô nhất là chuyến thám hiểm của Viện Bảo Tàng Metropolitan Museum (Newyork) kéo dài từ năm 1902 đến năm 1934.
Vào trong Kim Tự Tháp cũng bắt đầu từ mặt phía Bắc, theo con đường dẫn xuống sâu dưới mặt đất. Con đường này lát gạch granit hồng, cũng tận cùng ở phòng quàn xác ướp Pharaoh. Những khối đá này có dấu vết cho thấy sử dụng lại vật liệu thu hồi từ các Kim Tự Tháp khác như Kim Tự Tháp Khufu, Khafre, Unas, …
Những hành lang có nhiều hình ảnh chạm khắc liên quan đến Pharaoh Amenemhet I. Lõi làm bằng khối đá vôi nhỏ lấy tại địa phương; có độn thêm cát, đá vụn và gạch bùn để lấp các khe hở. Phần xây bên trên làm bằng gạch bùn nên theo thời gian hư hại rất nhiều, hiện nay chỉ còn cao 20m.
5.- Kim Tự Tháp Khentkaues: nằm phía Nam Kim Tự Tháp Neferirkare, được Ludwig Borchardt thám hiểm lần đầu tiên. Ban đầu Borchardt chỉ đánh giá đây là cặp mộ cổ song táng, mãi đến thập niên 1970 đoàn khảo cổ học Tiệp Khắc mới xác định rõ là Kim Tự Tháp của Pharaoh Khentkaues.
Những hình ảnh và ký tự chạm trong Kim Tự Tháp này cho biết nó được xây làm hai thời kỳ. Giai đoạn đầu khởi công trong thời gian Khentkaues dang trị vì (khoảng 10 năm) và tạm ngưng khi vua băng hà. Một thời gian sau mới được vị Pharaoh mới, là người con trai Niuserre của ông, tiếp nối công trình.
Cũng như nhiều Kim Tự Tháp khác ở Abusir, Kim Tự Tháp này cũng bị hư hại nặng: chỉ còn cao 4m. Nhờ sự khảo sát và khai quật của đoàn Tiệp Khắc người ta mới biết đây là một Kim Tự Tháp có lõi làm bằng đá vôi chất lượng cao.
Hành lang dẫn vào bên trong cũng bắt đầu ở vách phía Bắc bằng đá vôi trắng, và cũng dẫn đến phòng quàn Pharaoh. Phòng quàn cũng bằng đá vôi trắng và trên trần là một khối lớn phẳng. Trong Kim Tự Tháp cũng có một phòng quàn nhỏ dành cho hoàng hậu.
Di chỉ khai quật cũng cho thấy bên ngoài có một Kim Tự Tháp nhỏ dùng cúng tế, một sảnh rộng có cột đỡ trần. Tất cả đều nằm phía đông như những Kim Tự Tháp khác.
nguồn: blog Đức Chính