Tranh đã 500 tuổi và giờ đây hầu như cả thế giới mặc nhiên coi đó là bức tranh đẹp nhất. Nhưng nếu bỗng có câu hỏi rằng: “Thế nó đẹp ở chỗ nào?” thì chắc gì đã có ai dám đứng ra trả lời đến nơi đến chốn, bởi cái đẹp là tùy mỗi người, nào ai cân-đong-đo-đếm làm gì. Tuy nhiên, trừ những người cùn hoặc cố tình trả lời qua quýt, còn với những thầy dạy môn Lịch sử Mỹ thuật thì đây là chuyện hết sức nghiêm túc và cần có lý giải thỏa đáng.

Do có may mắn nhiều lần được xem tranh trực tiếp, lại đọc nhiều sách có liên quan cũng như đã giảng dạy môn Lịch sử Mỹ thuật được vài năm nên chúng tôi xin mạo muội thử liều góp sức lý giải câu hỏi hóc búa trên đây. Rất mong các đồng nghiệp cùng tham gia tranh biện và chỉ bảo…

Nhưng trước hết, thiết tưởng ta phải xem Hồ sơ Tác giả và Tác phẩm trước đã chứ?

Hồ sơ tác giả LEONARDO DA VINCI

(Tiểu sử tóm tắt)

1. Họ tên: Leonardo da Vinci (tiếng Ý), nghĩa là Leonardo đến từ Vinci.
Leonard de Vinci (tiếng Pháp, cũng nghĩa như trên), là tên mà người Việt quen dùng do được biết đến vĩ nhân này từ thời Pháp thuộc, phiên âm ra là Lêôna đờ Vanhxi.
Nhưng Leonardo di ser Piero da Vinci mới là tên chuẩn và đầy đủ, nghĩa là Leonardo, con trai của ngài Piero, đến từ Vinci.

2. Vinci là một thị trấn – trước đây 5 thế kỷ còn là một làng, cách 30km về phía Tây thành phố Firenzé (tiếng Pháp gọi là Florence- trung tâm trọng yếu về văn hóa, khoa học, nghệ thuật thời Phục Hưng), nay thuộc tỉnh Firenzé, xứ Tuscany, vùng Trung-Bắc nước Ý. Chính xác hơn thì Leonardo không sinh ra ở Vinci mà tại trang trại Anchiano cách đó 3km.

Thị trấn Vinci ngày nay.

3. Sinh: 15. 4. 1452 tại Anchiano, ngoại vi Vinci, tỉnh Firenzé, xứ Tuscany, Ý.

4. Mất: 2. 5. 1519 tại Amboise, tỉnh Indre-et-Loire, vùng Trung tâm nước Pháp.

5. Tình trạng hôn nhân: độc thân suốt đời, không có bạn gái.

6. Nghề nghiệp: họa sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư, kỹ sư công binh, nhà giải phẫu, nhà toán học, hóa học, vật lý học, triết học, thiên văn học, nhà thơ, nhà văn, nhạc công, ca sĩ, nhà phát minh-sáng chế … nghề nào ông cũng thuộc loại giỏi nhất nhì thời Phục Hưng.

7. Nguồn gốc gia đình: con ngoài giá thú của công chứng viên giàu có Piero (năm đó 25 tuổi) và cô thôn nữ Catarina (năm đó 22 tuổi). Vì không môn đăng hộ đối nên bố không lấy mẹ, mẹ đi lấy chồng khác. Ông ngoại nuôi từ khi cai sữa, ông nội nuôi từ tuổi nhi đồng đến tuổi thiếu niên trong khi bố kết hôn 4 lần và có nhiều con khác.

Ngôi nhà nơi Leonardo đã sinh ra.

 

8. Từ 1469 đến 1477 (có tài liệu là từ 1466): được bố đưa đến Florence, theo học vẽ nội trú tại xưởng của Andrea del Verrocchio – một họa sĩ, nhà điêu khắc khá nổi tiếng thời đó.

9. Từ 1477: trở thành họa sĩ độc lập, có xưởng vẽ riêng, được đăng ký tên trong Phường thợ vẽ của thành Florence.

 

Bảo tàng Leonardo da Vinci tại thị trấn Vinci.

 

10. 1482 – 1483: được nhà cầm quyền Medici ở Florence bảo trợ.

11. Từ 1483: đi Milan làm tượng đài kỵ sĩ cho nhà cầm quyền Sforza (không hoàn thành).

12. 1495- 1497: vẽ tranh tường nổi tiếng Bữa ăn tối cuối cùng (còn gọi là The Last SupperLa CèneBữa tiệc lyCuộc hội kín…) trong nhà thờ Santa Maria della Grazie do Sforza đặt hàng (nay cả nhà thờ lẫn tranh đều được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới). Năm 1499 vua Pháp Louis XII chiếm Milan, định sai cưa tường đem tranh về Pháp vì thích quá (nhưng bất thành).

Bức tranh tường nổi tiếng “Bữa ăn tối cuối cùng”.

 

13. 1503- 1506 (có tài liệu cho là 1503- 1516): vẽ chân dung nổi tiếng La Gioconda, còn gọi là Mona Lisa.

14. 1504: cha mất, sau đó phải về Florence nhiều lần để ra tòa về việc phân chia tài sản thừa kế với 7 anh em trai cùng cha khác mẹ.

15. Từ 1507: chính thức trở thành kỹ sư và họa sĩ của vua Pháp Louis XII nhưng vẫn làm việc tại Milan (do Pháp chiếm đóng). Nghiên cứu giải phẫu cùng Marcantonio della Torre. Vẽ chân dung tự họa bằng sanguine (chì sáp nâu đỏ) khi gần 60 tuổi (hiện trong sưu tập của Thư viện Hoàng gia Biblioteca Reale ở Torino).

Chân dung tự họa của Leonardo da Vinci, chì sáp nâu (sanguine) trên giấy.

 

16. 1512 đến Roma, vẽ tại tòa thánh Vatican.

17. Từ 1516 sang Pháp theo lời mời của vua Pháp, ở lâu đài Cloux (Clos-Lucé) ở Amboise. Thực hiện một số công trình kỹ thuật và vẽ 2 bức tranh nổi tiếng khác là: Leda và Đức Mẹ đồng trinh trong hang đá.

18. 1518: vua Pháp Francois I mua bức La Gioconda qua môi giới của Salai- học trò của ông (theo tài liệu của Bảo tàng Louvre công bố năm 2005).

19. 1519: chết, thọ 67 tuổi. Đã làm di chúc trước khi qua đời để chia thừa kế cho các học trò đã tận tuỵ theo thầy đến cùng. Trò ngoan Francesco Melzi được thừa kế toàn bộ tài liệu và các cuốn sổ tay ghi chép nghiên cứu của thầy (theo sách Leonard de Vinci của tác giả E. Crispino, NXB Grund 2003). Trò hư Salai được thừa kế bức tranh La Gioconda, ngay năm đó đã bán cho vua Pháp Francois I lấy 4000 đồng tiền vàng (theo Wikipedia, bản tiếng Việt).

 

Hồ sơ tác phẩm “LA GIOCONDA” của Leonardo da Vinci

1. Tên tranhLa Gioconda (tiếng Ý) nghĩa là: Bà vợ ông Giocondo.
La Joconde (tiếng Pháp), cũng nghĩa như trên.
Mona Lisa nghĩa là: Quý bà Lisa.
Lisa del Giocondo nghĩa là: bà Lisa, vợ ông Giocondo.
Hiểu đầy đủ hơn thì đó là: Chân dung bà Lisa Gherardini, vợ ông Francesco del Giocondo.

2. Mục đích vẽ: theo đơn đặt hàng, vẽ bà vợ yêu của ông Giocondo – nhà buôn tơ lụa của thành Florence – để treo mừng nhà mới.

Leonardo da Vinci đang vẽ La Joconde, tranh khắc đồng của Charles Lemoine (1845).

 

3. Chất liệu: sơn dầu trên gỗ dương (poplar hay peuplier: cây dương, còn gọi là dương lá rung hay bạch dương, một loại thực vật xứ lạnh, hạt kín, có hoa, rụng lá về mùa đông nhưng không phải thông. Gỗ dương cứng, màu trắng hơi ngà, thớ mịn, nhẹ mà bền. Hy Lạp cổ đại và châu Âu trung cổ dùng làm khiên, bảng pha màu, ván ép, đàn guitar, đàn harp, bột giấy. Ấn Độ hiện đại dùng làm gỗ dán).

4. Kích thước: 77 x 53cm, tấm gỗ dày 1,3cm, tranh theo chiều đứng.

5. Địa điểm vẽ: ban đầu tại xưởng vẽ của Leonardo ở Florence. Hàng ngày xe ngựa chở bà Lisa đến để vẽ trực tiếp. Về sau tác giả chỉnh sửa tiếp không cần mẫu nữa.

6. Đặc điểm nhân vật: không phải là thiếu nữ 18 mà là thiếu phụ, đã qua thời xuân sắc nhưng vẫn còn đằm thắm, duyên thầm. Sắc đẹp chỉ vào loại trung bình khá, không sắc sảo rực rỡ, không có lông mày. Nhân đây xin lưu ý các độc giả: giá trị nghệ thuật không phải ở chỗ cứ vẽ nhân vật đẹp nhất thì thành kiệt tác, ngược lại cũng chẳng phải vì vẽ người xấu nhất mà tranh vứt vào sọt rác. Kiệt tác không căn cứ vào nhan sắc của người mẫu mà tùy thuộc vào tài năng của tác giả.

7. Quá trình vẽ: 1503- 1506 vẽ tại xưởng của tác giả ở Florence, sau đó bỏ bẵng 4 năm rồi sửa tiếp. Hoàn thành năm 1516. Giả thiết khác cho biết tác giả còn chỉnh sửa đến tận 1519.

8a. 1518 (theo sách La Joconde do Bảo tàng Louvre và tạp chí Connaissance des Arts hợp tác xuất bản năm 2005) vua Pháp Francois I mua thông qua môi giới là học trò Salai (theo thầy từ Ý sang Pháp), không rõ giá cả. Như vậy là mua trước khi tác giả mất.

8b. 1519 (theo từ điển trên mạng Wikipedia, bản tiếng Việt) vua Pháp Francois I mua lại của người thừa kế Salai (sau khi tác giả mất) với giá 4000 đồng florin vàng (tài liệu khác là đồng écu vàng) rồi treo trong lâu đài Fontainebleau. Vua Louis XIV cho chuyển tranh tới cung điện Versailles. Sau Cách mạng Tư sản 1789 được đưa tới cung điện Louvre để thành lập Bảo tàng quốc gia. Từ cuối 1799 Napoleon yêu thích tới mức sai lấy về treo trong phòng ngủ tại cung điện Tuileries. Từ 1804 trở lại Louvre đến nay.

9. Được đưa đi cất giấu nhiều lần tại các nơi trên đất Pháp vào thời chiến tranh Pháp- Phổ (1870- 1871), Đại chiến thế giới I (1914- 1918), Đại chiến thế giới II (1939- 1945).

10. Được công chúng Pháp biết đến rộng rãi từ nửa cuối thế kỷ XIX sau khi phái Biểu tượng (Symbolisme) ca ngợi hết lời trên các báo chí. Nổi tiếng khắp châu Âu sau vụ mất trộm năm 1911- 1913. Nổi tiếng khắp thế giới sau khi triển lãm tại Mỹ (1962- 1963) và Nhật, Nga (1974).

11. Hiện có 4 bức Gioconda và Mona Lisa khác:
1/ Prado Gioconda,
2/ Isleworth Mona Lisa,
3/ Vernon Mona Lisa,
4/ Reynolds’s Mona Lisa

Với nhiều nghi vấn: hoặc là bản vẽ thử của tác giả, hoặc là bản chép của các học trò, hoặc là bản chép có phần phóng tác hồi các thế kỷ XVI, XVII, XVIII. Các bản này đều giống về loại sơn và cách vẽ nhưng lại có ít nhiều khác biệt so với bản gốc về nền toan, đặc điểm nhân vật, trang phục, phong cảnh… Tất nhiên là không thèm kể vô số tranh chép ở nửa cuối thế kỷ XX.

1. Prado Gioconda

 

2. Isleworth Mona Lisa

 

3. Vernon Mona Lisa

 

4. Reynolds’s Mona Lisa

 

12. Mất trộm và bị phá hoại:
– 21. 8. 1911 bị nhân viên bảo tàng là Vincenzo Peruggia (người Ý) lấy cắp mang về Ý vì cho rằng đó là tài sản của nước Ý chứ không phải của nước Pháp. 1913 trộm Peruggia định bán cho Bảo tàng Uffizi ở Firenzé thì bị cảnh sát Ý bắt. Sau đó nước Ý cho triển lãm tại Bảo tàng Uffizi và Roma rồi trao trả Pháp (theo luật quốc tế thì đó là tài sản của nước Pháp sau khi vua Pháp đã mua và trả tiền sòng phẳng).

Ảnh cảnh sát chụp vị trí treo tranh La Gioconda sau khi mất trộm năm 1911.

 

Chân dung trộm Peruggia khi chụp ảnh làm thẻ căn cước.

 

Lễ đón nhận bức tranh bị mất trở về Pháp.

 

– 1956 bị một khán giả hắt axit vào phần dưới tranh, phải mất rất nhiều công tu sửa.

– 30. 12. 1956 bị khán giả Ugo Ungaza Villegas (người Bolivia) ném đá làm mất một mẩu màu ở khuỷu tay trái (sau được tô lại). Kể từ 1957 tranh được che bằng kính chắn đạn.

– Tháng 4.1974 bị một phụ nữ tàn tật phun sơn đỏ vào mặt kính bảo vệ khi tranh đang bày tại Bảo tàng quốc gia Tokyo.

– 2. 8. 2009 bị một phụ nữ Nga ném một cốc trà bằng đất nung (mua tại quầy lưu niệm ngay tại Louvre) làm vỡ kính bảo vệ (may tranh không sao).

– Từ 6. 4. 2005 đến nay được bày riêng trên một bức tường ở Salle des Etats (vẫn trong Louvre), có kính chắn đạn, có điều hòa nhiệt độ và độ ẩm, có hàng rào ngăn cách, có 2 nam- nữ cảnh sát cao to đứng trực sát hàng rào để đề phòng khách lấn rào.

13. Lượng khách xem hàng năm: 6 triệu năm 2005, hơn 8 triệu năm 2011. Ai đã vào tham quan Louvre thì hầu như đều xem Mona Lisa, dù có người đã nhẵn mặt bức này. Hễ bảo tàng đã mở cửa thì bao giờ trước mặt tranh cũng có khoảng 30-50 khách đang chen chúc để xem với thái độ đau khổ vì đông quá.

Lượng khách trước tranh Mona Lisa ở bảo tàng Louvre.

 

14. Triển lãm tại nước ngoài
– 1913 bày tại Uffizi (Firenzé) và Roma-Ý, trước khi trao trả về Pháp.

– Tháng 12. 1962 đến tháng 3. 1963: triển lãm tại New York và Washington DC. Khoảng 2 triệu người đã đến xem tranh trong thời gian 3 tháng.

– 1974 đi triển lãm tại Tokyo (Nhật) và Mockva (Liên xô). Tại Tokyo mỗi ngày có 20.000 khán giả đến xem tranh.

15. Trị giá thực

– 4000 đồng florin (hoặc écu) vàng năm 1519, nghe đồn phải chở bằng 3 cỗ xe ngựa.

– 1962, trước khi đi bày ở New York, hai bên Pháp-Mỹ đã nhất trí mua bảo hiểm 100 triệu USD. Sau đó họ lại không mua mà chi dùng rất nhiều vào việc bảo vệ đến từng li cho tranh.

– 2009, người ta thử tính toán lại, có bù trừ lạm phát thì tranh trị giá khoảng 700 triệu USD. Nếu tin vào con số này thì đây là kỷ lục thế giới mọi thời đại, bỏ cách rất xa các giá tranh kỷ lục khác như tranh No 5, 1948 của Jackson Pollok, bán tháng 11. 2006 cũng chỉ đạt tới 140 triệu USD mà đã được coi như kỷ lục.

16. Chuyện thị phi

Bất cứ ai quá nổi tiếng đều bị ít nhiều điều tiếng thị phi. Bức tranh La Gioconda cũng là một điển hình cho chuyện này.

– Từng có nhiều ý kiến bác bỏ rằng người mẫu là Lisa- vợ của ông Giocondo và gán vai này cho khoảng 10 người khác, ví dụ như: nữ hầu tước Isabella d’Este, cô nhân tình Patrificia của nhà quý tộc Medici, con gái riêng tên là Caterina hoặc con gái ruột tên là Bianca Giovanna của nhà quý tộc Sforza hay một gái điếm cao cấp có biệt danh Hổ cái… thậm chí có giả thiết cho rằng chính tác giả đã tự họa mặt mình (!). Tất nhiên tất cả đều thiếu thuyết phục.

– Cũng từng có vô số chẩn đoán rất khó nghe rằng: người mẫu bị điếc, bị móm, bị đau răng, lại đang mang thai hay đang có tang hoặc đang… hứng tình, thậm chí là đàn ông giả gái hay… đồng tính.v.v… Thật là nhảm nhí vô độ! Xin các bạn đọc đừng bận tâm. Chúng ta không xem tranh vì mục đích ấy.


17. Tranh thị phi

Cũng vì ghen với kiệt tác quá nổi tiếng này mà nhiều hoạ sĩ đã vẽ tranh để nhại hay nhạo báng, điển hình trong số đó là:

– 1883 bị Eugène Bataille vẽ đả kích Mona Lisa đang ngậm tẩu nhả khói chữ O.

Tranh thị phi của Eugene Bataille.

 

– 1919 bị Marcel Duchamp vẽ thêm râu ria lên một phiên bản, đặt tên là L.H.O.O.Q.

– 1930 bị Fernand Léger vẽ tranh lập thể, lấy tên là La Joconde với chùm chìa khóa.

– 1954 bị Salvador Dali tự họa đè lên phiên bản và thêm đôi tay lông lá đang cầm tiền, đặt tên là Self portrait as Mona Lisa.

– 1963 bị Andy Warhol làm tranh in lưới cùng một lúc có tới 29 hình Mona Lisa và đặt tên là Thirty are Better than One (30 tốt hơn 1).

– 1971 bị Rick Meyerowitz vẽ tranh affiche Mona Gorilla với đầu đười ươi.

 

– 1974 bị Terry Pastor vẽ tranh Magritta Lisa bị lấp mặt sau quả táo xanh.
– 1974 bị Chester Browton vẽ tranh A Chip Off the Old Block với cô gái tóc trắng hở ngực đang ngồi trước bức La Gioconda bị buộc 2 vòng dây đỏ.
– 1977 bị Rita Greer vẽ tranh Mona Lisamouse với đầu chuột.

 

 

– Mona Lisa của họa sĩ Mai Trung Thứ

 

 

Tác giả :  Họa sĩ Nguyễn Đức Hòa

(Còn tiếp)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.