Người quê tôi làm văn học nghệ thuật ở Hà Nội xem ra cũng đông, có cả trăm, nếu tính thêm dâu rể nữa phải vài trăm. Nhiều người tài năng siêu quần, tiếng tăm lừng lẫy, có người suốt năm xách túi đi họp, lại có người chỗ nào cũng có mặt, chạy đôn chạy đáo mồ hôi mồ kê nom vất vả lắm. Một vài người quen sống như những cái bóng, có tên tuổi hẳn hoi mà chẳng mấy khi đã thấy mặt, tài năng ra sao, tính nết thế nào thì thật chưa phải ai cũng đều đã rõ. Ô thế ra bác ấy cũng là quê ta, sao chả thấy đến họp đồng hương bao giờ, tôi vẫn biết là có anh ấy nhưng lại tưởng đã đi Văn Điển rồi cơ.

Người ta mỗi người mỗi tính, biết làm sao. Giang sơn có thể đổi thay mà tính tình con người thì rất khó thay đổi. Cái tính cách riêng của mỗi người phải cố mà giữ lấy, để mất đi, để giống nhau, ai cũng như ai thì đời sống chung thành thê thảm.

Có những người ưa ẩn dật củng chẳng vì một lý do nào, đơn giản chỉ vì không thích ồn ào, ngại những mối quan hệ giao tiếp dễ sinh lằng nhằng, có vậy thôi. Họ ao ước được sống bình thường trong những năm tháng bình thường giữa một thành phố càng ít tiếng động, càng ít người nói to càng tốt. Đấy là những người ôn nhu và lịch lãm, thong thả sống, thong thả làm việc, không định ganh đua với ai. Rất yêu nghề, hiểu nghề và trọng nghề. Họ xem văn chương nghệ thuật là cái mệnh cái nghiệp, suốt đời theo đuổi thuỷ chung với con đường mà mình đã chọn. Mà xem ra những cống hiến cũng không ít, ở đây không biết thì đã có chỗ khác biết, người này không thích thì sẽ có người khác thích, chả sao cả, thế gian là rất rộng lớn. Nghĩ vậy để sống cho thanh thản thôi chứ biết thế gian là rộng lớn vậy mà cả đời lại vẫn chỉ quẩn quanh với vợ con, với Hà Nội và với một nhúm bạn kỹ càng. Sài Gòn giải phóng vài chục năm rồi mà vẫn chưa có dịp tìm vào chơi, bạn bè cũ trong đó thiếu gì, họ đi ra đi vào và chèo kéo đã nhiều, ấy vậy mà vẫn chỉ thấy có những lời hẹn, lời cáo lỗi thành thật, chả biết đến bao giờ mới chịu khăn gói lên tàu. Mờy người cháu bên Paris gửi giấy mời qua chơi cũng chỉ ậm ừ nay hẹn sẽ đi mai hẹn sẽ đi. Lại còn có cả giấy mời của một tổ chức nghệ thuật từ Tokyo gửi sang, đem đến tận nhà, nhưng cũng chỉ nhắn một lời cảm ơn rồi lẳng lặng xếp vào ngăn tủ.

Có một người như thế, đấy là hoạ sĩ Linh Chi. Linh Chi chỉ là tên một loài nấm quý, một loài thuốc quý trong núi cao rừng sâu, và linh chi cũng là tên một loài cỏ, một loài lan, nghe từ mấy ngàn năm trước người ta đã đóng thuyền đóng mảng vượt trùng khơi xa tít mù tắp để tới đảo Bồng Lai tìm loài cỏ thần kỳ này mang về luyện thuốc trường sinh bất lão. Hà Nội có một hoạ sĩ Linh Chi. Tên khai sinh là Nguyễn Tài Lương, quê quán làng Nội Doi, huyện Quế Võ, bà mẹ là người thị xã Bắc Ninh, phường Nghệ An. Nội Doi có nghĩa là túi cá, nghe các cụ kể như thế chứ suốt thời thơ trẻ anh sống cùng gia đình mãi trên thị xã Vĩnh Yên cơ. Ông cụ thân sinh ra anh là Nguyễn Văn Tấn, sau Cách mạng Tháng Tám có về làng vài năm, được bầu làm Chủ tịch lâm thời xã, ít lâu sau là Chủ tịch uỷ ban kháng chiến hành chính, đến ngày Tây chiếm lại vùng bắc phần Bắc Ninh ông cụ xin rút lui mang cả nhà ra Thái Nguyên, ông mất cuối 1954, cũng vừa hoà bình lập lại.

Cô gái bên chú mèo, Linh Chi (Nguyễn Tài Lương) 1970

Anh Linh Chi sinh ra ở phố Vĩnh Thành, tỉnh Vĩnh Yên, số nhà 100. Cửa nhà nhìn thẳng lên đỉnh Tam Đảo. Trong nhà có vườn, qua vườn là nhà trong, qua nhà trong là cửa sau, cửa sau dùng để người ăn kẻ ở ra vào, thường không mấy kho mở, trước nhà là phố lớn, sau nhà là phố nhỏ. Tuổi thơ anh gắn bó với cái tỉnh lỵ trung du đó nhiều hơn là với Bắc Ninh. Một ngôi nhà lợp ngói nhiều buồng, ấm cúng và hoà ái. Trên anh có một người anh cả và một bà chị, dưới anh là chú em học sau anh hai lớp, về sau này là nhà văn Trọng Hứa, đã nhiều năm làm cán bộ Ban Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam rồi cuối đời làm Chánh văn phòng Hội Nhà văn Việt Nam. Cũng như nhiều gia đình công chức trung lưu thời đó, con cái trong nhà đều được học hành chu đáo, không người nào biết đói là gì. Đêm nào chị người ở phải lo treo lên tường một chuỗi đèn dây, rồi thắp thêm nến trên ban thờ và bàn học của các cậu. Chuyến xe lửa từ Côn Minh xuôi về qua cửa nhà vào lúc đã khuya, cả nhà đã đi nằm, nó thét lên một hồi còi dài trước khi uốn mình vào đỗ trong ga, hai anh em dỏng tai lắng nghe tiếng những vòng bánh nghiến lạo xạo trên đường ray. Cả hai đều chưa muốn ngủ, bảo nhau ôm những chồng sách báo chất thành đống ở góc nhà ra xem. Có đầy đủ cả Đông Dương tạp chí, An Nam tạp chí, Nam Phong tạp chí, Tứ Dân tạp chí, Tiểu thuyết thứ 7, Tiểu thuyết thứ 5, Ngày nay, Phong Hoá, Tự lực văn đoàn. Mỗi tuần hai ngày có nhân viên nhà dây thép mang báo chí tới tận nhà cùng các thư tín khác.

Cụ Tấn thân phụ hai anh học tiếng Pháp trong trường thông ngôn cùng một lứa với các ông Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, khi tốt nghiệp được chọn về dạy ở trường Hởu bổ, sau đó thuyên chuyển lên Vĩnh Yên. Có nhà ngoài phố lại có trang trại trong núi, đang còn định tậu thêm đất đai để lập đồn điền. Ngày ấy ở Bắc có trào lưu đua nhau mang tiền đi mở đồn điền, người Tây, người ta đều có. Quanh vùng Tam Đảo người thưa đất rộng, nước nôi khan hiếm, đất bạc màu bậc cao bậc thấp, đi cả ngày mới gặp một khe sâu, một vũng lầy, cây ràng ràng, cây cứt lợn, sim mua rải rác khắp cánh đồng. Đàn trâu bò khát nước nghêu ngao chạy ngả này ngả khác. Chim sẽ đồng, chim rẽ giun, chim đa đa làm tổ trong những bụi cỏ lút đầu người. Tiếng là đồn điền nhưng có phải cái nào cũng khang trang đâu, lắm cái nom nhom nhem tiêu điều như những động ma, ông chủ bà chủ cả năm chả thấy ló mặt về lấy một lần, năm bảy anh thợ cày quay ra đánh bài đánh bạc, chỉ có hai cái đáng kể là đồn điền ông Nguyễn Hữu Cự ở chân Tam Đảo và đồn điền ông Nguyễn Hữu Tiệp trên Bạch Hạc. Ông Tiệp giàu có mang vàng vào Huế cưới một bà vợ lẽ người lêu đêu như cây sào nhưng ra đồng là mặc áo dài vấn khăn voan, bà này nghe nói là một công chúa trong triều Nguyễn, còn trẻ mà nhai trầu khoẻ lắm.

Hai anh em cùng học tiểu học ở Vĩnh Yên, về nhà vẫn phải học thêm tiếng Pháp. Thầy hiệu trưởng của họ là cụ Nguyễn Khắc Mẫn cũng từ Bắc Ninh lên, quê cụ làng Nghĩa Chỉ huyện Tiên Du. Cụ là một nhà văn từng có năm đoạt giải văn chương Tự lực văn đoàn. Về sau cụ mang gia đình đi theo kháng chiến, vẫn làm nghề giáo, cuối đời sống ở Lạng Sơn.

Học xong lớp nhất anh Linh Chi phải về Hà Nội để học lên trung học. Dưới Hà Nội gia đình vẫn có một ngôi nhà tây cổ, chỉ cần đi vài ba bước đã ra đến hồ Thiền Quang, cho nên việc đi học xa với anh là không thành vấn đề. Hiềm một nỗi chú em từ bé đã quấn anh như hình với bóng, chú em là người yếu đuối, lại thích nhõng nhẽo chứ chả được cứng cáp như anh, do vậy gia đình tính khi anh về dưới kia thì dắt luôn thằng em đi để trông nom kèm cặp.

Năm 1938 họ cùng vào trường Gia Long, hai năm sau lại cùng chuyển qua trường Thăng Long. Anh Linh Chi đậu bằng diplomère năm 1942, còn anh Trọng Hứa phải đợi thêm hai năm nữa. Hồi ấy ở trong trường thấy có cả thầy Hoàng Minh Giám, thầy Đặng Thai Mai. Mấy năm trước học bên Gia Long họ được học vẽ các từ lúc đó Phái đã chỉ cần mẩu chì và mảnh giấy hí hoáy một nhoáng là có cái ký hoạ hay.

Tình yêu hội hoạ ở Linh Chi có từ lâu, nhưng cũng phải đợi đến khi về Hà Nội anh mới có thể ý thức được nó một cách đầy đủ. Anh quyết định rẽ ngang, không học lên tú tài mà đi tìm thầy học vẽ, chuẩn bị thi vào Beaux arts de L’indochine. Còn ông em theo gương người anh, không học lên tú tài nhưng cũng chẳng vẽ vời, ông quyết định nằm khoèo ở nhà, một hai thề mình phải là nhà văn viết những bộ tiểu thuyết tràng giang. Rồi ông đọc tràn lan tiểu thuyết Tàu, tiểu thuyết Pháp, nghĩ học để thế mới sướng.

Lúc bấy giờ Nhật đã vào Đông Dương, các trường học chẳng còn giữ nỗi nề nếp, nay chạy tới chỗ này mai chuyển sang chỗ khác, nhiều người chán nản chứ chẳng riêng gì ai. Linh Chi một mình một chiếc xe đạp phóng lên Hoà Bình, qua Đồng Mỏ Kỳ Lừa, vẽ người Dao người Mường người Tày người Thái, vẽ Tam Đảo Ba Vì, vẽ cầu đá dưới làng Nôm lại vẽ chùa Trăm Gian, chùa Dâu chùa Tháp. Phong cảnh và chân dung là sở trường của anh. Sách vở tài liệu hội hoạ anh có điều kiận tìm kiếm dễ dàng hơn bạn bè cùng lứa, từ mười lăm mười sáu tuổi anh đã có trong tay những tập sách quý nói về Van Gogs, Gauguin và đặc biệt là Matisse, anh yêu ông này từ nhỏ.

Một hôm nọ, vào năm 1942, anh may mắn được gặp hoạ sĩ Pháp Lucien Sylvie lúc đó đang đến vẽ Hà Nội, ông này là học trò của André Lhote. Lucien Sylvie sẵn sàng chỉ bảo cho Linh Chi biết đâu là hội hoạ, đâu là nghệ thuật chân chính, đâu là những ngõ cụt chớ nên đi vào. Linh Chi được ông này cho vác giá vẽ đi theo cả tháng, họ lên Tây Hồ vẽ các làng ven đô. Hoạ sĩ khen Hà Nội rất đẹp. Ngày ông sắp về nước có một buổi nói chuyện lâu ở ven Hồ Gươm và chụp ảnh chung với nhau.

Linh Chi nói, tôi vẫn cảm thấy thiệt thòi vì không kịp qua trường, với các hoạ sĩ trẻ Việt Nam chúng tôi thì mơ ước lớn nhất là được qua L’ecole supérieure des Beaux arts.

Lucien Sylvie nhún vai cười, mày đang bước vào một cái trường lớn nhất rồi đó thôi, tranh mày sắp mang bày cho thiên hạ biết được rồi. Muốn làm một hoạ sĩ vững vàng thì bắt buộc phải học, nhưng không nhất thiết phải học trong trường. Tự học, học ở ngoài đời là cách học tự nguyện và trung thực nhất. Năm mười bảy tuổi Picasso từ Tây Ban Nha tìm tới Paris để thi vào Trường hội hoạ của Viện Hàn lâm mỹ thuật Pháp, làm xong bài là được các ông thầy gọi đến ngay, anh về mà đi vẽ, xem bài làm của anh chúng tôi hiểu anh không cần phải vào đây học làm gì nữa. Ngày thi vào cũng là ngày ra trường, với Picasso là vậy đó. Cần phải biết tự chuẩn bị lấy cho bản thân mình. Rồi ông ta hạ giọng nhìn Linh Chi và cười thân thiện- lũ chúng mày sắp sửa tôn Enghen làm tổ sư chứ gì, thề thì đấy, ông ta là người chưa có nổi bằng tung học, nhưng những gì ông ta đã viết ra đủ để ta hiểu đấy đúng là một bộ óc lớn, không có Enghen thì cũng không thể có Cac Mác.

Tháng 9 năm 1944 với 43 bức sơn dầu và bột màu Linh Chi đã bày triển lãm cá nhân lần thứ nhất tại Phòng thông tin Tràng Tiền. Đây không phải là một cuộc ra mắt công chúng thường thấy, với một hoạ sĩ hai mươi tư tuổi như anh lúc đó thì phải hiểu đấy là bước đi dũng cảm rất tự tin. Một sự mở đầu đẹp cho một quá trình sáng tạo sẽ kéo dài suốt ba phần tư thế kỷ. Một dấu hiệu tốt lành báo hiệu một tài năng, có một Linh Chi trong nền hội hoạ Việt Nam. Nhìn lại sự bắt đầu đó với những gì giờ đây chúng ta đã thấy thì cuộc triển lãm lần ấy hoàn toàn có thể đặt tên cho nó là, “Linh Chi, một cuộc lên đường”.

Một phòng tranh được dư luận chào đón, các hoạ sĩ đàn anh hào hứng động viên, anh có thêm nhiều bạn đồng nghiệp như Trần Văn Thọ, Nguyễn Văn Đức, Nguyễn Tiến Chung…

Những năm tháng ấy có một cái gì khó quên, một cái gì đang lên men, đang cựa quậy, đang toả hương, ta có thể cảm thấy, nghe thấy và trông thấy nó trong đời sống văn nghệ nước nhà, rõ nhất là ở Hà Nội. Một Hà Nội hội hoạ hết sức mới mẻ và không ít sang trọng đang được hình thành, với biết bao hy vọng và hồi hộp, dưới ảnh hưởng trực tiếp của hội hoạ phương Tây hiện đại mà hạt nhân của nó là trường Beaux arts de L’indochine.

Giữa những năm ba mươi thế kỷ trước, hoạ sĩ Trần Bình Lộc, một người thầy xuất sắc đã được nhà trường cử qua Phnompênh tham gia vào công việc đào tạo và xây dựng một phân hiệu hội hoạ tại đó, ông đã qua đời bởi tai nạn nổ đèn măng xông, hoạ sĩ Tô Ngọc Vân liền được phái sang thay, tiếp tục công việc mà bạn mình để lại vì một cái chết rất không nên có.

Thời kỳ đó Hà Nội đã chứng kiến sự ra mắt hoành tráng của một phòng trưng bày chung tại Nhà địa ốc ngân hàng với sự có mặt của bốn hoạ sĩ bậc thầy, Trần Bình Lộc, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân, Nguyễn Phan Chánh.

Mỗi người một vẻ tất cả đều toả sáng, đều đang bắt đầu một cách có bản lĩnh trong sứ mệnh chung xây dựng cho nước nhà một nền hội hoạ có mực chuẩn, có cốt cách, vừa rất dân tộc lại không thiếu những tiêu chuẩn mà bất kỳ nền hội hoạ hiện đại nào cũng phải có. Hay nói một cách khác, đó là những bước đi đầu tiên của một trào lưu hội hoạ có sức vóc, và có đẳng cấp. Những chú đại bàng non đã đạp vỡ đống vỏ trứng trong ổ để chuẩn bị cất cánh.

Từ Lào về sau một chuyến đi vẽ dài ngày, hoạ sĩ Hoàng Lập Ngôn đã bày tranh tại nhà Khai Trí, một phòng tranh được Đông Pháp Ngọ báo trân trọng giới thiệu. Bà vợ hoạ sĩ vốn người Hoa, nhưng hôm ấy đã cùng chồng đón khách trong bộ lễ phục của phụ nữ Lào, môi mắt kẻ son nâu, dải lụa vàng chéo qua vai nom thật ấn tượng.

Rồi ông Nguyễn Huyến cũng bày tranh với những bức sơn dầu lớn, mang phong cách hiện thực, bút pháp cổ điển chắc chắn.

Ông Nguyễn Phan Chánh bày tranh lụa tại nhà Đại lý ét xăng Socony, những bức tranh của ông rất giàu tinh thần dân tộc, nhiều bức đã mang qua Paris bày ở hội chợ quốc tế. Hôm khai mạc phòng tranh cô con gái của hoạ sĩ là cô Nguyệt Tú năm ấy chừng mười lăm mười sáu tuổi, áo dài lụa tơ tằm màu trắng, quần lụa cũng trắng, cả chiếc áo vét choàng duyên dáng bên ngoài cũng trắng.

Ngày ấy các hoạ sĩ ra đi khắp Đông Dương, không hiếm người qua nước ngoài học hỏi. Ông Nam Sơn một lần sang chơi bên Tỗu tìm đến thăm gia đình hoạ sĩ Từ Bi Hồng là bạn học với ông những năm trước tại Paris. Lúc đó ông tới nhà thì bạn đã qua đời ít lâu, ông được bà vợ hoạ sĩ đón tiếp ân cần, trước khi chia tay ông đã chụp một bức ảnh chung với gia đình, mang về Hà Nội làm kỷ niệm. Năm sau ông lại qua Tokyo cùng hai ông Nguyễn Văn Tỵ và Lương Xuân Nhị, các ông sang để vẽ và bày tranh, đi về bằng máy bay phóng pháo.

Tại Hà Nội hoạ sĩ Pháp B. Bâte đứng ngoài trời cả tuần lễ để vẽ phong cảnh chùa Trấn Quốc. Ông ta mặc quần soóc lửng, áo cộc tay, đầu chụp nón lá, mặt đỏ văng như mặt Quan Công. Người lớn trẻ con xúm đen xúm đỏ quanh ông Tây vẽ cảnh ta, vẽ đến đâu họ xuýt xoa trầm trồ đến đấy. Có một hoạ sĩ Nhật Bản tên là Foujita vừa tốt nghiệp Đại học Hội hoạ ở Paris về tiện đường tạt vào thăm Hà Nội, ông ta bỏ mấy ngày ra để vẽ “Phố Hàng Nón”. Bức này mãi những năm sau vẫn thấy treo ở Mậu dịch quốc doanh tổng hợp Tràng Tiền, xưa gọi là nhà Gôđa.

Những ngày tháng rộng dài, Linh Chi cùng em trai lang thang đây đó khắp thành phố. Hà Nội trong con mắt hoạ sĩ trẻ sống động những nắng gió và sắc màu, sống động những kỷ niệm, những hoài niệm yêu dấu, xứng đáng được cất giữ suốt đời. Anh ao ước, anh hẹn thầm trong lòng nhất định không sớm thì muộn mình phải có những bức tranh vẽ người và cảnh nơi này, anh sẽ vẽ không phải như nó vốn thế mà vẽ như nó phải thế, như chính anh đã thấy nó là thế.

Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, hai anh em Linh Chi theo gia đình về sống ở quê, thôn Nội Doi, ấp Vân Tiên, dân đã quen gọi là ấp Vát. Đây là lúc ở lại quê nhà lâu nhất trong đời, và cũng nhờ vậy mà anh có dịp đến nơi này nơi khác để vẽ. Anh hiểu thêm rất nhiều cuộc sống nôn thôn sau đại chiến thế giới thứ hai. Nạn đói đã qua khỏi nhưng dấu tích của nó vẫn đang còn đó, đâu đâu cũng rách rưới lam lũ, đâu đâu cũng ngắc ngoải thê lương như vừa qua một cơn bão lớn. Cha anh, ông phán Tấn lao vào những công tác xã hội ở địa phương, ông đi biền biệt từ sáng đến tối. Bà mẹ anh cũng chạy đôn chạy đáo khắp làng vận động bà con nhà nhà làm hũ gạo cứu đói. Chỉ có chú em là ngồi nguyên ở góc buồng ghi chép suốt ngày. Linh Chi vác giá vẽ ra đồng, vẽ con sông cạn bò ngoằn nghoèo đến chân núi Dạm, ra bờ sông Cầu vẽ những cánh buồm no gió từ mạn Phả Lại đang đẩy thuyền củi, thuyền than lên bến Đáp Cầu. Vẽ những anh những cô du kích cầm mã tấu đứng gác ở cổng làng, vẽ những đứa trẻ cầu bơ cầu bất mót khoai mót sắn. Người hoạ sĩ trẻ được thức tỉnh tinh thần trách nhiệm trước đồng bào mình bởi thực tiễn nhiều cay đắng đang hiện ra quanh mình. Anh bắt đầu nghĩ ngợi đến số phận dân tộc, tự cắt nghĩa lấy những nguyên do nào đã xô đẩy dân mình vào cảnh lầm than, từ trong tiếng súng ở những mặt trận xa vọng về anh nghe rạo rực có tiếng hô xung phong của bạn bè, họ đang cầm súng lao lên trong tư thế những người chiến sĩ dám ngã xuống để bảo vệ nền độc lập tự do còn rất non trẻ, bảo vệ chính thể cộng hoà có nguy cơ bị ngoại xâm bóp chết. Đầu 1947, hai anh em lại một lần nữa xa gia đình, họ cùng nhau tìm lên chiến khu Việt Bắc- Trọng Hứa vào quân đội, trung đoàn 36, sư 308, còn Linh Chi gia nhập lực lượng văn hoá cứu quốc, ít lâu sau cả hai đều trở thành hội viên Hội Văn nghệ kháng chiến. Trọng Hứa viết truyện ngắn “Thằng bần” được in trong tạp chí “Văn nghệ”, anh mô tả một anh nông dân nghèo khổ từ tăm tối lần đường đến với cách mạng. Tố Hữu khen có cách nhìn giai cấp, Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng bảo tay này thế mà khá.

Linh Chi xông pha khắp mấy tỉnh trong Liên khu, anh tạm gác sơn dầu, chuyển sang bột mầu thuốc nước bút sắt chì than, cho gọn nhẹ. Tháng Tư năm 1950, anh nhận chỉ thị của Hội Văn nghệ Kháng chiến lên Chiêm Hoá tổ chức bày tranh nhân hội nghị thi đua của Trung ương Đoàn thanh niên cứu quốc và Trung ương Hội phụ nữ cứu quốc. Một phòng tranh đơn sơ của nhiều hoạ sĩ, những tờ ký hoạ và bột mầu thuốc nước được dán vội vàng lên vách liếp vậy mà đẹp, có sức cuốn hút mọi người. Bác Hồ dẫn một vị khách quý người Pháp là Léo Figuère đến xem tranh và ngợi khen. Léo Figuère, đại biểu Đảng Cộng sản Pháp mang theo mấy bức của Linh Chi về nước rồi đưa lên in kín cả một tranh tờ báo Humanité, cơ quan ngôn luận của Đảng. Trong đó có bức in thạch bản Phố Hàng Nón cháy và bức Mùa gặt là thành tựu đáng chú ý. Một sự thật của Việt Nam kháng chiến đã tràn vào tranh Linh Chi, chắp cánh cho tranh anh bay đến những chân trời xa. Hoạ sĩ Tô Ngọc Vân khen Linh Chi đã mang một giao hưởng màu sắc vào tranh.

Khoá hội hoạ kháng chiến mang tên Tô Ngọc Vân mở trong hai năm 1952- 1953 do chính Tô Ngọc Vân phụ trách, Linh Chi cũng như nhiều anh em khác được gọi về học tập, tại đó anh có điều kiện chuẩn bị lại cho bản thân một cách hệ thống hành trang tri thức rất cơ bản để có thể đi tiếp trên con đường dài nghệ thuật. Thế là ao ước được vào trường thì rồi cũng đã đến lúc được vào. Trường đặt trên rừng cọ, mái nhà lá cọ, ăn cơm với trái cọ, muối bằng nước mắm cua đồng, chan canh rau dền luộc nước suối, công tử Linh Chi thấy Hà Nội dáng kiều thơm đã rất xa xôi, những buổi chiều hai anh em quanh quẩn trong căn nhà vắng ở tỉnh lỵ Vĩnh Yên có tiếng còi tàu buồn bã hệt như trang văn Thạch Lam “Hai buổi chiều vàng” nay cũng đã thành rất xa xôi. Xa xôi những tà áo dài tha thướt, xa xôi vả đẹp đài các của những phòng tranh đài các, Linh Chi đã nhập cuộc, lặn lội vào cuộc sống chung nhiều gian khổ của nhân dân và dần dần hoá thân thành một hoạ sĩ có nội lực, có cốt cách vững chãi. Đấy là một giá trị mà anh đã đi tìm suốt cuộc kháng chiến.

Hết khoá học đó, anh được cử về Nhà in Quốc gia công tác. Sau này bộ phận của anh được gọi là Xunhasaba. Vừa bận bịu làm việc ở cơ quan, vừa lo toan củng cố chuyện gia đình, Linh Chi vẫn vẽ nhiều và vẽ đẹp. Đối với các hoạ sĩ, mỗi lần bày tranh cá nhân là một lần báo cáo rộng rãi những sáng tạo của họ trước công chúng, và đó cũng là một cái mốc đánh dấu những bước đi của họ. Sau lần bày tranh ở Chiêm Hoá, trở về Hà Nội anh còn có thêm hai lần bày tranh cá nhân nữa, lần nào cũng có tiếng vang. Năm 1971, tại số 10 Hàng Đào do Hội Mỹ thuật Việt Nam bảo trợ. Năm 1989, tại 19 Hàng Buồm do Hội Văn nghệ Hà Nội bảo trợ.

Trong cuộc đời hội hoạ đầy nghị lực , hết sức âm thầm của mình, Linh Chi đã đạt được những thành tựu đáng tự hào. Tranh của anh hiện đang được lưu giữ ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Phương Đông Mạc Tư Khoa, Bảo tàng á Phi Vácsava, Bảo tàng á Phi Thuỵ Sĩ. Rất nhiều tác phẩm của anh đã được công chúng trong vàngoài nước đón nhận, giờ đây nhiều cái đang nằm trên những bức tường nhà ai đó trong lòng Hà Nội, nhiều cái đã ở đâu đó, xa.

Tôi có hai lần tới thăm gia đình anh Linh Chi rất khó quên. Lần thứ nhất là ở thời Hà nội đang ngày đêm bồn chồn trong chiến tranh phá hoại. Ngôi nhà 114 phố Tuệ Tĩnh, một lối đi hẹp dẫn vào sân trong, qua một bụi tre ngà, men theo cái đầu thang gạch, hẹp và dốc dẫn lên gác. Gia đình anh sống trên căn gác đó, gian ngoài dành riêng cho anh Trọng Hứa, gian trong là của vợ chồng anh và hai cháu nhỏ, đứa đầu lòng là cháu gái, đứa sau là cháu trai. Đêm tháng Chạp lạnh, khu phố anh mất điện. Anh Trọng Hứa đang ngồi lọt thỏm trong ghế phôtơi, một chiếc chăn đơn cũ mềm choàng lên mảnh vai gầy guộc, trong tay anh đang là một cuốn tiểu thuyết tiếng Pháp của một nữ văn sĩ thời thượng ở Châu Âu lúc đó, cuốn “Rừng xào xạc”. Một câu nến rõ lớn không biết kiếm từ đâu đang cháy phừng phừng trên mặt bàn nhỏ và thấp ngang vai anh. Hai anh cùng đứng dậy bắt tay tôi, tay anh Linh Chi mềm mại ấm áp, còn tay anh Trọng Hứa thì vừa kho lại vừa lạnh.

Bằng một giọng nhỏ nhẹ, lúc nào như cũng có một nụ cười trong câu nói anh Linh Chi bảo, hôm nay ngoài trời lạnh, hay là ta nhóm lửa cho ấm. Anh Trọng Hứa hưởng ứng liền, hay quá, có Đỗ Chu đến chơi, phải nhóm lò sưởi là đúng rồi. Góc phòng nhỏ có một cái lò sưởi cũ kỹ, mấy thanh củi đã được chất sẵn trong đó từ lâu, như là để chờ khách vậy. Chỉ một lát sau lửa đã toả sáng cả căn phòng đẹp nhưng buồn và cô quạnh. Chúng tôi ngồi quanh bếp lửa hồng. Anh Trọng Hứa hỏi tôi, chú có quan hệ họ hàng gì với Đỗ Tốn không, tôi lắc đầu, Đỗ Tốn viết hoa Vông Vang, văn đẹp lắm nhưng là người trên Phúc Yên thì phải, em ở bên Bắc Giang, mà Đỗ chỉ là họ mẹ, em vốn họ Chu. Anh Linh Chi lại nhỏ nhẹ, chúng mình đọc truyện ngắn của Chu thích lắm, tưởng Chu họ Đỗ thì nghĩ thế, hoá ra không phải. Rồi cả ba lại ngồi im alựng nhìn lửa. Bất chợt có tiếng lũ trẻ reo hò ngoài phố, tiếng mấy nhà hàng xóm xôn xao, anh Linh Chi vội nhỏm dậy, bật điện mau. Quả nhiên là có điện. Anh Linh Chi mừng ríu cả chân tay, mời Chu sang bên mình một lát sau lại về bên này với Hứa.

Giữa căn buồng rộng gấp đôi buồng Trọng Hứa đặt một chiếc bàn sơn mài đen bóng, tách chén trắng ngà sạch sẽ. Hai chiếc ghế mây lớn, mọt dành cho chủ, một dành cho khách. Sau lưng anh Linh Chi là giá vẽ với một bức sơn dầu còn dở dang, một mảng vàng chanh phủ rộng khắp mặt toan, lấm chấm trắng, lấm chấm lá non.

Anh Linh Chi thấy tôi nghển lên nhìn hơi lâu vào bức tranh thì giải thích, mình hàng ngày vẫn lang thang ở công viên bên kia đường. Bên ấy dạo này đang có một cái công trường, họ đóng ca nô hay tàu thuyền gì đó trên bờ hồ, ngổn ngang búa máy, cưa máy rồi cần cẩu, sắt thép chất từng đống. Mình sẽ vẽ để ghi lại những ngày nay. Nhân tối nay Chu lại thăm bọn mình, sẵn có chì than và giấy, mình muốn ký hoạ một vài nét, sẽ có ngày làm một cái chân dung Chu.

Anh Linh Chi trải một tờ giấy trắng khổ lớn xuống sàn, ngồi xổm, hòn chì tham mềm mại kéo lên kéo xuống mười lần, vậy là xong. Anh đưa bức ký hoạ tôi ra trước mặt tôi, rồi anh cười, Chu thấy thế nào? Dạ đẹp, đẹp hơn em ở ngoài. Không, đúng là Chu rồi đấy. Tôi vẫn có ý đợi, đợi mãi, chỉ lo anh ấy đã vứt cái ký hoạ đó đâu rồi và tôi không bao giờ dám nhắc lại chuyện này.

Đầu năm ngoái tôi và anh Văn Đa cùng cô Nhu nhà tôi đã tìm lên Tứ Liên để thăm vợ chồng anh Linh Chi. Bây giờ anh không ở dưới phố nữa, căn gác cũ nay dành cho vợ chồng đứa con gái, anh chị mua đất trên Tứ Liên, xây nhà sống với vợ chồng đứa con trai, các cháu đều đã trưởng thành, biết đi làm kiếm miếng ăn không phiền bố mẹ già, thật là mừng.

Chúng tôi ngồi nói chuyện uống trà quanh một bộ sa lông tre quý phái. Rồi anh đứng dậy đi vào buồng trong lát sau quay ra, trong tay là một cuốn giấy khổ rộng. Cho Đa và Đỗ Chu xem cái này, anh từ từ mở nó ra, đó là bức ký hoạ chì than tuyệt vời, một thiếu nữ thân hình kiều diễm, tóc xoà gần hết mặt, hai bầu vú gợi cảm, mảnh vai tròn, tấm lưng cuộn như một con tôm và hai cánh tay trần thả xuống hờ hửng. Thiếu nữ khoả thân của Hà Nội những năm hai nghìn do một hoạ sĩ tuổi Canh Thân, ngoài tám mươi vừa vẽ.

Vợ chồng tôi và anh Văn Đa đã ở lại ăn bữa cơm gia đình cùng anh chị. Lúc tiễn chân chúng tôi trong ngõ nhỏ anh Linh Chi thì thầm như một bí mật, mình đã đưa Hứa về cánh đồng trên này rồi, lần sau lên chơi chúng ta sẽ ra đó thăm Hứa, Hứa nằm trên một cái giò, nhìn ra sông, còn sống chú ấy là người thích ngồi ngắm sông.

***

Mười năm trước đứa con trai tôi ra ở riêng, vợ chồng nó ôm con dọn xuống một căn hộ mãi dưới đầu làng Cót gần ngã tư Cầu Giấy. Một hôm nó bảo, phố con ở là phố Hoa Bằng có lẽ ông này là một ông tướng thời Lê thời Lý thì phải. Tôi không biết nên nói với cháu ra sao. Đúng là Hà Nội bây giờ mở ra rất nhiều đường phố mới, tên gọi cũng mới, nhiều phố mang những tên người đó ai hiểu, ngay người sống ở đấy cũng chịu cứng. Nhưng cụ Hoa Bằng, một khuôn mặt văn hoá Hà Nội thời nay mà nó không rõ thì là thật. Thằng bé sinh năm 1971, lúc ông cụ qua đời nó đã lên bẩy, vậy mà nó lại nghĩ ông cụ là người ngày xưa thì có khổ cho tôi không. Năm tôi mới ngoài hai chục tuổi, đã có lần được ông cụ cho đi theo một buổi chiều, đối với tôi đó là kỷ niệm lớn.

Một ngày mùa hạ nắng to, từ nhà anh Linh Chi ra tôi cứ men hè phố Huế mà đi cắm cúi. Đến ngã tư đường Trần Hưng Đạo thì gặp anh Bàng Sĩ Nguyên đang ngồi trong quán nước trà dưới bóng một cây sấu. Anh Nguyên hỏi, cầm cái gì trên tay thế? Tôi cười, một bức tranh anh Linh Chi vừa cho. Một bức sơn dầu bằng cái quạt nan, vẽ trên một miếng cát tông mỏng, màu sắc tối sầm, bầu trời tối, con đường, hàng cây đều tối, ngôi nhà với khoảnh tường đầu hồi cũng hiện ra lờ mờ sau vòm lá, những dòng nước lấp loáng chảy trên mặt đường, và những thân cây. Anh Nguyên hô lên, tuyệt, đẹp lắm, gọi nó là bức “cơn mưa”. Linh Chi là một người tinh tế, nhìn tranh nhận ra ngay. Tôi nói, anh ấy vẽ thị xã Lạng Sơn đấy. ừ, đúng là xứ Lạng thật. Rồi anh Nguyên bảo tôi, chú ngồi lại đây một lát, tôi sẽ cho chú được tiếp kiến một nhân vật lớn. Một nhà lãnh đạo chăng? Không, một nhà nho còn sót lại, một học giả uyên thâm, đó là cụ Hoa Bằng- Ông cụ sẽ tới đây? Tôi hỏi lại nhưng không dám tin là thật. Anh Nguyên kể, ông cụ trưa nào ăn cơm nắm xong cũng ra đây uống ly nước trà và hút thuốc lào ngắm phố. Ông cụ là một cộng tác viên thường xuyên của Viện Sử, cùng mấy học giả cao tuổi nữa đang cặm cụi dịch cổ văn cổ sử suốt cả chục năm nay rồi, lúc nào đó chú phải xin cụ nói cho mà nghe về Cố Bình Lâm và Lâm Ngữ Đường, ở Trung Quốc hai người này chỉ đứng sau có Lỗ Tấn, mà có khi cũng chẳng phải là đã đứng sau bao nhiêu, ngoài mấy người này văn học hiện đại của bên ấy là rất phập phù. Kia rồi, ông cụ đang đến kia rồi.

Tôi và anh Bàng Sĩ Nguyên đều đứng cả dậy sửa sang quần áo. Một ông già chừng ngoài sáu chục tuổi, áo vải mông mốc trắng, quần trúc bâu trắng, chân mang giầy vải Thượng Đình, dáng người tầm thước, râu thưa, mắt sáng, da mặt hơi tai tái, tóc muối tiêu, râu muối tiêu. Chúng tôi kính chào. Anh Bàng Sĩ Nguyên giới thiệu tôi, ông cụ gật đầu nói trầm trầm “Hoa niên sơ khai phóng, thiếu niên hà như trân trọng dã”! Tôi cảm ơn cụ. ý câu ấy là, tuổi thơ khác gì hoa mới nở, cớ sao lại không trân trọng vậy. Rồi cụ móc túi lấy một hộp thuốc lào dẹt như cái trứng nhện, rút chiếc điếu cày riêng đựng trong một cái túi vải. Hút xong điếu thuốc cụ hỏi tôi, anh có đi về hướng Láng không, ta cùng đi với nhau một đoạn. Thưa cụ cháu cũng đang định ngồi một lát với anh Nguyên rồi sẽ cuốc bộ về dưới ấy. Cụ nói, vậy uống chén nước xong ta đi.

Tôi để anh Bàng Sĩ Nguyên ngồi lại đó một mình rồi vội vàng bám theo ông cụ. Tôi vẫn không quên cầm trong tay bức tranh “cơn mưa” của anh Linh Chi. Hai ông con đi vòng vo mấy dãy phố, qua đường Khâm Thiên xuống đường Hào Nam. Chúng tôi lội qua những cánh đồng rau, những ruộng hoa cúc, những trận địa pháo, xa xa đã thấy có lùm muỗm cổ thụ của chùa Láng. Đi được một đoạn ông già lại đứng chống tay vào nạnh sườn, đăm đăm nhìn về phía trước. Ông nói với tôi, ngày tôi còn nhỏ ven sông Tô cả hai bờ đều um tùm cây lá, mơ mận mọc nhiều lắm, xuân về hoa trắng bát ngát, lại nhớ đến câu thơ Đường “Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu”. Nhót cũng nhiều vô kể, sắp sang hè nhót chín đỏ dậy một vùng, chả ai trồng đâu, chúng cứ tự mọc cả đấy. Có những con chim bạc má xoè đuổi nhảy nhót, chăm chỉ bới lá tìm những chú sâu có sừng trên đầu. Bây giờ nhà cửa mọc lên đã muốn nhiều, nhưng cây cỏ lại ít, nếu nay mai định hoạch thành phố mà quên vườn tược thì không biết sẽ ăn ở với nhau ra sao, liệu có còn muốn thở nữa hay thôi.

Lúc chúng tôi sắp bước vào một cái cổng gạch thì nghe có ai gọi tên cụ. Một người đàn ông đang hớt hải chạy ở phía sau, người ấy chừng đã bốn chục tuổi. Ông cụ cười, chúng tôi đang tìm lối vào anh. Cháu cũng đoán vậy nên thoáng thấy bóng cụ là cháu vội về, ông cháu mất đã ba tháng rồi, hôm ấy cháu không kịp cho người xuống báo tin với cụ, thật có lỗi. Cũng là do thời chiến, anh yên tâm đi, tôi hiểu.

Người ấy dẫn hai ông con chúng tôi về nhà mình. Bước vào nhà, ông Hoa Bằng thắp ba nén hương khấn vong linh người bạn đã quá cố, khom lưng bái biệt trước bàn thờ nhang thơm lừng. Xon xuôi ông cụ cứ đứng đó, ngẩng nhìn bức hoành phi treo trên cao.

Người ấy thưa, lúc ông cháu còn sống thì cháu lại quên không hỏi xem ba chữ ấy là chữ gì, mấy người hàng xóm đến chơi đọc lõm bõm rồi đều lắc đầu, quái lạ, chữ nào cũng đọc được nhưng chẳng hiểu nỗi nghĩa lý là ra thế nào. Hôm nay cụ qua chơi, xin phép cho cháu mang giấy bút ra rồi cụ giảng giải để cháu ghi lại.

Ông cụ vội xua tay, đơn giản thôi, nói ra là hiểu liền ấy mà, ghi làm gì cho mệt. Tôi thấy các anh bây giờ ghi nhiều mà ít chịu nhớ. Ba chữ này của nhà anh đọc là, “Kỳ nghiêm hồ”, đáng sợ lắm thay, đáng ngại lắm thay. Thế nếu muốn hiểu sợ cái gì, ngại cái gì thì lại phải nhớ đầy đủ một câu trong sách Đại học của thầy Tăng Tử, “thập mục sở thị, thập thủ sở chỉ, kỳ nghiêm hồ”. Mười mắt nhìn vào, mười tay chỉ vào, đáng ngại lắm đấy. Tôi đang thấy mấy chữ này ai viết mà rất đẹp, vừa nghiêm lại vừa tươi.  Giá nhà nhà từ thứ dân đến cán bộ cao cấp của ta đâu cũng để mấy chữ này thì xã hội sẽ nề nếp ngay ngắn hơn nhiều. Các cụ chọn mấy chữ này là muốn dặn dò con cháu lâu dài, phải ngày ngày cố gắng tu thân, phải nhớ sống ở đời cần biết giữ gìn phẩm hạnh. Phải biết sợ dư luận, phải biết xấu hổ, biết nể trọng xung quanh. Làm người cái cốt yếu là cần tự trọng, thiên hạ người ta luôn nhìn luôn chỉ vào mình, ngại lắm. Đến quả bầu quả mướp bị người ta chỉ chỏ bàn tán còn thui chột rơi rụng huống chi là con người. Với người cả đời quanh quẩn trong xóm ấp thì thiên hạ chỉ to bằng cái nón, nhưng với những ông nọ bà kia thì thiên hạ đã to bằng cái đình, mà với các bậc vua chúa đế vương thì thiên hạ là cả thế gian, lúc ấy không phải chỉ có mười mắt mười tay chỉ vào nhìn vào nữa. Cho nên các anh các chị bây giờ muốn sống thế nào là tuỳ, riêng tôi lúc nào cũng nhớ “Kỳ nghiêm hồ”. Hoặc cũng có thể viết là “Chỉ thị kỳ nghiêm” vậy.

Khi ra khỏi xóm đó tôi xin phép cụ Hoa Bằng cho được rẽ về làng. Tôi tìm đến nhà một người bạn gái, tặng nàng bức tranh mà anh Linh Chi vừa cho. Là vì hồi đó tôi đang ở cảnh tứ cố vô thân, vợ con chưa có cửa nhà thì không, dẫu có quý bức Lạng Sơn ngày mưa của anh đến mấy thì cũng chả còn biết treo nó ở chỗ nào. Mà bây giờ cũng chả còn biết là nó đang lưu lạc nơi nao, không chừng người ta đã mang tác phẩm của anh làm rế lót nồi mất rồi.

Năm tháng qua mau quá, nay ngồi nhớ lại để viết những dòng này tôi bỗng nhìn ra cách sống của anh Linh Chi, cách vẽ của anh Linh Chi, một người hoàn toàn hướng về tây học. Giữa anh và cụ Hoa Bằng không hề quen biết nhau vậy mà vẫn có chỗ gặp nhau, cả hai đều giữ được tinh thần “Kỳ nghiêm hồ”. Anh là người bao giờ cũng giữ gìn, khiêm cung và nhân ái.

Vài hôm trước tôi vừa gặp trên phố một ông già dáng lịch lãm, mang kính cận, mái tóc bạc như cước. Ông đi trên phố bước thấp bước cao, cắp bên sườn một khung kính trong có lồng bức tranh lụa vẽ thiếu nữ áo dài màu nghệ. Tôi vội rảo bước để nhìn theo hút bức tranh. Nom quen quá, như đã thấy ở đâu một lần. Có người hỏi ở phía sau, Chu phải không, nom dạo này già quá, quýt nữa thì không nhận ra nhau. Tôi nhận ra anh ngay, đấy là một hoạ sĩ của nhà xuất bản Thanh Niên giờ chắc là đã nghĩ hưu. Anh dặn tôi chiều có rỗi thì tới Trung tâm văn hoá Hàn Quốc đầu đường Nguyễn Du xem một ít tranh của vài hoạ sĩ quen thuộc.

Tôi chỉ vào bức lục đằng trước và hỏi, có cả bức kia chăng? Bạn tôi gật đầu, lần này Linh Chi có hai bức, bức chân dung ca sĩ Thanh Lan kiều diễm hiện giờ sống ở Mỹ, áo phớt hồng thoáng màu vàng nghệ, và bức ký hoạ cô gái Cao Bằng. Là của ông già kia cả, đó là một nhà sưu tập tranh kín tiếng, ông ấy được các bạn Hàn Quốc mời mang tranh của nhà mình ra bày ở Trung tâm văn hoá mươi ngày cho vui.

Tôi theo họ đến luôn Trung tâm văn hoá Hàn Quốc. Trên tường đã thấy có tranh của Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Đỗ Đình Hiệp, Lê Công Thành… ở một góc là bức của Linh Chi vẽ thiếu nữ Tày, khuôn mặt nhìn nghiêng trái xoan thuần nhã, con mắt xa xôi như mắt nai tơ, đầu choàng khăn tím tràm, áo dài tím tràm. Ông nào cũng vẽ con gái, con gái thời nào cũng thế, họ luôn luôn đẹp trước các hoạ sĩ, trước mỗi chúng ta, toàn thế giới. Ông già sưu tầm tranh bắt tay tôi rồi chỉ vào hai người đàn ông đang hì hụi treo tranh gần đó, một người là con trai cả của ông còn một người trẻ măng là cháu nội của ông. Hai bố con đang làm ăn trên Việt Trì, nghe tin ông muốn bày tranh thì kéo nhau về để đỡ đần một chân một tay. Hai bố con nhà ấy đang vần một cái bục gỗ quét sơn trắng tinh để đặt lên đó một bức tượng gồm ba thớt đá cẩm thạch. Tôi cũng chưa nhìn ra đó là tượng người hay núi non, chỉ biết là một khối đẹp, càng nhìn càng thấy đẹp.

***

Năm 1962, vợ chồng Linh Chi sinh cháu thứ hai, chị Phúc vợ anh lúc đó đang là nhân viên cửa hàng gạo khu Hai Bà, lương tháng ba mươi bảy đồng, còn lương anh là gấp ba lương chị. Gia đình đầm ấm, chiều hướng côn tác đang có cơ phát triển vậy mà một hôm bỗng nhiên anh ngồi viết đơn xin ra khỏi biên chế nhà nước, về nhà ngồi vẽ.

Bạn bè đều sửng sốt, thằng này không khéo sướng quá hoá dở mất rồi. Hỏi còn ai hơn nó chứ, nghĩ mà xem, người đời đang chỉ mong gặp được hai cái may mắn thì cả hai cái đó đều có đủ. Một là kiếm cô vợ ngành lương thực để không phải đêm ngày lo chuyện cơm áo, hai là sớm được tuyển vào biên chế chính thức ở nơi làm việc. Ngày đó mỗi khi ra đường thấy ai đứng tần ngần buồn bã là người ta đều lấy làm ái ngại, rõ khổ, ngẩn ngơ như người mất sổ gạo thế kia. Sổ gạo cũng được chia làm nhiều loại, nhiều định mức rất nhiêu khê, làm việc nặng được ăn nhiều, việc nhẹ ăn ít, trẻ con lớn thêm vài tuổi làm đơn có chứng nhận được tăng thêm một cân nữa. Một cặp vợ chồng son phải mang nhau ra toà xin ly dị chỉ vì anh chồng mắc căn bệnh hiểm nghèo, đấy là ăn quá khoẻ. ở vùng ngoại thành có hai anh chàng cùng kéo đến chạm ngõ một cô gái nhà nọ. Một anh nom tươi sáng ngời ngời, lại vừa tốt nghiệp đại học, đang chờ công tác, một anh lũn cũn, rõ hoa mắt lác, tối tối vẫn xách đèn đời không dễ dàng như người ta tưởng, anh xấu xí được đón rước hồ hởi còn anh kẻng trai bị loại khỏi vòng. Nghĩ cũng phải, các cụ đã có câu tốt gỗ hơn tốt nước sơn, báu gì cái đẹp mã, tuy đỗ đại học nhưng chưa chui được vào cơ quan nào thì cũng có nghĩa là chưa có sổ gạo, ngồi đấy mang sách ra mà nhai. Thằng kia tuy khó coi một chút nhưng đã chắc chân trong biên chế, nó chột thì nhìn đời bằng một con mắt, cũng chưa ai dám bảo là mù, chưa có bằng cấp thì rồi khắc được đắp cho bằng cấp, giờ ngồi ở lớp bổ túc công nông, sau sẽ vào ngồi ở giảng đường đại học, mai kia đến một thằng ăn mày cũng có bằng đại học, cho nên nhìn người là cần nhất phải có quan điểm vững vàng, cái mặt quá sáng sủa là còn phải ngờ, nó dễ là con nhà thuộc tầng lớp trên, dính vào lận đận suốt đời, rủ nhau ra bãi sông mà ở.

Cô gái ngồi thu lu trong buồng úp mặt vào tường khóc đúng ba ngày rồi cũng phải mò ra bằng lòng đi lấy chồng. Phận gái có thì, kén chọn lắm rồi chẳng may quá lứa, thành quả bom nổ chậm ở trong nhà mới là một cái hoạ lớn. Đám cưới được cơ quan đứng ra tổ chức, đèn măng xông sáng trưng, hai chú chim câu cắt bằng giấy trắng dán lên mảnh phong đỏ, tên hai vợ chồng là hai chữ cái cắt lồng vào nhau đến khéo, các lọ hoa đặt trên bàn cũng toàn là hoa giả, làm bằng giấy nhuộm phẩm. Ông thủ trưởng thay mặt nhà trai đứng lên phát biểu mặc áo đại cán kín khuy cổ, tóc xẻ đường ngôi giữa, vừa nói tay vừa chém vè lia lịa. Đám trẻ con đứng bu kín xung quanh, chúng ngó đầu nhìn vào lố nhố, đàn cào cào thấy sáng từ đâu rào rào bay tới, chúng lao loạn xạ khiến mọi người cười rú lên vừa sợ vừa thích, thế là chị ấy đã đi lấy chồng.

Xunhasaba nơi Linh Chi công tác có trụ sở ở số nhà 32 đường Hai Bà Trưng, gian ngoài dành để bày sách báo ngoại văn, phần lớn là sách báo tiếng Nga và tiếng Trung. Gian trong là một garlery bày đủ các loại tranh của rất nhiều hoạ sĩ gửi đến, tranh xếp thành đống ở các gốc tường. Trong cương vị là một hoạ sĩ chính, Linh Chi thường phải đi khắp thành phố, tìm tới nhà từng hoạ sĩ để chọn tranh. Rồi anh phải liên hệ với Hội Mỹ thuật, tiếp đại diện ban bảo vệ nội bộ, có lúc phải đạp xe lên tận uỷ ban Văn Hoá đối ngoại trực thuộc Phủ Thủ tướng. Một cơ quan dính đến nhiều cơ quan, dính tới nhiều mối quan hệ, nhiều nguyên tắc, Linh Chi là người có uy tín trong công việc vì anh rất biết làm việc. Từ Garlery bé nhỏ ấy những bức tranh của các hoạ sĩ ta đã theo nhau bay ra khắp thế giới. Khách ngoại quốc vào Hà Nội cũng thường lui tới ấy lùng tranh. Tranh bán thu ngoại tệ, trả cho các tác giả bằng tiền đồng theo giá nhà nước quy định, thế cũng đã mừng lắm.

Nhưng vẫn như thuở nào, Linh Chi thấy sốt ruột, một hai những chỉ mong thoát ra mọi ràng buộc để yên tâm ngồi vẽ. Anh cuốc bộ quanh Hồ Gươm nhiều buổi chiều, tự nhủ mình chỉ có thể là người sinh ra để sống với màu sắc, suốt đời lặn lội tìm kiếm những hình thái của cái đẹp bất diệt. Cô gái đứng ở quầy sách tiếng Pháp một hôm tò mò hỏi anh, thế nào là cá tính riêng của một hoạ sĩ. Linh Chi trả lời cô bằng một câu mà người Pháp thường hay nói, trong hội hoạ, kỹ thuật thể hiện chính là cá tính của mỗi hoạ sĩ. Dans la Peinture, la technique c’est la personnalité!

Trong khi Linh Chi quay về nhà thu mình trước giá vẽ thì cụ Hoa Bằng kia lại điềm nhiên bước ra cùng các bậc túc nho khác, bảo nhau lội vào đống sách Hán Nôm sắp bị mục nát, lội vào đấy vì một mong muốn cháy bỏng duy nhất là để mò tìm sắp xếp, để rà soát đánh giá, để dịch ra quốc ngữ, ngõ hầu làm sống lại những tư tưởng, làm sống lại những giá trị tinh thần rất quý báu mà tổ tiên từ nhiều thế kỷ qua đã vắt mình gửi lại cho con cháu mai sau. Một sự quay về can đảm và một sự bước ra cũng can đảm, tất cả đều là những chuẩn bị cho lâu dài. trong giàn đồng ca nhiều cung bậc khúc thức, họ là những người giữ bè trầm cùng với rất nhiều người vô danh khắp đất nước đang giữ bè trầm. Rất nhiều dự cảm, rất nhiều âm thầm gan góc, khiến ta giờ đây nhìn lại thật sự thấy phải kính nể. Tôi chưa được đọc nhiều sách của cụ, nhưng chỉ qua một buổi chiều đồng hành, bóng dáng cụ hiện lên trên con đường mòn từ Láng dẫn sang Vòng Cót khiến tôi nhìn theo mà đã se lòng xúc động. Kỳ nghiêm hồ, ba tiếng ấy mới cứng cỏi làm sao, nhiều nhắc nhở và kiêu sa làm sao.

Giữa những vạt rau xanh rờn, giữa những ngổn ngang gò đống, bóng cụ chập chờn ẩn hiện, lấp lánh sáng, lung linh một chấm sáng. Trong Khâm Thiên đài có Lung Linh tự, Lung Linh tự chẳng qua chỉ là một chấm sáng mà thôi, nhưng là một chấm sáng thiêng liêng ở một nơi trời đất thông nhau, trời đất mở ra tới vô cùng và gần nhau tới vô cùng. Một khi gột rửa được cho mình thật sạch sẽ, trở thành một vẻ đẹp trí tuệ, con người có thể đứng trước Lung Linh sự hệ trọng bậc nhất trong trời đất này cũng rất dễ hiểu, đó là chuyện mùa màng gặt hái, là mưa thuận gió hoà, là no ấm bình yên cho một xã tắc.

Tầm vóc một con người, nhân cách một con người có thể tìm thấy từ trong thành tựu sáng tạo, từ sự nghiệp của chính người ấy, nhưng rất có thể cũng chỉ cần nhìn vào cách sống, nhìn vào những hành vi ứng xử của người ấy. Cách sống giữa nhân gian, cách ứng xử trước thời cuộc, trước mỗi bước đi trên đường đời là sự bày tỏ nhân cách hết sức thành thật.

Cụ Vũ Tuấn Sán là một cử nhân Tây học nhưng cũng còn là một nhà Hán học, đã có lúc chính anh Bàng Sỹ Nguyên được ngồi nghe cụ giảng Kinh Dịch. Giảng ngay ở nhà cụ, một thầy một trò cùng ngồi trong một manh chiếu trải trên nền gạch mà lời vẫn vang lên hào sảng như thể đang đứng trên bục cao một tu viện nào. Sinh thời cụ Trần Văn Giáp, cụ Trần Lê Nhân đều đã từng khen cụ Sán có một nền tảng Hán học vững chãi.

Còn cụ Hoa Bằng có lần đã khen ông Xuân Diệu sức làm việc bằng nửa Viện Văn học, chứng cớ là nhà anh ấy đã cầm bút một mình bàn tới hầu hết các tác giả chủ yếu cận đại và cổ điển trong nền văn học nước nhà. Thế là một sức làm việc rất mạnh mẽ, nhưng thế cũng có thể hiểu là văn học mười thể kỷ vừa qua của chúng ta xem ra cũng khiêm tốn thôi, không lấy gì làm đồ sộ cho lắm. Nừu nó thật sự là lớn thì cho dù mạnh mẽ đến đâu cũng khó lòng kham nổi một công việc ôm trùm như vậy. Nghĩ đi nghĩ lại cũng chỉ thấy nhiều lắm là vài ba chục bóng người đáng kể, mà trong số ấy, trong số những người đứng ở hàng đầu vẫn chỉ thấy có Nguyễn Du là toàn bích hơn cả, Nguyễn Du lớn trong thơ Nôm, lớn trong thơ Hán, thơ chữ Hán của cụ mới thực là khuôn vàng thước ngọc, qua đó cụ đã tự khẳng định mình như một bậc thầy, ở đẳng cấp khó so sánh. Hai lần đi sức qua Trung Hoa cụ đã được người bên ấy dành cho một cách nhìn biệt nhãn, chuyến đi sau cụ được mời lưu lại thăm Trấn Cảnh Đức và đã để lại bút tích của mình trong chiếc đĩa sứ miền Giang Tây.

Một bài thơ tứ tuyệt vịnh con nước mùa thu với cạn mà vời vợi, thăm thẳm nỗi nhớ nhà, thăm thẳm bóng chim trong đáy xa, lênh đênh một kiếp phong trần. Người thợ vẽ tranh trên sứ phất răm ba nét phóng khoáng đủ gợi một con đò lênh đênh, đứng bên con đò lênh đênh là một ông già lòng khòng hai tay khoanh trong áo thụng râu tóc bơ phờ, ông lão nhìn vào xa xôi.

Mấy chục năm trước nhà văn Kim Lân đã có trong tay chiếc đĩa đó. Ông kiếm được từ một ông đồ già ngồi mài mực viết chữ ở trước cổng chợ Hôm. Ông đồ đặt chiếc đĩa trước mặt mình như để đợi một người biết. Ngày hôm đó cũng ở đấy nhà văn còn bỏ tiền ra mua thêm được một chiếc chén hình chuông có vẽ tùng hạc bay, gọi là tùng phong phóng hạc, chén hạ ẩm, và một chiếc đĩa có bài thơ vịnh mây, vịnh núi của vua Càn Long. Mây trắng lớp lớp trong núi xanh, mây trắng lớp lớp ngoài núi xanh, núi xanh trong ngoài đều phủ mây trắng, mây trắng bay đi rồi chỉ còn núi xanh ở lại. Ông Kim Lân gói tất cả cất vào tủ, chỉ bỏ ra ngắm mỗi khi vắng khách, một mình thong thả với một mình. Ông vẫn lấy làm buồn vì đã bỏ nhiều công sức mà chưa kiếm nổi một chiếc chén thành vại có chôn phẳng gọi là chén đông ẩm, để đi với chiếc đĩa có thơ Nguyễn Du. Tin ông Kim Lân có đồ quý không cánh mà bay, thế là ông Nguyễn Tuân mò đến liền. Ông đến luôn, lần nào cũng đòi được mang ra xem, Kim Lân hiểu lòng người bạn già mới bảo, ông đã thích thì tôi tặng cho ông, rồi xé tờ báo bọc thật kỹ từng kỷ vật. Đến lúc sắp về cõi vĩnh hằng ông Tuân lại mang tặng nó cho ông Phác, một người bạn chơi cây. Giơ nó trôi nổi đến đâu thì chịu không thể biết.

Hai chiếc đĩa là ở thời Thanh, còn chiếc chén hạ ẩm lại ở đời Thành Hoá nhà Minh. Khách sành chơi, sành săn đồ cổ hiểu như thế là cọc cạch, là mất giá, nhưng mấy ông nhà văn thì chỉ nghĩ đơn giản, phàm đã hiếm đều quý, phàm đã thuộc quá khứ đều là cổ. Cái khiến họ thấy bâng khuâng mỗi khi nhìn vào bộ chén đĩa cọc cạch đó chính là ở chỗ lòng họ thèm muốn được gặp lại bóng dáng xưa, bóng dáng văn hoá của những tháng năm một đi không còn trở lại. Không nhìn được như thế thì bất cứ mọi thứ gọi là đồ sứ cổ cũng chỉ là mảnh sành mảnh chĩnh mà thôi.

Cái dáng xưa, cái dấu xưa nó nằm đâu đó trong một nửa câu thơ, trong một mảnh gốm mảnh sứ, trên một bậc thềm rêu phong và thật thảng thốt nó nằm ngay trong lòng ta.

***

Cụ Hoa Bằng là chỗ thân thiết với cụ Ngô Tất Tố từ nhiều năm trước cách mạng tháng Tám, cả hai cụ đều cầm bút sớm vì đều sơm snặng lòng trước tình cảnh nước nhà. Một người nhìn thấu đáp kiếp sống đoạ đầy của người dân quê với những tập tục tối tăm đang trói buộc họ. Một người yêu sử sách, ưa bàn đến các danh lam thắng cảnh, thường xuyên biết chăm nom tiếng Việt hồn Việt. Xuất thân trong một gia đình khoa bảng vào buổi tao loạn, cụ tuy giỏi giang nhưng cũng không kịp thi cử gì, về điểm này có chỗ đồng cảm với cụ Tất Tố. Cụ Tất Tố cũng học giỏi, vác lều chõng dự khoa thi cuối cùng 1919, ở vòng loại dưới quê cụ đỗ đầu, dân trong vùng gọi cụ là Xứ Tố, nhưng đến lúc vào thi thật thì cụ bị đánh hỏng, rất nhiều người học hành giỏi giang lần ấy bị đánh hỏng, thôi có làm chi cái chữ nho. Việc cụ trượt lại đâm hay, trong thâm tâm cụ rất mong đỗ đạt để ra làm quan giúp dân giúp nước, nhưng liệu chắc gì đã giúp được dân được nước một khi thành quan, cho nên rất có thể thấy là vì cụ trượt mà nước nhà có thêm một nhà văn lớn, một nhà báo rất lớn.

Ngày trước nhà tôi cũng có một ông học hành nghe nói giỏi lắm, nhưng không buồn nghĩ tới chuyện thi cử, suốt năm suốt tháng chỉ ngồi trên một cái chõng tre, ôm giỏ ấm chè xanh đặt trên bàn tre. Người em trai lại khác hẳn, từ nhỏ đã thề phải học để ra làm quan. Năm ấy người em đỗ cao, trước khi lên đường nhậm chức, mặc áo thụng vào chào thầy mẹ và anh cả. Búng búng cái đóm tre ngâm, người anh thủng thẳng nói, bây giờ chú đủ lông đủ cánh để bay đi làm người ăn kẻ ở cho nhà người ta rồi.

Cụ Bùi Kỷ sau khi đậu phó bảng còn kịp qua Pháp học thêm mấy năm cùng một lần với cụ Phan Kế Toại, nhưng rồi đâu có chịu ra làm quan, cụ chọn nghề dạy học, viết báo. Cụ Trần Lê Nhân người gốc làng Bát Tràng cũng vậy, đỗ cử nhân xong ở nhà học tiếp, học đến già, đã có những năm cụ đứng giảng ở nhà Khai Trí Tiến Đức. Một lần Pháp cho người đến gợi ý muốn mời cụ ra làm thủ tướng chính quyền bù nhìn do ông Bảo Đại làm quốc trưởng, cụ bảo làm thế sao tiện, con trai đầu của tôi nó đang theo Cụ Hồ ngoài Việt Bắc kia kìa. Người con ngày tiếp quản Thủ đô ngồi một chiếc xe lầm bụi tạt về thăm nhà, gặp con ông cụ hỏi, Cụ Hồ cho anh làm đến chức gì mà có ôtô đi? Người con ngượng ngùng thưa lại, thưa thầy con đang là một Cục trưởng. Ông cụ cười, cục gì thì từ lần sau về nhà cũng nhớ phải đi bộ, tránh đừng rầm rộ.

Đồn rằng cuốn Nho giáo của cụ Trần Trọng Kim trước khi mang in đã được cụ phó bảng Bùi Kỷ xem lại. Em vợ nhờ cậy thì anh rể không thể không giúp. Sau khi sách in ra cụ Phan Khôi đã viết bài khen, nhưng lại bị cụ Ngô Tất Tố có bài chê. Gặp nhau ngoài kháng chiến cụ Tố còn trách cụ Phan, viết thế mà khen được thì lạ thật, cụ Phan tặc lưỡi, cũng biết vậy, nhưng ở đời khen chê có gì lớn lắm đâu.

Vào một năm đầu thập kỷ sáu mươi thế kỷ trước thành phố Hà Nội có lúc đã định chọn ngôi nhà cụ Phó bảng để làm nhà riêng cho ông đại sứ một nước nào đó. Biết chuyện ấy, Bác liền gọi hai vị Bí thư và Chủ tịch lên, vừa gặp Bác đã hỏi, Hà Nội hết nhà rồi hay sao mà các chú phải lấy nhà của ông cụ?

Lúc sắp qua đời, nằm ở nhà A Bệnh viện Việt Xô, cụ Phó bảng còn cầm bút viết lá thư bái biệt gửi lên Bác. Xem thế đủ thấy cách khu xử của các cụ nhuần nhị biết chừng nào.

Ngày Bắc mất báo Nhân dân cho người đi tìm học giả Cao Xuân Huy để xin cụ có một đôi lời. Ông cụ đã viết thế này, “Cụ Hồ là người cần kiệm mà không hà tiện, giản dị mà không lầm than, đầy đủ nhân trí dũng, đã có thể được gọi là một người lão thực”. Đấy là lời bàn của một học giả vốn là hậu duệ của một dòng tộc mấy đời làm quan Ngự sử dưới triều Nguyễn.

Một lần qua Mỹ nhà thơ Phạm Tiến Duật đã tìm đến thăm ông Bùi Diễm là con trai của cụ Phó bảng Buỳi Kỷ. Ông Diễm nguyên là tổng biên tập một tờ báo tiếng Anh tại Sào Gòn những năm sau 1954. Vào thời kỳ đó sớm các nhà báo phương Tây thường túm tụm với nhau bên những tách cà phê nóng trên tầng thượng mấy khách sạn lớn giữa lòng thành phố. Họ thăm dò nhau, trao đổi qua lại về đủ thứ chuyện thời cuộc, trong tay người nào cũng có cầm tờ báo vừa ra của ông Diễm. Với họ, đây mới chính là một người bạn tin cậy nhất.

Lúc gặp nhau anh Duật hỏi, thưa anh, liệu anh có thể nói thâu tóm chỉ bằng vài câu nước Mỹ là thế nào được không? Ông Diễm trả lời luôn, tôi qua bên này là để kế nhiệm ông Trần Văn Chương, làm đại sứ Việt Nam Cộng hoà tại Hoa Kỳ. Hết nhiệm kỳ ở đó được mời ở lại làm cố vấn cao cấp tại Liên hiệp quốc, đã có trên ba chục năm sống ở Mỹ vậy mà tôi vẫn chưa hiểu nỗi nước Mỹ. Anh Duật lại hỏi, chiến tranh Việt Nam chấm dứt khá lâu rồi, liệu đã tới lúc người Việt ở cả hai phía có thể ngồi lại chuyện trò với nhau trong cùng một mâm được chưa? Nghĩ hồi lâu ông Diễm nói, em rằng khó, có lẽ phải chờ đến lớp con cháu chúng ta, họ sẽ khôn ngoan hơn.

Rồi hai người quay sang nói chuyện về Hà Nội. Trở về chuyện Hà Nội bao giờ cũng dễ gần gũi và bao giờ cũng thú vị. Hà Nội hôm nay, Hà Nội thuở xưa, Hà Nội của mỗi người trong chúng ta, rất riêng tư mà cũng rất chung. Thời gian đi như nhựa lồng, thời gian thế đổi thay liên miên, những triều đại huy hoàng, những triều đại tàn lụi, thể kỷ nào cũng lắm vật vã, chỉ những góc thành cổ kính là vẫn còn đứng nguyên đó, chỉ những tiếng chào thưa lảnh lót của mấy bà mấy chị ta đang nghe thầm một lời nhắn nhủ dịu dàng.

Sông Hồ hạ về nước lên thu qua nước rút, bơ vơ bờ bãi, bơ vơ đám người, Hà Nội vẫn thế, lam lũ mà yêu dấu. Cuối năm 1945 cả nước gấp rút chuẩn bị tổng tuyển cử. Những ngày đó Bác Hồ thường cho một thư ký riêng của mình xuống liên lạc với cụ Nguyễn Văn Tố để trao đổi công việc. Nhà riêng cụ Tố ở phố Hàng Bạc. Cụ vốn đã đỗ cử nhân Hán học lúc mới ngoài hai mươi tuổi, qua Paris học tiếp bốn năm rồi về nước làm việc trong Viện Viễn dông Bác cổ. Là một trí thức yêu nước, cụ đã từng đứng ra tổ chức phong trào truyền bá chữ quốc ngữ được cả nước hưởng ứng mạnh mẽ. Nhiều năm cụ đi đi về về trên những con đường quanh co của khu phố cổ, bất kể mưa hay nắng bước ra khỏi nhà là cụ mang ô. Bóng một người đàn ông thấp nhỏ áo the khăn đóng đi men dưới mái hiên những ngôi nhà già nua đã thành một ấn tượng khó phai mờ trong đầu người Hà Nội, họ yêu quý gọi cụ là cụ Phán men.

Mỗi lần tới nhà cụ bàn việc, khi đứng dậy để ra về bao giờ người thư ký cũng không quên rút từ trong cặp ra một chai rượu ngon nói, thưa cụ, Bác cho tôi mang chai rượu xuống biếu cụ. Cụ Tố nhận rượu và cảm ơn.

Đến lần tặng rượu thứ ba, vừa đưa tay ra nhận rượu cụ Tố vừa nhỏ nhẹ nói, nhờ anh về thưa lại là Cụ hiểu lầm tôi rồi đấy. Người thư ký vội về thưa lại, Bác ngồi yên lặng hút thuốc. Rồi Bác quay ra hỏi, ông cụ trách vậy ý chú thì sao? Người thư ký nói, thưa bác hình như cụ Tố không uống rượu. Bác Hồ bật cười, phải, chúng ta đã nhầm, Phán men không phải là Phán rượu, đây là người men tường mà đi, quân tử nép tường mà đi, chú biết ai đã nói thế không, là Khổng Tử nói đấy.

Trong những bức tranh phố cổ của hoạ sĩ Bùi Xuân Phái, có bức vẽ một người đàn ông áo the khăn xếp mang ô đen đứng nép mình bên những bức tường gạch loang lổ hoang phế vào một chiều đông vắng lặng. Hà Nội hiện ra trong tranh của ông buồn một cách sang trọng. Và cũng còn một vẻ gì u uẩn nữa, như thể vẫn đang có bóng một chiếc ô lặng lẽ trôi trước cửa sổ những ngôi nhà nhấp nhô như sóng.

Tác giả : Đỗ Chu

(Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 155, tháng 8 năm 2007)

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.