Không ồn ào như một số trò tiêu khiển khác, thú chơi cổ ngoạn từ lâu đã như một mạch nước ngầm trong dòng chảy văn hóa của dân tộc, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của con người. Tuy mỗi người có một lý do riêng để chơi nhưng nói chung đây là một thú chơi đòi hỏi rất nhiều công sức, tốn kém. Chính vì vậy, khi đã theo đuổi thú chơi này nhiều người bỗng say mê đến lạ kì. Không ít người chơi cổ ngoạn tìm được đồ quý liền bỏ công sức để tìm thầy, tìm thợ lý giải cho mình hiểu về dòng đồ mình đang có, hay những chữ nghĩa cùng hiệu đề trên đồ này. Đôi khi vì đam mê nên cũng không ít người khi mới bắt đầu chơi cổ ngoạn đã phải trả “học phí” rất cao cho những đồ mình “cầm không chắc” mà vẫn cứ “rơi tiền”, âu cũng là thói thường khi “Vạn sự khởi đầu nan”. Nhưng để cho sự trả giá không “đắng chát lưỡi”, khi ta đổ cả “đống tiền” ra để vác về một đồ mới, đồ “đểu” thì người chơi cổ ngoạn cần có sự va đập nhiều. Từ rất lâu rồi, vì lợi nhuận nên đã không ít những kẻ trục lợi tìm cách chế ra đồ giả cổ nhằm lừa gạt những người mới bắt đầu vào nghề, thậm chí lừa gạt cả những người có vốn nghề kha khá. Bởi có những đồ làm giả tinh xảo đến mức mà người chơi lâu ngày, có chút kinh nghiệm cũng bị “vả” những quả đồ copy chí mạng đến độ chỉ biết cầm đồ “đểu” mà chửi “thằng đểu” lừa mình.
Sau nhiều năm theo những bậc tiền bối, được sự chỉ giáo từ những cây đa, cây đề trong giới cổ ngoạn. Tôi cũng tích cóp được đôi chút kiến thức hạn hẹp chẳng biết có đáng kể chi không, nay chắp bút viết ra mong sẽ giúp được phần nào những người đồng thú khi mới bắt tay vào chơi đồ cổ có chút vũ khí chống lại những kẻ trục lợi thiếu lương tâm đem đồ mới đi lừa gạt người trong giới đam mê cổ vật chúng ta. Và cũng muốn nhận được sự chia sẻ, đóng góp ý kiến từ những bậc thức giả.
VỀ ĐỒ GỐM SỨ:
Có lẽ, đồ gốm sứ là dòng đồ từ lâu được nhiều người trong giới cổ ngoạn chú ý sưu tầm nhiều hơn hết thảy, bởi vẻ đẹp và độ bền của nó. Chính điều này đã làm cho việc xuất hiện nhiều đồ gốm sứ giả với số lượng lớn và với những mức độ lừa gạt tinh xảo đến thất kinh hồn vía cho những ai đã từng ăn phải “quả đắng” một lần. Mánh khoé của những kẻ làm giả đồ gốm sứ thường diễn ra theo các cung bậc như sau:
Đầu tiên có thể kể đến dòng đồ giả bị “nuốt men”: Dòng đồ bị “nuốt men” được những kẻ chế tác đồ giả cổ làm ra khá tinh xảo. Với kinh nghiệm trong quá trình tiếp xúc và nghiên cứu đồ thật, bọn chúng sẽ chế ra một dòng đồ đúng với kích thước, khuôn mẫu của đồ thật này. Sau khi hoàn thành và cho ra lò một mẻ “đồ giả”, chúng liền đặt đồ này lên một bàn xoay, cho bàn xoay chậm đều trên một trục cố định, còn phía đối diện chúng lại dùng một máy bắn cát cho cát bắn vào đồ giả nhằm làm mòn lớp men ngoài để đánh lừa kiểu “nuốt men” của thời gian với đồ đó. Đầu tiên bắn cát khắp thân đồ, sau đến bên trong đồ cuối cùng là đáy của đồ.
Với cách làm trên, những kẻ làm đồ giả cổ dễ lừa người chưa nhiều kinh nghiệm “va đồ”. Bởi tâm lý và cách xét đoán của người mới chơi đồ thường hay phiến diện, trong mắt họ khi nhìn đồ cứ bị “nuốt men” thì tin đó là đồ cổ. Nhưng kì thực, nhận xét đó chưa thật chuẩn, vì khi nhìn kĩ những dòng đồ giả này, vô hình chung cách bắn cát mà chúng sử dụng để “nuốt men” đã tự minh chứng đồ đó là “đồ lởm” rồi. Vì theo nguyên tắc của mòn thời gian thì cách “nuốt men” trên đồ cổ không bao giờ đều nhau như kiểu bắn cát. Nếu là đồ cổ thật thì chỗ bị “nuốt men” sẽ không đều nhau, men ở những chỗ dễ tiếp xúc bao giờ cũng bị nuốt nhiều, ví như men ở thân đồ; còn men ở những nơi ít tiếp xúc sẽ bị nuốt ít hơn ví như men ở trong và ở đáy đồ. Thậm chí, có những chỗ sâu nằm giao kề giữa những điểm cao của đồ thì men bị nuốt dù lâu ngày cũng gần như không bị tác động. Ngược lại, với cách bắn cát thì men bị nuốt sẽ mòn đều như nhau, kể cả những nơi khó tiếp xúc nhất cũng bị mòn, bị “nuốt men”. Vì thế, khi mua một đồ nào đó, dù to hay nhỏ bạn cũng nên quan sát thật kĩ bằng mắt thường và bằng những dụng cụ phụ trợ khác. Đừng để khi vác đồ về nhà rồi mới lại hối, khi đó e không còn kịp nữa.
Thứ hai có thể kể đến dòng đồ giả như đồ đào:
Những kẻ làm giả dòng đồ này rất tinh xảo, sau khi chế được một đồ giả theo nguyên mẫu đồ thật, bọn chúng sẽ đem đồ đến một nơi nào đó chôn xuống đất. Sau một thời gian, chúng sẽ đi thuê một đội cửu vạn. Đội cửu vạn này có thể là người mà chúng quen biết, có thể là người chúng không quen biết. Đội quân làm thuê sẽ được kẻ làm giả đồ thuê đến một khu đất rộng để đào bới, tiền công tính theo ngày khoảng 100.000 – 150.000/ngày. Với yêu cầu chúng đưa ra, đào được cái gì dưới đất thì chúng lấy, không đào được gì thì chúng cũng trả tiền. Sau khi thoả thuận đôi bên đi ra bãi đất đào, có thể vài ba hôm đầu bọn chúng sẽ chỉ nơi không chôn đồ, những người này vẫn có tiền mang về. Nhưng đến vài ngày sau bọn chúng mới chỉ đúng chỗ có giấu đồ giả và hiển nhiên số đồ giả này sẽ được khai quật bởi những con người lương thiện bị giật dây bởi kẻ thiếu lương tâm thuê mướn.
Sau khi số đồ được đưa lên mặt đất thì chính đội quân cửu vạn lương thiện sẽ vô tình lại trở thành đội quân tuyên truyền quảng cáo về mớ “đồ quý” mà mình vừa giúp “ông chủ thiếu lương tâm” thuê khai quật. Dĩ nhiên, sau khi nghe những người lao động chất phác nói, nhiều người chơi cổ ngoạn đã tin vào một kịch bản tươi sáng chứ không mấy người hồ nghi về mới đồ giả. Dù người chơi cổ ngoạn có đi tìm vị chí đào, người đào thì mọi thông tin đều là thực, chỉ có đồ là giả mà thôi.
Kịch bản thứ hai cũng thường được dựng là kẻ làm đồ giả thông đồng với một người khác để mang số lượng đồ giả này đến nhà kẻ thông đồng đánh lừa người chơi cổ ngoạn. Kịch bản thường như sau: sau khi thông đồng và ngã giá chia chác với kẻ tiếp tay lừa gạt, bọn làm giả đồ sẽ tung tin là nhà ông A, bà B nào đó trong khi đào thùng vôi, hoặc đào móng nhà vớ được một số đồ quý. Bọn chúng tình nguyện dẫn người chơi đồ đến để mua nhưng với yêu cầu xin ít tiền hoa hồng. Khi đến nơi, người mua sẽ được nghe rất nhiều tình tiết li kì trong việc vô tình đào được đồ, và với một mớ thông tin hỗn loạn này người mua dễ dẫn đến bị “ăn phải quả đắng”.
Vì vậy, khi mua đồ thì bạn cũng nên tham khảo người xung quanh vừa phải và tin cũng vừa phải mà thôi. Quan trọng nhất vẫn là bạn, và chuyên gia tư vấn cho bạn, đây là một điều quan trọng hơn hết thảy. Để nhận biết về dòng đồ đào giả ta có thể thông qua một vài chi tiết sau:
Nếu như là đồ cổ đào thì thời gian đồ nằm dưới lòng đất rất dài. Điều đó đồng nghĩa với việc thẩm thấu, ngậm nước của đồ là lớn nên lớp men ngoài thường bị “thuỷ phá” rạn từng mảng không đều, điều này không thể xảy ra ở đồ mới nằm dưới lòng đất một thời gian ngắn. Hơn nữa, khi những người không phải trong nghề khai quật thì cứ thấy đồ cổ là mang lên. Việc mang đồ đột ngột ra khỏi nơi chôn sẽ làm đồ có những vết rạn lớn, bởi đồ này thiếu sự làm cứng từ ôxy. Vì thế, không nên tin tuyệt đối vào đồ của những người dân chưa từng gặp đồ bao giờ mà lại có đồ đào quá toàn hoả được. Như vậy, việc nhận biết vết rạn do “thuỷ phá” là điều đầu tiên để nhận ra sự chân – nguỵ của những đồ đào.
Hơn nữa khi đồ đào mang lên một thời gian dài thì cốt của đồ bao giờ cũng bị giãn nở hơn đồ mới rất nhiều. Bởi đây là việc bình thường của hiện tượng bay hơi của nước để lại trên gốm, sứ. Nên để kiểm tra đồ đào, bạn có thể dùng một vật cứng, ví như chiếc chìa khoá vạch vào đáy đồ một vạch và dùng nước chè để thử độ thẩm thấu và độ ám màu vào đồ. Nếu như nước hút nhanh nhưng để lại độ ám màu ít và dường như không thấy thì đó là đồ cổ đào thật. Ngược lại nước chè thẩm thấu chậm mà lại bị ám màu nhiều thì thôi, bạn không nên tư duy với những đồ như vậy nữa.
Thứ hai, đồ đào khi nằm dưới lòng đất sẽ thường có dấu hiệu “hoa đất”. Hoa đất là hiện tượng những mảng đất có cấu tạo từ những thành phần nguyên tố khác nhau, và những mảng đất bám nông hay sâu vào đồ khác nhau tạo ra. Một khi đồ có thời gian nằm dưới đất khai quật lên bao giờ cũng để lại từng mảng ố trông như những hoạ tiết “gấm hoa” việc tạo ra hoa gấm như vậy chỉ có thời gian mới làm được, chứ sức người thì không thể. Khi nói chuyện với một số anh em chơi đồ, tôi vẫn thường khuyên không nên dùng chất tẩy rửa mạnh ra tẩy đồ. Việc làm như vậy chẳng khác gì với việc phá hoại đồ cổ. Vì làm như vậy đã vô tình lột mất chiếc áo mà thời gian phủ lên đồ cổ thực. Chiếc áo này ở đồ mới sẽ không bao giờ có được, nên nhân đây tôi khuyên những ai có đồ cổ chỉ nên lau sạch chứ không nên tẩy đồ. Việc tẩy rửa làm đồ của mình dễ bị đánh đồng với đồ mới. Như thế uổng biết bao!
Trong một vài năm gần đây việc phát hiện ra những con tàu cổ bị đắm đã làm cho một số dòng đồ bớt khan hiếm, nhưng cũng làm xuất hiện một vài dòng đồ rất quý được phát hiện. Điều đó đã làm cho những kẻ làm giả đồ vớt dùng mánh khoé lừa gạt người chơi cổ ngoạn. Cách làm giả đồ vớt của những kẻ bất lương nhằm trục lợi thường theo cách sau: sau khi làm được một đồ giả theo nguyên mẫu đồ thật, bọn chúng sẽ tìm những nơi có nhiều hà đem thả số đồ này xuống đó một thời gian, hà sẽ bám lên đồ và tạo nên sự ăn men loang lổ trông như thật. Nói trông giống như vậy thôi, nhưng trông kĩ thì hai đồ thật – giả này lại khác nhau nhiều và để nhận ra sự chân nguỵ của đồ thì chúng ta nên chú ý những điểm sau:
Về nước men của đồ vớt: So với những đồ nổi, đồ đào thì men của đồ vớt bao giờ cũng bị nước biển ăn đó là hiện tượng “mặn hoá” đồ nên men xác sâu, đều, tuy nhiên các điểm chú ý là chân đồ, nếu là đồ vớt cổ thật thì xung quanh chân đồ màu sắc khá đều, thường thì có màu trắng ngà, độ trắng đục và nhìn như còn ánh nước ướt bên trong nếu là chỗ hở cốt, (trong khi đó đồ giả thường là trắng tinh, trắng sáng”, đồ thật thì chỗ thắt sâu nhất men gần như còn nguyên mặc dù men xung quanh có thể bị “bợt” đi nhiều. Còn đồ giả thì men trông lôm nhôm, nhìn như bị bôi bẩn, đây cũng là kĩ thuật phổ biến dùng hóa chất làm đồ giả, hà bám vào đồ không tạo thành tầng, mảng, không ăn sâu vào cốt mà chỉ ở phía ngoài và loang lổ.
Trên đây là một vài điểm đáng chú ý của kỹ thuật và nghệ thuật làm đồ giả cổ và bán đồ giả cổ, nhưng hiện nay, công nghệ mua bán trên mạng đang được ứng dụng nên việc trao đổi đồ cổ trong những năm gần đây đã thay đổi nhiều, đồ không chỉ được đem bán là đồ giả mà còn là đồ ảo, đồ không như mô tả mà sứt mẻ cũng chỉnh sửa trên ảnh cho lành. Cuối cùng người thiệt vẫn là người đi mua. Công nghệ thông tin có nhiều mặt tích cực nhưng mặt tiêu cực của nó cũng không phải là ít. Tuy nhiên, không phải tất cả những người trong giới cổ ngoạn đều “chú tâm lừa gạt” như thế, chỉ bọn “con buôn tầm thường” mới sử dụng những mánh khóe này. Cho nên chỉ có chất người thực sự và cái tâm chân tình trong thú chơi cổ ngoạn mới giúp người chơi khỏi bị mờ mắt vì tiền mà lừa đảo cả những người cùng hội với mình.
Chúng tôi sẽ tiếp tục với một vài kỹ thuật làm giả trên đồ sứ và đồ đồng, đồ gỗ trong những bài viết sau này. Nhưng trước hết xin dừng lại ở đây để chúng ta cùng suy ngẫm…
Tac gia: Nguyễn Văn Chiến