Hiện nay chúng ta đang nỗ lực chọn ra một mẫu lễ phục, nhất là cho nam giới, để xử dụng một cách thống nhất cho các lễ lạc quốc gia và ngoại giao. Các ý kiến trải rộng từ các trang phục truyền thống dân tộc cho đến trang phục Tây phương đang thông dụng. Cả hai dòng này đều nên được cân nhắc, tìm hiểu kỹ để khỏi áy náy về sau.

Có ý kiến cho rằng nên dùng Âu phục, tức là bộ đồ vét (veston) Tây phương, với vài phụ kiện như giải vải choàng chéo qua vai (tức là giải sash hay riband), làm lễ phục ngoại giao và yến tiệc cho nước ta. Trước khi xem xét về lễ phục truyền thống Việt Nam, hãy tìm hiểu thêm về lịch sử, chức năng chính thức, cũng như nguyên tắc về cách xử dụng các loại lễ phục Tây phương phổ thông trên thế giới hiện nay.

Những kiểu cách ra đời…

Năm 1666, vua nước Anh là Charles II, phỏng theo cách ăn mặc của triều đình vua Louis XIV đương thời bên Pháp, ra quy định chính thức về triều phục cho các quan chức trong triều đình Anh Quốc. Lễ phục này đại khái gồm có một áo khoác dài với tay chẽn gọi là frock-coat (hay gọi tắt là frock). Bên trong áo frock là áo mặc trong (petticoat, tiền thân của áo gi-lê). Trong nữa là áo lót vải trắng (tiền thân của áo sơ-mi). Rồi một cái cra-vát trắng quấn cổ (tiền thân của cả nơ lẫn cra-vát ngày nay), một quần lửng bó chân (breeches), tóc giả đội đầu, mũ, tất bó chân và giầy da đen. Đây là quy định thành văn đầu tiên của lễ phục triều đình bên châu Âu. Triều đình các nước châu Âu khác sau đó đều theo quy định này.

Vua Charles II mặc triều phục

 

Từ các thế kỷ 9, 10, trong các dịp trang trọng, người Âu châu cả nam lẫn nữ đều mặc loại trang phục gọi là Frock đó. Người Pháp, Ý, Tây Ban Nha gọi áo Frock là Frac, trong khi người Đức, Áo gọi là Frack. Thật ra frock chỉ có nghĩa đơn giản là áo dài với tay bó chẽn, giống áo dài của nước ta. Đến thế kỷ thứ 12, người ta mặc ra ngoài cái frock một loại áo dài khác may bằng vải dầy hơn, mở phía trước và với tay rộng hơn. Áo này gọi là frock coat, có nghĩa là áo khoác. Cho đến thời vua Charles II nó được cắt ngắn bớt đến trên dưới đầu gối, được may với ý định rõ ràng là trang phục nghi lễ, và vẫn được gọi là frock-coat, hay đơn giản hơn là coat (áo khoác ngoài).

Áo frock nam và nữ thời Phục Hưng (phục dựng)

 

Trong giai đoạn Cách mạng Pháp và chiến tranh Napoleon cuối thế kỷ 18, áo frock-coat được cắt ngắn phần trước cho tiện việc cưỡi ngựa và xử dụng kiếm đeo bên hông. Áo này được gọi là áo cắt vạt (cutaway frock-coat) hay áo kỵ mã (riding coat, tiếng Pháp là redingote). Đây là tiền thân của áo đuôi tôm (áo nơ trắng, hay tailcoat) sau này.

Đến cuối triều vua George III (1760-1820) của nước Anh, nhà thiết kế thời trang lừng danh ở nước này là George Brummel (1778-1840) đã đổi mẫu triều phục bằng cách thay quần lửng bằng quần dài. Đến giai đoạn Nhiếp Chính (Regency) của Thái tử George IV (1811-1820), ông Brummel lại đổi áo khoác (coat) của lễ phục triều đình thành mầu đen hoặc lam đậm cho các đại lễ. Cùng lúc đó ông cũng thiết kế áo sơ-mi lót có cổ bẻ và cổ tay bó như chúng ta vẫn mặc hiện nay. Và cra-vát bắt đầu được ông Brummel cho thắt nút.

Áo lót mặc bên trong được ông Brunnel cho cắt ngắn ngang bụng, gọi là waistcoat (tức là gi-lê), và may bằng vải mầu trắng hay đen để làm nổi cái giải đeo bội tinh gọi là sash hay cordon choàng chéo từ một bên vai ngoài áo gi-lê và bên trong áo khoác ngoài.

 

Georges “Beau” Brummel (1805)

 

Các mẫu lễ phục của Georges Brummel đầu thế kỷ 19. Từ trái: Áo sơ-mi cổ bẻ và cổ tay bó; áo đuôi tôm khuy đôi với nịt bụng cummerbund; áo đuôi tôm khuy đơn với gi-lê; quần dài

 

 

Cùng thời Nhiếp Chính này người ta lại cũng bắt đầu đơn giản hóa các vòng dây đeo kiếm vấn quanh bụng thành một giải băng rộng độ 15 cm với nhiều nếp gấp ngang, dấu vết của các vòng vấn bụng ngày xưa. Đây là sự hình thành của cái nịt bụng gọi là cummerbund, được mặc với trang phục nơ-đen, hay Tuxedo, sau này. Nịt cummerbund được đeo với phần gấp hướng lên phía trên.

Hoàng tế Albert (1819-1861), chồng Nữ hoàng Victoria (1837-1901) của nước Anh, cũng là người đặt dấu ấn lớn cho trang phục nam giới châu Âu. Nguyên tắc đồ bộ, nghĩa là quần áo may bằng cùng loại vải và cùng mầu, được bắt đầu từ ý kiến của Hoàng tế. Lễ phục cho quốc lễ, đại lễ trong giai đoạn này là áo đuôi tôm cutaway frock-coat mầu đen cài chéo vạt với hai hàng khuy. Áo lễ cho những dịp kém quan trọng cũng cắt như thế, nhưng có vạt trước cài thẳng dọc trước bụng với khuy đơn (nhưng thường để mở không cài khuy). Để tiện cho những buổi cưỡi ngựa ban ngày, Hoàng tế cho cắt vạt trước của áo cutaway-coat khuy đơn từ trước bụng vát chéo vào đuôi tôm phía sau. Áo này gọi là morning-coat (áo-ban-ngày), hay được gọi là trang phục Hoàng-tế Albert (Prince-Albert coat). Morning-coat được mặc phổ biến và có cùng chức năng đa dụng như kiểu bộ đồ veston hiện nay. Các hoàng gia châu Âu như thông lệ, vẫn đều tiếp tục phỏng theo cách ăn mặc của hoàng gia Anh.

Nhưng các đột phá quan trọng về trang phục phái nam đều xẩy ra dưới thời vua Edward VII (1901-1910), người kế vị nữ hoàng Victoria. Các Âu phục chúng ta mặc bây giờ đều được hình thành từ triều đại của vị vua này. Đại lễ phục nơ trắng (white-tie, tức là áo đuôi tôm) được hoàn thiện vào thời kỳ đó. Đại lễ phục nơ trắng từ giai đoạn này có vạt trước mở với khuy đơn không cài để khoe giải giây sash của bội tinh bên trong.

Lễ phục nơ trắng gồm áo đuôi tôm (luôn luôn mầu đen) bên ngoài với cổ áo được may bằng sa tanh đen cùng loại vải với nẹp dọc hai bên ống quần, nơ đeo cổ bằng sa tanh mầu trắng, một áo gi-lê mầu trắng bên trong, áo sơ mi với cổ bẻ hình tam giác (wing tip), quần dài cùng loại vải với áo đuôi tôm, giây đeo quần (bretels), giầy da đen bóng nước (patented leather) và tất đen trong suốt (hose). Mặc lễ phục nơ trắng không đeo nịt bụng cummerbund.

Ngoài ra, năm 1886, Edward VII, khi đó còn là hoàng thái tử, có lần tổ chức dạ tiệc khoản đãi bạn thân là triệu phú cà phê người Mỹ tên James Potter. Vì đây không phải là quốc yến, nhưng lại có tầm quan trọng, cho nên James Potter không biết phải ăn mặc thế nào. Hoàng thái tử bèn cho thợ may riêng là Henry Poole ở London thiết kế một bộ trang phục đặc biệt cho khách quý, lấy mẫu từ đại lễ phục nơ trắng, nhưng cắt ngắn đi. Khi James Potter về nhà ở Tuxedo Park, bang New York, bộ lễ phục kiểu mới này đã chinh phục toàn thể giới thượng lưu ở Mỹ. Từ đó nó được gọi là bộ Tuxedo và trở thành phổ thông trên toàn cầu. Về sau này Tuxedo được mặc với nơ đen, và gọi là black-tie, hay dinner jacket, cho các dịp lễ kém quan trọng.

 

James Potter (chính giữa, hàng bên trong) và bạn bè giới thiệu trang phục Tuxedo (khi đó vẫn đeo nơ trắng) ở New York (1886)

 

Lễ phục nơ đen (Tuxedo) gồm áo vét với cổ áo được may bằng sa tanh cùng loại vải với nẹp dọc hai bên ống quần, nơ đeo cổ bằng sa tanh đen, không có gi-lê nhưng có yếm che ngực độn cứng (hiện nay hay được thay bằng các nếp xếp nhỏ dọc trước ngực áo), áo sơ mi cổ tam giác bẻ, Quần cùng loại vải với áo vét, dây nịt bụng cummerbund, giây đeo quần, giầy da bóng nước và tất đen trong suốt.

Áo sơ mi của cả lễ phục nơ trắng lẫn nơ đen đều không có khuy cài, mà được gắn bằng các hột khuy rời gọi là studs, cùng bộ với các hột măng-xét cài ở tay áo. Khi đã đeo nơ trên cổ áo sơ mi thì không bao giờ đeo thắt lưng. Thay vào đó người ta dùng giây đeo quần choàng từ sau lưng qua vai, gọi là bretels.

Các phụ kiện của lễ phục nơ trắng và nơ đen:

 

Dải nịt bụng (cummerbund)

 

Dây đeo quần (bretels)

 

Và việc quan trọng nữa trong thời vua Edward VII là các loại áo morning-coat bắt đầu được cắt ngắn ngang mông cho gọn để mặc trong các dịp xem tranh tài thể thao hay đi chơi biển, và gọi là lounge-suit (đồ bộ thư giãn để mặc ở các quán bar hay câu lạc bộ). Lounge-suit đậm mầu dần dần cũng được mặc trong các buổi hội nghị, hội thảo, và được gọi là business-suit (đồ bộ công tác). Khi ấy trong các cuộc hội nghị, giới đứng tuổi vẫn mặc morning-coat, trong khi giới trẻ cấp tiến hơn bắt đầu mặc business-suit.

Bộ business-suit khi mặc đầy đủ với áo gi-lê bên trong thì gọi là complet (com-lê, tức là đầy đủ), hay suits. Sau này để đơn giản hóa và thoải mái hơn trong mùa nực, người ta bỏ gi-lê đi và gọi là veston (tức bộ đồ vét). Âu phục, tức bộ đồ vét phổ thông ở nước ta hiện nay, đã ra đời như thế.

 

Từ trái sang: Lễ phục nơ đen (Tuxedo), lễ phục nơ trắng (tailcoat) và bộ com-lê (complet)

 

Giải thích sự hình thành của Tuxedo (1887)

Mặc lúc nào, mặc cái gì?

Ngày nay, theo như thể lệ của hầu như tất cả các nước mặc Âu phục trên thế giới, đại lễ phục nơ trắng (white-tie), tức áo đuôi tôm, được mặc trong những dịp lễ trong đại như quốc lễ, quốc yến, v.v., nhất là ở các đại lễ buổi tối, sau 18 giờ. Nếu các quốc yến khai mạc từ sớm hơn trong buổi chiều thì người ta vẫn có thể mặc lễ phục này.

Trong những dịp lễ kém quan trọng hơn quốc lễ, quốc yến như tiệc cưới, yến tiệc cơ quan, tang lễ, người ta mặc lễ phục nơ đen (black-tie), tức là Tuxedo, hay bây giờ còn được gọi là dinner jacket. Riêng ở Mỹ, nếu dự tiệc quan trọng ở các hiệp hội hay câu lạc bộ trong mùa hè với khí hậu nóng bức, thì áo vét đen của bộ black-tie có thể được thay bằng áo vét trắng may cùng kiểu. Nhưng các lề lối về phụ kiện như cổ áo sơ-mi may rời (wing-tip), nơ, nịt bụng cummerbund, khuy áo rời (studs), tất đen trong suốt (hose), và giầy da đen bóng nước (patented-leather)… của black-tie vẫn phải được tuân thủ.

Các nguyên thủ quốc gia mặc business-suit và morning-coat ở hội nghị Versailles (1919)

 

Thông dụng hơn nữa là Âu phục hay đồ bộ veston (business-suit hay lounge-suit). Loại trang phục này vẫn được xử dụng đúng như tên của nó đã ấn định, tức là ở các buổi làm việc, hội họp công việc, hay khi thư giãn ở các quán Bar, câu lạc bộ.

 

Đám cưới người Việt bên Mỹ, với chú rể và phù rể mặc lễ phục nơ đen (Tuxedo)

 

Đeo dải chéo hay không?

Nguyên tắc về dải đeo chéo vai (sash hay còn gọi là ribbon hay riband) với lễ phục trong nghi lễ cũng được các nước quy định nghiêm túc. Nguyên ủy sash là dải vải dài quấn choàng chéo qua vai rồi quấn chặt vòng nhiều vòng quanh bụng để đeo kiếm. Về sau, khi các bội tinh (order hay ordre) được thành lập thì phần gốc của bội tinh được đeo ở phần ngang hông của dải sash, phía trên kiếm. Vua Charles I (1600-1649) của nước Anh là người đầu tiên tách rời dải sash ra khỏi các vòng dây đeo kiếm, và biến dải sash thành một phần của bội tinh để trang trí trên triều phục.

Vua Charles đệ Nhất của nước Anh với dải sash đeo độc lập với nịt bụng

 

Bội tinh lúc đầu được triều đình Âu châu thời Trung cổ tạo ra để thưởng công cho các hiệp sỹ của mình. Nhưng về sau này bội tinh được trao cho những người có công với đất nước. Dọc theo lịch sử, mỗi nước tạo ra nhiều bội tinh khác để phong thưởng cho các loại công trạng với đẳng cấp khác nhau. Theo thông lệ thì khi dự quốc lễ hay quốc yến ở nước nào, nếu đã được ban tặng bội tinh của nước đó thì khi dự lễ phải đeo.

Vua, Hoàng hậu Thái Lan cùng Tổng thống Phillipines và phu nhân, với các bội tinh quốc gia và giải sash

 

Bội tinh đầu tiên trên thế giới là Bội tinh Ga-tơ (Order of the Garter) được vua Edward III (1327-1377) nước Anh lập ra ngày 23 tháng 4 năm 1344 để phong thưởng cho các hiệp sỹ phò tá mình trong chiến tranh với Pháp. Quy định về bội tinh này được hoàn chỉnh năm 1448.

Ngày 6 tháng 11 năm 1351, vua Jean II (1350-1364) nước Pháp cũng phỏng theo triều đình Anh quốc đặt ra Bội tinh Bắc đẩu (Ordre de L’Etoile) của Pháp để đối chọi lại. Các Hoàng gia Âu châu sau đó cũng lập ra các bội tinh của mình. Nước Á châu đầu tiên lập ra bội tinh là Nhật Bản thời Minh Trị (1868-1912), với Bội tinh Mặt trời mọc được ban hành năm 1875 có dải sash mầu trắng viền đỏ. Sau đó là Trung Hoa và các nước khác như Thái Lan, Mã Lai, hay các nước Đông Dương. Đại Nam Long tinh đầu tiên của Việt Nam được Vua Đồng Khánh ban bố ngày 14 tháng 3 năm 1886, với giải sash mầu xanh nõn chuối viền da cam. Nhiều nước không có hoàng gia, như Phillipines, Indonesia, các nước Phi châu và các nước trung, nam Mỹ trong thế kỷ 20 cũng tạo bội tinh để tặng, thưởng trong việc công cán và bang giao. Bội tinh cao quý nhất của Liên bang Xô-viết là Bội tinh Lenin được thiết lập ngày 06 tháng 4, 1930 với dải ribbon đỏ (về sau được thay bằng dải đeo huy chương đỏ viền kép mầu vàng).

 

Đại Nam Long Tinh triều Nguyễn Việt Nam với giải sash

 

http://nghethuatxua.com/wp-admin/post.php?post=1279&action=edit&message=10

Bội tinh Lenin

 

Lúc đầu các dải sash đều đơn sắc, thường là xanh trời, đen hay đỏ. Chiều rộng trung bình là 10 cm, và dài khoảng trên dưới 150 cm. Dải sash thường được làm bằng vải taffeta tơ tầm dầy sợi, dệt nổi vân, sản xuất ở Bologne, nước Ý. Giải sash được đeo vào trong lễ phục, ngoài áo gi-lê; hay đeo ra ngoài võ phục kín cổ. Nếu mặc áo frock-coat dài cài kín theo lối cổ đại thì sash được đeo chéo vai ra ngoài áo. Không được đeo sash đè trực tiếp lên các chi tiết trang trí khác của trang phục như cra-vát hay huân, huy chương. Trong các thế kỷ sau đó các hoàng gia châu Âu đều tạo ra sash của mình, và tuân thủ theo cách đeo này. Từ những năm giữa thế kỷ 20, các nước bắt đầu tạo sash đa sắc, để phân biệt đẳng cấp và chủng loại các bội tinh khác nhau của mỗi nước.

 

Cách đeo bội tinh và dải sash. Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải trong lễ phục white-tie với Bội tinh Mặt trời mọc của Nhật Bản (ảnh: Tuổi Trẻ)

 

Quy định về ăn mặc cũng như cách đeo bội tinh hay huân, huy chương được các quốc gia ấn định rõ, và gần như đồng bộ. Bộ Ngoại Giao mỗi nước thường có cơ quan nghi lễ để lo việc này. Ở các nước nói tiếng Anh như Mỹ hay Canada, cơ quan này gọi là Protocol Office. Mọi nghi lễ đều được cơ quan nghi lễ am tường và tuân thủ chu đáo. Ngay như thái độ của một nguyên thủ quốc gia thường được thể hiện qua mầu sắc của cra-vát cho từng trường hợp và tính chất của mỗi hội nghị quốc tế mà vị đó tham dự. Cơ quan nghi lễ phải được thông báo và sửa soạn kỹ điều này trước hội nghị. Và theo quy định quốc tế thì bội tinh, và như thế là dải sash, chỉ được đeo vào lễ phục, cho nên không được dùng với các loại thường phục như bộ veston.

http://nghethuatxua.com/wp-admin/post.php?post=1279&action=edit&message=10

Dòng cuối ghi: Không đeo bội tinh (dải sash) với bộ đồ vét (Văn phòng Nghi lễ bộ Ngoại Giao Canada)

 

Gần đây có trường hợp cố Tổng thống Hugo Chavez của Venezuela, khi còn sinh thời và đương chức, đã định phá lệ bằng cách đeo dải sash khi mặc veston. Bội tinh đầu tiên của Venezuela là Orden de los Liberadores do Tổng thống Simon Bolivar (1783-1830) lập ra ngày 14 tháng 9 năm 1813, từ trước khi ông trở thành tổng thống năm 1819. Ông Chavez thường xử dụng Bội tinh Francisco de Miranda của Tổng thống Eleazar Lopez Contreras ban hành ngày 28 tháng 7 năm 1939, với dải sash lúc nguyên thủy có mầu vàng tươi. Nhưng Tổng thống Chavez muốn thay đổi cổ lệ bằng cách đeo bội tinh này với dải sash mầu cờ Venezuela rộng gần 20 cm ra bên ngoài áo veston, và đè lên cra-vát. Việc này đã gây nhiều phê phán trên thế giới.

Khi đã chấp nhận gia nhập toàn cầu hóa thì các quốc gia đều nên tuân thủ các thông lệ và mực thước văn minh toàn cầu.

 

Tổng thống Venezuela với bội tinh và giải sash

Lễ phục Việt Nam một thời: Áo dài

Lễ phục trong tiếp tân triều đình vua Bảo Đại

Lễ phục và trang phục truyền thống của mỗi dân tộc luôn được hình thành sau một quá trình lịch sử lâu dài; và bao giờ cũng phải tuân thủ các nguyên tắc về phong tục, lễ nghi, văn hóa bản địa. Ngoài ra các yếu tố thẩm mỹ dựa theo nhân dáng cũng như đức tính đặc thù của dân tộc đó cũng phải được tôn trọng. Các nguyên tắc này gần như bất biến và được truyền nối, kế thừa qua các triều đại và thời đại.

Ở nước ta, sự kế tiếp truyền nối trải dài từ thời Đinh, Lê, Lý lập quốc, được thể hiện cho đến triều Nguyễn, trước khi nó bị chặn đứng bởi nền văn hóa ngoại lai do thực dân Tây phương áp đặt lên chúng ta từ cuối thế kỷ 19. Trang phục và chữ viết theo lối Tây phương quả có nhiều thuận tiện. Nhưng người Nhật vẫn được cả thế giới kính nể vì những tiến bộ về kinh tế, khoa học, song song với văn hóa truyền thống của họ, mà họ đâu có cần mẫu tự La Tinh. Và người Nhật rất tự hào với lễ phục truyền thống nghìn năm tuổi rất rườm rà, nhưng được cả thế giới kính phục, hâm mộ của mình.

Trước nay cũng đã có nhiều dự định sáng tạo ra lễ phục, hay ít nhất là trang phục phổ thông, trên thế giới. Tỷ dụ như áo đại cán của Trung Quốc, hay áo Nehru ở Ấn Độ. Nhưng chúng thường chỉ xuất hiện thoảng qua rồi đi vào thất sủng vì không hợp với hồn dân tộc hay thẩm mỹ.

Ngoài ra cũng có trường hợp muốn tạo ra trang phục tổng hợp cho các dân tộc, nhưng chưa thấy trường hợp nào đạt kết quả. Điển hình là nỗ lực của Hoàng hậu “Sissi” Elizabeth (1854-1898) của Áo. Từ năm 1867, Elizabeth được phong làm nữ vương của Hungary, Bohemia và Croatia. Bà thật sự yêu mến các dân tộc này, và muốn hòa đồng với tất cả bằng cách tạo ra một trang phục chung có đủ tinh thần của cả bốn nước, để tiện cho các dịp lễ trong toàn thể Đế quốc Áo-Hung. Nhưng chuyện không thành vì trang phục truyền thống của các nước đó đều khác biệt rõ nét. Và các dân tộc này rất hãnh diện với nền văn hóa riêng của họ, vì thế nếu áp đặt sẽ dễ gây hận thù, nguy hiểm. Dự định của Nữ hoàng Sissi kéo dài được mấy năm rồi đành phải bỏ lửng.

Trước đó Người Mãn Thanh cũng không thành công trong công việc dung hòa quần áo Hán, Mãn. Và ở Việt Nam thì sau bao năm Vua Minh Mạng vẫn không khiến được dân đàng Ngoài ăn mặc theo lối đàng Trong, và các triều vua Nguyễn sau đành bỏ qua việc này. Để cho đến mấy mươi năm trước đây phụ nữ Bắc bộ vẫn còn thung dung với “quần không đáy” và áo tứ thân.

Việc cố gắng thay đổi quan niệm trang phục truyền thống lâu đời của một dân tộc thường không đạt kết quả. Lấy thí dụ ở áo dài Việt Nam. Từ thời Pháp thuộc cho đến nay đã có không biết bao nhiêu người cố gắng thay đổi cái áo dài phụ nữ, nhưng phần nhiều vì không hiểu các quy tắc về tâm hồn Việt, cũng như thiếu quan tâm về vấn đề nhân dáng, mỹ thuật mà đã không thành công. Các cụ ta ngày xưa luôn tôn trọng tính kín đáo của phụ nữ Việt, và các cụ cũng hiểu rất rõ về các ưu và khuyết điểm trong nhân dáng của người mình. Theo phong cách sống kín đáo cho nên tóc luôn che dấu trong khăn và cổ phải che kín đấy, nhưng các cụ biến khăn cuộn tóc thành nhỏ gọn để khoe gáy, trong khi cổ áo rất thấp và ôm cổ. Như thế để cho cái cổ thường không cao của phụ nữ Việt trông cao và thanh tú hơn khi mặc áo dài. Cách cắt tay áo và vai, ngực ôm trong khi eo và tà buông thả của áo dài cổ truyền cũng để cho người phụ nữ già trẻ, béo gầy hay cao thấp khi mặc vào trông cũng đều trang nhã. Một người to bụng nhưng vì không hiểu biết mà muốn mặc áo dài bó chặt eo thì thật phản cảm, mất thẩm mỹ.

Cũng vì lý do này mà dù cố gắng nhiều, nhưng các đại phu nhân họ Tống của thời Dân Quốc đầu thập niên 1920 bên Trung Hoa cũng không thành công trong việc quảng bá áo xường xám của họ lâu dài vào lịch sử trang phục Trung Quốc. Chân phụ nữ Trung Hoa phần lớn không thon dài đủ để được khoe ra như thế. Trong khi cổ của họ cũng không cao đủ để chịu đựng cái cổ áo cao, cứng ngắc đó. Áo xường xám vì thế chưa bao giờ được giới sành điệu trên thế giới để ý, và luôn bị cho là một phiên bản không thành công từ áo dài Việt Nam.

Lễ phục của các nước Đồng văn (dùng chữ Hán, trọng Khổng giáo, như Trung Quốc, Nhật, Hàn, Việt) ngày xưa đều lấy gốc từ các quy định trong sách lễ Trung Hoa cổ. Các loại trang phục này được phân loại theo cách cắt của cổ áo. Theo cách phân loại này thì ngày xưa nước ta có ba dạng lễ phục: giao lĩnh, trực lĩnh và bàn lĩnh. Tất cả các áo lễ đều được gọi chung là áo rộng vì được may rất rộng; với tay áo to, dài quá khổ.

 

Cổ áo truyền thống của các nước Đồng văn, từ trái sang: Giao lĩnh, trực lĩnh, bàn lĩnh

Các loại lễ phục truyền thống Việt Nam, từ trái qua: Giao lĩnh, bàn lĩnh, bàn lĩnh với cổ đứng (áo tấc, áo dài), trực lĩnh

1. Giao lĩnh, hay đối lĩnh, có cổ cắt vạt chéo cài sang bên phải. Đây là lễ phục trang trọng nhất trong các lễ phục cổ truyền, được mặc trong các lễ tế. Cao cấp hơn cả của loại này là áo cổn ở trong cung, may bằng đoạn thất thể rất quý hiếm, thường được vua, quan mặc trong lễ tế Giao. Trong triều còn loại giao lĩnh gọi là phổ phục, hay bổ phục, là loại áo giao lĩnh may bằng vải mầu lam đơn sắc mặc trong những lễ thường triều hay các buổi tập dượt cho các kỳ đại tế. Khi mặc phổ phục phải đeo bổ tử (tức là khuôn vải hình vuông trên có thêu các hình tượng ấn định cấp bậc người đeo) ở trước ngực và sau lưng.

Áo phổ phục giao lĩnh với bổ tử và mũ đuôi én (Hà Nội 1915 – ảnh Mạnh Hải)

Ngoài hương phố thì loại lễ phục này được gọi đơn giản là áo giao lĩnh, áo thụng, và được mặc ở các lễ tế đình, miếu. Áo may rất rộng, xẻ bên hông. Áo này trong dân gian thường được may bằng vải dệt bằng sợi bông, gai, tơ tầm đơn sắc mầu lam các loại. Tay áo giao lĩnh cắt thụng, lúc buông xuống dài bằng gấu áo. Khi mặc giao lĩnh để tế Giao thì vua quan đội mũ miện. Lúc mặc phổ phục trong các lễ thường triều của triều đình thì quan văn đội mũ Xuân Thu và quan võ đội mũ Hổ Đầu. Trong các lễ thường hay ngoài dân gian thì người ta đội mũ đuôi én. Các nước Đồng văn trọng Khổng giáo ở Á châu như Trung Quốc, Nhật, Hàn và Việt Nam đều có áo này. Không có chứng tích phụ nữ mặc lễ phục giao lĩnh dưới thời Nguyễn. Hiện nay trong nhiều lễ tế đình ở các làng, xã, nam giới Việt vẫn mặc loại lễ phục này.

Một quan văn mặc phổ phục thường triều, đội mão Xuân Thu (Collection Pa ssignal)

2. Trực lĩnh, tức là áo có vạt xẻ dọc và cài khuy ở giữa thân trước. Lễ phục trực lĩnh trong cung thời Nguyễn dành riêng cho các bà và gọi là áo mệnh phụ hay áo tràng. Áo này không được vua quan, nam phái trong triều đình Việt Nam xử dụng.

Áo mệnh phụ trực lĩnh của bậc trưởng công chúa

Trong khi đó các nam đạo sỹ Lão giáo bên Trung Quốc lại có mặc áo được may y hệt như áo mệnh phụ của phụ nữ Việt. Áo nhật bình của các sư sãi trong nước cũng thuộc dạng trực lĩnh. Lễ phục trực lĩnh cũng may rộng, xẻ bên, và có tay cắt thụng dài bằng gấu. Áo được xẻ vạt bên hông. Áo trực lĩnh phổ thông nhất ngoài dân gian nước ta là áo dài tứ thân của phụ nữ miền quê Bắc bộ, nhưng áo này không thuộc chủng loại lễ phục. Phụ nữ trong cung vấn khăn vành dây khi mặc áo mệnh phụ.

3. Bàn lĩnh, tức áo cắt cổ tròn, vạt cài sang phải. Ở trong cung áo này được cả nam lẫn nữ phái xử dụng dưới dạng long, phượng, và mãng bào; cho lần lượt vua, hậu phi, và các vương công, quan lại mặc trong đại lễ. Các áo bào này được may bằng gấm thất thể hay ngũ thể quý hiếm. Áo rất rộng, xẻ bên. Tay cắt thụng dài bằng gấu áo. Áo được mặc trong các lễ đại triều, triều yến. Khi mặc triều phục bàn lĩnh người ta đội các loại mão bình thiên, bình đính, phốc đầu, nữ quan tùy trường hợp.

 

Vua Bảo Đại mặc áo hoàng bào bàn lĩnh

 

Nhưng lễ phục bàn lĩnh phổ thông nhất ngày xưa của người Việt, cả ở trong cung lẫn ngoài phố, là bàn lĩnh có cổ đứng (cổ xây), gọi là áo Tấc. Áo cắt rộng, xẻ bên, với tay thụng dài bằng gấu, cài khuy phải như áo dài. Áo rộng đi đôi với khăn vấn cho cả nam lẫn nữ, và sau này được thay bằng khăn xếp cho nam giới. Áo Tấc rất thông dụng, được mặc trong các lễ yết miếu, từ đường, việc hỷ, cũng như các việc thăm viếng quan trọng.

Một hoàng phi trong áo Tấc nữ

Áo Tấc nam

Áo tấc trong lễ lạc gia đình

Áo dài năm thân, tức bì bào, với cổ đứng cũng thuộc dạng bàn lĩnh. Gọi là năm thân, hay năm tà, vì áo được gép bằng 5 mảnh vải. Mỗi thân trước, sau gồm 2 mảnh nối lại với nhau dọc giữa thân, gọi là nối sống. Thêm vào đó là tà phụ bên phải trong vạt trước cho kín đáo. Phải cắt như thế vì khổ vải ngày xưa rất hẹp. Sau này vải Tây phương nhập vào với khổ rộng cho nên hai thân trước, sau không phải nối sống, và áo dài trở thành 3 thân như ngày nay.

Áo dài năm thân cũng được kể là lễ phục, vì được mặc vào bên trong tất cả các loại áo bào kể trên khi làm lễ. Thường xuyên suốt trong các buổi lễ người ta mặc áo dài, và chỉ khoác áo bào vào khi hành lễ. Hành lễ xong lại cởi áo bào ra và chỉ mặc áo dài. Trong các tiếp tân, lễ lạc, người nước ta mặc áo dài. Vào các dịp tiếp tân trọng đại trong triều đình thời cuối Nguyễn, người ta đeo thêm các huân, huy chương, hay bội tinh với giải đeo (sash), lên áo dài, theo như lệ mặc áo frock thời cổ bên Âu châu. Ở ngoài phố, khi có khách đến thăm bất ngờ thì chủ nhà cũng chỉ khoác vội lên người cái áo dài là xong.

Cả nam lẫn nữ giới đều vấn khăn khi mặc áo tấc và áo dài. Từ đầu thế kỷ 20 đàn ông Việt thay khăn vấn bằng khăn xếp đóng sẵn.

 

Hoàng-thái-tử Bảo Long với áo dài năm thân và dây sash đeo phần gốc của Đại- Nam Long-bội-tinh (dự quốc yến của triều đình Anh Quốc năm 1952)

Các áo lễ mùa thu, đông (từ tháng 10 đến tháng 02 âm lịch) được may bằng các loại vải dầy như gấm, đoạn. Từ tháng 02 đến tháng 10, tức xuân, hạ, thì may bằng vải mỏng như sa, the với lớp may lót bằng các loại vải mộc như bông, gai cho mát. Áo lễ dài hơn áo dài bên trong khoảng 2 cm, cho cả nam lẫn nữ.

Ngoài ra còn một chi tiết rất quan trọng trong quy định về lễ, triều phục ngày xưa, là khi mặc áo trong các đại lễ thì không được để lộ cho thấy quần. Đây là để thể hiện tính kín đáo của ông cha mình. Cho nên trong các loại áo bào phải có cái xiêm may kín hai sườn mặc bên trong áo bào để che quần. Nếu trong khi hành lễ mà bị lộ quần thì vua sẽ bị các ngự sử, và quan thì bị đô sát, hặc tội. Ở các triều lễ, người ta mặc 2 lớp áo dài xẻ bên ra ngoài quần, kế đó là cái xiêm mở phía trước và ngoài cùng là áo bào xẻ bên. Điều này dĩ nhiên nay đã không còn, nhưng các nhà làm phim nên biết khi muốn dựng phim tài liệu cổ trang cho chính xác.

 

Xiêm của các cấp Nhất và Nhị phẩm

Áo tấc (bàn lĩnh) với cổ đứng và áo dài là 2 loại lễ phục đặc trưng Việt. Không nước nào khác trên thế giới có hai loại trang phục này ngoài nước ta. Tiếc rằng ngày nay cả áo dài lẫn khăn xếp nam phái ở nước ta thường bị nữ hóa để trở nên lòe loẹt, thõng thượt, mất hết sự trang trọng và vẻ nam tính.

Tác giả: Trịnh Bách
Nguồn: soi house

1 thought on “Lịch sử lễ phục việt nam

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.